Download pdf - FETP Brochure v 2013

Transcript
Page 1: FETP Brochure v 2013

CHƯƠNG TRÌNHGIẢNG DẠY KINH TẾ FULBRIGHT

Thông tin về các chương trình và môn học 2013-2015

tại Đại học Kinh tế Thành phố Hồ Chí MinhVới sự hợp tác của Trường Quản lý Nhà nước Harvard Kennedy

www.fetp.edu.vn

Page 2: FETP Brochure v 2013
Page 3: FETP Brochure v 2013

Mục lục

Thư ngỏ

Một tổ chức giáo dục độc đáo của Việt Nam

Tại sao học chính sách công?

Chương trình Thạc sỹ hai năm về Chính sách công (MPP)

Nội dung đào tạo

Lịch học MPP 2013-2015

Học kỳ Thu, Năm thứ nhất, Công cụ phân tích và kiến thức nền tảng

Học kỳ Xuân, Năm thứ nhất, Phân tích chính sách nòng cốt và chuyên ngành

Học kỳ Hè, Năm thứ nhất, Phân tích chính sách nâng cao, kỹ năng quản lý và lãnh đạo

Học kỳ Thu, Năm thứ hai, Xê-mi-na chính sách và chuẩn bị đề cương luận văn

Học kỳ Xuân, Năm thứ hai, Nghiên cứu chính sách và viết luận văn

Phương pháp học tập

Diễn giả khách mời

Đời sống sinh hoạt của học viên tại FETP

Học viên tốt nghiệp

Đội ngũ giảng viên và quản lý

Giảng viên nước ngoài

Nghiên cứu để phân tích chính sách

Harvard ở Việt Nam: Đối thoại và thảo luận

Chương trình đào tạo cao cấp

Dự án Học Liệu Mở của FETP

Liên kết với Trường Harvard Kennedy

Triển vọng của Trường Fulbright từ 1995-2013 và xa hơn

Thông tin tuyển sinh Chương trình Thạc sỹ Chính sách công

135789101112131315161718192223242527293032

Page 4: FETP Brochure v 2013

Kính chào các anh chị ứng viên,

Chương trình Giảng dạy Kinh tế Fulbright thường được biết với tên gọi Trường Fulbright, đã tự thân phát triển thành tổ chức tiên phong trong giáo dục và nghiên cứu chính sách sau đại học ở Việt Nam. Chúng tôi tự hào đã thiết lập chương trình cao học chuyên ngành chính sách công đầu tiên ở Việt Nam, và sẽ tiếp tục đi đầu trong việc giới thiệu những đổi mới sáng tạo trong hoạt động nghiên cứu và giảng dạy chính sách công trong nước.

Nếu các anh chị quan tâm đến lĩnh vực chính sách công, xin mời tham gia cộng đồng những học giả, nhà nghiên cứu, học viên và các nhà thực tiễn của chúng tôi, để cùng nhau thúc đẩy việc cải thiện chính sách công, cải thiện hoạt động nghiên cứu và giảng dạy chính sách ở Việt Nam.

Các anh chị có thể là nhà hoạch định chính sách thuộc chính quyền trung ương hay địa phương đang tìm kiếm cơ hội để nâng cao kỹ năng phân tích và học hỏi nhiều hơn về những đổi mới sáng tạo chính sách thành công từ những vùng miền hay quốc gia khác. Cũng có thể các anh chị là giảng viên đại học quan tâm đến việc phát triển một chương trình chính sách công cho trường của mình; hoặc là nhà báo chuyên trách các vấn đề chính sách, mong muốn tìm hiểu sâu hơn về qui trình làm chính sách.

Bất kể lĩnh vực chuyên môn và khát vọng nghề nghiệp của các anh chị, Chương trình Thạc sỹ Chính sách công (MPP) kéo dài hai năm dưới sự hợp tác giữa Trường Quản lý Nhà nước Harvard Kennedy và Trường Đại học Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh, sẽ mang lại cho các anh chị học viên chương trình đào tạo chính sách công đẳng cấp thế giới, kết hợp giữa nền tảng lý thuyết chặt chẽ với sự hiểu biết sâu sắc về điều kiện đặc thù của Việt Nam. Khi đất nước thay đổi thì chương trình MPP của chúng tôi cũng tiếp tục giới thiệu những môn học mới để đáp ứng những thách thức chính sách mới. Chúng tôi đã bổ sung thêm các môn học tùy chọn và thiết kế lại những môn học hiện hữu bằng các chủ đề và tài liệu tình huống mới, phù hợp với nhu cầu thay đổi của đất nước. Nhận thấy tầm quan trọng ngày càng tăng của hội nhập quốc tế đối với sự phát triển của Việt Nam, chúng tôi đã chú trọng nhiều hơn vào việc tăng cường trình độ tiếng Anh và khả năng sử dụng tài liệu nghiên cứu bằng tiếng Anh cho học viên.

Quá trình tuyển sinh của Trường Fulbright có tính cạnh tranh rất cao. Số lượng hồ sơ mà chúng tôi nhận được cao hơn nhiều lần so với số lượng học viên mà chúng tôi có thể tiếp nhận. Chúng tôi mong có được những học viên giàu năng lực, thật chuyên cần, và cam kết tận dụng tối đa cơ hội tuyệt vời mà Trường Fulbright mang lại cho mình. Nếu các anh chị tự tin vào khả năng của mình, sẵn sàng học hỏi và muốn đóng góp cho sự nghiệp phát triển của đất nước, thì Trường Fulbright là nơi dành cho các anh chị.

Cuốn cẩm nang giới thiệu này sẽ cung cấp thêm nhiều thông tin về các chương trình đào tạo và các hoạt động khác của chúng tôi. Các anh chị cũng có thể truy cập trang web của trường tại http://www.fetp.edu.vn. Tôi hy vọng thông tin từ cuốn cẩm nang này sẽ khuyến khích các anh chị tìm hiểu thêm về trường chúng tôi và cân nhắc gia nhập cộng đồng Trường Fulbright khi trở thành học viên của lớp MPP sắp tới.

Chúng tôi mong nhận được hồi âm của các anh chị!

Jonathan R. Pincus Nguyễn Xuân ThànhGiám đốc Đào tạo Giám đốc Chương trình MPP

Thư ngỏ

1 Học viên MPP5

Page 5: FETP Brochure v 2013

2Jonathan PincusGiám đốc Đào tạo

Chính sách công là một ngành học tương đối mới, ngay cả ở Hoa Kỳ, nhưng vẫn nhanh chóng trở nên phổ biến. Các chương trình đào tạo chính sách công đáp ứng một nhu cầu thiết thực về đào tạo liên ngành và thực tế để chuẩn bị cho giới trẻ và các nhà chuyên môn đương nhiệm đảm nhận vai trò lãnh đạo trong các tổ chức của nhà nước và liên quan đến nhà nước. Tại Trường Fulbright, chúng tôi mang lại cho học viên nhiều hơn cả kỹ năng và kiến thức. Chúng tôi thách thức học viên khả năng tuân thủ những chuẩn mực cao nhất về sự ưu tú và liêm chính. Đây là những bài học làm hành trang trong suốt sự nghiệp của họ. Chúng tôi hãnh diện về những thành tựu mà cựu học viên của Trường đạt được, sự cam kết của họ trong khu vực công và sự tận tâm trong sứ mạng cải thiện đời sống của người dân ở địa phương và cả nước.

Page 6: FETP Brochure v 2013

Một tổ chức giáo dục độc đáo của Việt NamThành lập từ năm 1994, Chương trình Giảng dạy Kinh tế Fulbright (FETP) là kết quả hợp tác giữa Trường Đại học Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh và Trường Quản lý Nhà nước Harvard Kennedy. Ngân sách hoạt động chính của chương trình do Vụ Văn hóa và Giáo dục, Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ tài trợ. FETP là tổ chức giáo dục của Việt Nam với sự tham gia của các đối tác quốc tế. Trường hoạt động theo những nguyên tắc quản trị làm tiền đề cho sự ưu việt trong giáo dục sau đại học, đó là tính tự chủ, trọng dụng nhân tài, trách nhiệm giải trình và chuẩn mực cao.

Sứ mệnh của Trường Fulbright là hình thành, truyền thụ và phổ biến kiến thức. Đội ngũ giảng viên Việt Nam và quốc tế của Trường vừa hiểu biết sâu sắc về chính sách công ở Việt Nam vừa kết nối sự hiểu biết này với các xu thế toàn cầu và khu vực. Hiện nay, dự án kiến tạo tri thức này đang hỗ trợ cho ba sáng kiến trọng tâm. Giảng dạy, gồm chương trình Thạc sỹ Chính sách công và đào tạo ngắn hạn cao cấp; nghiên cứu, nhắm đến những vấn đề chính sách phức tạp mà Việt Nam đang đối mặt; và đối thoại chính sách, thông qua thảo luận với các nhà hoạch định chính sách Việt Nam và tham gia trao đổi về chính sách công ở Việt Nam.

Tất cả tài liệu sử dụng trong giảng dạy bằng tiếng Anh và tiếng Việt đều được chúng tôi cung cấp cho sinh viên và giảng viên trên cả nước và thế giới thông qua sáng kiến Học Liệu Mở FETP hay FETP OpenCourseWare (http://ocw.fetp.edu.vn). Trường Fulbright luôn nỗ lực duy trì và phát huy môi trường học tập năng động, nơi học viên và giảng viên là tâm điểm của việc hướng đến những chuẩn mực cao nhất của sự nghiệp tiếp thu và ứng dụng tri thức.

Trường Fulbright liên kết với Trung tâm Ash tại Trường Quản lý Nhà nước Harvard Kennedy, một trung tâm hàng đầu về nghiên cứu và thúc đẩy những đổi mới trong vai trò lãnh đạo nhà nước và khu vực công. Chúng tôi hợp tác với những chương trình khác trong khu vực thông qua Quỹ Rajawali dành cho châu Á do Trung tâm Ash thành lập gần đây. Đội ngũ giảng viên của Trường dựa vào những nghiên cứu chính sách của Trung tâm Ash, Quỹ Rajawali, và các mạng lưới những nhà lãnh đạo toàn cầu để rút ra những kinh nghiệm so sánh thích hợp với các vấn đề chính sách của Việt Nam.

3

Ngay khi bắt đầu học tại FETP, tôi đã cảm thấy mình chưa được trang bị đầy đủ cho một môi trường năng động như ở đây. Sau 10 năm làm việc trong khu vực công, tôi không chắc mình sẽ điều chỉnh kịp theo những yêu cầu của chương trình MPP, đặc biệt khi cách tiếp cận trong học tập của trường khác với kinh nghiệm của tôi ở trường đại học. Nhưng tôi đã rất vui khi ngay trong học kỳ đầu tôi đã có thể thích nghi và cảm nhận được sự thay đổi trong thế giới quan của mình.

Là một cán bộ nhà nước công tác trong lĩnh vực kinh tế xã hội, tôi nhận thấy nội dung giảng dạy của FETP rất hữu ích. Hiện nay tôi đã có thể phân tích các vấn đề kinh tế xã hội và tài chính một cách nhanh chóng và toàn diện, đây chính là mong đợi của tôi khi chọn học tại FETP. Việc học tại FETP không hề dễ dàng do khối lượng kiến thức mới và công việc phải làm. Tuy nhiên, sự tận tâm của giảng viên và sự tích cực của các bạn trong lớp đã mang lại không khí học tập sôi động cho lớp học. Trần Cảnh Thu, MPP3Phó Trưởng phòng tổng hợp, Sở Kế hoạch và Đầu tư Bà Rịa, Vũng Tàu

Page 7: FETP Brochure v 2013

4Phạm Duy NghĩaGiảng viên Luật và Quản trị nhà nước

Trường Fulbright có môi trường nghiên cứu giảng dạy hấp dẫn và đặc thù. Từ một tầm nhìn liên ngành kinh tế, khoa học xã hội, chính sách phát triển và luật chúng tôi đào tạo cao học chính sách công góp phần đóng góp cùng sự phát triển của Việt Nam. Môi trường đặc thù ấy khuyến khích giao lưu trí tuệ, tạo ra một không gian hàn lâm rất riêng biệt của Fulbright. Đề tài nghiên cứu và giảng dạy của tôi tập trung vào việc xây dựng các thể chế hiện đại có tính chịu trách nhiệm cao ở Việt Nam như các thể chế quản trị nhà nước, các tổ chức cung cấp dịch vụ công và hệ thống tư pháp. Được trang bị những tri thức về thể chế hiện đại giúp các công chức, viên chức và những sinh viên khác tốt nghiệp Trường Fulbright có thể đóng góp tốt hơn khi trở lại làm việc ở cơ quan của mình. Một xu hướng phân quyền đang diễn ra ở Việt Nam, sự tham gia của người dân vào dịch vụ công gia tăng. Chính sách công ngày càng chịu ảnh hưởng đáng kể hơn bởi chính quyền trung ương và các tỉnh, bởi khu vực doanh nghiệp, bởi giới truyền thông, giới nghiên cứu học thuật và các khu vực khác. Chuyên gia ở tất cả các lĩnh vực đa dạng này cũng cần được đào tạo hiểu biết về chính sách công.

Có thể nhìn thấy sự góp sức của Trường Fulbright đối với quá trình phát triển của khu vực kinh tế tư nhân ở Việt Nam. 15 năm trước đây, Trường Fulbright góp phần khuyến khích nền kinh tế tư nhân, tổ chức nghiên cứu giảng dạy về kinh tế thị trường, về công ty và tự do khế ước. Ngày nay, khu vực kinh tế tư nhân ở Việt Nam đã trở nên mạnh mẽ và sôi động. Không chỉ là người đón nhận các chính sách công một cách thụ động, doanh nghiệp ngày nay đã có một tiếng nói đáng kể trong xây dựng và thực thi chính sách công ở Việt Nam. Vì thế, khu vực kinh tế tư nhân cũng cần được trang bị những năng lực tương tác với chính quyền, góp phần tạo ra những chính sách hài hòa, cân đối giữa sức mạnh tự điều chỉnh của thị trường và sự điều tiết của nhà nước. Với chương trình thạc sỹ chính sách công, Trường Fulbright cùng đổi thay tiến bước với môi trường chính sách ngày càng đa dạng ở Việt Nam.

Page 8: FETP Brochure v 2013

5

Chính sách công là chuyên ngành mới ở Việt Nam và nhiều quốc gia đang phát triển khác. Là một lĩnh vực khoa học xã hội, chính sách công dựa trên những nguyên tắc kinh tế học, xã hội học, luật và những chuyên ngành hàn lâm đã được hình thành từ lâu. Tuy nhiên, khác với những môn học này, hoạt động nghiên cứu chính sách công định hướng đề ra những giải pháp cụ thể cho các vấn đề thực tế. Chúng ta không nghiên cứu chính sách công chỉ để trăn trở với những vấn đề lý thuyết mơ hồ, mà nhằm vận dụng lý thuyết và bằng chứng thực tiễn để thiết kế, triển khai và đánh giá chính sách, từ đó cải thiện điều kiện sống của người dân trong nước và trên thế giới.

Chương trình Thạc sỹ chính sách công của Trường Fulbright cung cấp cho học viên những kỹ năng cần thiết để họ trở thành những nhà quản lý và lãnh đạo hiệu quả trong khu vực công. Học viên sẽ phát triển những kỹ năng định lượng và nâng cao kiến thức về các môn học như kinh tế vi mô, kinh tế vĩ mô, tài chính, kinh tế phát triển, và những môn khác. Họ cũng sẽ cải thiện những kỹ năng quản lý và kỹ năng mềm quan trọng khác của mình như làm việc nhóm, viết và thuyết trình. Nhưng kỹ năng không phải là tất cả, học viên còn học cách thức phân tích vấn đề và tư duy một cách sáng tạo để đưa ra cách tiếp cận mới cho các vấn đề chính sách.

Lĩnh vực chính sách công đã phát triển nhanh ở Bắc Mỹ và châu Âu, phần lớn để đáp ứng nhu cầu của học viên. Các nhà chuyên môn trẻ dấn thân vào sự nghiệp công chức nhận thấy rằng tấm bằng thạc sỹ chính sách công sẽ giúp họ có kiến thức cần thiết để thực hiện tốt công việc của mình. Những sinh viên khác cũng bị hấp dẫn bởi chính sách công, kể cả chuyên gia trong các tổ chức quốc tế, các nhóm xã hội dân sự, phóng viên và giảng viên. Ngay cả những người làm kinh doanh cũng dành thời gian tìm hiểu về chính sách công. Sự hiểu biết về kinh tế và tài chính của khu vực công có thể rất hữu ích đối với những doanh nghiệp có quan hệ đối tác với nhà nước, ví dụ trong phát triển hạ tầng, phát triển hệ thống tài chính và các ngành có tính xã hội như giáo dục và y tế.

Ở Trường Fulbright, chúng tôi lạc quan về tương lai của Việt Nam. Tài năng và năng lượng của người dân Việt Nam là tài nguyên vô giá để tiếp tục đưa đất nước trở nên thịnh vượng hơn. Tuy nhiên, sự tự tin này vẫn bị ràng buộc bởi thực tế rằng còn rất nhiều thử thách phía trước. Khi nền kinh tế Việt Nam phát triển, các nhà quản lý khu vực công sẽ cần có những kỹ năng thành thạo hơn và sự hiểu biết sâu sắc hơn về các xu thế toàn cầu, khu vực và quốc gia. Việc xây dựng những thành phố có điều kiện sống tốt, dịch vụ giáo dục và chăm sóc y tế có chất lượng và tạo điều kiện cho các ngành cạnh tranh khởi nghiệp và vươn lên là vài trong số các vấn đề mà chính phủ phải đối mặt trong những năm sắp tới.

Những vấn đề này sẽ thay đổi theo thời gian, nhưng nhu cầu cần có kỹ năng phân tích và tư duy chính sách công vẫn luôn tồn tại. Chúng tôi hy vọng rằng Chương trình Thạc sỹ chính sách công của FETP sẽ góp phần vào sự phát triển của Việt Nam thông qua việc đào tạo các nhà lãnh đạo tương lai cách thức ứng dụng kiến thức và kỹ năng của mình vào giải quyết những vấn đề cấp thiết nhất của đất nước.

Tại sao học chính sách công?

Chương trình Fulbright đã cung cấp cho tôi những phương pháp, công cụ để tiếp cận và đánh giá chính sách một cách khách quan và toàn diện. Những kiến thức này là vô cùng hữu ích cho tôi, một phóng viên, khi thực hiện các bài viết mang tính phản biện chính sách.

Võ Châu Thủy Triều, MPP4Phóng viên, Thời báo Kinh tế Sài Gòn

Page 9: FETP Brochure v 2013

Vũ Thành Tự Anh Giảng viên kinh tế, Chuyên gia nghiên cứu Các chương trình châu Á

6

Là giám đốc nghiên cứu của Trường Fulbright, trong những năm gần đây tôi đã nghiên cứu nhiều vấn đề chính sách như phát triển vùng, chính sách công nghiệp, và quản trị doanh nghiệp nhà nước. Thời gian gần đây tôi và các đồng nghiệp đã dành nhiều thời gian nghiên cứu các vấn đề kinh tế vĩ mô, hiện là mối quan tâm hàng đầu của chính phủ, như lạm phát, thâm hụt thương mại, kích thích tài khóa và đầu tư công.

Nghiên cứu của chúng tôi luôn mang tính ứng dụng và định hướng chính sách. Chúng tôi kết hợp việc phân tích những khó khăn của Việt Nam với quan điểm so sánh. Một lợi thế của cách tiếp cận so sánh là chúng ta có thể học hỏi từ những thành công và thất bại của các nước đi trước. Làm thế nào để tránh sự suy thoái mà các nước Đông Nam Á khác đã gặp phải trong thập niên 1990?

Một trong những khía cạnh tích cực nhất trong hoạt động nghiên cứu của tôi là cơ hội đưa những dữ liệu và phát hiện mới vào các môn học tôi phụ trách trong chương trình MPP. Việc giảng dạy chính sách công hiệu quả phải gần gũi với những thách thức mà học viên sẽ đối mặt trong thực tiễn, và cách duy nhất để đảm bảo sự phù hợp này là liên tục cập nhật nội dung môn học.

Page 10: FETP Brochure v 2013

Chương trình Thạc sỹ hai nămvề Chính sách côngChương trình MPP của trường Fulbright được thiết kế để trang bị nền tảng tư duy vững mạnh về phân tích chính sách, lý thuyết phát triển và kỹ năng quản lý khu vực công cho các nhà chuyên môn ở Việt Nam. Các hoạt động đào tạo và nghiên cứu sẽ giúp sinh viên học cách đánh giá những nhân tố then chốt và quan điểm về chính sách công, thiết kế giải pháp khả thi cho các thách thức về chính sách và xây dựng năng lực tổ chức cần thiết để thực hiện các giải pháp này.

Nền tảng kinh tế học vững chắc là trụ cột của nội dung chương trình MPP. Phân tích kinh tế là công cụ thiết yếu cho việc quản lý tài chính công và các hoạt động khác của chính phủ có ảnh hưởng đến sự phân bổ nguồn lực. Các nhà hoạch định chính sách tham gia vào việc xây dưng, thực thi hay đánh giá các quy định và luật cũng phải quán triệt những nguyên lý của kinh tế học. Mặc dù học viên sẽ được học môn các phương pháp phân tích định lượng trong chuyên ngành này, trọng tâm chính sẽ là khả năng ứng dụng những khái niệm cơ bản vào tình huống thực tiễn.

Chương trình được thiết kế dựa trên triết lý và phương pháp đào tạo tiên phong về chính sách công của Trường Quản lý Nhà nước Harvard Kennedy. Tuy nhiên, khác với các chương trình chính sách công ở nước ngoài, chương trình MPP của Trường Fulbright được thiết kế đặc biệt theo những thách thức của các nhà hoạch định chính sách khu vực công trong nền kinh tế đang phát triển và chuyển đổi. Đội ngũ giảng viên của trường thường xuyên rà soát lại nội dung đào tạo nhằm đảm bảo chương trình phản ánh trung thực nhất tình hình phát triển kinh tế hiện tại và tương lai của Việt Nam.

Đối tượng tuyển sinh chính của chương trình MPP là các nhà lãnh đạo, hoạch định chính sách và quản lý trong khu vực công, các chuyên gia nghiên cứu và các giảng viên đại học. Chương trình không đào tạo về quản trị kinh doanh nhưng vẫn có thể phù hợp với một số nhà quản lý trong khu vực tư nhân, đặc biệt là những người công tác trong các lĩnh vực giao thoa giữa doanh nghiệp và nhà nước. Học viên hoàn thành tất cả những yêu cầu để tốt nghiệp chương trình MPP sẽ được nhận bằng Thạc sỹ Chính sách công của Trường Đại học Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh với chứng chỉ hoàn thành khóa học và bảng điểm của Chương trình Giảng dạy Kinh tế Fulbright.

MPP là chương trình cấp bằng thạc sỹ kéo dài hai năm. Tất cả học viên được nhận học bổng để trang trải học phí cho cả chương trình đào tạo và sinh hoạt phí trong năm thứ nhất. Theo quy định, học viên phải tham dự tất cả buổi học và bài giảng, nếu không sẽ bị mời ra khỏi chương trình. Học viên học tập trung toàn thời gian tại TP.HCM trong năm đầu và có thể rời TP.HCM để thực hiện luận văn tốt nghiệp trong năm thứ hai. Nhà trường khuyến khích học viên đã tốt nghiệp chương trình một năm về kinh tế học ứng dụng và chính sách công qua các năm từ 1995 đến 2008 đăng ký tham gia tiếp năm thứ hai của chương trình MPP. Học viên đã tốt nghiệp chương trình một năm được trúng tuyển và hoàn thành năm thứ hai, bao gồm luận văn tốt nghiệp, sẽ được cấp bằng MPP.

7 Trần Thị Mãn, MPP5

Page 11: FETP Brochure v 2013

Chương trình MPP của Trường Fulbright là chương trình đào tạo hai năm bao gồm ba học kỳ học tập trung trong năm thứ nhất và hai học kỳ làm nghiên cứu trong năm thứ hai. Để tốt nghiệp, học viên sẽ phải hoàn tất luận văn thạc sỹ.

Năm thứ nhất của Chương trình MPP cung cấp cho học viên những kiến thức nền tảng và khung phân tích của ngành học chính sách công.

Học kỳ Thu bao gồm các môn học tiền đề quan trọng cho phân tích chính sách, bao gồm kinh tế học vi mô, kinh tế học vĩ mô và các phương pháp định lượng. Môn học nhập môn chính sách công sẽ giới thiệu cho học viên những khái niệm căn bản và một số tranh luận then chốt trong nghiên cứu chính sách. Môn luật và chính sách công thảo luận về vai trò của hệ thống pháp luật đối với việc hoạch định và thực thi chính sách.

Học kỳ Xuân có hai môn học phân tích chính sách nòng cốt là chính sách phát triển, và kinh tế học khu vực công, và quản trị nhà nước. Bên cạnh đó, học viên có thể chọn giữa hai môn chuyên ngành là phân tích tài chính và phát triển vùng và địa phương. Hai môn học về các phương pháp nghiên cứu chính sách công và kinh tế lượng ứng dụng sẽ giúp học viên chuẩn bị cho việc làm nghiên cứu và viết luận văn thạc sỹ vào năm thứ hai.

Trong học kỳ Thu và Xuân sẽ có các khóa học giúp nâng cao kỹ năng tiếng Anh cho học viên.

Trong học kỳ hè, học viên sẽ vượt ra ngoài các môn học mang tính nền tảng và nòng cốt về phân tích chính sách để chuyển sang học các môn kỹ năng quản lý và lãnh đạo mà các bộ nhà nước cần phải có để thực thi chính sách. Hai môn trong lĩnh vực này là quản lý và lãnh đạo công, và quản trị nhà nước. Học viên cũng sẽ học các môn chính sách nâng cao là thẩm định đầu tư công và chọn giữa chính sách ngoại thương và tài chính phát triển.

Trong năm thứ hai, học viên sẽ tham dự các buổi hội thảo chính sách và hoàn thành luận văn thạc sỹ.

Học kỳ thu bao gồm chuỗi xê-mi-na về các khía cạnh cụ thể trong phân tích chính sách, với mục tiêu hỗ trợ học viên trong quá trình làm luận văn. Đến cuối học kỳ, tất cả học viên phải nộp đề cương luận văn. Khi đề cương được giảng viên hướng dẫn chấp thuận, học viên có thể tiến hành chuẩn bị nội dung chi tiết bài luận văn của mình.

Sang học kỳ Xuân, học viên sẽ thực hiện nghiên cứu dựa trên chủ đề đã chọn và viết luận văn dưới sự hướng dẫn của một giảng viên. Hình thức luận văn có thể là một bài nghiên cứu học thuật mở rộng hay một bài tập phân tích chính sách. Học viên phải thường xuyên gặp giảng viên hướng dẫn và tham gia hội thảo định kỳ.

Trong thời gian hai năm học tập, các môn học sẽ được bổ sung bằng những hoạt động ngoại khóa hữu ích khác. Các giảng viên Trường Fulbright và chuyên gia bên ngoài sẽ thực hiện những loạt hội thảo có tính sáng tạo giúp học viên tìm hiểu những vấn đề mới nổi trong bối cảnh toàn cầu hóa. Việc học trên lớp được bổ sung bằng các chuyến đi thực địa, xê-mi-na, thảo luận bàn tròn, kết hợp với việc sử dụng máy tính ở mức độ cao để tiếp cận và phân tích dữ liệu. Thông qua các buổi thuyết trình tại Trường Fulbright, các học giả, nhà hoạch định chính sách, các nhà lãnh đạo và quản lý hàng đầu của Việt Nam và quốc tế sẽ chia sẻ với học viên về những vấn đề chính sách then chốt.

Nội dung đào tạo

Năm thứ nhất

Năm thứ hai

8Trần Ngọc Trung Nhân, MPP5

Page 12: FETP Brochure v 2013

Học Kỳ Thu - Các công cụ phân tích và kiến thức nền tảng10/2013-1/2014

• Nhập môn chính sách công (1/2 học kỳ)• Kinh tế học vi mô dành cho chính sách công• Kinh tế học vĩ mô: Lý thuyết và ứng dụng chính sách• Các phương pháp định lượng• Luật và chính sách công (1/2 học kỳ)• Anh ngữ dành cho chính sách công

Học Kỳ Xuân - Phân tích chính sách nòng cốt và chuyên ngành2/2014-6/2014

• Chính sách phát triển• Kinh tế học khu vực công • Phân tích tài chính HOẶC Phát triển vùng và địa phương• Các phương pháp nghiên cứu chính sách công (1/2 học kỳ)• Kinh tế lượng ứng dụng (1/2 học kỳ, tùy chọn)• Quản trị nhà nước (1/2 học kỳ)• Anh ngữ dành cho chính sách công • Triết học và lý luận

Học Kỳ Hè - Phân tích chính sách nâng cao, kỹ năng quản lý và lãnh đạo6/2014-8/2014

• Chính sách ngoại thương HOẶC Tài chính phát triển (1/2 học kỳ)• Thẩm định đầu tư công• Quản lý công (1/2 học kỳ)• Lãnh đạo khu vực công (1/2 học kỳ)

10/2014-6/2015

• Xê-mi-na chính sách• Hoàn thành luận văn thạc sỹ

Lịch học MPP (2013-2015)Năm thứ nhất

Năm thứ hai

9 Học viên MPP5

Page 13: FETP Brochure v 2013

Công cụ phân tích và kiến thức nền tảng

Năm thứ nhấtHọc Kỳ Thu

Nhập môn chính sách côngMôn học giới thiệu tổng quan lĩnh vực phân tích, nghiên cứu chính sách và giải quyết các vấn đề chính sách then chốt hiện nay. Học viên sẽ làm quen với qui trình làm chính sách, gồm nhận dạng vấn đề, xác định ưu tiên, ra quyết định, giải quyết động cơ của các nhóm quyền lợi và thực thi thông qua phương pháp tiếp cận tương tác và theo các tình huống cụ thể. Mục tiêu chính của môn học này là giúp học viên làm quen với môi trường học tập trong đó đề cao vai trò của thảo luận và trao đổi tích cực giữa giảng viên với học viên và giữa học viên với nhau.

Kinh tế vi mô dành cho chính sách côngMôn học giới thiệu các nguyên lý căn bản của kinh tế học vi mô như cung, cầu, cân bằng thị trường, lý thuyết về hành vi người tiêu dùng và lý thuyết về sản xuất. Bên cạnh đó, môn học còn xem xét một số chủ đề quan trọng của việc hoạch định chính sách công như tính hiệu quả và công bằng, phân tích chi phí và lợi ích, thất bại thị trường và vai trò của nhà nước trong một nền kinh tế đang phát triển, chuyển đổi và hội nhập.

Kinh tế vĩ mô: Lý thuyết và ứng dụng chính sách Môn học cung cấp kiến thức cơ bản về kinh tế học vĩ mô và xây dựng kỹ năng phân tích các điều kiện vĩ mô ở những nước đang phát triển. Điểm nhấn của môn học là ứng dụng thực tế thay vì các mô hình lý thuyết. Học viên sẽ nghiên cứu các mối quan hệ giữa các biến vĩ mô, khả năng sử dụng chính sách tiền tệ và ngân sách để đạt ổn định vĩ mô trong ngắn và dài hạn.

Các phương pháp định lượngMôn học trình bày những phương pháp phổ biến để ước lượng quan hệ kinh tế giữa những biến số quan sát được và kiểm định giả thuyết về các mối quan hệ này. Học viên được tiếp cận với các phương pháp thống kê và kinh tế lượng, nhưng cũng nắm được các giới hạn của chúng. Mục tiêu của môn học là giúp học viên trở thành những người sử dụng các thông tin thống kê một cách thông minh và hiệu quả.

Luật và chính sách công Môn học xem xét mối tương tác giữa các vấn đề chính sách công và luật, lý giải những tranh luận về vai trò của luật trong phát triển kinh tế, xoay quanh việc xây dựng các thể chế luật pháp để điều chỉnh thất bại thị trường. Môn học cũng bàn về những thành phần nền tảng của một hệ thống pháp luật, gồm luật sở hữu, luật hợp đồng, luật hình sự và quy trình luật, qua đó nêu bật tầm quan trọng của các thành phần này trong việc hoạch định và thực thi chính sách công.

Anh ngữ dành cho chính sách côngĐây là môn học bắt buộc, giúp học viên đạt trình độ tiếng Anh thông thạo để sử dụng được các tài liệu nguyên bản tiếng Anh và đạt được trình độ ngoại ngữ theo yêu cầu đối với sinh viên cao học ở Việt Nam. Học viên đạt được điểm cao trong kỳ thi tuyển sinh môn tiếng Anh của FETP có thể được miễn dự giờ trên lớp, nhưng vẫn phải thi cuối kỳ.

10Nguyễn Thị Hồng Nhung, MPP4

Page 14: FETP Brochure v 2013

Phân tích chính sách nòng cốt và chuyên ngành

Năm thứ nhấtHọc Kỳ Xuân

Chính sách phát triểnMôn học tổng kết lại những chuyên đề chính trong kinh tế học phát triển và khám phá những vấn đề mới nổi như vai trò của thay đổi thể chế trong quá trình tăng trưởng. Các chủ đề của môn học bao gồm tăng trưởng kinh tế, giảm nghèo, bất bình đẳng, bền vững môi trường và chính sách xã hội. Môn học xem xét những “giai thoại” về phát triển vốn không được hỗ trợ với những bằng chứng cụ thể. Học viên được khuyến khích kiểm định những định đề lý thuyết về phát triển bằng cách sử dụng tất cả các bằng chứng hiện hữu, gồm số liệu thống kê chính thức, tài liệu tình huống và quan sát trực tiếp.

Kinh tế học khu vực côngMôn học xem xét vai trò và qui mô của khu vực công, thu và chi ngân sách. Trọng tâm nghiên cứu là những chọn lựa chính sách quan trọng cho việc thiết kế và triển khai hoạt động tài chính công trong các nền kinh tế mở. Môn học nhấn mạnh việc sử dụng những kỹ thuật lý thuyết và thực tiễn để xác định và đánh giá tác động của các chính sách thuế khác nhau đối với tăng trưởng kinh tế và công bằng xã hội.

Phân tích tài chínhMôn học giới thiệu những khái niệm và kỹ thuật căn bản để định giá tài sản tài chính và hoạch định chính sách tài chính doanh nghiệp. Môn học nhấn mạnh việc áp dụng các lý thuyết và mô hình tài chính vào thực tiễn thông qua các nghiên cứu tình huống trong bối cảnh Việt Nam. Các chủ đề chính của môn học bao gồm phân tích giá trị hiện tại, lý thuyết danh mục đầu tư, cơ cấu vốn, định giá doanh nghiệp, công cụ phái sinh và quản lý rủi ro.

Phát triển vùng và địa phươngĐây là môn học về năng lực cạnh tranh và phát triển kinh tế nhìn từ góc độ kinh tế học vi mô. Mục tiêu của môn học này là nhằm trả lời câu hỏi: Làm thế nào một đơn vị, tổ chức (chính quyền trung ương, chính quyền địa phương, các cụm ngành, hiệp hội ngành nghề,…) xây dựng năng lực cạnh tranh để đạt được các mục tiêu phát triển của mình? Phương pháp chính của môn học là sử dụng các tình huống nghiên cứu, chủ yếu lấy từ thư viện tình huống nghiên cứu của Trường Kinh doanh Harvard và Trường Fulbright.

Quản trị nhà nước (1/2 học kỳ)Môn học giới thiệu những khái niệm pháp lý then chốt liên quan đến chính sách công và vai trò của các thể chế trong quản trị nhà nước. Trọng tâm của môn học là thảo luận về các quan niệm liên quan tới cải cách thể chế, phân biệt những tư duy khác nhau giữa quản lý nhà nước theo cách hiểu truyền thống ở Việt Nam và quan niệm quản trị nhà nước hiệu quả trong nền kinh tế thị trường hiện đại. Các nguyên lý và thực tiễn của điều tiết nhà nước hiệu quả cũng sẽ được đánh giá từ góc độ của các thể chế ở Việt Nam.

11 Đinh Công KhảiGiảng viên Ngoại thương, FETP

Page 15: FETP Brochure v 2013

Phân tích chính sách nâng cao, kỹ năng quản lý và lãnh đạo

Năm thứ nhấtHọc Kỳ Hè

Các phương pháp nghiên cứu chính sách công (1/2 học kỳ)Môn học đúc kết lại những phương pháp, mô hình và công cụ được sử dụng để phân tích chính sách công. Môn học điểm lại những vấn đề then chốt liên quan tới chính sách công mà học viên đã tiếp thu trong các môn học khác để hệ thống hóa kiến thức một cách khoa học. Đồng thời, học viên cũng được trang bị các phương pháp luận vững chắc để chuẩn bị tiến hành viết luận văn tốt nghiệp.

Kinh tế lượng ứng dụng (1/2 học kỳ)Đây là môn học tùy chọn nhằm bổ sung kiến thức kinh tế lượng cho những học viên có nhu cầu sử dụng các phương pháp định lượng nâng cao trong quá trình làm luận văn thạc sỹ. Các chủ đề bao gồm phân tích số liệu chuỗi thời gian, dữ liệu bảng, đánh giá tác động chính sách sử dụng những thí nghiệm tự nhiên và biến công cụ, và dự báo.

Anh ngữ dành cho chính sách công Tiếp tục môn học tăng cường tiếng Anh của học kỳ thứ nhất.

Triết học và lý luậnĐây là môn học bắt buộc theo chương trình khung của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Nội dung là những tư duy lý thuyết và triết học nền tảng. Giảng viên triết học của Đại học Kinh tế TP.HCM sẽ phụ trách giảng dạy môn học này.

Tài chính phát triển (1/2 học kỳ)Môn học thảo luận cách thức xây dựng một hệ thống tài chính hoạt động hữu hiệu nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế ở một nền kinh tế chuyển đổi, mở và đang phát triển. Môn học cũng xem xét các kinh nghiệm phát triển và khủng hoảng tài chính ở một số nước trong khu vực và trên thế giới, từ đó rút ra những bài học cho Việt Nam. Cách tiếp cận thể chế và nghiên cứu tình huống sẽ được sử dụng rộng rãi trong môn học này.

Chính sách thương mại (1/2 học kỳ)Môn học giới thiệu lý thuyết thương mại quốc tế từ mô hình lợi thế so sánh kinh tế cho đến lý thuyết ngoại thương hiện đại. Môn học cũng đi sâu trình bày các thể chế thương mại quốc tế như Tổ chức Thương mại Thế giới. Những thể chế này góp phần hình thành chính sách ngoại thương và giải quyết tranh chấp. Môn học cũng sẽ điểm lại những yếu tố chính trị, luật và kinh tế liên quan đến ngoại thương, cũng như ý nghĩa của chúng đối với sự phát triển kinh tế của Việt Nam.

12Châu Văn Thành, Giảng viên Kinh tếFETP và Đại học Kinh tế TP.HCM

Page 16: FETP Brochure v 2013

Để tốt nghiệp, tất cả học viên phải hoàn tất luận văn thạc sỹ. Yêu cầu đối với bài luận văn là học viên phải phân tích một vấn đề cụ thể của khu vực công và đưa ra khuyến nghị chính sách và cách thức thực thi những khuyến nghị này. Mỗi học viên sẽ được một giảng viên hướng dẫn. Trong học kỳ này, học viên sẽ tham gia các buổi xê-mi-na chính sách theo chuyên đề của luận văn. Các buổi hội thảo được tổ chức hàng tuần để các học viên có thể trình bày kết quả nghiên cứu của mình và tiếp thu ý kiến đóng góp từ bạn học và giảng viên.

Xê-mi-na chính sách và chuẩn bị đề cương luận văn

Năm thứ haiHọc Kỳ Thu

Thẩm định đầu tư côngMôn học cung cấp cho học viên những kỹ thuật thực tiễn để đánh giá tính khả thi về mặt tài chính và kinh tế của môn dự án phát triển. Phần thứ nhất của môn học tập trung vào việc xây dựng báo cáo ngân lưu và thẩm định tài chính dựa trên các quan điểm và tiêu chí khác nhau. Phần thứ hai trình bày chi tiết phương pháp ước lượng lợi ích và chi phí kinh tế, cũng như thảo luận tầm quan trọng của các yếu tố chính trị, xã hội và quản lý nhà nước đối với dự án phát triển. Môn học sử dụng nhiều tình huống nghiên cứu từ những dự án đầu tư thực tế của Việt Nam và các nước khác.

Quản lý và lãnh đạo công (1/2 học kỳ)Môn học cung cấp các công cụ phân tích được áp dụng trong quá trình thực thi chính sách và quản lý hoạt động của một tổ chức nhà nước. Các nội dung chính của môn học bao gồm quản lý chiến lược, đánh giá kết quả, cấu trúc và mạng lưới tổ chức, quản lý hoạt động, lãnh đạo và đổi mới. Môn học cũng thảo luận trách nhiệm và vai trò lãnh đạo trong bối cảnh chính trị,̣ kinh tế và xã hội của Việt Nam. Các vị khách mời thỉnh giảng là những lãnh đạo khu vực công và tư sẽ mang lại cho học viên những ví dụ về chiến lược lãnh đạo thực tiễn.

Nghiên cứu chính sách và viết luận vănNăm thứ haiHọc Kỳ Xuân

Trong học kỳ cuối cùng, học viên sẽ tự mình nghiên cứu luận văn tốt nghiệp dưới sự hướng dẫn của một giảng viên của Trường Fulbright.

13

Fulbright thực sự là môi trường học thuật lý tưởng mà chúng ta chỉ có thể thấy ở các trường danh tiếng trên thế giới. Đội ngũ giảng viên thực sự tận tâm, sẵn sàng chia sẻ, giải đáp mọi thắc mắc của học viên. Học viên của chương trình đến từ nhiều vùng miền, lĩnh vực khác nhau nên các buổi thảo luận là cơ hội để chúng tôi có cái nhìn sâu sắc và đầy đủ về một vấn đề chính sách để từ đó đưa ra được lựa chính sách tốt nhất. Các buổi học thật thú vị khi chúng tôi được gắn kết lý thuyết căn bản với các vấn đề chính sách thực tế đang áp dụng hiện nay. Học tập ở đây chúng tôi không chỉ được cung cấp kiến thức mà còn cả phương pháp giảng dạy, nghiên cứu và điều này là vô cùng hữu ích cho một giảng viên như tôi. Tôi tin rằng với sự nỗ lực của mình, chương trình Fulbright sẽ đào tạo ra nhiều nhà hoạch định chính sách tốt cho đất nước.

Lê Anh Quý, MPP3Giảng viên Trường Đại học Kinh tế Huế

Page 17: FETP Brochure v 2013

14Nguyễn Xuân ThànhGiảng viên chính sách công, Chương trình châu Á

Có thể thấy rõ nét độc đáo của Chương trình MPP Trường Fulbright được hình thành dựa trên phương pháp giảng dạy chính sách công của Trường Harvard Kennedy. Mục tiêu của chúng tôi là trang bị cho học viên các khung khái niệm và phân tích cần thiết để đánh giá các vấn đề của khu vực công, từ đó đề ra những giải pháp sáng tạo. Tuy nhiên, trong mỗi môn học chúng tôi đều cố gắng chú trọng vào những thách thức đặc thù mà các nhà hoạch định chính sách khu vực công ở một nước đang phát triển như Việt Nam gặp phải. Vì lý do đó, ngoài việc sử dụng nghiên cứu tình huống của Harvard hay nơi khác, chúng tôi còn biên soạn những tình huống nguyên thủy xuất phát từ các nghiên cứu của chúng tôi về Việt Nam. Những tình huống này khai thác các trở ngại mà một viên chức ở Việt Nam sẽ gặp phải khi cố gắng tạo ra sự thay đổi trong cơ quan của mình. Dĩ nhiên mục tiêu cuối cùng là để giúp học viên trở thành các nhà lãnh đạo hiệu quả hơn.

Là giảng viên, một trong những mục tiêu của tôi là tận dụng kinh nghiệm chuyên môn của học viên trong lớp học. Lấy ví dụ môn Thẩm định Đầu tư công, là một trong số các môn mà tôi phụ trách. Trách nhiệm của các nhà quản lý khu vực công là xác định cách thức phân bổ nguồn lực công khan hiếm một cách hiệu quả; trong môn này chúng tôi học cách thẩm định một dự án theo quan điểm của các bên liên quan – của chính quyền trung ương và địa phương, doanh nghiệp, dân địa phương, và các tổ chức phi chính phủ… Nhiều học viên có kinh nghiệm đầu tay liên quan trực tiếp đến qui trình này. Tôi luôn cố gắng đảm bảo sẽ có nhiều kinh nghiệm như thế được chia sẻ. Thông thường khi đúc kết một tình huống nghiên cứu, các học viên sẽ nhìn lại những dự án mà họ đã tham gia với cách nhìn mới, và có thể nhận thấy lẽ ra họ đã có một kết luận khác cho dự án. Là giảng viên chính sách công, điều khích lệ nhất đối với tôi là giúp học viên kết nối được nội dung trong lớp học với thực tiễn ngoài cuộc sống.

Page 18: FETP Brochure v 2013

Các môn học của trường Fulbright có tính thực tiễn cao.Tài liệu giảng dạy được biên soạn theo điều kiện đặc thù của Việt Nam, kết nối các mô hình lý thuyết phân tích chính sách với nghiên cứu những vấn đề thực tiễn. Kết quả là một chương trình đào tạo có sự cân bằng giữa các nội dung về Việt Nam và thế giới. Phương pháp nghiên cứu tình huống là trọng tâm trong triết lý giảng dạy của Trường Fulbright. Việc đặt học viên vào bối cảnh phải trăn trở với những vấn đề mà họ sẽ gặp phải như những nhà chuyên môn sẽ giúp họ tiếp thu được những kỹ năng cần thiết để trở thành các lãnh đạo và nhà hoạch định chính sách hiệu quả hơn.

Các giảng viên Trường Fulbright luôn tạo điều kiện để học viên trải nghiệm sự tương tác trong lớp học, giữa giảng viên và học viên và thông qua các bài tập giải quyết vấn đề theo nhóm. Nhiều môn học trong chương trình MPP do các giảng viên Việt Nam giàu kinh nghiệm phụ trách; các môn khác do các giảng viên quốc tế và Việt Nam đồng giảng dạy. Các trợ giảng, thường là vừa trở về nước sau khi du học hay trong quá trình theo đuổi bằng cấp cao hơn, cũng góp phần hướng dẫn thêm cho học viên. Thành viên các nhóm giảng dạy đều có giờ trực hàng ngày tại văn phòng để tạo điều kiện cho những học viên cần được hỗ trợ thêm đến trao đổi trực tiếp những vướng mắc hoặc thảo luận các vấn đề cùng quan tâm. Hàng năm, Trường Fulbright còn mời nhiều diễn giả có uy tín từ khu vực nhà nước và tư nhân, cũng như các tổ chức quốc tế đa phương đến nói chuyện với học viên về những vấn đề thời sự trong phát triển kinh tế.

Tất cả môn học đều được giảng dạy bằng tiếng Việt hoặc tiếng Anh thông qua phiên dịch. Để đảm bảo rằng học viên Trường Fulbright có thể tận dụng những ấn phẩm bằng tiếng nước ngoài, nhà trường thường xuyên tổ chức dịch tài liệu sang tiếng Việt, gồm các sách giáo khoa hàng đầu, những bài báo cập nhật và thời sự, cùng nghiên cứu tình huống. Thật vậy, việc chọn và dịch tài liệu giảng dạy được xem là thành phần quan trọng trong quá trình phát triển nội dung đào tạo, đặc biệt quan trọng là chất lượng của những tài liệu dịch này, và tất cả đều được đưa lên trang FETP OCW trừ những tài liệu chịu sự ràng buộc về bản quyền.

Phương pháp học tập

15

Chương trình MPP của Trường Fulbright không chỉ giúp tôi mở rộng kiến thức kinh tế học và quản trị nhà nước, mà còn giúp tôi nhận định chính xác hơn các vấn đề kinh tế, chính trị và xã hội diễn ra quanh mình. Hơn nữa, môi trường học tập nơi đây thực sự rất lý tưởng với những Thầy Cô đầy nhiệt huyết, có kiến thức sâu rộng và hiểu biết thực tế cùng những bạn học năng động, có kinh nghiệm trong nhiều lĩnh vực khác nhau. Sau một năm học tập trung, tư duy và định hướng của tôi đã thay đổi hẳn. Từ một chuyên viên Ngân hàng, tôi trở thành một Giảng viên Kinh tế học để tiếp tục con đường nghiên cứu và đào tạo.

Doãn Thị Thanh Thủy, MPP4Chuyên viên,Chi nhánh Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Gia Lai

Page 19: FETP Brochure v 2013

Diễn giả khách mờiChương trình mời khách đến diễn thuyết của FETP tạo cơ hội cho học viên và giảng viên học hỏi và trao đổi quan điểm cùng với các nhà hoạch định chính sách, các lãnh đạo doanh nghiệp và các nhà trí thức của Việt Nam và quốc tế. Trong những năm vừa qua, nhà trường đã mời những nhân vật sau đây:

• Ông David Shear, Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam• Ông Carl Hanlon, Trưởng bộ phận Quan hệ Doanh nghiệp khu vực Châu Á Thái Bình Dương, phát ngôn viên của Ngân hàng Thế giới• Giáo sư Ari Kokko, Trường Kinh Doanh Copenhagen• Giáo sư Anthony Saich, Giám đốc, Trung Tâm Ash về Quản trị dân chủ và đổi mới, Trường Harvard Kennedy• Ông Lê Đức Thúy, nguyên Thống Đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam• Ông John Hendra, nguyên Trưởng đại diện Liên hiệp Quốc tại Việt Nam• Nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải • Tiến sĩ Nguyễn Sĩ Dũng, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội • Tiến sĩ Lê Đăng Doanh, nguyên Cố vấn cao cấp của Bộ Kế hoạch và Đầu tư • Ông Kenichi Ohno, Viện Cao học Quốc gia về Nghiên cứu Chính sách • Bà Phạm Chi Lan, nguyên thành viên Ban Nghiên cứu của Thủ Tướng • Giáo sư Tiến sĩ Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường • Ông Dương Trung Quốc, nhà sử học • Ông Nguyên Ngọc, nhà văn • Thượng nghị sĩ Chuck Hagel • Bà Harriet Mayor Fulbright • Tiến sĩ Nguyễn Đình Cung, Phó Viện trưởng, Viện Quản lý Kinh tế Trung Ương • Ngài Borje Ljunggren, cựu đại sứ Thụy Điển tại Việt Nam và Trung Quốc • Ông Benedict Bingham, Trưởng đại diện IMF tại Việt Nam • Giáo sư Edward Steinfeld, Viện Công nghệ Massachusetts • Ông Scott Robertson, nhà kinh tế cao cấp, Dragon Capital • Ông Peter Sondakh, Chủ tịch và CEO, Tập đoàn Rajawali • Ông Marijn van Tiggelen, Chủ tịch, Unilever Vietnam • Giáo sư Randy Barker (đã nghỉ hưu), Cornell University • Ông Deepak Mishra, Kinh tế trưởng, Ngân hàng Thế giới ở Việt Nam • Giáo sư Stephen Walt, Trường Harvard Kennedy • Giáo sư David Ellwood, Hiệu trưởng, Trường Harvard Kennedy

16Bà Phạm Chi Lan, nguyên thành viên Ban Nghiên cứu của Thủ Tướng

Ông David Shear Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam

Page 20: FETP Brochure v 2013

Học viên sẽ nhanh chóng nhận ra rằng bạn học cùng lớp là một trong những nguồn lực quí giá nhất của Trường Fulbright. Sự tương tác giữa các học viên là một phần thiết yếu trong quá trình học tại Trường Fulbright, và việc tạo ra một môi trường thuận lợi cho sự trao đổi và làm việc nhóm là yếu tố cốt lõi trong sứ mạng đào tạo của Trường.

Các học viên học hỏi lẫn nhau thông qua việc chia sẻ kinh nghiệm ở trong và ngoài lớp học, tạo nên sự gắn kết lâu dài sau khi đã tốt nghiệp. Việc học tập tại Trường Fulbright nhiều khi chính là cơ hội đầu tiên để các học viên gặp gỡ với những người có cùng mối quan tâm chuyên môn và kiến thức đến từ các vùng khác nhau của Việt Nam..

Nằm ngay giữa trung tâm Thành phố Hồ Chí Minh, Trường Fulbright cũng là trung tâm sinh hoạt của học viên. Mạng điện tử không dây của Trường Fulbright tạo điều kiện cho các thành viên thuộc cộng đồng Trường có thể truy cập mạng nội bộ và Internet ở bất cứ đâu trong khuôn viên của Trường. Thư viện mở của Trường tập hợp những đầu sách, báo cáo và tạp chí luôn được cập nhật, thích hợp cho các môn học và chủ đề nghiên cứu.

Khi hết giờ lên lớp, học viên thường học nhóm trong khuôn viên trường để làm bài tập, thảo luận những vấn đề đã nêu trên lớp hoặc trò chuyện. Nhà trường còn thường xuyên tổ chức những hoạt động thể thao cho học viên như bóng đá hoặc bóng chuyền. Các cuộc thi đấu thỉnh thoảng được tổ chức giữa giảng viên và học viên luôn thu hút nhiều người tham dự. Một điểm hấp dẫn khác của FETP là cơ hội được sống trong một thành phố năng động nhất Việt Nam. Học viên thường tổ chức những chuyến đi cuối tuần đến các điểm vui chơi giải trí trong thành phố.

Đời sống sinh hoạt của học viên tại FETP

17

Xuất phát từ khu vực công trước khi vào trường Fulbright nhưng tôi nhận thấy môi trường giảng dạy và những kiến thức thu nhận được đều rất hữu ích cho các học viên từ khu vực công lẫn khu vực tư. Sự bỡ ngỡ khi tiếp cận môi trường nghiên cứu mới cũng như phương pháp nghiên cứu mới do sự khác biệt giữa trường Fulbright và các trường khác khiến học viên có thể gặp khó khăn ban đầu, song sự quan tâm và chia sẻ của các thầy cô giáo và cán bộ quản lý đã tạo điều kiện tốt nhất giúp học viên nhanh chóng thích nghi trong quá trình học tập, nghiên cứu tại trường.

Một trong những điểm nổi bật đó là chương trình thường xuyên có những buổi trao đổi, thảo luận và nói chuyện giữa học viên và các vị khách mời là những chính khách, nhà khoa học, nhà nghiên cứu và quản lý có uy tín trong nước cũng như trên thế giới.

Thời gian học tập tại trường Fulbright thực sự là một trải nghiệm quý báu đối với tôi, học viên được khuyến khích tương tác với ban giảng viên và giữa các học viên với nhau trong môi trường cạnh tranh, năng động và chuyên nghiệp.

Đặng Anh Văn, MPP4Kiểm soát viên, Cục Thuế tỉnh Quảng Bình

Chuyến tham quan tại Đắk Lắk

Giải đấu bóng đá hàng năm

Page 21: FETP Brochure v 2013

Tham dự các khóa đào tạo tại Trường Fulbright là một kinh nghiệm có tính chuyển hóa đối với mỗi một cá nhân. Học viên tốt nghiệp FETP trở về tỉnh nhà phần lớn được bổ nhiệm vào vị trí cao hơn hoặc nhận trọng trách mới. Họ trở lại công tác với sự tự tin, với kiến thức, tư duy và nguồn thông tin mới cùng sự hiểu biết sâu sắc hơn về chính sách công và những công cụ cải cách kinh tế. Một số học viên cũng tìm những cơ hội làm việc mới sau khi tốt nghiệp, thường là ở khu vực tư nhân, còn một số học viên khác tiếp tục học nâng cao ở nước ngoài. Những học viên vốn là giảng viên của các trường đại học thường kết hợp một phần nội dung đào tạo của FETP vào các môn học do mình phụ trách để nâng cao chất lượng giảng dạy tại trường đại học hay học viện của mình.

Học viên tốt nghiệp

Quản lý nhà nước trung ương 2%

8%

Tài chính/ Ngân hàng 16%

Doanh nghiệp tư nhân/ liên doanh 16%

Doanh nghiệp nhà nước 5%

Đại học/ Viện nghiên cứu 21%

Phân theo ngành

Phân theo vùng

Vùng Núi và Trung du Bắc bộ

7%Đồng bằng Sông Hồng

50%Đông Nam Bộ

11%Đồng Bằng Sông Cửu Long

24%Miền Trung và Tây Nguyên

Khác 3%

Quản lý nà nước địa phương 37%

18

Page 22: FETP Brochure v 2013

Sức mạnh lớn nhất của FETP nằm ở đội ngũ giảng viên ưu tú. Đây là một tập thể nam và nữ giảng viên người Việt Nam làm việc trong môi trường đại học cũng như trong cơ quan nhà nước và khu vực tư nhân. Một số giảng viên toàn thời gian hiện nay là các nhà khoa học xã hội ưu tú nhất ở Việt Nam. Những thành viên bán thời gian là giảng viên từ các trường đại học Việt Nam như Đại học Kinh tế TP. HCM, Đại học Bách khoa TP. HCM. Họ có bằng sau đại học về chính sách công, kinh tế và các chuyên ngành khác. Trường Fulbright cũng vận dụng kinh nghiệm và sự uyên bác của những người làm chính sách thực tiễn, qua họ các môn học sẽ có thêm những nhận định thực tiễn sâu sắc.

Đội Ngũ Quản LýJonathan Pincus Giảng viên Phát triển, Giám đốc đào tạoNguyễn Thị Kim Châu Cán bộ giáo vụBen Wilkinson Đại diện Trường Harvard KennedyĐinh Công Khải Giảng viên Ngoại thương, Đại diện Trường Đại học Kinh tế TP.HCM

Giảng Viên Trường FulbrightVũ Thành Tự Anh Giảng viên Kinh tế, Giám đốc nghiên cứu [tạm ngưng công tác năm học 2013-2014]Huỳnh Thế Du Giảng viên Tài chínhPhan Chánh Dưỡng Giảng viên Quản trị Trần Thị Quế Giang Giảng viên Tài chính, [tạm ngưng công tác năm học 2013-2014]Đinh Vũ Trang Ngân Giảng viên Kinh tế, [tạm ngưng công tác năm học 2013-2014]Phạm Duy Nghĩa Giảng viên Luật và Quản trị Châu Văn Thành Giảng viên Kinh tếNguyễn Xuân Thành Giảng viên Chính sách Công, Giám đốc Chương trình MPP

Cán Bộ Chuyên MônVõ Thanh BìnhNguyễn Tố HânTrương Minh HòaHoàng Ngọc LanPhạm Hoàng Minh NgọcTrần Thanh PhongNguyễn Quý TâmTrần Thanh TháiĐỗ Thị Thanh Triều

Đội ngũ Giảng viên và Quản lý

19 Ben WilkinsonĐại diện Trường Harvard Kennedy

Page 23: FETP Brochure v 2013

20Trần Thị Quế GiangGiảng viên Tài chính, FETP

Khi lựa chọn theo học chương trình thạc sĩ chính sách công tại FETP, hẳn các bạn đã phải cân nhắc rất nhiều vì chi phí cơ hội của lựa chọn này rất lớn: một chương trình học tập trung, toàn thời gian với khối lượng tài liệu đọc và bài về nhà không ít, kỷ luật học tập và làm việc cao đòi hỏi bạn phải tạm ngưng công việc hiện tại, xa môi trường thân quen để bước vào môi trường mới đầy thách thức. Cũng chính vì thế, là giảng viên, chúng tôi rất trân trọng các học viên của mình, những người đã lựa chọn theo chương trình và được chương trình tuyển chọn. Chúng tôi mong muốn chia sẻ với các bạn không chỉ những kiến thức chuyên môn, kinh nghiệm thực tiễn mà cả những giá trị vô hình khác như niềm say mê trong công việc, lòng tự trọng, tinh thần trách nhiệm với cộng đồng… Cuối con đường, chúng tôi mong và tin rằng lựa chọn và nỗ lực của các bạn sẽ được tưởng thưởng xứng đáng!

Page 24: FETP Brochure v 2013

21

Giảng Viên Việt NamNguyễn Thị Song An Đại học Kinh tế TP.HCMNguyễn Khánh Duy Đại học Kinh tế TP.HCMNguyễn Trọng Hoài Đại học Kinh tế TP.HCM Trương Quang Hùng Đại học Kinh tế TP.HCM Nguyễn Hữu Lam Đại học Kinh tế TP.HCM Trần Tiến Khai Đại học Kinh tế TP.HCMNguyễn Đình Thọ Đại học Kinh tế TP.HCM Cao Hào Thi Đại học Bách khoa TP.HCM Nguyễn Văn Phúc Đại học Mở Bán công TP.HCMNguyễn Tấn Bình Đại học Mở Bán công TP.HCMNguyễn Minh Kiều Đại học Mở Bán công TP.HCMĐặng Văn Thanh Đại học Mở Bán công TP.HCMPhan Hiển Minh Cục Thuế TP.HCMLê Thị Thanh Loan Cục Thống kê TP.HCM Diệp Dũng Công ty Đầu tư Tài chính Nhà nước TP.HCM Nguyễn Tấn Thắng Công ty Chứng khoán TP.HCM

Năm 1980, tôi từ một giáo viên Vật lý tại quận 5, TP.HCM chuyển công tác qua lĩnh vực kinh tế. Lúc bấy giờ thành phố đang xoay sở để thoát ra cơ chế kế hoạch hóa tập trung quan liêu bao cấp. Từ đó đến nay, tôi có may mắn tham gia vào các chương trình phát triển kinh tế mang tính đột phá trong quá trình chuyển đổi nền kinh tế kế hoạch hóa sang nền kinh tế thị trường, như tham gia xây dựng công ty xuất nhập khẩu Chợ Lớn (Cholimex). Tiếp theo đó là các chương trình hợp tác đầu tư với nước ngoài như xây dựng khu chế xuất Tân Thuận, khu đô thị Phú Mỹ Hưng, khu công nghiệp Hiệp Phước... Với kinh nghiệm và hoạt động thực tiễn trên tôi đã rút ra được những bài học về nhận dạng tiềm năng của một địa phương, đề ra phương hướng phát triển, giới thiệu cho các nhà đầu tư. Đồng thời cũng hiểu được những yêu cầu cơ bản của khách hàng đối với môi trường đầu tư tại Việt Nam. Điều này có thể chia sẻ với học viên ở Trường Fulbright trong môn Phát triển vùng và địa phương.

Cách đây 20 năm, việc thu hút một nhà đầu tư nước ngoài vào một địa phương là một điều mới mẻ và khó khăn. Chúng ta quan tâm nhất là làm cách nào để có khách hàng, để có vốn đầu tư, để có nhiều công ăn việc làm. Nhưng ngày nay không phải thế, mà phải xem loại ngành gì có phù hợp với yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương hay không, vấn đề công nghệ, môi trường, hiệu quả kinh tế - xã hội... đều phải được xem xét cặn kẽ. Đây là những vấn đề mà các nhà quy hoạch và hoạch định chính sách kinh tế cấp tỉnh phải đối mặt.

Trong thời đại cạnh tranh toàn cầu hiện nay, làm thế nào để thúc đẩy sự tăng trưởng kinh tế và tạo công ăn việc làm trong khi phải đảm bảo các dự án đầu tư không có tác động tiêu cực lên những khu vực khác trong nền kinh tế. Trong môn Phát triển vùng và địa phương chúng tôi quan tâm đến cách thức các chính quyền địa phương đánh giá chi phí và lợi ích của những đề án đầu tư và quan tâm đến chất lượng tăng trưởng cụ thể của địa phương.

Phan Chánh DưỡngGiảng viên Quản trị

Page 25: FETP Brochure v 2013

Giảng viên Nước ngoài

22Giáo sư Dwight PerkinsĐại học Harvard

Giáo sư Jose Gomez-IbanezTrường Harvard Kennedy

Giảng Viên Nước NgoàiĐội ngũ giảng viên quốc tế của chương trình gồm những giáo sư thỉnh giảng và học giả Fulbright từ các trường đại học trên thế giới. Đội ngũ này do một nhóm giảng viên nòng cốt nước ngoài của FETP đứng đầu.

Các giảng viên nòng cốt nước ngoài là những giáo sư đương nhiệm hoặc giáo sư danh dự từ các trường đại học ở nước ngoài. Họ thường xuyên đến FETP để nghiên cứu và giảng dạy các khóa học cao cấp và Chương trình MPP. Những giảng viên này cùng làm việc sát cánh với tập thể giảng viên Việt Nam và hỗ trợ việc xây dựng nội dung đào tạo của chương trình. Nhiều người đã dành thời gian đáng kể trong sự nghiệp của mình để nghiên cứu về Việt Nam. Một số còn là các học giả và chuyên gia chủ chốt tham gia vào các cuộc thảo luận chính sách của Việt Nam. Với những kiến thức và kinh nghiệm làm việc hiệu quả với các nhà hoạch định chính sách, những giảng viên trụ cột này có đủ khả năng để phân tích những thách thức về chính sách của Việt Nam với tinh thần góp ý xây dựng.

Giảng Viên Quốc TếDavid Dapice Đại học Tufts; Trường Harvard KennedyJose Gomez-Ibanez Trường Harvard KennedyArn Howitt Trường Harvard KennedyAri Kokko Trường Kinh tế StockholmBrian Quinn Trường Luật, Boston College Jay Rosengard Trường Harvard KennedyDwight Perkins Đại học HarvardAnthony Saich Trường Harvard KennedyCliff Schultz Đại học Loyola, ChicagoEdward Steinfeld Viện Công nghệ MassachusettsTrần Ngọc Anh Đại học Indiana (Bloomington)Vũ Minh Khương Đại học Quốc gia Singapore

Page 26: FETP Brochure v 2013

Trường Fulbright tin rằng việc đào tạo chính sách công hiệu quả đòi hỏi phải hiểu biết sâu sắc về các vấn đề chính sách hiện hành. Nhận định này đã dẫn dắt chương trình nghiên cứu đầy tham vọng của chúng tôi, quy tụ các giảng viên Việt Nam và quốc tế cũng như các nhà nghiên cứu và phân tích chính sách từ các cơ quan nhà nước và trường đại học ở Việt Nam. Hoạt động nghiên cứu của Trường Fulbright tạo ra các nghiên cứu tình huống và bài viết chính sách, làm giàu thêm nội dụng đào tạo. Hoạt động này cũng tạo ra nguồn vốn tri thức, giúp Trường có thể tham gia một cách tích cực vào hoạt động đối thoại chính sách với chính phủ Việt Nam.

Các nhóm nghiên cứu của Trường Fulbright mang tính chuyên ngành và giàu kinh nghiệm trong việc thực hiện các nghiên cứu về nền kinh tế chuyển đổi. Một sáng kiến nghiên cứu tiêu biểu sẽ do một giảng viên kỳ cựu của trường dẫn đầu, phối hợp chặt chẽ với một hay nhiều đồng nghiệp ở Harvard. Trong nhiều trường hợp, các nhà phân tích chính sách Việt Nam từ các cơ quan hay viện nghiên cứu của chính phủ cũng tham gia nhóm nghiên cứu. Trường Fulbright nhận thấy các số liệu thống kê có thể không đáng tin cậy hoặc không hoàn chỉnh, do đó việc tổng hợp một bức tranh chính xác về vấn đề chính sách đòi hỏi nhà nghiên cứu phải sẵn sàng đi thực tế và phải có các mối quan hệ hợp tác chặt chẽ với các cơ quan nhà nước và khu vực tư nhân. Trong thế giới toàn cầu hóa các nước không thể được xem xét trong bối cảnh tách biệt, thông qua mối quan hệ đối tác với Trường Harvard Kennedy, Trường Fulbright được tiếp cận với một tập hợp rộng lớn chuyên môn về kinh tế học ở khu vực Đông và Đông Nam Á.

Các chủ đề nghiên cứu được chọn lọc theo mức độ phù hợp với những vấn đề chính sách công của Việt Nam và gắn liền với những ưu tiên của chính phủ Việt Nam. Trong năm 2012-2013, Trường Fulbright sẽ tiếp tục theo dõi những diễn biến về kinh tế vĩ mô và khu vực tài chính. Mối quan hệ giữa sự lưu chuyển về địa lý và giảm nghèo cũng hình thành một chủ đề quan trọng khác cho hoạt động nghiên cứu của chúng tôi. Sự phát triển về kinh tế xã hội của thành phố Hồ Chí Minh cũng như chính sách giáo dục là những ưu tiên nghiên cứu chính của Trường. Tác động kinh tế xã hội của sự thay đổi hệ sinh thái nông nghiệp ở Đồng bằng sông Cửu Long cũng là một lĩnh vực nghiên cứu mới.

Nghiên cứu để phân tích chính sách

23

Nếu như trước đây, tôi phải mò mẫm để tìm hướng nghiên cứu cho vấn đề. Báo cáo tôi viết ra tôi không biết là người khác sẽ đánh giá ra sao thì giờ đây mọi thứ đều khác hẳn khi tôi học tại Fulbright. Trường Fulbright cung cấp cho tôi phương pháp luận để tiếp cận vấn đề, trang bị cho tôi cơ sở khoa học vững chắc, và hình thành cho tôi cách tư duy mạch lạc. Bây giờ, việc nghiên cứu với tôi trở nên khoa học hơn, dễ dàng hơn và chính xác hơn. Tôi không những đánh giá được những công trình nghiên cứu của chuyên gia khác mà còn tự mình đánh giá được chất lượng các bài nghiên cứu của mình ra sao. Tôi nhìn nhận vấn đề ở bản chất, chứ không còn ở bề nổi của nó.

Nguyễn Thị Yến, MPP4Nghiên cứu viên, Viện Chiến lược, Chính sách về tài nguyên môi trường, Hà Nội

Page 27: FETP Brochure v 2013

Các học giả đại học Harvard bắt đầu tham gia đối thoại chính sách mang tính xây dựng với chính phủ Việt Nam từ hơn hai thập niên trước. Đối thoại này do Chương trình Việt Nam thuộc Trường Harvard Kennedy thực hiện. Mục tiêu của việc tham gia này là chia sẻ những phân tích về các nền kinh tế quốc gia, trong khu vực và thế giới và những chính sách mà Việt Nam và các nước khác đã áp dụng để đối phó với những thách thức kinh tế. Những sáng kiến đối thoại chính sách được dựa trên kinh nghiệm chuyên sâu của Harvard ở châu Á và sự tham gia tích cực của Harvard trong quá trình phân tích và hình thành chính sách trên khắp thế giới. Ngày nay, Trường Harvard Kennedy thường xuyên được các cơ quan hoạch định chính sách của Việt Nam tham vấn về các vấn đề liên quan đến những thách thức chính sách khác nhau, đặc biệt là chiến lược phát triển kinh tế xã hội, khả năng cạnh tranh quốc tế, sự phát triển vùng, chính sách giáo dục và chính sách vĩ mô của Việt Nam.

Các cuộc thảo luận giữa Harvard với Chính phủ Việt Nam luôn có sự tham gia tích cực của các chuyên gia và giảng viên Trường Fulbright, một số đồng thời là nhà nghiên cứu của Quỹ Rajawali tại Trường Harvard Kennedy. Cùng với các giảng viên Harvard, họ luôn tiếp cận các vấn đề chính sách trên quan điểm khách quan và khoa học, và những đối thoại chính sách với Chính phủ luôn diễn ra trong không khí tôn trọng và tin tưởng lẫn nhau. Trường Harvard Kennedy luôn phối hợp chặt chẽ với các bộ ngành của Chính phủ như Bộ Ngoại giao, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, và Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.

Trong hai thập niên qua, nhiều nam nữ chuyên viên người Việt Nam đã tham gia các trường đào tạo chuyên ngành và cao học tại Harvard. Những người khác đến Harvard theo các chương trình học bổng nghiên cứu hay để tham dự các khóa đào tạo cao cấp. Trường Harvard Kennedy coi việc đầu tư vào vốn con người là một thành phần quan trọng trong sứ mệnh của mình.

Harvard ở Việt Nam: Đối thoại và thảo luận

24Thomas J. Vallely, Giám đốcChương trình Việt Nam của Trường Harvard Kennedy

Page 28: FETP Brochure v 2013

Chương trình Lãnh đạo Quản lý Cao cấp Việt NamNăm 2008 Chương Trình Việt Nam tại Trường Harvard Kennedy đề ra sáng kiến đối thoại và phân tích chính sách cao cấp với Bộ Ngoại giao, từ lâu đã là một trong những cơ quan đối tác Việt Nam quan trọng của Harvard. Chương trình Lãnh đạo Quản lý Cao cấp Việt Nam (VELP) bao gồm các phiên thảo luận, hội thảo thường xuyên, các nghiên cứu ứng dụng và chương trình đối thoại chính sách định hướng dành cho cán bộ quản lý cao cấp của Việt Nam, tổ chức hàng năm ở Harvard.

Trong nỗ lực độc đáo này, các giảng viên Harvard, các lãnh đạo doanh nghiệp toàn cầu cùng với các tham dự viên tham gia thảo luận dựa trên những nghiên cứu đã được thực hiện về những vấn đề quan trọng của toàn cầu hóa và ý nghĩa của nó đối với khả năng cạnh tranh quốc tế và sự phát triển kinh tế xã hội của Việt Nam. Phái đoàn VELP đầu tiên năm 2008 do Phó Thủ tướng Chính phủ Hoàng Trung Hải dẫn đầu, phái đoàn thứ hai năm 2009 do Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Thiện Nhân dẫn đầu. Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh dẫn đầu một phái đoàn của chính phủ tham dự một diễn đàn của VELP vừa được tổ chức trong tháng 2 năm 2012. Thành phần phái đoàn là các thứ trưởng hoặc các cấp lãnh đạo cao hơn, bao gồm những nhà làm chính sách từ các bộ và những tổ chức cấp trung ương khác cùng với các lãnh đạo tỉnh thành và các nhà quản lý cao cấp của các doanh nghiệp lớn nhất Việt Nam.

Sáng kiến này được triển khai với sự hỗ trợ quý báu của Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP).

Các chương trình đào tạo theo yêu cầuỞ Trường Fulbright chúng tôi hiểu rằng các cán bộ cao cấp không có thời gian theo học các chương trình dài hạn thông thường. Mục tiêu sáng kiến đào tạo cao cấp của Trường là mang lại cho các nhà lãnh đạo khu vực công những kỹ năng và kiến thức cần thiết để thực thi trách nhiệm của mình một cách hiệu quả. Mỗi môn học đều do tập thể giảng viên quốc tế và Việt Nam thuộc các chuyên ngành khác nhau phối hợp giảng dạy. Kinh nghiệm và sự hiểu biết sâu sắc của các giảng viên được lồng ghép vào những nghiên cứu mới nhất về những vấn đề kinh tế hiện nay của Việt Nam. Mỗi khóa học đều kết hợp những nghiên cứu tình huống với mô hình học tập trong đó sự tương tác năng động của lớp học được đặt lên hàng đầu. Các chương trình chuyên đề này giúp học viên hiểu rõ hơn những vấn đề kinh tế toàn cầu và trang bị cho họ những công cụ giải quyết các khó khăn mà đất nước đang gặp phải.

Trường Fulbright thường xuyên tổ chức các khóa đào tạo cao cấp dành cho các nhà hoạch định chính sách cấp tỉnh. Trước khi triển khai mỗi khóa đào tạo cao cấp, FETP đều có một giai đoạn nghiên cứu ở tỉnh hoặc vùng được quan tâm nhằm tìm hiểu và xác định những khó khăn và thử thách chính yếu mà tỉnh hoặc vùng đó đang gặp phải. Từ đó, các giảng viên sẽ xây dựng các tình huống dựa trên cơ sở dữ liệu đã thu thập được, kết hợp với các nghiên cứu về kinh nghiệm giải quyết những vấn đề tương tự của các tỉnh hoặc vùng khác ở trong và ngoài nước. Ngoài việc phân tích cụ thể theo từng tỉnh, các khóa học cao cấp còn mang lại cho học viên hàng loạt những kỹ năng phân tích, giúp họ làm việc hiệu quả hơn trong công tác hoạch định chính sách, trong đó có những kỹ năng cơ bản trong thẩm định dự án và tài chính công. Hy vọng đến cuối khóa học, học viên có khả năng đánh giá tỉnh nhà với một tầm nhìn mới và hình thành những chiến lược tăng trưởng thích hợp nhất cho địa phương mình.

Trường Fulbright thường tổ chức chương trình đào tạo cao cấp với sự hợp tác của các cơ quan chính phủ và các nhà tài trợ, và khu vực tư nhân.

Chương trình đào tạo cao cấp

25

Page 29: FETP Brochure v 2013

26

Page 30: FETP Brochure v 2013

27

Nếu muốn cạnh tranh thành công trên thị trường toàn cầu, Việt Nam phải kết nối với các nguồn tri thức trên thế giới. Nhận định này đã đưa đến Dự án Học liệu Mở của FETP hay FETP OCW. Cũng giống như Sáng kiến Học Liệu Mở (OCW) của Viện Công nghệ Massachusetts (MIT), FETP OCW không phải là một dự án đào tạo từ xa, mà là một nguồn tư liệu cho những ai đang học tập và làm việc trong các lĩnh vực liên quan đến chính sách nhằm giúp họ cập nhật và nâng cao kiến thức về các vấn đề chính sách của Việt Nam và những động lực của toàn cầu hóa.

Thông qua FETP OCW, bất kỳ ai có kết nối internet cũng có thể tải về tài liệu giảng dạy và nghiên cứu chính sách của trường. Trong 5 năm qua mức độ sử dụng FETP OCW đã gia tăng nhanh chóng, phản ánh khả năng tiếp cận internet ngày càng mở rộng ở Việt Nam. Tất cả tài liệu giảng dạy (bao gồm đề cương môn học, bài giảng, tài liệu đọc chọn lọc và bài tập) đều được biên tập theo chuẩn giấy phép Creative Commons, qua đó người dùng có thể điều chỉnh những tài liệu này theo mục đích sử dụng của mình. FETP OCW là nguồn lực đặc biệt có giá trị cho các nhà giáo dục. Các giảng viên được khuyến khích sử dụng tài liệu của FETP vào môn học của họ ở các trường đại học. Học viên có thể sử dụng những tài liệu này làm định hướng cho hoạt động học tập và nghiên cứu độc lập.

Lợi ích của OCW mang tính hai chiều. Phản hồi của người dùng sẽ góp phần vào tiến trình liên tục phát triển nội dung đào tạo của giảng viên Trường Fulbright. Song song với việc cung cấp diễn đàn cho các nhà nghiên cứu Trường Fulbright công bố phân tích của mình, FETP OCW còn là một phương tiện đưa mục tiêu đóng góp trên tinh thần xây dựng vào xu thế thảo luận các vấn đề chính sách công ở Việt Nam của trường đi xa hơn nữa.

Dự án Học Liệu Mở của FETP

Tuần lễ đầu tiên tại Chương trình Fulbright là khoảng thời gian đầy kỷ niệm đối với tôi. Tuần lễ của những giấc ngủ ngắn ngủi và đầy lo lắng, những bỡ ngỡ trước phong cách học, phong cách làm việc hoàn toàn khác với những thói quen cố hữu. Không có được nền tảng về kinh tế học, tôi choáng ngợp và sợ không thể theo kịp chương trình, nhưng rồi chính thầy cô, bạn bè và những nỗ lực của bản thân đã giúp tôi vượt qua những ngỡ ngàng ban đầu đó. Tôi hạnh phúc vì được học thật nhiều điều mới mẻ và vì chính bản thân mình đang thay đổi một cách tích cực. Chương trình Fulbright đã xây dựng cho chúng tôi một nền tảng lý thuyết kinh tế học vững chắc, phương pháp tiếp cận và đánh giá các chính sách công, cách thức tư duy và giải quyết vấn đề, và hơn nữa, sự trăn trở và khao khát được đóng góp cho sự phát triển của quốc gia, của địa phương bằng chính những kiến thức mình đã được học. Tôi biết rằng những năm tháng sẽ qua đi không làm tôi quên được những bài giảng đầy tâm huyết của thầy cô, những buổi thảo luận sôi nổi với các bạn học về các tình huống chính sách, những đêm miệt mài giải các bài tập hóc búa. Tất cả đã trở thành một ký ức rất đẹp mà tôi sẽ luôn mang theo với niềm tự hào.

Hai năm tại Fulbright, tôi tự tin với những kiến thức kinh tế - xã hội mà mình được học từ những người thầy, người cô đầy tâm huyết và tài năng, từ những người bạn đến từ mọi miền đất nước với những kinh nghiệm sống, kinh nghiệm làm việc vô cùng quý báu. Tôi tự tin chia sẻ những kiến thức mà tôi được lĩnh hội đến các em sinh viên và cũng tự tin áp dụng những kiến thức này trong các hoạt động nghiên cứu mà tôi được tham gia. Chương trình Fulbright là một bước ngoặt lớn trong cuộc đời tôi, và cho đến thời điểm này, tôi hạnh phúc với lựa chọn đó của mình.

Hoàng Tú Uyên, MPP3Giảng viên, Đại học An Giang

Page 31: FETP Brochure v 2013

28

Là giảng viên, điều mà tôi đánh giá cao nhất ở Trường Fulbright là cơ hội kết hợp giữa nghiên cứu và giảng dạy. Thật thú vị khi lên lớp thảo luận và chia sẻ với học viên những gì chúng tôi vừa tìm hiểu từ thực tế. Trong quá trình hỗ trợ học viên phát triển kỹ năng phân tích, chúng tôi giúp họ mài giũa khả năng tư duy phê bình, và đóng góp những ý tưởng xây dựng về cách thức nhà trường cải thiện hoạt động nghiên cứu chính sách. Trường Fulbright giống như phòng thí nghiệm nghiên cứu trong ngành khoa học xã hội. Do chúng tôi đến từ mọi miền đất nước, làm việc trong nhiều lĩnh vực và có những kinh nghiệm sống và làm việc khác nhau, nên luôn tiếp cận các vấn đề từ nhiều góc độ khác nhau. Điều này giúp chúng tôi cân nhắc các vấn đề chính sách từ nhiều khía cạnh và đề ra nhiều chọn lựa chính sách tốt hơn.

Đinh Vũ Trang NgânGiảng viên Kinh tế

Page 32: FETP Brochure v 2013

Sự hợp tác giữa Trường Fulbright với Trường Harvard Kennedy đã kết nối Việt Nam với mạng lưới tri thức toàn cầu và giúp Trường Fulbright định chuẩn nội dung đào tạo và hoạt động nghiên cứu theo các chuẩn mực quốc tế cao nhất. Trường Harvard Kennedy đã hỗ trợ sự phát triển hoạt động đào tạo chính sách công và các chương trình nghiên cứu ở châu Á trong nhiều năm, và kinh nghiệm này là nhân tố quan trọng góp phần tạo nên sự thành công của Trường Fulbright. Đến nay sau 17 năm hoạt động, sáng kiến của Trường Fulbright về đổi mới thể chế đã bắt đầu trở thành nguồn cảm hứng cho các nước trong khu vực quan tâm đến những mô hình về hợp tác quốc tế nhằm cải thiện hoạt động nghiên cứu và giáo dục chính sách công.

Các nhà hoạch định chính sách Việt Nam luôn thể hiện sự quan tâm học hỏi kinh nghiệm của những nước khác. Quỹ Rajawali dành cho châu Á được thiết lập tại Trung tâm Ash nhằm giúp các học giả và các nhà hoạch định chính sách trong khu vực cùng chia sẻ ý tưởng và thông tin. Tổ chức này nhắm đến hỗ trợ các sáng kiến nghiên cứu xuyên quốc gia, những hội thảo quốc tế và các sự kiện đối thoại chính sách nhằm thúc đẩy sự sáng tạo đổi mới và đánh giá chính sách ở châu Á và để hỗ trợ hoạt động giáo dục chính sách công dưới mọi hình thức. Quỹ Rajawali là một phần trong nỗ lực của Trung tâm Ash nhằm tạo ra mạng lưới tri thức toàn cầu gồm những học giả, các nhà hoạch định chính sách và những người khác cùng chia sẻ kinh nghiệm và thông tin về các vấn đề chính sách cụ thể.

Sự trao đổi về con người và ý tưởng giữa Việt Nam và Cambridge, Massachusetts đảm bảo rằng hoạt động nghiên cứu và nội dung đào tạo của FETP luôn được đổi mới và cập nhật. Trường Fulbright thường xuyên gửi các giảng viên sang Cambridge trong vai trò cán bộ nghiên cứu tại Trường Harvard Kennedy hay tham dự chương trình đào tạo ngắn hạn và các sự kiện đối thoại chính sách. Giảng viên của Trường Harvard Kennedy cũng tham gia giảng dạy chương trình MPP và tổ chức hội thảo dành cho giảng viên tại TP.HCM. Các sinh viên của Trường Harvard Kennedy thường đến TP.HCM trong mùa hè để thực tập cùng với giảng viên FETP.

Trong hai thập niên qua, nhiều người Việt Nam đã hoàn tất các chương trình thạc sỹ và tiến sĩ chuyên ngành quản lý nhà nước, chính sách công và phát triển quốc tế tại Harvard. Cựu học viên Trường Harvard Kennedy hiện nắm giữ những vị trí quan trọng trong các cơ quan quản lý nhà nước cũng như trong hệ thống giáo dục đào tạo và khu vực tư nhân. Nhiều người trong số họ vẫn duy trì mối quan hệ mật thiết với Trường Fulbright và trở thành nguồn tài nguyên quý giá cho học viên và giảng viên của Trường. Cựu sinh viên Trường Harvard Kennedy cũng tham gia vào các sáng kiến nghiên cứu tại FETP.

FETP cũng tài trợ cho giảng viên Việt Nam sang nghiên cứu ở các trường và khoa của Đại học Harvard như Trường Luật, Trường Kinh doanh, Khoa Khoa học Xã hội và Tự nhiên, Trường Y tế Công.

Liên kết với Trường Harvard Kennedy

29 Giáo sư David Ellwood, Hiệu trưởng Trường Harvard Kennedy, tại Trường Fulbright

Page 33: FETP Brochure v 2013

Tinh thần đổi mới là mạch nguồn nuôi dưỡng trường Fulbright. Các chương trình giảng dạy của chúng tôi được xây dựng trên cơ sở những nghiên cứu nghiêm túc, luôn thay đổi để bắt kịp với hiện thực sinh động bên ngoài giảng đường. Những học viên đầy tài năng là “chất liệu” quan trọng nhất trong hoạt động sáng tạo ra tri thức của Trường. Ðể thu hút những nam nữ học viên như vậy, chúng tôi đã và đang xây dựng trường theo nguyên lý lấy tài năng làm nền tảng, tập trung hết sức mình để vươn tới những tiêu chuẩn chất lượng cao nhất và đẩy lùi mọi giới hạn của sự thành công.

Cũng như Việt Nam, Trường Fulbright đang chuyển mình. Từ một chương trình giảng dạy chú trọng vào kinh tế ứng dụng, chúng tôi đã chuyển hóa thành một tổ chức độc đáo của Việt Nam chuyên phân tích chính sách từ nhiều giác độ khác nhau. Sự chuyển mình của Trường vẫn đang tiếp tục. Việc thành lập Chương trình Thạc sỹ Chính sách công đầu tiên của Việt Nam đánh dấu một bước tiến quan trọng của sự chuyển mình này, nhưng vẫn còn nhiều việc phải làm. Đội ngũ nghiên cứu và giảng dạy của Trường Fulbright và các đồng nghiệp từ Trường Harvard Kennedy và các nơi khác luôn cam kết mở rộng tầm mức nội dung đào tạo chính sách của Trường, kết hợp giữa trọng tâm kinh tế với sự hiểu biết chuyên sâu về các chuyên ngành khoa học xã hội. Các ưu tiên bao gồm tăng cường khả năng xử lý những thách thức phát triển quan trọng đối với Việt Nam, bao gồm luật và quản trị nhà nước, y tế, giáo dục, và những khía cạnh của toàn cầu hóa.

Mục tiêu của thí nghiệm đổi mới về tổ chức này là nhằm kiến tạo một trung tâm xuất sắc trong lĩnh vực phân tích chính sách công và đào tạo các nhà hoạch định chính sách. Chúng tôi đang tiến gần hơn tới mục tiêu này, nhưng vẫn còn nhiều việc cần phải làm với tinh thần khẩn trương. Chúng tôi tin tưởng rằng việc tiếp tục tham gia đối thoại chính sách với tư cách độc lập, trên tinh thần phê bình mang tính xây dựng có một ý nghĩa rất quan trọng đối với quá trình tiếp tục hiện đại hóa đất nước và tạo dựng một xã hội công bằng, thịnh vượng cho Việt Nam. “Một cây làm chẳng nên non”, vì vậy, sự hợp tác với các trường, viện nghiên cứu và các đối tác khác của Việt Nam, mà trước hết là Trường Ðại học Kinh tế TP.HCM, chính là nền tảng quí giá của chương trình đào tạo và sự lớn mạnh của chúng tôi.

Trường Fulbright được hình thành từ ý tưởng của một nhóm các nhà lãnh đạo Việt Nam và Hoa Kỳ về việc xây dựng một mối quan hệ mới giữa hai quốc gia. Mặc dù là một sáng kiến về giáo dục, Trường Fulbright tiếp tục nhận được sự hỗ trợ từ cả hai chính phủ.

Trường Fulbright từ 1995-2013 và xa hơn

30

Ngoại trưởng John Kerry và Thượng nghị sĩ John McCain đóng

vai trò then chốt trong việc thành lập Trường Fulbright.

Page 34: FETP Brochure v 2013

Anthony SaichGiáo sư danh hiệu Daewoo về Quan hệ quốc tếGiám đốc Trung tâm Ash về Quản trị dân chủ và đổi mới

Hoạt động của trung tâm Ash ở châu Á được thực hiện thông qua Quỹ Rajawali tập trung vào vai trò của quản trị công trong việc giải quyết những vấn đề phức tạp của các nền kinh tế mới nổi trong khu vực. Các nước châu Á đã chứng minh được rằng họ có thể đạt được và duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế cao. Trong nhiều trường hợp, các thể chế công đã thay đổi để bắt kịp với nhu cầu của sự chuyển đổi kinh tế xã hội nhanh chóng.

Hoạt động nghiên cứu Trung Quốc hiện nay của tôi xem xét cách thức các chính quyền địa phương đáp ứng với nhu cầu ngày càng cao hơn của công dân về cung cấp dịch vụ công cũng như đòi hỏi của họ về một nền quản trị có tính đáp ứng, bao hàm và minh bạch hơn. Hiện nay mối quan tâm chung của khu vực là cách thức các chính quyền địa phương xử lý những vấn đề xã hội, kinh tế và môi trường ngày càng phức tạp. Tại Trung tâm Ash, quan điểm so sánh cộng với kiến thức chuyên sâu về địa phương đã cho phép chúng tôi nghiên cứu và thúc đẩy những đổi mới sáng tạo về quản trị ở cấp địa phương, đặc biệt quan trọng trong kỷ nguyên phân cấp hiện nay.

Trường Fulbright và các trường chính sách công khác trong khu vực nơi chúng tôi làm việc là những thành tố quan trọng trong sự hiện diện của Trung tâm Ash ở châu Á. Giảng viên của Trường Fulbright có kiến thức sâu rộng về những thách thức phát triển của Việt Nam. Chính sự chuyên sâu này đã đảm bảo chương trình MPP của Trường Fulbright được soạn thảo theo những điều kiện mà học viên sẽ đối mặt khi trở về cơ quan công tác, giúp họ thực hiện những đối thoại thẳng thắn và kịp thời với các nhà hoạch định chính sách Việt Nam. Đồng thời, họ cũng đóng góp vào và hưởng lợi từ mạng lưới chính sách trên toàn khu vực của Trung tâm Ash.

31

Page 35: FETP Brochure v 2013

Chương trình hướng đến những nhà chuyên môn có quyết tâm phấn đấu cao, có kinh nghiệm làm việc thực tế và đang tích cực tìm kiếm một cơ hội được đào tạo về chính sách công một cách chính quy với trọng tâm là kinh tế học để phát triển năng lực chuyên môn của mình. Đối tượng đào tạo chủ yếu là các nhà quản lý trong khu vực công và các nhà hoạch định chính sách. Chúng tôi cũng chào đón những nhà quản lý thuộc khu vực tư nhân mà công việc liên quan đến sự tương tác giữa doanh nghiệp và nhà nước. Tuy nhiên, mọi ứng viên đều phải chứng minh được mối quan tâm của mình về các vấn đề chính sách công. Nói chung, các ứng viên thường là cán bộ ở các cơ quan nhà nước trung ương và địa phương, các doanh nghiệp nhà nước và tư nhân, các tổ chức tài chính - ngân hàng và các trường đại học, viện nghiên cứu. Học viên được tuyển chọn thông qua một quá trình mang tính cạnh tranh cao, dựa trên cơ sở điểm thi trắc nghiệm, kinh nghiệm công tác, và bài tiểu luận kèm theo đơn đăng ký dự tuyển.

FETP phấn đấu có một lớp học cân bằng về giới, và luôn nỗ lực một cách có ý thức nhằm đảm bảo một cơ cấu học viên đa dạng từ khắp mọi miền đất nước và tích cực khuyến khích học viên nữ, người dân tộc thiểu số và người ở vùng sâu vùng xa tham gia.

Chương trình MPP là một quá trình đào tạo đặc thù với yêu cầu rất cao. Học viên phải luôn duy trì những chuẩn mực học tập cao nhất để hoàn thành chương trình. Khi tốt nghiệp, học viên sẽ nhận được bằng thạc sỹ do Trường Đại học Kinh tế TP.HCM cấp. Có thể xem thêm những thông tin về các chính sách hàn lâm của FETP trên mạng internet.

Học viên tốt nghiệp chương trình một năm

Học viên tốt nghiệp chương trình một năm của FETP từ 1995 đến 2008 được khuyến khích nộp đơn tham gia chương trình MPP. Để ghi nhận quá trình học tập và hoàn thành một số môn học liên quan trong chương trình MPP của các cựu học viên, họ sẽ có cơ hội tiếp tục việc học của mình vào đầu năm thứ hai của chương trình MPP (9/2013). Để tham gia, các cựu học viên phải tham dự kỳ thi tuyển sinh về kinh tế học ứng dụng, nhằm đánh giá kiến thức của họ về 3 lĩnh vực: kinh tế học (kinh tế học vi mô, kinh tế học vĩ mô), kinh tế phát triển và chính sách phát triển, và các phương pháp phân tích định lượng. Những cựu học viên vượt qua kỳ thi này sẽ được chính thức nhập học năm thứ hai.

Học bổng

Tất cả ứng viên trúng tuyển vào Chương trình MPP đều được cấp học bổng toàn phần hai năm để trang trải học phí. Trong năm thứ nhất, học bổng sẽ bao gồm học phí và trợ cấp sinh hoạt, sang năm thứ hai học viên tiếp tục được tài trợ học phí nhưng phải tự trang trải chi phí sinh hoạt.

Thông tin tuyển sinh:Chương trình Thạc sỹ Chính sách Công

32Phan Ngọc Thảo Vy, MPP2

Page 36: FETP Brochure v 2013

Thầy đồ, Phạm

Lực

Mọi thắc mắc liên quan đến tuyển sinh xin gửi về địa chỉ sau:

Chương trình Giảng dạy Kinh tế Fulbright232/6 Võ Thị Sáu, Quận 3, Thành phố Hồ Chí MinhĐiện thoại: 08-3932-5103, Fax: 08-3932-5104E-mail: [email protected]

Thông tin chi tiết về hoạt động tuyển sinh được đăng tải trên trang web của Trường tại địa chỉ http://www.fetp.edu.vn/apply.

FETP hoạt động và phát triển trong gần hai thập niên qua là nhờ nguồn tài trợ chính từ Vụ Giáo dục và Văn hóa, Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ.

Economics Teaching Program