36
Ải quan Con cò bay lả bay la…Bay ra ruộng lúa, bay vào Đồng Đăng… Với thi trung hữu họa, đổng đểnh thế nào chả biết nữa vớ được bài ca dao dân gian đã tam sao thất bản nên bị cái khổ nạn chữ nghĩa. Tuy nhiên, thiên cổ chi mê tôi đào sâu chôn chặt là bài ca dao có từ thời Lê Mạc: năm 1787, được cụ nghè Trần Danh Án sao chép lại. Thế nhưng chỉ ba câu không thôi: từ Đồng Đăng có phố Kỳ Lừa, tới gánh vàng đi đổ sông Ngô, đến đêm nằm tơ tưởng đi mò sông Thương đã khắc họa những tang thương ngẫu lục cả một chương sử thi dài ngoằng ngoẵng với phong thổ địa chí, thổ ngơi phong vật chí. Thảng như ngẫu sự với đêm nằm tơ tưởng đi mò sông Thương ai chả biết sông Thương bắt nguồn từ núi Na Pa, huyện Chi Lăng. Vì vậy mới có chuyện đêm đêm, lính thú đời xưa ở Đồng Đăng, Kỳ Lừa mơ tưởng mò tới Chi Lăng để xuống thuyền về quê thăm bu nó. Bạn đọc mắt như mắt rắn ráo rằng vậy chứ còn gánh vàng đi đổ sông Ngô thì sao đây?. Dạ, với “sông Ngô biển Sở”, thiên cổ chi mê tôi bóc áo tháo cày từ thời Tam Quốc: Tào Tháo lập ra nhà Ngụy. Lưu Bị lập ra nhà Thục. Ngô 1

Ải quan - Phi Ngọc Hùng

Embed Size (px)

Citation preview

Ải quan Con cò bay lả bay la…Bay ra ruộng lúa, bay vào Đồng Đăng…

Với thi trung hữu họa, đổng đểnh thế nào chả biết nữa vớ được bài ca dao dân gian đã tam sao thất bản nên bị cái khổ nạn chữ nghĩa. Tuy nhiên, thiên cổ chi mê tôi đào sâu chôn chặt là bài ca dao có từ thời Lê Mạc: năm 1787, được cụ nghè Trần Danh Án sao chép lại. Thế nhưng chỉ ba câu không thôi: từ Đồng Đăng có phố Kỳ Lừa, tới gánh vàng đi đổ sông Ngô, đến đêm nằm tơ tưởng đi mò sông Thương đã khắc họa những tang thương ngẫu lục cả một chương sử thi dài ngoằng ngoẵng với phong thổ địa chí, thổ ngơi phong vật chí. Thảng như ngẫu sự với đêm nằm tơ tưởng đi mò sông Thương ai chả biết sông Thương bắt nguồn từ núi Na Pa, huyện Chi Lăng. Vì vậy mới có chuyện đêm đêm, lính thú đời xưa ở Đồng Đăng, Kỳ Lừa mơ tưởng mò tới Chi Lăng để xuống thuyền về quê thăm bu nó.

Bạn đọc mắt như mắt rắn ráo rằng vậy chứ còn gánh vàng đi đổ sông Ngô thì sao đây?. Dạ, với “sông Ngô biển Sở”, thiên cổ chi mê tôi bóc áo tháo cày từ thời Tam Quốc: Tào Tháo lập ra nhà Ngụy. Lưu Bị lập ra nhà Thục. Ngô Tôn Quyền lập ra nhà Ngô. Năm 248, quân Ngô xâm lấn nước ta cử Lục Dật làm Thứ sử lãnh chức An Nam hiệu úy. Cụ Nguyễn Trãi trong Dư Địa Chí nói về vua Trần Dụ Tông cấm người nước ta không được học theo cách phục sức của nước Ngô tức nhà Nguyên. Vì trước đó vào thời Trần, nhà Nguyên đô hộ và đồng hóa Tàu với cách ăn mặc của rợ Hồ. Chuyện là thế đấy, thưa bạn đọc. Còn gánh vàng đây không phải gánh hai thúng vàng mà lính thú đời xưa khiêng hai hình nhân cụt đầu bằng vàng ròng

1

mà ta phải cống cho Tàu. Hai hình nhân thế mạng ấy hình tượng cho Liễu Thăng và Lương Minh bị chém chém bay đầu ở ải Chi Lăng. Cứ theo sử thi thì năm 1427 Liễu Thăng kéo quân vào nước ta. Lê Lợi sai các tướng mai phục tại Chi Lăng để đón đánh. Liễu Thăng, Lương Minh tiến quân qua Pha Lũy Quan. Trần Lựu giả thua, Liễu Thăng, Lương Minh đuổi theo đến Chi Lăng, bị phục binh vây đánh. Quân Minh đè lên nhau mà chết. Liễu Thăng và Lương Minh bị chém ở Đảo Mã Pha, ven núi Mã Yên. Bạn đọc mắt lỗ đáo ngẫn ngẫn rằng Pha Lũy Quan ở đâu? Dạ, ấy là chuyện sau.

Vì chuyện trần ai khoai củ bây giờ là cái nạn chữ nghĩa với biên cương, biên giới. Bởi người Tàu dùng từ khác nhau để chỉ nơi chốn qua lại giữa hai nước đó là: Quan, và ải. Cả hai cùng có nghĩa là cửa ngõ. Nhưng cửa “quan” có tầm vóc hơn cửa “ải”. Nghĩa địa lý của từ ải: Ải là hẻm núi; là đường hẹp đi giữa hai trái núi. Từ “ải” tiếng Tàu diễn giải là nơi hiểm trở, thu hẹp lại. Xưa, đi lại là đi bộ, đi ngựa, muốn vượt qua núi người ta tìm cách len lỏi theo các chân núi và tìm hẻm núi để đi qua. Các đường hẻm núi gọi là ải.

Vì vậy ải Chi Lăng không có thành quách, cổng mà là con đường hóc hẻm dài 20km nối liền núi Kai Kinh phía Tây và dãy núi Bảo Ðài phía Ðông. Nhưng ngẫu sự vẫn chưa xong, vì với thi trung hữu quỷ, vì vậy có nhà biên khảo, biên chép nào đó ngẫu hứng rằng “Ải Chi Lăng” là…“Quỷ

2

Môn Quan”. Cớ sự quỷ quái này lại nhè nằm ở hồi sau, thưa bạn đọc.

Lại nữa, bạn đọc lại mắt giương như mắt ếch rằng Đồng Đăng có phố Kỳ Lừa nhưng chả thấy phố Kỳ Lừa đâu? Hơ! Cơm niêu nước lọ thì Lạng Sơn rách giời rơi xuống có cái cầu nhỏ là cầu Kỳ Lừa bắc qua sông Kỳ Cùng. Thiên cổ chi mê tôi trộm nghĩ rằng vì âm vận của câu ca dao, các cụ ta xưa khiêng phố Kỳ Lừa từ Lạng Sơn lên tận Đồng Đăng chăng?. Cũng từ câu ca dao thời Lê con cò bay lả bay la, bay ra ruộng lúa, bay vào Đồng Đăng là hình ảnh “con cò’’ mệt nhọc ‘’bay lả, bay la’’ như anh lính thú lên trấn thủ Đồng Đăng với ba năm trấn thủ lưu đồn, ngày thì coi lính, tối bàn việc quan. Quan đây là đốc trấn, người trấn ải nơi biên cương, cửa ải. Dưới đốc trấn là tổng quản, người cai quản lính thú đề phòng giặc cướp nơi ngoại giới tràn sang. Để tôi có cớ bắt qua bài ca dao khác từ thời nhà Nguyễn: “Ạ ời ơi…- Thứ nhất thì bầu Chi Lăng - Thứ hai cây khế Đồng Đăng Kỳ Lừa - Đồng Đăng có phố Kỳ Lừa - Có nàng Tô Thị, có chùa Tam Thanh”. Vì Đốc trấn Lạng Sơn Ngô Thì Sĩ tìm ra động Tam Thanh và làm thơ ý là: "Suối trong tuôn chảy trên hàng trăm mỏm đá như đang trò chuyện. Quay lưng lại nhìn sang ngọn núi phía trước thấy hòn Vọng Phu".

Ruồi bâu kiến đậu với bản đồ Itinéraires De Chine en Annam tức Các lộ trình từ Trung hoa đến An Nam vào triều Nguyên 1579. Tschou-Sse-Peun chú giải cho thấy đi từ Nam Ninh trước hết phải qua Ải Nam Quan, đến Ðồng Ðăng rồi mới tới Pha Lũy Quan (hay Pha Lũy Dịch) ở bắc ngạn sông Thiên Lý (tức sông Kỳ Cùng). Nhìn lên bản đồ hiện nay, địa danh ở bên bờ bắc ngạn sông Kỳ Cùng là Phố Kỳ Lừa.. Phải chăng Pha Lũy Quan chính là Phố Kỳ Lừa? Những móc nối các địa danh, theo đó giúp thiên cổ chi mê tôi nắm bắt một vài điểm mờ mịt của địa lý và lịch sử: Ải Nam Quan không phải là Pha

3

Lũy Quan, thưa bạn đọc. Thêm nữa sử ta theo sử Tàu. Có thể Tàu chọ chẹ Phố Kỳ Lừa ra Pha Lũy Quan nên sử thi ta kêu là Pha Lũy Quan luôn. Vì ta không có quan quách này. Sách Vân Đài Loại Ngữ do Lê Quý Đôn nói về địa lý, địa danh có ghi: Phía Bắc nước ta tiếp giáp với lãnh thổ Trung Quốc, có ba cửa ải: Thủy Khẩu Quan, thuộc tỉnh Cao Bằng. Bình Nhi Quan, thuộc huyện Thất Khê. Ải Nam Quan thuộc tỉnh Lạng Sơn. Cà 3 quan ải là 3 cổng quan yếu để vào đất Việt Nam nên gọi chung là “Tam Quan”. Hiểu theo nghĩa là: ta không có…Pha Lũy Quan.

Thế nhưng sau đấy, lăng xăng như thằng mất khố, thiên cổ chi mê tôi rối mù với: Sách Khâm Định Việt Sử Thông Giám Cương Mục, do Quốc sử quan triều Nguyễn ghi: Ải Nam Quan được tiền nhân dựng lên từ bao giờ, không tìm thấy trong sử sách cũng như truyền thuyết dân gian. Đại Việt Sử Ký Toàn Thư, Đại Việt Sử Ký Tiền Biên, Vân Đài Loại Ngữ đều cho biết: Khoảng Lê Trung Hưng đổi thành Trấn Nam Quan, tiếng nôm gọi là Ải Nam Quan. Tại sao đổi tên và đổi chính xác vào niên đại nào, dưới triều vua nào, chưa rõ.

Từ Ải Nam Quan được tiền nhân dựng lên từ bao giờ, không tìm thấy trong sử sách. Và rồi thiên cổ chi mê tôi rối như gà mắc đẻ với tai sao đổi tên. đổi vào niên đại nào, dưới triều vua nào, chưa rõ. Bởi cho ra môn ra khoai , thiên cổ chi mê tôi đi tìm: Ải Nam Quan của ta hay Tàu và ải quan ở đâu? Chuyện dây cà ra dây muống là thế đấy, thưa bạn đọc.

*** Vừa rồi là “ảl”, còn “quan” thì quan tái, quan san không phải là ít. Vì ta gọi khác Tàu về những địa danh do người Tàu đặt ra. Tàu gọi là Nam Quan không thôi thì ta gọi là “Ải” Nam

4

Quan. Chữ “ải” được thêm vào. Thảng như ta gọi “cửa ngọ môn”. Môn là cửa, gọi “cửa ngọ môn” ta lập lại chữ “cửa” hai lần, một lần tiếng Việt, một lần tiếng Tàu. Ải Nam Quan cũng vậy, ta cũng lặp lại hai lần một ý nghĩa của: quan và ải. Trường hợp danh từ ghép quan-ải có nghĩa tương tự như biên cương, biên tái, biên viễn, biên thùy, biên ngung... chỉ cho những nơi xa xôi quan san, quan tái,…quan tài lạnh lẽo với những trận địa, trận chiến. Xưa thật là xưa, thiên cổ chi mê tôi bắt gặp 3 chữ “Ải Nam Quan” là thấy ghê gớm lắm. Vì nghe "đày ải…ra biên ải'' mà phát khiếp. Vì nơi quan san, quan tái,…tái tê ấy, Nguyễn Trãi tiễn đưa Nguyễn Phi Khanh đã khóc lóc mà rằng: “Chốn ải Bắc lạnh lùng gió thổi - Kính lạy cha, con cúi giã từ”. 600 năm sau, thiên niên kỷ 21, Ải quan có hình thù như thế này đây!

Ải qua thay da thắm thịt theo chiến địa của người Tàu: Ải bị phá hủy trong cuộc “Khởi nghĩa Trấn Nam Quan” do Tôn Trung Sơn phát động chống nhà Thanh năm 1907 và được xây lại năm 1914. Chiến tranh Quốc-Cộng 1949, ải bị tàn phá lần nữa. Nhân dịp giải phóng Quảng Tây. Tàu Cộng đặt tên lại thời Ung Chính nhà Minh thứ hai năm 1726 là “Trấn Nam Quan”. Chữ “Trấn” trong văn tự Tàu có rất nhiều nghĩa, như “trấn giữ”, “trấn địa”…

5

Phi cổ bất thành kim thì năm 1956, người trong nước gọi là…Hữu nghị quan. Cả hai lần chiến địa, vì phần “nội quan” không bị hư hại, họ chỉ dựng Ải Nam Quan mới. Bạn đọc hãy nom nhòm qua cổng tò vò: Nội quan sau là dẫy nhà mái đỏ như bệnh viện Grall ở Sài Gòn kiến trúc theo kiểu thuộc địa, hai lầu, được gọi là “Pháp quốc lầu” từ năm 1895. Bạn đọc mặt ngay như cái thuổng rằng còn gì nữa chăng? Nói cho ngay, Ải Nam Quan đã trải qua không phải là hai mà là ba: Với trận chiến giữa Pháp và Thanh triều trước đó.

Thôi thì bắt cua được ếch bằng vào ngược quan san về thăm ải Nam Quan. Tiếp đến Ðại Thanh nhứt thống chí với Càn Long ở bên Tàu. Sau đó là chuyện một ông Tàu đi lạc đường tới Ải Nam Quan thời Tự Đức. Vất vưởng đến ải quan thì chẳng quên các sử quan. Thế nên bài tạp bút này có tên là Ải Nam Quan bút ký hay ký truyện thì đúng hơn. Bây giờ xin mời bạn đọc “tham quan” ải quan qua ký truyện của tác giả Hoàng Ngọc Lễ: “…Vì là xe nhỏ nên chúng tôi cũng tìm cách lấn lách để có thể tới được chợ Ðồng Ðăng. Vì là buổi trưa nên chúng tôi định ghé chợ kiếm chút gì ăn lót dạ nhưng bác tài thì rủ tới chợ biên giới vừa ăn, vừa nghỉ ngơi vãn cảnh. Chợ biên giới gồm các cửa hàng của người Trung Quốc từ bên kia biên giới đem hàng qua đây bán, xen kẽ một vài gian hàng của người Việt Nam và người dân tộc. Chen kẽ giữa chợ lộ thiên với cổng biên giới là bãi đậu xe. Chúng tôi tìm chỗ đậu xe, đối diện với đồn kiểm soát biên phòng. Cổng biên giới thật là tấp nập, những chiếc xe kéo qua lại như nêm, hàng hóa ùn ùn kéo qua biên giới. Những con buôn xếp hàng dài chờ làm thủ tục hải quan, những tiếng la hét inh trời, những tiếng chửi thề thô tục, pha lẫn cả tiếng Hoa, tiếng Việt và tiếng dân tộc. Không lỗ tai nào nghe cho thấu.  Qua khỏi đồn biên phòng Trung Quốc chừng hơn 100 thước thì chúng tôi gặp cổng Nam Quan. Trên cổng khắc ba

6

chữ tàu to tướng và đậm nét. Cụ Tiên dịch cho tôi hay là 3 chữ trên là Hữu Nghị Quan. Cụ còn cho biết 3 chữ này do chính bộ trưởng Trần Nghị cho khắc để tuyên dương tình hữu nghị đậm đà giữa hai nước vào thời giao hảo cực thịnh - "Môi hở răng lạnh". Ông cụ Tiên hình như nghĩ ra điều gì và thắc mắc với tôi: Lạ thật! Năm 1978, tôi tới thăm nơi này thì đây mới là cọc mốc biên giới chứ đâu phải là phía bên kia. 

Riêng tôi thì sau khi đọc nhiều bài viết liên quan tới việc "bán đất" nên phải đi tới đây một lần cho biết. Tới nơi, nhìn tận mắt và qua lời kể của cụ Tiên thì mới biết rõ ràng rằng, biên giới có bị chia cắt nhưng chỉ lùi sâu vào đất liền tính từ Ải Nam Quan chừng hơn 200 thước chứ không phải 4 cây số hay hơn thế nữa theo như nhiều bài viết mà tôi đọc được. Dù sao thì một phần đất nước cũng đã bị chia cắt. Một niềm đau khôn nguôi, một cái nhục muôn đời Chúng tôi ghé vào một quán ăn gần đấy, tôi dán mắt vào cái cổng Ải Nam Quan mà cứ thắc mắc hết điều này tới điều nọ. Không phải là nhà sử học và nghiên cứu về biên giới nên tôi gần như hoàn toàn mù tịt về vấn đề này. Tôi thắc mắc rằng "Nếu Ải Nam Quan là cổng biên giới của ta thì tại sao lại không khắc một chữ việt nào mà lại hoàn toàn bằng chữ Tàu". Tôi lại thắc mắc rằng: "Nếu Ải Nam Quan là cổng biên giới của ta thì tại sao lại không đặt tên là Ải Bắc Quan mà lại có tên là Ải Nam Quan?"….. 

Bạn đọc mặt ngáo ệch nhìn tôi. Nào tôi có hơn gì bạn đọc vì cứ theo Wikipedia thì: Từ ngày 17 tháng 2 năm 1979, trong Chiến tranh biên giới Việt-Trung, 1979, Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa tung trên 660.000 quân tấn công Việt Nam ở 6 tỉnh biên giới: Lai Châu, Lào Cai, Hà Giang, Cao Bằng, Lạng Sơn và Quảng Ninh. Bộ binh Trung Hoa vào thị xã Lạng Sơn theo thung lũng sông Kỳ Cùng, và vào ải Nam Quan. Sau khi rút quân ngày 5 tháng 3

7

năm 1979, quân Trung Hoa vẫn chiếm giữ vùng đất phía nam Ải Nam Quan, và cột mốc Km0 phải dời xuống sâu trong lãnh thổ Việt Nam. Theo ông Trương Nhân Tuấn, trưởng phái đoàn Phân định biên giới thì cột mốc đã bị dời khoảng 300 đến 400m về phía Nam.

Sau khi mua sắm một số qùa cáp linh tinh về làm qùa cho bà con, chúng tôi rủ nhau vào đồn biên phòng làm thủ tục qua bên kia biên giới để thăm thị trấn Bằng Tường. Ở đây chúng tôi mới vỡ lẽ ra rằng, chỉ có người mang hộ chiếu VN mới được đi qua mà thôi, hộ chiếu ngoại quốc phải xin visa ở Hà Nội. Bác tài nảy sinh ra ý kiến là cho tôi mượn thông hành, thế là tôi và ông cụ Tiên rung răng, rung rẻ làm thủ tục qua bên kia biên giới. Ở đây, chúng tôi phải đóng mỗi người 200 ngàn (tương đương 15 đô la), thủ tục khá nhanh chóng. Qua khỏi cổng biên giới, chúng tôi thuê xe đi Bằng Tường…”

*** Ăn như cũ ngủ như xưa trước cuộc chiến giữa người Pháp với người Tàu, trong De Hanoi à la Frontière du Quang-si tức từ Hà Nội đến Quảng Tây của M. Aumoitte, vào năm 1881, ông Tây hành ngôn hành tỏi qua bút ký thế này đây: “…Từ Ðồng Ðăng đến biên giới con đường chỉ còn là một con đường mòn nhỏ, đá lởm chởm, chạy quanh những ngọn đồi hầu như là trọc và không có người ở. Ði khỏi Ðồng Ðăng được 10 phút là không còn một bóng người. Con đường mòn này mỗi lúc một hẹp và đi mãi mấy ngày đường dẫn tới trước một cửa cổng có hai cánh bằng gỗ. Cửa được gắn với một bức tường làm bằng gạch nung, xây dài lên tới đỉnh đồi, có độ cao chừng 50 mét. Hình thức của cổng và hai bức tường xây lên núi tạo thành như một cái phễu (nguyên tác viết là cuống họng, gorge). Ðó là biên giới. Trên hai cánh của gỗ có vẽ rồng, phụng mầu sắc rực rỡ….”

8

Theo Đại Thanh nhât thống chí, 1726, năm thứ 2 triều Ung Chính: Cổng cũ có từ đời nhà Nguyên 1579. Triều Gia Tĩnh, thời Minh năm 1558 ban chỉ kiến tạo:  “Cửa quan dài 110 trượng (khoảng 50m), có đề 3 chữ Trấn Nam Quan, là cửa quan để phòng giữ phương Nam. Phía nam là ải Phả Lũy của An Nam, phía đông là một dải núi đất, phía tây là một dải núi đá tên Kim kê, đều dựa theo chân núi xây gạch làm tường, có cửa, có khóa, chỉ khi nào có công việc của sứ bộ mới mở. Ðằng sau cửa có có "Ðình tham đường" (nhà giữ ngựa) bên tả bên hữu, có hai dãy hành lang, mỗi khi sứ bộ đến cửa quan thì dùng chỗ nầy làm nơi tạm nghỉ. Có lẽ ải Trấn Nam được thông mở dưới thời Tống. Năm 1407. Năng nhặt chặt bị thì với thiên cổ chi mê tôi: Ải Nam Quan chỉ là bức tường gạch.

Thêm nữa qua Công Ước Thiên Tân, qua miêu tả của ông Anute trong phái bộ Pháp: Ải cũ chỉ là cái tường “biên giới” dựng chắn ngang một khe núi sâu, hai bên là núi đá cao, gần đó có con suối cạn. Cũng vậy, theo Dr Néis: “Cổng Tàu” được dựng trong một khe núi cạn. Các ngọn đồi có dốc đứng, chiều cao nhiều lắm 50 hoặc 60 mét, bọc quanh. Biên giới được thỏa thuận là con suối nhỏ ở dưới đồi, cách cổng khoảng 150 mét.

Từ con suối nhỏ đến con suối cạn, thế là thiên cổ chi mê tôi quay quả với sử thi: Năm 1406, tại phía nam ải này có cuộc tiễn đưa lịch sử giữa Nguyễn Phi Khanh và Nguyễn Trãi. Từ đó trong văn học sử có tên: suối Phi Khanh. Năm Kỷ Dậu, Ngô Thì Nhậm đi sứ qua nhà Thanh thời Quang Trung có hai câu thơ: Giản thạch mãn trang du tử thác - Sơn khê tấn tống sứ quân an. Dịch nghĩa là: “Đá suối đầy túi lãng tử - Khe núi tiễn đưa sứ quân an lành”, phù hợp với tư liệu ông sứ bộ người Pháp nữa là: Ải nằm giữa khe núi và có suối.

9

Và thiên cổ chi mê tôi chắc mẩm: Ải Nam Quan nằm sâu trong đất Tàu vì…có tuyết.

*** Như ải quan ở đâu? Thôi thì đành ngược dòng thời gian thời Tự Đức, Tsai Tin Lang và nỗi buồn chạm mặt là Qủy Môn Quan và trụ đồng Mã Viện qua bút ký dưới đây:

Lộ trình từ Hà Nội qua ngả Lạng Sơn, Quảng Tây, để đến Canton (năm 1837) Tsai-Tin-Lang (?), chuyển ngữ sang tiếng Pháp trong Itinéraire de Hanoi à Canton par Lang-Son, le Kouang-Si et la rivière Si-kiang, như sau: Tác giả Tsai-Tin-lang, bị đắm tàu tại vùng biển An Nam; đi đến Huế và không muốn

gặp lại nguy hiểm nữa cho nên quyết định trở về cố hương bằng đường bộ. Ông đi từ Huế đến Quảng Tây và từ đây dự định đi Canton (Quảng Đông). Toàn bộ bút ký này được đăng trọn trong Ecole De Langues Orientales Vivantes - Trường Sinh ngữ Ðông phương, quyển có tên Recueil d’itinéraires et de voyages dans l’Asie centrale et dans l’Extrême Orient (E. Leroux, 1887).Từ Hà Nội đến Bắc Ninh Tsai-tin-lang rời Hà Nội ngày 15 tháng 3 năm 1837. Ông tính khoảng cách từ Hà Nội đến Bắc Ninh là 130 lý.  Từ Bắc Ninh đến Lạng Sơn Ngày 18 ông đến vùng giáp ranh của huyện Vyng-tsyiang (Vân Uyên). Ngày 19, ông nghỉ đêm tại trạm Huan-lang (Văn Lang?). 

Ngày 20, sau khi đi được 13 lý, ông Tsai đến Quỉ Môn Quan. Truyền thuyết địa phương cho rằng mười người đi vào cửa Quỉ Môn thì chỉ có một người sống sót đi ra. Dân chúng vẫn tin rằng

10

ngày hôm nay tại đó vẫn còn một khu chợ ma. Các hồn ma đêm hôm tụ tập để mua bán, người nào đến quấy rầy sẽ bị trù mà sinh bịnh. Ông Tsai ngừng chân tạm nghỉ dưới tường của Quỉ Môn Quan. Nhưng thình lình cả người ông run lên bần bật, tóc trên đầu dựng đứng. Ông Tsai phải vội vã đứng dậy. Kế bên Quỉ Môn Quan là đền thờ Phục Ba, danh hiệu của tướng Mã Viện. Viên tướng này đã cầm quân xâm chiếm Giao Chỉ vào năm 41. Các quan lại triều đình đi qua đều vào thắp nhang khấn vái. Phía ngoài đền thờ có loại lương thảo Y-dze (bo bo) mọc. Loại lương thảo được quân lính của Mã Viện đem làm lương thực, trừ được chướng khí và độc thủy. (Người ta tìm thấy trong sử sách của Kouang Vou (?) rằng Mã Viện đau bệnh vì do phong thổ độc địa không thích hợp. Ðể chửa trị, Mã Viện đã ăn một lượng lớn bo bo. Khi Mã Viện trở về Tàu thì có cho xe kéo chở về theo. Nhưng tướng Mã Viện bị trách tội vì không đem nó dâng lên cho nhà Vua. Ông phải chết vì việc này và vợ ông không dám làm lễ an táng cho ông.) 

Đầu trở xuống, cuống trở lên vì ông Tàu đi từ Hà Nội, lên Bắc Ninh, qua Chi Lăng mới có cớ sự này. Với ngẫu sự trên, thảo nào có nhà biên khảo, biên chép cho rằng “Ải Chi Lăng” là “Quỷ Môn Quan” là thế đấy. Thế nên thiên cổ chi mê tôi chả lấy làm lạ lẫm cho mấy.

Khoảng 2 lý, phía Ðông Nam, người ta sẽ gặp một ngọn núi đá. Trên đỉnh núi ấy có một trụ đồng tương tự như trụ đồng được cắm trên đỉnh núi Phân Mao, thuộc địa phận Khâm Châu (Kin-tcheou), Canton (Quảng Ðông). Trụ đồng cao khoảng 10 trượng và dầy khoảng 10 phân. Từ xa mầu sắc của đồng trụ giống như màu đá, vì bao phủ bởi phân chim. Dân địa phương kể rằng người ta thường thấy những con chim thần đậu trên trụ đồng... 

11

Đến tao đoạn này, bạn đọc thở như trâu hạ địa rằng Quỷ Môn Quan thời thông hanh rồi. Vậy chứ trụ đồng Mã Viện bịa chăng? Thiên cổ chi mê tôi cũng ngờ rằng ông Tàu hư cấu, hoang tưởng hơi quá vì làm quái quỷ gì có trụ đồng Mã Viện ở đây. Thế nhưng thiên cổ chi mê tôi không được thông thiên bác cổ cho lắm, vì qua bút ký của cụ Lê Quý Đôn trong Bắc sứ thông lục cũng viết như vậy. Nhưng ấy là chuyện mãi về sau này, thưa bạn đọc.

Cùng đêm đó (20 tháng 3), Tsai-tin-lang ngừng bước tại pháo đài thứ 5 (5e batterie). Ngày xưa, vào thế kỷ thứ 18, người An Nam (triều nhà Lê?) đã dựng lên 18 pháo đài, tương tự như dàn pháo thứ 5 này để chống lại quân Tây Sơn. Người ta có thể đứng từ dàn pháo này trông thấy dàn pháo kế; nhưng chúng đã không còn nữa, ngoài pháo đài thứ 3 và thứ 5. Toàn vùng này đồi cao hoang vu bao phủ, đôi lúc một con đường mòn vắng lặng cắt ngang qua, xen lẫn bụi rậm gai góc là cỏ dại mọc cao đến 10 trượng. Ðường đi lúc thì núi đá hiểm trở, lúc thì vực thẳm tối tăm. Không thấy một dấu vết con người; ngoài những đám cướp hung dữ lấy vùng này làm sào huyệt. Giữa các tảng đá lớn hay phía dưới những vực sâu là nơi chướng khí tụ tập. Hơi nước độc địa tại các nơi đây không tan hết trong ngày. Mặc dầu là mùa xuân, cây cối trong rừng đều vàng vọt và khô héo. Các tảng đá rêu mốc phủ đầy. Tuy nhiên, hai bên bờ của con sông chảy qua vùng này thì cây cối um tùm, rậm rạp. Trên sông có những con công đang bơi lội. Trên đường mòn, mà những con công theo đó đến đây, cây cối che phủ dầy dặc, kín mít, không một tia nắng xuyên lọt qua. Rắn rết, bò cạp khắp nơi... 

Thưa với bạn đọc rằng cứ theo ngu ý thiên cổ chi mê tôi thì Lạng Sơn là đất rừng núi với trâu gõ mõ, chó leo thang. Với sông có công đang bơi lội đây là sông Thương.

12

Gần đến Lạng Sơn, đường bao bọc vô số chóp núi lô nhô và nhọn bén. Nhìn từ xa thấy chấp chởm rặng núi Pang-che-ling (?) bao phủ trên một vùng khoảng 20 lý. Con đường mòn xuyên qua đi rất khó nhọc; lúc thì phải leo qua những đỉnh cao, lúc thì phải đi đánh vòng rất khổ sở. Ngày 21, Tsai-tin-lang đến Lạng Sơn vào lúc xế trưa. Viên quan trấn thủ Lạng Sơn, theo như thông lệ, gởi một sứ giả sang Quảng Tây để hỏi quan phủ Thái Bình lúc nào thì cho phép ông Tsai đi qua cửa ải. Sứ giả trở về Lạng Sơn ngày 31 tháng 3 mang tin rằng ông Tsai được phép qua cửa ải vào ngày 8 tháng 4. Trong lúc chờ đợi, ông Tsai thăm viếng vùng chung quanh Lạng Sơn và lên đường vào ngày 3 tháng 4. 

Từ Lạng Sơn đến biên giới Ngày 3 tháng 4 sau khi qua sông (sông Kỳ Cùng), ông Tsai đi qua chợ Tsoi-moi-pou (Kỳ Lừa), thương buôn tại đây toàn là người Tàu từ Quảng Tây và Quảng Ðông. Sau khi đi được 35 lý ông đến Văn Uyên (Ðồng Ðăng). Ông lên đường lúc 8 giờ sáng. Ðường đi là đường mòn nhỏ, đi vòng vo quanh núi. Im lặng và cô lập. Khắp nơi không thấy bóng dáng một người nào. Không nghe tiếng gà gáy cũng như tiếng chó sủa. Ði được 45 lý, ông Tsai đến Yo-ai hay Nan-Kouan (Nam Quan). Người An-Nam gọi ải này là “Lo-tsong-ai”.

Từ Trấn Nam Quan đến phủ Nam Ninh, bến đò sông Tây Giang. Ngày 8 tháng 4 Tsai-tin-lang vượt cửa biên giới phía Nam (tức Trấn Nam Quan). Sau khi qua khỏi nơi đây, người ta cũng ít thấy nhà cửa. Ðường xá cũng khó đi như phía bên kia ải. Cũng toàn là núi non hiểm trở. Ði được 25 lý, ông Tsai ngừng chân ở một trạm nghỉ ngơi thuộc huyện Hia Che (Hạ Thạch?). Ông lên đường cùng ngày và đến Trấn Nam Quan thuộc Quảng Tây. Mặc dù ông đã được quan phủ Thái Bình cho phép ông Tsai qua cửa ải. Nhưng vào lúc cuối, quan phủ Thái Bình và ải quan

13

xét lại và không xem Tsai-tin-lang là người Hán nên không được qua ải” 

Có tích mới dịch nên tuồng với chuyện Tàu không có…”hậu” là láo ngáo thế nào ải quan không cho ông…”nhập quan” vì họ ngờ rằng ông không phải là…người Tàu. Vì vậy ông trở thành…”khách trú” của ta. Cửa ải thuộc đất Tàu, có quân Tàu canh gác. Muốn qua ải phải qua ải quan. Từ nhẽ ấy, thiên cổ chi mê tôi ngờ là ải Nam Quan của Tàu chứ không của ta. Như cụ Nguyễn Du với Bắc hành tạp lục: Vào thời Gia Khánh nhà Thanh, cụ Nguyễn Du lặn lội từ Huế đến Thăng Long. Và ngược lên tận Lạng Sơn tới Ải Nam Quan để lĩnh ấn chỉ, ấn dấu và “Bộ ấm trà năm Giáp Tý 1804” cho vua Gia Long từ sứ thần Tàu đang đợi ở đấy. Chả cần cụ cất công từ Huế tới Lạng Sơn bao lâu, mà chỉ từ Lạng Sơn tới Ải Nam Quan cũng mất bốn năm ngày như ông Tàu Tsai-tin-lang vừa rồi. Đũa có đôi, nồi có rế để chẳng quên cụ Lê Quý Đôn với Bắc sứ thông lục:

“…Năm Canh Thìn 1760, sứ bộ qua sông Nhị, đi đường bộ tiến lên Lạng Sơn, rồi tới Ninh Minh là bến đò đầu tỉnh Quảng Tây. Ta vừa qua Nam Quan, liền gặp quan Tuần Kiêm họ Tra đưa thơ thách họa. Tiếp đến gặp các quan liêu đặt những câu hỏi hóc búa, họ bắt bẻ tranh luận như là kẻ địch. Vả chăng mình rụt rè, ít giao tiếp, ít nói năng thì bị người ta khinh bạc, mà dùng tiếng Di Ngôn Di Sứ (lời mọi, sứ mọi) mà chỉ chúng ta.Chính vấn đề các viên chức Thanh ở quan ải Nam Quan luôn luôn dùng tiếng DI (mọi) để trỏ người mình, kể cả sứ thần, là một điều mỗi lúc sứ ta sang, đều phải tranh biện phản đối và đòi cải cách. Sứ bộ gửi tờ trình cho viên Tuần phủ Quảng Tây xin thôi dùng chữ DI. Đại ý tờ trình như sau: Trong các công văn và khi tiếp đón sứ thần mọi nơi đều gọi hai tiếng An Nam. "Thế mà ngày chúng tôi đến cửa quan ải, quan đạo chỉ

14

hô: Di quan, Di mục, làm chúng tôi hổ thẹn rất sâu”. Tờ tình họ xem xét đến tận mãi năm 1761. Sứ bộ tưởng trước Tết sẽ về đến nhà, nhưng phải đợi gần một tháng ở ải quan, quan Thanh mới chịu mở cửa quan.

Bạn đọc mắt như rắn ngày rằng cụ Lê Quý Đôn đi sứ sang Tàu rành rành như canh nấu hẹ rồi. Ấy là chưa kể cụ và ông Tsai-tin-lang hết trình bẩm viên Tuần phủ Quảng Tây đến quan phủ Thái Bình. Rồi như cá rô gặp mưa rào, cụ có mặt ở bến đò đầu tỉnh Quảng Tây, ông Tsai-tin-lang đến bến đò sông Tây Giang thuộc Quảng Tây. Nhờ vậy thiên cổ chi mê tôi mới hay biết Ải Nam Quan là của người Tàu. Và Ải Nam Quan ở…bên Tàu. Nhưng lại không biết ải quan nằm ở mảnh đất nào. Ừ thì bạn đọc và tôi hãy ngược cô lý với những người muôn năm cũ như Mạc Đĩnh Chi, Nguyễn Văn Siêu, Ngô Vi Liễn, Tuần phủ Lý Công Phất… Thường sứ thần ta đều bị quan ải ra câu đối mới cho qua ải. Như chuyện giả dại qua ảicủa cụ Mạc Đĩnh Chi đi sứ năm 1308, do đường xa, mưa gió nên sứ bộ đến cửa Ải Nam Quan chậm một ngày. Viên quan giữ cửa ải không cho mở cửa để sứ bộ qua. Cụ Mạc Đĩnh Chi nói mãi chúng không chịu. Sau đó họ ném từ trên cửa ải xuống một vế câu đối, bảo hễ đối được sẽ mở cửa cho qua, còn nếu chưa đối được thì hãy ở tạm bên dưới qua đêm, đợi sáng hôm sau.. Vế ra đối viết: “Quá quan trì, quan quan bế, nguyện quá khách quá quan”. Nghĩa là: qua cửa quan chậm, cửa quan đóng, mới khách qua đường qua cửa quan…

*** Dạ xin thưa với bạn đọc, đến đây thề trước bóng đèn là đã hai lần, trong việc vật lộn với chữ nghĩa, qua giấc mơ thiên cổ chi mê tôi được tiền nhân muôn năm cũ phù trợ. Lần thứ nhất được chỉ cho một chi riết sai sót trong bài viết. Và đây là lần thứ hai, được chỉ bảo thay đổi cấu trúc, kết cấu cho bài tạp bút này.

15

Sau đó một tối, đang khi tụng An Nam chí lược, của cụ Lê Trắc đời Trần có đề cập đến trận đánh ở Pha Lũy Dịch (tức Lạng Sơn) vào năm 1427 thì thiếp đi. Thì tiền nhân muôn năm cũ là cụ nghè Trần Danh Án, đốc trấn trấn Lạng Sơn nhập hồn nhập vía vào giấc mơ. Cụ đưa cho tôi dăm mảnh giấy đã ngả mầu, ngập những chiếu thư, phúc thư bang giao giữa nhà Trần và nhà Nguyên và tôi cắm đầu tụng…

Cuối đời Nguyên, người An Nam ta vượt biên cương chiếm thêm 5 huyện của họ vì vậy có cuộc tranh chấp lãnh thổ giữa vua Trần và vua Minh qua văn thư, chiếu thư trong vòng 3 năm, được Nguyễn Văn Siêu, trích từ bộ sử Minh thực lục đưa vào Phương đình dư địa chí. Chiếu thư Minh Thái Tổ: Giao Chỉ xưa, có người đàn bà tên Trắc làm lọan. vua Quang Vũ sai Mã Viện sang bình định, bèn xây Đồng Trụ làm trong ngòai. Gần đây, An Nam đưa binh mã vào từ 100 tới 300 dặm đánh phá 5 quận, chẳng phải thừa lọan lạc nhà Nguyên ta mà chiếm được ư. Vua tôi đều nói đất này thưộc An Nam đã lâu, nhưng không biết do hai đời Lý, Trần hay đời nào đặt ra, cứ nói theo đời trước bảo đây là đất của tổ tiên mà không trưng bằng cớ.

Đợi tôi đọc xong, cụ đốc trấn trao tờ giấy thứ hai, tôi lúi cúi niệm… Chiếu thư vua Trần Thuận Tông: Xét cho kỹ thời Hán Vũ thứ 19 sai Mã Viện đến Giao Chỉ đánh dẹp họ Trưng lập Đồng Trụ. Tính đến nay đã hơn 1.350 năm, dưới một nghìn năm gò lũng đã biến đổi, ai mà biết được Đồng Trụ ở đâu? Bảo hạ quốc vượt Đồng Trụ cả trăm dặm để xâm chiếm 5 huyện, mới đây nhậm chức cho vẽ địa cùng sự kiện trong Kiến Vũ Chí, địa chí thư từ đời Hán, Đường của qúy quốc. Nếu hạ quốc xâm chiếm thì trả lại có khó gì, nay không xâm chiếm có gì để thóai hòan. Năm huyện này là của hạ quốc,

16

đời truyền đời, đất để lại phải giữ vững. Đâu để đất đai của tổ tiên giao cho qúy quốc, vì vậy hai bên cứ giữ biên giới đã định sẵn.

Đang đổ đom đóm mắt.với chiếu chỉ, chiếu thư, cụ chau mày nói rằng tiên sinh nghiệm ra thấy rằng chiếu thư của vua Trần Nhân Tông, vị vua cuối cùng thời Trần mạt, đang ở thế yếu. Vậy mà vua ta dùng lời vừa vừa mãnh liệt, cương quyết không nhường một tấc đất, quả là khâm phục thay. Cụ trao thêm một văn thư bộ Lễ nhà Trần gửi bộ hộ nhà Minh: Trước đây thiên sứ mấy lần đến tiểu quốc, khi nghênh tống cứ đòi dừng lại ở Đồng Đăng. Việc nghênh tống và cương giới không liên quan gì đến nhau. Vì Đồng Đăng là chỗ xung yếu, hoang dã, không có huyện quan lo việc khỏan đãi, nên không tiện lập trạm.

Trong khi ấy cái đầu củ chuối thiên chỉ chi mê tôi mụ chữ ở đâu đó: Năm 1428, sau khi vua Lê Thái Tổ đánh đuổi giặc ra khỏi bờ cõi, vua cấm chỉ người Tàu không được đến phố Kỳ Lừa. Đến năm 1439, chợ Đồng Đăng được mở rộng nên cho phép một số người Tàu từ biên giới sang buôn bán. Theo Ðại Thanh nhứt thống chí trong mục các ải biên giới thì cách 30 dặm từ Trấn Nam Quan là trạm Pha Lũy Dịch. Nơi người An Nam chuẩn bị đồ đạc triều cống để đưa sang ta. Vẫn chưa hết, dựa dẫm vào De Hanoi à la Frontière du Quang-si (từ Hà Nội đến Quảng Tây) của M. Aumoitte, năm 1881: Ðồng Ðăng bề ngoài cũng giống như Kỳ Lừa. Dân chúng phần lớn Tàu lai với thổ dân và sinh trưởng tại đây. Có nhiều tiệm chạp-phô; chỉ có 12 cửa hiệu buôn bông, dầu hồi, thuốc phiện, thuốc bắc... 

Cụ không hay bản mặt tôi đang lờ đờ như gà ban hôm với Đồng Đăng, Kỳ Lừa. Vì sợ thiên cổ chi mê tôi chữ tác đánh chữ

17

tộ, cụ giảng giải ý bộ Lễ là không có chuyện tiếp đãi ở biên giới. Thêm nữa, biên giới hai nước rõ ra không phải ở ấp Đồng Đăng với văn thư tiếp: Việc giao cắt phu ngựa thì hai bên gặp nhau tại cương giới, không phải tại địa điểm hiện nay tại Đồng Đăng, mà là tại đất Bằng Tường. Hơ! Làn này thì tôi nhớ ra rồi, qua Phương Ðình Dư địa chí của Nguyễn Văn Siêu ghi: "Từ đời Hậu-Lê trở về trước, cửa Pha-Lũy (hay Pha-Dữ), thuộc châu Văn-Uyên, trấn Lạng Sơn. Bên Trung-quốc muốn vào nước An-Nam phải qua cửa quan này". Cũng với Nguyễn Văn Siêu từ Ðịa chí loại tạp khảo: “Cửa Trấn Nam (Chấn Nam) ở trên đường từ Ung Châu đến Lạng Sơn, được mở vào thời nhà Tống, thuộc động Bằng Tường, phủ Tư Minh. Theo Ðịa-dư các tỉnh Bắc kỳ của Ngô Vi-Liễn, Phạm Văn-Thư năm 1926: "Cửa Nam-Quan ở ngay biên-giới Trung Hoa và Việt-Nam. Kể từ Hà-Nội lên đến tỉnh-lỵ Lạng-Sơn là 150km; đến cây-số 152 là chợ Kỳ-Lừa; đến cây-số 162 là Ðồng-Ðăng; đến cây-số 168 là cửa Nam-Quan sang bên Tàu. Từ Lạng-Sơn lên cửa Nam-Quan là 18km."

Thiên cổ chi mê tôi muốn nhẩy cẫng lên, vì quỷ tha ma bắt là trên hình chụp “Cột mốc số 18” có ghi: “Trung Việt Quốc Giới, Trấn Nam Quan Ngoại, Đệ Thập Bát Hiệu”. Cột mốc số 18 này do quân đội Nhật Bản chụp tháng 7 năm 1940 ngay tại tường thành Trấn Nam Quan. Cột mốc số 18 lịch sử xác định biên giới Trung-Việt vào năm 1887. Cột mốc số 18 cách Lạng Sơn 18km, và cũng cách Bằng Tường 18km. Hóa ra ải Nam Quan mới, nằm giữa Ải Nam Quan cũ và Lạng Sơn. Nói gần nói xa thì Ải Nam Quan xưa kia nằm xa tít trên đất…Bằng Tường. Và: “Cột mốc số 18” mà bây giờ là “Cây số Km0” là cột mốc của biên giới đúng ra phải nằm ngay dưới chân Ải Nam Quan (như trong ảnh quân đội Nhật

18

Bản chụp được). Nói dài, nói dai, không bằng nói…dại. Khi không thiên cổ chi mê tôi dại mồm dại miệng là nhờ vậy, tôi vỡ bọng cứt ra: Như thế là Ải Nam Quan phải nằm sau “Cây số Km0”, tức nằm sau biên giới, có nghĩa là Ải Nam Quan của Tàu. Bèn thưa thốt với cụ. Nghe thiên cổ chi mê tôi ý tại ngôn ngoại thế. Cụ Nghè cười cái bép rõ to mà rằng: “Tiên sinh ngộ chữ quá rồi, ấy vậy mà vẫn chưa đọc Vân Đài Loại Ngữ do Lê Quý Đôn biên soạn năm 1760 nhân sang sứ Tàu, chép một bài ký này đem về”. Cụ đốc trấn Lạng Sơn tiếp rằng ký truyện kể là: “Sáng hôm sau, tôi lên núi Liên-Hoa; lớp lớp trùng điệp, cây cối âm u, một đám mây phủ; người đi không phân biệt được Đông Tây, như lạc vào đường mê. Tôi tạm ngồi nghĩ ở chỗ bậc đá; chợt thấy ánh sáng mặt trời, người đi theo giục đi. Nửa bộ, nửa xe, khi lên khi xuống, ước khoảng 30 dặm mới đến đồng bằng. Thế đất bằng phẳng, khoáng đãng, không núi cao, rừng sâu hiểm trở; chỉ trông cậy vào cửa quan này thôi. Đến đây, ngoảnh cổ lại trông, thì các ngọn núi đều ở trong đám mây cả. Ngày mồng một tháng ba, đi từ phủ Thái-Bình, đến mồng 6 đến quận. Tới đó, cùng với quan Thái thú quận ấy, là ông họ Đồ, trước hết đi duyệt Trấn-Nam-Quan ở Bẳng-Tường. Xét ra Trấn-Nam-Quan cách phủ trị 4 ngày đường. Đó là con đường đi cống của An-Nam phải đi qua. Riêng cửa Trấn-Nam, phía Nam trông sang Giao Chỉ, thật là nơi hiểm yếu. Ở đó, có cột đồng của Mã Tân (tức Mã-viện). Tiếp, ai biết quan mót đái mà hạ võng cụ nghè họ Trần đưa tôi một sử phẩm khác..  Viên Tuần phủ Lý Công Phất nhà Thanh viết trong bài "Trùng Tu Nam Quan Ký: "Tỉnh Quảng-tây ở miền nam của Trung-quốc, núi cao, rừng tre nứa rậm là nơi hiểm trở. Riêng cửa Trấn-Nam, phía nam trông sang Giao Chỉ, thật là nơi hiểm yếu. Ở đó, có cột đồng của Mã Tân. Nhà nước oai đức rộng khắp, thiên hạ thần phục, người

19

An Nam đến xin vào nộp cống phẩm, trong ngoài một thể thống cung thuận: do thế, cửa quan này, từ lâu không được sửa sang, ngày càng đổ nát. Sứ bộ sang cống, hàng năm phải đi về đường ấy. Cửa quan này, tường cao lầu kín; nơi khám xét, nơi đóng quân, nơi canh phòng đều đầy đủ chỉnh tề. Cửa quan này, phía nam trông sang cột đồng; hai bên chót vót ngang nhau. Ngẫu sự trên, được cá quên nơm để chả quên bút ký của tác-giả Tsai-Tin-Lang:Trên đỉnh núi ấy có một trụ đồng, mầu giống như màu đá, vì bao phủ bởi phân chim. Dân địa phương kể rằng người ta thường thấy những con chim thần đậu trên trụ đồng...

Chuyện trụ đồng đã mồ yên mả đẹp, giờ xin mời bạn đọc trở lại “tham quan” ải quan của Hoàng Ngọc Lễ. Và tác giả bắt cóc bỏ đĩa bạn đọc và thiên cổ chi mê tôi thế này đây:Qua khỏi cổng biên giới, chúng tôi thuê xe đi Bằng Tường, Trên đường đi, chúng tôi ghé chợ trời biên giới, một bà lão bán nước chè tươi cất tiếng mời: - Xin mời cụ và bác vào xơi nước.Có một anh cửu vạn đang hút thuốc lào, lõ điếu run lên khanh khách, luồng khói trắng toát như mây phun ra từ miệng, anh ta vừa hít hà, vừa ngụm một hớp chè tươi. Oáng điếu cầy cứ thế được chuyền từ người này tới người khác. Tôi kéo chiếc ghế đẩu mời cụ Tiên ngồi còn mình thì ngồi bẹt xuống chiếc chiếu cạnh mấy anh cửu vạn. Anh ngồi cạnh mời: - Bác làm thử một điếu! Thấy hay hay, tôi cầm cái ống điếu, văn vê một núm thuốc. Quan sát thấy tôi có vẻ chưa hề hút thuốc này bao giờ, anh cửu vạn lên tiếng: - Vê nhỏ thôi, hút thử mà to như thế thì bật ngửa đấy! Mà bật ngửa thật! Tôi vừa hít một hơi, làn khói như muốn làm nổ tung lồng ngực. Tôi cảm thấy tức ngực và điên đảo quay cuồng. Mồ hôi toát ra nhuễ nhoại. Tôi phải nhoài người tới

20

chiếc phản gần đấy. Anh cửu vạn cởi giày cho tôi và nới lỏng giây lưng. Ðược một lát, người tôi ướt đẫm nhưng cảm thấy nhẹ nhõm hơn. Tôi nhổm dậy và xin chủ quán cho bát chè tươi. Nước pha sao mà nóng thế! Hơi nóng bốc toả mùi chè tươi thơm ngát. Mấy anh cửu vạn như đã uống quen, nước vừa rót ra bát là đưa lên miệng ngụm ngay một phát. 

Ông cụ Tiên đã bỏ đi đâu, chắc là ra mấy cửa hàng bán những loại thuốc bổ dương, bổ thận. Thấy ông cụ đi khỏi, anh cửu vạn hỏi tôi: - Sao bác đã trả thù dân tộc chưa? - Trả thù dân tộc là nghĩa gì? - Bác này chỉ được nước ẫm ờ! Thế đã đi đánh đĩ chưa? - Khi không ai lại đi đánh đĩ? - Sang đến đây rồi mà không "ấy" một phát cũng hoài công! Anh cửu vạn khác chen vào: - Mày chỉ được cái rồ mồm, bạ ai cũng gạ. Ðâu phải ai cũng là đồ điếm thối như nhà mày. - Ð.m. ông bảo trả thù dân tộc chứ có đánh đĩ đâu mà rồ mồm. - Thế đêm đến, các anh ngủ đâu? Tôi hỏi.- Thì giăng màn ngủ trên các quầy hàng chứ còn đâu nữa. - Nó sạo đấy! Thiếu gì là vợ hờ. - Một anh cửu vạn chen vào. - Kia kìa con Hồng ngâm kia kìa! Thuộc loại khá đấy! 

Tôi nhìn theo hướng người cửu vạn vừa chỉ, một cô gái cao dong dỏng da trắng mịn, thân hình cân đối, mới độ 19, 20. Vừa đi, cô vừa bỏ thứ gì vô họng, miệng nhai nhóp nhép. Cô tiến tới chỗ chúng tôi ngồi, nở một nụ cười thật duyên dáng. - Hôm nay đi sớm thế! Ðã có độ nào chưa? - Một anh cửu vạn hỏi. - Ðồ qủy! Gặp anh là xui mạt kiếp. - Ðây này, có ông khách xộp đây này. Mời ông ấy đi. Anh cửu vạn vừa nói, vừa chỉ vào tôi, khiến tôi thật bỡ ngỡ và lúng túng. 

21

- Ð.m. sang đến đây thì phải trả thù dân tộc chứ, ai lại nhong nhong đường xưa lối cũ bao giờ. Một anh khác chen vào. Ông cụ Tiên vừa đi về, thấy mấy anh cửu vạn ăn nói thô lỗ qúa, cụ Tiên lên tiếng rủ tôi đứng lên, đi vãn cảnh. Chúng tôi vừa quay lưng, một anh cửu vạn trêu trọc. - Tao đố con Hồng rủ được ông cụ về ngủ một đêm. Cụ Tiên nghe thấy, lẩm bẩm: "Lũ quân mất dạy!". Tôi quay lại phía biên giới VN, những chiếc xe đẩy, vẫn cứ đầy ắp hàng hóa qua lại. Qua những điều tai nghe mắt thấy và nghĩ tới đoạn đường về, tôi cảm thấy mệt mỏi và ngao ngán sao ấy và thực sự cảm thấy chán ngán và thất vọng qúa nhiều…

Bạn đọc mặt ngay như cán tán rằng bán bò tậu ễnh ương thi tác giả bài viết Thăm ải Nam Quan bắt cóc bỏ đĩa bạn đọc và tôi thật cũng nên. Dạ thưa không! Tác giả ngừng lại ở đây, ở cửa biên giới biên thùy với Ải Nam Quan mới. Ông không đi Bằng Tường thăm Ải Nam Quan cũ. Ông không nói ra. Vì ông thừa biết là ải cũ không còn nữa. Còn lại là một vũng tang thương nước lộn trời để đập cổ kính ra tìm lấy bóng, xếp tàn y lại để dành hơi với đá vẫn trơ gan cùng tuế nguyệt, nước còn cau mặt với tang thương. Vì Ải Nam Quan cũ xưa đã bị tướng Negrier trong ủy ban phân định biên giới Pháp-Thanh, giật sập từ năm 1885 để xây cổng mới ở khu chợ trời biên giới như ở trên, thưa bạn đọc.

Ảnh: Trấn Nam Quan mới cuối thế kỷ 19.

Từ năm 1886: Ải được xây bằng ngân sách của chính phủ Đông-dương và Thanh triều. Trong ải một nửa thuộc

Pháp, một nửa thuộc Thanh. Tiền tu bổ hằng năm, do ngân sách tỉnh Quảng Tây và Lạng Sơn đài thọ. Cổng mới xây bằng đá đẽo (pièrre de taille), cao hai tầng, và từ ngoài cổng

22

vào đến bên trong xây cất mất 3 năm mới xong..

Tất cả bằng vào cuộc chiến Trung-Pháp từ1884 đến năm 1885

Ảnh mô tả cảnh quân Pháp rútbinh lực khỏi Trấn Nam Quan

Thiếu-tướng Francois Oscar De Négrier được cử làm tư lệnh vùng biên giới phía Đông của Hoa-Việt. Trong lúc giao thời Pháp-Việt, ải Phả-lũy bỏ không. Quân Thanh tràn sang phá ải, rồi cướp phá vùng Đồng-đăng. Ngày 24 tháng 3 năm 1884, Thiếu-tướng De Négrier tổ chức cuộc hành quân đánh đuổi quân Thanh. Quân Thanh đại bại, Tổng-binh Sầm Quang Anh bị giết. Ngày đầu năm 1985, Tổng-binh Nùng Mặc Sơn, đem một trung đoàn Thanh tấn công, chiếm đồn Phả-lũy rồi tràn vào Lạng-sơn cướp phá. Tướng De Négrier đem 3 tiểu đoàn (2 tiểu đoàn Pháo-thủ, một Tiểu-đoàn bộ binh thuộc địa), đánh đuổi quân Thanh, giết Nùng Mặc Sơn. Ngày 5-1-1885, chiếm ải Nam-quan, đặt chất nổ san bằng.

Ảnh: Phong cảnh quanh Ải Nam Quan cũ nằm trong đất Tàu trước khi bị phá sập, trước năm 1885.

23

(Kỵ binh Pháp đang tiến tới cổng Nam Quan từ Lạng Sơn phía nam)

Bài viết Thăm ải Nam Quan năm 2010 chỉ thấy ẩn khuất ở biên giới. Năm nay 2014, xin mời bạn đọc theo thiên cổ chi mê tôi về thăm quê nhà một chuyến để thấy tận mắt:Khi bạn đọc vừa tới “Cột mốc số 18”, ấy là tên cũ, tên mới là cây số Km0, ngay cạnh có cây si ông Phạm Văn Đồng trồng. Vì từ đây đi bộ tới “Hữu Nghị Quan” cũng cả mấy trăm mét toát mồ hôi hột. Vì vậy bạn hãy ghé chợ trời biên giới tìm quán chè tươi xơi nước cái đã. Bạn đọc sẽ nom dòm thấy trên chõng tre nào là đĩa vịt bầu Lạng Sơn, mỡ ít, thịt dày. Nào là mía, khế Đồng Đăng. Nào là nem chua Kỳ Lừa, dưa gang, bầu Chi Lăng. Ở hàng quán này, thiên cổ chi mê tôi ngồi ngay đấy và đang đợi bạn đọc. Ha! Cũng vừa lúc bạn lò dò đến.

Bà lão bán nước tay cầm bầu rượu Mỹ Sơn, và cất tiếng mời bạn: “Xin mời bác vào xơi”. Tôi kéo chiếc ghế đẩu mời bạn ngồi còn mình thì ngồi bẹt xuống chiếu cạnh mấy anh cửu vạn. Có một anh cửu vạn đang hút thuốc lào, lõ điếu run lên khanh khách. Oáng điếu cầy được chuyền tới anh khác. Anh này mời thiên cổ chi mê tôi: “Cụ làm thử một điếu!”. Bạn đọc mắt như mắt rắn ráo nhìn tôi với ý đồ vấn danh hỏi thiên cổ chi mê tôi là ai ý à? Nói cho ngay tôi cũng không biết tôi là ai nữa. Bởi lẽ có 3 “tôi”, nên không biết “tôi” nào là tôi thật, “tôi” nào là giả: Tôi là người kể chuyện. Tôi là người viết bài ký truyện này. Tôi đang ngồi trước mặt bạn đọc đây với chiếc điều cày. Đểnh đoảng thế nào chả biết nữa, bà lão bán nước nói với anh cửu vạn ngồi cạnh tôi: “Mày để cụ Nghè ngồi dưới chiếu như thế à? Thằng này láo!”.

24

Rít một hơi đã điếu xong, tôi đưa cái điếu cày cho bạn. Trong khi bạn đọc lại mắt giương như mắt ếch nhìn theo hướng một anh cửu vạn vừa chỉ, một cô gái dong dỏng cao, đỏ da thắm thịt, khoảng độ 19, 20. Anh cửu vạn ngồi cạnh tôi trêu trọc: “Tao đố con Lan ngựa rủ được cụ Đốc trấn Lạng Sơn về ngủ một đêm”. Đang kéo một cữ thuốc lào kêu ro ro…

Bạn giương mắt lỗ đáo nhìn thiên cổ chi mê tôi. Rồi làm như điếu kêu tốn thuốc, bạn thở ra khói và khụng khạ khụng khiệng nói gì ấy. Bạn đọc khôn như rận, người khôn ăn nói nửa chừng, để cho người dại nửa mừng nửa lo…Hơ! thiên cổ chi mê tôi biết bạn đọc nói gì rồi.

Thạch trúc gia trang Xuân phân, Giáp Ngọ 2014 Ngộ Không Phí Ngọc Hùng Nguồn: Trương Nhân Tuấn, Trần Lam GiangChu Tất Tiến, Chân Mây, Nguyễn Mộng Khôi.

25