15
GIẢI PHÁP CHO SẤY LÚA VÀ XU HƯỚNG PHÁT TRIỂN MÔ HÌNH SẤY LÚA Ở ĐỒNG BẰNG SÔNG CỬU LONG TS. Phạm Văn Tấn Phó Giám đốc Phân Viện Cơ điện Nông nghiệp & Công nghệ Sau Thu hoạch 1. Tình hình sản xuất, xuất khẩu và tổn thất sau thu hoạch lúa gạo ở ĐBSCL Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) có tổng diện tích đất tự nhiên khoảng 3,94 triệu hécta, chiếm 12,1% tổng diện tích đất của cả nước. Nó là vựa lúa lớn nhất của cả nước với tổng diện tích gieo trồng khoảng 3,86 triệu hécta với sản lượng hằng năm đạt khoảng 21 triệu tấn, chiếm 50% tổng sản lượng lúa của cả nước. Xuất khẩu gạo trung bình hằng năm của cả nước từ 6,5 đến 7,0 triệu tấn với giá trị khoảng 3,2 – 3,7 tỉ USD nhưng ĐBSCL đóng góp đến 90-95% khối lượng. Sản xuất lúa của ĐBSCL trong những năm gần đây có những bước phát triển đáng khích lệ, đóng góp quan trọng cho an ninh lương thực quốc gia và cho ổn định kinh tế vĩ mô của Việt Nam. Mặc dù vậy, tổn thất sau thu hoạch còn cao (13,7%), nhất là ở khâu phơi sấy (4,2%). Theo tính toán sơ bộ, nếu giá trung bình của mỗi kg lúa là 5.000 Đồng, thì tổn thất sau thu hoạch hằng năm của ĐBSCL lên đến 13.700 tỉ Đồng (5.000.000 Đ/tấn x 20.000.000 tấn lúa/măm x 13,7%), tương đương 652 triệu Đô la Mỹ. Trong đó, khâu phơi sấy chiếm tối thiểu là 33% của tổng mất mát. ĐBSCL có 3 vụ lúa trong năm, thì tổn thất trong khâu phơi sấy của vụ lúa Hè-Thu là cao nhất. Ngoài ra, giá gạo xuất khẩu của Việt Nam luôn thấp hơn của Thái Lan từ 30 USD/tấn đến 100 USD/tấn tùy theo từng thời kỳ. Thị trường của hạt gạo Việt Nam chủ yếu là thị trường gạo cấp thấp (chiếm 85%) và thiếu tính ổn định. Vì vậy, đời sống của nông dân trồng lúa ở ĐBSCL chưa được cải thiện tương xứng với sự đóng góp của họ. Cùng với một số yếu tố khác, 1/10

5 Pham Van Tan

Embed Size (px)

Citation preview

Page 1: 5 Pham Van Tan

GIẢI PHÁP CHO SẤY LÚA VÀ XU HƯỚNG PHÁT TRIỂN

MÔ HÌNH SẤY LÚA Ở ĐỒNG BẰNG SÔNG CỬU LONG

TS. Phạm Văn Tấn

Phó Giám đốc Phân Viện Cơ điện Nông nghiệp & Công nghệ Sau Thu hoạch

1. Tình hình sản xuất, xuất khẩu và tổn thất sau thu hoạch lúa gạo ở ĐBSCL

Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) có tổng diện tích đất tự nhiên khoảng 3,94 triệu hécta, chiếm 12,1% tổng diện tích đất của cả nước. Nó là vựa lúa lớn nhất của cả nước với tổng diện tích gieo trồng khoảng 3,86 triệu hécta với sản lượng hằng năm đạt khoảng 21 triệu tấn, chiếm 50% tổng sản lượng lúa của cả nước. Xuất khẩu gạo trung bình hằng năm của cả nước từ 6,5 đến 7,0 triệu tấn với giá trị khoảng 3,2 – 3,7 tỉ USD nhưng ĐBSCL đóng góp đến 90-95% khối lượng. Sản xuất lúa của ĐBSCL trong những năm gần đây có những bước phát triển đáng khích lệ, đóng góp quan trọng cho an ninh lương thực quốc gia và cho ổn định kinh tế vĩ mô của Việt Nam. Mặc dù vậy, tổn thất sau thu hoạch còn cao (13,7%), nhất là ở khâu phơi sấy (4,2%). Theo tính toán sơ bộ, nếu giá trung bình của mỗi kg lúa là 5.000 Đồng, thì tổn thất sau thu hoạch hằng năm của ĐBSCL lên đến 13.700 tỉ Đồng (5.000.000 Đ/tấn x 20.000.000 tấn lúa/măm x 13,7%), tương đương 652 triệu Đô la Mỹ. Trong đó, khâu phơi sấy chiếm tối thiểu là 33% của tổng mất mát. ĐBSCL có 3 vụ lúa trong năm, thì tổn thất trong khâu phơi sấy của vụ lúa Hè-Thu là cao nhất. Ngoài ra, giá gạo xuất khẩu của Việt Nam luôn thấp hơn của Thái Lan từ 30 USD/tấn đến 100 USD/tấn tùy theo từng thời kỳ. Thị trường của hạt gạo Việt Nam chủ yếu là thị trường gạo cấp thấp (chiếm 85%) và thiếu tính ổn định. Vì vậy, đời sống của nông dân trồng lúa ở ĐBSCL chưa được cải thiện tương xứng với sự đóng góp của họ. Cùng với một số yếu tố khác, những điều này góp phần làm cho tương lai của nền sản xuất lúa ở vùng ĐBSCL chưa được bền vững.

2. Mục đích và yêu cầu của việc làm khô lúa

Mục đích của việc làm khô lúa đến độ ẩm phù hợp là để giảm độ ẩm và khối lượng của hạt nhằm hạn chế sự phát triển của các loài côn trùng, nấm mốc; và giảm các hoạt động sinh lý-sinh hóa của hạt gây ra sự suy giảm chất lượng của lúa trong quá trình lưu thông, tồn trữ và tiêu thụ. Làm khô lúa đến độ ẩm phù hợp (13,5% – 14%) còn có mục đích làm cho hạt lúa trở nên rắn chắc hơn, có thể chống chịu tốt hơn dưới các tác động cơ khí nhằm giảm sự gãy vỡ hạt trong quá trình xay xát.

Mục đích của sử dụng thiết bị sấy lúa là, ngoài những mục đích làm khô kể trên, để chủ động làm khô lúa trong mọi hoàn cảnh thời tiết nhất là vào mùa mưa để đảm bảo chất lượng của lúa gạo tốt hơn và giảm thiểu những tổn thất sau thu hoạch.

Chậm làm khô lúa đến độ ẩm bảo quản (9-13%) sau thu hoạch hay lúa bị tái ẩm nhiều lần do sự biến động của thời tiết hay mắc mưa hoặc bị ngập nước có thể làm cho hạt lúa bị biến màu, giảm mùi hương tự nhiên của giống lúa (Tulyathan và Leeharatanaluk, 2007) và thay đổi các tính chất hóa lý tự nhiên của hạt dẫn đến

1/10

Page 2: 5 Pham Van Tan

giảm chất lượng của gạo, giảm tỉ lệ thu hồi gạo trắng và gạo nguyên trong xay xát (Phillips và cộng sự, 1989 & Phạm Văn Tấn, 1998). Mặt khác, theo Tulyathan & Leeharatanaluk (2007), mùi thơm ngon đặc trưng của hạt gạo và cơm của những giống lúa thơm sẽ bị giảm nghiêm trọng nếu kỹ thuật làm khô không đạt yêu cầu. Để đảm bảo chất lượng của lúa gạo, lúa nên được làm khô đến độ ẩm phù hợp trong vòng 24 giờ sau khi thu hoạch (Gummert & Rickman, 2009). Tùy theo mục đích và thời hạn sử dụng mà yêu cầu về độ ẩm của lúa sau khi sấy cũng khác nhau (Bảng 1)

Bảng 1. Độ ẩm yêu cầu của lúa đối với các mục đích và thời hạn sử dụng khác nhau

Độ ẩm (%) Mục đích/thời gian bảo quản

< 9 Bảo quản hơn 1 năm

9 - 13 Bảo quản 8-12 tháng

14 Độ thu hồi gạo trong xay xát cao nhất

14 - 18 Bảo quản tạm thời 2-3 tuần

> 18 Hư hỏng hạt rất nhanh

Mặc dù nên sử dụng thiết bị sấy để chủ động được việc làm khô lúa, nhất là vụ lúa Hè-Thu thu hoạch trong mùa mưa, nếu quá trình sấy không đảm bảo các yêu cầu kỹ thuật cũng làm tăng thêm mức độ tổn thất. Nhiệt độ sấy quá cao (> 45 oC) hay tốc độ giảm ẩm của hạt quá cao (>2%/giờ), nhất là ở giai đoạn cuối của quá trình sấy; hoặc sấy quá khô có thể làm biến màu của hạt hay làm tăng sự rạn nứt ngầm của hạt dẫn đến giảm tỉ lệ thu hồi gạo trắng và gạo nguyên trong xay xát (Phạm Văn Tấn, 1998). Vì vậy, để đảm bảo chất lượng của hạt và tránh tổn thất trong khâu làm khô, lúa phải được làm khô kịp thời và đúng kỹ thuật.

3. Tình hình làm khô lúa và sử dụng thiết bị sấy lúa ở ĐBSCL

3.1 Làm khô lúa bằng ánh nắng mặt trời

Làm khô lúa bằng ánh nắng mặt trời vẫn còn là phương pháp phổ biến hiện nay ở ĐBSCL (Hình 1). Lúa thường được cào trải ra sân hay trên một tấm lót mềm và dày với bề dày lớp lúa khoảng 5-10 cm và được cày đảo lớp trên xuống lớp dưới khoảng 7-8 lần trong ngày. Điều này giúp cho lúa khô nhanh và đều hơn. Nếu phơi lúa trên sân xi măng hay bê tông, nhiệt độ nền sân phơi có thể vượt quá 50oC trong những ngày nắng gắt và gây rạn nứt hạt. Vì vậy, để giảm nguy cơ rạn nứt hạt cần phải có những biện pháp làm giảm nhiệt độ của hạt như che bớt ánh nắng chẳng hạn.

2/10

Page 3: 5 Pham Van Tan

Hình 1. Phơi lúa ở huyện Tri Tôn, tỉnh An Giang

Những năm gần đây nhiều thương lái, cơ sở xay xát, hợp tác xã (HTX) nông nghiệp và nhóm hộ nông dân đã có nhiều cố gắng và nỗ lực trong việc ứng dụng các thiết bị sấy khác nhau để làm khô lúa, nhất là lúa vụ Hè-Thu.

3.2 Máy sấy tĩnh vỉ ngang

Máy sấy tĩnh vỉ ngang sử dụng lò đốt trấu là loại máy sấy đang được sử dụng phổ biến nhất ở ĐBSCL (Hình 2). Các máy sấy này thường có năng suất từ 6 đến 50 tấn/mẻ, với thời gian sấy dao động từ 12 đến 48 giờ tùy theo độ ẩm ban đầu và cuối cùng của lúa được sấy. Một số năm gần đây, để giảm sự chênh lệch độ ẩm của lúa sau khi sấy, lúa hoặc dòng không khí sấy được đảo chiều ở giai đoạn cuối của quá trình sấy (Hình 3).

Hình 2. Máy sấy tĩnh vỉ ngang, 6 tấn/mẻ Hình 3. Sấy tĩnh vỉ ngang có đảo chiều gió

Do phải gieo sạ đồng loạt để “né rầy”, một lượng lúa rất lớn, khoảng 6 đến 7 triệu tấn, cần phải được làm khô trong một khoảng thời gian khá ngắn, chỉ 25-30 ngày vào mỗi vụ thu hoạch. Điều này đã gây ra một áp lực rất lớn cho công đoạn phơi sấy lúa, nhất là vụ Hè-Thu hằng năm. Bên cạnh đó, các ghe tàu vận tải lúa trong vùng thường có tải trọng từ 30 tấn trở lên. Vì vậy, vùng này đang có xu hướng trang bị các loại máy sấy tĩnh vỉ ngang cỡ lớn, từ 30 đến 50 tấn/mẻ.

So với loại máy sấy tháp, ngoài ưu điểm chung của các loại máy sấy tĩnh vỉ ngang là có chi phí đầu tư ban đầu thấp, có thể sấy lúa có độ ẩm ban đầu rất cao, thậm chí ướt sủng; ưu điểm nổi bật của máy sấy tĩnh vỉ ngang cỡ lớn này là có thể “sấy chạy mọng” một cách hiệu quả nên giảm thiểu được tổn thất trong khâu làm khô lúa,

3/10

Page 4: 5 Pham Van Tan

đặc biệt đối với vụ lúa Hè-Thu. Thay vì phải chờ đợi lâu để sấy từng mẻ nhỏ đối với các máy sấy cỡ nhỏ, đây là nguy cơ lớn làm nẩy mầm hạt và làm giảm nghiêm trọng chất lượng lúa gạo; máy sấy cỡ lớn có thể đưa vào sấy cùng lúc với lượng lúa lớn hơn nhiều để khắc phục nguy cơ nói trên.

Để giảm lao động thủ công đang ngày càng khan hiếm và đắt đỏ nhằm giảm chi phí sấy, nhiều máy sấy cỡ lớn đã được trang bị thêm các thiết bị cơ giới như băng tải, xích cào và gàu tải (bộ đài) để nạp và tháo liệu khỏi máy sấy (Hình 4). Các máy sấy cỡ lớn này thường do thương lái quản lý để phục vụ cho việc làm khô lúa tập trung ngay sau khi thu mua lúa tươi từ nông dân. Một số chủ cơ sở xay xát gần đây cũng đã tự trang bị các máy sấy cỡ lớn này để nâng cao chất lượng làm khô lúa nhằm tăng độ thu hồi gạo trắng và gạo nguyên trong xay xát.

Hình 4. Máy sấy lúa tĩnh vỉ ngang, cỡ 30 tấn/mẻ tại huyện Lai Vung, tỉnh Đồng tháp

3.3 Máy sấy tháp

Hai năm trở lại đây, một số cơ sở chế tạo máy trong nước đã cố gắng thiết kế, chế tạo và cung cấp một lượng giới hạn máy sấy tháp có năng suất 40 – 50 tấn/mẻ (Hình 5) sử dụng lò đốt với nhiên liệu là trấu. Các máy sấy tháp này đều có nguyên lý làm việc là tuần hoàn theo mẻ, với tháp sấy được cấu tạo bởi nhiều đường dẫn hình chóp để dẫn khí nóng vào buồng sấy và thoát khí ẩm ra khỏi buồng sấy. So với các loại máy sấy tĩnh vỉ ngang, các máy sấy tháp này có ưu điểm là chất lượng sấy cao hơn như tăng độ đồng đều độ ẩm của lúa sau khi sấy và tiết kiệm được nhiều lao động thủ công hơn.

Tuy nhiên, nhiều máy sấy tháp không thể sấy được lúa có độ ẩm cao và còn lẫn nhiều tạp chất. Hoạt động của gàu tải (bộ đài) và sự tuần hoàn của khối lúa xuyên qua các đường dẫn khí nóng hình chóp trong buồng sấy trở nên kém hiệu quả và không đồng đều khi lúa có độ ẩm cao và còn lẫn nhiều tạp chất. Kết quả là độ ẩm của lúa sau khi sấy không được đồng đều. Để cố gắng giải quyết khó khăn trên, một vài doanh nghiệp ở ĐBSCL gần đây đã nhập ngoại một kiểu máy sấy tháp tuần hoàn theo mẻ nhưng buồng sấy có kết cấu thành các kênh dẫn rộng rãi theo hướng thẳng đứng (Hình 6). Vì vậy, nó sấy được lúa có độ ẩm khá cao. Máy sấy này cũng sử dụng lò đốt trấu. Bên cạnh đó, nhờ có hệ thống kiểm soát chặt chẽ nhiệt độ của lúa trong quá trình sấy nên chất lượng lúa được đảm bảo và độ ẩm của lúa sau khi sấy được đồng đều hơn.

4/10

Page 5: 5 Pham Van Tan

Hình 5. Máy sấy tháp, 50tấn/ngày Hình 6. Máy sấy lúa Suncue hay Takayama

Mặc dù đã có một số tiến bộ như vậy, nếu nhìn rộng ra toàn chuỗi cung ứng lúa gạo của ĐBSCL thì sấy là một trong hai công đoạn yếu kém nhất so với tất cả các công đoạn khác từ làm đất đến xay xát. So sánh mức độ đáp ứng nhu cầu trang bị máy móc trong canh tác lúa ở ĐBSCL như làm đất (chiếm 95-100%), bơm nước (95-100%), gieo sạ (85-90%), thu hoạch (chiếm 75%; trong đó, máy gặt đập liên hợp chiếm 45-50%), bảo quản (13-15%) và xay xát (~100%) thì công đoạn ở giữa là sấy lúa đang chiếm tỉ lệ rất thấp (chỉ 38,7%) (số liệu thống kê sơ bộ từ báo cáo của 13 tỉnh thành trong vùng ĐBSCL). Việc “thắt cổ chai” tại khâu then chốt là sấy đang gây ra những tổn thất lớn không chỉ tại chính khâu đó mà còn cho toàn bộ chuỗi cung ứng lúa gạo của ĐBSCL. Sự yếu kém về công nghệ sấy, sự thiếu thốn về thiết bị sấy lúa, thiếu mô hình sấy hiệu quả và sự lỏng lẻo trong việc quản lý chất lượng lúa gạo là cội nguồn làm giảm nghiêm trọng chất lượng và uy tín của hạt gạo Việt Nam trên thị trường thế giới. Để giảm tổn thất trong khâu phơi sấy lúa ở ĐBSCL một cách hiệu quả, đặc biệt là vụ lúa Hè-Thu, cần phải có các giải pháp đồng bộ để khắc phục các yếu kém kể trên.

4. Đề xuất công nghệ, thiết bị và mô hình sấy lúa cho vùng ĐBSCL

Yêu cầu của công nghệ và thiết bị sấy lúa cho vùng ĐBSCL, nhất là vụ lúa Hè-Thu là: phải bảo đảm sấy được lúa có độ ẩm cao, năng suất và chất lượng sấy cao, độ ẩm hạt đồng đều sau khi sấy, sử dụng nhiên liệu trấu và cơ khí hóa ở mức độ cao để tiết kiệm lao động. Bên cạnh đó, để phát huy được hiệu quả của công nghệ và thiết bị sấy mới, đem lại lợi ích thiết thực cho người sử dụng và cho toàn bộ chuỗi cung ứng lúa gạo, nó cũng đòi hỏi phải có những mô hình sử dụng thiết bị sấy phù hợp với những điều kiện sản xuất cụ thể của ĐBSCL.

4.1 Đề xuất công nghệ sấy lúa vụ Hè-Thu

Căn cứ vào các đặc tính hóa lý và khả năng bảo quản tạm thời của hạt lúa (Bảng 1) và “đặc tính 2 giai đoạn” (Hình 7) của quá trình sấy các loại nông sản, để kéo dài thêm quỹ thời gian sấy lúa mà vẫn đảm bảo được chất lượng lúa sau khi sấy, trong thời gian tới nên nghiên cứu để ứng dụng “công nghệ sấy 2 giai đoạn” cho lúa Hè-Thu ở ĐBSCL. Ở giai đoạn 1, ngay sau khi thu hoạch, lúa phải được sấy đến độ ẩm vừa dưới 18% để bảo quản tạm trong vòng 2-3 tuần. Ở giai đoạn này, khi độ

5/10

Page 6: 5 Pham Van Tan

ẩm của lúa còn cao, có thể tăng lưu lượng dòng không khí sấy để tăng tốc độ bốc hơi nước từ hạt lúa; nhiệt độ sấy cũng có thể tăng cao hơn nhiệt độ sấy bình thường (45oC) nhưng nên khống chế thấp hơn nhiệt độ hồ hóa của tinh bột trong hạt (55-79oC, tùy theo từng giống lúa) để đảm bảo chất lượng của lúa, không làm hạt cơm bị cứng sau này. Sau khi đã sấy hết một lượng lúa nhất định đến độ ẩm dưới 18% trong vòng 2-3 tuần, mới quay trở lại để sấy giai đoạn 2 cho mẻ lúa đầu tiên đã được bảo quản tạm trước đây, từ 18% xuống đến 14% hay độ ẩm cuối cùng cần thiết. Do độ ẩm của lúa ở giai đoạn 2 này thấp dễ gây rạn nứt ngầm cho hạt, nhiệt độ sấy trong giai đoạn cuối cùng này không được vượt quá 45oC và tốc độ sấy nên chỉ trong khoảng từ 0,5%/giờ đến 1%/giờ.

So với giai đoạn 2 (cuối cùng) để sấy đến độ ẩm 14%, mặc dù giai đoạn 1 giảm được một lượng lớn độ ẩm (từ 26-30% xuống 18%) nhưng thường chỉ chiếm khoảng 1/3 đến 1/2 của tổng thời gian sấy cần thiết cho cả 2 giai đoạn (Hình 7). Như vậy, so với công nghệ sấy phổ biến từ trước tới nay, “công nghệ sấy 2 giai đoạn” này vừa tăng được tốc độ sấy, đặc biệt trong giai đoạn 1; vừa kéo dài được quỹ thời gian sấy, tăng được hiệu quả sử dụng máy sấy và đảm bảo tốt hơn chất lượng của lúa gạo.

Hình 7. “Đặc tính 2 giai đoạn” của quá trình sấy các loại nông sản

4.2 Đề xuất sử dụng các loại thiết bị sấy lúa phù hợp

Để nhằm đánh giá và khuyến cáo sử dụng các loại máy sấy tĩnh vỉ ngang cỡ lớn, trong khuôn khổ của Dự án Sau thu hoạch Lúa Gạo IRRI-ADB, Phân Viện Cơ điện Nông nghiệp & Công nghệ Sau Thu hoạch (SIAEP) đã tiến hành nghiên cứu ảnh hưởng của phương pháp/thiết bị sấy này (Hình 8) đến chất lượng sấy và chất lượng của lúa sau khi sấy trong vụ lúa Hè-Thu năm 2010 tại huyện Gò Công Tây tỉnh Tiền Giang.

6/10

Page 7: 5 Pham Van Tan

Hình 8. Kết cấu của máy sấy tĩnh vỉ ngang 50 tấn/mẻ tại Gò Công Tây, Tiền Giang

Kết quả thí nghiệm đã cho thấy rằng máy sấy cỡ lớn 50 tấn/mẻ với kích thước buồng sấy là 15mx6,8m và chiều dày của lớp lúa là 90cm có thể giảm được độ ẩm của lúa hạt dài giống VND 95-20 từ 26% xuống 11,5 % trong vòng 46,5 giờ (Hình 10). Mặc dù sự chênh lệch độ ẩm của lúa ở các lớp khác nhau có lớn trong giai đoạn sấy ban đầu, càng về cuối quá trình sấy, sự chênh lệch này ngày càng được thu hẹp nhanh (Hình 9).

Hình 9. Sự giảm ẩm theo thời gian sấy của lúa ở các lớp khác nhau tại các vị trí 3, 6, 9 và 4 của buồng sấy (trên Hình 7)

Hình 10 . Sự giảm ẩm theo thời gian sấy của lúa tại các vị trí khác nhau của buồng sấy tĩnh vỉ ngang, năng suất 50 tấn/mẻ

Kết quả của thí nghiệm so sánh giữa các máy sấy tĩnh vỉ ngang cỡ lớn cùng loại cũng cho thấy rằng nếu lò đốt, quạt và buồng sấy được thiết kế đúng và bố trí hợp lý để luồng không khí sấy được phân bố đều khắp phía dưới đáy sàn của buồng sấy thì sự chênh lệch tối đa của độ ẩm lúa sau khi sấy giữa các lớp và giữa các vị trí khác nhau trong buồng sấy sẽ không nhiều, chỉ là 2-3% (Hình 9). Vì vậy, các loại máy sấy tĩnh vỉ ngang cỡ lớn có thiết kế phù hợp vừa đáp ứng được nhu cầu của sản xuất vừa đảm bảo được chất lượng của lúa sau khi sấy.

7/10

Page 8: 5 Pham Van Tan

Do đó, trong thời gian tới nên khuyến khích tiếp tục sử dụng và nhân rộng các loại máy sấy tĩnh vỉ ngang có thiết kế phù hợp với năng suất từ 30-50 tấn/mẻ tại ĐBSCL. Những máy sấy này nên được trang bị các gàu tải và xích tải để vận chuyển lúa vào và ra khỏi máy sấy nhằm giảm lao động thủ công và chi phí sấy. Song song đó, để nâng cao hơn nữa đi đến tự động hoàn toàn trong việc sấy lúa và đảm bảo hơn nữa chất lượng lúa gạo trong dây chuyền xay xát công nghiệp theo hướng hiện đại, trong thời gian tới cần nghiên cứu thêm, khảo nghiệm và đánh giá loại máy sấy tháp kiểu kênh sấy lúa thẳng đứng như kiểu Takayama hay Suncue để có sự khuyến cáo sử dụng thích hợp hay phát triển và nhân rộng nếu thấy phù hợp.

4.3 Đề xuất các mô hình sấy lúa hiệu quả

Diện tích đất trung bình cho mỗi nông hộ trồng lúa ở ĐBSCL chỉ khoảng 1,1 ha. Với quy mô sản xuất nhỏ lẻ này, đầu tư máy sấy cho cấp nông hộ sẽ không đem lại hiệu quả. Mặc dù thiết bị sấy tĩnh vỉ ngang trông khá đơn giản, để đảm bảo được hiệu quả của quá trình sấy và chất lượng của lúa sau khi sấy, người nông dân phải có những kiến thức nhất định về sinh lý của hạt lúa sau thu hoạch, đặc tính của quá trình sấy nông sản, đặc tính kỹ thuật của thiết bị sấy và cách vận hành thiết bị sấy phù hợp. Hiểu không đúng bản chất của đối tượng sấy và quá trình sấy; hay vận hành thiết bị sấy không phù hợp (như nhiệt độ sấy quá cao hay tốc độ sấy quá nhanh), thậm chí còn gây ra những tổn thất lớn hơn so với trường hợp làm khô lúa bằng ánh nắng mặt trời đúng cách. Để trang bị đầy đủ các kiến thức này cho tất cả các hộ nông dân ở ĐBSCL là một sự đầu tư lớn và không cần thiết. Hơn nữa, việc quản lý chất lượng lúa sấy từ hàng triệu đầu mối nhỏ lẻ là điều không hề dễ dàng. Đó cũng là lý do tại sao các cơ sở xay xát lúa gạo hiện nay ở ĐBSCL không thể mua lúa khô của nông dân bằng với giá lúa khô do chính cơ sở sấy lúa mà họ tin tưởng và kiểm soát được. Mặt khác, xét về khía cạnh quản lý và hiệu quả kinh tế sử dụng của thiết bị sấy; hầu hết nông dân không thể cùng lúc vừa lo sản xuất lúa 2-3 vụ/năm vừa lo kinh doanh dịch vụ sấy lúa. Vì vậy, dù đầu tư máy sấy cỡ nhỏ (4-6 tấn/mẻ) cho cấp hộ nông dân chỉ để sấy có 8-9 tấn/ha.vụ x 3 vụ/năm = 24-27 tấn/năm, tương đương khoảng 5-6 ngày sấy/năm, là không hiệu quả kinh tế. Kinh nghiệm của dự án DANIDA trước đây đã chứng minh điều đó.

Do đó, để nâng cao chất lượng sấy lúa và hiệu quả kinh tế trong sử dụng máy sấy, việc sử dụng máy sấy phải được chuyên môn hóa và máy sấy lúa phải làm việc được nhiều ngày trong năm. Vì vậy, việc sấy lúa cần được giao trách nhiệm cho trước hết là các doanh nghiệp xay xát, sau đó là HTX, các thương lái làm dịch vụ sấy lúa thuê, và cuối cùng là các tổ hợp tác sản xuất hay cụm hộ nông dân.

Nếu các cơ sở xay xát lúa gạo có trang bị máy sấy lúa, nó không chỉ đem lại lợi ích ở chính khâu sấy lúa mà còn làm tăng thêm lợi nhuận ở cả khâu xay xát sau đó. Một số kết quả điều tra ban đầu của Phân Viện Cơ điện Nông nghiệp & Công nghệ sau Thu hoạch (SIAEP) tại các huyện Gò Công Đông, Gò Công Tây, Chợ Gạo của Tiền Giang và huyện Càng Long của Trà Vinh đã cho thấy rằng: nhờ sự phản ánh thông qua quá trình xay xát, các chủ cơ sở xay xát đã nắm bắt được công nghệ sấy và biết được cách vận hành thiết bị sấy sao cho phù hợp để đạt được tỉ lệ thu hồi gạo trắng và gạo nguyên cao hơn trong xay xát. Theo các số liệu điều tra cho thấy

8/10

Page 9: 5 Pham Van Tan

rằng: khi trang bị máy sấy và vận hành máy sấy đúng cách, độ thu hồi gạo trắng và gạo nguyên trong khâu xay xát tăng thêm được khoảng 3% so với trường hợp các cơ sở xay xát này thu mua lúa khô trôi nỗi từ bên ngoài. Ngoài ra, các cơ sở xay xát này còn có thể sử dụng một phần trấu từ quá trình xay xát để sấy lúa đầu vào cho chính nhà máy. Từ 1/3 đến 1/2 lượng trấu thừa còn lại có thể được sử dụng cho các mục đích khác như phát điện, đốt nồi hơi hay ép thành củi trấu để bán làm tăng thêm lợi nhuận cho cơ sở.

Các HTX hay thương lái làm dịch vụ sấy lúa nếu có liên kết hay liên doanh với các cơ sở xay xát lúa gạo cũng có thể phát huy được những lợi thế vừa nêu trên. Họ phải đảm bảo với các chủ xay xát về chất lượng của lúa sau khi sấy. Ngược lại, nhờ tăng được lợi nhuận từ việc tăng được tỉ lệ thu hồi gạo trắng và gạo nguyên nên các chủ cơ sở xay xát sẽ mua lúa khô của các HTX hay thương lái này cao hơn lúa khô trôi nỗi từ bên ngoài. Đó là một mô hình liên kết – liên doanh về sấy và xay xát mà đôi bên cùng có lợi.

Ngoài ra, nhờ có sự chuyên môn hóa và tính năng động trong thương trường mà các thương lái thường phát huy được tối đa hiệu suất sử dụng của máy sấy. Qua khảo sát các thương lái lúa ở huyện Gò Công Đông và Gò Công Tây của tỉnh Tiền Giang cho thấy, do có sự chênh lệch về thời gian thu hoạch của mỗi vụ lúa từ phía Tây đến phía Đông của ĐBSCL và của các tỉnh Nam Trung bộ, các thương lái ở các huyện này đã có thể tăng thời gian sử dụng máy sấy từ 150-180 ngày/năm. Máy sấy được sử dụng không chỉ cho vụ lúa Hè-Thu mà cho cả lúa vụ Đông-Xuân và vụ Thu-Đông. Nhờ vậy mà chất lượng gạo cung cấp cho thị trường được đồng đều hơn suốt cho cả năm.

Qua kết quả điều tra vào tháng 03/2012 tại huyện Gò Công Tây cho thấy: Tổng chi phí sấy lúa bằng máy sấy tĩnh vỉ ngang cỡ 30 tấn/mẻ là 150.000 Đồng/tấn lúa (gồm các phí bốc xếp, đốt lò, điện, trấu, khấu hao thiết bị, lãi ngân hàng). Tiền sấy thuê thu được là 250.000 Đồng/tấn lúa. Như vậy, lãi ròng khoảng 100.000 Đồng/tấn lúa. Nếu tổng vốn đầu tư cho một máy sấy cỡ 30 tấn/mẻ là 200 triệu đồng thì người ta sẽ thu hồi vốn sau khi sấy được 2.000 tấn lúa. Như vậy, nếu thời gian sử dụng máy sấy là 150 ngày/năm và thời gian sấy mỗi mẻ tối đa là 2 ngày, thì thời gian thu hồi vốn là chỉ gần 1 năm.

Trên đây là 2 mô hình sấy lúa đồng bộ với xay xát; và liên kết – liên doanh giữa dịch vụ sấy lúa với cơ sở xay xát cần được khuyến khích và nhân rộng trong thời gian tới. Để thúc đẩy nhanh hơn nữa sự hình thành và nhân rộng 2 mô hình nói trên, nhà nước cần khuyến khích và buộc các doanh nghiệp lương thực thực hiện nghiêm Nghị định 109/2010/NĐ-CP về kinh doanh và xuất khẩu gạo có điều kiện do Chính phủ ban hành ngày 04/11/2010. Bên cạnh đó, cần thêm một điều kiện là tất cả các doanh nghiệp lương thực muốn có giấy phép xuất khẩu gạo phải trang bị máy sấy có công suất đáp ứng đủ cho năng lực xay xát của họ. Ngoài ra, Nhà nước nên khuyến khích các cơ sở xay xát, thương lái và HTX đầu tư trang bị máy sấy lúa bằng việc hỗ trợ một phần vốn đầu tư hay hỗ trợ lãi suất cho vay để đầu tư các trang thiết bị sấy. Hai mô hình này không chỉ làm giảm đáng kể tổn thất trong khâu

9/10

Page 10: 5 Pham Van Tan

sấy và sau thu hoạch lúa gạo; đem lại lợi ích thiết thực cho các đối tác trong mô hình mà còn đem lại lợi ích chung cho cả chuỗi cung ứng lúa gạo ở ĐBSCL.

Về mặt lâu dài, để phát triển bền vững chuỗi cung ứng lúa gạo ở ĐBSCL nói riêng và ở Việt Nam nói chung và đảm bảo thỏa đáng lợi ích của người trồng lúa, người nông dân phải làm chủ thật sự được hạt lúa khô trong kho của mình. Có được sự liên kết chặt chẽ trong liên minh giữa các nông dân nhỏ lẻ với nhau và nắm được hạt lúa khô chất lượng cao, người nông dân mới có thể mặc cả và từng bước định đoạt được giá bán sản phẩm của mình. Sự liên kết chặt chẽ giữa nông dân và doanh nghiệp trong mô hình “cánh đồng mẫu lớn” là rất cần thiết. Từ đó, dần dần hình thành một mô hình bao gồm tất cả các khâu từ sản xuất-thu hoạch-sấy-bảo quản-xay xát-cho đến kinh doanh lúa gạo với sự tham gia đầy đủ và tích cực của người nông dân. Đây là một mô hình sản xuất lúa theo hướng hiện đại và bền vững cần được nghiên cứu thêm để phát triển trong tương lai lâu dài.

Tài liệu tham khảo

Gummert, M. and Rickman, J. 2009. Rice quality. Handouts and References. Training course on rice post production, IRRI, Philippines.

Pham, V. Tan. 1998. Effect of initial conditions of raw paddy on the quality of parboiled rice. Master thesis. Asian Institute of Technology, Bangkok, Thailand.

Phillips, S., Mitfa, R. and Wallbridge, A. 1989. Rice yellowing during drying delays. Journal of Stored Products Research. 25(3), 155-164.

Tulyathan, V. and Leeharatanaluk, B. 2007. Changes in quality of rice (Oryza sativa l.) cv. Khao Dawk Mali 105 during storage. Journal of Food Biochemistry. 31, 415–425.

10/10