Transcript
Page 1: Phong Cách Thơ Haiku của Matsuo Basho, Yosa Buson và Kobayashi Issa

ĐẠI HỌC QUỐC GIA THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH ĐẠI HỌC KHOA HỌC XÃ HỘI VÀ NHÂN VĂN

NIÊN LUẬN

ĐỀ TÀI:

TÌM HIỂU PHONG CÁCH THƠ HAIKU

CỦA MATSUO BASHO, YOSA BUSON VÀ KOBAYASHI ISSA

GVHD: Ths. Nguyễn Thị Lam Anh Sinh viên thực hiện: Tên: Nguyễn Duy Bình MSSV: 1056190013 Niên khóa: 2010-2014

Page 2: Phong Cách Thơ Haiku của Matsuo Basho, Yosa Buson và Kobayashi Issa

MỤC LỤC

PHẦN MỞ ĐẦU..................................................................................1

1. LÝ DO CHỌN ĐỀ TÀI ............................................................................ 1

2. TỔNG QUAN NGHIÊN CỨU.................................................................. 2

3. ĐỐI TƯỢNG VÀ PHẠM VI NGHIÊN CỨU ........................................... 4

3.1. Đối tượng nghiên cứu............................................................................. 4

3.2. Phạm vi nghiên cứu................................................................................ 4

4. MỤC ĐÍCH VÀ NHIỆM VỤ NGHIÊN CỨU .......................................... 4

4.1. Mục đích ................................................................................................ 4

4.2. Nhiệm Vụ .............................................................................................. 5

5. Ý NGHĨA CỦA ĐỀ TÀI NGHIÊN CỨU.................................................. 5

6. PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU ............................................................. 5

6.1. Phương pháp tập hợp – Khảo sát tư liệu ................................................. 5

6.2. Phương pháp phân tích – Tổng hợp........................................................ 6

6.3. Phương pháp so sánh – Đối chiếu........................................................... 6

6.4. Phương pháp hệ thống............................................................................ 6

7. CẤU TRÚC CỦA LUẬN VĂN ................................................................ 6

PHẦN NỘI DUNG ..............................................................................7

CHƯƠNG 1: KHÁI QUÁT THƠ HAIKU................................................ 7

1. Nguồn gốc ra đời...................................................................................... 7

2. Nội dung và hình thức nghệ thuật............................................................. 9

3. Quá trình phát triển ................................................................................. 10

CHƯƠNG 2: THƠ HAIKU CỦA NHÀ THƠ MATSUO BASHO ......... 12

1. Cuộc đời và sự nghiệp cùa nhà thơ Matsuo Basho................................... 12

1.1 Cuộc đời ............................................................................................... 12

1.2. Sự nghiệp sáng tác ............................................................................... 14

2. Phong cách thơ haiku của Matsuo Basho................................................. 15

2.1. Cảm thức Sabi...................................................................................... 15

2.2. Cảm thức Wabi .................................................................................... 19

2.3. Cảm thức Aware .................................................................................. 21

Page 3: Phong Cách Thơ Haiku của Matsuo Basho, Yosa Buson và Kobayashi Issa

2.4. Cảm thức Karumi................................................................................. 23

CHƯƠNG 3: THƠ HAIKU CỦA NHÀ THƠ YOSA BUSON ............... 26

1. Cuộc đời và sự nghiệp của nhà thơ Yosa Buson ...................................... 26

1.1. Cuộc đời.............................................................................................. 26

1.2. Sự nghiệp sáng tác ............................................................................... 28

2. Phong cách thơ haiku của Yosa Buson .................................................... 28

CHƯƠNG 4: THƠ HAIKU CỦA NHÀ THƠ KOBAYASHI ISSA ....... 37

1. Cuộc đời và sự nghiệp của nhà thơ Kobayashi Issa ................................. 37

1.1. Cuộc đời............................................................................................... 37

1.2. Sự nghiệp sáng tác ............................................................................... 40

2. Phong cách thơ haiku của Kobayashi Issa ............................................... 40

2.1. Con người của nỗi đau và bất hạnh....................................................... 40

2.2. Tình yêu thương dịu dàng đối với loài vật nhỏ bé................................. 44

2.3. Mẹ – nguồn thi ca vô tận ...................................................................... 48

PHẦN KẾT LUẬN............................................................................52

TÀI LIỆU THAM KHẢO ................................................................53

Page 4: Phong Cách Thơ Haiku của Matsuo Basho, Yosa Buson và Kobayashi Issa

1

PHẦN MỞ ĐẦU

1. LÝ DO CHỌN ĐỀ TÀI

Đất nước Nhật Bản có điều kiện địa lý khá đặc biệt so với nhiều

nước trên thế giới, là một quốc đảo có vị trí biệt lập. Trong quá khứ

xa xưa, nhờ vị trí đảo quốc đặc biệt của mình mà Nhật Bản tránh

được nhiều cuộc xâm chiếm đất đai giữa các nước láng giềng lục địa.

Nhật Bản là một quốc gia Đông Bắc Á duy nhất trực tiếp tiếp thu rất

nhiều từ Đông Á vá Đông Nam Á các nghề trồng củ, trồng lúa nước,

dệt vải, tín ngưỡng nữ thần…hình thành một đảo quốc luôn tạo ra

những chuỗi bất ngờ cho thế giới cả trong quá khứ lẫn hiện đại về

một nền văn hóa độc đáo của xứ sở Phù Tang.

Nhật Bản là một xứ sở huyền bí của Thần đạo với vô số các tập

tục và nghi lễ, với vẻ đẹp lãng mạn của những cánh hoa anh đào nở

rộ như những đám mây hoa, với những thiếu nữ duyên dáng trong tà

áo kimono truyền thống. Đây còn là xứ sở huyền thoại của những Võ

sĩ đạo, của những môn phái võ thuật nổi tiếng như: sumo, akido,

karate, judo… Một xứ sở của Thiền đạo và Trà đạo gắn liền với

những bài thơ haiku ngắn đến mức tưởng chừng như không thể ngắn

hơn được nữa. Độc giả sẽ rất đỗi ngạc nhiên bởi bên cạnh những bài

thơ haiku cực ngắn ấy là cả một quá trình dài với những bước thăng

trầm gắn liền với tên tuổi của nhiều nhà thơ nổi tiếng. Có bốn nhà

thơ được người đời tôn làm tứ trụ trong thơ haiku đó là: Matsuo

Basho, Yosan Buson, Kobayashi Issa và Masaoka Shiki. Mỗi nhà

thơ đều có những bút pháp, phong cách rất riêng, họ đã cùng nhau

đưa haiku lên đỉnh cao của nghệ thuật.

Thơ Haiku của Nhật Bản lan tỏa trên thế giới một cách trầm

lặng mà gây ra tiếng vang xa rộng như bước nhảy của một con ếch từ

trên bờ nhảy “tủm” xuống ao làm mặt nước xao động. Nó trở thành

một thể thơ đặc trưng của người Nhật trong mắt bạn bè quốc tế.

Page 5: Phong Cách Thơ Haiku của Matsuo Basho, Yosa Buson và Kobayashi Issa

2

Ở Việt Nam, hòa theo xu thế hội nhập toàn cầu thì mối quan hệ

giữa Việt Nam và Nhật Bản ngày càng phát triển nhanh chóng trên

nhiều lĩnh vực và đã bước sang giai đoạn mới về chất và đi vào chiều

sâu. Bên cạnh sự phát triển về Kinh tế – Xã hội và khoa học kĩ thuật

thì nhu cầu giao lưu văn hóa, học tập nghiên cứu của công dân giữa

hai quốc gia ngày càng phát triển theo. Tuy nhiên, việc nghiên cứu

và phổ biến văn học Nhật Bản chưa được rộng rãi, chỉ là bước đầu

tiếp cận. Sách ngữ văn lớp 10 bộ mới cũng lần đầu tiên đưa vào

giảng dạy thơ haiku Nhật Bản cho học sinh Phổ thông nghiên cứu.

Trong hoàn cảnh này, việc tìm hiểu, nghiên cứu thơ haiku là rất cần

thiết và ý nghĩa. Do hạn chế về thời gian và kiến thức nên tôi xin

được tìm hiểu riêng về “Phong cách thơ haiku của Matsuo Basho,

Yosa Buson và Kobayashi Issa”.

2. TỔNG QUAN NGHIÊN CỨU

Nền văn học Nhật Bản nói chung, thơ haiku nói riêng cũng từ

khá lâu rồi được nhiều dịch giả, giới nghiên cứu và bạn đọc trên thế

giới quan tâm, trong đó có Việt Nam. Ở Việt Nam việc quan tâm đến

văn học xứ Phù Tang ngày càng tăng nhưng sách biên soạn về

chuyên đề này chưa nhiều. Do nhu cầu tìm hiểu tinh hoa của nền văn

học Nhật Bản đã phát sinh từ nhà trường và xã hội mà nó được đón

nhận một cách nồng nhiệt. Việc nghiên cứu tìm hiểu và sáng tác thơ

haiku ở Việt Nam đang ở bước đầu. Dù Việt Nam còn mới mẻ trong

việc tiếp cận nền văn học Nhật Bản nhưng Việt Nam và Nhật Bản

vốn là những nước Châu Á nên việc tiếp cận có phần dễ dàng hơn.

Trong ba nhà thơ Basho, Buson và Issa, các tác phẩm của nhà

thơ Basho được dịch sang tiếng Việt nhiều nhất và có nhiều bản dịch

khác nhau. Thơ haiku đến với người Việt bước đầu là từ dịch thơ rồi

đi đến khám phá nguyên lý thơ và sau cùng là sáng tác thơ theo thể

haiku bằng tiếng Việt. Độc giả dần dần hiểu được rồi say mê thơ

haiku. Đến ngày nay, thơ haiku được giới thiệu trên các trang báo

Tài hoa trẻ, Tạp chí Văn học, Báo Văn học và Tuổi trẻ hay sách viết

Page 6: Phong Cách Thơ Haiku của Matsuo Basho, Yosa Buson và Kobayashi Issa

3

về văn học văn hóa Nhật Bản với các bài dịch thơ, bài viết của các

tác giả nổi tiếng ở Việt Nam như: Nhật Chiêu, Đoàn Lê Giang, Vĩnh

Sính, Thái Bá Tân…Trong số những người nghiên cứu về văn học

văn hoá Nhật Bản, Nhật Chiêu là người có đóng góp to lớn trong

việc chuyển tải tâm hồn Nhật đến người Việt. Ông đã xuất bản nhiều

sách về văn học văn hoá Nhật Bản như là: Nhật Bản Trong Chiếc

Gương Soi (NXB Giáo Dục – 2003), Thơ Ca Nhật Bản (NXB Giáo

Dục, 1998), 3000 Thế Giới Thơm (NXB Văn Nghệ – 2007 ), Văn

Học Nhật Bản Từ Khởi Thuỷ Đến 1868 (NXB Giáo Dục –

2002),…Ngoài ra còn một số nhà nghiên cứu khác như là: Lê Từ

Hiền – Lưu Đức Trung với tác phẩm: Haiku – Hoa Thời Gian (NXB

Giáo Dục – 2007), Lê Thiện Dũng đã dịch tác phẩm: Hài Cú Nhập

Môn (tác giả H.G Henderson, NXB Trẻ – 2002)…

Ngày nay trên các trang web cũng thấy xuất hiện một số bài viết,

trang tin đăng tải có liên quan đến thơ haiku. Đặc biệt là Trường Đại

Học Khoa Học Xã Hội và Nhân Văn Tp. HCM, khoa Đông Phương

học đã ấn hành và cho ra đời một quyển sách có ý nghĩa vào năm

2003 đó là cuốn “Nhật Bản trong thế giới Đông Á và Đông Nam Á”

trong đó thơ haiku Basho được coi là một phần linh hồn của văn học

văn hóa Nhật Bản.

Những vấn đề trên đã đưa đến một kết quả rất khả quan là nền

văn học Nhật Bản đang bước từng bước vào Việt Nam làm những

người yêu thơ đi vào nghiên cứu tìm hiểu thơ haiku. Ở các trường

Đại học sư phạm ở ngành Ngữ văn hay trường Đại học Khoa học Xã

hội va Nhân văn Tp.HCM, thơ haiku được giới thiệu vào chương

trình học cho sinh viên học tập, nghiên cứu. Vì vậy, thơ haiku được

các bạn sinh viên thích thú tìm hiểu và tham gia vào các cuộc thi

sáng tác thơ haiku bằng tiếng Việt.

Hiện nay, bộ sách Ngữ văn cấp III mới phần văn học Nhật Bản

lại được bổ sung vào những bài thơ haiku ngộ nghĩnh và lí thú ở lớp

10. Có thể nói sự xuất hiện của thơ haiku trong chương trình văn học

Page 7: Phong Cách Thơ Haiku của Matsuo Basho, Yosa Buson và Kobayashi Issa

4

nước ngoài ở Phổ thông Việt Nam đã thực sự đánh dấu một bước dài

cho chân trụ vững chắc của thơ haiku ở Việt Nam.

Việt Nam đang nâng cao quan hệ hợp tác bang giao với Nhật

Bản trên nhiều lĩnh vực. Lĩnh vực văn học Nhật Bản đang được mở

rộng cửa đón chào. Dù còn gặp nhiều mới mẻ trong việc tiếp cận nền

văn học này, nhưng tương lai nền văn học Nhật Bản sẽ được khám

phá sâu rộng ở Việt Nam. Trong đó thơ haiku là một đại diện không

thể thiếu bởi nó là chiếc gương soi để soi rọi linh hồn văn hóa Nhật

Bản.

Thông qua việc tiếp thu các công trình nghiên cứu của các tác

giả trong và ngoài nước, cộng với sự tìm tòi nhiều nguồn tài liệu

phong phú trên internet, tôi xin đưa ra những nét hay, nét đặc trưng

trong phong cách của ba nhà thơ tiêu biểu: Matsuo Basho, Yosa

Buson, Kobayashi Issa.

3. ĐỐI TƯỢNG VÀ PHẠM VI NGHIÊN CỨU

3.1. Đối tượng nghiên cứu

Luận văn nghiên cứu về phong cách của một số nhà thơ tiêu

biểu, cụ thể là ba nhà thơ lớn gồm: Matsuo Basho, Yosa Buson và

Kobayashi Issa.

3.2. Phạm vi nghiên cứu

Luận văn chỉ đi sâu vào khảo sát các tác phẩm thơ của ba nhà

thơ Matsuo Basho, Yosa Buson và Kobayashi Issa để thấy được

phong cách sáng tác của từng nhà thơ. Các tác phẩm thơ ấy đã được

dịch sang tiếng việt bởi các dịch giả : Nhật Chiêu, Vĩnh Sính, Thái

Bá Tân,…

4. MỤC ĐÍCH VÀ NHIỆM VỤ NGHIÊN CỨU

4.1. Mục đích

Giới thiệu đến độc giả một cái nhìn toàn diện, một cách tiếp cận,

khám phá mới về thơ thơ Haiku.

Page 8: Phong Cách Thơ Haiku của Matsuo Basho, Yosa Buson và Kobayashi Issa

5

Khám phá cái hay, cái đẹp của thơ ca Nhật Bản thông qua ba

nhà thơ tiêu biểu là Basho, Buson, Issa. Đồng thời, hiểu rõ hơn về

cuộc đời và sự nghiệp của ba nhà thơ trên.

Giúp người đọc nhận ra sự khác biệt trong phong cách sáng tác

của ba cây đại thụ trong dòng thơ haiku.

Khơi gợi lòng yêu mến thơ ca của mọi người đối với thơ haiku

nói riêng và văn học Nhật Bản nói chung. Tạo tiền đề cho mối quan

hệ hữu nghị, am hiểu lẫn nhau giữa hai quốc gia Việt Nam – Nhật

Bản.

4.2. Nhiệm Vụ

Tìm ra những nét đặc trưng tiêu biểu về phong cách sáng tác

của ba nhà thơ Matsuo Basho, Yosa Buson và Kobayashi Issa.

5. Ý NGHĨA CỦA ĐỀ TÀI NGHIÊN CỨU

Nếu đề tài nghiên cứu thành công luận văn sẽ:

Đóng góp vào kho tàng lí luận văn học hướng nhìn, một cách

khám phá mới về nội dung và cách sáng tác của thơ haiku.

Giúp hiểu sâu hơn về thơ haiku và những tác giả tiêu biểu.

Mở rộng và trải lòng mình với thế giới thơ của Nhật Bản.

Vận dụng vẻ đẹp tinh túy và ý nghĩa thâm thúy của thơ haiku

trong cuộc sống của bản thân.

Là tài liệu tham khảo cần thiết và hữu ích cho việc phổ biến văn

học Nhật Bản tại Việt Nam. Ngoài ra còn là định hướng gợi mở đối

với việc tìm hiểu và nghiên cứu về Văn học Nhật Bản sau này.

6. PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU

6.1. Phương pháp tập hợp – Khảo sát tư liệu

Thơ haiku của các nhà thơ nổi tiếng được dịch ra tiếng Việt khá

phong phú, có nhiều bản dịch khác nhau. Đồng thời, các bản dịch

nằm rải rác trên các báo, tạp chí, sách, trang web,…và số lượng dịch

ra tiếng Việt ngày một nhiều. Do vậy, tôi cần thiết phải sử dụng

phương pháp này để vừa thu thập tài liệu vừa tiến hành khảo sát tư

liệu.

Page 9: Phong Cách Thơ Haiku của Matsuo Basho, Yosa Buson và Kobayashi Issa

6

6.2. Phương pháp phân tích – Tổng hợp

Nhằm làm nổi bật những vấn đề cần khai thác, khám phá, tôi sẽ

tiến hành phân tích các dẫn chứng sau đó tổng hợp khái quát lại để đi

đến đúc kết vấn đề.

6.3. Phương pháp so sánh – đối chiếu

Trong quá trình tìm ra những nét đặc sắc trong phong cách sáng

tác của ba nhà thơ tiêu biểu, tôi cần có sự so sánh, đối chiếu giữa các

nhà thơ để làm rõ hoàn cảnh, nguồn gốc của những tư tưởng sáng tác

của ba nhà thơ.

6.4. Phương pháp hệ thống

Sau khi phân tích, khám phá phong cách của ba nhà thơ, tôi tiến

hành hệ thống lại vấn đề và từ đó rút ra kết luận.

7. CẤU TRÚC CỦA LUẬN VĂN

Luận văn được chia bố cục theo các phần sau:

Phần mở đầu bao gồm: Lý do chọn đề tài, tổng quan nghiên cứu,

đối tượng và phạm vi nghiên cứu, mục đích và nhiệm vụ nghiên cứu,

ý nghĩa của đề tài nghiên cứu, phương pháp nghiên cứu, cấu trúc

luận văn.

Phần nội dung: Được chia làm 4 phần như sau:

Chương 1: Khái quát thơ Haiku

Chương 2: Thơ haiku của nhà thơ Matsuo Basho

Chương 3: Thơ haiku của nhà thơ Yosa Buson

Chương 4: Thơ haiku của nhà thơ Kobayashi Issa

Phần kết luận

Tài liệu tham khảo

Page 10: Phong Cách Thơ Haiku của Matsuo Basho, Yosa Buson và Kobayashi Issa

7

PHẦN NỘI DUNG

CHƯƠNG 1: KHÁI QUÁT THƠ HAIKU

Người dân xứ sở hoa anh đào thường tự hào đất nước mình là

“thi quốc”. Trong các thể thơ truyền thống của Nhật Bản, tanka và

haiku là tiêu biểu hơn cả. Đặc biệt, thơ haiku là thể thơ rất Nhật Bản,

là linh hồn văn hóa xứ Phù Tang.

Nhà nghiên cứu Nhật Chiêu đã từng nói rằng: “Có một thể thơ

mà khi để nó lướt qua tâm hồn ta, ta có cảm giác như đang chạm

vào thiên nhiên, chạm vào từng mùa…Haiku? Đọc Haiku là chạm

vào hơi thở của mùa. Là chạm vào hoa đào, đom đóm, lá phong,

tuyết trắng,…”

Vậy thơ Haiku là gì và có nguồn gốc từ đâu?

1. Nguồn gốc ra đời

Thơ Haiku là thể thơ nổi tiếng của Nhật Bản và ngắn nhất thế

giới, toàn bài chỉ có 17 âm tiết, có thể xếp thành 3 câu (5-7-5). Trong

tiếng Nhật, thơ haiku không có vần và thường không có nhan đề.

Các bài thơ haiku thường chỉ là những nét chấm phá, gợi mở để độc

giả vận dụng trí tưởng tượng nhằm liên tưởng đến các sự vật, hiện

tượng khác. Vì thế, người ta cho rằng thơ haiku giống như những

bức tranh thủy mặc của người Nhật. Nó chứa đựng một khoảng trống,

một khoảng chân không nhưng tràn trề sinh động của cuộc sống.

Thơ haiku là thể thơ phái sinh từ tanka. Tanka là thể thơ khởi

đầu của dân tộc Nhật Bản, tức Đoản ca hay còn gọi là Waka hay Hòa

Ca. Bài thơ theo thể tanka có 31 âm tiết, chia thành 5 dòng theo nhịp

phách 5-7-5-7-7. Bài thơ tanka sau đây được xem là bài thơ mở đầu

cho thơ ca Nhật Bản:

Tám tầng mây dựng

Ở xứ Izumo

Ta làm tám tầng mây xa

Tám tầng mây ấy

Page 11: Phong Cách Thơ Haiku của Matsuo Basho, Yosa Buson và Kobayashi Issa

8

Che chở người vợ ta

Đây là bài thơ mà thần Susanoo làm tặng cho người vợ của

mình là nàng Kushinada. Theo H. H. Honda thì một bài tanka tựa

như “Hoa anh đào ẩm trong sương mờ mùa xuân”.

Từ thế kỷ XIV–XV, khi thơ tanka có dấu hiệu đi xuống, trên thi

đàn Nhật Bản xuất hiện thể thơ renga (liên ca). Renga cũng có nhịp

phách 5-7-5-7-7 như tanka nhưng tách thành hai phần 5-7-5 và 7-7

rõ rệt, số lượng câu không hạn chế. Thơ renga được giải thích như

sau:

Thơ renga là thơ xướng họa có từ rất lâu đời trong văn học Nhật.

Từ một bài tanka 31 âm tiết, 5 dòng được tách ra hai phần để cho

mọi người xướng thơ với nhau (phần ba câu đầu gọi là thượng cú,

phần hai câu sau gọi là hạ cú). Renga ra đời là như thế. Ví dụ như

một bài thơ trong Shui shu (Thập di tập, 997):

Qua rồi nửa đêm

Chờ nhau chi nữa

Cho thêm ưu phiền

Một tiểu thư đã gửi cho người tình của mình phần đầu bài tanka

với ba câu như trên với ý trách móc người yêu lỗi hẹn. Sau đó, người

ấy nhận được và làm tiếp phần còn lại thành một bài tanka trọn vẹn:

Muốn gặp em trong mộng

Nhưng rồi anh ngủ quên

Thực chất renga là trò chơi nối thơ của các nhà thơ tanka. Giới

quý tộc thời Heian rất thích lối sáng tác như thế. Sau này, trong bài

renga liên hoàn đoạn thơ khởi xướng phần thượng cú được gọi là

hokku (phát cú) và được viết với hình thức 17 âm tiết (5-7-5). Đến

thế kỉ XVI, công chúng yêu thơ Nhật Bản rất thích trò chơi nối thơ

nên renga trở nên phổ biến và bình dân hơn, thậm chí có nhiều bài

renga được làm với mục đích hài hước, châm chọc gọi là haikai no

renga, gọi tắt là haikai. Thể haikai do tầng lớp thị dân sáng tác với

Page 12: Phong Cách Thơ Haiku của Matsuo Basho, Yosa Buson và Kobayashi Issa

9

mục đích đùa cợt, phóng túng nên dễ sa vào sự dung tục, chấp nối,

gượng ép và thiếu tâm hồn thơ.

Sau này, Basho đã đưa haikai thoát khỏi sự tầm thường bằng sự

dung hợp cả cái vô tâm lẫn hữu tâm, sự trào lộng đời thường của

haikai hiện đại với sự tao nhã, tâm linh của renga cổ điển vào trong

17 âm tiết của bài hokku. Từ đấy hokku không phụ thuộc vào renga

nữa, nó trở thành thể thơ độc lập và có tên là haiku (hài cú) (lúc đầu

có tên haikai đến thế kỷ XIX mới có tên gọi haiku). Phần đầu hokku

của bài renga là tiền thân của thơ haiku, như vậy thơ haiku có nguồn

gốc từ tanka và renga.

Thơ haiku phát triển mạnh trong thời Edo (1603–1867). Vào

thời kì này haiku đã mất đi sắc thái hóm hỉnh, trào lộng nguyên thủy

mà thay vào đó là âm hưởng bàng bạc, sâu thẳm của Thiền Tông.

Nghĩa là không còn sự phân biệt giữa người làm thơ và cuộc sống

đang vận hành, giữa bài thơ và cái nằm phía sau ngôn từ. Đó là sự

độc đáo vi diệu của thơ haiku.

2. Nội dung và hình thức nghệ thuật

Haiku là thể thơ ngắn nhất thế giới, mỗi bài thường chỉ có 17

âm tiết (có thể ngắn hoặc dài hơn một vài âm tiết). Trong nguyên

bản tiếng Nhật, 17 âm tiết này thường được viết thành một dòng

nhưng khi phiên âm la-tinh lại ngắt thành 3 dòng 5-7-5. Haiku cổ

điển có niêm luật chặt chẽ. Một bài thơ haiku phải thể hiện được cảm

thức về thời gian qua quý ngữ (kigo). Quý ngữ có thể là từ miêu tả

các mùa xuân, hạ, thu, đông hoặc là các hình ảnh, hoạt động mang

đặc trưng của mùa. Việc dùng quý ngữ chỉ mùa thể hiện sự gắn bó

sâu sắc của người Nhật với thiên nhiên. Người Phù Tang rất nhạy

cảm với bốn mùa, có cảm quan tinh tế về thời tiết, nhất là sự thay đổi

của thiên nhiên. Tuy vậy, thiên nhiên trong thơ haiku thường là

những cảnh vật bình dị, nhỏ bé, tầm thường và dễ bị lãng quên như

chú ếch, con quạ, chú khỉ nhỏ bé, chim đỗ quyên, tiếng ve, đóa hoa

Page 13: Phong Cách Thơ Haiku của Matsuo Basho, Yosa Buson và Kobayashi Issa

10

dại nở bên bờ suối, hòn đá… Hai đề tài nổi bật của haiku là thiên

nhiên và cuộc sống đời thường.

Về phương thức biểu hiện, do một bài thơ chỉ gồm 17 âm tiết

nên các thi sĩ haiku thường bắt đầu từ những điểm nhìn đơn lẻ, chớp

lấy một khoảnh khắc có thần của thực tại, đẩy lên đỉnh điểm của cảm

xúc và sáng tạo theo nguyên lý mùa và tính tương quan hình ảnh.

Trong một bài thơ haiku thường có một hình ảnh lớn (vũ trụ) tương

xứng với một hình ảnh nhỏ (đời thường). Haiku không mô tả cảm

xúc mà chủ yếu ghi lại sự việc xảy ra trước mắt. Nhà thơ ít dùng tính

từ và trạng từ làm hạn chế sự tưởng tượng của người đọc, vì thế,

haiku rất giàu sức gợi. Ở thơ haiku, ta bắt gặp bút pháp của tranh

thủy mặc, thiên về thần thái hơn là đường nét. Kết cấu bỏ lửng của

thơ haiku chính là cái hư không bảng lảng khó nắm bắt của tinh thần

Thiền tông.

3. Quá trình phát triển

Thơ haiku có một quá trình ra đời lâu dài và phát triển thật

mạnh mẽ. Thơ haiku ra đời từ thế kỉ XVI đến thế kỉ XVII, nó đạt tới

đỉnh cao với Basho. Sau Basho còn có rất nhiều nhà thơ đã chọn

haiku làm “con đường” để bước vào trong nghệ thuật, vào trong một

lối sống, vào một “đạo” và mang những triết lí sâu sắc gọi là “hài cú

đạo” (haikudo) hay “haiku no michi”. Đó là các nhà thơ Yosa Buson

(1716–1784), Kobayashi Issa (1762–1827), Masaoka Shiki (1867–

1902), Onitsura (1660–1738), Ryokan … Đối với họ sáng tác thơ

haiku không chỉ là niềm vui mà còn là lối sống. Thơ haiku đến với

họ bằng “con đường”, tức cái đạo mà thơ haiku chứa ở trong nó. Đấy

là con đường sâu thẳm trong cái bình thường giản dị nhất giữa cuộc

đời như Tagore đã từng nói: “Trong vội vã, ta bỏ quên những bông

hoa bên hàng giậu ven đường…”.

Hiện nay, thơ haiku của Nhật Bản đã lan tỏa ra khắp thế giới.

Nhà nghiên cứu Nhật Chiêu đã nhận định: “Nói một cách chừng mực

hơn, thơ haiku mà Basho đã hoàn thiện bằng thiên tài của mình, trở

Page 14: Phong Cách Thơ Haiku của Matsuo Basho, Yosa Buson và Kobayashi Issa

11

nên thể thơ quốc tế trong thế kỉ XX. Bên ngoài Nhật Bản, haiku

chẳng những được nghiên cứu rộng rãi mà còn được các nhà thơ ở

nhiều xứ khác nhau sáng tác bằng tiếng mẹ đẻ của mình, trong đó có

cả Paul Eluard của Pháp, Octavio Paz của Tây Ban Nha và George

Seferis của Hi Lạp”.

Vậy, Thơ haiku bắt đầu hình thành vào thế kỉ XVI, đạt đỉnh cao

ở thế kỉ XVII với Basho. Ngày nay, haiku lan ra thế giới thành một

thể thơ được quốc tế đón nhận.

Page 15: Phong Cách Thơ Haiku của Matsuo Basho, Yosa Buson và Kobayashi Issa

12

CHƯƠNG 2: THƠ HAIKU CỦA NHÀ THƠ MATSUO BASHO

1. Cuộc đời và sự nghiệp cùa nhà thơ Matsuo Basho

1.1 Cuộc đời

Matsuo Basho (松尾芭蕉, 1644–1694), thiền sư thi sĩ lỗi lạc

của thời Edo, ông sinh ngày 16 tháng 12 năm 1644 trong một gia

đình võ sĩ cấp thấp thời Tokugawa (1603–1868), ở thành Ueno thuộc

Iga (nay là huyện Mie), Basho lúc mới ra đời tên là Matsuo Kinsaku

(松尾,金作) lớn lên đổi tên thành Matsuo Munefusa (松尾宗房).

Năm 9 tuổi, ông vào lâu đài Ueno làm tùy tùng cho lãnh chúa và trở

thành bạn thân của Yoshitada, một người lớn hơn ông vài tuổi và là

con của trai của lãnh chúa. Hai người đã cùng nhau vui chơi, học tập

và làm thơ. Người thầy dìu dắt Yoshitada và Basho về thơ haiku là

Kitamura Kigin, nhà thơ và nhà bình thơ lừng danh lúc bấy giờ.

Bài thơ đầu tay của Basho được sáng tác vào năm 1664, lúc đó

Basho vừa 20 tuổi. Trong tập thơ xuất bản ở Kyoto năm 1664, có hai

bài của Basho và một bài của Yoshisada.

Nếu dòng đời cứ yên bình trôi đi thì chắc hẳn Basho đã suốt đời

an phận, lặng lẽ với thân phận một người võ sĩ cấp dưới, thi thoảng

cùng chủ quân nâng chén thưởng nguyệt trong những ngày nhàn hạ.

Ngờ đâu vận đời trớ trêu, Yoshisada chẳng may bị bệnh và mất sớm

khi vừa mới hai mươi lăm tuổi (năm 1666). Số phận trở thành một

Samurai gia truyền tưởng chừng như đã an bài đã tan vỡ theo cái

chết của người chủ ấy và đồng thời để lại một vết hằn đen tối khó

quên.

Sau đó, Basho rời bỏ lâu đài xứ Iga, một nơi đầy kỉ niệm. Ông

đến Kyoto, vừa để tiêu dao những ngày tháng kinh kì nhằm khuây

khỏa vừa để theo đuổi nghiệp thơ. Ông tiếp tục học cổ văn Nhật với

Kigin và ông còn nghiên cứu thêm cổ văn Trung Quốc với một bậc

thầy khác. Ông thường sống trong nhà Kigin hoặc là tá túc trong một

đền chùa.

Page 16: Phong Cách Thơ Haiku của Matsuo Basho, Yosa Buson và Kobayashi Issa

13

Tiếp đó, ông rời kinh đô đến Edo, thủ phủ của chế độ mạc phủ

Tokugawa. Ở Edo, Basho lấy bút hiệu là Tousei (Đào Thanh), ông

luôn tìm cách trau dồi thêm về thi ca, dần dần ông thu nhận môn đệ

và người ái mộ thơ Basho ngày một nhiều.

Năm 1680, Basho xuất bản tập thơ “Hai mươi bài thơ do môn

đệ của Tousei sáng tác độc lập”.

Năm ba mươi bảy tuổi, giữa lúc danh tiếng của Basho đang lan

rộng, nhà thơ đột nhiên quyết định thôi dạy, dọn về sống trong túp

lều tranh ở Fukugawa (Thâm Xuyên) cạnh bờ sông Sumida. Một

môn đệ khá giả là Sampu (Sam Phong) xây cho Thầy mình túp lều

để làm bạn với thiên nhiên. Basho trồng cạnh túp lều một bụi chuối

do môn đệ biếu, người đời gọi túp lều đó là Basho-an, tức Am Ba

Tiêu, và chẳng bao lâu họ gọi chủ nhân của túp lều đó là Basho

Sensei (Ba Tiêu Tiên Sinh). Chủ nhân của túp lều đắc ý với tên gọi

ấy nên đã lấy Basho làm bút hiệu.

Trong khoảng thời gian này, Basho tu tập Thiền dưới sự hướng

dẫn của Thiền sư Buccho (Phật Đỉnh) ở Choukeiji (Trường Khê Tự).

Năm 1682, Edo xảy ra trận hoả hoạn lớn, túp lều tranh của

Basho cũng chìm trong biển lửa , trắng tay giờ lại trắng tay, Basho

trở thành kẻ không nhà. Ý tưởng phiêu bạt chợt bùng dậy trong tâm

trí ông.

Tháng 5 năm 1683, Basho về lại Edo, môn đệ hợp sức dựng lại

cho ông túp lều nhưng giấc mộng hải hồ cứ thôi thúc ông từng ngày.

Mùa Thu năm 1684, Basho bắt đầu cuộc hành trình “gió biển

mây ngàn” của mình. Ông đi đến Thần cung Ise. Sau khi tham bái

ngôi đền nổi tiếng này, ông trở về cố hương viếng mộ mẫu thân.

Chuyến hành hương kế tiếp hướng về Kashima, Basho đến thăm

Thầy cũ của mình là Thiền sư Buccho. Sau đó ông đi ngắm hoa anh

đào ở núi Yoshino.

Page 17: Phong Cách Thơ Haiku của Matsuo Basho, Yosa Buson và Kobayashi Issa

14

Ngay sau chuyến đi ngắn ngày ấy, Basho lại bỏ ra một năm trời

đi lang thang cùng thiên nhiên sông núi. Từ Edo đến bờ biển Suma.

Ông đến Sarashina để chứng kiến mùa trăng ở đỉnh Obasute.

Năm 1689, Basho cùng đệ tử Sora thực hiện chuyến đi nổi tiếng

đó là: hành trình lên miền Oku ở Đông Bắc của đảo Honshu – một

vùng thuở ấy còn hoang sơ, chưa có người khai phá. Basho phiêu bạt

gần ba năm trời, quãng đường ông đi qua hơn 2500 km. Sau chuyến

hành trình, Basho về Kyoto và cố lý sống hai năm. Năm 1691, Basho

trở lại Edo với danh tiếng đạt mức tột đỉnh.

Tâm hồn lãng tử của Basho lúc nào cũng thôi thúc ông dấn

bước vào cuộc hành trình gian nan như người đi tìm Đạo. Năm 1694,

Basho thực hiện chuyến lữ hành cuối cùng đến Otsu (gần hồ Biwa),

rồi ghé qua Kyoto ở lại Rakushisha, sau đó, ông đến Osaka. Vốn đã

tiều tụy, khi ở Osaka ông lại mắc phải chứng tiêu chảy không cách

nào chữa khỏi. Trong những ngày cuối đời, ông viết:

Tabi ni yande Dang dở cuộc hành trình

Yume wa kareno wo Chỉ còn mộng tôi phiêu lãng

Kake meguru Trên những cánh đồng hoang

Và Basho trút hơi thở cuối cùng ngày 12/10/1694, hưởng thọ 51

tuổi. Đến phút cuối cùng của cuộc đời, ông vẫn làm thơ, vẫn chưa

nguôi mộng sông hồ.

1.2. Sự nghiệp sáng tác

Những bước đường phiêu lãng, du hành khắp nơi trên đất nước

là cảm hứng sáng tác gắn liền với khối tác phẩm đồ sộ của Basho.

Những trang bút kí và những bài thơ huyền bí để lại cho hậu thế

là tài sản vô giá. Sau khi nhà thơ mất, một số đệ tử đã tập hợp các bài

thơ của ông thành Basho Shichi Bushu (Ba tiêu thất bộ tập) tức là

bảy tác phẩm. Những tác phẩm của Basho để lại cho đời là:

Ngày Đông (Fuyu no hi, 1684), 5 tập, viết chung với bạn thơ

Du kí lang thang đồng nội (Nozarashi kiko, dã sái kỷ hành,

1685)

Page 18: Phong Cách Thơ Haiku của Matsuo Basho, Yosa Buson và Kobayashi Issa

15

Ngày Xuân (Haru no hi, 1686) viết chung với đồ đệ

Nhật kí hành trình Kashima (Kashima kiko, 1687)

Ghi chép trên chiếc túi hành hương (Oi no kubun, cập chi tiểu

văn, 1688)

Lối lên miền Oku (Oku no hoshomichi, áo chi tế đạo, 1689)

Áo tơi cho khỉ (sarumino, viên thoa, 1691)

2. Phong cách thơ haiku của Matsuo Basho

Haiku là một thể thơ đặc biệt ngắn gọn, xuất phát tự nhiên như

tiếng nói từ tâm đối cảnh trong khoảnh khắc của ngay lúc ấy, trong

đó thời gian và không gian cô đọng lại như khung cảnh hiện thực của

một bức ảnh, vì thế, thơ haiku hàm chứa nhiều nét thi vị Thiền.

Matsuo Basho đã đưa Thiền vào thơ đến mức tuyệt vời, ý thơ của

ông thanh thoát, bàng bạc những ảnh hưởng sâu xa của đạo Phật,

như thơ của một vị Thiền sư. Đó là những vần thơ cao nhã và nhàn

tản u tịch. Do ảnh hưởng của tư tưởng Thiền tông trong nhận thức

cuộc sống nên thơ haiku của Matsu Basho thể hiện những cảm thức

thẩm mỹ khác nhau như là: Sabi, wabi, aware và karumi. Từ những

cảm thức này, Basho đã hình thành phong cách riêng cho mình, được

gọi là Shofu (Tiêu Phong).

2.1. Cảm thức Sabi

Sabi (Tịch) là cảm thức nổi trội của thơ haiku và thể hiện tập

trung nhất tư tưởng của Thiền Tông. Sabi là linh hồn của tịch liêu, là

cảm thức về sự tĩnh mịch sâu xa của sự vật. Sabi là ý thức mỹ học

đầu tiên được phổ biến qua thơ waka của Fujiwara Shunzei (1114–

1204) vào cuối thời Heian và đầu thời Kamakura. Ý thức này được

các nhà thơ sau đó, đặc biệt là Basho, tiếp tục phát triển và định hình.

Trên thực tế, sabi đã trở thành khái niệm căn bản trong thơ Basho.

Cái cô tịch của sabi không phải là sự cô tịch của việc chia rẽ,

tách biệt, phân li. Sabi là cô đơn nhưng là “niềm cô đơn huy hoàng”,

là cảm thức hùng tráng chứ không phải cô đơn cá nhân, không mang

Page 19: Phong Cách Thơ Haiku của Matsuo Basho, Yosa Buson và Kobayashi Issa

16

tính bi lụy. Sabi là vẻ cô tịch, trong sự soi chiếu giữa một cá thể và

toàn thể, giữa một và tất cả. Đó là sự vắng bóng của bản ngã.

Nội dung của sabi không chỉ giới hạn trong sự cô tịch. Đó

không phải là niềm bi thương câm lặng, tịnh thức của bản ngã. Sabi

là cảm thức của sự tĩnh mịch tuyệt đối, khi lòng người lắng xuống

tận đáy kí ức tâm hồn, hiện tại đã hóa hư vô, sự vật nhìn thấy trước

mắt mà cứ ngỡ đã trôi về một miền vô định.

Basho chọn cho mình cuộc đời của một lữ khách phiêu bạt khắp

nơi trên đất nước Nhật Bản. Trong những năm tháng độc hành ngao

du sơn thủy, với một người có lòng hoài cổ, chắc hẳn đã có nhiều lần

ông nhìn thấy những hình ảnh thiên nhiên bình dị trong chiều hôm

hay nghe một tiếng cuốc, một tiếng dế mà nhớ quê da diết.

Con tim khắc khoải mãi mãi đi tìm sự bình an cho tâm hồn, ông

muốn thoát đi thật xa tìm nguồn thi hứng, “theo gương những thiền

sư ngày xưa đã đi hàng ngàn dặm không mang gì theo chỉ cố gắng

đạt được trạng thái hạnh phúc dưới ánh trăng trong sáng”1. Có lẽ vì

thế, trăng là một người bạn đường quen thuộc của ông:

Tsuki kiyoshi Trăng

Yugyou no moteru Một nhà sư

Suna no ue Mang trăng đi qua bãi cát

Bài thơ gợi lên một hình ảnh rất tao nhã của một nhà sư bước đi

trên bãi cát vắng lặng dưới ánh sáng trăng. Tuy nhiên, trăng không

phải đang tỏa sáng soi đường cho người lữ hành mà chính người ấy

đang ung dung mang trăng theo trên bước đường phiêu du của mình.

Nhà sư không chỉ có trăng làm bạn, mà trăng dường như cũng khao

khát trở thành người đồng hành của nhà sư. Người lữ hành cô độc và

ánh trăng lẻ loi trên bãi cát đêm hoang vắng gợi lên một niềm cô liêu,

tịch mịch tận nơi sâu thẳm của tâm hồn, nhưng đó không phải là nỗi

1 Trích từ tác phẩm:Tập ký sự trong tay nải (Oi no Kobumi, 1688) của Matsuo Basho.

Page 20: Phong Cách Thơ Haiku của Matsuo Basho, Yosa Buson và Kobayashi Issa

17

cô đơn u uẩn, xót xa mà là cảm xúc rợn ngợp trước vẻ đẹp dung dị

mà thanh cao về sự hợp nhất của con người và thiên nhiên.

Khi con người để lòng mình lắng sâu đến mức nhìn thấy cái vô

thường trong hữu hạn cuộc đời, có thể cảm nhận bằng các giác quan

cụ thể những thứ không tạo hình, không thanh sắc, lúc ấy, cả tâm

hồn và thể xác như chìm đắm vào sự tĩnh lặng và giao hòa tuyệt đối

với đất trời. Đó là cốt lõi của Thiền. Theo Thiền tông, khi lắng vào

niềm tĩnh tịch thì người ta sẽ lắng nghe được tất cả sự chuyển động

của vạn vật:

Shizuka sa ya Vắng lặng u trầm

Iwa ni shimiiru Thấm sâu vào đá

Semi no koe Tiếng ve ngân

Những hình ảnh trên của bài thơ vẽ nên một khung cảnh heo hút,

đìu hiu bởi tiếng ve kêu khắc khoải. Có gì mỏng manh hơn tiếng một

con ve ở tận sâu trong khu rừng vắng! Không gian yên tĩnh đến mức

thi sĩ có thể nghe thấy tiếng ve thấm sâu vào từng lớp đá, làm run rẩy

linh hồn đá cứng. Thật ra tiếng ve mùa hạ vốn dĩ rất ồn ã. Nhưng với

Basho, tiếng ve mùa hạ kia dường như đã rơi vào hư vô. Vượt lên

trên tất cả những thanh âm ồn ào hỗn độn, tâm hồn thi sĩ đã đạt đến

trạng thái tĩnh lặng hoàn mỹ, và sự yên tĩnh trong tâm hồn đã lan tỏa,

bao trùm lên cảnh vật xung quanh. Trong tiếng ve kêu, nhà thơ bước

vào cõi âm u, nơi mọi vật dung chứa lẫn nhau. Vẫn là tiếng ve ngày

nào, vẫn là đá núi hôm qua và trái tim con người vẫn rộn ràng với

những nhịp đập ngày thường của nó, nhưng không phải ở chốn ồn ào

sôi động mà chính là trong tâm thức, trong cõi tịnh liêu. Dù cuộc đời

có “động” đến đâu thì lòng vẫn “tĩnh”, ấy là Thiền, ấy là sabi.

Vào lúc hoàng hôn, nghe hồi chuông chiêu mộ từ xa vọng lại,

người lữ khách nhạy cảm như Basho tự dưng cảm thấy đâu đây

phảng phất mùi Thiền. Trong buổi xế tà này, đằng phương trời xa

từng đàn chim đang rũ cánh bay về tổ, nhà thơ làm sao không khỏi ý

Page 21: Phong Cách Thơ Haiku của Matsuo Basho, Yosa Buson và Kobayashi Issa

18

thức về thân phận con người? Qua ngọn bút, niềm cô tịch triền miên

ấy biến thành thơ.

Kane kiete Chuông chùa tắt

Hana no kaori ha tsuku Hương hoa phảng phất

Yuube kana Chắc hẳn hoàng hôn

Tâm hồn nhà thơ đã gắn kết, hòa đồng vào vũ trụ, con người

sống đời sống của thiên nhiên, thở hơi thở của tự nhiên. Nếu được

như vậy bất cứ lúc nào con người lặng im nhìn vào tâm tưởng của

chính mình cũng cảm nhận được nhịp điệu, sự rung động của đất trời.

Vì thế giới bên trong và bên ngoài là một, nên thơ của Basho ít khi

thể hiện cảm xúc cá nhân. Chỉ vài nét phác thảo đơn sơ, mộc mạc

cũng làm nổi bật một chiều thu cô tịch và hoang liêu:

Kare eda ni Trên cành khô

Karasu no tomari keri Cánh quạ đậu

Aki no kure Chiều thu

Mùa thu trong bài thơ nhuốm màu tiêu điều, quạnh quẽ, xác xơ

qua hình ảnh “cánh quạ ô trên cành héo hắt”. Giống như một bức

tranh mực Tàu với những nét điểm tinh tế, trầm buồn của chiều thu,

bài thơ vẽ nên một khung cảnh với những chi tiết đối lập, là hiện

thực tạo thành cái sâu thẳm vô hạn nhất của sabi. Cảm nhận về bài

thơ này, Henderson cho rằng: “Ở đây không chỉ đơn giản là phong

cảnh héo úa đậu xuống một chiều thu giống như hình bóng một con

quạ, nó còn là sự tương phản của thân hình đen muội, nhỏ xíu của

con quạ với bóng tối bao la vô định của buổi chiều hôm và với nhiều

điều khác nữa tuỳ người đọc”.

Trong thế giới phồn hoa chốn nhân gian, để lắng nghe được

thanh âm của tự nhiên người ta phải lắng hồn mình đến trạng thái

tuyệt tĩnh của sabi, nơi tâm hồn con người trở thành tấm gương

phẳng lặng soi chiếu vạn vật.

Page 22: Phong Cách Thơ Haiku của Matsuo Basho, Yosa Buson và Kobayashi Issa

19

2.2. Cảm thức Wabi

Wabi (Đà) là một khái niệm của Phật giáo thiền tông, nói đến

sự cảm nghiệm về sự thanh bần an lạc, sự dung dị nhưng thanh cao

của cuộc sống con người và sự vật.

Cơ sở của wabi chính là bắt nguồn từ quan niệm của người

Nhật Bản “Vạn vật hữu linh”. Theo quan niệm đó, sự sống tồn tại

trong mọi thứ bao quanh con người, dù bé nhỏ hay to lớn, vô tri vô

giác hay có ý thức và cảm giác, đều là biểu hiện của sự sống. Nói

cách khác, tư tưởng “Vạn vật hữu linh” chính là thái độ trân trọng

cuộc sống thực tại. Điều này dẫn đến quan niệm chuộng sự cân bằng

hài hòa giữa con người và thiên nhiên, chuộng sự giản dị, thanh khiết,

mộc mạc, gần gũi. Đó cũng chính là cốt lõi của cảm thức wabi. Hay

nói cách khác, đó cũng chính là tinh thần Thiền tông, đưa con người

về với thiên nhiên bình dị, trữ tình, đưa nghệ thuật về với đời thường.

Nếu như sabi là niềm cô tịch soi chiếu tâm hồn với vạn vật thì wabi

là sự hiện hữu của cái đẹp dưới bất kì khoảnh khắc nào, trong bất cứ

sự vật mộc mạc nào của cuộc sống đời thường.

Tokotsubo ni Con bạch tuộc lười

Hakanaki yume wo Mơ màng trong lưới

Natsu no tsuki Trăng mùa hè

Chắc chỉ có Basho mới có con mắt tinh tế và nhạy cảm đến mức

nhìn thấy một con bạch tuộc mắc trong lưới. Nhưng dưới con mắt

của ông, chú bạch tuộc kia thay vì lo lắng cho cuộc sống sắp kết thúc

của mình, chỉ lười biếng, mơ màng thưởng trăng. Quả là một hình

ảnh đầy thi vị và hóm hỉnh. Cả sự sống dường như chỉ đọng trong

khoảnh khắc, con bạch tuộc lười và ánh trăng mùa hạ. Cái bi thương

đã nhường chỗ cho sự thăng hoa của cái đẹp.

Wabi chính là cuộc hội ngộ giữa cái đẹp và tính giản dị, tâm

hồn và thiên nhiên, tính chất phác, mộc mạc và cái sâu thẳm, tuyệt

diệu.

Page 23: Phong Cách Thơ Haiku của Matsuo Basho, Yosa Buson và Kobayashi Issa

20

Thơ Basho hồn hậu, thuần khiết, trong sáng, được tạo thành từ

những điều bình dị nhất của đời sống nhưng mang vẻ đẹp tâm linh

sâu thẳm, dịu vợi. Khi nâng haiku lên sự hoàn thiện của một dòng

thơ tâm linh, Basho đã nâng trong lòng bàn tay bát ngát của mình

những sự vật bình thường nhất của thế gian này.

Basho tìm thấy vẻ đẹp trong cát bụi chứ không dùng cát bụi xây

nên tòa lâu đài thơ ca đẹp đẽ. Ông tìm đến khu vườn cỏ ngát hoa để

làm chốn nghỉ chân:

Vườn cỏ

Chọn hoa nào

Làm gối?

Thật đẹp làm sao khi ta bắt gặp một người lữ hành sau chuyến

hành trình mệt lả, thong dong tìm một chỗ để ngã lưng trong khu

vườn cỏ đầy hoa, nhưng phân vân chẳng biết nên gối đầu lên loài

hoa nào. Cuộc đời bần hàn với cỏ là đệm, bầu trời là chăn và những

bông hoa làm gối ấy sao mà đẹp một cách thanh cao và thoát tục.

Đôi mắt không ngừng tìm kiếm vẻ đẹp cuộc sống của Basho

dường như không bao giờ bỏ qua bất cứ sự vật, hiện tượng nào. Dù

là một cách bướm sặc sỡ rập rờn buổi sớm mai đánh thức cánh đồng

đang say ngủ:

Chou no tobu Con bướm bay

Bakari nonaka no Làm cánh đồng thức dậy

Hikage kana Trời đầy nắng

Basho đều phát hiện và đưa chúng vào các vần thơ đẹp đẽ. Có

lẽ cũng chỉ ông mới thi vị hóa những cành dâu mục, làm cho chúng

có sức sống, có cảm xúc da diết:

Akikaze ni Gió thu

Orete kanashiki Buồn bã làm rơi

Kuwa no tsue Mấy cành dâu mục

Page 24: Phong Cách Thơ Haiku của Matsuo Basho, Yosa Buson và Kobayashi Issa

21

Hồn thơ đa sầu đa cảm của ông nhìn thấy những điều quá đỗi bé

nhỏ và đơn sơ trong cuộc đời vô thường, và ông đồng cảm sâu sắc

với vạn vật:

Yuku haru ya Mùa xuân ra đi

Tori naki uo no Tiếng chim thổn thức

Me wa namida Mắt cá lệ đầy

Nỗi buồn của chim muông hay đôi mắt đẫm lệ của loài cá khi

mùa xuân đang dần qua đi hay cũng chính là nỗi buồn của lòng

người trong thời điểm giao mùa đã được lưu giữ trong những vần thơ

súc tích, đầy nhân bản của thi sĩ Basho.

Con đường dẫn đến cái đẹp không tự nhiên hiển hiện trước

mắt và thi nhân cũng không cố ý kiếm tìm nó. Nó chỉ hiện hữu trong

sự tình cờ, bất chợt, trong vạn vật hữu linh, vừa xa xôi vừa thân

thuộc, vừa vĩ đại vừa bình thường.

Sabi và wabi không phải là hai yếu tố tách biệt mà luôn song

hành cùng nhau trong các sáng tác của Basho nói riêng, và nghệ

thuật Nhật Bản nói chung. Nhưng với sự thể hiện điêu luyện và tinh

tế trong những vần thơ súc tích, mang tính tượng trưng và biểu cảm

cao, Basho đã đưa những quan niệm thẩm mỹ này trở nên gần gũi

với quần chúng hơn bao giờ hết.

2.3. Cảm thức Aware

Cảm thức Aware (Ai) là một khái niệm thuộc phạm trù mỹ học,

xuất hiện khá sớm, được văn chương Nhật sử dụng khá rộng rãi.

Aware gọi đầy đủ là mononoaware, là nỗi buồn của sự vật, là bi cảm,

một cảm thức xao xuyến trước mọi cái đẹp của sự vật. Nó chịu ảnh

hưởng tư tưởng “vô thường” của Phật giáo. Aware còn là cảm thức

thâm trầm trước cái đẹp não lòng của sự vật vì sự vật nào cũng vậy

có lúc rực rỡ, cũng có lúc tàn phai. Từ thế kỷ XI, trong thơ cổ và

trong truyện Genji (Murasaki), nhiều tác giả đã nói đến Aware.

Page 25: Phong Cách Thơ Haiku của Matsuo Basho, Yosa Buson và Kobayashi Issa

22

Aware là niềm bi cảm, xao xuyến trước mọi vẻ đẹp não nùng

của sự vật. Nhưng nó không nghiêng về cái bi lụy ngông cuồng của

lãng mạn hay nỗi bi tráng ngây ngất của bi kịch mà aware là một bi

cảm thâm trầm.

Đối với người Nhật, sự rơi rụng hay tàn héo của một bông hoa

đẹp hơn khi nó ở trạng thái bung nở, một âm thanh mơ hồ hay hơn

khi nó rõ ràng, vầng trăng bị mây che khuất một phần quyến rũ hơn

một vầng trăng tròn đầy viên mãn. Họ đánh giá cao những gì ở trạng

thái ban sơ, tinh khôi, không tồn tại lâu dài và không thể chạm tới.

Đó là cái Đẹp mong manh thấm đượm cảm thức vô thường của Phật

giáo.

Bài thơ sau của Basho là một ví dụ:

Yagate shinu Cái chết gần kề

Keshiki wa miyezu Mặc ai hay biết

Semi no koye Vẫn hoài tiếng ve

Đấy là xúc cảm trước cái đẹp của tiếng ve ngân vang điệp khúc

mùa hè. Tiếng ve tượng trưng cho sự sống. Còn cái chết sắp đến với

ve không là bi kịch mà đó là điều tự nhiên của sự sống và cái chết.

Khoảnh khắc sống và chết không là gì cả, là “vô thường”. Bi cảm

aware là thế đấy. Vì vậy, con người sống trên đời này cũng chỉ là hư

ảo, giữa sự sống và cái chết cũng không có gì phải bận tâm, nhẹ tựa

lông hồng. Trước cái chết của người bạn thân, Basho viết :

Iru tsuki no Trăng rơi rụng

Ato ha tsukue no Bốn gốc bàn quen thuộc

Yosu mi kana Còn lại mà thôi

Sự ra đi của người bạn thân là sự mất mát quá lớn nhưng nhà

thơ không hề nói đến từ “chết”, mà dùng những hình ảnh quen thuộc

để chỉ sự ra đi của bạn. Như vậy, đây là khúc ca bi ai về cái chết của

một người bạn. Ánh trăng đã rụng tức là đang nói đến cái chết nhưng

bốn gốc bàn quen thuộc vẫn còn hiện hữu nơi gốc nhà, tựa như tất cả

về người bạn ấy vẫn còn nơi thế gian. Đây không phải là bi kịch của

Page 26: Phong Cách Thơ Haiku của Matsuo Basho, Yosa Buson và Kobayashi Issa

23

con người mà là sự cảm nhận của nhà thơ về sự sống và cái chết

cũng đơn giản, bình dị như bốn gốc bàn. Trong cuộc đời, còn – mất,

được – không, con người ra đi – sự vật ở lại...tất cả chỉ là niềm bi

cảm của con người.

2.4. Cảm thức Karumi

Karumi (Khinh) bắt nguồn từ chữ karushi, nghĩa là nhẹ nhàng,

thanh thoát. Nó dung hợp giữa tính chân phương trong phong cách

và sự tinh tế trong nội dung. Karumi được nói đến như một phong

thái ung dung, tự tại. Đó còn là một niềm khinh thanh êm đềm bay

lượn giữa tro than và cát bụi trần gian. Chính tâm thế đó đã tạo nên ở

các thi sĩ haiku có cái nhìn rất hiện thực khi phản ánh cuộc sống và

thấy được vẻ đẹp của con người và sự vật dẫu cho nó bé nhỏ và

tưởng chừng như bị quên lãng. Basho nói về karumi trong thơ mình

ở cuối đời như một phong thái ung dung tự tại. Một bông hoa mới nở

cũng làm ta ngất ngây:

Kiku no hana Mong manh mong manh

Saku ya ishiya no Một nhành hoa cúc

ishi no ai Vừa đơm nụ vàng

Hay một đóa phù dung cũng góp phần tạo nên hương sắc của

mùa:

Kirisame no Mưa mù sương

Sora wo fuyou no Phù dung một đoá

Tenki kana Làm mùa lên hương

Ta cùng ngồi với Basho trong túp lều ở Fubagawa vào buổi

chiều mùa xuân. Những áng mây do hoa anh đào kết thành bồng

bềnh mơ ảo ở cả hai nơi Ueno và Asakusa:

Hana no kumo Hoa đào như áng mây xa

Kane wa Ueno ka Chuông đền Ueno vang vọng

Asakusa ka Hay đền Asakusa

Tiếng chuông vọng đến, có cần gì biết nó phát ra từ ngôi đền

nào. Hoa thì mờ ảo như mây, tiếng chuông thì mơ hồ trong gió.

Page 27: Phong Cách Thơ Haiku của Matsuo Basho, Yosa Buson và Kobayashi Issa

24

Haiku cố gắng diễn tả cái không rõ, cái không thể diễn tả. Nó được

phản ánh đậm nét qua bài thơ:

Yoku mireba Khi nhìn kỹ

Nazuna hana saku Tôi thấy nazuna nở hoa

Kakine kana Bên hàng giậu

Nazuna là loài hoa mọc bên vệ đường, giống như loài hoa dại.

Khóm hoa màu trắng, không rực rỡ như hoa hồng, hoa cúc, thường

nở bên bờ rào nhũn nhặn, có mấy ai đoái hoài nghĩ đến. Thế nhưng,

nhà thơ Basho không chỉ để ý đến loài hoa bé nhỏ ấy mà còn chăm

chú nhìn, biểu lộ một niềm ngạc nhiên, hân hoan trước sự vật. Đó là

đối với những loài hoa nhỏ bé, còn đối với những phận đời cơ cực

trong xã hội, nhà thơ Basho viết:

Shidu no ko ya Em bé nhọc nhằn

Inesuri kakete Trong khi xay gạo

Tsuki wo miru Vẫn nhìn lên trăng

Cuộc sống biết bao lo toan, nhọc nhằn cũng không làm mất đi

sự thi vị, lãng mạn. Em bé cơ cực là vậy nhưng tâm hồn em vẫn trải

rộng cùng thiên nhiên, cùng ánh trăng trong đêm yên tĩnh, thanh

vắng, chỉ còn một mình trăng là vẫn dõi theo khi em bé làm việc.

Tâm hồn trong sáng, thuần khiết của em bé sẽ giúp em vượt qua mọi

sự ô trọc, nhơ nhuốc của cuộc đời để hướng tới cái tốt lành, thánh

thiện.

Và vào mùa xuân, khi những cánh hoa anh đào vương vãi

khắp nơi theo làn gió, “đọng” vào bữa ăn khiến cho cả người và thức

ăn đều thấm một màu hồng của anh đào:

Ki no moto ni Dưới cây lao xao

Shiru mo namasu mo Chén canh, đĩa cá

Sakura kana Đều vương anh đào

Nhà thơ đã mô tả một bức tranh đơn sơ, mộc mạc và thanh bần

của một bữa cơm đạm bạc nhưng chính những cánh anh đào vương

vào chén canh, đĩa cá làm cho “bữa tiệc hoa” trở nên thú vị, nên thơ.

Page 28: Phong Cách Thơ Haiku của Matsuo Basho, Yosa Buson và Kobayashi Issa

25

Phát hiện từ trong những cái bình thường, cái đẹp bình dị, thể

hiện ý nghĩa nhân sinh cao thượng cũng là một cảm thức mang tính

karumi. Con người phải biết chiêm ngưỡng cái đẹp để vơi đi những

khổ đau nhọc nhằn của cuộc sống phức tạp, bề bộn thường ngày.

Đến các loài chim muông, ong bướm cũng không lãng quên cái đẹp:

Aki wo tate Bươm bướm cũng nhận ra

Chou mo nameru Một bông hoa chớm nở

Kiku no tsuyu Bên trời mùa thu

Karumi thường mang đến cho người đọc những cảm thức nhẹ

nhàng, thanh thoát thông qua những khám phá xung quanh đời

thường. Trong cuộc sống, con người bị cuốn hút vào vòng danh lợi,

đam mê danh vọng mà quên mất những cảm xúc lãng mạn và những

phút giây thần tiên, thăng hoa của cuộc đời.

Page 29: Phong Cách Thơ Haiku của Matsuo Basho, Yosa Buson và Kobayashi Issa

26

CHƯƠNG 3: THƠ HAIKU CỦA NHÀ THƠ YOSA BUSON

1. Cuộc đời và sự nghiệp của nhà thơ Yosa Buson

1.1. Cuộc đời

Sau khi Basho mất, thơ haiku được phổ biến trong quần chúng

nhân dân nhưng chất lượng dần trở nên thấp kém. Nó mất dần tính

chất văn chương và người làm thơ để vụ lợi cầu danh thì nhiều.

Trước bối cảnh đó, trong làng thơ ca Nhật Bản xuất hiện một người

tự nhận lấy trọng trách phục hưng thơ haiku, đưa thơ haiku trở lại

với ánh sáng vốn dĩ của nó, người đó là nhà thơ: Yosa Buson.

Yosa Buson (与謝蕪村, 1716 – 1784), tên thật là Taniguchi

Buson, sinh năm 1716 ở làng Kema, tỉnh Settsu (Nhiếp Tân), ngoại ô

thành Osaka. Ông là thi sĩ và hoạ sĩ nổi tiếng trong thời Edo, ông

sinh sau Basho một thế kỷ và là người có công đầu trong việc đưa

haiku ra khỏi sự suy đồi mà nó rơi phải sau khi mất Basho. Buson

còn mang đến cho haiku màu sắc lãng mạn mà trong thơ Basho còn

thiếu. Người ta biết đến ông chủ yếu như một họa sĩ, và do là họa sĩ,

thơ ông mang nhiều hình ảnh với những nét chấm phá độc đáo. Có

thể ví ông như Vương Duy2 của Trung Quốc đời Đường.

Năm 20 tuổi, Buson đến Edo học làm thơ và hội hoạ dưới sự

chỉ dẫn của nhà thơ Hayano Hajin (1677–1742) hiệu Yahantei, một

nhà thơ có khuynh hướng chống lại những tệ nạn đương thời. Tại

đây, Buson còn được tiếp thu tinh hoa của thể thơ haiku truyền thống

dưới sự chỉ dẫn cùa nhà thơ Hattori Ransetsu và Takarai Kikaku.

Lúc đó, Buson lấy hiệu là Saicho, ông đào luyện nhiều môn đệ, trong

số đó có các cao đồ Yoshiwake, Takai Kito,…

Sau khi Thầy Hajin mất, ông đổi hiệu là Buson (1744). Buson

chuyển đến sống khá lâu ở Yuki, một vùng ở phía Bắc Edo. Tại đây,

ông dành ra thời gian cho việc vẽ tranh, luyện thơ haiku và viết tác

phẩm: Thương tiếc Hokuji Rosen (Hokuji Rosen wo itamu). Sau đó, 2 Vương Duy (701-761), là người thuộc tỉnh Sơn Tây, Trung Quốc. Ông là một nhà thơ, họa sĩ và là một chính khách nổi tiếng đời Đường. Ông được người đời gọi là Thi Phật, cùng với Lý Bạch (Thi Tiên) và Đỗ Phủ (Thi Thánh).

Page 30: Phong Cách Thơ Haiku của Matsuo Basho, Yosa Buson và Kobayashi Issa

27

men theo những địa danh trong quyển nhật kí hành trình nổi tiếng

“Lối lên miền Oku” của Basho, Buson đã thực hiện những chuyến đi

lên vùng Đông Bắc và vùng Kanto Nhật Bản.

Đến cuối năm 1750, Buson đến Kyoto, ông hoạt động văn thơ

trong thi đàn của nhà thơ Mochizuki Sooku (1688–1766), đồng thời

ông cũng vẽ tranh theo phong cách thuỷ mặc của Trung Quốc.

Năm 45 tuổi, Buson lấy vợ và ông có một người con gái tên là

Kuno.

Năm 1770, lúc đó Buson 55 tuổi, ông nối nghiệp thầy Hajin lấy

hiệu là Yahantei Nhị thế và làm chủ một thi đàn. Buson chịu ảnh

hưởng của Hán thi và lý luận Bunjinga3 nên ông đề xướng thoát tục

luận, đặt trọng tâm vào những sáng tác lãng mạn có phong vị cổ điển

nhưng đem lại cảm giác thanh tân. Với sự giúp đỡ đắc lực từ hai nhà

thơ Tan Taigi và Kuroyanagi Shoha, Buson đã làm sống dậy tâm hồn

thơ nguyên thuỷ của haiku – tâm hồn Basho, hay còn gọi là “Sự trở

lại của Basho”.

Năm 1772, Buson ra mắt tập thơ đầu tiên.

Năm 1776, Buson thành lập một câu lạc bộ thi ca, nơi đây được

xem như là “Ba Tiêu Am” thời Buson. Các nhà thơ tập hợp lại cùng

nhau sáng tác và bàn luận nhằm phục hưng tinh hoa trong thơ haiku

của Basho, họ luôn tôn trọng và xem Bahso như là một vị thánh thơ

haiku. Basho là khuôn mẫu, là mực thước cho Buson và các nhà thơ

khác trong phong cách sáng tác.

Buson đọc rất nhiều kinh thư và nghiên cứu phong cách khác

nhau của các tác phẩm thơ ca trong Nhật Bản và Trung Quốc. Đồng

thời, vì Buson vừa là một nhà thơ vừa là hoạ sĩ nên trong phong cách

thơ ông có sự đan xen, dung hợp, tác động lẫn nhau giữa thi ca và

hội hoạ. Khác với khuynh hướng chủ quan của Basho, Buson đứng

ngoài nhìn với con mắt hoạ gia, diễn tả sự vật một cách hoa lệ và 3 Bunjinga (Văn Nhân Họa) tức lý luận xem hội họa là một tài nghệ mà văn nhân cần phải có (theo Đổng Kỳ Xương, họa phái Nam Tông cuối đời Minh). Tư tưởng này phổ biến ở Nhật Bản thời Edo.

Page 31: Phong Cách Thơ Haiku của Matsuo Basho, Yosa Buson và Kobayashi Issa

28

lãng mạn. Trong thơ của ông luôn giàu hình ảnh trữ tình, nhạy cảm

với cảnh sắc vẻ đẹp của thiên nhiên. Buson đã dung nạp, hấp thu

nhiều phong cách từ Trung Quốc, nhưng cuối cùng, ông vẫn tạo ra

cho mình một phong cách thật riêng, thật đặc trưng mà không nhầm

lẫn ở bất kỳ nhà thơ nào. Cùng với Matsu Basho và Kobayashi Issa,

Buson được xem là một trong những nhà thơ vĩ đại nhất của Nhật

Bản thời Edo.

1.2. Sự nghiệp sáng tác

Tuy Buson không phải là người “phá rừng mở núi” để đưa

haiku lên hàng nghệ thuật cao quí, nhưng ông có công “dọn dẹp gai

cỏ” để haiku được tỏa sáng như thuở ban đầu. Buson đã sáng tác hơn

3000 bài thơ, gần phân nửa là tranh thơ với chủ trương người nghệ sĩ

phải có tai nghe thính nhạy, mắt nhìn thông suốt và một tâm cảm sâu

đậm để ghi nhận và diễn đạt.

Những tác phẩm tiêu biểu:

Thơ

Thương tiếc Hokuji Rosen (Hokuji Rosen wo itamu, 1745)

Vó ngựa gió Xuân ( Shunpuu Batei no Kyoku, 1777)

Khúc hát sông Yodo (Denga Ka, 1777)

Tranh

Vui thú cảnh mùa hè, mười thuận lợi và mười thú vui của đời

sống nông thôn , cao 17,8 cm (Album Tranh)

Mưa tuyết buổi chiều, dài 128,6 cm (Tranh cuộn treo tường)

Chân dung Baho

2. Phong cách thơ haiku của Yosa Buson

Nhà thơ Buson đến với thơ haiku như một duyên tiền định, ông

đã thổi một làn gió mới vào thơ haiku, làn gió ấy mang màu sắc của

ngàn hoa, của những vẻ đẹp mĩ miều, quyến rũ về mùa xuân. Buson

có một gia tài thơ đồ sồ về mùa xuân với hơn 2000 bài thơ. Điều đó

đã đưa ông lên vị trí “nhà thơ của mùa xuân” trên thi đàn Nhật Bản.

Page 32: Phong Cách Thơ Haiku của Matsuo Basho, Yosa Buson và Kobayashi Issa

29

Không nhiều người thành tựu một lượt hai nghệ thuật thơ ca và

hội hoạ đến mức kỳ tài như Yosa Buson. Ông đã kết hợp nhuần

nhuyễn giữa tính chất biểu hiện của hội hoạ và chất gợi tưởng của thi

ca để tạo ra những vần thơ mùa xuân tinh tế và tài hoa:

Nanohana ya Đồng cải nở hoa vàng

Tsuki ha higashi ni Phương Tây mặt trời lặn

Hi ha nishi ni Phương Đông vầng trăng lên

Những bông hoa cải nở vàng ươm như trải một tấm thảm vàng

trên khắp cánh đồng, báo hiệu mùa xuân đã về. Trên cánh đồng vàng

rực mùa xuân ấy, những con người lao động vẫn ngày đêm miệt mài,

chăm bón, vun xới cho mùa bội thu sắp tới. Ở phương trời phía bên

kia quả đất xa xôi, mùa xuân cũng chảy tràn khắp nẻo, ở hai phương

trời của hai thiên thể đẹp đẽ, tất cả là mùa xuân phong nhiêu, là

tháng ngày bắt đầu của vòng quay mới.

Thơ về mùa xuân của Buson đẹp lắm, ẩn chứa trong đó là

những quan niệm nhân sinh thấm đẫm tinh thần nhân văn của một

tâm hồn yêu thiên nhiên, yêu cuộc sống sâu sắc.

Mùa xuân hiện lên trong thơ Buson với những khoảnh khắc

bừng sáng của cảm xúc, ẩn chứa trong từng âm tiết thơ đầy rung

động:

Samushiro wo Trải chiếu trên cánh đồng

Hata ni shiite Ta ngồi ngắm

Umemi kana Vườn mận nở hoa

Nếu như đại thi hào dân tộc Nguyễn Du dùng hình ảnh hoa lê

để gợi mở mùa xuân, để tạo một gam màu chủ điểm cho bức tranh

xuân qua câu:

Cỏ non xanh rợn chân trời

Cành lê trắng điểm một vài bông hoa

(Truyện Kiều)

thì ở đây, ta cũng bắt gặp một bức tranh xuân do Buson vẽ ra, cũng

với gam màu trắng, cũng xuất hiện một loài hoa, nhưng hoa ấy

Page 33: Phong Cách Thơ Haiku của Matsuo Basho, Yosa Buson và Kobayashi Issa

30

không phải hoa lê mà là hoa mận. Vườn mận nở hoa trở thành tín

hiệu nổi bật trong bức tranh xuân. Đó không phải là tín hiệu động mà

rất tĩnh, tĩnh lặng nhưng khuấy động được cảm xúc của người đọc về

cái xốn xang của thời gian.

Đó là một bức tranh xuân bình yên thư thả, dạt dào sức sống

trong bầu không khí trong lành, thanh thoát. Cánh đồng trở thành sân

khấu cho cuộc thưởng ngoạn mùa xuân. Cả con người và cảnh vật

đều dung dị, thanh thản trong khoảnh khắc xuân sang ấy. Con người

xuất hiện trong bài thơ thật an nhiên tự tại như đang hòa mình vào

khoảnh khắc của đất trời. Tất cả như hòa thành một trong giờ phút ấy,

tâm trí của con người đang hòa với vẻ đẹp của thiên nhiên để cảm

nhận hơi thở cuộc sống.

Buson thường sử dụng những hình ảnh bình dị như thế để miêu

tả những bức tranh xuân của mình. Không cần hoa mỹ, phô trương,

chỉ cần những điều nhỏ bé, đơn sơ nhưng thể hiện tầm vóc của cảm

xúc, những rung động tinh tế của tâm hồn được khám phá thông qua

cảnh vật:

Trong ngôi chùa cổ

Hoa đào nở

Người đàn ông đập lúa

Nhịp đập của mùa xuân được tác giả bắt nhịp thông qua hành

động của thiên nhiên và con người: hoa nở và người đập lúa. Có một

sự kết hợp hài hòa giữa ba hình ảnh: ngôi chùa cổ, hoa anh đào và

người đàn ông trong khung cảnh mùa xuân ấy. Nó được thể hiện ở

ba nấc thang của không gian: trên cao, lưng chừng và dưới thấp. Ở

mỗi nấc thang đều có một chủ thể riêng, nhưng tất cả lại được một

chủ thể lớn hơn bao bọc, đó là mùa xuân. Ta thấy được mùa xuân

trong thơ Buson chuyển mình từ tất cả những vận động của vũ trụ,

con người. Bài thơ sau cũng nói lên điều đó:

Page 34: Phong Cách Thơ Haiku của Matsuo Basho, Yosa Buson và Kobayashi Issa

31

Akindo wo Con chó

Hoyuru inu ari Sủa người bán hàng rong

Momo no hana Hoa đào nở rộ

Con đường làng ngày nào với tiếng chó sủa thân quen hôm nay

bỗng dưng đẹp lạ thường. Người bán hàng rong phải dồn bước

nhanh hơn vì xuân đã về, họ phải cố bán nhanh để kịp sắm cho đàn

con những bộ quần áo mới. Ngỡ rằng sự “chênh nhịp” này sẽ làm

cho bài thơ khập khiễng nhưng chủ ý của tác giả là vậy. Mùa xuân

trong thơ của Buson là thế đấy.

Một khung cảnh mùa xuân khác cũng được nhà thơ Buson vẽ

ra :

Cành hoa đào đơn sơ

Buổi sáng mai đẹp trời

Trang điểm một hồ sâu

Dẫu bình dị nhưng mùa xuân trong bức tranh này cũng đầy uy

nghiêm, cổ kính và cũng rất gợi ý, gợi tình. Cái đẹp bắt nguồn từ sự

hòa quyện khéo léo của hoa đào, buổi sáng tinh sương và mặt hồ yên

tĩnh. Một khung cảnh thơ mộng hiện ra trước mắt với những cánh

hoa anh đào lả tả rơi xuống mặt hồ, điểm tô cho không gian yên bình

ấy đầy màu sắc. Mặt hồ trở thành một chiếc gương khổng lồ phản

chiếu toàn bộ cảnh vật, như vậy cái đẹp được nhân đôi. Bài thơ là

một sự phát triển thuần nhất về không gian và thời gian. Tất cả nằm

trong một chiều tiến lên theo sự thay đổi của tạo vật. Một cái đẹp

hoàn mỹ xuất phát từ một cành đào đơn sơ. Hơn nữa, cảnh vật cũng

nhận được sự ủng hộ của buổi sáng tinh sương và mặt hồ phẳng lặng

nên nghiễm nhiên tạo thành một không gian đẹp, một bức tranh toàn

bích.

Chỉ cần một cành đào nhỏ nhoi thôi cũng đủ mang khí xuân về

với mọi người. Hoa anh đào trở thành người đưa tin trong thơ haiku,

nó được nhiều nhà thơ haiku sử dụng để chuyển tải ý thức về mùa.

Page 35: Phong Cách Thơ Haiku của Matsuo Basho, Yosa Buson và Kobayashi Issa

32

Ngoài ra, mùa xuân trong thơ haiku của Buson cũng là mùa của

tình yêu, hạnh phúc, mùa của những xúc cảm dịu vợi trong trái tim

con người. Mỗi khoảnh khắc của mùa xuân là mỗi khoảnh khắc của

thời gian thổn thức, của phút giây trái tim thi nhân loạn nhịp, của

những âm vang cuộc sống muôn màu trong khúc hát hoan ca:

Harusame ya Mưa xuân lất phất

Monogatari yuku Bên nhau đôi bóng

Mino to kasa Ô và áo tơi

Nhà thơ Buson khắc hoạ khung cảnh mùa xuân bằng hình ảnh

đầy thi vị của đôi tình nhân dìu nhau dưới cơn mưa xuân lãng mạn.

Cơn mưa là chiếc cầu nối, là chứng nhân cho tình yêu của hai tâm

hồn đồng điệu, là chất xúc tác để đưa hai người đến với nhau. Đó là

cái nhìn có tính nhân bản của nhà thơ. Con người hòa vào thiên

nhiên, thiên nhiên ôm lấy con người trong khúc ca hòa điệu của tình

yêu lãng mạn.

Buson vẫn thường đưa những cảm xúc lãng mạn vào thơ như

vậy. Bằng những nét chấm phá độc đáo, ông như đang vẽ nên những

bức tranh bằng thơ và giúp nó hiện rõ trước mắt người đọc. Buson

muốn dùng tiếng đời thường để xa rời cõi thường bằng phương pháp

mà ông gọi là “ly tục pháp”, nhưng nó không hề xa rời thực tại mà

luôn gắn với chủ thể cuộc sống, gắn với những con người trần thế,

xin trích một bài thơ trong tập “Vó ngựa gió xuân” như sau:

Haru kaze ya Gió mùa xuân

Tsutsumi nagou shite Con đê dài

Ie toi shi Nhà còn xa xăm

Mùa xuân là mùa để những người xa quê hương có dịp nhớ lại

và là thời khắc thích hợp để họ trở về thăm quê. Những người con

khi xa quê ai cũng đau đáu trong lòng những nỗi hoài niệm, nhớ

thương về nơi “chôn nhau cắt rốn”, đặc biệt lúc nhìn thấy hoa anh

đào rơi trong gió báo hiệu mùa xuân đã về thì nỗi niếm ấy lại dâng

lên dằn vặt. Hiểu được nỗi lòng đó, khi nhìn thấy dáng dấp của một

Page 36: Phong Cách Thơ Haiku của Matsuo Basho, Yosa Buson và Kobayashi Issa

33

người phụ nữ đang đi trên con đê Nagara dài thượt để về quê, Buson

liền đặt bút viết hộ cho người phụ nữ này đôi dòng tâm sự.

Ở một bài thơ khác, Buson cũng viết về những con người trần

thế, viết về mối quan hệ hài hòa hai chiều giữa con người và thiên

nhiên:

Ume saite Hoa mơ tưng bừng

Obi kafu muro no Bên lầu, du nữ

Yuujo kana Mua sắm đai lưng

Mùa xuân đến khiến lòng người phơi phới, nôn nao chờ đợi.

Con người cũng hòa theo mùa xuân, hoa mơ nở cũng chính là lúc các

du nữ sắm sửa, trang điểm cho mình. Đây là khoảnh khắc mà đất trời

và lòng người đều thay đổi.

Hai đối tượng thẩm mỹ là “hoa” và “du nữ” đều nằm trong cùng

một trường biểu hiện cái đẹp. Do đó, nếu xét về mặt hình tượng của

bài thơ thì hai hình ảnh trên đồng cấp độ. Đó là mối quan hệ hài hòa

giữa cái đẹp tinh thần kết hợp với cái đẹp về thể chất. Chính những

mối quan hệ hai chiều hài hòa như vậy đã làm cho thơ haiku của

Buson có một sức sống mãnh liệt.

Cái thần của mùa xuân được Buson nắm bắt trong tất cả những

biến chuyển của đời sống. Từ cánh hoa đào đơn sơ đến hình ảnh

người nông dân đạp lúa, từ ngôi chùa cổ kính đến du nữ, từ con chim

trĩ cho đến đỉnh núi...Tất cả đều được Buson ưu ái, khoác cho tấm áo

thi ca để bước vào thơ ông làm nên những khúc nhạc xuân bất tử:

Yama dori no Chim trĩ

O wo fumu haru no Trải đuôi

iri hi kana Xuân chiều tà

Hay

Zeni katte Đỉnh Yoshino

Hairu ya Yoshino no Nuốt vào mây trắng

Yamazakura Thở ra hoa đào

Có lúc khoảnh khắc hoa rơi cũng làm nên điều tuyệt diệu:

Page 37: Phong Cách Thơ Haiku của Matsuo Basho, Yosa Buson và Kobayashi Issa

34

Trong giông bão

Áo rơm người chèo chống

Hoá áo anh đào

Những vần thơ haiku về mùa xuân của Yosa Buson đã thể hiện

một tâm hồn tinh tế và nhạy cảm trước vẻ đẹp của thiên nhiên. Sự tài

hoa kết hợp với những rung động huyền dịu trong tận sâu tâm hồn đã

giúp Buson vẽ nên nhưng bức tranh xuân nhiều màu sắc và cuốn hút

bằng thơ haiku. Đó là những bức tranh lột tả chân thật, hiện hữu

trong cuộc sống đời thường nhưng cũng không kém phần thi vị, lãng

mạn. Ai đã từng náo nức chờ xuân, đã từng vui vẻ với những phút

giây xuân thì chắc hẳn cũng từng tiếc nuối khi mùa xuân dần trôi qua.

“Ông hoàng thơ Tình” Xuân Diệu đã từng giật mình thốt lên ngậm

ngùi rằng:

Xuân đang đến nghĩa là xuân đang qua

Xuân còn non nghĩa là xuân sẽ già

(Vội vàng)

Ở hai đất nước cách xa vạn dặm nhưng cả Buson và Xuân Diệu

cùng có chung nỗi niềm, một nỗi niềm luyến tiếc không muốn xuân

qua, nhưng đó vốn dĩ là quy luật của tự nhiên nên đành phải hòa theo

vòng chu chuyển của đất trời. Buson viết:

Kari ittei Đàn nhạn đi rồi

Kadota mo tooku Cánh đồng trước cửa

Omoharuru Dường như xa xôi

Cánh nhạn mang mùa xuân về cùng với mọi người thì chính

cánh nhạn cũng là dấu hiệu báo cho nhân sinh biết rằng: “xuân đã

qua rồi”. Sự vắng bóng của chúng trước cánh đồng khiến cho cảnh

vật trở nên lẻ loi, yên ắng lạ thường.

Buson không cần miêu tả nhiều, bằng cách đưa ra hai hình ảnh

thân thuộc mà ông đã khơi gợi trong lòng độc giả sự ngậm ngùi, tiếc

nuối trong những ngày tàn xuân. Như đưa tiễn mùa xuân, trời cũng

Page 38: Phong Cách Thơ Haiku của Matsuo Basho, Yosa Buson và Kobayashi Issa

35

đổ mưa, khiến cho cõi lòng con người càng thêm nặng trĩu. Buson

lắm lúc cũng thừa nhận rằng:

Mưa xuân thật tuyệt

Thế mà buồn, rất buồn

Không đủ lời để nói

Xuân đến, xuân đi, xuân để rơi trên đường đi của mình những

nỗi khắc khoải, luyến lưu của nhân thế. Dẫu có giữ được những cánh

nhạn nhưng xuân vẫn cứ vô tình qua đi, dòng đời vẫn cứ trôi chảy,

bởi vì đó là quy luật vĩnh hằng của vũ trụ. Nhưng giá trị thật sự mà

mùa xuân muốn nhắn gửi đến nhân sinh là hãy trân quý những tháng

ngày được sống, nhận ra thế gian này là vô thường và hãy để cho cõi

lòng tự do rung động trước vẻ đẹp của thiên nhiên, của cuộc sống.

Yosa Buson nhìn mùa xuân ở nhiều góc độ, khía cạnh khác

nhau. Dù đứng ở điểm nào thì ông cũng chọn cho mình những bố

cục, gam màu rất phù hợp cho từng bức tranh xuân. Ở từng khung

cảnh, mùa xuân hiện ra bằng nhiều tín hiệu:

Bước qua vũng nông

Bàn chân cô gái

Vẩn bùn lên nước xuân trong

Hẳn đã có sự trách móc nhẹ nhàng của Buson đối với cô gái.

Nàng đã cố ý hay không cẩn thận làm vẩn đục làn nước mùa xuân

của tác giả. Đừng trách hờn cô gái, chính mưa mùa xuân đã rải

những hạt nước khắp nơi và cô gái vô tình chạm trúng đấy chứ.

Nếu Buson là một đạo diễn, thì trong trường hợp này ông đã

hướng ống quay về một khung cảnh tầm thường để xây dựng hình

tượng về cái đẹp. Những cảnh quay tưởng chừng như đã nhoè màu vì

bước chân vấy bẩn nước của cô gái, “đạo diễn” tưởng chừng như đã

thất vọng vì điều đó. Nhưng thật ra, bức tranh xuân vẫn giữ nguyên

giá trị. Hành động nghịch chiều thẩm mỹ của cô gái không hẳn phá

vỡ đi cái đẹp của bức tranh, duy chỉ có điều, nhà thơ đã phát hiện ra

Page 39: Phong Cách Thơ Haiku của Matsuo Basho, Yosa Buson và Kobayashi Issa

36

nó từ chiều đối lập với cái đẹp mà thôi. Đôi khi, Buson cảm thấy xót

xa cho những cái đẹp kiểu như vậy:

Hi kururu ni Hoàng hôn

Kiji utsu haru no Tiếng bắn chim trĩ vang dội

Yamabe kana Trên triền núi xuân

Âm điệu của bài thơ bàng bạc chất cay nghiệt vì cái đẹp của bài

thơ được xây dựng từ sự hủy diệt. Hoàng hôn đang phủ xuống triền

núi xuân là một khung cảnh tuyệt đẹp, an bình rồi, cớ sao nhà thơ lại

thêm vào những âm thanh từ các cuộc săn bắn như vậy. Âm thanh ấy

như xé nát cả bầu trời đang thơ mộng thành nhiều mảnh, độc giả cảm

thấy chính trái tim của nhà thơ cũng bị vỡ tan tành trước khung cảnh

như thế. Con người đang tạo lập cái đẹp hay tàn phá nó? Nhà thơ

cũng đượm buồn về bản chất của cuộc sống. Sinh tồn và hoại diệt cứ

diễn ra từng phút từng giây trên cõi đời này. Đó chính là một cái

nhìn có tính triết học cũng như đẫm chất nhân văn của Yosa Buson.

Thơ haiku về mùa xuân của Buson không chỉ là những khoảnh

khắc bừng sáng của thiên nhiên mà ẩn hiện trong đó là sự rung cảm

tinh tế và huyền diệu trong tâm hồn nhà thơ. Con người chính là chủ

thể trong những bài thơ mùa xuân của Buson. Đó là những đối tượng

thẩm mỹ hết sức nhân bản, cái đẹp thể hiện trong sự hòa phối nhịp

nhàng giữa con người và thiên nhiên.

Yosa Buson đã đem đến cho haiku những gam màu mới, lãng

mạn, quyến rũ và đầy tính nhân bản. Ông như người nghệ sĩ cất lên

những khúc hoan ca về mùa xuân. Ông đã đã hoàn thành xuất sắc

nhiệm vụ của một người hậu thế trong vai trò tiếp bước người khai

sinh vĩ đại Matsu Basho. Nếu như R.H.Blyth đã khẳng định rằng:

“Nước Nhật sinh ra cùng thời với Basho vào năm 1644. Ông chính

là người sáng tạo ra linh hồn Nhật Bản” thì chúng ta cũng có thể nói

rằng: “ Linh hồn Nhật Bản đã được thăng hoa cùng những vần thơ

của Yosa Buson”.

Page 40: Phong Cách Thơ Haiku của Matsuo Basho, Yosa Buson và Kobayashi Issa

37

CHƯƠNG 4: THƠ HAIKU CỦA NHÀ THƠ KOBAYASHI ISSA

1. Cuộc đời và sự nghiệp của nhà thơ Kobayashi Issa

1.1. Cuộc đời

Kobayashi Issa (小林一茶, 1763 – 1827) là thơ và nhà sư Nhật

Bản. Ông là một trong bốn bậc thầy thơ haiku, cùng với Basho,

Buson và Shiki. Số sách vở viết về ông nhiều hơn cả Buson, Shiki và

tương đương với Basho.

Kobayashi Issa sinh ra trong một gia đình trung nông tại làng

Kashiwabara ở địa hạt Shinano (nay là tỉnh Nagano), lúc mới sinh

ông có tên là Kobayashi Nobuyuki. Bố Issa tuy là một nông dân

nhưng ông có thể trang trải mọi chi phí trong gia đình và mua đất đai.

Nếu xét về địa vị kinh tế, gia đình của Issa gần với giới trung lưu

hơn là nông dân. Vật chất chắc hẳn không phải là một bước cản khó

khăn của tuổi thơ Issa nhưng những giá trị về tinh thần, tình yêu

thương của bố mẹ mới chính là nỗi ám ảnh đau đáu trong suốt quãng

đời của ông. Cuộc đời Issa gặp nhiều trắc trở, cứ như là chúng được

sắp đặt sẵn để đợi Issa vướng vào.

Năm 3 tuổi, người Mẹ yêu thương Issa nhất qua đời. Đây là nỗi

đau khổ đầu tiên trong chuỗi đau khổ mà ông phải chịu đựng sau này.

Khi tình mẫu tử thiêng liêng bị số phận tước đoạt, Issa như đứa trẻ

lạc loài khỏi vòng tay Mẹ. Ông được chăm sóc bởi tình yêu thương

của bà nội. Lúc này, Issa được theo học thầy giáo làng – một người

rất yêu thơ ca và ông cũng học sáng tác thơ haiku từ rất sớm.

Năm năm kể từ khi mẹ mất, bố cưới một người vợ khác tên là

Satsu và người vợ này đã sớm hạ sinh một cậu con trai. Từ đó, Issa

phải sống dưới bóng của người mẹ kế, tưởng đâu người mẹ này sẽ

cưu mang, chăm sóc cho Issa nhưng ngược lại, bà ta đối xử với ông

rất tàn nhẫn, cay nghiệt. Tuy vậy, bố của Issa tỏ ra bất lực trước tình

cảnh này, cứ thế sóng gió dần nổi lên.

Khi Issa lên 14 tuổi, người yêu thương ông nhất lúa này là bà

nội cũng bỏ ông mà đi. Bà mất. Trái tim của Issa một lần nữa bị nỗi

Page 41: Phong Cách Thơ Haiku của Matsuo Basho, Yosa Buson và Kobayashi Issa

38

đau giày xéo, một đứa trẻ mới 14 tuổi mà đã hai lần bị nỗi đau xé nát

trái tim, cuộc đời này thật tàn nhẫn với ông. Issa đã hoàn toàn bị bỏ

rơi, ông cảm thấy lạc lõng trong gia đình với mẹ kế và người anh em

cùng cha khác mẹ. Do vậy, ông rất đỗi cô đơn, trầm cảm và thích

lang thang một mình ngoài đồng.

Năm 15 tuổi, Issa được bố gửi lên Edo để tự kiếm sống. Cũng

giống như Basho, Issa rời bỏ quá khứ đau buồn tìm đến một chân

trời mới. Nếu ở Basho cái chết của người bạn thâm giao Todo

Yoshitada là nguyên nhân của việc rời bỏ quê hương thì ở Issa đó là

cái chết của người bà yêu quý. Con người trong cuộc sống sẽ trưởng

thành từ những lần ra đi như vậy. Tại Edo, Issa gia nhập đoàn lao

động nhập cư từ các tỉnh lân cận đổ về và ông làm đủ mọi ngành

nghề để kiếm sống. Người ta không biết rõ về quãng đời của Issa 10

năm đầu tại Edo như thế nào, chỉ biết ông kết thân với một người tên

là Kobayashi Chikua thuộc trường phái haiku Nirokuan. Ông và

Chikua thường cùng nhau nghiên cứu thơ ca và sáng tác, xem nhau

như đôi bạn tâm giao.

Từ năm 1787, ông lấy bút hiệu là Issa (Nhất Trà) để sáng tác

thơ ca trên tinh thần phục hưng phong cách tao nhã của Basho. Một

người bị tổn thương về mặt tâm hồn, một người con bị vứt bỏ đã tìm

đến thơ ca, hoặc có lẽ thơ ca đã tìm đến ông. Issa quyết định trao gửi

cuộc đời mình vào con đường này – con đường thơ haiku.

Năm 1790, Chikua qua đời, Issa trở thành một thi tăng và ông

cũng nối gót các tiền nhân, hòa mình vào con đường của các lữ nhân,

du hành trên khắp mọi nẻo đường để sáng tác. Ông đã mô tả mình

trong giai đoạn này: “Phiêu bạt về phía Tây, lang thang về phía

Đông, như kẻ ngẩn ngơ không bao giờ tồn tại ở một nơi. Ăn sáng ở

Kazusa và vào buổi tối nương náo tại Musashi”. Issa cũng đi thăm

viếng nhiều nhà thơ, nhất là những bạn thơ vùng Kansai (Kyoto –

Osaka). Ông bắt đầu in thơ từ năm 1794.

Page 42: Phong Cách Thơ Haiku của Matsuo Basho, Yosa Buson và Kobayashi Issa

39

Năm 1801, Issa về quê thăm bố bị bệnh đang hấp hối. Sau khi

bố mất, Issa là người thừa kế tài sản chính thức theo di chúc, nhưng

người mẹ kế đã thông đồng với bọn cường quyền tước đoạt lấy tài

sản, đẩy Issa dấn thân vào con đường tha hương thêm mười ba năm

nữa. Nhưng khoảng mười ba năm đó là mười ba năm đỉnh cao của

Issa, ông trở thành một nhà thơ lỗi lạc và khẳng định được phong

cách và tài năng của mình.

Năm 1815, nhờ sự giúp đỡ của một nhà sư, Issa lấy lại được

chút tài sản, tranh chấp và thừa kế đã kéo dài 11 năm sau khi bố mất.

Issa quyết định rời Edo về quê cũ sinh sống. Issa lúc này đã hơn năm

mươi tuổi, ông nghĩ đến việc lập gia đình và ông kết hôn với một cô

gái trong làng tên là Kiku. Sau thời gian ngắn hạnh phúc, bi kịch bắt

đầu xảy ra. Trong cái khoảnh khắc đáng lý ra người ta phải được

nghĩ ngơi, tĩnh dưỡng thì Issa lại lao đao với hạnh phúc của mình.

Từ 54 dến 60 tuổi, Issa đã mất bốn đứa con và cuối cùng là vợ, Kiku.

Các con của ông sinh ra và chết trong tuổi ấu thơ.

Năm 1816: Sentaro, con trai đầu lòng chết sau khi sinh.

Năm 1819: Sato, con gái đầu lòng chết lúc 13 tháng tuổi do

bệnh đậu mùa.

Năm 1821: Ishitaro, con trai thứ hai chết lúc 3 tháng tuổi do bị

ngạt khi được địu trên lưng mẹ.

Năm 1823, Issa lại nhận tiếp hai cú đánh chí mạng của định

mệnh: người vợ mà ông thương yêu hết lòng đã vĩnh viễn ra đi, và

sau đó bảy tháng là sự ra đi của Konzaburo – đứa con trai cuối cùng

của ông.

Mong có một đứa con nối dõi, một năm sau đó Issa đã cưới

Yuki, 38 tuổi, con gái của một Samurai, để rồi đau đớn li dị chỉ 3

tháng sau khi cưới. Hai năm sau, ông lấy người vợ thứ ba, Yao. Lần

này cuộc đời cũng không cho ông hưởng hạnh phúc.

Năm 1827, một trận hỏa hoạn lớn đã thiêu rụi ngôi nhà của Issa.

Mùa đông năm đó vào ngày 18 tháng 11 năm 1827, Issa qua đời

Page 43: Phong Cách Thơ Haiku của Matsuo Basho, Yosa Buson và Kobayashi Issa

40

trong nhà kho tạm bợ và lạnh lẽo, kết thúc cuộc hành trình của một

tâm hồn đã nhiều lần thương đau.

Và trong khoảng thời gian này, đứa con cuối cùng của ông vừa

ra đời từ người vợ thứ ba.

1.2. Sự nghiệp sáng tác

So với bậc tiền bối haiku, Issa không mực thước như Basho,

không cách tân ấn tượng như Buson. Ở Issa, độc giả bắt gặp những

khúc ca bi ai về tình yêu thương đồng loại, từ những trái tim trầy

xước, rớm máu đến khoảnh khắc bừng sáng của tình cảm con người.

Ông đã để lại khoảng 20000 bài thơ, được độc giả xưa lẫn nay mến

mộ. Các tác phẩm nổi tiếng của ông như:

Nhật ký mất cha (Chichi No Shuen Nikki, 1801)

Thơ viết vào năm Kyowa (Kyowa Kujo, 1803)

Thơ viết vào năm Bunka (Bunka Kujo, 1804)

Nhật ký số bảy (Shichiban Nikki, 1810–1818)

Mùa xuân của tôi (Ora Ga Haru, 1819)

Nhật ký số tám (Hachiban Nikki, 1819–1821)

Sổ tay ghi chép vào năm Bunsei (Bunsei Kucho, 1822–1825)

2. Phong cách thơ haiku của Kobayashi Issa

Nhà nghiên cứu Nhật Chiêu đã viết trong quyển Thơ Ca Nhật

Bản như sau:

“Issa sinh ra dường như để nếm trải mọi điều bất hạnh trần ai.

Như để hát cho nhân thế và hát cho muôn loài những khúc ca bi

thiết nhất.

Cũng là những khúc ca đẹp nhất, phát tiết từ một trái tim trần.

Một trái tim không che giấu sau những mây mù ảo vọng.

Những bi ca ấy có thi tính là Tình yêu, có thi tính là Phật tính.”

2.1. Con người của nỗi đau và bất hạnh

Issa – một cái tên thật giản dị, âm Hán Việt là: Nhất Trà, nó có

nghĩa là một tách trà, một ngụm trà. Ngay từ cái tên, nhà thơ đã dự

báo cho độc giả một số phận cô đơn rồi. Đúng như vậy, cuộc đời Issa

Page 44: Phong Cách Thơ Haiku của Matsuo Basho, Yosa Buson và Kobayashi Issa

41

là chuỗi ngày đau khổ gắn liền với những nỗi tang thương của sự

mất mát. Những người ông yêu thương đều lần lượt rời khỏi ông, họ

đến và đi tựa như sương mờ, ảo ảnh. Chỉ có những vết hằn sâu trong

trái tim rớm máu là tồn tại mãi mãi.

Mùa xuân là mùa trăm hoa đua nở, là mùa của những khúc ca

đón chào năm mới, nhưng với Issa, mùa xuân vẫn man mác nỗi

buồn:

Ku no shaba ya Ta bà một nỗi đau

Sakura ga sakeba Cho dù mùa xuân đó

Saita tote Đang nở những anh đào

Thơ của Issa là bài ca não lòng về định mệnh, định mệnh của

riêng ông và định mệnh của nhân gian. Dẫu mùa xuân đang được

điểm tô bằng sắc hồng của hoa anh đào nhưng tất cả chỉ là bề ngoài,

chỉ là ảo ảnh của thế gian. Nhà thơ không nhận thấy vẻ đẹp của thiên

nhiên mà chuyển điểm nhìn vào cõi ta bà. Cõi ta bà theo Phật giáo là

một cõi không có thật, nhân loại sống trong cõi này đều giả tạm, vô

thường và thường bị trầm luân trong bể khổ. Tại sao Issa lại suy nghĩ

như vậy, phải chăng chính những khổ đau trần ai đã khiến cho nhà

thơ hoài nghi về kiếp sống? Trong cõi trần có nỗi khổ và có hoa đào,

hoa đào tượng trưng cho cái đẹp, niềm hạnh phúc. Nhà thơ nhận ra

rằng nỗi đau và hạnh phúc thường đi song hành, cả hai hòa vào nhau

tạo nên những cung bậc cảm xúc của con người chốn trần ai. Khi

nghe chim nhạn kêu, Issa buông bút:

Naku na kari Kêu chi nhạn ơi

Dokko mo onaji Đi đâu thì cũng

Ukiyo zo ya Cõi phù thế thôi

Lần này Issa rơi vào trạng thái mơ hồ của kiếp sống. Những vần

thơ rõ ràng là chấp nhận cuộc sống, thiếu đi sức cạnh tranh để tồn tại.

Issa là con người yếu đuối thế sao? Thật ra, khi Issa viết những vần

thơ như thế này chỉ là khoảnh khắc nhất thời. Về cơ bản, thơ của Issa

vẫn là những vần thơ cổ vũ cho niềm ham sống, tinh thần lạc quan.

Page 45: Phong Cách Thơ Haiku của Matsuo Basho, Yosa Buson và Kobayashi Issa

42

Quay lại cuộc đời đau khổ của Issa, ông bị nỗi đau hành hạ từ

rất sớm. Lúc vừa lên ba, ông đã vắng bóng tình yêu thương của mẹ,

bị nỗi cay nghiệt của bà mẹ kế đay nghiến. Ông tha hương hơn hai

mươi năm, dịp về thăm quê cũng chính là lúc sắp từ giã bố. Thế

nhưng, khi về quê hương, ông luôn cảm thấy bị thù ghét, không lúc

nào có thể yên lòng:

Korega ma-a Tuyết mười bộ cao

Tsui no sumika ka Nơi cuối cùng tôi sống

Yuki goshaku Trong cuộc đời hay sao

Trong một chuyến về quê dàn xếp công việc thừa kế, Issa cảm

thấy hình như tất cả gai nhọn được cố tình dựng lên trên đường đi

của mình:

Furusato ya Về làng cũ

Yoru mo sawaru mo Những bụi hoa xưa

Bara no hana Chìa gai ra đón

Ở một góc độ nào đó, Issa đã trở thành con người lạc lõng, bị

ruồng bỏ ngay chính tại quê hương của mình, đó là một bi kịch xót

xa của số phận. Nơi cố hương giờ trở thành mảnh đất khó sống với

vô vàn gai góc, bà mẹ kế luôn tìm đủ mọi cách để đẩy Issa ra khỏi

nơi này. Thế nhưng, công lý cuối cùng cũng trao trả về người lương

thiện, Issa giành lại được một phần tài sản của mình. Ông quyết định

rời Edo trở về cố hương.

Sau bao thử thách, Issa cuối cùng cũng xây dựng cho mình mái

ấm tại quê hương. Tưởng rằng những đau khổ sẽ được nguôi ngoai

trong tháng ngày sum vầy hạnh phúc bên gia đình. Nhưng khốn khổ

thay! Gia đình chính là nơi sinh ra những bất hạnh làm tan nát trái

tim ông. Mở đầu cho bi kịch là liên tiếp những cái chết của con. Sau

đó, người vợ mà ông yêu thương nhất cũng ra đi, kéo theo nỗi thống

khổ bao trùm lấy Issa, đè bẹp ông xuống tận cùng bất hạnh:

Page 46: Phong Cách Thơ Haiku của Matsuo Basho, Yosa Buson và Kobayashi Issa

43

Naku-na mushi Côn trùng ơi, đừng kêu

Wakaruru koi wa Trên trời cao ấy

Hoshi ni sae Chia lìa đôi lứa yêu

Niềm đau của Issa vút lên tận trời cao đầy oán thán, hàm chứa

nỗi khổ tột cùng. Ông van nài côn trùng đừng kêu hay là ông đang

van nài tâm hồn mình đừng lên tiếng? Sự chia lìa là minh chứng cho

sự hiện hữu của cõi ta bà trong trần thế. Có đó mà không đó, thực đó

mà ảo đó.

Sau khi vợ mất, mỗi lần nhìn đứa con thơ tập bò, tập cười, đang

đuổi bướm, đang chơi đùa,…Issa đau đớn nhìn thấy đâu đâu trong

căn nhà, hình ảnh của vợ mình cũng hiện về:

Osanago ya Không còn mẹ

Warau ni tsukete Một mình em bé tập cười

Aki no kure Đêm mùa thu rơi

Hay

Akikaze ya Gió mùa thu

Mushiritagarishi Làm sao em bé hái

Akai hana Hoa tím bây giờ

Niwa no chou Trong vườn cánh bướm

Koga haeba tobi Đứa bé bò theo, bướm bay

Haeba tobu Đứa bé bò theo, bướm bay

Các nhân vật “em bé” thường xuất hiện cô độc như vậy trong

thơ Issa. Những tín hiệu cô đơn luôn khởi phát từ những mất mát.

Các em bé trong bài thơ đều mồ côi mẹ. Tín hiệu “không còn mẹ”

đôi khi quá tàn nhẫn, nó trở thành nỗi ám ảnh đeo bám suốt cuộc đời

của Issa.

Issa – Con người của khổ đau đến thời khắc bước sang thế giới

bên kia cũng còn đau khổ, ông nằm trong nhà kho tạm bợ, le lói một

vài tia sáng giữa lúc tuyết rơi lạnh giá:

Page 47: Phong Cách Thơ Haiku của Matsuo Basho, Yosa Buson và Kobayashi Issa

44

Arigata ya Muôn phần tri ân

Fusuma-no yuki mo Chăn giường tôi tuyết trắng

Jodo kara Từ Tịnh Độ rơi sang

Đấy là bài thơ cuối cùng của Issa, nó được tìm thấy dưới chiếc

gối nơi ông nằm chết. Hỡi những bất hạnh, đau khổ trong cuộc sống!

Từ nay, các ngươi sẽ không còn được bám theo Issa nữa rồi, Issa từ

đây sẽ được vào thế giới của Niết Bàn, nơi đó không còn dung chứa

những nỗi đau, bất hạnh. Nơi đó, Issa sẽ dùng ánh sáng của mình rải

khắp tình yêu lên muôn loài, vạn vật.

2.2. Tình yêu thương dịu dàng đối với loài vật nhỏ bé

Issa vốn là tín đồ của Tịnh Độ Chân tông. Tình yêu vô hạn của

Đức A Di Đà đối với chúng sinh trong cõi ta bà đã ảnh hưởng sâu

sắc đến ông. Issa mang một trái tim tràn đầy yêu thương, yêu thương

không chỉ con người với con người mà ông còn yêu cả cỏ cây, muôn

thú. Đọc thơ Issa, độc giả Việt Nam nhớ đến nhà thơ Bùi Giáng:

Xin yêu mãi và yêu nhau mãi mãi

Trần gian ơi cánh bướm cánh chuồn chuồn

Con kiến bé cùng hoa thơm cỏ dại

Con vi trùng cùng sâu bọ cũng yêu luôn

(Phụng Hiến)

Chính những bất hạnh trong cuộc sống đã tạo nên một đóa sen

thi ca, tạo nên “Một tách trà” mà mùi vị và sắc hương ôm ấp, dưỡng

nuôi cõi lòng nhân thế với biết bao tình yêu thương.

Ông viết nhiều bài thơ lấy cảm hứng sáng tác từ những con vật

nhỏ bé, ít ai để ý đến. Nhờ Issa, những loài vật này được đi vào thơ

ca, tạo nên một bức tranh thơ đầy màu sắc cùng muôn loài. Cụ thể,

Issa viết 54 bài thơ về ốc, 15 bài về cóc, gần 200 bài về ếch, khoảng

230 bài về đom đóm, hơn 150 bài về muỗi, trên 90 bài về ruồi, hơn

100 bài về bọ chét, trên 90 bài về ve sầu và hàng trăm bài thơ về loài

vật khác. Nâng tổng số thơ viết về loài vật nhỏ bé lên gần một ngàn

bài.

Page 48: Phong Cách Thơ Haiku của Matsuo Basho, Yosa Buson và Kobayashi Issa

45

Đầu tiên, hình ảnh chú ốc xuất hiện cùng ngọn Phú Sĩ xinh đẹp

được gợi ra qua bài thơ:

Katatsumuri Ốc sên

Sorosoro nobore Chầm chậm bò

Fuji no yama Núi Phú sĩ

Hình ảnh con ốc nhỏ trên đường bò lên đỉnh núi Phú sĩ được

nhà thơ Issa ghi lại, chắc có lẽ con ốc sẽ không bao giờ sống lâu đủ

để lên đến đỉnh núi. Nhưng nó đã chạm đến trái tim của một thiền sư

Issa để nhà thơ viết nên một bài haiku tuyệt vời. Và giờ đây, năng

lượng tích cực từ bài thơ ấy đã truyền đến hàng triệu người trên thế

giới. Còn nhiều bài về ốc cũng rất hay, sau đây là một số bài tiêu

biểu:

Cảnh tượng một bầy ốc sắp bị nấu cũng làm rung động trái tim

nhà thơ:

Yuuzuki ya Trăng soi

Nabe no naka nite Một bầy ốc nhỏ

Naku tanishi Khóc than đáy nồi

Nhà giàu đóng cổng bằng then khóa chắc chắn, còn cổng nhà

thi sĩ đã được con ốc nhỏ nhắn "khóa" hộ:

Shiba no to ya Trên cổng bụi cây

Jou no kawari no Nằm thay cho ổ khóa

Katatsumuri Con ốc nhỏ này

Nhà thơ Issa rất yêu quê hương và cũng rất tin tưởng vào Đức

Phật. Đối với Issa, Đức Phật hiện hữu khắp nơi, ngay cả trong từng

con ốc nhỏ:

Furusato ya Quê tôi

Hotoke no kao no Gương mặt của Đức Phật

Katatsumuri Trên những con ốc

Bên cạnh những bài thơ về ốc, Issa còn có những bài thơ viết về

những loài vật khác như:

Ruồi

Page 49: Phong Cách Thơ Haiku của Matsuo Basho, Yosa Buson và Kobayashi Issa

46

Khi rời quê hương lên Edo, Issa nói chuyện với ruồi trên nón

của mình:

Kasa no hae Ruồi trên nón ta ơi

Mo kyo kara wa Hôm nay vào thành phố

Edo mono zo Thành dân Edo rồi

Issa còn nhìn thấy ruồi cũng mang dòng triết lý của Phật giáo về

vạn vật bình đẳng:

Hito areba Nơi đâu có người

Hae ari hotoke Nơi đó có ruồi

Ari nikeri Và có Phật

Ếch

Issa rất trìu mến những sinh vật nho nhỏ của mùa xuân, khi thấy

chú ếch mảnh mai, Issa an ủi:

Yase gaeru Chú ếch èo uột

Makeru na issa Đừng bỏ cuộc nhé

Kore ni ari Issa an ủi chú đây

Trong một khung cảnh yên bình nên thơ, hiện lên hình ảnh của

chú ếch với tư thế ung dung, tự tại nhìn đất trời:

Yugen to shite Tự tại an nhiên

Yama wo miru Chú ếch ngồi nhìn

Kawazu kana Núi đồi thanh vắng

Sau khi cơn mưa qua đi, tiếng các chú ếch vang lên, nhà thơ

Issa có cái nhìn thật thú vị về chúng:

Đấy, chúng đang cãi nhau

Những chú ếch kêu

ộp oạp

Muỗi

Là một thiền sư nên Issa rất hay ngồi tĩnh tâm, giữa lúc ấy,

những âm thanh nhỏ nhất của cuộc sống xung quanh cũng được

khoếch đại:

Page 50: Phong Cách Thơ Haiku của Matsuo Basho, Yosa Buson và Kobayashi Issa

47

Tada hitotsu Như cơn gió nhẹ

Mimi sai ni ka no hane Sát tai tôi

Kaze kana Một con muỗi bay

Đến lúc nhà thơ đi ngủ hay tinh mơ thức dậy, người bạn bên

cạnh là những chú muỗi vo ve:

Ka hitotsu no Con muỗi

Ichinichi sahagu Suốt ngày quẩn quanh

Makura kana Bên gối tôi

Và đối với nhà thơ, âm thanh của những chú muỗi kêu râm ran

trong màn đêm cũng là điệu diệu kì:

Yuuzora ya Bầu trời đêm

Ka ga nakidashite Tiếng muỗi kêu râm ran

Utsukushiki Thật tuyệt

Ve sầu

Nhà thơ tả cảnh ngôi nhà vào buổi sáng rất yên tĩnh đến mức có

thể nghe rõ từng giai điệu của ve sầu:

Semi naku ya Ve sầu rên rĩ

Yanagi aruie no Ngôi nhà chìm trong khóm liễu

Asa no tsuki Trăng buổi sáng

Một chú ve xấu số đã vướng vào bẫy của mạng nhện. Trong lúc

sinh tử, chú ve trong mắt nhà thơ vẫn đẹp lạ lùng:

Kumo no su ni Vướng vào mạng nhện

Tsuki sashikonde Lấp lánh dưới trăng

Yoru no semi Con ve

Một khung cảnh thơ mộng được Issa bắt gặp, có trăng, mưa, ve

sầu. Thật đẹp:

Ooame ya Mưa lớn

Oonatsuki ya Trăng lớn

Matsu no semi Ve sầu trên cây thông

Đọc thơ của Issa khó lòng không yêu ông. Chẳng những người

Nhật Bản mà tất cả những người yêu thơ haiku trên toàn thế giới đều

Page 51: Phong Cách Thơ Haiku của Matsuo Basho, Yosa Buson và Kobayashi Issa

48

yêu ông. Trong thơ Issa, ta như tìm thấy sự đồng cảm, ẩn sau từng

câu chữ là những nhịp đập đầy tình người của trái tim nhà thơ. Cuộc

sống này đổ ập nhiều cơn bão tố đến cuộc đời Issa nhưng không vì

thế mà ông cay cú, hận thù mà ngược lại ông dùng tình yêu của mình

để tưới lên khắp thế gian này. Từ những vật vô trí vố giác như sỏi đá,

cây cối đến những sinh vật nhỏ bé không ai chú ý. Tất cả đều thành

chất thơ để cùng tồn tại mãi với thời gian.

3.3. Mẹ – nguồn thi ca vô tận

"MẸ"! là kiệt tác của vũ trụ, là bông hoa đẹp nhất của tạo hóa, là

tiếng cười lan tỏa khắp nhân gian, là nốt nhạc trầm bỗng, là những

cung thanh, cung điệu của bản đàn giữa cuộc đời này.

"MẸ"! là ánh sáng của ngọn đèn thắp bằng máu con tim.

"MẸ"! Có nghĩa là duy nhất! Một bầu trời! Một mặt đất! Một

vầng trăng! Một mẹ!

"MẸ"! Có nghĩa là mãi mãi! Là - Cho - Đi - Không - Đòi - Lại

Bao Giờ ...!

“MẸ”! là một mỹ từ đẹp nhất trên đời.

Cuộc đời Issa là cuộn phim buồn, là chuỗi dài những bất hạnh

nối tiếp nhau. Ông đã bị số phận tước đi vòng tay Mẹ từ lúc lên ba,

ánh mắt của đứa trẻ thơ lúc ấy như tối sầm đi bởi thiếu ánh sáng của

tình mẫu tử. Trong cõi đời này, có thung lũng sâu ắt có núi cao, có

những đêm trường u tối mới có những bình minh rực rỡ. Giữa đêm

mù tăm tối ấy, ánh sánh của thơ ca đã chiếu sáng miền tuổi thơ của

ông. Những vần thơ về Mẹ mà Issa sáng tác trở nên bất tử.

Năm Issa lên chín, làng tổ chức lễ hội, trẻ con trong xóm nô đùa

với bạn bè và được bố mẹ sắm sửa cho những bộ quần áo mới. Issa

nhìn thấy đám trẻ được cưng chiều, yêu thương bỗng dưng ông thấy

chạnh lòng, muốn bật khóc. Với bộ quần áo tồi tàn, Issa ngồi một

mình, ông chợt nhìn thấy con chim sẻ lạc bầy. Như gặp người đồng

cảnh ngộ, ông viết:

Page 52: Phong Cách Thơ Haiku của Matsuo Basho, Yosa Buson và Kobayashi Issa

49

Ore to kite Đến đây nào, với tôi

Asobe yo oya no Cùng chơi đùa, chim sẻ

Nai suzume Không còn mẹ trên đời

Dù chim sẻ không hiểu được Issa đang nói gì nhưng có thể

đồng cảm được với ông, bởi vì cả hai đều cùng chung một tình cảnh

“không còn Mẹ trên đời”. Câu cuối của bài thơ như một lời trách

móc nhưng chứa đựng trong đó một sự tủi thân của trẻ thơ mà bất cứ

ai cũng có quyền như vậy.

Có lẽ vì mất Mẹ từ sớm nên Issa rất nhạy cảm với những cảnh

tượng mất mát trong tự nhiên, vì ông hiểu được nỗi đau đó hơn ai hết.

Khi nhìn thấy chim mẹ bị thợ săn cướp đoạt sự sống, ông thấy đó

như là hình ảnh của mình hiện về. Nén nỗi đau, Issa nghẹn ngào:

Người mẹ và bầy con

Xa nhau...

Những con chim bị bắn

Mất Mẹ là mất đi một phần quan trọng tạo thành sự sống. Cuộc

đời Issa trở nên lang thang, phiêu bạt khắp nơi trên nước Nhật và

kiếm sống đủ mọi nghề. Những lúc cõi lòng cô đơn thì vẻ đẹp trên

đời dường như vô nghĩa đối với Issa, thậm chí còn như địa ngục ám

ảnh suốt cuộc hành trình :

Aki no kaze Gió mùa thu

Ware wa mairu wa Địa ngục nào đấy

Dono jigoku Cùng tôi giang hồ

Mất đi bàn tay Mẹ chở che, đường đời mà Issa đi qua đầy chông

gai, mờ mịt, hệt như bị những áng mây mù che phủ. Trong thơ ca

Việt Nam, Mẹ như một nhịp cầu vững chắc đưa con qua nơi tối tăm:

Mẹ yêu bắc một nhịp cầu

Đưa con vượt khỏi nỗi sầu thế gian

Issa cũng muốn được Mẹ dìu dắt như thế, ông ước ao được gặp

Mẹ một lần, được nằm gọn trong lòng Mẹ, được Mẹ truyền hơi ấm

để vượt qua những nỗi đau trần thế. Chỉ có Mẹ, duy chỉ có Mẹ mới

Page 53: Phong Cách Thơ Haiku của Matsuo Basho, Yosa Buson và Kobayashi Issa

50

cứu rỗi được cuộc đời con. Cớ sao! trong cõi trần này, lại có quá

nhiều cuộc chia ly giữa Mẹ và con. Issa rất đau nhói khi nhìn thấy

hình ảnh của mình trong khung cảnh:

Uma no ko no Con ngựa con bị bán

Kokyou ha naruru Ngoái nhìn mẹ

Aki no ame Mưa Thu

Những giọt mưa của mùa thu hay đó chính là những giọt nước

mắt của chính tác giả. Chú ngựa con có lẽ được may mắn hơn Issa vì

được nhìn thấy Mẹ, được những kí ức về Mẹ đọng lại trong tâm trí.

Còn Issa, ngay cả gương mặt Mẹ ông cũng không nhớ rõ, trí óc của

một đứa trẻ lên ba không thể lưu giữ hình ảnh một cách rõ ràng được.

Đối với Issa, Mẹ không còn là một hoài niệm cụ thể nữa, Mẹ bây giờ

là thiên nhiên, là biển khơi, là tất cả. Mẹ lúc nào cũng bên Issa, Mẹ

lúc nào cũng dõi theo ông:

Naki haha ya Ôi biển khơi

Umi miru tabi ni Khi tôi nhìn thấy biển

Miru tabi ni Mẹ tôi ơi

Mẹ đã hoá thân vào thiên nhiên, cùng hoà vào thế giới nhiệm

màu của vô ngã. Lòng Mẹ bao la, trải rộng khắp núi sông. Giờ đây,

trước mắt Issa – một Thiền sư, tất cả đều có cuộc sống, có Phật tính,

có sự bình đẳng trong ánh sáng và trong cát bụi. Mỗi hình ảnh trên

trần thế đều là hiện thân của Mẹ:

Tsuyu no tama Ôi những hạt sương

Hitotsu hitotsu ni Trân châu từng hạt

Furusato ni Hiện hình cố hương

Ở nơi Issa sinh ra, ở nơi an nghỉ cuối đời của Mẹ, nơi đó không

còn là cố hương nữa, mà nó đã trở thành “lòng Mẹ”, nó đã trở thành

nơi bình yên nhất, yên ả nhất cho việc dừng chân sau bao ngày phiêu

bạt nơi đất khách quê người của Issa. Chính nơi đây đã vẽ nên câu

chuyện đau buồn về cuộc đời của một nhà thơ lỗi lạc và cũng chính

Page 54: Phong Cách Thơ Haiku của Matsuo Basho, Yosa Buson và Kobayashi Issa

51

nơi đây đã khép lại một phận đời bất hạnh cùng với bao nước mắt

của thế nhân.

Trong thơ haiku của Kobayashi Issa, Mẹ hiện lên với tất cả xúc

cảm của nỗi đau và vẻ đẹp nhẹ nhàng của sự giải thoát. Những hình

ảnh này trong thơ haiku long lanh như giọt sương, tinh khiết như giọt

nước mắt và trở nên lung linh, vĩ đại như ẩn chứa một linh hồn. Tuy

Mẹ không còn nhưng những vần thơ bất hủ của Issa vẫn còn đó, nó

đang tỏa những vầng sáng dịu hiền lên nền trời thi ca thế giới.

Page 55: Phong Cách Thơ Haiku của Matsuo Basho, Yosa Buson và Kobayashi Issa

52

PHẦN KẾT LUẬN

Đảo quốc Nhật Bản với nền văn hóa độc đáo có thể làm ngạc

nhiên và hấp dẫn đặc biệt người xứ khác. Những tác phẩm văn học

thâm trầm, sâu lắng như tính cách của người Nhật nhưng lại chứa

đựng những ý nghĩa lớn lao mang tính nhân loại.

Qua việc tìm hiểu phong cách thơ haiku của bà nhà thơ lỗi lạc

là Matsuo Basho, Yosa Buson và Kobayshi Issa, luận văn đem lại cái

nhìn khái quát và sâu sắc về phong cách thơ haiku của ba trụ cột

trong thơ ca Nhật Bản. Nhà thơ Matsu Basho là người đầu tiên thổi

hồn vào thơ haiku và đưa nó lên đỉnh cao của nghệ thuật, ông hình

thành phong cách Sofu cho riêng mình. Thơ của Basho bàng bạc

hương vị Thiền và là mực thước, khuôn mẫu hoàn mỹ. Yosa Buson

là người có công lớn trong việc thăng hoa thơ haiku, ông đưa những

nét chấm phá độc đáo, lãng mạn vào thơ, những vần thơ như được

chắp cánh dưới ngòi bút của ông. Còn Kobayashi Issa, ông không

khuôn mẫu, mực thước như Basho, không triết lý, lãng mạn như

Yosan Buson, nhưng thơ của ông mang giá trị nhân bản cao nhất,

gần gũi với đời sống con người nhất.

Xét cho cùng, thơ cũng là một yếu tố văn hóa. Việc tìm hiểu,

nghiên cứu đã đóng góp thêm nhiều tri thức mới cho người viết về

thơ ca của xứ sở hoa anh đào.

Thơ haiku đang trên đường lan tỏa, trở thành một dòng thơ độc

đáo của thế giới và gây ảnh hưởng đến thơ ca hiện đại. Phong cách

đặc trưng của ba nhà thơ sẽ là ngọn đuốc cho những ai dấn thân vào

con đường thơ haiku.

Nếu có điều kiện, người viết hy vọng có thể tìm hiểu, khám phá

sâu hơn về thơ haiku. Đọc thơ haiku, ta thấy tâm hồn mình thanh

thản, yêu đời và yêu cuộc sống. Thơ haiku mở ra những thế giới về

Thiền tông, về nhân sinh rất cần cho tâm hồn con người trong cuộc

sống hiện đại.

Page 56: Phong Cách Thơ Haiku của Matsuo Basho, Yosa Buson và Kobayashi Issa

53

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Nhật Chiêu, Nhật Bản Trong Chiếc Gương Soi, NXB Giáo Dục,

2007.

2. Nhật Chiêu, Thơ Ca Nhật Bản, NXB Giáo Dục, 1998

3. Nguyễn Nam Trân, Bản thảo: Tổng Quan Lich Sử Văn Học Nhật

Bản, quyển thượng: Từ thượng cổ đến cận đại.

4. Mai Liên tuyển chọn và dịch, Hợp Tuyển Văn Học Nhật Bản Từ

Khởi Thuỷ Đến Giữa TK XIX, NXB Lao Động, 2010

5. David G. Lanoue, Issa's Best: A Translator's Selection of Master

Haiku, Print Edition, NXB Haikuguy, 2012

6. Takehiko Saigo, Meiku no Bigaku, NXB Reimei Shobo, 1991

Ngoài ra, người viết còn tham khảo nhiều trang web trên internet

thông qua công cụ tìm kiếm Google.