Download pdf - Hương ước sơn tùng

Transcript
Page 1: Hương ước sơn tùng

Quê Hương Sơn Tùng“Sơn Tùng quê miền Thùy – Dương

Nước sông hai ngả thân thương chảy về

Nguồn Bồ tưới mát đồng quê

Nhắn ai xa vắng nhớ về Làng ta”…

----oOo----

Quê Mẹ hiền khói lam chiều cuộn

Mái tranh nghèo muôn thuở sống yêu thương!

Tơ thu giăng bàn bạc sầu vương

Bao thế hệ cơ cầu ai bàn đến

Trăng còn đẹp, thuyền ai rời bến

Nước Bà Hường, Rào Rột vẫn uốn quanh

Ruộng Đồng, Ruộng Tịa khoai lúa xanh xanh

Cho lòng ấm khi Đông về giá lạnh

Hương câu tỏa, trăng vàng lấp lánh

Ánh trăng thề tóc chấm bỏ bờ vai

Sương khuya rơi! Quốc còn gọi đêm dài

Sơn Tùng hỡi! Thương ai qua mấy độ

Nhớ xa xưa Tổ - Tiên kham khổ

Gió sương mờ miền biên địa xa xôi

Theo Huyền Trân đi xây dựng tương lai

Cho đất đẹp lòng ai còn lưu luyến

Tiếng chuông chiều đều đều buông tiếng

Ai nguyện cầu cho đất Mẹ yêu thương

Bồ Chao kêu, chim Nghệ hót quanh vườn

Thương lắm rứa cây đa Làng sừng sững

Page 2: Hương ước sơn tùng

Đẹp làm sao khi bình minh trời hửng

Gió Nam, Nồm nhẹ lướt tiếng hò Ô!

Lúa xanh xanh xây dựng cơ - đồ

Cho đất mẹ Sơn – Tùng luôn hồ hởi

Đất mẹ từng sướng vui, buồn, khổ

Khi thanh bình có gió mát trăng thanh

Khi đạn bom xối xả tan tành

Sơn Tùng vẫn như Núi - Tùng vững chãi

Và giờ đây, xa xưa và mãi mãi

Ghi vào lòng cho ấm lại một quê hương

Ai còn đây ai xa vắng dặm trường

Xin nhớ lấy hai tiếng thân thương

“Sơn – Tùng” ấy nước non hiền muôn thuở

Đừng phản lại đừng láo lường tráo trở

Cho Sơn Tùng muôn thuở

Tiếng tăm xa”

Tùng – Sơn: Văn-Hữu-Tuất – Đoàn Thị Bích.

Page 3: Hương ước sơn tùng

HƯƠNG ƯỚC LÀNG SƠNTrích Sơn Tùng Địa Phương Ký

KHÁI NIỆM

Sơn Tùng có những quy định gọi là lệ Làng, nhằm xác lập mối quan hệ giữa các thành viên trong cộng đồng với nhau, quy định toàn bộ những việc có liên quan trong cuộc sống hàng ngày trước hết là những quy định để đảm bảo sản xuất, cơ sở và sự tồn tại phát triển của Làng. Những quy định nhằm đảm bảo các mối quan hệ vợ chồng, anh chị em bà con, quy định về đối ngoại về việc bảo vệ danh dự của Làng, hương ước của Làng đã góp phần củng cố cộng đồng nông thôn, tạo nên những nếp sống những phong tục tập quán tốt, khuyến khích việc ăn ở thuận hòa trong thôn xóm, bảo đảm trật tự an ninh xã hội. Hương ước ngăn cấm những việc làm xấu ảnh hưởng đến nếp sống đẹp trong cộng đồng như việc: Đánh lộn, chửi bới nhau, trộm cắp lừa đảo, quan hệ trai gái bất chính, cờ bạc rượu chè bê tha, những kẻ chây lười siêng ăn biếng làm hương ước còn có những quy định nhằm khuyến khích sản xuất, khuyến khích việc học hành.

Hương ước Sơn Tùng là sản phẩm của nhân dân phản ánh một cách khá đầy đủ trung thực cuộc sống của Làng Sơn qua các giai đoạn lịch sử, đồng thời nó tiếp thu được nhiều kinh nghiệm và trí thức của các địa phương khác. Nó vẫn mang nhiều điểm tiến bộ giúp cho cộng đồng Làng Sơn phát triển, chủ yếu phục vụ quyền lợi cho đông đảo của từng lớp người dân, chú trọng nhiều đến việc xây dựng cơ sở xã hội, vấn đề sản xuất và các vấn đề thuộc phong tục tập quán.

Hương ước cũng thể hiện được phần tính chất dân chủ của nông thôn, đậm đà tinh thần Dân tộc, dù vào thời phong kiến nó vẫn được lấy ý kiến của nhân dân bằng các cuộc họp mở rộng của hội hương hay hội Tư – văn có đại biểu nhân dân, tộc biểu tham gia. Nó quy định một số điều đảm bảo quyền dân chủ của nhân dân Những người đứng ra giữ chức trách trong làng như Hương Lý, Hương Hội, đều có tổ chức các cuộc họp bầu cử, hội Tư – văn mà làng ta thường là những người học vị, có tri thức, uy tín, hiền lành thân hòa nhân sỹ, thường ngày sống chung với làng dân. Tuy tính chất dân chủ vẫn còn nhiều hạn chế trong nhiều mặt, những đại diện của dân chưa đầy đủ cho lớp cùng đinh của xã hội và trong các tầng lớp đó vắng bóng người phụ nữ,nhìn chung Hương Ước Làng Sơn Tùng đã được nâng lên thành quy tắc, quy ước, trở thành sức mạnh có tính chất bền vững trong cộng đồng nông thôn, nó được thấm sâu vào ý thức, tư tưởng của những người dân, tuân thủ và bảo vệ Hương Ước trở thành nghĩa vụ, có thể nói đó là bộ luật của Làng khá hoàn chỉnh, khá tiến bộ tuy nó không tránh khỏi mặt hạn chế đó là sự trói buộc những người trong cộng đồng và một số quy tắc, một số quy định bất bình đằng nhằm bảo vệ cho quyền lợi cho nhà nước phong kiến, bảo vệ một phần nào quyền lợi cho đảng cấp trên trong xã hội. Từ thuở xa xôi thời Phong Kiến Thực Dân, ngày dựng làng Sơn Tùng cùng chung sống bà con theo cái phép Vua là quyền cao tối thượng, hay quyền nghị định của nhà nước nhưng tại làng vẫn có sự châm ước của dân làng theo địa hình, phong thổ, ruộng đất, phong tục tập quán, cách ăn nếp ở của làng, trong một địa phương thu nhỏ, mong có cuộc sống êm đềm mong bảo tồn danh dự của bà con dân làng Sơn, ảnh hưởng sâu sắc đến luật Hồng – Đức, luật nhà Nguyễn, cộng với tôn giáo (Phật giáo, Lão, Khổng giáo) tập tục quê làng ung đúc lại thành hương ước hay “Lệ Làng Sơn”

Trích “Sơn Tùng Địa Phương Ký” của

TS: Văn Hữu Tuất – Đoàn Thị Bích

Page 4: Hương ước sơn tùng

HƯƠNG ƯỚC LÀNG SƠN TÙNGTrích Sơn Tùng Địa Phương Ký

LỜI NÓI ĐẦU

Thương thay sông Bồ Giang chảy về hai ngả, ngọn rau tấc đất đã nuôi con dân từ muôn thuở…

Với địa hình “kim kê thủ cước” (gà trống đứng trụ một chân) dãy Trường sơn trùng điệp, núi La Chữ, Hương Trà, Lưu Cốc, Lại Bằng, Mã Lạp hiện rõ. Trên nền trời mây, gió biển đông Phá Tam Giang theo mùa thổi về những ngày đẹp trời, trong làng mát mẻ, cũng có lúc mưa xa bão táp.

Tổ Tiên đến dựng làng trên mảnh đất quê hương địa danh được gọi “Sơn Tùng” có sông nước ruộng vườn xanh, thập tứ tôn phái (mười bốn dòng họ) đến dựng làng: canh điền, tạc tĩnh, giang sơn, trung tú đất nước hài hòa.

Các bậc tiền bối lấy nơi đất làm nơi chôn nhau cắt rốn giữa lòng đất Việt yêu thương, lâm bang láng giềng kính nể thuận hòa, được mệnh danh là SƠN TÙNG ĐẠI XÃ, cuộc sống an cư lạc nghiệp, phép nước vẫn có tự ngàn xưa lại có truyền thống gìn giữ thuần phong mỹ tục, góp phần vào tổ quốc thanh bình và thịnh trị.

Lệ làng, hương ước làng các Ngài sinh tiền đã soạn nên, tuyên truyền lại từ đời này sang đời khác, bà con làng Sơn tuần thủ tự nguyện đã ghi sâu đậm trong lòng người, hiểu rằng truyền thống là một thứ keo để gắn các phần tử trong xã hội, dân tộc nào muốn mạnh, xã hội nào muốn vững cũng cần phải giữ một số truyền thống không thể cắt đứt hẳn với dĩ vãng được.

Nước có Hiến pháp, Luật pháp để bảo vệ an ninh Quốc gia, trật tự an toàn xã hội, bảo vệ các quyền lợi ích hợp pháp của người dân, đấu tranh và phòng ngừa mọi hành vi phạm tội. Hương ước làng Sơn xem như một điểm khuyết trừng cho cuộc sống yên vui, không rời luật pháp chung của xã hội, trung thực với cuộc sống sát với phong thổ địa hình, bốn mùa sinh hoạt bảo vệ danh dự làng, bảo đảm sản xuất, gìn giữ thuần phong mỹ tục, khuyến học, khuyến nông, ăn ở thuận hòa, tránh chây ăn biếng làm, bài trừ tứ đổ tường (cờ bạc, thuốc phiện, rượu chè, đĩ điếm). Quan, hôn, tang, tế không lãng phí mà đúng ý nghĩa tôn ty trật tự, tôn trọng người hiền, tưởng nhớ công đức người xưa để học tập phấn đấu, trai trung hiếu gái đảm đang tiết hạnh, trên thuận dưới hòa, tương thân tương ái, kính trên nhường dưới, tránh việc làm hung bạo, chống lại bạo cường đoàn kết không kiện tụng lẫn nhau, thương yêu tổ quốc, biết hy sinh cao cả giữa làng, giữ nước khi lâm nguy vì thiên tai, địch họa.

Người xưa có bảo: “đừng nên nghĩ việc làng là việc nhỏ nhặt mà bỏ quên, phải biết vận nước hay dở, cũng ở hương thôn mà ra…!

Cho nên hương ước của tổ tiên làng ta đã được nâng lên thành quy tắc, quy ước, trở thành sức mạnh có tính chất bền vững trong cộng đồng quê hương, đã thấm sâu vào ý thức tư tưởng của bà con, tuân thủ và bảo vệ hương ước trở thành nghĩa vụ cho cuộc sống an lành lại có tính thiêng liêng đối với cội nguồn tổ tiên, danh dự của làng.

Tuy nhiên vào thời trước không làm sao tránh khỏi những mặt hạn chế như bất bình đẳng, trọng nam khinh nữ, nam nữa không bình quyền, phân chia đẳng cấp quá đáng…

Page 5: Hương ước sơn tùng

Sơn Tùng sống bao đời nhiều biến đổi lịch sử vẫn giữ gìn truyền thống trong sáng của làng ta nói riêng và của dân tộc Việt nói chung. Thương thay qua hai lần chiến tranh tài liệu bị thiêu hủy chỉ còn lại tập quán hương ước tuân thủ thiêng liêng Sơn Tùng địa phương ký sưu tầm ghi lại hương ước của làng, hướng về cội nguồn học tập nết tốt của làng xưa, mong quê hương rạng rỡ, xã hội trong Làng, Tổ quốc bền vững.

Tiếp tục truyền thống Tổ Tiên, bản Hương ước này được xem như luật Làng, được toàn dân nam nữ, thảo luận kỹ càng, bổ túc hoàn chỉnh, đồng thuận định ký tên, trình cấp trên và ai nấy, tuyệt đối tuân hành trong hai ý nghĩa:

1- Thiêng liêng vì luật lý, đạo đức của cha ông.

2- Thượng tôn luật pháp của xã hội hiện hành.

Hương ước được giữ tại thư tịch của Làng do hội làng trình giữ và thi hành. Bà con từ đời này đến đời khác cùng nhau tuân thủ và bảo vệ với ý nghĩa thiêng liêng, cho quê làng rạng rỡ mà Tổ Tiên chúng ta đã dày công gây dựng và mong muốn.

Trích “Sơn Tùng Địa Phương Ký” của

TS: Văn Hữu Tuất

Mùa Thu năm 1986

CHƯƠNG I

NHỮNG ĐIỀU CƠ BẢN

Điều 1: Hương ước làng có phận sự đem lại cuộc sống an lành cho bà con dân làng, bảo vệ danh dự quê hương của Tổ Tiên để lại, nhằm có cuộc sống thuần phong mỹ tục góp phần yên vui với bà con dân làng thanh bình thịnh trị, không để xảy ra những chuyện vi phạm pháp luật, phiền hà đến xã hội, góp phần bền vững an ninh tổ quốc, giữ gìn danh dự làng, luật cũng tùy theo cơ sở đạo đức bảo vệ con người, và cuộc sống yên vui mà ra có thuần phong mỹ tục tất nhiên biết thượng tôn luật pháp.

Điều 2: Thảo luận rộng rãi kỹ càng tất cả bà con dân làng cùng thuận định ký xác nhận hương ước làng là thiêng liêng, là đứng đắn tốt đẹp phải gìn giữ có kỷ luật nghiêm minh, phải tuân thủ triệt để và tự nguyện ai vi phạm những điều trong hương ước thì chiếu theo điều luật đã ghi mà xử phạt hay khen thưởng.

Điều 3: Việc phân xử phải kịp thời và nhanh chóng, công minh dùng những điều đã quy định trong hương ước, cần phải nghiêm và cũng tùy từng sự việc mà xem xét khoan hồng xây dựng, người phạm lỗi bị phạt phải chấp hành nghiêm chỉnh.

Điều 4: Hội làng có trách nhiệm gìn giữ hương ước, thi hành đầy đủ chức năng nhiệm vụ của mình đã được toàn dân làng tín nhiệm và ủy thác. Đồng thời thường xuyên hướng dẫn bà con hiểu rõ và tuân thủ hương ước, giúp đỡ chính quyền làng, các cơ quan khác của xã hội cùng bà con đấu tranh, chống và phòng ngừa vi phạm hương ước, giám sát và giáo dục hướng dẫn người vi phạm hương ước.

Điều 5: Các gia đình, tộc họ, phụ huynh, các bậc cha, anh, chú, bác có nhiệm vụ giáo dục hướng dẫn con em trong bổn tộc - gia đình mình, từ ý nghĩa gia đình nền tảng của xã hội, sự giáo dục của gia đình là rất quan trọng, trong gia đình thì cá nhân tốt, xã hội mới tốt, nên hiểu rõ tuân thủ hương ước là bổn phận thiêng liêng đối với danh dự gia

Page 6: Hương ước sơn tùng

đình, dòng họ tổ tiên huyết thống để tránh vi phạm làm mất danh dự chính các Ngài trong thập tứ tôn phái (mười bốn dòng họ) đã tạo dựng, nên mọi người phải tích cực đấu tranh gìn giữ hương ước để chống và phòng ngừa sự vi phạm.

Điều 6: Hương ước làng được áp dụng với tất cả người dân trong làng không phân biệt nam, nữ, tôn giáo, thành phần xã hội, giàu – nghèo, chức vụ, học vị… tuổi từ 13 trở lên, ai vi phạm cứ theo các điều khoản đã quy định để xử một cách công bằng, bình đẳng, người vi phạm phải tuyệt đối tuân hành. Đối với người ngoại làng đến vi phạm, tùy theo từng trường hợp để giải thích, nếu họ vi phạm luật lệ của nhà nước thì cứ giải trình cấp trên, không được dùng bạo lực hoặc điều gì bất nhã đối với kẻ ngoại làng.

CHƯƠNG II

VI PHẠM HƯƠNG ƯỚC

Điều 7: Xã hội, nhà nước đã có pháp luật ai vi phạm tất nhiên được xét xử công minh, thỏa đáng đúng luật quy định. Sự vi phạm hương ước làng có tính chất thiêng liêng bảo toàn danh dự của quê làng từ nghìn xưa đã tạo dựng, cho nên người trong làng ai có hành vi, vi phạm pháp luật của xã hội thì đã là một tổn thương cho cả làng vì thiếu học tập giáo dục bỏ đạo đức truyền thống của Tổ tiên. Người đã bị đưa ra trước pháp luật của nhà nước đối với hương ước làng vẫn là một vi phạm khá nặng nề quan trọng. Trường hợp này ngoài hình phạt của xã hội, hương ước làng còn quy định mức phạt có tình tiết khá nặng cả về tinh thần lẫn vật chất đối với người ấy, ngoại trừ trường hợp bất khả kháng, hoặc các hành động chính đáng mà pháp luật đã quy định.

Vi phạm hương ước là làm mất cuộc sống yên vui, làm tổn thương danh dự của quê làng, không gìn giữ truyền thống bảo vệ thuần phong mỹ tục của quê hương, làm hại đến sản xuất môi trường khuyến nông, khuyến học, làm mất an ninh trật tự… mà hương ước làng đã quy định. Đã hiểu rõ hương ước mà vẫn vi phạm dù cố ý hoặc vô tình đều là vi phạm hương ước.

CHƯƠNG III

HÌNH PHẠT

Điều 8: Luận rằng hương ước làng xuất phát từ nhân đức, lễ nghĩa của cha ông để lại, nặng về gìn giữ truyền thống thuần phong mỹ tục, có ý nghĩa thiêng liêng đối với tiền nhân, lại làm gương cho hậu duệ của quê làng. Gìn giữ đạo đức để cùng hướng dẫn nhau, vì lễ giáo mà bà con dân làng vào khuôn phép, biết hổ thẹn mà theo đường chính bỏ đường tà, tránh cảnh tôn ty hỗn loạn mà luôn luôn có kỷ cương trật tự, tạo nâng sức mạnh yêu thương, để cuộc sống yên vui và duy trì cho đời sau tốt đẹp, từ ý nghĩa ấy nên coi trọng kỷ luật tinh thần lương tri, tôn trọng thiêng liêng đối với tiền bối công đức, trách nhiệm với con cháu về sau. Nếu ai vi phạm Hương ước làng, trước hết phải đau xót chịu nhận sự khinh khi cho chính bản thân, gia đình tộc họ và đoàn thể của mình, ấy là hình phạt tinh thần cho hiện tại và chịu những tai tiếng tiếng về sau.

Điều 9: Như luận ở điều 8, nhưng cũng cần suy nghĩ thẳng thắn rằng, chẳng may trong làng có ai là kẻ cường bạo, hạ ngu không giáo hóa được, thì phải dùng đến hình phạt xem như chính lệnh hình pháp của làng, và khi đã áp dụng thì phải nghiêm chỉnh thực hiện đúng những điều trong Hương ước đã quy định, và người vi phạm phải tuyệt đối chấp hành.

Page 7: Hương ước sơn tùng

Điều 10: Hình phạt được quy định:

Phạt và tiền, làm tạp dịch ở một số nơi công cộng, giao cho gia đình, tộc họ, hoặc xóm, đoàn thể kiểm điểm giáo dục, phải báo kết quả cho hội làng để nhận lỗi (ngày xưa lạy làng) tùy theo nặng nhẹ làng định mức phạt.

Điều 11: Tất cả các vi phạm vật chất công cộng như:

Làm hư hại đê đập, chặt phá cây xanh, lấp cống, lấp rào hư hại, đường xá cầu cống, những nơi công ốc, đình, chùa, miếu vũ, di tích, ngoài việc làng phạt và còn phải bồi thường sửa chữa thỏa đáng nơi người ấy gây ra dù là cố ý hay vô tình.

CHƯƠNG IV

NHỮNG ĐIỀU QUY ĐỊNH

A - BẢO ĐẢM SẢN XUẤT VÀ MÔI TRƯỜNG

Điều 12: Đê đập giáp làng Đông Lâm đến bãi cát Cô Hồn, Tổ tiên đã dày công gây dựng, che mưa đón gió, ngăn nước lũ, nhiều cây cối, tre pheo được trồng, thiên nhiên mọc lên, nhiều chim muông… bảo vệ Đình, Chùa, Miếu Vũ, nhà cửa bà con dân làng thuộc xứ Trộ Đó thân thương từ xưa, nơi đầu tiên Tổ tiên đến dựng làng, ngoài việc bảo vệ môi trường còn là một thắng cảnh của quê hương hiếm có, trên đê dưới sông như : “Hộ Hà Thành” như “Chiến Lũy Dày”. Làng phải tu bổ thường xuyên cây cối thiên nhiên cũng như cây trồng đều được bảo vệ, cấm tuyệt đối không được chặt phá làm của riêng tư, cấm không được săn bắn chim muông, chồn cáo, rắn, rùa, rái cá (con trấy).v.v. nếu có những cây cổ thụ già đã chết thật khô làng mới được lập biên bản đấu giá, chỉ ngang mặt đất trở lên không được đào bới để bứng gốc, móc rễ làm hại cây con hay mất sự vững chãi của mặt đê. Việc đấu giá những cây cổ thụ già cũng được áp dụng cho những nơi công cộng như: Đình, Chùa, Miếu Vũ, những con đường chung, nếu ai vô tình cũng như cố ý chặt phá làm hư hại, Làng đều xử phạt thật nặng, bồi thường thiệt hại và phải giữ gìn săn sóc cho đến khi làng xét thấy đã được trở lại như cũ.

Điều 13: Đập Hóp ngăn nước Bến Chè chủ ý của Tổ tiên là ngăn ngọn nước mùa lũ nguồn Bồ chảy về, bắt nước quẹo lại không cho đâm vào Chùa, đê làng chống xói lở, nên phải được tu bổ, cấm chặt hóp ở đây bất cứ duyên cớ gì. Ai vi phạm phạm sẽ nghị phạt như ở điều 12.

Điều 14: Nghiêm cấm không được lấy đất dưới ruộng đã cày bừa để men bờ (dường) đơm cá, vì đất sẽ bị trôi mất màu mỡ, sẽ xấu ruộng đi. Những trộ đơm cá đã được đấu giá phải dùng mên sáo, hoặc lót (rạ) để men bờ, ai vi phạm phải bồi thường cho người thiệt hại, đưa đất về chỗ cũ, riêng làng vẫn nghị phạt. Những trộ có đấu giá chỉ được đắp thêm sau vụ gặt lúa trái (hè thu) tháng 8 âm lịch theo mức độ được làng ấn định.

Điều 15: Cấm không được cho trâu đi lại, hoặc thả trâu ăn trên bờ đê đập, không được căn phá trên hoặc hai bên bờ đê, để bảo đảm sự vững chắc của đê, ai vi phạm sẽ nghị phạt như đã ghi ở điều 12.

Điều 16: Thường năm trong làng phải có tổ chức, xem xét tu sửa. Chính quyền làng phải cử người coi sóc, đề nghị trồng thêm cây, đắp thêm đất cho đê mỗi ngày thêm vững chắc, bảo vệ môi trường tăng thêm vẻ đẹp của quê làng, khi có lệnh điều động tu sửa đê mọi người phải tích cực hưởng ứng không ai được trốn tránh trách nhiệm.

Điều 17: Người xưa đã quy định “tội phá rừng đồng tội như đánh phá nhà, đốt rừng như đốt nhà” nên việc phá cây cối trên đê làng là tội lỗi với người xưa đã dày công xây

Page 8: Hương ước sơn tùng

dựng phải xem cây ở đấy như rừng, tích cực gìn giữ và bảo vệ ai vi phạm phải bị làng nghị phạt và bồi thường đúng quy định.

Điều 18: Nhất nước, nhì phân, tam cần, tứ giống, nước là khâu quan trọng cho đồng ruộng, nên những cống, mương, đường tàu dẫn nước phải được bảo vệ, ai làm hư hỏng phải bồi thường y nguyên và làng nghị phạt, rào, bến nghiêm cấm sự ban bệ để cấy lúa đắp bờ lấn lấp sông rào làm đìa. Từ Rào Bến Đò, bến Đình, quanh làng đến bến Lội, vũng Trẹn, các trộ đơm không được ngăn bằng đất để mùa hạn hán gây khô nước, mùa mưa lũ gây úng thủy rất có hại cho việc cày cấy, ai vi phạm làng nghị phạt và phải bồi hoàn tháo gỡ đúng quy định.

Điều 19: Bãi cát Cô Hồn có rào Rột chảy quanh nếu cuốc sới hoặc trồng cây không đúng quy hoạch, sẽ đưa cát xuống lấp cạn sông là rất tai hại cho nên việc làm hoa màu và trồng cây ở đây là làng cấm, nếu có trồng cây lưu niên như: Bạch Đàn, Thông Reo.v.v… thì phải nghiên cứu thật kỹ, theo ý kiến của ngành thủy lợi, nghiêm cấm việc làm riêng tư.

Điều 20: Lấy cát làm nguyên liệu xây cất phải được làng quy vùng, người trong làng không phải nộp thuế, người ngoại làng phải đóng theo mức quy định hàng năm của làng, vì là nguồn lợi của quê hương Tổ tiên.

Điều 21: Vần công canh tác vào lúc “nông vụ tấn thời” là cần thiết, bà con phải giúp nhau để kịp vụ, khi trong làng chưa gặt xong, chưa cấy xong.v.v… cấm không được đem sức người kéo đi làm thuê nơi khác để lấy tiền, nghĩ rằng ngoài việc đảm bảo sản xuất sinh sống của làng còn là tình thương thân tương trợ, nếu vi phạm rất thiếu lương tâm với bà con thì làng vẫn nghị phạt.

Điều 22: Giống má hoa màu: lúa giống, ngọn khoai, mặt sắn, ánh nưa.v.v… nếu ai có dùng không hết nên bán cho bà con trong làng trước, mới đem bán ra ngoài. Hai điều trên đây cũng được áp dụng cho lúa gạo, thực phẩm, gặp lúc mưa trên nước dưới, ai có dư, ai thiếu, nên bán hoặc cho vay, cho mượn không được vì lợi mà đem ra chợ ngoài bán khi bà con còn thiếu thốn, việc này làng nghị phạt như ghi ở điều 21.

Điều 23: Để bảo vệ cây trồng lúa má, cấm không được cho trâu leo ăn ở bờ dường ruộng, ngày xưa gọi là: “cấm trâu leo kẹ, cấm nghé leo dường” cũng như trên đê đập, đường làng có cây trồng như đường Chùa, đường Mới… ai vi phạm làng nghị phạt và phải bồi thường thiệt hại.

Điều 24: Vào lúc lúa chín, mùa vãi má, nghiêm cấm việc thả gà, vịt ra ăn ở ruộng vườn, bởi như vậy đã hư lúa lại còn sinh ra cãi vã làm mất lòng nhau, người bị hại được quyền đuổi, nhốt, đem trình hội làng hoặc người có trách nhiệm trong chính quyền làng, người có gia súc, gia cầm được lãnh về sau khi nộp phạt, tuy nhiên người bị hại kêu chủ đến nhận ổn thỏa với nhau như đã hứa hẹn, xin lỗi không tái phạm, kể cả việc bồi thường thì làng không phải nghị phạt, cấm không được làm hư hại của nhau dẫn đến cãi vã làm mất lòng nhau. Người có gà vịt thả rông không nghe theo luật làng lại còn cãi vã thì phải phạt thêm tội làm mất đoàn kết, mất trật tự cấm không được làm thiệt hại của nhau.

Điều 25: Không được cắt gốc măng làm thức ăn vào mùa măng cuối xuân sang hạ, vì mùa này “măng mới thành tre” chứ không phải măng tháng mười mùa Đông vì tre là cây dân dụng cần thiết phải được bảo vệ, ai bất tuân làng nghị phạt.

Điều 26: Cấm đánh cá bằng chất nổ, rà điện, vì rất tác hại cho tiềm năng sinh sản của loài cá và thủy sản, cấm không được dùng chẹp đó lưới dày để đơm bắt cá, phải dùng

Page 9: Hương ước sơn tùng

thưa để bảo vệ cá con. Ai vi phạm chất nổ, đồ điện bị tịch thu, lưới chẹp phải bị rạch bỏ và làng nghị phạt.

Điều 27: Làng ta có địa thế khá cao ráo, nhưng lại có rào sông bao quanh từ bến Đò đến bến Lội, đã thuận tiện việc tưới tiêu ruộng vườn lại là một nơi có tiềm năng về thủy sản, tôm cá sau mùa mưa lũ nước rút, cá từ đồng ruộng, từ lạch hói sông Bồ Giang, Bàu Niên tụ lại, dưới thì Rào, trên đê đập hóp, chuôm cừ, rễ cây.v.v… tiện cho việc ẩn núp sinh sản của loài tôm cá là nguồn lợi thiên nhiên quý hiếm của quê làng, nên việc đánh bắt cá được quy định: người đấu thủy điện được thu hoa lợi đối với người ngoại làng vào đánh cá còn phải có trách nhiệm không cho dùng chất nổ, hoặc hóa chất độc hại để đánh thuốc cá, không cho dùng lưới quét lưới rụi mỗi năm hai lần. Khuyến khích việc bỏ chuôm, bảo vệ rễ cây, cừ để cá sinh sản tăng trưởng, tuần phòng sự vi phạm hủy hoại tôm cá, thủy sản để làng kịp thời có biện pháp. Ai vi phạm được nghị xử theo điều 26, riêng về làng ngoại Đông Lâm đến rập tập thể để bắt cá làng quy định mỗi mùa được mấy lần, làng có văn bản thông báo, việc thâu hoa lợi đối với làng này tùy ở người đấu thủy điện, hoặc tùy tình hình mà làng sẽ quy định.

Điều 28: Gia súc, gia cầm phải phòng ngừa bệnh tật, nhất là bệnh lây lang. Khi phát hiện trâu, bò, heo có hiện tượng bệnh dịch phải báo ngay cho thú y chữa trị, chẳng may con nào bị dịch chết phải đem đi chôn sâu đúng quy định sát trùng bằng vôi, ai đem xẻ thịt ăn hay bán đổi, thì phải phạt buộc phải đem chôn có sự chứng kiến, gà vịt gia cầm khi gặp dịch chết không được vất bừa bãi, nếu gặp xác chúng ở bờ tre bờ ruộng phải nhặt đem chôn sâu, ai bất tuân làng nghị phạt.

Điều 29: Trâu bò là sức kéo cho công việc ruộng vườn. Nếu đem giết thịt phải được sự đồng ý của cơ quan thú y, ví như “lão nhược bất kham canh tác” nếu ai tự ý hạ trâu bò làm thịt dù là của mình, ngoài việc vi phạm pháp luật của xã hội làng còn nghị phạt.

Điều 30: Quanh năm nhất là vào hạ thời tiết nóng nực nhiều bệnh thời khí, thức ăn nước uống phải được đun sôi nấu chín cấm không được phóng uế, vất xác súc vật chết bừa bãi, khi có hiện tượng bệnh dịch như: thổ tả, thương hàn, đậu mùa.v.v… phải cấp báo ngay cho ngành y tế biết, mỗi khi được tiêm chủng ngừa dịch mọi gia đình già trẻ trai gái phải kiểm soát động viên nhau đi chích đầy đủ, nếu phát hiện ai người trốn tránh làng nghị phạt và buộc phải tìm đến cơ quan để được chích ngừa có kiểm soát.

Điều 31: Đề phòng hỏa hoạn làm cảnh màn trời chiếu đất, về mùa khô nắng gió Nam Lào, làng nghiêm cấm trẻ nhỏ đi xin lửa hoặc thổi cơm trong nhà khi không có người lớn, ai bất tuân thì làng phạt nặng, truy tố ra pháp luật nếu xảy ra hỏa hoạn gây hậu quả nghiêm trọng.

Điều 32: Khuyến khích không nên bắt cá tràu (lóc) bầy (cá con) vì bị mất nguồn lợi rất lớn chung khi nó tăng trưởng.

B- GÌN GIỮ THUẦN PHONG MỸ TỤC

Điều 33: Lệ hương ẩm vẫn là nghĩa chung cho cả làng, kẻ trên người dưới, người lớn kẻ nhỏ, truyền thống đã có tự nghìn xưa. Lệ đặt ra cho những lúc hội họp, liên hoan cúng niệm, bởi trật tự theo tuổi tác, các bậc trưởng thượng, huynh trưởng tộc họ, gia đình văn bằng học vị, địa vị tư cách xã hội cần làm gương, và mọi người phải tôn trọng vui lòng giữ kẽ đúng vị trí của mình theo sự phân phối đặt để theo tục lệ làng, ban tổ chức lễ hội, cũng như chính quyền làng không ai được việt vị tự ý làm theo ý riêng tư, tụ tập bàn cãi nhóm năm, nhóm ba, gây thắc mắc ồn ào mất đoàn kết, mất tôn ti trật tự, đó là tinh thần văn hóa tốt đẹp của làng không phải là phân chia đẳng cấp, không những nội bộ đối với Tổ tiên lại còn ảnh hưởng đến lân bang láng giềng xa gần tôn trọng hay khinh khi cũng từ kỷ cương ở đó mà ra. Ai vi phạm làng cảnh cáo phê bình

Page 10: Hương ước sơn tùng

để sửa chữa, làng nghị phạt. Riêng các bậc trên trước ai vi phạm còn không được bầu vào đoàn đi hành hương, giao ban, cúng lễ qua địa phương khác khi làng tổ chức, hoặc có giấy mời.

Điều 34: Những lúc họp làng có tả, hữu trên dưới, trật tự bàn cãi với thiên ý xây dựng chân thành đoàn kết yêu thương nếu ý kiến đúng, trọng tâm công việc, không được nói năng ra điều không lễ phép mất lịch sự, ai vi phạm làng nghị phạt.

Điều 35: Con người ta phải lấy luân thường đạo lý làm trọng: làm cha thì tính nết cho hiền lành, làm con thì thờ cha mẹ cho có hiếu, làm anh chị thì ở với em cho hiền hòa, làm em thì ở với anh chị cho cung kính, chồng vợ tôn trọng lắng nghe ý kiến của nhau, làm người nên cư sử như thế, không như thế thì chẳng khác nào súc vật, ai có điều lỗi không đợi người nhà trình làng mà có người tố giác với làng, tùy theo tội nặng nhẹ mà nghị phạt.

Điều 36: “Cờ bạc là bác thằng bần” là đầu mối sinh ra nhiều tội lỗi khác, chính nó đã dẫn đến nghèo nàn làm xằng làm bậy làng nghiêm cấm đánh xóc đĩa, bài, cào.v.v… có tính cách sát phạt nhau, đã vi phạm luật pháp của xã hội, làng còn nghị phạt thật nặng, nếu bất tuân, trước là kẻ chứa đến người đánh.

Điều 37: Phàm ai uống rượu thì phải có điều độ, không nên uống nhiều, nếu uống quá say ăn nói ầm ĩ, huyên náo, nói cạnh, nói khóe người khác, khen chê chính quyền làng, chửi bóng chửi gió hàng xóm láng giềng, trêu ghẹo đàn bà con gái đều vì uống rượu say mà làm làng phạt rất nặng. Gặp lúc làng hội họp, cúng niệm, liên hoan, ăn uống mà say rượu làng có biện pháp giữ lại cho đến khi tỉnh rượu hoặc hết thời gian hành lễ, tùy theo nặng nhẹ làng nghị phạt.

Điều 38: Ma túy, thuốc phiện, xì ke là điều độc hại cho sức khỏe, làm suy nhược giống nòi, tán gia bại sản, làng nghiêm cấm, nếu có sự vi phạm thì chất ma túy bị tịch thu tiêu hủy, giáo dục con người và làng sẽ nhờ xã hội can thiệp về luật pháp cũng như về chữa trị cai nghiện.

Điều 39: Nghiêm cấm việc quan hệ bất chính nam nữ, trai gái đĩ điếm, người nào góa phụ hoặc chưa chồng mà trăng hoa ong bướm làm mất giá trị con người, người nào thất tiết hoang thai thì làng phạt nặng kể cả người bên nam liên hệ,… bà con trong làng tôn trọng và khuyến khích một vợ một chồng nên thuận hòa, phải tôn trọng luật hôn nhân và gia đình của xã hội.

Điều 40: Đàn ông con trai trong làng không phân biệt giàu nghèo, sang hèn, thành phần xã hội, ai cũng phải lấy luân lý, đạo đức mà sửa mình học tập sáng tạo, siêng năng lao động làm ăn, nếu người nào du thủ du thực mà không chịu làm ăn, bất nhân, bất nghĩa, u mê hủ lậu, trái đạo làm người làng phạt nặng đến truất ngôi hương ẩm.

Điều 41: Đàn bà con gái cũng như đàn ông phải lấy luân lý làm trọng, siêng năng không biếng nhác, không được chụm năm chụm ba ngồi lê đôi mách, bàn việc người này qua người nọ lăng nhăng để đến chỗ đôi chối vang la, vang động xóm giềng mất đoàn kết làng phải cảnh cáo và nghị phạt.

Điều 42: Khi làng có công tác cộng đồng như: xây dựng đắp đê, đắp đường, vệ sinh mọi người phải tôn trọng sự phân công để đảm bảo công việc, phải giữ đúng vị trí công tác theo tuổi tác của mình. Từ xưa làng ta đã có câu “con em ki tạc các bác rựa rìu..” ý là tôn trọng tuổi tác tự nguyện giữ lấy dụng cụ đúng cho mình, cho công việc được êm đẹp, hoàn thành tôn ti được tôn trọng, ai ngang bướng làng cảnh cáo và nghị phạt.

Điều 43: Nghĩa tử là nghĩa tận, bà con trong làng từ xưa đến nay vốn tình thâm, yêu thương đùm bọc đã qua nhiều đời, lúc vui lúc buồn, thiên tai địch họa ngày ngày tắt lửa

Page 11: Hương ước sơn tùng

tối đèn có nhau, nay qua đời “thỏ từ hồ bi” loài vật còn biết thương nhau huống hồ là người. Khi trong làng có ai mất, nghe hồi chuông báo tử “ba hồi chín tiếng” của làng không đợi mời mượn mà phải tìm đến thăm viếng giúp đỡ tang gia, nhớ thương người đã khuất, cấm không được đòi hỏi ăn uống rượu chè, không được bàn ra tính vào chỉ cốt lấy lòng thành làm trọng, ai vi phạm làng kiểm điểm cảnh cáo và nghị phạt.

Điều 44: Làm nhà, sửa chữa nhà lúc gặp thiên tai, hỏa hoạn hoặc gia đình khó khăn, không miễn phải là người đồng nhánh đồng họ, bà con trong làng cùng họp nhau lại để giúp đỡ, trường hợp này không đợi khổ chủ mời gọi mà tự động đến công cán giúp đỡ, an ủi tinh thần, tự nguyện từ tấm lòng yêu thương tương thân tương ái, người nào vô tình hoặc cố ý hờ hững làng kiểm điểm cảnh cáo và nghị phạt.

Điều 45: Bà con trong làng nên lấy sự hòa thuận mà ăn ở với nhau nếu ai cậy sức khỏe, thần thế mà hà hiếp người yếu, người nghèo, người hèn hạ, lấn lướt người đến nỗi đập xé lẫn nhau là hại đến phong hóa, làng nghị phạt.

Điều 46: Trong làng cốt lấy chuyện không thưa kiện nhau làm quý, ai có chuyện gì uất ức thì phải trình làng để làng xét xử, không được đưa nhau đi thưa kiện, nếu làng xét xử không được bình tĩnh công bằng thì đưa ra pháp luật, nếu pháp luật xử như làng xử thì phải phạt, còn không trình làng trước mà đi thưa kiện thì làng vẫn nghị phạt.

Điều 47: Người cùng một làng đi ra phương xa gặp người ngộ bệnh, hay có việc gì thì nên lưu lại nơi ấy để giúp đỡ, nếu ích kỷ bỏ đi nơi khác bỏ bà con lại như người đi đường làng biết được thì nghị phạt.

Điều 48: Khi đi đường, đi chợ gặp người già có mang xách gì mình là người trẻ tuổi có sức mạnh nên mang gánh giùm cho người già cả, nếu như cứ lững thững làm lơ như không biết thì phải phạt.

Điều 49: Chợ Nan của làng đã có từ lâu, dân làng cũng như người tứ xứ đến hợp chợ mua bán thuận tình, nếu ai cậy thế ức hiếp, say xưa quậy phá có tiếng đồn phân ra có lỗi thì phải phạt.

Điều 50: Làng có truyền thống đua ghe Nan có hội đua, ban chấp hành hội, chủ thuyền là môn thể thao lâu đời, lúc dự đua tranh giải ở làng hay nơi khác, trai tráng ở làng phải có thái độ đàng hoàng, không được gây gổ đánh lộn, khiêu khích bất nhã để làng phải mang tai tiếng là hung hãn thiếu lịch sự, cần tranh thắng trong tinh thần thượng võ thể thao ngay thẳng thật thà để nơi nơi mến phục, danh dự của làng được vang xa, hội đua, ban chấp hành hội, chủ thuyền chịu trách nhiệm với làng và làng nghị phạt khi xét có sự vi phạm xảy ra.

Điều 51: Văn hóa đồi trụy, mê tín, dị đoạn, lãng phí dân làng phải phải tránh xa, phải đồng tâm chắt lọc bài trừ, để cuộc sống được yên vui, có khoa học có tổ chức tiến bộ, tránh sa đọa hoang mang, ai đem phim ảnh, tài liệu, sách vở đồi trụy, mê tín làng sẽ nghị phạt, và tài liệu phải bị tịch thu.

Điều 52: Đối ngoại, dân tộc Việt vốn hiếu khách hài hòa, nhưng cũng rất cương quyết có giáo dục truyền thống cơ bản từ gia đình tộc họ, đến làng nước quê hương mới có đức tính ấy, bà con làng ta lấy đó mà đối ngoại, lịch thiệp với cấp trên với ngành nghề chuyên môn đến nghiên cứu tham quan, với khách ngoài đến viếng, giúp đỡ trân trọng, thái độ vui vẻ ân cần, tận tụy tỏ ra là một dân làng có ý thức, lễ nghĩa, đối với làng xa cần phải có tinh thần tương thân tương trợ, cấm không được đụng chạm đến tập quán nghề nghiệp hoặc bài xích nói cạnh, nói khóe đến tập tục của họ học tập điều hay và sẵn sàng giúp đỡ trong khả năng cho phép lúc họ gặp thiên tai, địch họa, hỏa hoạn.v.v… đoàn kết hy sinh cùng họ trong việc bảo vệ quê hương tổ quốc chung nếu

Page 12: Hương ước sơn tùng

có người khác đến làng trộm cắp hoặc làm điều gì bậy bạ thì cá nhân người ấy đã có pháp luật, không được đánh đập kêu tên cả làng họ cũng không được nhăng những điều và những tên mà mà tập tục họ cấm kỵ nếu vô tình khi đã nhận ra thì nên xin lỗi. Người trong làng đi xa gần, chỉ nên làm điều hay lẽ phải, không nên làm điều xằng bậy, đến nỗi người ta phải nhắc đến tên làng Sơn Tùng, ai vi phạm đều phải được kiểm điểm cảnh cáo và làng nghị phạt.

Điều 53: Ai vi phạm pháp luật của xã hội bị kết án theo luật hình kể cả vi cảnh của nhà nước, làng còn nghị phạt theo tinh thần ghi ở điều 7 của chương.

C- AN NINH - TRẬT TỰ

Điều 54: Trong làng nhà nào tụ tập những kẻ gian phi, gá chứa cờ bạc hay làm điều gì phi pháp mà luật đã cấm. Người có trách nhiệm tuần phòng lo gìn giữ an ninh mà che dấu nếu được phát hiện thì người làm điều vi pháp phạm cấm, lẫn người có trách nhiệm đều bị làng nghị phạt.

Điều 55: Trong làng nhà nào có khách lạ đến chơi, khách đến phải lo trình cho người có trách nhiệm an ninh biết, nếu không trình mà phát hiện được thì phải phạt, người lạ ở cách đêm phải thật là người lương thiện làm ăn, nếu du thủ du thực thì không cho ở.

Điều 56: Tuần sương trong làng xóm, ngoài đồng ruộng, có gian phi trộm cắp của công hay của tư gia một tí gì, thức khinh vật trọng như là tiền bạc vật dụng và các giống súc vật cùng là cây cối, tre, măng, nhành bông hoa quả, lúa mạ hoa màu,…người có trách nhiệm tuần sương đã làm, mọi người dân cũng có tinh thần cảnh giác canh giữ chung để kẻ gian không dám hành động, cho cuộc sống yên vui. Những kẻ cố ý gian phi trộm cắp ấy bắt quả tang hễ người trong làng thì phạt nặng đến nỗi truất ngôi hương ẩm, kiểm điểm cảnh cáo trước dân làng, kẻ ngoại làng thì dẫn giải lên cấp trên cùng tang vật theo như điều 6 chương 1 hương ước.

Điều 57: Trong làng khi gặp thiên tai, hỏa hoạn, trộm cướp có báo động, bất cứ làm việc gì trong nhà hay ở đâu phải lập tức tiếp ứng. Cứu đê đập thì cầm dụng cụ đắp đê, chữa lửa thì dùng dụng cụ chữa cháy, cướp thì đem theo vũ khí, làng nghị xử phạt thật nặng đối với người nào thờ ơ vô trách nhiệm hay chỉ tiếp ứng lấy lệ không tích cực.

Điều 58: Dụng cụ khí tài để tiếp ứng sử dụng khi có biến động. Mỗi nhà nhà phải sắm gầu chữa lửa có cán, câu liêm, mõ tre, mõ gỗ, tù và, lúc nào có mõ nhảu báo động lập tức lấy mõ nhà đánh theo, người lớn khỏe mạnh phải nhận định sự chuyện thật nhanh, hiểu ngay sự việc và chạy tiếp ứng ngay, nhà nào không có mõ, tù và để báo động làng biết được thì bị nghị phạt và phải sắm gấp đem trình làng.

Điều 59: Hiệu lệnh khi nào có kẻ tuần phòng điểm danh phát hiện có sự chuyện, trống làng mõ lớn lập tức đánh nhịp gãy ba tiếng một, mọi người phải tiếp ứng đánh theo để báo động bằng là cứu, bằng mõ nhãy, để nơi nơi biết mà tiếp ứng kịp thời, lúc sự chuyện đã được giải quyết tạm thời giải quyết, trống mõ lớn đánh hồi nơi nơi mới được đánh hồi, việc đánh trống hồi này chỉ có lệnh làng, người có trách nhiệm, khi sự việc đang diễn biến nghiêm cấm không ai được tự ý đánh hồi kết thúc, Làng phát hiện được sẽ nghị phạt nặng, lại còn bị nghi ngờ là hành động của kẻ xấu làm trở ngại việc tiếp cứu chống trả tiếp ứng, không ai đánh mõ tiếp ứng sẽ bị nghị phạt như điều 58.

Điều 60: Báo động là việc rất hệ trọng trong làng xóm, nên thật sự nguy khốn cấp bách mới được sử dụng để cùng chung tiếp ứng nghiêm cấm việc vô cớ la cứu hoặc báo động khi sự chuyện xảy ra không cần thiết dù vô tình hay hữu ý đều vi phạm an ninh

Page 13: Hương ước sơn tùng

trật tự và nhàm chán hiệu lệnh khi gặp điều nguy biến đâm ra xem thường mà không kịp cứu nguy ai vi phạm bị làng phạt nặng.

Điều 61: Việc bêu rếu, chửi rủa vu vơ nếu chẳng may bị mất bụt măng, con gà…không biết thủ phạm là ai, người bị mất nóng ruột đâm ra hoảng, nghi ngờ lung tung, chờ đến tối đến sáng lại ra sân bêu rếu, chửi cạnh, chửi khóe đến cả tiếng đồng hồ, hoặc hơn, làm mất sự yên lặng xóm làng lúc cần nghỉ ngơi là việc làm không tốt đẹp kém văn hóa, mất lịch sự. Nếu bị mất con gà, vịt chưa chắc đã là người trong làng bắt trộm có khi bị chồn, cáo,…làng đã có người trách nhiệm giữ gìn an ninh nên cần cảnh giác để bắt kẻ gian phi chứ không nên bêu rếu chửi bới, chính mình đã bị mất sức khỏe, bà con thì lại rất phiền lòng nhưng cả nể, hoặc bị sự nghi ngờ mà không có ý kiến. Để được sự yên tĩnh chung làng cấm việc bêu rếu này, xem như làm mất an ninh trật tự. Ai vi phạm phải kiểm điểm tại đoàn thể, tại xóm, và cảnh cáo nghị phạt.

Điều 62: Cấm không được lấy lời bậy bạ viết vào giấy để phỉ báng này nọ cho cá nhân, cho tập thể, hay người có trách nhiệm. Làng có họp bàn việc gì đúng hay không đúng thì đề nghị bàn lại ngay nơi đang họp hoặc trong một cuộc họp khác, khi họp không có ý kiến gì, lại găp khi nhà ai có cỗ bàn thì đem ra bàn bạc để phỉ báng người đương sự, làng biết được sẽ bị phạt.

Điều 63: Ngoài đoàn thể quần chúng, các hiệp hội của nhà nước, trong làng các hội như thể thao, nghĩa sương, chư bà vần công, hội hiếu, hội kỷ, văn nghệ.v.v…nếu có tổ chức sinh hoạt hỷ lạc riêng tư đều phải được thông báo đến làng để có sự yểm trợ chung, yên vui chung, tránh điều đáng tiếc có thể xảy ra, vì rằng các tổ chức hội hè có tiếng tốt hay xấu đều ảnh hưởng đến làng đến danh dự của làng. Nếu việc làm có gì xấu xảy ra thì chiếu theo những điều quy định có liên quan đến vi phạm hương ước mà nghị xử.

D - TẾ TANG, HÔN LỄ

(Tế Lễ, Đám Ma, Cưới Hỏi)

Xuân Kỳ, Thu Tế, Tảo Mộ - Ba lễ chính của Làng.

Điều 64: Xuân kỳ (cầu), Thu tế tại đình làng để cầu nguyện tưởng nhớ công đức cầu cho quốc thái dân an, mưa hòa gió thuận, ngũ cốc phong đăng đa đa lục súc. Những điều hay ý đẹp là tín hiệu an hòa trong lòng mọi người, tưởng nhớ đến công đức tiền nhân đã xây dựng xóm, ngọn rau tấc đất xây dựng cơ ngơi, đục đá dựng bia lưu truyền sự tích, gợi cho con dân nhớ ơn Tổ tiên, yêu mến quê hương là ý nghĩa chính đáng có văn hóa và tình thương. Từ ý nghĩa đó trong hành lễ quy định: tránh lãng phí tiền bạc cũng như thời gian, tổ chức đúng ý nghĩa, thời gian tối đa không được quá ba ngày đêm kể từ khi lễ túc yết đến giờ hạ rạp. Nghi thức: dựng quốc kỳ, ngũ hành kỳ, cổ lễ nhạc cụ cổ, chiêng trống.v.v…người đồng xướng, học trò lễ dâng rượu.v.v…theo cổ lễ của dân tộc nói chung, của làng nói riêng. Ngài chánh tế làng bầu cử được gọi là ông Hội làng, thay mặt làng chủ tế cầu nguyện có những tiêu chuẩn: có ý thức, hiểu ý nghĩa của lời nguyện cầu, có tinh thần yêu thương làng xóm quê hương. Một vợ một chồng ăn ở thuận hòa, làm ăn lương thiện có cháu nội ngoại sum vầy.v.v…nếu người có đủ tiêu chuẩn trên thì ưu tiên cho người lớn tuổi, đến người có văn bằng học vị, địa vị trong xã hội. Ngoài người chánh lễ còn có người đại diện cho họ Hồ cũng ở vào ngôi chủ tế để dâng lễ lên khai canh (vì khai canh làng Sơn Tùng là các ngài thuộc họ Hồ), hai bên tả hữu Đình làng các trưởng tộc đại diện các tộc họ lần lượt vái lạy.

Page 14: Hương ước sơn tùng

Cổ lễ: Cách hành lễ có sưu tầm trong STĐPK, gồm 3 tuần rượu, sau tuần rượu thứ hai được cử riêng chiêng trống, cổ nhạc, pháo (nếu có). Đại diện văn hóa làng đọc diễn văn trước bàn thờ Tiên tổ, trước làng về lịch sử tưởng nhớ công đức các bậc tiên hiền, tiên tổ có công xây dựng xóm của người xưa, dứt lời cũng được cử lời chiêng chống cổ nhạc, tiếp tục đồng cướng dâng tuần rượu thứ ba lần lượt quan khách con dân vào bàn thờ vái lạy, đến kết thúc buổi lễ (lễ tất).

Điều 65: Tổ chức ẩm thực, trật tự thứ tự. Sau lễ cổ bàn trầu rượu (nếu có) cũng như những lần liên hoan, tùy theo vật chất mà ban tổ chức làng có trách nhiệm điều hành phân phối, nên thật hài hòa trật tự, lệ hương ẩm thực lúc này thấy rõ, ngoài quan khách tham dự, danh sách dân làng từ trên xuống dưới, hội làng, chính quyền làng và ban tổ chức lễ phải nắm thật vững để sắp xếp chỗ ngồi. Trên hết là các ngài hội chủ, chánh tế, các trưởng tộc, tuổi tác đến các thành phần tùy theo đó mà ban tổ chức chịu trách nhiệm sắp xếp có danh sách, danh sách này vốn thật đã có trong hồ sơ làng nhưng vẫn được xem xét lại trước ngày hành lễ hay liên hoan tiệc tùng cũng vậy. Nếu ai có khiếu nại thắc mắc phải chờ một cuộc họp khác để được điều chỉnh, cấm gây mất đoàn kết trật tự làm mất danh dự cá nhân và ảnh hưởng không tốt đến làng ai vi phạm chiếu quy định theo điều 33, 34, 37, 62 theo mức độ để làng nghị phạt.

Điều 66: Tảo mộ, cúng Cô hồn tại Cô mộ làng, xưa kia định vào ngày 20 tháng chạp, đến năm Bính Ngọ 1905 xây Cô mộ, đến năm mậu thân năm 1907 mới lấy tháng hai làm ngày tảo mộ, có văn tế để lại, có làng dựng xóm nhưng vô tự, chiến sĩ trận vong, thập loại chúng sinh. Nghi thức hành lễ đã có từ trước, thời gian cũng như Xuân Kỳ Thu Tế, việc tổ chức ẩm thực sau khi tế xử lý vi phạm theo như điều 65.

Điều 67: Ngoài ba lễ chính trên làng còn lễ Hạ Điền, chuyên sống nghề nông mỗi năm hai vụ, vụ mùa Đông Xuân chính và vụ trái là vụ Hè Thu, từ xưa làng đã có lệ hạ điền được cử hành vào ngày rằm tháng 10 âm lịch. Ý nghĩa cúng niệm Thần Nông mở đầu việc cấy cày cho dân làng hàng năm, cầu cho mưa thuận gió hòa, lúa màu tươi đẹp, chăm sóc ruộng vườn được mùa, cầu mong cuộc sống no đủ. Lễ hạ điền cử hành tại Miếu Thần Nông, cồn Phát lái, có hương hoa, lễ vật, chiêng trống hội làng, có đại diện giới nông hội,… chính là ngài Hội làng, hay làng cử một lão nông tri điền có tiêu chuẩn làm ruộng siêng năng, giỏi, thường được mùa, đại diện làng dân cầm bó mạ cấy xuống ruộng theo lời nguyện cầu. Sau lễ, dân làng tiếp tục cấy, là lễ đã có từ nghìn xưa truyền thống xét thấy có ý nghĩa nên phải được tôn trọng, khi làng cắt đặt ai phục vụ buổi lễ thì không được chối từ, phải tự nguyện sốt sắng, nếu tắc trách làng nghị phạt.

Điều 68: Việc bầu Ngài Hội Chủ Chính Tế của làng đúng theo tiêu chuẩn ghi ở điều 64, ngài tiếp tục giữ phận sự. Trong thời gian giữ chức vì lý do sức khỏe hay xâm phạm điều gì làng mới xét để bầu lại, trưởng tộc hay đại diện tùy nghi ban tộc để cử chọn lựa để trình làng lúc tế lễ. Người hành lễ như: lệnh chiêng, lệnh trống (khi chinh cổ) đồng xướng dâng lễ, đọc chúc.v.v… vốn người trong làng có khả năng đã được chọn, cần tập dượt khi “các tư kỳ sự” (người nào việc nấy) phải thành thạo trang nghiêm. Người được chọn nên hăng hái một cách tự nguyện tấm lòng thành của mình đối với tổ tiên ông bà cùng chung lo lắng. Nếu không có lý do chính đáng mà từ chối phận sự được giao phó hay nhận bừa trách nhiệm để lơ là không hoàn tất thì làng xét nghị phạt.

Điều 69: Phẩm phục lễ: từ ngài chính tế đến các ngài trưởng tộc đều bận áo rộng xanh (áo thùng) cũng như các ngài lệnh chiêng, trống, đồng xướng, đọc chúc, dâng lễ.v.v…áo mão hành lễ trước đây làng có may sắm, bà con dân làng thì quốc phục cổ truyền (áo đen dài khăn đống) phụ nữ áo dài, các viên chức sĩ quan trong làng nên bận sắc phục gắn quân hàm huy chương của Nhà nước, bởi nghĩ rằng đó cũng là vinh dự của quê hương, nếu không có quốc phục cổ truyền thì bận Âu phục, hay quần áo khác phải tươm tất, cấm không được lôi thôi lếch thếch mà phải có tư cách tác phong, bởi văn

Page 15: Hương ước sơn tùng

hóa tôn trọng nếp sống nghiêm trang nhất là trong ngày lễ hội đối với Tổ tiên, lại là lịch sự với lân bang làng nước. Ai vi phạm làng cảnh cáo, yêu cầu chỉnh tề lại y phục, cũng chiếu theo mức độ mà nghị phạt.

TANG LỄ

(Đám Ma)

Tang ma trong làng theo cổ lệ, có thêm bớt ít nhiều. Vì lợi ích chung trước khi đi vào quy định vào hương ước cũng cần ghi lại lời bàn của cụ Phan Kế Bính trong Việt Nam Phong Tục, để hiểu, thông cảm mà tuân hành quy định việc tang ma.”…sự báo hiếu cho cha mẹ ai không muốn hết lòng hết sức nhưng cứ như tục ta thì phần văn quá thể, ăn uống lôi thôi làm cho nhiều người khổ sở vì tục. Vả lại nhiều người khi cha mẹ còn thì bạc thị chẳng ra gì, đến lúc mất lại cúng tế linh đình kẻ có đã vậy kẻ không có cũng cố đi vay mượn cầm nhà bán ruộng để trả nợ miệng và lấy thể diện với đời, thật là một sự vô ích quá…một điều nữa là những nhà quàn ma trong nhà lâu thì chẳng những phiền phí hại của mà có khi tử thi truyền nhiễm lại hại đến cách vệ sinh nữa. “tử giã vĩ đắc táng vi tinh” để lâu như thế đối với người mất cũng không phải…, còn như lệ làng thì lắm nơi lại hủ quá… cái tục tang ma của ta hiếu chủ đã có nhiều cách phiền phí đến như lệ làng lại phiền nhiễu nữa. Các làng có người kiến thức đặt ra cách giản dị để mặc chủ liệu để thế lực mà làm tuy cũng để cho dân làng dễ theo, nhưng còn để mặc nhà chủ thì vẫn chưa tiện lắm, vì nhân tình ai lại không muốn lấy thể diện với làng với nước. Để mặc ý cho nhà chủ thì chỉ trừ ra người kiết quá không sao lo nổi mới phải xử cách lạc lẽo với làng, mà trong lòng vẫn áy náy không đành vì không có của làm cho bằng mặt bằng mày với làng, người ngoài thì tuy chẳng nói gì nhưng trong bụng cũng hơi khinh bỉ đôi chút, còn như người có thể lo được, hoặc có thể vạy mượn được thì không mấy người chịu kém cái sĩ diện, vậy thì tiếng là tùy tiện mà cũng là buộc cái nợ miệng của người. Đến như các làng chỉ biết quý trọng miếng ăn miếng uống không quản gì nhà hiếu chủ có hay không, dẫu ai đau đớn khổ sở thế nào mặc lòng, hễ có ăn thì để cho người ta giữ hiếu nghĩa, không có ăn thì hiếu nghĩa của người ta cũng bỏ, tục ấy là một tục rất thô bỉ rất hủ bại, không còn tục nào xấu xa đê tiện bằng tục ấy. Than ôi! Việc tử biệt là cái cảnh rất thương xót của người ta mà sự trợ tang là một nghĩa vụ của xã hội. Đã gọi là nghĩa vụ khi người ta đang đau đớn có thể giúp được việc gì thì giúp còn tưởng gì đến sự ăn uống mà hiếu chủ đang lúc buồn bã âu sầu còn bụng nào mà nghĩ đến sự thù tiếp, vậy mà ép cho người ta cỗ bàn khoản đãi, thì cái nghĩa vụ cứu giúp lẫn nhau ở đâu, mà chẳng qua khó dễ lại phải chịu đồng lân người chịu lúc này mình lại chịu lúc khác thành ra trong một làng ai ai cũng buộc lấy mình vào vòng cực khổ, rồi người có thì bao người nghèo thì lắm khi thất nghiệp. Có phải là vì một sự ăn uống mà sinh ra cái hại chung cho nhau không! vậy muốn bỏ hủ tục tưởng nên đặt ra cách nhất định.

Điều 77: Nơi mai táng, những cồn mã đã có từ trước là ba nơi: Cồn giữa giáp chùa Thủ Lể đến xóm Bài dọc theo đồng ruộng Tịa. Cồn Xơn và cồn Xóm Rào tất cả đều được gói gém trong phạm vi, không ai được chôn lẻ tẻ, không chôn thêm Cồn Mề ở giữa đồng ruộng. Nghiêm cấm chôn trên đất đang cày cấy lúa hay đang trồng hoa màu đang canh tác. Việc này bà con phải tuyệt đối tuân hành.

Điều 78: Tang chủ phải đi trình báo khai tử đúng chính sách luật pháp hiện hành của Nhà Nước.

Page 16: Hương ước sơn tùng

HÔN LỄ

(Cưới Hỏi)

Quy định việc cưới hỏi tưởng cũng nên trích lời bàn trong Việt Nam phong tục của Cụ Phan Kế Bính.

“Vợ chồng lấy nhau là một nghĩa vụ, trai phải có vợ, gái phải có chồng đôi bên đều có tư ích lẫn nhau chứ không phải lợi riêng cho bên nào cả”, vậy mà ta lắm người coi sự gả chồng cho con là bán con, trừ ra sự may mặc sắm sửa đã bắt nhà trai phải lo, lại thách đến tiền bạc. Lắm người nghiệt quá, không đem đủ tiền, không nghe làm cho sui gia ghét nhau cũng vì đó. Vã lại chẹt người ta người ta cũng phải miễn cưỡng đi vay mượn mà lo cho xong công việc rồi thì cái nợ ấy có khi con mình về nhà chồng lại phải nai lưng cố sức ra làm để trả, thế là mình vụ hư danh hoa hòe một lúc mà lại để khổ cho con em không? Cứ như phép “Châu Lễ” phàm lấy vợ dẫn lễ cưới hỏi lụa tốt không được quá năm lượng, năm lượng nghĩa là mười cuốn lụa, Ông Châu Tử có luận rằng: “Lễ cưới ngày xưa giản dị như thế đến đời sau tục dân ngoa ngoặc thường dán đến cái lễ của cải đòi tiền đòi bạc. Các nhà hào phẩm lại muốn trang sức thể đến đòi vàng lụa cho nhiều không đủ thì trách móc lẫn nhau, đó là trái với lễ, thiết nghĩ trai gái lấy nhau trước hết là phải chờ đến tuổi khôn lớn biết cách lập thân rồi mới cho lấy nhau, mà lấy nhau thì mặc cho tùy ý kén chọn, cha mẹ không nên nài ép lòng con, trừ ra con không biết đường kén lấy kẻ chẳng ra gì thì cũng nên ngăn cấm lại mà thôi. Còn như đôi bên đã tốt duyên phải lứa đã thuận tình nhau thì không nên quản gì giàu với nghèo, tùy thế mà xử miễn là phải thế thì thôi chớ nên lấy sĩ diện mà hà cầu, khắc trách chi nhau quá…”

Điều 79: Làng khuyến khích trong cưới hỏi nên đơn giản ai gương mẫu trong tổ chức cưới hỏi có lễ nghi mà không lãng phí đầy đủ ý nghĩa tốt đẹp, được bà con dân làng lấy đó làm gương mẫu làng xét khen thưởng.

Điều 80: Việc thách cưới phải bỏ bởi hôn nhân là xây dựng gia đình không phải là bán gả, ai vi phạm làng nghị phạt.

Điều 81: Nghiêm cấm lời dèm pha của người ngoài đối với bên trai hoặc bên gái, chính vì lẽ này mà sinh ra xích mích mất đoàn kết, thắc mắc cạnh khóe đến cải cọ trong hôn lễ, thậm chí đưa đến chỗ tan vỡ đến thưa kiện lẫn nhau,… là điều nên tránh ai vi phạm làng nghị phạt.

Điều 82: Từ xưa làng đã có câu “Năm miếng trầu là dâu nhà người”, Làng khuyên trai gái cũng như hai gia đình hãy tìm hiểu nhau thật kỹ càng mới quyết định đi đến lễ hỏi, hứa hôn, khi đã hứa rồi, trai gái thành hôn phu, hôn thê thì không được từ hôn, vì lẽ thường xảy ra rắc rối hại đến phong hóa của làng. Ai vi phạm làng nghị phạt, khi sự chuyện đã xảy ra thì có ra sao cũng là vi phạm.

Page 17: Hương ước sơn tùng

Điều 83: Trong tiệc cưới, hỷ lạc chúc tụng vui vẻ không nên lý sự tranh cãi phiền lòng đôi bên hai họ, mất đoàn kết, ai vi phạm làng nghị phạt, nếu say sưa làng vẫn áp dụng hình phạt theo điều 37.

Điều 84: Gìn giữ và tuân hành đúng thủ tục luật hôn nhân và gia đình hiện hành của Nhà Nước.

Đ-BẢO TỒN DI TÍCH VĂN HÓA

Điều 85: Bảo vệ Đình làng: Là di tích văn hóa của làng, được tạo dựng từ trước - xa xưa, là Quốc túy , đại sung tu năm Quý Dậu (1933) Bảo Đại năm thứ 8, năm 1947 mùa Xuân Đinh Hợi, giặc Pháp chiếm làm đồn sau đó bị đánh sập hoàn toàn , được tái tạo và khánh thành vào năm 1972. Năm 1975 sau ngày giải phóng được biến thành kho đổ lúa của Hợp Tác Xã Nông Nghiệp, Mồng 6 tháng 3 năm canh ngọ (1990) được thu phục và cung nghênh thờ phụng. Cha Ông, Tổ tiên ta đã dày công xây dựng nơi hội họp, Xuân Kỳ Thu Tế tưởng nhớ công đức, cầu cho Quốc thái Dân an, mưa hòa gió thuận, cũng là nơi từng dựng cờ thiêng liêng tiễn trai làng ra mặt trận lúc Tổ quốc lâm nguy, phải trân trọng bảo vệ những gì có trong Đình, khuôn viên cây cối quanh Đình. Ai vi phạm dù vô tình hay cố ý làng nghị phạt nặng và phải bồi thường thiệt hại đã gây ra.

Điều 86: Bảo Vệ Lăng Mộ Ngài Khai Canh: Đặc Tiền Phụ Quốc Cẩm Y Thuật Thượng Tướng Quân, Đô Chỉ Huy Sứ Kiêm Cai Tri Đốc Xuất Tân Nhất Thuyền Đô Tài Hầu Hồ Quý Tướng Húy Phước Sanh, Tôn Thần. Hộ Bộ Thượng Thư Hồ Công Bình Tôn Thần, trong khuôn viên Đình, là di tích công đức phải được trân trọng bảo quản bồi đắp, ai có hành vi bất kính làng nghị phạt nặng.

Điều 87: Tượng hình Ông Cọp: Đây là dụ ngôn tương truyền của làng đã có tự ngàn xưa, qua nhiều năm chiến tranh lửa đạn bão lụt, thời thế... tượng Ông Cọp vẫn còn thật là một kỹ vật quý hiếm của làng. Trụ đá: “Thái Sơn Thạch bất cảm đương” trấn giữ đầu cầu Đình cũng là di tích của người xưa để lại, nên phải được bảo quản lưu niệm, không được đụng chạm làm hư hỏng hoặc mất mát, dân làng bà con giữ gìn và cử người trách nhiệm, luôn luôn để tại Đình làng, ai thờ ơ không tôn trọng bảo quản làm sơ sẫy hư hao dù vô tình hay cố ý làng nghị phạt nặng, tích sự lời bàn đã có sưu ghi ở STĐPK.

Điều 88: Chùa Sơn Tùng: Thờ Phật còn là nơi di tích có tầm cỡ Quốc Gia, có bề dày lịch sử. Năm 1754 (Giáp Tuất) đời vua Lê Cảnh Hưng thứ 16 có ông Đoàn Phúc Hòa Tín Đức Bá thuộc vệ Long Võ, cùng bà con dân làng trùng tu. Năm (Bính Tý) Võ Vương Nguyễn Phúc Khoát Quốc Vương Từ Tế Đạo Nhân ngự đề “ Sắc Tứ Sơn Tùng Tự” và 4 câu đối.

Đến năm 1842 (Nhâm Dần) Vua Thiệu Trị Năm thứ 2 ban sắc chế Lung Trào bao bọc be vàng để vào chùa Truyền Thắng Tích, đêm 25 tháng 2 năm Kỷ Sửu (1949) bị cháy hoàn toàn.

Page 18: Hương ước sơn tùng

Thập kỷ 1960 Khuông hội Phật giáo Sơn Tùng tái tạo chùa mới trên nền xưa, Sơn Tùng ĐPK đã sưu ghi chụp lại ở Đại Nam Nhất Thống Chí Thừa Thiên Phủ tập Thượng. Tất cả bà con dân làng có nhiệm vụ trân trọng bảo quản ngôi chùa Cổ Tự của làng không phân biệt tôn giáo, đoàn thể, chính kiến, bảo quản tốt tượng hình, đồ thờ, cây cối trong khuôn viên ai vi phạm làng nghị phạt.

Điều 89: Đại hồng chung, chuông Âu, bia đá là những bảo vật quý hiếm bởi tích sự, bởi chiều dày lịch sử, sau thời gian dài chiến tranh vô cùng ác liệt, chùa bị cháy rụi vào năm 1949 (Kỷ Sửu), chuông âu có từ rất xưa bia đá có từ đời vua lê Cảnh Hưng thứ 16 lập năm 1754 (Giáp Tuất) lời bia đã được phiên âm dịch thuật trong Sơn Tùng ĐPK, do Ôn Lăng Đạo Nhân bái soạn , chuông Âu còn để tại chùa, đặc biệt bia đá còn ghi lại vết lửa đạn chiến tranh kỳ 1946 – 1954 phải được bảo quản, không nên di chuyển làm hư hỏng bởi là chứng tích thiêng liêng xây làng dựng xóm của người xưa. Nếu sơ xuất mất mát hư hao là vi phạm hương ước, quan trọng hơn hết là mang tội với Tổ Tiên, bảo quản thật kỹ càng nghiêm chỉnh vì rằng không có giá trị tái tạo lại thời gian, không giá trị nào bồi hoàn nổi. Nếu bị vi phạm nghiêm trọng làng xin pháp luật can thiệp và làng nghị phạt nặng, tất nhiên phải bồi hoàn.

Điều 90: Nước giếng chùa vừa trong vừa mát, hai cái giếng trong khuôn viên Chùa đã có rất lâu đời là di tích phải được bảo quản nghiêm cấm đập phá. Nếu có tu bổ phải giữ nguyên vị trí, năm 1993 Ông Vân Hùng (tức Ông Đoàn Quang Đáng) có cho tu sửa lại, kích thước cũng như đá ong xưa.

Điều 91: Miếu vũ: Làng có nhiều Miếu, qua thời gian bị đổ nát, những miếu còn lại sau đây được công nhận là di tích của làng.

Thạnh Đức Miếu (xóm Côi) Miếu có rất lâu, năm Ấp Dậu 1885 Kinh Thành Huế thất thủ, Vua Hàm Nghi xuất bôn ra Sơn Phòng, Quảng Trị, lần đầu tiên dân làng thấy lính tây, Đầu đội nón sắt, chân đi ghệt mang súng trèo lên cây sen (sanh) ngang nóc Miếu thổi kèn inh ỏi, dân làng khiếp sợ gọi là Bạch Quỷ Lang Sa, đi tuần thú. Sau 62 năm, mùa Xuân Đinh Hợi (1947) Tây lại chiếm đình làng làm đồn sập nát, Miếu Thạnh Đức cũng cùng chung số phận, năm 1955 sau ngày Hiệp định Genève ký kết dân xóm Côi tái tạo lại, mùa xuân Mậu Thân (1968) bị bom đạn sập nát, năm 1972 được bồi hoàn xây dựng lại đến hôm nay. Người đứng ra nhận tiền bồi hoàn tại kho bạc Đà Nẵng là ngài trưởng xóm Đoàn Quang Mạng, Trưởng tộc họ Đoàn, ban xây dựng có Anh Văn May.

Thiện Khánh Miếu (Xóm Chùa): Một tòa Miếu rất cổ trong khuôn viên Chùa, bị sập nát trong chiến tranh cùng với Chùa (1949) chưa được xây dựng lại.

Hậu Sanh Miếu (Xóm dưới): thuộc Xóm Dưới gần Cối Đá, đã có từ rất lâu, không bị tàn phá đã được tu sửa.

Văn Hoàng Giáp Miếu(Xóm Rào): Tại xóm Rào Miếu cũ có từ rất lâu bị hư hại hoàn toàn kỳ chiến tranh 1946 – 1954, năm 1949 xóm Rào bị đốt sạch xóm thành đại trắng. Năm 1955 sau hiệp định đình chiến Genève (7 – 1954) bà con dân xóm hồi cư và tái tạo. Những Miếu trên là nơi xóm tế tự đầu năm cầu nguyện an lành là di tích từ xưa của Tổ tiên để lại. Tất cả bà con trong làng đều phải tôn kính bảo quản, ai vi pham làng nghị phạt và phải bồi thường thiệt hại.

Page 19: Hương ước sơn tùng

Điều 92: Cô Đàn Tự: Di tích còn nguyên vẹn sau chiến tranh ác liệt, cũng như thời thế tích sự đã có ghi bia, một tấm bia có từ năm 1905 chữ Hán chưa dịch, tạo lập lần đầu từ năm Bính Ngọ (1905) đến năm Mậu Thân 1907 mới hoàn thành. Lại đến năm Giáp Dần 1974 đại vái tảo mộ vào rằm tháng hai âm lịch, cúng người vô tự đã cùng xây làng dựng xóm, chiến sĩ trận vong thập loại cô hồn nam nữ đẳng chúng, phong cảnh thật đẹp đẽ là thắng cảnh di tích của Làng. Phải thờ phượng, cấm không được đào xới hoặc làm hư hỏng cây cối trong khuôn viên Cô Đàn, ai vi phạm là đụng đến di tích thiên liêng xưa của tổ tiên Làng nghị phạt nặng và phải bồi thường thiệt hại.

Điều 93: Miếu Vũ: Miếu thành Hoàng, dân ta nghĩ rằng cảnh thổ nào Thành Hoàng nấy … “Của làng có Thành Hoàng giữ…” Tổ Tiên ta đã chọn một vị thần làm chủ tế phúc thần cho làng theo văn chính tế của làng có ghi “Bổn thổ đô Đại Thành Hoàng Đại Vương” xưa có sắc bằng của Triều Đình nhưng chiến tranh đã cháy sạch chưa hiểu rõ Nhân thần hay Thiên Thần … Tập tục có Miếu từ xưa bị sập theo Đình lúc chiến tranh, Miếu hiện có được tái tạo vào năm 1972 trong khuôn viên Đình, cũng là di tích của làng, có lịch sử, có chiều dầy thời gian. Ai vi phạm làng nghị phạt theo điều 85.

Miếu Thần Nông Cồn Phát Lát: Tọa lạc tại xóm Bài, Miếu cổ có từ xưa, được sùng tu lại năm 1940, miếu thờ thần Nông vị thần sáng tạo ra nghề cày cấy ruộng vườn, Cồn Phát Lát nguyên của giới mục đồng làng đắp nên, hai nơi này thường năm làng làm lễ hạ điền mở màn, việc cày cấy nơi nông dân cúng ruộng cầu cho ruộng được mùa, là di tích có bề dày thời gian, là thắng cảnh của làng, phải được trân trọng bảo vệ, ai làm hư hại làng nghị phạt và phải bồi thường thiệt hại.

Điều 94: Bảo vệ lăng mộ cổ : Trên lảnh địa làng ta Sơn Tùng có rất nhiều lăng mộ cổ không hiểu được nguồn gốc, có thể từ Chiêm Thành, của Tàu, trước đây, thập kỷ 1930 – 1940 thường bị nước xói mòn,… Làm bật lên những đồ đất cổ xưa nung màu tím, bà con dân làng quen gọi đồ này là cả ma Hời (Chiêm Thành) gần đây, khoảng giữa năm 1980, đêm đêm có một số người bí mật đến bới mộ cổ để tìm báu vật … Những ngôi mộ này là di tích trên đất làng, nấm bằng vôi, có nhiều ngôi có la thành rất kiên cố, là di tích còn nhiều bí ẩn có thể rất quý giá. Làng nghiêm cấm việc đào phá mộ cổ dù là trên đất công hay đất tư, từ ngoài nghĩa địa, đồng ruộng đến vườn nhà của cá nhân. Ai vi phạm làng sẽ nghị phạt nặng vì không thể bồi hoàn lại y nguyên được, sự nghi ngờ tất nhiên phải có để đến nổi dư luận điều tra rất phiền phức. Cơ quan nhà nước có thẩm quyền khảo cứu phải được thông báo và chứng minh sự việc có chính quyền và hội làng tham dự, phải có biên bản thuận định của làng trước khi khai quật, trong lúc khai quật cũng phải có biên bản ghi chép diễn tiến của sự việc gồm đại diện dân làng, chính quyền làng và cơ quan đương sự, Làng vẫn có quyền có ý kiến không cho khai quật, và sự khai quật chỉ phục vụ cho khoa học liên quan, còn về quyền lợi vẫn là sở hữu của làng, người ngoại làng, tư nhân tự ý khai quật làng khẳng định là hành động của kẻ gian phải bắt giữ trình cấp trên.

Điều 95: bảo vệ đá Ông Mốc: Làng ta Sơn Tùng, đông giáp Khuôn Phò, Thủ Lễ, Xóm Phe Ba (Lai Trung). Tây giáp làng Phổ Lại, Đức Trọng, nam giáp làng Đông Lâm, Lai Trung, Bắc Giáp làng Vân Căn, Thủ Lễ. Từ lúc dựng làng đến minh cương giới Tổ tiên ta đều có đặt mốc phân ranh tiếp giáp với các làng nêu trên bằng những viên, tản đá núi, nhiều tản có khắc chữ, là những kỷ niệm của quê hương trăn trở của Tổ Tiên đã từ lâu. Bà con dân làng tất phải có bổn phận bảo quản và canh giữ cấm không được lấy

Page 20: Hương ước sơn tùng

về làm của riêng tư. Ai vi phạm là đựng đến sự thiêng liêng Tiên Tổ làng nghị phạt gặp kẻ ngoài làng đào bứi di chuyển thì phải giữ lại xin lập biên bản, đặt lại nguyên chổ, giải thích là vi phạm thiêng liêng của một dân làng có tích sự lịch sử.

Điều 96: Bảo quản bến nước: Làng có bến xưa đò cũ. Bến Đình, bến Chè được xây bằng đá, gạch Bến Đò, Bến Bà Hường, Cối Xay, Bến Cẩn, bến Lội, bến chính tại Đình làng tự xưa cấm giặt rửa ý là để được trong sạch nơi thờ phụng, cần được bảo quản cấm không làm hư hại bến, không cho trâu xuống bến, không được cạy gạch đá, không được ban bệ, cấm vất đồ thối tha. Ai vi phạm làng nghị phạt và phải bồi hoàn hư hỏng đả gây ra.

Điều 97: Bảo quản đê đập có tính di tích : Từ xưa Tổ Tiên dân làng rất ít người nên việc trị thủy lại phải cần có nhiều công sức, đê đập hiện trở thành những di tích để con cháu suy ngẫm mà thán phục ý chí của tiền nhân , nào: đập lớn sứ Trộ Đó từ nhà O Sáo đến Cô Hồn, Đập Hóp, Đập Đầu Cầu, Đập Đuồi, Đập Bợt Lỡ (đã bị phá mất tích) .v.v. Ngoài việc ngăn nước, giữ gió còn là di tích rất quý hiếm của người xưa để lại, cảnh quan thật đẹp đẽ. Con đê từ làng ngoài Đông Lâm đến bãi cát Cô Hồn là di tích hiếm có, có bề dày thời gian, có lịch sử chiến đấu trên đê dưới rào, như chiến lũy dày như hộ thành hà đã bao lần chứng kiến cảnh đạn lạc tên bay, bao lần là chiến tuyến đối đầu vô cùng nguy hiểm. Cần phải được tu bổ kỹ càng ai vi phạm làng nghị phạt theo điều 12.

Điều 98: Bảo vệ di sản di chỉ văn hóa: Trước 1945 chùa Sơn Tùng là kho tàng văn hóa, bút tích chạm vào gỗ, Sắc Thần, Sắc tặng của Vua Chúa ban. Tượng hình có nhiều và rất cổ, bị thiêu hủy đêm 25 tháng 2 năm Kỷ Sửu (1949) hiện còn lại 02 bản văn : Văn Chánh tế: Từ tài liệu thập tứ tôn phái (mười bốn dòng họ) có từ “Tuế Thứ Tân Tỵ Niên, Bất Nguyệt Sơ Thập Cự Ý (ngày 10 tháng 8 năm Tân Tỵ (1461) Lê Thánh Tôn, được Chú Văn Hữu Đối (Cửu Đối) trích dịch làm văn chánh tế sau hiệp định Genève năm 1954, Văn tế Cô Đàn không rõ tác giả, có từ xa xưa cũng được chú Văn Hữu Đối nhớ và ghi lại vào thời gian trên để tế Cô Đàn lần đầu tiên, sau chiến tranh kết thúc 9 năm (1954), hai bản văn này để cúng niệm công đức Tổ tiên, tưởng niệm người xưa, là văn hóa của làng lưu truyền lại hiện đã được ghi biên trong Sơn Tùng Địa Phương Ký.

Lời văn ghi ở bia đá: Sau chiến tranh còn lại bia ở Chùa và Cô Đàn, bia ở Chùa đã được phiên dịch ghi lại trong STĐPK, bia lập vào năm Giáp Tuất (1754) đời vua Lê Cảnh Hưng thứ 16. Tác giả là Ôn Lăng Đạo Nhân bái soạn, bia Cô Đàn lập năm Bính Ngọ (1905) chưa phiên dịch.

Bốn câu đối của Chúa Đàng Trong (phía Nam): Võ Vương Nguyễn Phúc Khoát (Lê Cảnh Hưng) Quốc Vương Từ Tế Đạo Nhân Ngự Đề, được chú Văn Hữu Đối sưu ghi không hết nguyên văn lúc tái tạo chùa sau chiến tranh vào năm 1960, bốn câu đối này STĐPK đã sao chụp lại nguyên văn tại Đại nam Nhất Thống Chí Thừa Thiên Phủ, tập Thượng hiện có trong ĐPK. Cần phải bảo quản, nghiêm cấm việc di chuyển hư hao hoặc xuyên tạc… Ai vi phạm là đắc tội với người xưa làng nghị phạt.

Điều 100: Bảo quản tu tạo tộc phả, gia phả: Gia Phả tộc họ thường để lại từ đường, có nơi thiếu người canh giữ, là sử tích của dòng họ, nguồn gốc tổ tiên có từ ngày xưa làng dựng xóm. Gia phả Tộc họ Hồ liên hệ đến các ngài khai canh Làng bổn phận con cháu

Page 21: Hương ước sơn tùng

phải gìn giữ, tu tạo cho gốc tích được vững bền, nghiêm cấm việc tự ý vào nhà thờ Tộc họ để lấy mà không có sự đồng ý của người có trách nhiệm gìn giữu dù một tờ giấy nhỏ vẫn có giá trị sử tích. Ai vi phạm trước hết phải chịu lỗi với dòng họ liên hệ và làng nghị phạt.

Điều 101: Bảo quản những văn bản: làng ta Sơn Tùng có hai mãnh đồ (I erè feuille et 2 erè feuilles) tỷ lệ xích 1/2000 chụp rõ ràng địa hình của làng có đánh số từng khoảng đất công, tư, điền thổ, hoang địa, thủy điện… rất chính xác và chi tiết cụ thể . Được sao chép lại tại Ty Địa Chính tỉnh Thừa Thiên năm 1956, bản chính còn tại cơ quan này (Ty Địa Chính cũ), là tài liệu quý hiếm trước nay có lưu tại làng. Các văn bản ghi các sự kiện đã thành văn bản liên quan đến việc làng, đến di tích, xây dựng, kỷ niệm, trong đó có Hương Ước, Sổ Vàng, địa phương ký của làng bị thiêu hủy gần sạch, Sơn Tùng địa phương ký tiếp nối truyền thống cha ông, nghĩ đến công đức Tổ tiên, công ơn xây làng dựng xóm , ngọn rau tấc đất ta nên sưu lục, dịch thuật, ghi lại ít nhiều sự tích, sự kiện … nghĩ được xem như tài liệu cơ bản về lịch sử Làng.

Những văn bản trên phải lưu giữ bảo quản kỹ càng để lưu truyền hậu duệ, gẫm như trước chiến tranh từ xa xưa Tổ Tiên của làng dù sinh hoạt khó khăn, văn hóa hạn chế vẫn còn để lại bởi là nguồn gốc quê hương, sự trong sáng và sắc đá trong việc giữ làng giữ nước. Tài liệu được bảo quản cử người trách nhiệm trong thư tịch của làng. Ai làm hư hỏng dù vô tình hay cố ý là vi phạm thiêng liêng đối với Tổ Tiên, làng nghị phạt và bồi hoàn.

E – KHEN THƯỞNG, LƯU NIỆM

Kỷ niệm, Khánh điếu, Hậu đãi

Điều 102: Dân làng sống nghề nông cha ông từng sáng tạo từ thuở đưa nước vào ruộng bằng gàu đai, gàu sòng, đến xe ống rồi xe lá lùa (đạp nước), cày bàn đến cày lũi, bừa ruộng đều do trí tuệ trong làng, hoặc có người đem từ địa phương khác về để tăng năng xuất, tăng thành quả lao động, mới đây là sáng tạo được máy tuốt lúa thủ công (khoảng thập kỷ 1970). Làng quy định, bà con hiện ở trong làng hay đi ra ngoài, ai chế biến sáng tạo dụng cụ cải thiện đời sống, nông nghiệp, công nghiệp, khoa học kỹ thuật, làng xét khen thưởng tùy theo mức độ, trình độ sáng tạo mà ghi công vào tài liệu lịch sử của làng để lưu truyền về sau.

Điều 103: Ai sưu tầm được các giống cây trồng nông nghiệp, công nghiệp có năng suất cao, thời gian ngắn đem lại kết quả hợp với thời tiết, phong thổ, địa hình, ruộng đất, vườn tược của làng để cải thiện đời sống làng xét khen thưởng như điều102.

Điều 104: Chăn nuôi gia súc gia cầm thủy sản, ai tìm được phương thức, phương kế lai gống sinh sản nhiều miễn dịch… làng xét khen thưởng như điều 102.

Điều 105: Ruộng vườn là nghề chính của Làng, ngoài ra từ xưa Tổ tiên vẫn có tìm thêm nghiệp phụ (nghiệp dư) thủ công để cải thiện thêm cho đời sống giảm bớt khó khăn, tranh thủ thời giờ khi ruộng vườn rỗi rảnh lúc mưa trên ướt dưới, ví như Sơn

Page 22: Hương ước sơn tùng

Tùng làng ta có nghề đan bị, Thanh Cần làm bún, Mậu Tài làm kim, Phò Trạch làm đệm… Nay khoa học càng ngày càng tiến bộ, kỹ thuật càng cao, dân đông thêm nên ruộng vườn hẹp lại làng khuyến khích phát triển công nghiệp, bà con trong làng người đi kẻ ở đem lại cho làng việc làm “công nghiệp” làng rất biết ơn, xét khen thưởng động viên kể cả hỗ trợ cho việc sáng tạo, làng xét khen thưởng như điều 102, người ngoại Làng đến giúp làng nghị xét cũng như vậy.

Điều 106: Ai cho công đức với dân như xuất của cải nhà ra làm trường học, giúp cho trẻ trong làng đi học chữ, học nghề, xuất của cải làm việc công đức cho dân hoặc dân làng chẳng may gặp lúc tai biến mà xuất tài, xuất lực giúp đỡ cho dân tái hồi sinh hoặt làm ăn như cũ. Ai xây dựng bia kỷ niệm, đài kỷ niệm, công ốc, cầu cống tu bổ đình, chùa, miếu vũ… Sưu tầm tài liệu quê hương lưu truyền sử tích, làng biết ơn tùy theo công việc lớn nhỏ mà ghi vào sổ vàng hay bia đá, đến độ được ghi vào lòng Văn chính tế như Tổ Tiên để làm tưởng nhớ công đức và khuyến khích hậu duệ.

Điều 107: Việc khuyến học: Như ở tập 2 STPĐK có ghi:

“Bởi chăng giặc dốt hàng đầu

Cũng là vì nó theo sau giặc nghèo

Để rồi giặc ngoại men theo

Cho nên mù chữ dân nghèo xóa tan”

Làng khuyến khích mọi người trong làng ai ai cũng cố gắng học hết cấp I, con em các gia đình phải cho đến trường, không được vì ham công việc trước mắt mà quên cái hại lâu dài về sau cho cá nhân gia đình và xã hội, làng cảnh cáo nhắc nhở kể cả nghị phạt nếu ai có điều kiện học hành mà để con em hoặc chính mình bị mù chữ.

Điều 108: Nghĩ rằng quê hương có học có hành thì việc ăn ở yên lành, đối nhân sử thế đàng hoàn, lao động có nhiều sáng tạo, trình độ văn hóa càng cao thì làng được nhiều tiếng tốt, như việc làm ích nước lợi dân. Cá nhân gia đình nào có người đỗ đạt học hành cao, có học vị đem lại việc làm danh tiếng cho làng, làng xét được ghi vào bia sách để lưu niệm khuyến khích.

Điều 109: Trồng cây lưu niệm: Dân làng đến tuổi 50 (năm mươi) phải trồng một cây cổ thụ lưu niệm, lưu niên vào những nơi được quy định là: sân Chùa, Đình, công viên nhà Xóm (nhà Làng) Cô Đàn, Đê Đập, đường Chùa, đường mới, dọc theo đường chợ Nan, Rào sông Bến Quả, Tàu Voi, đến cầu…trước để lưu niệm, kỷ niệm của đời mình trên đất quê hương, Tổ tiên lại góp phần làm xanh đẹp đất làng, nếu trồng được cây ăn trái như xoài, mít…lại là quý hơn, hoa lợi tất nhiên là của làng.

Quy định thời gian trồng vào sau tiết Đông Chí, Lập Xuân hằng năm, việc này làng thuận tình khuyến khích, tất nhiên dân làng bảo quản ghi vị trí cây trồng vào sổ sách của làng, nhưng chính con cháu gia đình tộc họ của người trồng cùng bảo quản gìn giữ vì đó là kỷ niệm của người trên trước khi còn sống hay đã mất, ai trồng trên đê đập hơn mười (10) cây cổ thụ xanh tốt được xét ghi công khen thưởng như ghi ở điều 102.

Page 23: Hương ước sơn tùng

Điều 110: “Gia bần trinh hiếu tử” gia đình gặp lúc khó mới hiểu được là người con có hiếu. Hiếu tử, Từ tôn, trung trinh tiết hạnh là thuần phong mỹ tục trong sáng của dân tộc và vốn có từ tình cảm tự nhiên của con người cộng thêm truyền luân lý đạo của Tiên tổ, thuận vợ thuận chồng xây dựng gia đình con cái là nền tảng của xã hội. Gặp lúc nguy biến hay kinh tế khó khăn, hay hoàn cảnh ngặt nghèo vẫn giữ gìn hiếu để, đáng nêu gương làng xét khen thưởng tuyên dương trước dân làng để học tập.

Điều 111: Bảo vệ làng, nước là nghĩa vụ bức thiết và cao cả, gặp thiên tai, địch họa, trộm cướp hỏa hoạn…dân làng ai can đảm hy sinh cứu nguy chống trả không lùi bước nếu vì việc nghĩa mà gặp tai nạn, làng phải cùng chung lo lắng tinh thần cũng như vật chất, làng xét khen thưởng ghi công hậu đãi.

Điều 102: Để tỏ lòng tôn kính - tôn trọng người hiền lúc còn sống, làng đặc ra lệ khánh điếu gọi là lễ mừng Ngài hội chủ, lễ vật tùy nghi ít nhiều sau khi làng tổ chức cúng tế hoặc liên hoan kỷ niệm để tỏ tình quý mến đối với ngài Hội chủ tượng trưng cho tinh thần của làng.

Điều 113: Rủi ra làng bị bên ngoài ức hiếp bất công, chèn ép trong lúc phía làng có luật pháp đúng lẽ phải, có truyền thống tích sự thiêng liêng của Tổ tiên - Ông bà làng ta để lại bị xâm phạm thô bạo, làng phải đứng lên chống trả đấu tranh thì tất cả mọi người đoàn kết nhất trí không ai được hờ hững như là kẻ bàng quang, làng nghị phạt nặng, phải tuân thủ kỷ luật, ai có công làng xét ghi công khen thưởng, chẳng may vì việc chung mà cá nhân bị thiệt hại thì làng lo lắng theo tinh thần điều 111.

Điều 114: Phục vụ tổ quốc là nghĩa vụ của toàn dân, tổ quốc lâm nguy mọi người hy sinh đóng góp, tuân thủ lệnh trên. Ai có nhiều công trạng lớn làng xét khen thưởng ghi công vào bia, sách để lưu niệm cho hậu duệ học tập noi gương, người có huân chương cao quý, công trạng hiển hách khi mất làng xét ghi vào văn chính tế bởi lẽ người đó làm vẻ vang cho quê hương cho làng cho nước.

CHƯƠNG V

HIỆU LỰC VÀ VIỆC SỬA ĐỔI HƯƠNG ƯỚC

Điều 115: Hương ước của Sơn Tùng, vốn có từ thuở dựng làng là hiệu lực thiêng liêng cao nhất của làng, tuân thủ tự nguyện đã qua bao đời, xuất phát từ nhân đức cho sự an lành chính là luật pháp, là chính sách, là hình thức. Tôn trọng nhân nghĩa tất nhiên không vi phạm luật pháp mà không lập theo nhân đức thì để hóa ra tàn khốc. Tôn trọng hương ước để duy trì trật tự, sự tôn ti trong làng thời nào cũng phải có, còn làng thì hương ước còn hiệu lực còn nhân còn nghĩa còn tôn trọng tình yêu thương thiêng liêng đối với quê hương và Tiên tổ, tình làng nghĩa xóm lâu bền thì hiệu lực hương ước trường tồn. Mọi người tôn trọng hương ước chính là tôn trọng mình, cha ông, bà con mình vì đã cùng nhau từ nghìn xưa mà ước hẹn lập ra không ai được việt vị (sai vị trí của mình) thế là đã làm đúng ý nghĩa thiêng liêng đối với Tổ tiên và thượng tôn luật pháp, cũng là góp phần Tổ quốc thịnh trị, xã hội yên vui.

Page 24: Hương ước sơn tùng

Điều 116: Mọi việc sinh hoạt khoán, bằng, hội hè trong làng đều phải phù hợp với hương ước.

Điều 117: Sinh hoạt tất nhiên mỗi thời mỗi khác, khoa học kỹ thuật tiến lên từng thời kỳ thay đổi cuộc sống, nhưng nguyên lý nhân nghĩa của dân tộc Việt phải giữ gìn, hương ước cũng tùy theo mà thêm bớt, sửa đổi cho phù hợp với hoàn cảnh để cùng chung tuân thủ là phương châm hướng dẫn sự sinh hoạt của bà con dân làng, biết được sự đúng, sự sai mà phải làm hoặc phải tránh.

Mọi thay đổi trong hương ước đều được toàn dân làng góp ý thuận tình và thông suốt như vậy ít có sự vi phạm, việc thưởng phạt công minh đem lại sự yên lành trường cửu.

Sơn Tùng Địa Phương Ký, sưu tập xong

Ngày 05 tháng 05 (Đoan Ngọ)

Mùa Hạ Giáp Tuất (13 – 06 – 1994)

Tùng Sơn Văn Hữu Tuất - Đoàn Thị Bích

Phần còn lại thêm bớt tùy bà con dân làng các bậc thức giả, Quý lão nông tri điền, lệ phạt tùy vào sự đồng tình của tất cả bà con thuận tình, hay đã thành tiền lệ.

Ví dụ: Điều:… vi phạm việc … Làng đồng thuận phạt …..tạp dịch … … ngày … … tiền ………

Page 25: Hương ước sơn tùng

Khấp!!!

(Khóc)

Làng có còn mới còn Hương ước

Nước có còn Hiến pháp mới được ghi

Nhớ xa xưa

Ông già bến Ngự xé bản thảo đi (I)

Tuy nặng lòng thương nòi mến nước

Địa Ký Sơn Tùng sưu ghi Hương Ước

Bởi nặng lòng thương họ nhớ làng

Bao tâm tình vương vấn hãy còn mang,

Ngồi ghi lại nghe lời xưa nhắn nhủ,

Lệ tuông giòng hoài thương quê làng cũ

Đã bao đời ấp ủ mến thương nhau

Xin nghĩ rằng có trước có sau,

Đừng tráo trở cho đau lòng quê Mẹ

-------------

(I) Cụ Phan Bội Châu thảo xong Hiến pháp của Việt nam, rồi lại xé đi vì Nước mất vào tay giặc Pháp.

Mùa mưa, Sài Gòn 1995 (Ất Hợi)

TS: Văn Hữu Tuất – Đoàn Thị Bích

Page 26: Hương ước sơn tùng

Recommended