25
1 MỘT SỐ CÂU HỎI VỀ THỊ TRƯỜNG CHỨNG KHOÁN PHÁI SINH TẠI VIỆT NAM Sở Giao dịch Chứng Khoán Hà Nội

MỘT SỐ CÂU HỎI VỀ THỊ TRƯỜNG CHỨNG KHOÁN PHÁI SINH

Embed Size (px)

Citation preview

Page 1: MỘT SỐ CÂU HỎI VỀ THỊ TRƯỜNG CHỨNG KHOÁN PHÁI SINH

1

MỘT SỐ CÂU HỎI VỀ THỊ TRƯỜNG CHỨNG KHOÁN

PHÁI SINH TẠI VIỆT NAM Sở Giao dịch Chứng Khoán Hà Nội

Page 2: MỘT SỐ CÂU HỎI VỀ THỊ TRƯỜNG CHỨNG KHOÁN PHÁI SINH

2

MỘT SỐ CÂU HỎI VỀ THỊ TRƯỜNG CKPS TẠI VIỆT NAM HỎI ĐÁP CHUNG ............................................................................................................................................................. 4

Chứng khoán Phái sinh là gì? ......................................................................................................................................... 4

Hợp đồng Tương lai là gì? .............................................................................................................................................. 5

Thế nào là mua hợp đồng tương lai? Thế nào là bán hợp đồng tương lai? ................................................................... 7

Thế nào là mẫu hợp đồng? ............................................................................................................................................. 8

Ký quỹ là gì? ................................................................................................................................................................... 9

Vị thế là gì? Tại sao lại có quy định về giới hạn vị thế? ................................................................................................ 10

Làm thế nào để thoát khỏi hợp đồng đang tham gia? ................................................................................................... 10

HĐTL được thanh toán như thế nào? ........................................................................................................................... 11

Tại sao tôi nên giao dịch Hợp đồng Tương lai? ............................................................................................................ 11

Lợi thế đòn bẩy của HĐTL là gì? .................................................................................................................................. 12

Rủi ro trong việc tham gia vào HĐTL là gì? .................................................................................................................. 13

Đối tác Bù trừ Trung Tâm là gì?.................................................................................................................................... 14

HỎI ĐÁP VỀ THỊ TRƯỜNG CKPS TẠI VIỆT NAM ........................................................................................................ 14

Hệ thống Văn bản Pháp Quy (VBPQ) cho thị trường CKPS tại Việt Nam bao gồm những văn bản gì? ...................... 14

Để tham gia giao dịch HĐTL, tôi phải làm gì? ............................................................................................................... 15

Page 3: MỘT SỐ CÂU HỎI VỀ THỊ TRƯỜNG CHỨNG KHOÁN PHÁI SINH

3

Vai trò của Thành viên Giao dịch (TVGD) và Thành viên Bù trừ (TVBT) đối với Nhà đầu tư là gì? ............................. 15

Tôi đã tham gia giao dịch trên thị trường cổ phiếu, liệu có được tham gia giao dịch chứng khoán phái sinh không? .. 17

Tôi có thể dùng chứng khoán để thế chấp khi tính giá trị ký quỹ được không? ............................................................ 17

Khi tham gia giao dịch phái sinh, tôi phải tuân thủ những quy định gì? ........................................................................ 18

Tại Việt Nam có áp dụng cơ chế Đối tác Bù trừ Trung tâm (CCP) không? ................................................................... 18

Sản phẩm phái sinh được triển khai đầu tiên tại Việt Nam là gì? Tại sao lại lựa chọn như vậy? ................................. 18

Các tài sản được lựa chọn làm tài sản cơ sở cho HĐTL tại Việt Nam? ....................................................................... 19

HĐTL chỉ số cổ phiếu có các tháng đáo hạn như thế nào? .......................................................................................... 19

HĐTL chỉ số cổ phiếu được thanh toán như thế nào? .................................................................................................. 19

Lợi ích của giao dịch HĐTL trên chỉ số với giao dịch cổ phiếu đơn lẻ? ........................................................................ 20

HĐTL trái phiếu chính phủ có các tháng đáo hạn như thế nào? ................................................................................... 21

Nếu không có đúng trái phiếu để giao thì tôi có được phép dùng trái phiếu khác không?............................................ 22

Hệ số chuyển đổi là gì? Được dùng làm gì? ................................................................................................................. 22

Sở GDCK Hà Nội có sử dụng cơ chế khớp lệnh như trên thị trường cổ phiếu không? ................................................ 22

Các loại lệnh được sử dụng khi giao dịch HĐTL? ........................................................................................................ 23

Tôi có thể xem thông tin về HĐTL ở đâu? .................................................................................................................... 23

Page 4: MỘT SỐ CÂU HỎI VỀ THỊ TRƯỜNG CHỨNG KHOÁN PHÁI SINH

4

HỎI ĐÁP CHUNG

Chứng khoán Phái sinh là gì?

Chứng khoán Phái sinh (CKPS) là một công cụ tài chính, trong đó giá trị của CKPS phụ thuộc vào giá trị của một hay

nhiều loại tài sản cơ sở. Chứng khoán Phái sinh có dạng hợp đồng tài chính trong đó quy định quyền lợi và/hoặc nghĩa

vụ của các bên tham gia hợp đồng đối với việc thanh toán hoặc/và chuyển giao tài sản cơ sở với một mức giá được thỏa

thuận trước vào một thời điểm nhất định trong tương lai. Tài sản cơ sở của Chứng khoán Phái sinh được chia thành 02

dạng chính:

• Hàng hóa: thực phẩm (ngũ cốc, thịt, cà phê, hồ tiêu, v.v…), kim loại (vàng, bạc, kẽm, v.v…), năng lượng (khí đốt, dầu, v.v…), khác (thời tiết, kết quả bầu cử, v.v…)

• Công cụ tài chính: cổ phiếu (chỉ số cổ phiếu, cổ phiếu đơn lẻ), trái phiếu (trái phiếu chính phủ, trái phiếu địa phương, trái phiếu doanh nghiệp), Lãi suất (lãi suất ngân hàng, lãi suất ngoại tệ), Tiền tệ (USD, Yên Nhật, Euro, v.v…), Chứng khoán phái sinh.

Chứng khoán Phái sinh được chia thành 04 loại chính:

• Hợp đồng Kỳ hạn (HĐKH): là thỏa thuận pháp lý giữa hai bên tham gia về việc mua và bán một loại tài sản tại một thời điểm nhất định trong tương lai với mức giá được xác định trước tại ngày thực hiện giao dịch.

• Hợp đồng Tương lai (HĐTL): là một dạng hợp đồng kỳ hạn đã được chuẩn hóa, niêm yết và giao dịch tại thị trường tập trung (Sở Giao dịch chứng khoán).

• Hợp đồng Quyền chọn (HĐQC): là thỏa thuận pháp lý trong đó một bên có quyền yêu cầu thực hiện và bên kia có nghĩa vụ phải mua hoặc bán một lượng tài sản cơ sở theo mức giá đã được xác định trước tại hợp đồng trong một khoảng thời gian hoặc tại một thời điểm nhất định trong tương lai.

• Hợp đồng Hoán đổi (HĐHĐ): là một thỏa thuận pháp lý trong đó hai bên cam kết hoán đổi dòng tiền của một công cụ tài chính của một bên với dòng tiền của công cụ tài chính của bên còn lại trong một khoảng thời gian nhất định.

Page 5: MỘT SỐ CÂU HỎI VỀ THỊ TRƯỜNG CHỨNG KHOÁN PHÁI SINH

5

Hợp đồng Tương lai là gì?

Hợp đồng Tương lai (HĐTL) là một sản phẩm được phát triển từ Hợp đồng Kỳ hạn (HĐKH). Về cơ bản, HĐKH và

HĐTL là một hợp đồng thỏa thuận giữa 02 bên, theo đó, 02 bên sẽ thực hiện mua bán một/nhiều loại tài sản cơ sở nhất

định với một mức giá và thời điểm thanh toán được thỏa thuận vào thời điểm lập hợp đồng. HĐKH là một hợp đồng có

tính song phương, được lập lên trên cơ sở tự thỏa thuận giữa 02 bên hợp đồng. Hiếm có 2 HĐKH nào có tất cả nội dung

điều khoản trong hợp đồng giống hệt nhau. Với tính chất song phương như vậy, HĐKH có 02 nhược điểm chính: (1) sau

khi tham gia hợp đồng, nếu nhà đầu tư có ý định thoát khỏi các quyền lợi/nghĩa vụ với đối tác, nhà đầu tư sẽ gặp khó

khăn trong việc tìm kiếm bên thứ 3 để chuyển giao hợp đồng; (2) nhà đầu tư sẽ phải hứng chịu toàn bộ rủi ro trong

trường hợp đối tác của hợp đồng không thực hiện các nghĩa vụ đã được quy định tại hợp đồng. Việc tham gia hợp đồng

có thể đi kèm với các khoản chi phí không nhỏ liên quan đến việc giám sát nghĩa vụ hoặc trách nhiệm pháp lý khi đối tác

không thực hiện hợp đồng.

HĐKH là một loại CKPS có lịch sử phát triển lâu đời và được nhiều đối tượng sử dụng làm công cụ phòng hộ rủi ro.

Tuy nhiên, trước nhu cầu của thị trường, sản phẩm HĐTL đã được ra đời để khắc phục các nhược điểm trên của HĐKH

với những đặc điểm chính sau:

• Hợp đồng tương lai, khác với Hợp đồng kỳ hạn, đã được chuẩn hóa về các điều khoản trong hợp đồng bởi tổ

chức quản lý thị trường là Sở Giao dịch Chứng khoán. Các điều khoản được chuẩn hóa sẽ được quy định tại

Mẫu hợp đồng và bao gồm những điều khoản cụ thể về việc giao dịch và thanh toán của các bên. Nội dung

này sẽ được giải thích kỹ hơn ở phần sau.

• Do được chuẩn hóa và đảm bảo tính đồng nhất của hợp đồng, các bên của Hợp đồng có thể dễ dàng giao

dịch Hợp đồng Tương lai trên thị trường tập trung theo nguyên tắc tương tự như giao dịch chứng khoán cơ

sở. Việc tham gia vào một hợp đồng mới hoặc thoát khỏi một hợp đồng có thể được thực hiện thông qua hoạt

động giao dịch mua/bán hợp đồng trên thị trường.

Page 6: MỘT SỐ CÂU HỎI VỀ THỊ TRƯỜNG CHỨNG KHOÁN PHÁI SINH

6

• Do được giao dịch liên tục trên thị trường, nên giá của Hợp đồng Tương lai biến động liên tục tương tự như giá

của chứng khoán tại thị trường cơ sở. Khi giá của Hợp đồng Tương lai biến động, giá trị khoản đầu tư của nhà

đầu tư vào hợp đồng sẽ biến động và ghi nhận lãi trong trường hợp giá biến động theo chiều hướng có lợi

hoặc ghi nhận lỗ trong trường hợp ngược lại. Việc ghi nhận lãi/lỗ này sẽ được thực hiện hằng ngày và được

gọi là hạch toán hằng ngày.

• Để giảm thiểu rủi ro trong việc một bên mất khả năng thanh toán gây ảnh hưởng tới đối tác trong hợp đồng,

việc thanh toán sẽ được thực hiện thông qua tổ chức trung gian là Trung tâm Thanh toán Bù trừ (TTTTBT). Nếu

sử dụng cơ chế Thanh toán Bù trừ Trung tâm (CCP) thì Trung tâm thanh toán bù trừ sẽ là Bên Mua của mọi Bên

Bán và Bên Bán của mọi Bên Mua của Hợp đồng. Cơ chế này đảm bảo một bên của hợp đồng sẽ vẫn nhận

được tiền/tài sản trong trường hợp đối tác trong hợp đồng không có khả năng thanh toán theo nghĩa vụ đã quy

định.

• Nhà đầu tư phải nộp ký quỹ trước khi tham gia giao dịch và phải duy trì khoản ký quỹ này theo các mức do

TTTTBT quy định: để đảm bảo tính toàn cho thị trường, TTTTBT yêu cầu tất cả nhà đầu tư tham gia mua

hoặc/và bán hợp đồng phải nộp một khoản ký quỹ được gọi là Ký quỹ ban đầu cho TTTTBT, khi giá của hợp

đồng tương lai biến động thì giá trị khoản ký quỹ này cũng sẽ biến động theo. Khi khoản ký quỹ này xuống

thấp hơn mức kỹ quỹ được gọi là Ký quỹ duy trì, thì nhà đầu tư phải bổ sung tiền/tài sản để tăng giá trị ký quỹ

bằng tối thiểu mức Ký quỹ ban đầu.

Page 7: MỘT SỐ CÂU HỎI VỀ THỊ TRƯỜNG CHỨNG KHOÁN PHÁI SINH

7

Giá của hợp đồng

Lãi

/lỗ v

ị thế

mua

Giá của hợp đồng

Lãi

/Lỗ

vị th

ế bá

n

Thế nào là mua hợp đồng tương lai? Thế nào là bán hợp đồng tương lai?

Hợp đồng Tương lai sẽ luôn luôn tồn tại 02 bên của Hợp đồng là: Bên Mua và Bên Bán Hợp đồng. Nhà đầu tư được

coi là Bên Mua (hay còn được gọi là tham gia vị thế mua) hoặc Bên Bán (tham gia vị thế bán) của hợp đồng khi nhà đầu

tư đó đặt lệnh mua/bán hợp đồng trên thị trường và được khớp với lệnh đối ứng trên cơ sở về giá và khối lượng. Nếu

nhà đầu tư có nhu cầu mua tài sản cơ sở, hoặc/và kỳ vọng giá của tài sản cơ sở sẽ tăng trong tương lai, thì nhà đầu tư

sẽ tham gia mua Hợp đồng; ngược lại, nếu nhà đầu tư có nhu cầu bán tài sản cơ sở hoặc/và kỳ vọng giá của tài sản cơ

sở sẽ giảm trong tương lai, thì nhà đầu tư sẽ tham gia bán hợp đồng.

HĐTL chỉ được hình thành khi lệnh mua và lệnh bán hợp đồng được khớp trên thị trường giao dịch. Khi HĐ được

hình thành, TTTTBT sẽ bắt đầu thực hiện thanh toán bù trừ cho hợp đồng đó theo cơ chế Đối tác Bù trừ Trung tâm (sẽ

được giải thích ở nội dung sau). Theo đó, vào cuối ngày giao dịch, dựa vào các giá thanh toán hằng ngày và giá mà nhà

đầu tư đã mua/bán hợp đồng, TTTTBT sẽ tính toán lãi/lỗ của vị thế mà nhà đầu tư nắm giữ và thực hiện chuyển giao tiền

từ bên lỗ cho bên lãi. Hoạt động này được gọi là Hạch toán hằng ngày và được diễn ra trong suốt quá trình nhà đầu tư

tham gia hợp đồng.

Đối với trường hợp HĐTL thanh toán bằng hình thức chuyển giao vật chất, thì vào ngày thanh toán cuối cùng, tất cả

các hợp đồng còn tồn tại cho đến thời điểm cuối cùng thì sẽ được thanh toán bằng việc bên Mua và bên Bán chuyển giao

tiền và tài sản theo quy định của TTTTBT.

Page 8: MỘT SỐ CÂU HỎI VỀ THỊ TRƯỜNG CHỨNG KHOÁN PHÁI SINH

8

Thế nào là mẫu hợp đồng? Mẫu hợp đồng, về cơ bản, là một dạng hợp đồng chuẩn, theo đó sẽ quy định các điều khoản về nghĩa vụ/quyền lợi

của tất cả nhà đầu tư tham gia vào hợp đồng này. Mục đích của việc có một hợp đồng chuẩn là để nhà đầu tư có thể dễ

dàng giao dịch hợp đồng (bao gồm mở hợp đồng mới hoặc thoát khỏi hợp đồng đã mở) một cách dễ dàng và ít tốn kém.

Nội dung mẫu hợp đồng của HĐTL thông thường sẽ quy định:

• Loại tài sản cơ sở được dùng để xác định giá hợp đồng và để chuyển giao (trong trường hợp chuyển giao vật chất)

• Thời điểm đáo hạn của hợp đồng (tháng đáo hạn, ngày đáo hạn/ngày giao dịch cuối cùng, ngày thanh toán cuối cùng): một hợp đồng có thể có nhiều tháng đáo hạn khác nhau để nhà đầu tư lựa chọn mua/bán. Tất cả các hợp đồng sẽ đáo hạn vào một ngày nhất định trong tháng đáo hạn của hợp đồng. Sau ngày đáo hạn, hợp đồng đó được hủy niêm yết và nhà đầu tư sẽ hoàn tất nghĩa vụ thanh toán vào ngày thanh toán cuối cùng.

• Giá trị hợp đồng/hệ số nhân: giá trị bằng tiền của một hợp đồng tương lai. Giá trị/Quy mô hợp đồng được xác định bằng giá của hợp đồng * hệ số nhân của hợp đồng.

• Nguyên tắc giao dịch (bước giá, giá tham chiếu, giới hạn giá, phiên giao dịch,v.v…): quy định các nguyên tắc về giao dịch hợp đồng mà nhà đầu tư phải tuân thủ khi tham gia mua/bán hợp đồng trên thị trường.

• Nguyên tắc thanh toán bù trừ (giá thanh toán, phương thức thanh toán, tài sản chuyển giao, mức ký quỹ, giới hạn vị thế, v.v…) quy định các nguyên tắc thanh toán bù trừ mà nhà đầu tư phải tuân thủ: mức ký quỹ là giá trị tiền hoặc/và tài sản mà nhà đầu tư phải nộp trước khi và trong suốt quá trình tham gia hợp đồng.

• Giá thanh toán (hằng ngày, cuối cùng) là các loại giá được tính vào cuối ngày giao dịch được dùng để xác định lãi/lỗ trên từng vị thế của nhà đầu tư.

• Phương thức thanh toán: Hợp đồng có thể thanh toán bằng 02 hình thức: tiền hoặc/và chuyển giao vật chất. • Tài sản chuyển giao là những loại tài sản được chấp thuận để chuyển giao khi thanh toán hợp đồng (nếu HĐTL

được thanh toán bằng hình thức chuyển giao vật chất). • Giới hạn vị thế là tổng số lượng vị thế trên 1 loại hợp đồng mà nhà đầu tư được phép nắm giữ trong suốt quá

trình tham gia hợp đồng.

Page 9: MỘT SỐ CÂU HỎI VỀ THỊ TRƯỜNG CHỨNG KHOÁN PHÁI SINH

9

Mẫu hợp đồng sẽ được Sở GDCK và TTTTBT công bố trước thời điểm niêm yết hợp đồng đầu tiên. Sau đó, Sở

GDCK và TTTTBT có thể điều chỉnh một số điều khoản trong mẫu hợp đồng để phù hợp với điều kiện thị trường. Việc

điều chỉnh mẫu hợp đồng sẽ được các đơn vị trên công bố trước thời gian thực hiện điều chỉnh.

Ký quỹ là gì?

Ký quỹ tại thị trường CKPS là khoản tiền hoặc/và tài sản mà nhà đầu tư phải nộp trước khi tham gia vào hợp đồng

để đảm bảo khả năng thực hiện nghĩa vụ theo hợp đồng đã quy định.

Trước khi thực hiện đặt lệnh giao dịch hợp đồng, nhà đầu tư phải đảm bảo có đủ số tiền hoặc/và tài sản bằng tối

thiểu Mức Ký quỹ Ban đầu được xác định theo công thức:

Mức Ký quỹ ban đầu= giá HĐ muốn mua/bán * hệ số nhân HĐ * số lượng HĐ mua/bán * tỷ lệ ký quỹ

Khi nhà đầu tư đảm bảo có đủ mức tiền và tài sản bằng tối thiểu mức Ký quỹ ban đầu, nhà đầu tư có thể đặt lệnh

giao dịch.

Khi giao dịch của nhà đầu tư được thực hiện thành công, nhà đầu tư sẽ được ghi nhận là đang nắm giữ vị thế hợp

đồng. Trong suốt quá trình nhà đầu tư nắm giữ vị thế, TTTTBT sẽ thực hiện hạch toán lãi/lỗ tại khoản ký quỹ này khi giá

của hợp đồng tương lai trên thị trường biến động. Khi giá HĐ biến động theo chiều hướng bất lợi, giá trị ký quỹ của nhà

đầu tư đó sẽ gặp lỗ . Khi giá trị ký quỹ này giảm xuống một mức ký quỹ là Mức Ký quỹ Duy trì (thường nhỏ hơn mức Ký

quỹ Ban đầu), nhà đầu tư đó phải thực hiện bổ sung ký quỹ theo quy định để khoản ký quỹ bằng tối thiểu mức Ký quỹ Ban

đầu.

Nếu giá của hợp đồng biến động theo chiều hướng có lợi, giá trị ký quỹ của nhà đầu tư tăng lên và nhà đầu tư có

thể rút bớt một phần ký quỹ. Tuy nhiên, nhà đầu tư phải đảm bảo: giá trị ký quỹ còn lại sau khi rút không được thấp hơn

mức Ký quỹ Ban đầu.

Page 10: MỘT SỐ CÂU HỎI VỀ THỊ TRƯỜNG CHỨNG KHOÁN PHÁI SINH

10

Khi nhà đầu tư thoát khỏi hợp đồng hoặc khi hợp đồng đáo hạn, nhà đầu tư sẽ nhận lại được khoản ký quỹ sau khi

đã hạch toán các khoản lãi/lỗ và các chi phí phát sinh khác. Nếu khoản lỗ của nhà đầu tư lớn hơn giá trị ký quỹ của nhà

đầu tư, nhà đầu tư có nghĩa vụ hoàn trả các khoản thiệt hại trên cho TTTTBT và công ty chứng khoán.

Vị thế là gì? Tại sao lại có quy định về giới hạn vị thế?

Việc Nắm giữ Vị thế là việc nhà đầu tư đang tham gia vào 1 bên của hợp đồng. Nếu nhà đầu tư đặt lệnh chào mua

01 hợp đồng và lệnh này được khớp trên thị trường, thì nhà đầu tư đó được coi là đang nắm giữ 01 vị thế mua. Ngược

lại, Nhà đầu tư được coi là nắm giữ 01 vị thế bán nếu nhà đầu tư tham gia vào bên bán 01 hợp đồng.

Giới hạn vị thế được đặt ra nhằm ngăn ngừa việc một cá nhân hoặc tổ chức có thể nắm giữ số lượng hợp đồng

quá lớn, qua đó gây ảnh hưởng đáng kể lên giao dịch của chứng khoán phái sinh. Việc sử dụng giới hạn vị thế sẽ giúp

duy trì thị trường ổn định và công bằng, qua đó đảm bảo quyền lợi của các nhà đầu tư khi tham gia giao dịch chứng

khoán phái sinh.

Làm thế nào để thoát khỏi hợp đồng đang tham gia?

Sau khi tham gia vào hợp đồng, nhà đầu tư có thể nắm giữ vị thế hợp đồng cho đến thời điểm đáo hạn của HĐ

hoặc thoát khỏi vị thế trước thời điểm đáo hạn. Ví dụ: nếu nhà đầu tư đang nắm giữ vị thế bán cần thoát khỏi HĐ thì nhà

đầu tư cần đặt một/nhiều lệnh tại vị thế đối nghịch (tức là vị thế mua) trong đó: tổng số lượng hợp đồng chào mua bằng

tổng số lượng vị thế bán đang nắm giữ với giá chào mua được thị trường chấp thuận. Nếu lệnh/các lệnh này được khớp,

thì nhà đầu tư được coi là đã thoát khỏi toàn bộ vị thế của mình.

Việc thoát khỏi hợp đồng (hay còn gọi là đóng vị thế) được nhà đầu tư thực hiện trong nhiều trường hợp:

• Khi nhà đầu tư không còn nhu cầu tham gia hợp đồng;

• Khi nhà đầu tư có nhu cầu chốt lãi/lỗ;

Page 11: MỘT SỐ CÂU HỎI VỀ THỊ TRƯỜNG CHỨNG KHOÁN PHÁI SINH

11

• Khi nhà đầu tư đang nắm giữ số lượng vị thế vượt quá mức quy định;

• Khi nhà đầu tư không đủ khả năng bổ sung ký quỹ theo yêu cầu;

HĐTL được thanh toán như thế nào?

Nguyên tắc thanh toán đối với HĐTL sẽ được quy định tại mẫu hợp đồng, theo đó việc thanh toán có thể được thực

hiện dưới 1 trong 2 hình thức sau:

1. Thanh toán bằng tiền mặt: hình thức này thường được áp dụng cho một số loại HĐTL có tài sản cơ sở không thể

chuyển giao (chỉ số cổ phiếu, lãi suất, thời tiết, kết quả bầu cử, v.v…) hoặc do tính chất phù hợp khi thiết kế sản phẩm

nên được lựa chọn làm phương thức thanh toán cho sản phẩm đó. Giá trị tiền thanh toán sẽ được tính trên lãi/lỗ của

khoản ký quỹ của nhà đầu tư khi giá hợp đồng biến động trên thị trường.

2. Thanh toán bằng hình thức chuyển giao vật chất: áp dụng cho một số loại HĐTL có tài sản cơ sở có thể chuyển

giao (cổ phiếu đơn lẻ, trái phiếu, hàng hóa, v.v…) hoặc do tính chất phù hợp khi thiết kế sản phẩm. Vào thời điểm đáo

hạn, bên mua của HĐTL sẽ thực hiện chuyển tiền và bên bán HĐTL sẽ thực hiện chuyển giao tài sản cơ sở theo yêu cầu

của Trung tâm Thanh toán Bù trừ, thông qua hệ thống thanh toán của Trung tâm.

Tại sao tôi nên giao dịch Hợp đồng Tương lai?

Nguyên tắc giao dịch Hợp đồng Tương lai có nhiều đặc điểm tương tự giao dịch của chứng khoán cơ sở (cổ phiếu,

trái phiếu). Tuy nhiên, hợp đồng tương lai có một số đặc điểm khác biệt sau đối với chứng khoán cơ sở:

• Tổng số lượng Hợp đồng Tương lai lưu hành không bị giới hạn: khác với cổ phiếu hay trái phiếu, Hợp đồng

tương lai không có khái niệm tổ chức phát hành. Số lượng hợp đồng lưu hành trên thị trường phụ thuộc vào

nhu cầu của nhà đầu tư.

Page 12: MỘT SỐ CÂU HỎI VỀ THỊ TRƯỜNG CHỨNG KHOÁN PHÁI SINH

12

• Nhà đầu tư có thể tham gia vị thế bán hợp đồng tương lai mà không cần sở hữu tài sản cơ sở của hợp đồng đó.

Nhà đầu tư không cần phải có đủ tiền bằng tổng giá trị của Hợp đồng để tham gia mua hợp đồng.

• Nhà đầu tư chỉ cần bỏ ra một số tiền (ký quỹ) bằng một phần giá trị của Hợp đồng mà nhà đầu tư muốn tham

gia. Đây chính là Lợi thế đòn bẩy của Hợp đồng Tương lai.

Với đặc điểm Lợi thế đòn bẩy, không bị giới hạn về số lượng hợp đồng lưu hành, có thể tham gia mua/bán mà

không cần sở hữu tài sản cơ sở/đủ tiền, Hợp đồng Tương lai là một sản phẩm ưa thích của những nhà đầu tư với mục

đích:

• Phòng hộ rủi ro: nhà đầu tư có thể giảm thiểu các rủi ro về biến động về giá của một loại tài sản bằng việc tham

gia Hợp đồng tương lai.

• Đầu cơ: nhà đầu tư có thể kiếm lời với giá trị lớn dựa trên một khoản ký quỹ có giá trị nhỏ.

• Tìm kiếm cơ hội từ chênh lệch về giá: giá của Hợp đồng Tương lai và giá của Tài sản cơ sở của Hợp đồng

thường biến động giống nhau, tuy nhiên trong một số trường hợp hai sản phẩm trên có biến động khác nhau,

nhà đầu tư có thể tìm kiếm được lợi nhuận chênh lệch giá mà không phải bỏ ra bất kỳ khoản tiền nào.

Lợi thế đòn bẩy của HĐTL là gì?

Lợi thế đòn bẩy là một đặc điểm khác biệt của CKPS đối với các chứng khoán cơ sở. Về cơ bản, khi tham gia giao

dịch HĐTL, nhà đầu tư chỉ phải bỏ ra một khoản tiền (Ký quỹ) có giá trị nhỏ hơn giá trị của hợp đồng mà nhà đầu tư muốn

tham gia (giá trị hợp đồng). Ví dụ:

• Nhà đầu tư có nhu cầu tham gia vị thế mua 01 hợp đồng tương lai trên chỉ số HNX30 đáo hạn vào tháng

05/2016. Nhà đầu tư đặt lệnh mua 01 hợp đồng với giá chào mua là 103 điểm và được khớp trên thị trường

với giá trên. Như vậy nhà đầu tư đã được TTTTBT ghi nhận là đã tham gia 01 vị thế mua với giá 103 điểm.

Page 13: MỘT SỐ CÂU HỎI VỀ THỊ TRƯỜNG CHỨNG KHOÁN PHÁI SINH

13

• Nếu tại mẫu hợp đồng tương lai chỉ số HNX30 quy định: hệ số nhân của 01 hợp đồng là 1 triệu đồng/điểm chỉ

số thì giá trị 01 hợp đồng của nhà đầu tư trên bằng: 103 điểm * 1 triệu đồng/điểm chỉ số= 103 triệu đồng. Tuy

nhiên, nếu mức ký quỹ ban đầu được quy định là 15%, thì thay vì việc phải bỏ ra 103 triệu, nhà đầu tư chỉ phải

bỏ ra số tiền và/hoặc tài sản có giá trị= 103 triệu * 15%= 15,45 triệu đồng để tham gia hợp đồng.

• Số tiền ký quỹ ban đầu này sẽ được TTTTBT sử dụng trong việc tính toán lãi/lỗ của nhà đầu tư. Ví dụ: khi giá

hợp đồng tương lai tăng từ 103 lên 105 điểm, nhà đầu tư đang có lãi với giá trị bằng: (105-103) * 1 triệu

đồng/điểm chỉ số = 2 triệu đồng. Giá trị ký quỹ của nhà đầu tư sẽ tăng: 15,45 triệu + 2 triệu= 17,45 triệu đồng.

• Nếu như giao dịch tại thị trường cơ sở, thì phần trăm lãi của nhà đầu tư trên số tiền ban đầu bỏ ra sẽ chỉ bằng:

(105-103)/103 *100%= 1,94%. Tuy nhiên, đối với hợp đồng tương lai, thì phần trăm lãi của nhà đầu tư sẽ

bằng: (105-103)/15,45 * 100%= 12,95%. Như vậy có thể thấy, một biến động nhỏ về giá của hợp đồng tương

lai có thể tạo ra hiệu ứng lãi/lỗ trên khoản đầu tư lớn hơn nhiều so với việc đầu tư vào các chứng khoán cơ sở.

Tuy nhiên, ví dụ nêu trên chỉ minh họa trường hợp nhà đầu tư có lãi. Trong trường hợp có lỗ, nhà đầu tư có thể chịu

thiệt hại lớn trên khoản tiền đã bỏ ra trong một khoảng thời gian ngắn. Nội dung này sẽ được giải thích tại phần dưới đây.

Rủi ro trong việc tham gia vào HĐTL là gì?

Lợi thế đòn bẩy có thể được coi là con dao hai lưỡi với nhà đầu tư. Khi giá của hợp đồng tương lai biến động theo

chiều hướng có lợi (ví dụ: giá hợp đồng tăng đối với nhà đầu tư nắm vị thế mua, giá hợp đồng giảm đối với nhà đầu tư

nắm giữ vị thế bán), thì nhà đầu tư có thể ghi nhận một khoản lãi lớn trên giá trị ký quỹ ban đầu. Nhưng ngược lại, khi giá

hợp đồng biến động theo chiều hướng bất lợi, nhà đầu tư có thể sẽ phải chịu những khoản thiệt hại lớn trên khoản ký

quỹ trong thời gian rất ngắn.

Khi giá trị ký quỹ của nhà đầu tư xuống thấp hơn mức cho phép (mức Ký quỹ Duy trì), nhà đầu tư phải nhanh chóng

bổ sung ký quỹ. Nếu không bổ sung ký quỹ kịp thời, nhà đầu tư buộc phải đóng một phần/toàn bộ vị thế đang nắm giữ

Page 14: MỘT SỐ CÂU HỎI VỀ THỊ TRƯỜNG CHỨNG KHOÁN PHÁI SINH

14

bằng việc đặt lệnh đối ứng trên thị trường. Khi giá hợp đồng tiếp tục biến động bất lợi trong khi vẫn chưa đóng được vị

thế, khoản ký quỹ của nhà đầu tư vẫn sẽ phải hứng chịu các khoản lỗ có thể lớn hơn giá trị ký quỹ. Khi đóng được vị thế,

nhà đầu tư vẫn phải thanh toán các thiệt hại cho TTTTBT và công ty chứng khoán nếu như giá trị ký quỹ của nhà đầu tư

không đủ để chi trả.

Đối tác Bù trừ Trung Tâm là gì?

Đối tác Bù trừ Trung tâm (Central Counterparty-CCP) là một cơ chế hoạt động của Trung tâm Thanh toán Bù trừ: trong đó tất cả các HĐ được giao dịch trên thị trường sẽ được bù trừ thông qua một đối tác duy nhất, được gọi là đối tác bù trừ trung tâm. Khi lệnh mua và lệnh bán hợp đồng được khớp trên thị trường giao dịch và hợp đồng tương lai được hình thành, thông tin này sẽ được chuyển đến TTTTBT để thực hiện biện pháp Thế vị Vị thế: TTTTBT sẽ tách hợp đồng giữa hai bên thành 02 hợp đồng độc lập, trong đó:

• 01 Hợp đồng giữa bên mua và TTTTBT (là bên bán); • 01 hợp đồng giữa bên bán và TTTTBT (là bên mua)

Cơ chế hoạt động CCP là một cơ chế giúp đảm bảo an toàn cho nhà đầu tư: khi một bên hợp đồng không thực hiện nghĩa vụ theo quy định, bên kia vẫn có thể nhận được tiền hoặc/và tài sản từ phía TTTTBT.

HỎI ĐÁP VỀ THỊ TRƯỜNG CKPS TẠI VIỆT NAM

Hệ thống Văn bản Pháp Quy (VBPQ) cho thị trường CKPS tại Việt Nam bao gồm những văn bản gì?

Hiện nay, hệ thống văn bản pháp quy tại Việt Nam cho thị trường CKPS đã được hoàn thiện và bao gồm những văn

bản sau:

• Luật Chứng Khoán số 70/2006/QH11 (có thể xem tại đây);

Page 15: MỘT SỐ CÂU HỎI VỀ THỊ TRƯỜNG CHỨNG KHOÁN PHÁI SINH

15

• Nghị định số 42/2015/NĐ-CP do Thủ tướng-Chính Phủ phê duyệt ngày 05/05/2015 về Chứng Khoán Phái sinh

và Thị trường Chứng khoán Phái sinh (có thể xem tại đây);

• Thông tư số 11/2016/TT-BTC ngày 19/01/2016 của Bộ Tài chính hướng dẫn một số điều của Nghị định số

42/2015/NĐ-CP của Chính phủ về Chứng khoán Phái sinh và thị trường Chứng Khoán Phái sinh (có thể xem

tại đây)

Trên cơ sở hệ thống văn bản pháp quy nêu trên, Sở GDCK Hà Nội, Trung tâm Lưu ký Việt Nam (VSD) sẽ tiếp tục

hoàn thiện các văn bản hướng dẫn cho thị trường CKPS tại Việt Nam.

Để tham gia giao dịch HĐTL, tôi phải làm gì?

Để tham gia giao dịch HĐTL, nhà đầu tư có thể thực hiện theo các bước sau:

• Nhà đầu tư cần mở tài khoản giao dịch tại công ty chứng khoán là thành viên giao dịch thị trường chứng khoán

phái sinh và một tài khoản ký quỹ tại một thành viên bù trừ (có thể là một tổ chức khác nếu thành viên giao

dịch của nhà đầu tư không phải là thành viên bù trừ): Tài khoản giao dịch sẽ là tài khoản để nhà đầu tư đặt

lệnh giao dịch chứng khoán phái sinh. Tài khoản ký quỹ sẽ là tài khoản nhà đầu tư nộp tiền hoặc/và tài sản

dùng để ký quỹ cho hoạt động giao dịch trên tài khoản giao dịch của nhà đầu tư.

• Trước khi bắt đầu giao dịch, nhà đầu tư cần nộp tiền hoặc/và ký quỹ theo quy định;

• Nhà đầu tư tiến hành tham gia giao dịch HĐTL theo hướng dẫn của Thành viên giao dịch và bổ sung ký quỹ

khi được yêu cầu.

Nhà đầu tư có thể tham khảo các nội dung liên quan đến hoạt động giao dịch và thanh toán Chứng khoán Phái sinh

của nhà đầu tư đã được quy định chi tiết tại Điều 6, 7,8 và 9 của Thông tư số 11/2016/TT-BTC.

Vai trò của Thành viên Giao dịch (TVGD) và Thành viên Bù trừ (TVBT) đối với Nhà đầu tư là gì?

Page 16: MỘT SỐ CÂU HỎI VỀ THỊ TRƯỜNG CHỨNG KHOÁN PHÁI SINH

16

Nhà đầu tư chỉ được phép tham gia giao dịch và thanh toán hợp đồng tương lai thông qua thành viên giao dịch

(TVGD) và thành viên bù trừ (TVBT) của thị trường CKPS tại Việt Nam. Theo Nghị định số 42/2015/NĐ-CP và Thông tư

số 11/2016/TT-BTC, TVGD và TVBT sẽ có một số quyền và nghĩa vụ chính sau với nhà đầu tư:

Đối với TVGD: • TVGD phải ký hợp đồng mở tài khoản giao dịch với khách hàng ngoại trừ một số trường hợp được quy định tại

khoản 4, điều 14 Thông tư số 11/2016/TT-BTC;

• TVGD sẽ là tổ chức nhận, thực hiện lệnh giao dịch của nhà đầu tư; định kỳ theo yêu cầu của nhà đầu tư cung

cấp đầy đủ thông tin về hoạt động trên tài khoản giao dịch. Việc nhận, thực hiện lệnh và xác nhận kết quả giao

dịch của TVGD được quy định chi tiết tại Điều 15 Thông tư số 11/2016/TT-BTC;

• Dừng tiếp nhận, thực hiện lệnh giao dịch của nhà đầu tư mất khả năng thanh toán, trừ các giao dịch đối ứng

(để đóng vị thế);

Đối với TVBT: • Thành viên bù trừ là đại diện ủy quyền của khách hàng, thay mặt khách hàng chịu trách nhiệm thực hiện đầy

đủ các nghĩa vụ của khách hàng đối với Trung Tâm Lưu ký Chứng khoán (VSD). Nhà đầu tư phải nộp tiền

và/hoặc tài sản ký quỹ cho TVBT trước khi và trong suốt quá trình tham gia giao dịch theo hướng dẫn và quy

định của TVBT.

• Xác định lãi lỗ vị thế, tính toán mức ký quỹ ban đầu, mức ký quỹ bổ sung và giá trị tài sản ký quỹ cho từng tài

khoản giao dịch của nhà đầu tư. Yêu cầu nhà đầu tư bổ sung ký quỹ kịp thời và đầy đủ trong trường hợp giá trị

tài sản ký quỹ không đáp ứng mức ký quỹ duy trì; hoàn trả phần tài sản ký quỹ vượt mức ký quỹ ban đầu theo

yêu cầu của nhà đầu tư, giám sát, quản lý vị thế và tài sản ký quỹ của nhà đầu tư bảo đảm tuân thủ quy định

pháp luật;

• Bồi thường thiệt hại cho nhà đầu tư trong trường hợp không thực hiện nghĩa vụ theo quy định của pháp luật và

gây thiệt hại đến lợi ích hợp pháp của nhà đầu tư, mức bồi thường theo thỏa thuận của nhà đầu tư.

Page 17: MỘT SỐ CÂU HỎI VỀ THỊ TRƯỜNG CHỨNG KHOÁN PHÁI SINH

17

Tôi đã tham gia giao dịch trên thị trường cổ phiếu, liệu có được tham gia giao dịch chứng khoán phái sinh không?

Nhà đầu tư hoàn toàn có quyền tham gia giao dịch trên thị trường CKPS khi đã tham gia giao dịch trên thị trường cổ

phiếu.

Ngoài ra, nếu nhà đầu tư đã có tài khoản giao dịch chứng khoán thông thường mở tại công ty chứng khoán đồng

thời là thành viên giao dịch (TVGD) Chứng khoán Phái sinh, nhà đầu tư được quyền sử dụng tài khoản giao dịch chứng

khoán nêu trên để thực hiện giao dịch chứng khoán phái sinh, nhưng chỉ sau khi đã mở tài khoản ký quỹ tại thành viên bù

trừ.

Trong trường hợp tài khoản giao dịch chứng khoán thông thường của nhà đầu tư được mở tại CTCK không phải là

TVGD thị trường CKPS thì nếu có nhu cầu tham gia thị trường CKPS, nhà đầu tư phải mở tài khoản giao dịch CKPS tại

một CTCK khác là TVGD thị trường CKPS.

Tôi có thể dùng chứng khoán để thế chấp khi tính giá trị ký quỹ được không?

Căn cứ vào Điều 22 Thông tư số 11/2016/TT-BTC, Nhà đầu tư có thể sử dụng tài sản ký quỹ là tiền hoặc chứng

khoán để thực hiện nghĩa vụ ký quỹ của mình. Đối với tài sản ký quỹ là chứng khoán, TTTTBT sẽ quy định:

• Danh sách những chứng khoán được chấp thuận làm tài sản ký quỹ;

• Tỷ lệ chiết khấu đối với tiền hoặc/và chứng khoán sử dụng làm tài sản ký quỹ;

• Tỷ lệ ký quỹ bằng tiền tối thiểu đối với khoản ký quỹ của nhà đầu tư.

Khi nộp tiền hoặc chứng khoán làm tài sản ký quỹ, nhà đầu tư phải đảm bảo nguyên tắc tuân thủ các quy định nêu

trên của TTTTBT. Thành viên bù trừ có quyền quy định giá trị ký quỹ ban đầu, giá trị ký quỹ duy trì, tỷ lệ ký quỹ bằng tiền,

loại tiền và chứng khoán được chấp thuận làm ký quỹ, tỷ lệ chiết khấu với các loại tài sản trên nhưng không được thấp

hơn các giá trị tương ứng do Trung tâm Lưu ký quy định.

Page 18: MỘT SỐ CÂU HỎI VỀ THỊ TRƯỜNG CHỨNG KHOÁN PHÁI SINH

18

Khi tham gia giao dịch phái sinh, tôi phải tuân thủ những quy định gì?

Nhà đầu tư khi tham gia giao dịch chứng khoán phái sinh cần phải tuân thủ theo những quy định đã được nêu tại

Điều 8 Nghị định số 42/2015/NĐ-CP và Điều 6,7,8 và 9 tại Thông tư số 11/2016/TT-BTC;

Ngoài ra, Sở GDCK Hà Nội và VSD sẽ xây dựng và công bố các văn bản hướng dẫn đối với hoạt động giao dịch,

thanh toán bù trừ của nhà đầu tư và thành viên thị trường.

Khi ký hợp đồng mở tài khoản giao dịch và tài khoản ký quỹ tại TVGD và TVBT, nhà đầu tư cũng cần phải hiểu rõ

nội dung và thực hiện các quy định chi tiết tại các hợp đồng nêu trên.

Tại Việt Nam có áp dụng cơ chế Đối tác Bù trừ Trung tâm (CCP) không?

Có: Trung tâm Lưu ký chứng khoán Việt Nam (VSD) sẽ đóng vai trò là Trung tâm Thanh toán Bù trừ theo cơ chế Đối

tác Bù trừ Trung Tâm (CCP) trên thị trường chứng khoán phái sinh Việt Nam.

Sản phẩm phái sinh được triển khai đầu tiên tại Việt Nam là gì? Tại sao lại lựa chọn như vậy?

Theo thông lệ phát triển thị trường phái sinh trên thế giới, Hợp đồng Tương lai và Hợp đồng Quyền chọn là những

sản phẩm phái sinh đầu tiên và phổ biến nhất. Tuy nhiên, Hợp đồng Quyền chọn có những đặc điểm riêng biệt và cấu

trúc sản phẩm phức tạp, khó tiếp cận đối với công chúng đầu tư. Trong khi đó, nguyên tắc giao dịch Hợp đồng Tương lai

có nhiều nét tương đồng với việc giao dịch cổ phiếu trên thị trường cơ sở, phù hợp với các tiêu chí về tính đơn giản của

việc thiết kế sản phẩm cũng như mức độ dễ tiếp cận với công chúng đầu tư. Do vậy, Hợp đồng Tương lai được lựa chọn

làm loại sản phẩm phái sinh đầu tiên được triển khai tại Việt Nam.

Page 19: MỘT SỐ CÂU HỎI VỀ THỊ TRƯỜNG CHỨNG KHOÁN PHÁI SINH

19

Các tài sản được lựa chọn làm tài sản cơ sở cho HĐTL tại Việt Nam?

Trong giai đoạn đầu, các sản phẩm phái sinh được xây dựng dựa trên hai loại tài sản cơ sở là (i) chỉ số cổ phiếu

niêm yết bởi Sở giao dịch chứng khoán và (ii) trái phiếu chính phủ.

Đây là hai sản phẩm HĐTL phù hợp cho việc ra mắt thị trường CKPS tại Việt Nam. Trong thời gian tới, các sản

phẩm Hợp đồng Tương Lai và Chứng khoán Phái sinh khác trên các loại tài sản cơ sở sẽ được ra đời khi điều kiện thị

trường phù hợp.

HĐTL chỉ số cổ phiếu có các tháng đáo hạn như thế nào?

Hợp đồng tương lai chỉ số cổ phiếu được niêm yết theo các bộ mã hợp đồng, mỗi mã hợp đồng tương ứng với một

tháng đáo hạn. Bộ mã hợp đồng được niêm yết dự kiến có các tháng đáo hạn là tháng hiện tại, tháng kế tiếp và 2 tháng

theo chu kỳ quý gần nhất (tháng cuối quý là các tháng: tháng 3,tháng 6, tháng 9 và tháng 12)

Ví dụ:

Tại thời điểm tháng 8-2016, Sở GDCK sẽ niêm yết bộ mã hợp đồng tương lai chỉ số cố phiếu bao gồm các tháng đáo

hạn sau: tháng 8-2016 (tháng hiện tại), tháng 9-2016 (tháng kế tiếp), tháng 12-2016, tháng 3-2017 (2 tháng cuối quý gần

nhất)

HĐTL chỉ số cổ phiếu được thanh toán như thế nào?

Cuối mỗi ngày giao dịch, một mức giá thanh toán cuối ngày được xác định làm cơ sở để Trung tâm bù trừ hạch

toán lãi/lỗ cho các giao dịch phát sinh trong ngày hoặc giá trị của các vị thế đang nắm giữ như sau:

Page 20: MỘT SỐ CÂU HỎI VỀ THỊ TRƯỜNG CHỨNG KHOÁN PHÁI SINH

20

• Với những hợp đồng mở mới trong ngày:

Lãi/lỗ vị thế mới mở = (Giá thanh toán cuối ngày – Giá giao dịch) x Hệ số nhân x Số lượng hợp đồng

• Với những hợp đồng đang nắm giữ:

Lãi/lỗ với với vị thế đã có = (Giá thanh toán cuối ngày – Giá thanh toán cuối ngày liền trước) x Hệ số nhân x Số lượng hợp

đồng

Vào ngày giao dịch cuối cùng, một mức giá thanh thanh toán cuối cùng được xác định làm cơ sở để Trung tâm bù

trừ hạch toán lãi/lỗ cho các vị thế còn nắm giữ tới thời điểm đó. Giá thanh toán cuối cùng của HĐTL CSCP được xác định

dựa trên chỉ số cổ phiếu trên thị trường cơ sở vào ngày giao dịch cuối cùng.

Khoản thanh toán cuối cùng = (Giá thanh toán cuối cùng – Giá thanh toán cuối ngày giao dịch liền trước) x Hệ số nhân x

Số lượng hợp đồng.

• Giá trị các khoản lãi/lỗ của từng loại vị thế được tính để xác định tổng giá trị của các vị thế của người đầu tư.

• Nếu giá trị vị thế của người đầu tư < mức ký quỹ tối thiểu thì người đầu tư được yêu cầu bổ sung ký quỹ về

bằng mức ký quỹ ban đầu.

• Nếu giá trị vị thế của người đầu tư > mức ký quỹ ban đầu thì người đầu tư có thể rút lãi (= giá trị vị thế - mức

ký quỹ ban đầu).

Lợi ích của giao dịch HĐTL trên chỉ số với giao dịch cổ phiếu đơn lẻ?

Nhà đầu tư có thể sử dụng hợp đồng tương lai để thay thế cho việc mua chứng khoán cơ sở (cổ phiếu chứng chỉ

quỹ, cổ phiếu đơn lẻ) để điều chỉnh danh mục đầu tư của nhà đầu tư. So với việc đầu tư vào các cổ phiếu đơn lẻ, hợp

đồng tương lai chỉ số có một số ưu điểm sau:

• Người đầu tư có thể “mua cả thị trường cổ phiếu” thông qua việc mua hợp đồng tương lai chỉ số cổ phiếu, thay

vì phải mua từng cổ phiếu đơn lẻ hoặc phải đầu tư qua một công ty quản lý quỹ;

Page 21: MỘT SỐ CÂU HỎI VỀ THỊ TRƯỜNG CHỨNG KHOÁN PHÁI SINH

21

• Hợp đồng tương lai chỉ số cổ phiếu mang lại lợi thế đòn bẩy cao hơn bất kỳ cổ phiếu đơn lẻ nào;

• Hợp đồng tương lai chỉ số cổ phiếu chỉ cần yêu cầu phần vốn đầu tư thấp so với giá trị hợp đồng;

• Hợp đồng tương lai chỉ số cổ phiếu có rủi ro thấp hơn việc mua và nắm giữ cổ phiếu đơn lẻ;

• Đầu tư vào HĐTL chỉ số cổ phiếu, người đầu tư chỉ phải theo dõi diễn biến một chỉ số, không cần phải theo dõi

hàng trăm cổ phiếu đơn lẻ;

• Tính ứng dụng cao: một hợp đồng tương lai trên chỉ số có thể sử dụng làm công cụ phòng ngừa rủi ro cho

nhiều danh mục chứng khoán khác nhau của nhà đầu tư.

• Tính minh bạch và độ an toàn cao: do tài sản cơ sở là chỉ số cổ phiếu bao gồm nhiều cổ phiếu thành phần, các

hoạt động gây thao túng chỉ số sẽ khó thực hiện;

• Hình thức thanh toán dễ dàng và tiện lợi: do tài sản cơ sở là chỉ số cổ phiếu-không phải là một tài sản có thể

chuyển giao, nên việc thanh toán hợp đồng tương lai trên chỉ số cổ phiếu được thực hiện bằng tiền dựa trên

lãi/lỗ của các bên. Việc thanh toán được Trung tâm Thanh toán Bù trừ thực hiện liên tục trong ngày, đảm bảo

giảm thiểu tối đa tính rủi ro đối tác của hợp đồng.

Với các lợi ích trên, sản phẩm hợp đồng tương lai chỉ số cố phiếu là sản phẩm được ưa chuộng nhất tại thị trường

chứng khoán phái sinh trên các Sở Giao dịch Chứng khoán trên thế giới, với độ thanh khoản quan, được nhà đầu tư

quan tâm.

HĐTL trái phiếu chính phủ có các tháng đáo hạn như thế nào?

Hợp đồng tương lai chỉ số cổ phiếu được niêm yết theo các bộ mã hợp đồng, mỗi mã hợp đồng tương ứng với một

tháng đáo hạn. Bộ mã hợp đồng dự kiến sẽ có các tháng đáo hạn là 3 tháng gần nhất theo chu kỳ quý (với tháng theo

chu kỳ quý là tháng 3,tháng 6, tháng 9 và tháng 12)

Ví dụ:

Page 22: MỘT SỐ CÂU HỎI VỀ THỊ TRƯỜNG CHỨNG KHOÁN PHÁI SINH

22

Tại thời điểm tháng 10-2016, SGD sẽ niêm yết bộ mã hợp đồng tương lai trái phiếu bao gồm các tháng đáo hạn

sau: 12-2016, tháng 3-2017 và tháng 6-2017 (3 tháng gần nhất theo chu kỳ quý)

Nếu không có đúng trái phiếu để giao thì tôi có được phép dùng trái phiếu khác không?

Nội dung mẫu Hợp đồng của HDDTL Trái phiếu Chính phủ sẽ quy định những loại trái phiếu được sử dụng làm tài

sản chuyển giao. Trường hợp NĐT không có đúng loại trái phiếu kỳ hạn 5 năm để giao, có thể sử dụng trái phiếu khác để

giao nhưng đảm bảo trái phiếu dùng để giao phải là một trong các trái phiếu đủ điều kiện trong rổ trái phiếu giao hàng do

SGDCK và VSD quy định.

Hệ số chuyển đổi là gì? Được dùng làm gì?

Hợp đồng tương lai trái phiếu Chính phủ cho phép người bán thực hiện nghĩa vụ chuyển giao bằng một trong số

các mã trái phiếu đáp ứng tiêu chuẩn thanh toán hợp đồng. Giá của trái phiếu thanh toán này được tính toán bằng cách

sử dụng hệ số chuyển đổi (Conversion factor). Về bản chất, hệ số chuyển đổi là tỷ lệ hoán đổi giữa trái phiếu giả định của

hợp đồng tương lai trái phiếu Chính phủ với trái phiếu thanh toán (có cùng mệnh giá) tại ngày chuyển giao vật chất. Theo

đó, giá của trái phiếu thanh toán sẽ được xác định tại mức lợi suất bằng với mức lãi suất danh nghĩa của trái phiếu giả

định đó.

Ví dụ:

Hệ số chuyển đổi = 1,24 nghĩa là 1 trái phiếu thanh toán được quy đổi bằng 1,24 trái phiếu giả định tại ngày thanh

toán cuối cùng của hợp đồng.

Sở GDCK Hà Nội có sử dụng cơ chế khớp lệnh như trên thị trường cổ phiếu không?

Page 23: MỘT SỐ CÂU HỎI VỀ THỊ TRƯỜNG CHỨNG KHOÁN PHÁI SINH

23

Cơ chế khớp lệnh đối với thị trường chứng khoán phái sinh sẽ tương tự như trên thị trường cổ phiếu đó là: ưu tiên

giá và thời gian.

• Ưu tiên về giá: lệnh đặt bán với mức giá thấp hơn hoặc lệnh đặt mua với mức giá cao hơn sẽ được ưu tiên

thực hiện trước;

• Ưu tiên về thời gian: các lệnh mua hoặc bán có cùng mức giá thì lệnh nào được nhập vào hệ thống giao dịch

trước sẽ được ưu tiên thực hiện trước.

Các loại lệnh được sử dụng khi giao dịch HĐTL?

Lệnh giao dịch khi giao dịch HĐTL bao gồm các lệnh sau:

• Lệnh giới hạn: lệnh mua hoặc lệnh bán chứng khoán tại một mức giá xác định hoặc tốt hơn. Mức giá tốt hơn là

mức giá cao hơn mức giá xác định đối với lệnh bán và mức giá thấp hơn mức giá xác định đối với lệnh mua.

• Lệnh thị trường: lệnh mua chứng khoán tại mức giá bán thấp nhất hoặc lệnh bán chứng khoán tại mức giá

mua cao nhất hiện có trên thị trường. Lệnh thị trường có thể là Lệnh thị trường giới hạn (MTK), Lệnh thị trường

khớp toàn bộ hoặc hủy (MOK), lệnh thị trường khớp và hủy (MAK), v.v…

• Lệnh giao dịch tại mức giá mở cửa/ đóng cửa ATO, ATC: lệnh đặt mua hoặc đặt bán chứng khoán tại mức giá

mở cửa (ATO) hoặc giá đóng cửa (ATC).

Tôi có thể xem thông tin về HĐTL ở đâu?

Nhà đầu tư quan tâm có thể tìm hiểu kỹ hơn về chứng khoán phái sinh và hợp đồng tương lai trên các chuyên trang

về chứng khoán phái sinh trên trang web của HNX tại đây.

Khi tổ chức giao dịch sản phẩm phái sinh, Sở GDCK Hà Nội sẽ đăng tải các thông tin trên website bao gồm:

Page 24: MỘT SỐ CÂU HỎI VỀ THỊ TRƯỜNG CHỨNG KHOÁN PHÁI SINH

24

• Các loại sản phẩm chứng khoán phái sinh đang giao dịch

• Các mức giá giao dịch, giá tham chiếu, giá trần, sàn, v.v..

• Thông tin về khối lượng mở của từng loại chứng khoán, thông tin giá của mã hợp đồng có tháng đáo hạn gần

nhất;

• Thông tin giao dịch trái phiếu và chỉ số cổ phiếu cơ sở

• Thông tin về thanh toán: giá thanh toán hàng ngày, cuối cùng, rổ trái phiếu chuyển giao và hệ số chuyển đổi

khi niêm yết, khi chuẩn bị thanh toán.

• Các thay đổi về nội dung mẫu hợp đồng, các văn bản hướng dẫn, v.v…

Trong thời gian tới, Sở GDCK Hà Nội sẽ tổ chức các chương trình hội thảo, tuyên truyền và đào tạo về CKPS và thị

trường CKPS tại Việt Nam. Nhà đầu tư quan tâm có thể liên hệ trực tiếp với Sở GDCK để đăng ký tham dự các chương

trình này.

Page 25: MỘT SỐ CÂU HỎI VỀ THỊ TRƯỜNG CHỨNG KHOÁN PHÁI SINH

25

Thông tin chi tiết xin liên hệ:

Phòng Nghiên cứu phát triển, Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội

Số 02 Phan Chu Trinh, Quận Hoàn Kiếm, T.P Hà Nội

Số điện thoại: (84-4) 39412626 Fax: (84.4) 39347818

Email: [email protected]

Các nội dung trên được sử dụng cho mục đích đào tạo. Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội không chịu trách nhiệm đối với bất kỳ thiệt hại

nào phát sinh từ việc sử dụng các nội dung này. Các nội dung trên là thông tin thuộc bản quyền sở hữu của Sở Giao dịch Chứng khoán

Hà Nội. Bất kỳ hình thức sao chép, in ấn sẽ cần có sự chấp thuận của Sở Chứng Khoán Hà Nội.