21
1 ĐẠI HC QUC GIA HÀ NI TRƯỜNG ĐẠI HC KHOA HC XÃ HỘI VÀ NHÂN VĂN KHOA VĂN HỌC ---- ---- HOÀNG THMNHNIM BI CM(AWARE) TRONG “TRUYN GENJI” CA MURASAKI SHIKIBU LUẬN VĂN THẠC SĨ KHOA HỌC NGVĂN Chuyên ngành: Văn học nước ngoài Mã s: 602230 Người hướng dn khoa hc : GS.TS NGUYỄN ĐỨC NINH Hà Nội, năm 2008

I H C KHOA H C XÃ HỘI VÀ NHÂN VĂN - Tài Nguyên Số - Đại …repositories.vnu.edu.vn/jspui/bitstream/123456789/3807… ·  · 2012-05-03... chúng ta có thể lí giải

  • Upload
    vannhi

  • View
    213

  • Download
    1

Embed Size (px)

Citation preview

Page 1: I H C KHOA H C XÃ HỘI VÀ NHÂN VĂN - Tài Nguyên Số - Đại …repositories.vnu.edu.vn/jspui/bitstream/123456789/3807… ·  · 2012-05-03... chúng ta có thể lí giải

1

ĐẠI HỌC QUỐC GIA HÀ NỘI TRƯỜNG ĐẠI HỌC KHOA HỌC XÃ HỘI VÀ NHÂN VĂN

KHOA VĂN HỌC

---- ----

HOÀNG THỊ MỸ NHỊ

NIỀM BI CẢM(AWARE) TRONG

“TRUYỆN GENJI” CỦA MURASAKI SHIKIBU

LUẬN VĂN THẠC SĨ KHOA HỌC NGỮ VĂN

Chuyên ngành: Văn học nước ngoài

Mã số: 602230

Người hướng dẫn khoa học : GS.TS NGUYỄN ĐỨC NINH

Hà Nội, năm 2008

Page 2: I H C KHOA H C XÃ HỘI VÀ NHÂN VĂN - Tài Nguyên Số - Đại …repositories.vnu.edu.vn/jspui/bitstream/123456789/3807… ·  · 2012-05-03... chúng ta có thể lí giải

2

MỞ ĐẦU

1. Ý NGHĨA CỦA ĐỀ TÀI

1.1. Nhắc đến văn học Nhật Bản, người ta nghĩ ngay đến một xứ sở

văn học diệu kỳ của những bài thơ ngắn đến bất ngờ (thơ haiku) và cuốn

tiểu thuyết trường thiên dài cũng bất ngờ (Truyện Genji). Truyện Genji

được xem là một tiểu thuyết dài độc đáo, ra đời trong khoảng thời gian

những năm đầu của thế kỷ XI(1004-1011) của nhà văn Murasaki

Shikibu(978?-1016?). Tiểu thuyết đã phản ánh những cung bậc đời sống

xã hội phức tạp của con người thuộc tầng lớp quý tộc thời Heian. Xuyên

suốt tác phẩm là tư duy thẫm mĩ độc đáo: niềm bi cảm(aware). Cảm thức

aware trong tác phẩm mang đến những xúc cảm tinh tế về thiên nhiên,

con người, về nỗi buồn, cái đẹp của vạn vật. Đó chính là đặc trưng mỹ

cảm truyền thống của Nhật Bản và cũng là chủ đề chính của tác phẩm.

Đề tài “Niềm bi cảm(aware) trong Truyện Genji của Murasaki

Shikibu” có ý nghĩa khoa học thiết thực và cần thiết. Một mặt nó góp

phần giúp các nhà nghiên cứu và bạn đọc Việt Nam hiểu rõ hơn cơ sở mỹ

cảm làm nên nét độc đáo của văn học Nhật Bản. Mặt khác, cũng từ cơ sở

này, chúng ta có thể lí giải phần nào các hiện tượng, các đường nét riêng

của văn học hiện đại Nhật Bản.

1.2. Đề tài nghiên cứu về niềm bi cảm góp phần làm rõ hơn cái đẹp

của Truyện Genji, có thể còn là một tư liệu chuyên về văn học Nhật Bản

trong nhà trường. Từ đó góp phần tăng cường sự hiểu biết lẫn nhau giữa

hai nền văn hoá, văn học Việt - Nhật, tăng cường tình hữu nghị và hợp

tác phát triển của hai quốc gia trong kỷ nguyên toàn cầu hoá kinh tế và

văn hoá của nhân loại.

Page 3: I H C KHOA H C XÃ HỘI VÀ NHÂN VĂN - Tài Nguyên Số - Đại …repositories.vnu.edu.vn/jspui/bitstream/123456789/3807… ·  · 2012-05-03... chúng ta có thể lí giải

3

2. MỤC ĐÍCH, NHIỆM VỤ CỦA LUẬN VĂN

Mục đích của luận văn là phân tích bình luận tác phẩm, các mối

quan hệ trong tác phẩm để làm rõ phạm trù bi cảm, một phạm trù mỹ học

thời Heian của Nhật Bản. Từ đó có thể thấy quan niệm về cái đẹp, những

biểu hiện của cái đẹp trong văn học Nhật Bản trung cổ làm nên tính duy

cảm, duy mỹ độc đáo của người Nhật.

Để đạt được mục đích trên, nhiệm vụ của luận văn là khảo sát và

phân tích cái bi cảm trong số phận của các nhân vật, trong cái đẹp vô

thường của cảnh vật thiên nhiên.

3. PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU

Để đạt được hiệu quả tốt, luận văn sử dụng phương pháp khảo sát,

phân tích các mối quan hệ để triển khai và làm nổi bật vấn đề nghiên cứu.

4. PHẠM VI VĂN BẢN SỬ DỤNG

Sử dụng “Truyện kể Genji”, bản dịch ra tiếng Việt do Nguyễn Đức

Diệu chủ biên, gồm hai tập của nhà xuất bản Khoa Học Xã hội xuất bản

năm 1991 làm đối tượng nghiên cứu chính, bên cạnh đó còn tham khảo

bản tài liệu tiếng Anh của Arthur Waley, Edward G. Seidensticker, bản

tóm tắt tiếng Anh của tác giả: Mari Nagase từ nguồn UNESCO.

5. LỊCH SỬ VẤN ĐỀ

5.1 Tài liệu tiếng Anh

Trong cuốn: “A reader’s guide to Japanese Literature”(Hướng dẫn

độc giả làm quen văn học Nhật Bản)[81]. Tác giả J.Thomas Rimer đã

đánh giá tác phẩm trên ba khía cạnh cơ bản: tính hiện thực, cảm quan

Phật giáo và niềm bi cảm tồn tại trong toàn bộ tác phẩm.

Page 4: I H C KHOA H C XÃ HỘI VÀ NHÂN VĂN - Tài Nguyên Số - Đại …repositories.vnu.edu.vn/jspui/bitstream/123456789/3807… ·  · 2012-05-03... chúng ta có thể lí giải

4

Cuốn “A dictionary of Japanese culture”(Từ điển văn hoá Nhật

Bản) [76] của Seisuko Kojima và Gene A.Crane cũng đưa ra hai vấn đề

chính trong Truyện Genji: âm hưởng Phật giáo và mỹ quan thẩm mĩ

William J. Puett trong cuốn “Guide to the Tale of Genji”(Hướng

dẫn về tác phẩm Truyện Genji)[84] đề cập khái niệm aware được hiểu

trong nhiều hoàn cảnh, trên nhiều phương diện và từ nhiều ý kiến tranh

luận khác nhau

Trên trang web http://www.inform.umd.edu[75], Pin Fang Su đã có

bài thảo luận về nhân vật Genji.

Ở một nghiên cứu khác, đăng tải trên web-site http://www.wsu.edu

[68], viết về cơ sở văn học của mono no aware được trình bày bắt nguồn

từ ý thức của người Nhật.

Kondo Tomie trong cuốn: 105 key words for understanding

Japan(105 từ khoá để hiểu đất nước Nhật Bản) [67] đã xác định thuật

ngữ aware là kết tinh quan niệm thẩm mĩ thời kì Heian. Con người thời

Heian say mê cái đẹp, đặc biệt là nữ giới trong cung đình.

Trong bài báo: Genji monogatari: a romance in three parts

(Truyện Genji: tác phẩm lãng mạn gồm ba phần) [65], Leslie Inamasu đã

trình bày quan điểm của mình về tình yêu trong ba người phụ nữ với ba

tính cách, số phận khác nhau nhưng cả ba hợp lại thì trở thành một người

phụ nữ hoàn hảo.

5.2 Tài liệu tiếng Việt

Công trình “Lịch sử văn học Nhật Bản” [44] của Suichi Kato do

Trần Hải Yến dịch. Trong phần viết về Truyện kể Genji, tác giả cuốn

sách đã phân tích những giá trị về hình thức lẫn nội dung, phong cách,

thể loại và cảm thức về thời gian trong tác phẩm.

Page 5: I H C KHOA H C XÃ HỘI VÀ NHÂN VĂN - Tài Nguyên Số - Đại …repositories.vnu.edu.vn/jspui/bitstream/123456789/3807… ·  · 2012-05-03... chúng ta có thể lí giải

5

Trong “Cảm nhận mới về văn hoá và văn học Trung Quốc”[44],

Lê Huy Tiêu đã so sánh tác phẩm “Truyện kể Genji” với tác phẩm“Hồng

Lâu Mộng”.

“Văn học Nhật Bản từ khởi thuỷ đến 1868”[5] của Nhật Chiêu.

Ông cho rằng thời kì Heian là thời kì của cái đẹp và Truyện Genji thể

hiện thế giới của niềm bi cảm.

Cuốn “Văn học Nhật Bản từ cổ đến cận đại”[42] của N.I.Kônrat

do Trịnh Bá Đĩnh dịch.

6. CẤU TRÚC LUẬN VĂN

Ngoài mở đầu (12 trang), kết luận (4 trang) và thư mục tài liệu

tham khảo (6 trang), luận văn được cấu trúc thành ba chương:

Chương I: Thời đại Heian và khái niệm niềm bi cảm(aware) (23 trang)

Chương II: Niềm bi cảm với số phận các nhân vật (37 trang)

Chương III: Niềm bi cảm với thiên nhiên tươi đẹp (20 trang)

Page 6: I H C KHOA H C XÃ HỘI VÀ NHÂN VĂN - Tài Nguyên Số - Đại …repositories.vnu.edu.vn/jspui/bitstream/123456789/3807… ·  · 2012-05-03... chúng ta có thể lí giải

6

CHƯƠNG I

THỜI ĐẠI HEIAN VÀ KHÁI NIỆM

NIỀM BI CẢM(AWARE)

I.1 Thời đại Heian

Thời kì Heian kéo dài từ năm 794 đến năm 1185. Năm 781, Thiên

hoàng Kammu lên ngôi và dời kinh đô từ Nara về kinh Heian vào năm 794

đánh dấu đất nước bước sang một thời đại mới kéo dài khoảng 400 năm.

Đây được xem là thời kì văn hoá, xã hội phát triển mạnh mẽ và đa dạng.

*Tôn giáo

Phật giáo đóng vai trò quan trọng trong suy tư của người Nhật về

thực tại tối hậu, viễn tượng Phật giáo về cái vô thường, vô ngã, duyên

khởi nghiệp. Nghệ thuật Phật giáo ở Nhật ảnh hưởng đến cảm quan thẩm

mĩ người Nhật. Quan niệm về cái đẹp rất đơn giản nhưng rất khó biểu

hiện. Phật giáo nắm bắt một cảm nhận sâu xa của trải nghiệm niết bàn

trong khoảnh khắc ngay giữa đời sống tự nhiên để diễn tả cảm thức về

cái vô thường. Chính vì vậy tất cả “niềm bi cảm” bị chi phối bởi thế giới

quan Phật giáo, đậm đặc ở Thiền Zen.

Thần đạo là một tín ngưỡng tôn giáo bản địa xuất phát từ Nhật

Bản, tuy vậy nó vẫn có ảnh hưởng của Phật giáo và mối quan hệ đó qua

lại lẫn nhau. Quan niệm Thần đạo cho rằng: các thành tố tự nhiên đều là

những đứa con thanh khiết, đẹp của Kami(Thần), Sự hiện diện của Kami

không chỉ qua lời nói mà còn thể hịên qua năng lực nhận thức thẩm mĩ

về cái đẹp trong giới tự nhiên. Điều này gần gũi với cách cảm thụ cái đẹp

trong quan niệm thẩm mĩ aware. Nhân sinh quan của Thần đạo đã mang

lại cho hình thức nghệ thuật ý thức về tính giản dị, tự nhiên, sự phản ánh

Page 7: I H C KHOA H C XÃ HỘI VÀ NHÂN VĂN - Tài Nguyên Số - Đại …repositories.vnu.edu.vn/jspui/bitstream/123456789/3807… ·  · 2012-05-03... chúng ta có thể lí giải

7

trái tim trong sáng và chân thật. Con người, thiên nhiên và thần linh luôn

có mối quan hệ gần gũi trong đời sống cộng đồng, trong nghệ thuật cũng

như trong tư tưởng thẩm mĩ mọi thời đại ở Nhật.

* Phong tục Quan niệm thẩm mĩ của người Nhật có nét độc đáo riêng biệt. Ảnh

hưởng mạnh nhất đối với nghệ thuật là quan niệm về cái đẹp, cách cảm

nhận, thưởng thức và sáng tạo cái đẹp của người Nhật. Ở Nhật, cái đẹp

gắn với nỗi buồn, với sự mong manh, yếu đuối, khó nắm bắt. Như phù du

trong cuộc đời, cái đẹp có thể xuất hiện trong khoảnh khắc nhưng cũng

mất đi trong giây lát, để rồi nó vẫn còn tồn tại mãi trong nhân gian về

một cái đẹp vĩnh hằng.

Có thể thấy người Nhật có tính duy mỹ. Vậy nên, con người giữa

thế giới này bình tâm, tự tại mà sống, không cần bám vào bất cứ cái gì

nhưng vẫn tha thiết với cuộc đời, sống hết mình với cuộc đời. Aware là

một phạm trù, trạng thái của cái đẹp, do chủ quan tạo ra hơn là kinh

nghiệm khách quan mang đến, một trạng thái cơ bản bên trong hơn là

trạng thái bên ngoài.

*Truyền thống văn học Có thể xem Vạn diệp tập là tập thơ đánh dấu những bước đi của

aware trước thời Genji monogatari Tập thơ ghi rõ nhiều trạng thái tình

cảm của con người rất chân thật và sinh động. Tất cả tạo nên một nguồn

sống mới cho cảm thức thẩm mĩ sau này của văn học: aware.

Nếu Vạn diệp tập biểu hiện bao quát toàn bộ cuộc sống với những

cung bậc tình cảm hồn nhiên, phong phú thì đến thời Heian,

Kokinshu(Cổ kim tập) thể hiện tài năng sáng tạo mang tính nghệ thuật

cao hơn. Tập thơ được xem như: “một núi đá rêu phong, cổ kính và hùng

vĩ trong nền thơ ca trữ tình Nhật Bản”[5,79].

Page 8: I H C KHOA H C XÃ HỘI VÀ NHÂN VĂN - Tài Nguyên Số - Đại …repositories.vnu.edu.vn/jspui/bitstream/123456789/3807… ·  · 2012-05-03... chúng ta có thể lí giải

8

Trong thời đại này, trào lưu văn học nữ giới bắt đầu xuất hiện. Các

tác phẩm tiêu biểu như: Phù du nhật kí, Nhật kí Izumi Shikibu, Nhật kí

Murasaki, Nhật Ký thời ở Sarashina, Truyện Genji, Sách Gối Đầu.

* Murasaki Shikibu với niềm bi cảm cuộc đời

Nhà văn nữ Murasaki Shikibu(978?-1016?) từ nhỏ sớm bộc lộ tài

năng học vấn, làm vợ lẽ cho Fujiwara Nobutaka. Sau khi chồng chết, bà

ở một mình nuôi con nhỏ. Năm 1005, Thiên hoàng Ichijô triệu bà vào

cung và được đãi ngộ như một nữ học sĩ. Trong thời gian này Murasaki

Shikibu viết Nhật kí(Murasaki nikki) và vẫn viết tiếp Truyện Genji. Năm

1013, bà không làm việc nữa và mất sau đó khoảng năm 1016 khi đó

mới ngoài 40 tuổi.

Trong Nhật kí Murasaki Shikibu, một nỗi buồn mênh mang bao

trùm mà nguyên do cơ bản là nỗi cô đơn khôn cùng xâm chiếm cả tâm

hồn nhạy cảm của nhà văn. Bà cho rằng “Tôi nhớ cuộc sống trước kia

của mình như một người lữ khách lang thang trên những nẻo mộng đời,

và tôi chán ghét mình đã quá quen thuộc với nếp sống cung đình…”[35],

“định mệnh của tôi là cô đơn”[35].

I.2 Khái niệm về niềm bi cảm(aware)

Theo nghĩa gốc thì aware có nghĩa là buồn. Nó đã được nhiều học

giả định nghĩa theo nhiều cách khác nhau như: Morris, Valey,

Seidensticker, Morinaga, Kondotomie, Nhật Chiêu…

Tóm lại, thuật ngữ aware xuất hiện sớm, trước thời Heian, thường

dùng để chỉ thái độ, xúc cảm ngạc nhiên, vui thích hay buồn bã trước

hoàn cảnh nào đó mà con người không kiểm soát được cảm xúc của mình

và thốt nên lời: aware! Đến thời Heian, aware dùng để chỉ xúc cảm, nhạy

cảm. Trong nghĩa rộng hơn, là những cảm xúc sâu kín được gợi lên bởi

Page 9: I H C KHOA H C XÃ HỘI VÀ NHÂN VĂN - Tài Nguyên Số - Đại …repositories.vnu.edu.vn/jspui/bitstream/123456789/3807… ·  · 2012-05-03... chúng ta có thể lí giải

9

sự tác động của đối tượng bên ngoài như hoàn cảnh, thiên nhiên, con

người đóng vai trò đồng cảm, bị tương tác. Trên thực tế, aware có nghĩa

phổ biến là một cảm giác buồn nhất thời. Aware được hiểu là niềm bi

cảm trước vẻ đẹp phù du. Đến thế kỷ XVIII, học giả nổi tiếng: Motoori

Norinaga (1730-1801) đã phát triển aware thành mono no aware: cảm

xúc xao xuyến, nỗi niềm bi cảm trước sự vật hay trước cái đẹp bị tàn

phai, mất đi.

Bên cạnh đó, cảm quan thẩm mĩ của người Nhật còn được biểu

hiện qua các thuật ngữ khác. Yugen- nỗi u huyền; Sabi- cô tịch, cô liêu;

Iki và sui thời hiện đại thể hiện vẻ đẹp kiểu tư sản, hợp thời trang, thanh

lịch mang sắc thái gợi cảm.

Page 10: I H C KHOA H C XÃ HỘI VÀ NHÂN VĂN - Tài Nguyên Số - Đại …repositories.vnu.edu.vn/jspui/bitstream/123456789/3807… ·  · 2012-05-03... chúng ta có thể lí giải

10

CHƯƠNG II

NIỀM BI CẢM VỚI SỐ PHẬN CÁC NHÂN VẬT

II.1 Bi cảm với thời gian đã mất của các nhân vật II.1.1 Thời gian trôi chảy

Trong Truyện Genji, thời gian của cảm xúc u buồn, mất mát, sầu khổ và tiếc nuối. Thời gian cuốn theo tuổi thanh xuân, sự sống tươi trẻ, bao vinh hoa trên cõi đời. Hệ thống nhân vật trong tác phẩm luôn bị chi phối bởi thời gian. Hai mối quan hệ thời gian và nhân vật có sự tương tác lẫn nhau không tách rời. Thời gian dài, xuất hiện rõ nhất với các nhân vật chính như: Genji và Kaoru. Bên cạnh đó, còn có những người phụ nữ xuất hiện trong cuộc đời họ.

Trong suốt 54 chương của tác phẩm, cuộc đời Genji hầu như chiếm phần lớn nội dung. Thời gian từ khi nhân vật ra đời cho đến khi trưởng thành và trải qua các mốc sự kiện quan trọng nhất của cuộc đời qua hàng loạt bức tranh tâm lí sống động, sâu sắc và bi ai. Tiếp nối Genji là cuộc đời của Kaoru. “Cuộc sống của Kaoru - con trai trên danh nghĩa là của Genji. Nhân vật này sống hít thở toàn bộ các môi trường mà Genji đã trải qua và cũng ở chính cùng một nơi. “Cuộc sống vẫn được tiếp tục, trên sân khấu của nó chỉ có nhân vật là thay đổi cón tất cả các quan hệ vẫn y nguyên” dường như Murasaki muốn nói như vậy”[42,204].

Thời gian như nói hộ cảm xúc của con người. “Thời gian trong bi cảm của Murasaki thường bôi xoá các nhân vật của nàng, để lại khoảng trống trên bức tranh cuộn của định mệnh, hơn là kéo lê cuộc đời của họ vào già. Đó là một thời gian nữ tính, nó thích cái chết của tuổi trẻ hơn là sự héo hắt già cỗi. Có lẽ chính vì vậy mà Murasaki đặt hai chàng trẻ tuổi Kaoru và Niou vào khoảng trống mà Genji để lại. Nàng không bằng lòng

Page 11: I H C KHOA H C XÃ HỘI VÀ NHÂN VĂN - Tài Nguyên Số - Đại …repositories.vnu.edu.vn/jspui/bitstream/123456789/3807… ·  · 2012-05-03... chúng ta có thể lí giải

11

kết thúc tác phẩm với cái chết của Genji. Nàng muốn một lần nữa, tuổi trẻ và tình yêu lại cháy sáng”[5,118]. II.1.2 Thời gian đồng hiện và dòng ý thức nhân vật

Thời gian đồng hiện không tồn tại khách quan bên ngoài mà tồn tại ở cảm xúc bên trong của con người đồng. Khoảnh khắc hiện tại nhường chỗ cho những mảng thời gian quá khứ hiện về với bao nỗi niềm hoài nhớ. Đồng thời, dòng ý thức của nhân vật xuất hiện với tất cả những sự kiện, tâm tư và cảm xúc.

Genji luôn nhớ về hình bóng người mẹ. Sau này, khi chứng kiến cảnh Aoi chết, chàng trở về Sanjo, nghĩ đến những năm tháng họ sống bên nhau. Còn khi Fujitsubo quyết định xuống tóc, Genji đi vào gặp nàng và kìm được nước mắt chực trào ra, kỉ niệm về những ngày qua ùa về trong tâm trí chàng. Khi ở Suma, nhìn mưa cắt qua dòng kí ức, chàng không thể nào quên đi người tình của mình khi gửi một bức thư cho nữ tu sĩ quận chúa Asagao rồi nhận được một bức thư nhỏ buộc bằng sợi dây nghi thức của nàng, chàng nhớ lại cách đó đúng một năm vào cái đêm đáng nhớ ở điện thờ. Cũng có khi chàng nhớ đến những kỉ niệm về một người bạn thân và nghĩ về chuyện đời. Quyết định đi đến gặp Oborozukiyo làm chàng nhớ lại những tháng ngày đi vụng trộm trước đó. Sau này, khi đến thăm đền Kamo để làm lễ, trên đường trở về, Genji nhớ lại ngày phu nhân Rokujo bị chặn ở bên ngoài khu vực làm lễ và gây sự với Aoi. Chứng kiến cảnh Murasaki chết chàng đã nhiều lần thấy buồn nhưng chưa bao giờ chàng cảm giác cô đơn như bây giờ, trong quá khứ và tương lai không ai chịu nỗi buồn như chàng. Và chàng lại nhớ đến buổi sáng khi mẹ Yugiri mất…Còn Kaoru thì trong một lần đến Uji , hình ảnh Ukifune gợi cho anh nhớ về Oigimi với bao kỉ niệm.

Khi dòng chảy thời gian trở đi trở lại thì nỗi ám ảnh về cuộc đời lại xuất hiện. Và thời gian chỉ là “ngày lại qua ngày theo một chuỗi dài u

Page 12: I H C KHOA H C XÃ HỘI VÀ NHÂN VĂN - Tài Nguyên Số - Đại …repositories.vnu.edu.vn/jspui/bitstream/123456789/3807… ·  · 2012-05-03... chúng ta có thể lí giải

12

ám”[10,369], còn nỗi cô đơn giăng trải như một nhà sư trong tác phẩm đã nói: “Tôi thấy trước mắt nỗi đau buồn có thể huỷ diệt con người ta như thế nào”. Có lẽ vì thế mà cuộc đời con người thấm đẫm sầu bi.

Có thể nói, thời gian đồng hiện và dòng ý thức của nhân vật trong tác phẩm chủ yếu là những chuyện tình lãng mạn, những cảm xúc sâu kín. Vậy nên chứa chất bao sầu lo, gợi nên niềm bi cảm nhân thế. Dường như nỗi sầu khổ ấy cứ miên man trong tâm cảm con người đồng thời đong đầy trong thời gian làm cho quãng đời trôi qua thêm nặng trĩu. Chính những trăn trở đó được chuyển tải theo thời gian đồng hiện, phiêu diêu trong dòng ý thức nhân vật đã khéo léo khắc đậm chủ đề chính của tác phẩm, niềm bi cảm nhân sinh. II.2 Bi cảm trước sự vô thường của cái đẹp II.2.1 Cái đẹp bất tử, cái đẹp cứu vớt thế giới

Cái đẹp là chuẩn mực, thước đo để định giá và định hướng đạo đức, là lý tưởng thẩm mỹ mang tính phổ biến trong mọi lĩnh vực sống của con người nói riêng, của xã hội nói chung. Trong nghệ thuật, cái đẹp càng hiện ra đầy đặn, rực rỡ càng có sức lôi cuốn, cổ vũ, cảm hóa mạnh mẽ. Cảm thụ cái đẹp là cảm thụ đặc biệt tích cực, khoái cảm. Số phận của cái đẹp chóng tàn lụi trên nhân gian nhưng hình ảnh của nó có thể vẫn còn lưu giữ trong lòng người với vẻ đẹp bất tử.

Trong tác phẩm Truyện Genji, nhân vật có vẻ đẹp toàn vẹn từ ngoại hình đến tài năng. Ở chàng, hội tụ nhiều vẻ đẹp của mẫu người đàn ông lí tưởng. Sự xuất hiện của chàng hoàng tử Heian là một niềm vui, tươi mới, tắm mát cả không gian và thời gian. Cái đẹp có thể cảm hoá lòng người, cải tạo tâm ý: “diện mạo đẹp tuyệt vời, và giá như nàng có oán hận gì thì nó cũng tan biến đi ngay”[10,285].

Murasaki no Ue một thiếu nữ xinh đẹp, trong sáng, thuỷ chung,

tinh tế, sâu sắc, dịu hiền khiến cho bất kì ai nhìn thấy nàng cũng cảm

Page 13: I H C KHOA H C XÃ HỘI VÀ NHÂN VĂN - Tài Nguyên Số - Đại …repositories.vnu.edu.vn/jspui/bitstream/123456789/3807… ·  · 2012-05-03... chúng ta có thể lí giải

13

thấy cuộc đời này đáng để sống hơn. Ở nàng có sức lôi cuốn lạ lùng và

dễ cảm hoá lòng người không chỉ vẻ đẹp bề ngoài mà còn vì tố chất bên

trong phát tiết từ phẩm chất cao quý của một người phụ nữ, người vợ.

Sau này, khi cưới nàng công chúa Ba xinh đẹp, yêu kiều Genji đã

nhìn thấy tội lỗi của mình trong tội lỗi của nàng. Tuy nhiên, công chúa

Onna xinh đẹp, ngây thơ khiến Genji “mọi ý nghĩa về lòng không chung

thuỷ của nàng biến tan khỏi tâm hồn chàng. Với vẻ đẹp như thế, mọi sự đều

có thể dung thứ.” Vẻ đẹp hoá giải lòng người rộng lượng và vị tha hơn.

II.2.2 Sự vô thường của cái đẹp

Trong quan niệm thẫm mĩ của người Nhật, cái đẹp có thể tồn tại

thoáng qua trong khoảnh khắc dù ngắn ngủi nhưng vẫn đủ sức toả sáng.

Số phận các mỹ nhân trong tác phẩm là một minh chứng cho cái đẹp tồn

tại trên cõi đời này bị tàn phá bởi thời gian. Họ tàn lụi đi như bông hoa

mới nở bị cơn gió xuân vùi, như cánh hoa sen bị gió dập, hoặc như cánh

hoa bướm bị nặng trĩu những hạt sương. Họ như con thuyền mỏng manh

trôi vô định, phù du giữa biển đau thương, chốn bụi trần, bị kéo theo bởi

bánh xe sinh tử của trần tục.

Fujitsubo đẹp dịu hiền đầy nữ tính, rất nhu mì thì Aoi vợ Genji đẹp

đài các nhưng lạnh lùng đến khó hiểu. Nếu Rokujo đẹp với kinh nghiệm

đầy mình thì Murasaki đẹp ngây thơ, trong trắng. Nếu Oborozukiyo đẹp

đầy nhục thể thì Akashi đẹp một cách cao đạo, còn Asagao lại đa

tài…Họ xuất hiện trong cuộc đời Genji khi đang độ xuân tràn, khoảng

thời gian đẹp nhất của người con gái. Có hai cách ra đi khỏi cuộc đời là

lui vào cõi Phật hoặc tìm đến cái chết. Kết cục của số phận những người

phụ nữ ấy để lại sự tiếc nuối, bừng ngộ, rưng rưng cảm xúc về nỗi buồn

của mất mát, bi thương.

Page 14: I H C KHOA H C XÃ HỘI VÀ NHÂN VĂN - Tài Nguyên Số - Đại …repositories.vnu.edu.vn/jspui/bitstream/123456789/3807… ·  · 2012-05-03... chúng ta có thể lí giải

14

CHƯƠNG III

NIỀM BI CẢM VỚI THIÊN NHIÊN TƯƠI ĐẸP

III.1 Thiên nhiên bi cảm trước cuộc đời luân chuyển Trong tác phẩm hầu như các cuộc chia li đều gắn liền với những

mối tình của Genji, cho nên sự chia li dù chỉ là tạm thời hay vĩnh viễn

cũng đều nhuốm màu sắc tâm trạng. Cuộc chia li nào cũng mang lại nỗi

buồn khôn tả thấm đẫm lên cảnh vật thiên nhiên. Nhà văn mượn thiên

nhiên nói lên trạng thái của lòng người. Thiên nhiên trong cảnh chia tay khi con người có thể không còn

gắn kết bên nhau. Trong Truyện Genji, lần chia tay giữa Genji và Rokujo

được xem là lưu luyến và đẹp nhất. Khung cảnh tiễc biệt diễn ta trong

sắc thu phai, tiếng dế than khóc, sầu thảm. Âm thanh mùa thu khuấy động không khí thanh tịnh, êm ả, chóng vánh, chứa chất sầu bi.

Trong khoảng thời gian Genji chuẩn bị đi đày ở Suma. Chàng đến

chia tay cha bên mộ. Cảnh vật tĩnh mịch đến hoang vu. Genji không quên

chia tay các tình nhân của mình, nhất là đối với Murasaki. Thiên nhiên

hiện ra trong giây phút đó thật buồn, gió xuân cũng thở than, sầu muôn

nẻo. Chia tay để ra đi thật là khó khăn nhưng khi trở về chia tay với

người ở lại càng khó hơn gấp bội. Mối tình chóng vánh ở chốn lưu đày

làm cho Genji càng ảo não nên nỗi buồn chia li vùi vào con sóng đại

dương. Còn Akashi và mẹ chia tay quê nhà, người thân để lên chốn kinh

thành thì “Mùa thu buồn man mác. Gió mùa thu lạnh lẽo và côn trùng

mùa thu ồn ã, nỉ non khi ngày đã rạng sáng và cũng là ngày li biệt.” Hầu

như các cuộc chia tay được khoác lên tấm áo tâm trạng bi thương hơn là niềm hi vọng ngày hội ngộ. Cho nên thiên nhiên không nào khác ngoài

mùa thu tàn phai, cảnh thu tiêu điều, thê thảm. Nhưng tất cả vẫn còn

Page 15: I H C KHOA H C XÃ HỘI VÀ NHÂN VĂN - Tài Nguyên Số - Đại …repositories.vnu.edu.vn/jspui/bitstream/123456789/3807… ·  · 2012-05-03... chúng ta có thể lí giải

15

niềm luyến lưu, móng ngóng, đợi chờ. Còn sự ra đi để đến với cái chết

mới khủng khiếp, thê thảm. Người ra đi có thể bình tâm từ giã cõi đời để

cho người ở lại đau khổ đến tận trời xanh. Thiên nhiên cũng lên cơn

cuồng phong, bão tố. Kiritsubo mất, nhà văn đã miêu tả thiên nhiên tồn tại trong thế cô

tịch, cảnh vật chìm trong bóng tối. Gió dường như thổi mạnh hơn, gào rú

sầu thảm trên các rặng thông. Còn âm thanh của đêm nghe kinh sợ bởi

tiếng kêu lạ lùng, trống rỗng của một con chim đêm vọng lại.

Aoi mất khi đang còn rất trẻ để lại hai đứa con xinh đẹp. Genji ngơ

ngẩn còn thiên nhiên cũng câm lặng, chết cóng dưới sương giá. Gió thổi

mạnh cùng với mưa thu tầm tã muốn ganh đua với nước mắt của con

người lúc này Fujitsubo mất làm cho “những màu sắc của mùa xuân muộn

nhường chỗ cho màu xám và đen…Cây cối trên đỉnh núi đứng sừng sững

nhuốm ánh nắng ban chiều. Phía dưới, những dải mây kéo lê thê, màu

xám đục”. Có thể xem cảnh vật không còn ánh sáng và sức sống của mùa xuân. Không gian bị nhuốm một màu xám xịt của mây và nắng chiều.

Thời gian như ngưng đọng lại, kéo dài lê thê của phút giây mất mát, tang

tóc. Cảnh vật bị nhuốm nỗi u sầu đến mức biến đổi cả thần thái của một

mùa xuân muộn. Nhưng vẻ đẹp của nó vẫn không mất đi, một bức tranh đẹp mà buồn sâu thẳm.

Qua cảm thức aware, tác phẩm đã mang đến một cách phản ánh

đối với thiên nhiên trong mối quan hệ tâm và cảnh thấm đẫm màu sắc

Phật giáo cũng như dấu ấn tư tưởng của nhà văn về cuộc đời.

III.2 Thiên nhiên bi cảm với nỗi niềm hoài cổ Trong tác phẩm, thiên nhiên thường được dùng để biểu trưng cho

số phận con người. Cho nên, nếu bắt gặp hình ảnh thiên nhiên ấy, thì mọi

Page 16: I H C KHOA H C XÃ HỘI VÀ NHÂN VĂN - Tài Nguyên Số - Đại …repositories.vnu.edu.vn/jspui/bitstream/123456789/3807… ·  · 2012-05-03... chúng ta có thể lí giải

16

cảm xúc của con người được bộc lộ, giãi bày. Và khi con người đang

trong thời gian quay về với kí ức thì mọi cảnh vật được tắm táp bởi tâm

trạng.

Trong cảnh mùa đông khắc nghiệt, “tuyết rơi chồng chất, không gian u ám, gió gào giận dữ. Genji nghĩ đến cái đêm cuối cùng ở với nàng

Hoa Phấn. Hay dưới ánh trăng hạ tuần, với mùi thơm hoa cam thoang

thoảng bay, chàng nghĩ đến Murasaki và người tình vườn cam với biết

bao niềm mong nhớ. Vào mùa thu, ánh trăng thu gợi nhớ những đêm hoà

nhạc ở triều đình. Nhìn ánh trăng, chàng nghĩ về những người mình

thương nhớ chắc cũng đang ngắm trăng và nhớ đến chàng. Khi hoa anh

đào vẫn nở rộ, nhìn những lùm cây cành lá xanh tươi mờ mờ trong sương

sớm, ông chợt nhớ rằng mối tình xa xưa với cô em gái Kokiden cũng trong “bữa tiệc bên vườn hoa đậu tía”. Ngắm cây mận, Genji thấy cảnh

vật trong vườn vẫn không thay đổi cho dù mùa thì đã sang.

Nếu mùa xuân của đất trời rộn rã gợi về bao kỉ niệm buồn man mác

thì mùa xuân của lòng người thật úa tàn, tan tác. Đó là tâm trạng của Yugiri khi chứng kiến cảnh Kashiwagi mất để lại đứa con riêng với công

chúa Ba.

Sau này, Ukifune nhìn thấy cây hồng mận nở hoa bên mái hiên,

màu sắc và hương thơm lại giống như hôm nào. Một thời chinh chiến với yêu đương đã qua được gợi về. Cô lại nhớ đến Niou ngày xưa.

Trong tâm trạng hoài cổ, thiên nhiên cũng góp phần không nhỏ vào

việc khơi gợi tình cảm. Mỗi bước đi của thiên nhiên ghi lại bao dấu ấn

của biến cố cuộc đời nên khi bắt gặp lại hình ảnh thiên nhiên ở hiện tại, con người lại càng thêm suy tư với thời cuộc, tìm kiếm thời gian đã mất

trong niềm hoài vọng ấy. Thiên nhiên cũng thấm đẫm nỗi bi ai, sầu muộn

trước vòng quay của thời gian.

Page 17: I H C KHOA H C XÃ HỘI VÀ NHÂN VĂN - Tài Nguyên Số - Đại …repositories.vnu.edu.vn/jspui/bitstream/123456789/3807… ·  · 2012-05-03... chúng ta có thể lí giải

17

III.3 Niềm bi cảm trước sự phù du của vẻ đẹp thiên nhiên Cũng như con người, thiên nhiên sinh diệt theo quy luật của tạo

hoá. Thiên nhiên tươi đẹp xuất hiện một lần trên cõi đời rồi cũng tàn phai theo năm tháng. Thời gian sinh tồn ngắn ngủi và ra đi thì nhanh chóng. Vậy nên vẻ đẹp của thiên nhiên có khi chỉ là thoáng qua. Sự vô thường của tạo hoá làm cho thiên nhiên cũng trôi nổi, phù du. Khi tâm trạng con người đang khổ đau, thiên nhiên tan tác, chia lìa.

Đời hoa cũng như đời người bỗng chốc hoá thành thiên cổ, bởi vậy con người không khỏi bàng hoàng thốt lên: “ngắn ngủi thay”. Dường như con người bừng ngộ trước cảnh héo tàn. Nó biến đổi theo quy luật vô thường của tạo hoá khiến người thưởng thức nó cũng “mang mang thiên cổ sầu”, nuối tiếc cho kiếp hoa sớm tàn phai khi vừa khoe sắc. Trong quan niệm về cái đẹp của người Nhật thì cái đẹp không chỉ bao gồm cái buồn mà còn bởi sự mỏng manh, nhỏ bé. Có thể cái đẹp là một bông hoa điểm xuyết đủ để nói lên hương sắc của một rừng hoa chứ không hẳn là cả một vườn hoa đua nhau khoe sắc. Đẹp trong cái giản dị và tinh tế, sang trọng và quý phái, nhạt nhoà và mộng mơ… Tất cả đều nói lên vẻ đẹp của thiên nhiên trong bàn tay chăm tỉa của con người. Bởi vậy thiên nhiên cũng là tâm ý, tâm tình sâu rộng.

Hình ảnh của thiên nhiên được nhà văn dùng làm biểu tượng cho nhân vật của mình để nói đến sự lay lắt, mong manh của sự hiện diện của con người trên cõi đời không mấy tươi đẹp. Cuộc đời mới “bấp bênh” làm sao. Con người cũng chỉ là những nhành đậu tía.

Ý thức về sự phù du của thiên nhiên, con người không thể bình tâm trước sự cuộc, đó cũng là do họ có một tâm hồn mẫn cảm, dễ vỡ. Hơn thế, con người cho rằng thiên nhiên mang trong nó một linh hồn sống và vì vậy nó cũng như kiếp người ngắn ngủi và vô thường, nhất là khi nó bị khoác lên tấm áo của tâm trạng.

Page 18: I H C KHOA H C XÃ HỘI VÀ NHÂN VĂN - Tài Nguyên Số - Đại …repositories.vnu.edu.vn/jspui/bitstream/123456789/3807… ·  · 2012-05-03... chúng ta có thể lí giải

18

KẾT LUẬN

Murasaki Shikibu(978? - 1016?) là nhà văn xuất sắc của nền văn

hoá Heian. Truyện Genji là thành tựu kết tinh của văn hoá dân tộc Nhật Bản thời kỳ đầu trung cổ. Tác phẩm đã tạo nên sức hút mạnh mẽ, chinh phục bao trái tim bạn đọc. Vì vậy, xứ sở Phù Tang trở thành cái nôi của tiểu thuyết và được đánh giá là một nền văn học lớn trên toàn Thế giới. Murasaki - một nữ văn sĩ cung đình đã làm nên điều tuyệt vời ấy khi mang đến cho nhân loại cảm hứng nghệ thuật đầy tính sáng tạo. Trong đó, cảm thức thẩm mĩ niềm bi cảm(aware) đã được thể hiện một cách hiệu quả trong tác phẩm, tạo nên sắc thái độc đáo, phản ánh bản chất, đặc trưng của quan niệm người Nhật trong cách cảm thụ và hướng tới cái Đẹp.

1. Ngay từ thời trung cổ, đời sống cung đình đã mang lại những yếu tố văn hóa xã hội phong phú. Trước hết, có thể thấy về cơ cấu nhà nước, thể chế chính trị vững chắc của một giai đoạn được xem là thịnh vượng trong lịch sử phát triển của nhà nước phong kiến Nhật Bản. Từ sự cai trị của dòng họ quý tộc Fujiwara đến sự ảnh hưởng của các tư tưởng thời đại bên ngoài tạo cho văn hóa Nhật có sự kế thừa, tiếp thu chọn lọc, tiếp biến nền văn hóa mang đậm cốt cách của dân tộc bản địa.

Với tâm thế hoà hợp, mở rộng đón hướng gió văn hoá mới ngoại nhập, người Nhật đã hấp thu các tôn giáo ở bên ngoài mà đậm đặc nhất trong giai đoạn này là Phật giáo. Con đường của giáo phái này vào Nhật Bản xuất phát đầu tiên từ Triều Tiên, sau đó du nhập từ Trung Hoa và Ấn Độ. Phật giáo mang lại hơi thở mới cho thế giới quan của người Nhật. Từ quan niệm đạo đức, lối hành xử, thực tại tối hậu đến con đường giải thoát của mọi chúng sinh…Phật giáo mang lại cho con người khả năng nhận thức về thế giới, cách chế ngự bản thân. Trong đó, Thiền đóng vai trò rất lớn đối với đời sống dân tộc Nhật. Người Nhật tiếp thu Phật giáo không

Page 19: I H C KHOA H C XÃ HỘI VÀ NHÂN VĂN - Tài Nguyên Số - Đại …repositories.vnu.edu.vn/jspui/bitstream/123456789/3807… ·  · 2012-05-03... chúng ta có thể lí giải

19

theo nguyên bản mà theo cách riêng của họ, làm nên đặc trưng riêng cho Phật giáo ở đây. Với nghệ thuật nói chung và văn học nói riêng, nó ảnh hưởng lớn đến tư tưởng tác phẩm, phong cách sáng tạo của người nghệ sĩ. Niềm bi cảm sinh ra trong sự ảnh hưởng của thế giới quan Phật giáo ấy.

Bên cạnh yếu tố ngoại sinh, yếu tố nội nhập tạo nên nền tảng cơ bản của tinh thần người Nhật là Thần Đạo. Đây là tôn giáo bản địa, đề cao cuộc sống con người, làm cho con người sống có ý nghĩa hơn, bình tâm, thanh tẩy tâm hồn, sống trong sáng, chân thành, giản dị, hoà đồng và tĩnh tại. Theo quan niệm của Thần đạo, Thế giới này có nhiều các vị thần(Kami) tuỳ thuộc vào khả năng cảm thụ thẩm mỹ của con người đối với tự nhiên. Thần đạo và Phật giáo có mối quan hệ qua lại trong sự giao thoa, phát triển. Cùng với đời sống văn hoá lâu đời, phong tục bản xứ, người Nhật có xu hướng đi sâu vào tâm linh, đề cao giá trị đạo đức cao đẹp, giá trị thẩm mĩ.

Niềm bi cảm(aware) xuất hiện trong văn học không chỉ đến khi có tác phẩm Truyện Genji mà nó được đánh dấu bởi thời gian trước đó như trong Vạn diệp tập. Sau này, trong thời Heian, còn có tập thơ Cổ kim tập với tác giả nổi tiếng Narihira, Komachi. Cảm thức thẩm mĩ này xuất phát từ tư duy duy mỹ cũng như được sự ảnh hưởng của các hình thái tôn giáo, nhất là Phật giáo. Hơn thế, chính bản thân nhà văn là một nữ sĩ mang đậm phong cách nữ tính của trào lưu văn học nữ lưu trong giai đoạn này cùng với cuộc đời đầy sóng gió của cá nhân và đời sống cung đình bà đang chứng kiến. Tất cả hiện thực đời sống được đưa vào tác phẩm bằng tất cả những xúc cảm chân thật mà lãng mạn, sâu sắc mà cũng rất phiêu bồng như mộng đời ảo vọng với nhân tình bi ai. Bao trùm lên tác phẩm không chỉ là chuyện đời mà còn là chuyện của lòng người, của tình yêu lứa đôi, là tình ái nồng nàn, khổ hạnh.

2. Qua lăng kính nhà văn, tác phẩm thể hiện cảm thức thẩm mĩ niềm bi cảm với số phận các nhân vật. Xoay quanh trục hai nhân vật

Page 20: I H C KHOA H C XÃ HỘI VÀ NHÂN VĂN - Tài Nguyên Số - Đại …repositories.vnu.edu.vn/jspui/bitstream/123456789/3807… ·  · 2012-05-03... chúng ta có thể lí giải

20

chính với sự tiếp nối hai cuộc đời, nhân vật được xây dựng nằm trong cảm thức về thời gian. Bởi thời gian là số đo cuộc đời con người trong thế vận động của quy luật luân hồi, của sự vô thường của cuộc sống. Khi đặt nhân vật trong thời gian, niềm bi cảm được bộc lộ rõ nhất. Thời gian của cuộc đời là thời gian đã mất, cuốn đi cả tuổi trẻ, tình yêu, nỗi buồn và niềm hạnh phúc. Nhà văn xây dựng thời gian có tính biên niên, tiếp nối cũng như dòng đời chảy trôi không ngừng nghĩ.

Trong tác phẩm, hiện thực cuộc sống được tái hiện không chỉ theo thời gian khách quan mà còn theo thời gian của tâm lí nhân vật. Trong nỗi niềm hoài cổ và dòng ý thức, tâm lí nhân vật trở nên sống động hơn, sâu sắc hơn. Sợi dây cảm xúc xuyên suốt từ đầu đến cuối được khai thác triệt để. Niềm bi cảm được bộc lộ trên nhiều cung bậc. Đó không chỉ là nỗi buồn, cô đơn của kiếp người mà còn là sự đau khổ, đoạ đày của bản thể khi nhận thức đời người là hữu hạn. Quá khứ cũng chỉ là những khổ đau, niềm uất hận khó tàn phai theo năm tháng.

Người Nhật vốn coi trọng, tôn thờ cái đẹp. Bởi vậy, vẻ đẹp cũng là thước đo để đánh giá đạo đức con người. Nó có sức mạnh lôi cuốn, cảm hoá lòng người, cứu vớt thế giới. Trong Truyện kể Genji, ngoài hai nhân vật nam chính, các nhân vật nữ chính khác đa số là những mỹ nhân. Vẻ đẹp của họ khiến người thưởng thức nó cũng mê mẩn, vạn vật như được tái sinh. Tuy thế, con người như kiếp phù du(kagero) trôi nổi. Cái đẹp nhanh chóng mất đi mang lại sự nuối tiếc, bi cảm.

3. Cuộc đời thấm đẫm nỗi sầu bi khiến vạn vật cũng ưu thời không kém. Thiên nhiên tươi đẹp lại mang lấy cả hồn người mà sinh sôi. Trong tác phẩm Truyện Genji, thiên nhiên xuất hiện với tần xuất rất cao, cảnh đã nói hộ lòng người. Trong khoảnh khắc nào đó, thiên nhiên có thể là hồi tưởng quá khứ hay viễn ảnh xa mờ, làm chứng cho những cuộc chia li đầy tâm trạng. Có cuộc chia li nhanh chóng chỉ sau thời gian hội ngộ

Page 21: I H C KHOA H C XÃ HỘI VÀ NHÂN VĂN - Tài Nguyên Số - Đại …repositories.vnu.edu.vn/jspui/bitstream/123456789/3807… ·  · 2012-05-03... chúng ta có thể lí giải

21

của những mối tình thoáng qua. Có những cuộc chia li vĩnh viễn khi con người phải về với thế giới bên kia. Hay những cuộc chia tay tạm thời với cõi trần tục. Tất cả đều mạng lại những cảm xúc xao xuyến, buồn thương. Cho nên, thiên nhiên trong thế giới niềm bi cảm nhuốm màu tâm trạng.

Thiên nhiên như minh chứng cho những kí ức quá vãng xa xôi. Hình ảnh thiên nhiên hiện tại và quá khứ lặp lại khiến lòng người xao xuyến, bâng khuâng. Cũng như con người, thiên nhiên sớm tàn phai khi đang độ viên mãn mang lại vẻ đẹp phù du ở trần thế. Cái đẹp không chỉ đọng lại trong vẻ tươi đẹp của thiên nhiên mà còn ở cách con người thưởng thức nó. Vậy nên, thiên nhiên vừa đẹp lại vừa tinh tế, sống động, sâu sắc, đầy bi ai.

Từ một phạm trù thẩm mĩ đương đại aware, nhà văn đã thể hiện quan niệm, tư tưởng của mình về cuộc đời. Nhà văn chú trọng phản ánh thế giới tâm hồn của nhân vật bằng việc khai thác tâm lí qua những cuộc phiêu lưu tình ái cùng với dòng chảy của thời gian tạo nên những vết cắt số phận, từ đó cảm xúc của nhà văn cũng như nhân vật được bộc lộ, giãi bày trên trang sách. Qua tác phẩm, bức tranh văn hoá, xã hội, con người thời Heian hiện lên sinh động, đầy đủ nhất. Với ngòi bút diễm tình, tràn trề xúc cảm cùng với chất hiện thực, Murasaki đã mang lại những giá trị nhân bản sâu sắc cho Truyện Genji.

Luận văn nghiên cứu một khía cạnh biểu hiện trong tác phẩm Truyện Genji của Murasaki Shikibu. Hy vọng những nỗ lực của chúng tôi có thể mở ra một lối nhỏ trong việc tiếp cận nền văn học rộng lớn và phong phú của Nhật Bản. Trên chặng đường học tập, nghiên cứu văn học nước ngoài của mình, chúng tôi mong muốn sẽ mở rộng phạm vi tìm hiểu ra toàn bộ tiểu thuyết của Murasaki Shikibu trong một cái nhìn toàn diện và đối sánh với các nhà văn khác của nền văn học xứ sở Phù Tang.