21
1 VĂN PHÒNG QUC HI - Thông tin chuyên đề- MT SVN ĐỀ VQUN LÝ VÀ SDNG TÀI SN NHÀ NƯỚC TRUNG TÂM THÔNG TIN, THƯ VIN VÀ NGHIÊN CU KHOA HC

Một số vấn đề về quản lý và sử dụng tài sản nhà nướcttbd.gov.vn/Modules/NCS.Module.ReferenceDocument/Upload/New folder (2... · vừa là chủ thể quản

  • Upload
    others

  • View
    13

  • Download
    0

Embed Size (px)

Citation preview

1

VĂN PHÒNG QUỐC HỘI

- Thông tin chuyên đề-

MỘT SỐ VẤN ĐỀ VỀ QUẢN LÝ VÀ SỬ DỤNG TÀI SẢN NHÀ NƯỚC

TRUNG TÂM THÔNG TIN, THƯ VIỆN VÀ NGHIÊN CỨU KHOA HỌC

MỤC LỤC

I- KHÁI NIỆM VỀ TÀI SẢN NHÀ NƯỚC ...................................................... 3 1- Khái niệm ................................................................................................... 3 2- Phân loại tài sản nhà nước.......................................................................... 5

II- THỰC TRẠNG QUẢN LÝ VÀ SỬ DỤNG TÀI SẢN NHÀ NƯỚC .......... 6 1- Các dạng lãng phí trong quản lý và sử dụng tài sản nhà nước................... 6 2- Nguyên nhân dẫn đến lãng phí tài sản nhà nước........................................ 8 3- Đánh giá thực trạng hệ thống các văn bản pháp luật về quản lý và sử dụng tài sản nhà nước .............................................................................................. 9

III- KIẾN NGHỊ................................................................................................ 12 1- Xây dựng Luật công sản........................................................................... 12 2- Sửa đổi cơ chế, chính sách để tăng cường quản lý và sử dụng tài sản Nhà nước có hiệu quả ........................................................................................... 13 3- Tăng cường công tác giám sát của Quốc hội đối với việc quản lý và sử dụng tài sản nhà nước ................................................................................... 14 4- Nâng cao vai trò của cơ quan Kiểm toán nhà nước ................................. 14

IV- MỘT SỐ KINH NGHIỆM NƯỚC NGOÀI TRONG QUẢN LÝ VÀ SỬ DỤNG TÀI SẢN NHÀ NƯỚC ........................................................................ 15

1- Công khai thông tin, góp phần tiết kiệm chi phí ngân sách và chống tham nhũng ............................................................................................................ 16 2- Sử dụng tiêu chí hiệu quả để xác định nhu cầu tiến hành cung cấp dịch vụ công............................................................................................................... 16 3- Tăng cường tiết kiệm sử dụng năng lượng và áp dụng cơ chế hợp lý để quản lý tài nguyên đất đai trong tay Nhà nước............................................. 18 4- Chú trọng việc tiết kiệm tài sản Nhà nước trong hành vi của cán bộ, nhân viên................................................................................................................ 19 5- Hạn chế số lượng xe và giờ chạy xe trong việc sử dụng xe công ........... 19

TÀI LIỆU THAM KHẢO................................................................................. 21

2

I- KHÁI NIỆM VỀ TÀI SẢN NHÀ NƯỚC

1- Khái niệm

Theo cách định nghĩa phổ biến, tài sản là tất cả những thứ có giá trị và được sở hữu bởi các pháp nhân và tự nhiên nhân. Theo truyền thống, tài sản thường được chia thành hai loại: tài sản hiện vật gồm đồ vật, nhà cửa, đất đai, cây cối, động vật... và tài sản tài chính gồm tiền mặt, tiền gửi ngân hàng, cổ phiếu, trái phiếu... Trong thời đại hiện nay, khi nhận dạng tài sản, cần chú ý đến nhóm tài sản vô hình bao gồm các sản phẩm vô hình như phát minh, sáng chế, quyền tác giả, thương hiệu, lợi thế thương mại... Nhiều tài sản vừa có tính chất hữu hình, vừa có tính chất vô hình. Ví dụ, một tòa nhà nằm ở vị trí có lợi thế thương mại sẽ bao gồm hai phần giá trị: giá trị hữu hình hình thành bởi việc xây dựng tòa nhà và giá trị vô hình là lợi thế thương mại do vị trí của căn nhà quyết định. Hoặc một tòa nhà có ý nghĩa về văn hóa, lịch sử: phần hữu hình là toàn bộ giá trị được tạo nên trong quá trình hình thành tài sản như những tòa nhà thông thường, còn phần vô hình là các yếu tố giá trị về văn hóa, lịch sử, tinh thần.

Trong điều kiện hiện đại, việc nhìn nhận tài sản như trên có ý nghĩa vô cùng quan trọng. Nhiều nhà kinh tế đã cho rằng, một trong những đặc trưng của xã hội hiện đại là kinh tế và các yếu tố vô hình có xu hướng lấn át các yếu tố hữu hình. Trong đời sống kinh tế, chính thị trường đã tìm ra phương cách giải quyết vấn đề này. Giá trị tài sản, nếu được mang ra định giá lại theo cơ chế thị trường sẽ biến động rất mạnh do sự tác động của hao mòn vô hình và những yếu tố vô hình khác làm tăng giá trị. Do vậy, nhiều tài sản chỉ có thể xác định được đúng giá trị khi có quan hệ thị trường phát sinh trong định giá tài sản. Và như vậy, trong nhiều trường hợp, giá trị kế toán của tài sản (tính theo giá trị đã được xác định trong quá khứ và các nguyên tắc quản lý tài sản) khác rất xa với giá trị hiện tại (chỉ có thể xác định khi được thị trường định giá).

Tuy nhiên, có những tài sản không bao giờ hoặc không thể đưa ra định giá theo nguyên tắc thị trường. Ví dụ, các di vật văn hóa, lịch sử, là những tài sản có giá trị vô hình nhưng những giá trị đó không thể tham gia quan hệ thị trường nên không thể định giá chúng theo nguyên tắc thị trường được. Các tài sản nhà nước tất nhiên thường cũng có cả phần hữu hình và phần vô hình. Chính phần vô hình của tài sản thường gây tranh luận trong quản lý và dễ lãng phí, thất thoát nhất.

3

Dưới góc độ “chủ thể” của tài sản nhà nước, khác với các chủ thể sở hữu khác là cá nhân hoặc pháp nhân, chủ sở hữu nhà nước là một chủ thể đặc biệt. Nhà nước vừa sở hữu những tài sản mà pháp luật quy định thuộc sở hữu nhà nước vừa là đại diện chủ sở hữu toàn dân, quản lý những tài sản thuộc sở hữu toàn dân. Ngoài ra, Nhà nước vừa là ông chủ sở hữu hoặc đại diện sở hữu, vừa là chủ thể quản lý nhà nước về các mặt hoạt động kinh tế - xã hội. Chính tư cách hai mặt này của Nhà nước quy định sự phức tạp và nan giải của “ông chủ nhà nước” trong quản lý tài sản, hậu quả là tình trạng “vừa đá bóng, vừa thổi còi” trong nhiều hoạt động quản lý mua bán tài sản, tạo cơ hội cho các hiện tượng tiêu cực, tham nhũng và lãng phí tài sản.

Nhà nước là ông chủ vô hình, vừa là nhiều người, nhiều cơ quan, vừa không là ai cả. Các tài sản nhà nước nếu không có hệ thống ràng buộc trách nhiệm rõ ràng và chế độ quản lý nghiêm ngặt sẽ rất dễ rơi vào tình trạng “cha chung không ai khóc” hoặc “tiền vào nhà quan là của quan”, cũng tạo điều kiện phát triển lãng phí, tham nhũng...

Nhà nước còn phải được nhìn nhận là một cấu trúc nhiều cấp. Lý thuyết và thực tiễn quản lý ở nhiều quốc gia phân biệt rất rõ và phân định rành mạch phạm vi các quyền, trách nhiệm của nhà nước trung ương và nhà nước địa phương. Ở nước ta, Nhà nước được coi là một chủ thể thống nhất bao gồm 4 cấp chính quyền, việc phân định cũng chưa rành mạch về phạm vi quản lý, quyền hạn và trách nhiệm giữa 4 cấp chính quyền trong quan hệ sở hữu và quản lý tài sản công. Đặc điểm này có ảnh hưởng không nhỏ tới việc quản lý tài sản nhà nước, nhất là khâu chống lãng phí.

Về quyền đối với tài sản, chủ thể sở hữu nhà nước cũng chỉ có quyền hạn chế đối với tài sản nhà nước. Những tài sản thông thường như đồ vật, phương tiện vận chuyển là những tài sản mà nhà nước có quyền rộng rãi nhất, gần như quyền tài sản của cá nhân. Tuy nhiên, một số quyền cũng bị hạn chế như quyền chuyển nhượng (chỉ được chuyển nhượng khi tài sản đó không còn cần thiết cho bộ máy Nhà nước hoặc phục vụ cho nhu cầu công cộng). Tài sản là bất động sản hoặc các công trình công cộng kết cấu hạ tầng lại càng hạn chế quyền hơn. Đối với nhóm tài sản sở hữu toàn dân lại càng bị hạn chế nhiều hơn nữa.

Theo quy định của Luật thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, tài sản nhà nước là tài sản hình thành từ ngân sách nhà nước hoặc có nguồn gốc từ ngân sách nhà nước, thuộc sở hữu, quản lý của nhà nước, bao gồm nhà, công trình công cộng, công trình kiến trúc và tài sản khác thuộc sở hữu nhà nước; tài sản từ nguồn viện trợ, tài trợ, đóng góp của tổ chức, cá nhân trong nước và ngoài

4

nước cho nhà nước (mục 3, điều 3, Luật thực hành tiết kiệm, chống lãng phí). Như vậy, tài sản nhà nước là một khái niệm rộng, bao gồm các tài sản được hình thành từ ngân sách nhà nước hoặc có nguồn gốc từ ngân sách nhà nước, kể cả tài nguyên thiên nhiên, đất đai và các loại công sản của quốc gia.

2- Phân loại tài sản nhà nước

Theo nghĩa rộng nhất của tài sản Nhà nước, có thể phân loại theo các tiêu chí sau:

- Theo tính chất hữu hình/vô hình (giống như phân loại đối với tài sản nói chung): ta có tài sản hữu hình, tài sản vô hình. Chú ý là tài sản nhà nước vô hình (bao gồm cả những tài sản hoàn toàn vô hình và phần tài sản vô hình trong các tài sản hữu hình) kém cơ động hơn tài sản vô hình của dân cư và doanh nghiệp.

- Theo bản chất của tài sản (giống như phân loại chung): ta có tài sản vật chất và tài sản tài chính. Nhóm tài chính của tài sản Nhà nước rất lớn bao gồm: i) tài sản nhà nước và các khoản vay nợ trong và ngoài nước chưa được đầu tư, chi tiêu cho hoạt động nhà nước và đầu tư vào các tài sản hữu hình; ii) cổ phần đóng góp vào các doanh nghiệp cổ phần khu vực tư nhân, nước ngoài; iii) các chứng từ có giá khác.

- Theo hình thái vật chất của tài sản, ta có thể chia tài sản Nhà nước thành 4 nhóm, mỗi nhóm lại được chia thành những nhóm nhỏ hơn:

Nhóm 1: tài sản cố định khu vực hành chính sự nghiệp, bao gồm:

- Quyền sử dụng đất khu vực hành chính sự nghiệp;

- Nhà cửa, công trình, phương tiện vận tải, trang thiết bị làm việc

Nhóm 2: tài sản nhà nước đầu tư vào doanh nghiệp

Nhóm 3: tài sản kết cấu hạ tầng, phục vụ lợi ích công cộng, lợi ích quốc gia, bao gồm:

- Hệ thống đường bộ

- Hệ thống đường sắt

- Hệ thống đường thủy

5

Nhóm 4: các tài sản khác (bao gồm quỹ đất chưa sử dụng, quỹ đất Nhà nước cho doanh nghiệp thuê, quỹ tài nguyên chưa sử dụng, những tài sản vô hình chưa thống kê...).1

II- THỰC TRẠNG QUẢN LÝ VÀ SỬ DỤNG TÀI SẢN NHÀ NƯỚC

1- Các dạng lãng phí trong quản lý và sử dụng tài sản nhà nước

Theo các quy định trong Luật thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, có thể phân chia thành ba loại lãng phí tài sản nhà nước như sau:

Loại thứ nhất, sử dụng vượt định mức, tiêu chuẩn, chế độ hiện hành trong sử dụng tài sản nhà nước. Đây là loại lãng phí phổ biến nhất, dễ thấy nhất và quy mô cũng vào loại lớn nhất. Các cơ quan có thẩm quyền đã ban hành định mức, tiêu chuẩn, chế độ đối với hầu hết các lĩnh vực sử dụng tài sản nhà nước – từ chế độ công tác phí đến thù lao thêm giờ, từ tiêu chuẩn xe con, phòng làm việc đến tiêu chuẩn sử dụng điện thoại, văn phòng phẩm... Những lĩnh vực này gồm những hoạt động thường xuyên, lặp đi lặp lại, nhiều người sử dụng hoặc chi phí.

Loại thứ hai, lãng phí tài sản nhà nước xuất hiện ở ngay khâu mua sắm, chi tiền ngân sách hoặc tài trợ. Ở khâu này, sự lãng phí thể hiện ở việc số tiền chi phí cao hơn giá trị thị trường. Về bản chất, hiện tượng này có thể coi là thuộc phạm trù tham nhũng. Tuy nhiên, nếu loại trừ yếu tố tham nhũng ở đây thì khi mua sắm tài sản nhà nước, do trách nhiệm và động cơ không giống như mua sắm tài sản cá nhân hoặc công ty kinh doanh nên người có quyền quyết định và người tham gia quá trình mua sắm thường sẵn sàng trả giá cao hơn giá trị thị trường. Ngay cả khi áp dụng triệt để luật pháp về đấu thầu mua sắm hoặc chào hàng cạnh tranh thì kẽ hở cũng như trách nhiệm trong từng trường hợp này cũng vẫn dễ dẫn đến sai lạc về giá. Đây chính là chỗ yếu của việc mua sắm tài sản nhà nước và cả bên cung ứng và bên đặt hàng thường thông đồng với nhau tham nhũng tài sản Nhà nước.

Lãng phí trong mua sắm tài sản Nhà nước còn thể hiện ở việc lựa chọn sai chủng loại tài sản lựa chọn. Lớn như một cây cầu, tòa nhà, con đường hàng trăm, hàng nghìn tỷ đồng, hoặc nhỏ như cái máy tính, thiết bị văn phòng, bàn ghế, tủ hồ sơ... sự lựa chọn các tài sản nhà nước trong quá trình hình thành và mua sắm thường tùy tiện, thẩm định không kỹ, công năng không phù hợp, chất lượng không đáp ứng hoặc mau chóng lạc hậu... Hậu quả của sự lãng phí loại

1 Kim Văn Chính, PGS, TS, Viện quản lý kinh tế, Học viện Chính trị quốc gia, Tài sản Nhà nước

và các dạng lãng phí trong sử dụng tài sản Nhà nước, 6-2006.

6

này là tài sản Nhà nước mua về hoặc được hình thành nên nhưng sử dụng rất lãng phí, không hết công năng hoặc công năng tài sản không đáp ứng nhu cầu sử dụng, hoặc nhiều nơi công năng tài sản quá dư thừa so với nhu cầu sử dụng. Nếu chỉ tính riêng sự lãng phí trong xây dựng và sử dụng các phòng họp ở các cơ quan công quyền cũng là con số đáng kể. Hoặc con số sẽ rất lớn nếu thống kê các tài sản vừa mua về đã lạc hậu, không đáp ứng nhu cầu, sử dụng chưa hết thời gian khấu hao, chưa hỏng đã phải thay thế mua mới do hao mòn vô hình.

Loại thứ ba, lãng phí trong sử dụng không hiệu quả tài sản nhà nước. Loại này có một phần bao gồm các hiện tượng lãng phí ở loại thứ hai nêu trên – tức là do mua sắm các tài sản không đáp ứng công năng hoặc quá dư thừa công năng.

Ngoài ra, loại lãng phí này còn bao gồm cả việc do cán bộ, nhân viên bộ máy nhà nước lãng phí thời gian hoặc trình độ thấp không sử dụng hết công năng của tài sản. Đây là loại lãng phí kép: vừa lãng phí thời gian, vừa lãng phí tài sản.

Loại thứ tư, lãng phí trong sử dụng tài sản nhà nước mà không đạt được mục tiêu hoạt động. Ví dụ, toàn bộ Chương trình 112 của Chính phủ về công nghệ thông tin đã chi phí mua sắm hàng nghìn tỷ đồng thiết bị và chương trình phần mềm ứng dụng, nhưng mục tiêu điện tử hóa một bước Chính phủ và cải cách quy trình, thủ tục hành chính hoàn toàn không đạt được. Như vậy, toàn bộ hơn một nghìn tỷ đồng tài sản Nhà nước đã bị lãng phí nghiêm trọng do đầu tư mà không đạt mục tiêu hoạt động.

Theo sự phân chia các loại tài sản thì tình trạng sử dụng lãng phí tài sản công được thể hiện ở những khía cạnh sau:

- Về điện thoại: trang bị sai đối tượng, vượt quá định mức còn nhiều; mua máy vượt quá giá quy định cho phép; thanh toán cước sử dụng điện thoại quá quy định cho phép. Tình trạng sử dụng điện thoại cơ quan vào công việc riêng còn phổ biến; thanh toán cước phí, trang bị điện thoại ở nhà riêng (cho cán bộ, công chức đủ tiêu chuẩn) còn vượt mức quy định.

- Về sử dụng ô tô, xe máy: nhiều cơ quan, đơn vị trang bị xe ô tô quá nhiều hoặc không đúng tiêu chuẩn quy định, một số nơi vẫn duy trì chế độ xe máy công, quản lý, sử dụng thiếu chặt chẽ. Việc sắp xếp, điều chuyển xe ô tô từ nơi thừa sang nơi thiếu tiến hành chậm, có nơi không đúng quy định, đặc biệt là tình trạng sử dụng xe công vào mục đích riêng, cho mượn, biếu, tặng...

- Về trụ sở làm việc, nhà công vụ: một số cơ quan, đơn vị còn xây dựng và sử dụng trụ sở làm việc, nhà công vụ vượt quá tiêu chuẩn, định mức, chế độ

7

quy định nhưng không có biện pháp hữu hiệu để sắp xếp, điều chỉnh lại cho hợp lý, có nơi trụ sở làm việc còn sử dụng sai mục đích, gây lãng phí, thất thoát vốn và tài sản Nhà nước.

- Về quản lý và sử dụng nguồn vốn ODA, vốn viện trợ nước ngoài chưa được xem xét, đánh giá cụ thể về chất lượng và hiệu quả; quản lý tài sản công của các Ban quản lý dự án còn kém hiệu quả, để thất thoát, lãng phí trong sử dụng nguồn vốn này.

- Về đất đai và đầu tư xây dựng cơ bản: vẫn còn tình trạng buông lỏng quản lý. Đất đai bị chiếm dụng trái phép, hoang hóa, làm thay đổi mục đích sử dụng đất. Tình trạng đầu tư dàn trải, phân tán, manh mún và các biện pháp khắc phục vẫn chưa có chuyển biến rõ nét; sử dụng vốn đầu tư kém hiệu quả, nợ đọng đầu tư XDCB còn nhiều.

2- Nguyên nhân dẫn đến lãng phí tài sản nhà nước

Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến lãng phí tài sản nhà nước, sau đây là một số nguyên nhân chính:

Nguyên nhân cơ chế. Toàn bộ các khâu của quá trình quản lý bao gồm: chiến lược, kế hoạch triển khai, kiểm tra, đánh giá, khen thưởng, trừng phạt chưa được triển khai áp dụng triệt để và khoa học trong quản lý tài sản Nhà nước. Việc hình thành tài sản Nhà nước chủ yếu theo cơ chế xin – cho bao cấp, chưa hề có chiến lược phát triển tài sản nhà nước trong điều kiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa hiện nay. Khâu kế hoạch rất tùy tiện, không có tính khoa học, mang nặng tính chất xin – cho hoặc chia đều bình quân chủ nghĩa. Khâu triển khai mua sắm, hình thành tài sản Nhà nước không có quy trình, quy chế minh bạch. Khâu kiểm tra, đánh giá hầu như buông lỏng, hoặc có kiểm tra nhưng đánh giá tùy tiện, cảm tính, không gắn với các biện pháp khen thưởng, trừng phạt thỏa đáng.

Trách nhiệm của người quản lý, đặc biệt là người đứng đầu cơ quan Nhà nước đối với tài sản Nhà nước chưa cao và Nhà nước cũng không có cơ chế ràng buộc trách nhiệm rõ ràng. Người để lãng phí hàng tỷ đồng có khi không bị phê bình, khiển trách, thậm chí lãng phí càng nhiều, càng tạo cơ hội tham nhũng, càng được lòng của cấp dưới và cấp trên, những người hưởng lợi. Cơ chế lãng phsi trong sử dụng tái ản nhà nước ở PMU 18 cho thấy rõ nguyên nhân này rất đáng kể.

Cơ cấu chi tiêu ngân sách Nhà nước giữa chi tiêu mua sắm mới tài sản và chi phí duy tu, bảo dưỡng, đào tạo kỹ năng sử dụng tài sản có sự bất hợp lý. Phần mua sắm mới thường xuyên được ưu tiên hơn, phần duy tu, bảo dưỡng

8

thuộc chi phí thường xuyên nên hay bị cắt xén, giảm bớt đến mức không đủ để duy trì nhiều tài sản Nhà nước đang sử dụng; hoặc không có tiền duy tu, bảo dưỡng, nhiều tài sản Nhà nước xuống cấp nhanh chóng, giảm tuổi thọ, hoạt động không hiệu quả. Chỉ cần so sánh cơ cấu hai loại chi phí này ở Việt Nam và so sánh với các nước là có thể thấy rõ sự bất hợp lý này.

Hệ thống định mức, tiêu chuẩn và chế độ sử dụng tài sản Nhà nước cũng là một trong những nguyên nhân quan trọng. Định mức không chính xác, lạc hậu tất yếu dấn đễn việc chấp hành tùy tiện, dối trá trong chi tiêu. Khi hiện tượng dối trá trong chi tiêu phát triển tất yếu sẽ dẫn đến lãng phí và hà lạm công quỹ hoặc lãng phí tài sản. Tiêu chuẩn sử dụng tài sản Nhà nước nếu không chi tiết và phù hợp tất yếu dẫn đến vi phạm tiêu chuẩn tràn lan, không ai kiểm soát nổi. Chỉ tính riêng việc vi phạm tiêu chuẩn sử dụng xe con, mua sắm xe con gây lãng phí của Nhà nước hàng trăm tỷ đồng/năm nhưng khắc phục tình trạng này quả là không dễ nếu không xác định lại bộ tiêu chuẩn minh bạch và áp dụng triệt để, đồng thời có chính sách thay thế kịp thời. Chế độ sử dụng công quỹ và tài sản Nhà nước của ta nặng về bao cấp, lại thiếu các biện pháp kiểm tra, thưởng – phạt cũng dẫn đến lãng phí. Chỉ tính riêng lĩnh vực xe con, nếu có chế độ khóa chi hoặc đưa vào tiền lương chắc chắn sẽ giảm chi phí sử dụng xe con ở các cơ quan công quyền xuống gấp 2-4 lần.

Đạo đức công vụ thấp cũng là yếu tố gây nên lãng phí. Đạo đức kém, cộng với động cơ tham nhũng, cửa quyền tạo ra một thứ quan hệ méo mó trong cấp phát, mua sắm, quyết toán tài sản Nhà nước.

3- Đánh giá thực trạng hệ thống các văn bản pháp luật về quản lý và sử dụng tài sản nhà nước

Trong những năm qua, hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước không ngừng được hoàn thiện và có thể được chia thành các nhóm sau:

Nhóm 1: các văn bản quy phạm pháp luật về quản lý và sử dụng tài sản Nhà nước tại khu vực hành chính sự nghiệp. Trên cơ sở văn bản có tính pháp lý cao nhất trong lĩnh vực này là Nghị định số 14/1998/NĐ-CP ngày 6-3-1998 của Chính phủ về quản lý tài sản Nhà nước, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành 8 quyết định quy định việc quản lý, sử dụng đối với tài sản là ô tô, trụ sở làm việc, nhà đất. Trong đó quan trọng nhất là các văn bản: Quyết định số 59/2007/QĐ-TTg ngày 7-5-2007 về việc ban hành quy định tiêu chuẩn, định mức và chế độ quản lý, sử dụng phương tiện đi lại trong cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập, công ty nhà nước ; Quyết định của Thủ tướng Chính phủ số 260/2006/QĐ-TTg ngày 14-11-2006 về việc sửa đổi, bổ sung Quyết

9

định số 147/1999/QĐ-TTg ngày 5-7-1999 quy định tiêu chuẩn định mức sử dụng trụ sở làm việc tại các cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp. Bộ tài chính đã ban hành 13 thông tư, quyết định quy định chi tiết thi hành. Đó là các văn bản:

- Thông tư số 83/2004/TT-BTC ngày 17-8-2004 hướng dẫn một số nội dung quản lý trụ sở làm việc của các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp.

- Thông tư số 20/2004/TT-BTC ngày 19-3-2004 hướng dẫn thực hiện việc xử lý nhà đất trên địa bàn thành phố Cần Thơ, tỉnh Hậu Giang.

- Quyết định số 20/1999/QĐ-BTC ngày 25-2-1999 về việc ban hành quy chế quản lý và sử dụng trụ sở làm việc thuộc sở hữu nhà nước của các cơ quan hành chính sự nghiệp.

- Quyết định số 101/1999/QĐ-BTC ngày 28/8/1999 về việc ban hành quy chế quản lý, sử dụng phương tiện đi lại tại các cơ quan hành chính sự nghiệp và doanh nghiệp Nhà nước.

- Quyết định số 55/2000/QĐ-BTC ngày 19-4-2000 về việc ban hành Quy chế quản lý việc việc xử lý tài sản Nhà nước tại các cơ quan hành chính sự nghiệp.

- Quyết định số 147/2001/QĐ-BTC ngày 27-12-2001về việc sửa đổi một số điều của Quyết định số 101/1999/QĐ-BTC ngày 28/8/1999 về việc ban hành quy chế quản lý, sử dụng phương tiện đi lại tại các cơ quan hành chính sự nghiệp và doanh nghiệp Nhà nước.

- Quyết định số 32/2004/QĐ-BTC ngày 6-4-2004 quy định tiêu chuẩn, định mức sử dụng trụ sở làm việc của các cơ quan nhà nước cấp xã, phường, thị trấn.

- Thông tư số 69/1999/TT-BTC ngày 9-6-1999 hướng dẫn xử lý đối với tài sản Nhà nước tại khu vực hành chính sự nghiệp sau tổng kiểm kê đánh giá lại tài sản cố định theo quyết định 466/TTg ngày 2-7-1997.

- Thông tư số 122/1999/TT-BTC ngày 13-10-1999 hướng dẫn kê khai đăng ký trụ sở làm việc thuộc sở hữu Nhà nước tại các cơ quan hành chính sự nghiệp.

- Thông tư số 121/2000/TT-BTC ngày 29-12-2000 hướng dẫn thực hiện đấu thầu mua sắm đồ dùng, vật tư, trang thiết bị, phương tiện làm việc đối với cơ quan Nhà nước, lực lượng vũ trang, đoàn thể và doanh nghiệp Nhà nước sử dụng nguồn vốn ngân sách Nhà nước.

10

- Thông tư số 83/2001/TT-BTC ngày 4-10-2001 hướng dẫn thực hiện việc xử lý, sắp xếp lại nhà đất thuộc sở hữu Nhà nước trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh.

- Thông tư số 94/2001/TT-BTC ngày 22-11-2001 bổ sung Thông tư số 121/2000/TT-BTC ngày 29-12-2000 của Bộ trưởng Bộ tài chính.

- Gần đây nhất, Bộ tài chính đã ban hành Thông tư số 103/2007/TT-BTC hướng dẫn thực hiện Quyết định số 59/2007/QĐ-TTg ngày 07/5/2007 của Thủ tướng Chính phủ ban hành quy định tiêu chuẩn, định mức và chế độ quản lý, sử dụng phương tiện đi lại trong cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập và công ty nhà nước

Nhóm 2: các văn bản quy phạm pháp luật về quản lý tài sản xác lập quyền sở hữu Nhà nước (là quy định đối với các tài sản khi có quyết định tịch thu sung quỹ Nhà nước), bao gồm 1 nghị định của Chính phủ, 4 thông tư, quyết định của Bộ tài chính.

Nhóm 3: các văn bản quy phạm pháp luật về quản lý và sử dụng các tài sản khác, được quy định trong Hiến pháp, 12 bộ luật, luật và 3 pháp lệnh, cụ thể là: Bộ luật dân sự, Bộ luật hình sự, Luật ngân sách nhà nước, Luật bảo vệ và phát triển rừng, Luật khoáng sản, Luật hải quan, Luật di sản văn hóa, Luật tài nguyên nước, Luật dầu khí, Luật giao thông đường bộ, Luật đất đai, Luật thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, Pháp lệnh khai thác và bảo vệ công trình thủy lợi, Pháp lệnh đê điều, Pháp lệnh xử lý vi phạm hành chính.

Qua nghiên cứu hệ thống các văn bản pháp luật nêu trên có thể đưa ra một số nhận xét ban đầu như sau:

Một là, tài sản Nhà nước cho dù thuộc loại nào, do cơ quan, tổ chức nào quản lý cũng đã có các văn bản quy phạm pháp luật điều chỉnh việc quản lý và sử dụng, có thể là luật, pháp lệnh hoặc nghị định, thông tư...

Hai là, hệ thống văn bản quy phạm pháp luật trong lĩnh vực này còn hết sức phân tán, ban hành không đồng bộ, chưa có một luật khung về quản lý và sử dụng tài sản nhà nước nói chung nên không thể tránh khỏi tình trạng trùng lắp, chồng chéo.

Ba là, các quy định về quản lý, sử dụng còn khá chung, chủ thể quản lý, sử dụng thường chưa bao quát, chủ yếu là cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp Nhà nước và cán bộ, công chức, viên chức Nhà nước, nhất là trong bối cảnh phát triển nền kinh tế với nhiều thành phần tham gia, thực hiện xã hội hóa trong các hoạt động sự nghiệp sâu, rộng hơn.

11

Dưới góc độ thực hành tiết kiệm, chống lãng phí có thể thấy rằng các văn bản quy phạm pháp luật trong lĩnh vực quản lý và sử dụng tài sản nhà nước do được ban hành trước Luật thực hành tiết kiệm, chống lãng phí nên còn có nhiều quy định chưa thống nhất. Điều 4, Luật thực hành tiết kiệm, chống lãng phí đã đưa ra 5 nguyên tắc thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, bao gồm: i) Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí phải được quán triệt từ chủ trương, đường lối, cơ chế, chính sách và được thể chế hoá bằng pháp luật; ii) Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí phải căn cứ vào định mức, tiêu chuẩn, chế độ và quy định của pháp luật; iii) Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí phải có sự phối hợp chặt chẽ giữa các cấp, các ngành, cơ quan, tổ chức; trên cơ sở phân cấp quản lý đồng thời với việc nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu, trách nhiệm của cán bộ, công chức, viên chức trong cơ quan, tổ chức; iv)Bảo đảm dân chủ, công khai, minh bạch, đề cao vai trò giám sát của Quốc hội, Hội đồng nhân dân các cấp, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức thành viên của Mặt trận, đoàn thể quần chúng và nhân dân trong việc thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; v) Có chế độ khen thưởng, xử l ý vi phạm rõ ràng, nghiêm minh, kịp thời và công khai. Những nguyên tắc này ở những mức độ khác nhau chưa được cụ thể hóa và quy định chặt chẽ trong các văn bản trước đây về quản lý và sử dụng tài sản nhà nước.

III- KIẾN NGHỊ

1- Xây dựng Luật công sản

Yêu cầu phát triển kinh tế- xã hội của đất nước với tốc độ tăng trưởng nhanh và bền vững đòi hỏi phải phát huy cao độ và sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực của đất nước. Tài sản nhà nước nếu được khai thác, sử dụng tốt sẽ phát huy được sức mạnh vật chất rất to lớn trong quá trình này. Để phát huy được cần phải có một khuôn khổ chính sách và pháp luật có hiệu lực pháp lý cao và đồng bộ.

Tài sản nhà nước là điều kiện vật chất cơ bản, giữ vị trí quan trọng đảm bảo hoạt động của bộ máy nhà nước, an ninh, quốc phòng, sự nghiệp kinh tế - xã hội của đất nước. Thực hiện nhất quán chính sách phát triển kinh tế nhiều thành phần để giải phóng sức sản xuất xã hội...Nhà nước hiện đang giao tài sản của mình cho nhiều đối tượng khác nhau quản lý, khai thác, sử dụng như: cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp, tổ chức kinh tế thuộc mọi thành phần kinh tế và các tổ chức, cá nhân khác... Trong đó, quyền sở hữu tài sản thuộc về Nhà nước, còn quyền sử dụng tài sản thuộc về các đối tượng trực tiếp sử dụng (có cả những đối tượng thuộc các hình thức sở hữu khác ngoài Nhà nước). Trong kinh tế thị trường, tồn tại đồng thời nhiều hình thức sở hữu, nảy sinh vấn đề:

12

Nếu Nhà nước không có biện pháp quản lý chặt chẽ thì một bộ phận nguồn lực (tài sản nhà nước) thuộc sở hữu của Nhà nước bị chuyển dịch quyền sở hữu sang các chủ thể khác (ngoài nhà nước), làm suy giảm nguồn lực của Nhà nước.

Việc khai thác, sử dụng tài sản nhà nước hiện nay còn nhiều yếu kém, bất cập mà một trong những nguyên nhân quan trọng là hệ thống pháp luật chưa đầy đủ, đồng bộ, kỷ cương, kỷ luật không nghiêm. Hiện nay văn bản pháp lý cao nhất về quản lý tài sản nhà nước là Nghị định số 14/1998/NĐ-CP ngày 6/3/1998, Nghị định số 137/2006/NĐ-CP ngày 14/11/2006 của Chính phủ, với phạm vi điều chỉnh hạn chế và nhiều quy phạm cần phải sửa đổi bổ xung, chưa theo kịp với yêu cầu thực tế và quá trình hội nhập hoặc cần phải nâng cao giá trị pháp lý.

Trong quá trình chuyển đổi sang kinh tế thị trường, cơ chế tài chính đối với một số lĩnh vực, một số đối tượng cần có sự thay đổi quan trọng, nhất là cơ chế quản lý các đơn vị sự nghiệp công lập đã xã hội hoá. Mặt khác, sự phát triển của thị trường bất động sản cũng đang đòi hỏi cần có cơ chế thích hợp để phát huy thế mạnh trong việc sử dụng nguồn lực vật chất rất lớn là tài sản thuộc sở hữu nhà nước... Để phù hợp với các tiến trình này, cơ chế quản lý tài sản nhà nước cũng cần được bổ sung cho phù hợp và được thể chế hoá thành luật.

Từ những vấn đề nêu trên, việc ban hành một văn bản Luật về quản lý và sử dụng tài sản nhà nước là rất cần thiết, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế xã hội của đất nước và xu thế hội nhập quốc tế. Đây là một trong các nội dung đã được Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ X coi là một trong những giải pháp quan trọng phát triển kinh tế - xã hội của đất nước giai đoạn 2006-2010:"Ban hành Luật quản lý tài sản nhà nước nhằm quản lý, sử dụng có hiệu quả nhà đất và các tài sản khác của Nhà nước".

2- Sửa đổi cơ chế, chính sách để tăng cường quản lý và sử dụng tài sản Nhà nước có hiệu quả

- Chính phủ cần cụ thể hóa các quy định của Luật thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, Luật phòng, chống tham nhũng, Luật đấu thầu, Luật đầu tư bằng các Nghị định của Chính phủ để tăng cường quản lý chặt chẽ việc sử dụng tài sản nhà nước.

- Hoàn thiện hệ thống chế độ, định mức, tiêu chuẩn về sử dụng tài sản nhà nước như trang bị và sử dụng xe ô tô, xe máy, sử dụng điện thoại, trụ sở làm việc, nhà công vụ, tài sản của các dự án viện trợ nước ngoài..., khắc phục những tồn tại và yếu kém như đã nêu ở phần trên.

13

- Tăng cường kiểm tra, quản lý việc mua sắm, sử dụng tài sản nhà nước, tuân thủ đúng quy định của Luật đấu thầu và Quy chế mua sắm công.

- Rà soát việc sử dụng trụ sở làm việc của các cơ quan đơn vị; rà soát lại các tài sản công để có biện pháp điều chuyển từ nơi thừa sang nơi thiếu và nâng cao hiệu quả sử dụng tài sản nhà nước.

- Nghiên cứu, khảo sát và đánh giá kỹ để phân loại các tài sản nhà nước và có kế hoạch sử dụng hợp lý, phù hợp với nhu cầu đòi hỏi của nền kinh tế, chống lãng phí, tham nhũng và tiêu cực; bảo đảm công bằng và công khai trong việc sử dụng các tài sản nhà nước.

3- Tăng cường công tác giám sát của Quốc hội đối với việc quản lý và sử dụng tài sản nhà nước

- Cần tạo lập cơ chế phối hợp giữa cơ quan lập pháp, cơ quan hành pháp và cơ quan tư pháp để nâng cao hiệu lực giám sát quản lý và sử dụng tài sản nhà nước như: quy định cụ thể chế độ báo cáo định kỳ từng quý về tình hình sử dụng tài sản nhà nước của các cơ quan nhà nước, các cơ quan công quyền tới Quốc hội; quy định cụ thể về trách nhiệm của các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện những ý kiến, kiến nghị của Quốc hội; quy định các chế tài cần thiết trong trường hợp các cơ quan nhà nước không xem xét giải quyết hoặc giải quyết không thỏa đáng những kiến nghị của Quốc hội.

- Xác định rõ cơ chế phối hợp giữa Ủy ban tài chính và ngân sách với Hội đồng dân tộc và các Ủy ban khác của Quốc hội cũng như với Ban kinh tế ngân sách của Hội đồng nhân dân cấp tỉnh trong quá trình thẩm tra các vấn đề về quản lý và sử dụng tài sản nhà nước; kiện toàn Ban kinh tế ngân sách của Hội đồng nhân dân cấp tỉnh; tăng cường phối hợp với các cơ quan của Chính phủ, Ủy ban nhân dân trong việc quản lý và sử dụng tài sản nhà nước. Sau giám sát, Quốc hội cần có kiến nghị xác đáng để tăng cường quản lý việc trang bị và sử dụng tài sản nhà nước.

4- Nâng cao vai trò của cơ quan Kiểm toán nhà nước

Kiểm toán nhà nước là cơ quan chuyên môn do Quốc hội lập đóng vai trò đắc lực trong việc thực hiện kiểm toán các cơ quan, đơn vị có sử dụng tài sản nhà nước. Cơ quan kiểm toán nhà nước phải có trách nhiệm báo cáo kết quả kiểm toán cho Quốc hội theo quy định của Luật kiểm toán Nhà nước vừa được Quốc hội thông qua và có hiệu lực thi hành từ ngày 1-1-2006.

Kiểm toán là công cụ mạnh, sắc bén để giúp Quốc hội thực hiện giám sát có hiệu quả. Cơ quan này phải đảm nhận việc kiểm tra, kiểm soát đối với

14

các đơn vị quản lý và sử dụng tài sản Nhà nước. Thông qua hoạt động của cơ quan kiểm toán nhà nước sẽ tác động đến các đơn vị quản lý và sử dụng tài sản nhà nước theo đúng chế độ, định mức, tiêu chuẩn nhà nước đã quy định, khuyến khích quản lý và sử dụng tài sản nhà nước đạt kết quả cao, chống lãng phí, tham nhũng, tăng cường kỷ luật tài chính – ngân sách.

Tóm lại, để quản lý và sử dụng tài sản Nhà nước lành mạnh, bền vững và hiệu quả cao thì không thể thiếu công tác giám sát. Công tác này được xem là “chìa khóa” để bảo toàn và phát huy hiệu quả của việc quản lý và sử dụng tài sản Nhà nước và cho phép các nhà quản lý phát hiện và phòng ngừa những nguy cơ xảy ra đối với công tác quản lý và sử dụng tài sản Nhà nước, tác động xấu đến kinh tế vĩ mô và nền tài chính quốc gia. Thực tế cho thấy, sự yếu kém của hệ thống giám sát việc quản lý và sử dụng tài sản nhà nước (cả vĩ mô và vi mô) là một trong những nguyên nhân dẫn đến hao tổn nguồn lực tài chính, không đủ để thực hiện các mục tiêu và nhiệm vụ đã đặt ra. Đổi mới và tăng cường công tác giám sát tài sản Nhà nước của Quốc hội là một biện pháp rất quan trọng để quản lý và sử dụng tài sản Nhà nước có hiệu quả.

Giám sát việc quản lý và sử dụng tài sản Nhà nước trong điều kiện như ở Việt Nam hiện nay là rất phức tạp và khó khăn, nhưng đó là điều kiện để bảo đảm cho việc quản lý và sử dụng tài sản Nhà nước đúng pháp luật, bảo đảm thực quyền của các cơ quan dân cử nhất là Quốc hội nhằm đẩy lùi những hiện tượng lãng phí, tham nhũng, tiêu cực trong việc quản lý và sử dụng tài sản nhà nước.

IV- MỘT SỐ KINH NGHIỆM NƯỚC NGOÀI TRONG QUẢN LÝ VÀ SỬ DỤNG TÀI SẢN NHÀ NƯỚC

Chính phủ cầm quyền ở các quốc gia từ trước đến nay đều rất chú trọng đến việc quản lý và sử dụng tiết kiệm tài sản quốc gia để thực thi tốt nhiệm vụ của mình. Trong một năm có lẽ số tiết kiệm không nhiều nhưng cùng với thời gian có lẽ nguồn lực tiết kiệm này cũng đáng kể, lại rất cần thiết trong giai đoạn hiện nay cần gia tăng nguồn lực cho công cuộc xóa đói, giảm nghèo ở mỗi nước, đồng thời, thực hiện phương châm phát triển bền vững sao cho bảo đảm nhu cầu của thế hệ hiện tại nhưng không làm tổn hại đến thế hệ sau trong việc bảo đảm đáp ứng nhu cầu cũng ngày càng tăng của họ về vật chất và tinh thần.

Việc tiết kiệm chống lãng phí ở quốc gia nào cũng đều chú trọng vào quản lý, sử dụng trụ sở làm việc, nhà công vụ cơ quan, tổ chức sử dụng kinh phí ngân sách nhà nước và các công trình phúc lợi công cộng, quản lý và sử dụng lao động, thời gian lao động trong khu vực Nhà nước; quản lý và sử dụng vốn và tài sản Nhà nước tại doanh nghiệp, việc sản xuất và tiêu dùng của nhân

15

dân. Nguyên tắc cơ bản được áp dụng ở đa số các nước là: i) quản lý hợp lý để tiết kiệm nguồn lực tài nguyên quốc gia; ii) tiết kiệm sử dụng và phân phối nguồn lực hiện vật và iii) tiết kiệm chi phí sử dụng trong hoạt động công tác thông qua quy định hay việc sắp xếp sao cho tối thiểu hóa chi phí cần thiết.

1- Công khai thông tin, góp phần tiết kiệm chi phí ngân sách và chống tham nhũng

Việc công khai thông tin giúp Chính phủ tiết kiệm chi phí và công sức của nhân viên do không gặp rắc rối trong việc thực hiện các chức năng của Chính phủ. Trong đó đáng kể nhất là:

- Công khai thủ tục hành chính. Việc công khai này giúp người dân tiên liệu được hành vi và nhất là hoạt động sản xuất kinh doanh của mình.

- Công khai các trường hợp mua sắm tài sản công (kể cả các cuộc đấu thầu, tuyển dụng công chức, thuê mướn lao động...). Việc công khai này làm cho tiết kiệm được chi phí mua sắm và chống được hiện tượng chuyển và gửi giá của người đi mua sắm tài sản công.

- Công khai ngân sách và thu chi tài chính ở tất cả các cơ quan Nhà nước. Việc công khai này làm tăng cường tính minh bạch dân chủ và công bằng phân bổ và chi tiêu ngân sách trong điều kiện có định mức và có tự chủ tài chính nhất định.

- Công khai các trường hợp khiếu nại, tố cáo và quá trình giải quyết các khiếu nại, tố cáo ấy...

Mặt khác, rất nhiều quốc gia cho phép người dân được đến dự các phiên họp của Quốc hội (theo dõi, quan sát) nếu họ muốn.

2- Sử dụng tiêu chí hiệu quả để xác định nhu cầu tiến hành cung cấp dịch vụ công

Việc cung cấp dịch vụ công là một trong những nhiệm vụ quan trọng của Chính phủ. Tuy vậy, chi phí thực hiện dịch vụ này cũng cần được tiết kiệm vì nó thể hiện tiết kiệm ngân sách Nhà nước. Trong việc này, Chính phủ Anh đã có những bước tiến dài. Vào đầu những năm 1970, Nhà nước đã đặt yêu cầu phải cải cách hoạt động Chính phủ theo mục tiêu tiết kiệm và chi tiêu hiệu quả, sao cho vẫn bảo đảm hoạt động bộ máy và cung ứng đầy đủ dịch vụ công. Các câu hỏi đặt ra bao gồm:

Một là, liệu có thể làm được việc đó không, có hiệu quả không? Do đó, trong giai đoạn ngắn hạn cần tìm kiếm mục tiêu cụ thể, tìm hiểu những nguồn lực, nhân tố liên quan để xác định xem nó có khả thi không?

16

Hai là, với chi phí thấp có làm được không? Theo đó nếu không tìm ra câu trả lời cho vấn đề này, công việc sẽ dừng lại ở đây. Sự lựa chọn có thể sẽ là chuyển giao sang khu vực tư nhân làm nêu chi phí thấp hơn mà các điều kiện khác vẫn đảm bảo.

Ba là, có cần thiết phải làm việc đó không? Trên khía cạnh này thực tế có nhiều vấn đề mang tính cần thiết, nhưng xét kỹ về khía cạnh nào đó lại không cần thiết. Để đánh giá như vậy không phải những người làm việc không công tâm, mà là có thể có quá nhiều yếu tố khiến họ không thể đánh giá đúng bản chất vấn đề. Vì thế, cần phải đưa ra các câu hỏi và việc trả lời các câu hỏi này có tính quyết định. Nếu thấy không thật cần thiết, nguồn nhân lực, vật lực và tiền của bố trí cho công việc đã định sẽ bị hủy bỏ hay chuyển sang cho công việc và dự án khác tạo điều kiện tiết kiệm cho ngân sách và tiết kiệm nhân lực.

Bắt đầu từ năm 1979 Chính phủ Anh đã thực thi Chương trình khảo sát kỹ lưỡng (Scrutiny Programme) với mục tiêu rà soát thực tế để nhận diện vấn đề. Năm 1982 Chính phủ lại tiếp tục thực hiện chương trình mới với tên gọi là Sáng kiến quản lý tài chính – Financial Management Initiative, khi nhận thấy bất kỳ một chương trình hoạt động hay cải cách nào cũng cần phải giải quyết khía cạnh tài chính. Từ đó, vấn đề Cạnh tranh về chất lượng và tư nhân hóa đã được quan tâm nhiều hơn khi các cơ quan cung cấp dịch vụ công của các Bộ được thực hiện chế độ tự quản nhằm nâng cao chất lượng hay tư nhân hóa khi có khả năng tự bảo đảm tài chính. Các mục tiêu đặt ra phải bảo đảm 5 yếu tố (viết tắt là SMART):

S: Specific - Mục tiêu phải cụ thể thành con số rõ ràng

M: Measurable – Phải có thước đo cho các mục tiêu đó

A: Appropriate – Phải phù hợp, người đặt ra phải có khả năng để đạt được nó

R: Relevant – Phải liên quan trực tiếp đến công việc của người đó.

T: Timed – những mục tiêu đó phải được hoàn thành trong một thời hạn nhất định.

Cũng từ đó dịch vụ công được tổ chức theo 8 nguyên tắc: i) xây dựng các tiêu chuẩn dịch vụ; ii) công khai và cung cấp đầy đủ thông tin; iii) cố vấn và trực tiếp tham gia; iv) tạo cơ hội tiếp cận và phát huy quyền lựa chọn; v) đối xử công bằng với tất cả mọi người; vi) sửa chữa khi có sai sót; vii) sử dụng hiệu quả các nguồn lực; viii) đổi mới và cải tiến hợp tác với các đơn vị cung cấp dịch vụ công khác.

17

Nhờ một loạt các bước đi tiếp theo, kết quả rất đáng khích lệ. Nếu như năm 1979 khi bắt đầu cải cách, tổng số công chức của Anh vào khoảng 760 ngàn người thì 2 năm sau con số đã giảm xuống còn 520 ngàn người và 10 năm sau đó chỉ còn 460 ngàn người. Nghĩa là giảm được 40% số lượng và 1/3 số nhân viên giảm biên chế đã được chuyển sang khu vực tư nhân... Kèm theo đó là các khoản tiết kiệm lớn cho ngân sách nhà nước, không chỉ trong hiện tại mà cả tương lai về chi cho bộ máy hành chính và hoạt động của nó.

3- Tăng cường tiết kiệm sử dụng năng lượng và áp dụng cơ chế hợp lý để quản lý tài nguyên đất đai trong tay Nhà nước

Ngoài việc các Chính phủ đều chú trọng tìm kiếm nguồn năng lượng rẻ hơn và an toàn để hướng dẫn tiêu dùng và thực hiện các mục tiêu sản xuất kinh doanh, việc sử dụng các dạng năng lượng sạch và năng lượng tái sinh cũng được chú trọng, nhất là ở châu Á. Trung quốc đang dẫn đầu thế giới và châu Á về vấn đề đầu tư phát triển các nguồn năng lượng này. Mục tiêu đến năm 2010 đưa tỷ lệ năng lượng tái sinh lên chiếm 10% tổng nguồn cung năng lượng. Hiện nay đã có hơn 30 triệu người dân Trung quốc đang sử dụng ô tô chạy bằng nhiên liệu sinh học trong nước.

Còn Ấn Độ đang dẫn đầu thế giới về năng lượng gió, Philippines cũng đã có những chương trình phát triển chiến lược về năng lượng tái sinh, sử dụng phế liệu của ngành mía đường để sản xuất năng lượng. Nhiều loại cây như cọ, mía, dừa ... đang được các nước châu Á thử nghiệm dùng sản xuất nhiêu liệu sinh học thay thế các nguồn nhiêu liệu hóa thạch và dầu mỏ. Tuy rằng hiện nay nhiên liệu sinh học mới chỉ chiếm 1% nhu cầu nhiên liệu ở châu Á, nhưng tỷ lệ này sẽ tăng nhanh trong thời gian tới. Thái Lan đã khẳng định việc sử dụng hoàn toàn nhiên liệu sinh học là mục tiêu của nước này trong vài thập kỷ tới.

Với quan điểm cho rằng trong tương lai có thể tiết kiệm được đến 30% nhu cầu năng lượng nhờ áp dụng các biện pháp sử dụng tiết kiệm và bảo tồn năng lượng, châu Á đang có nhiều nỗ lực, đi đầu là Hàn Quốc. Chính phủ Hàn Quốc quan niệm rằng trong điều kiện giá dầu ngày càng tăng cao, việc tiết kiệm được coi là quốc sách và có ý nghĩa lớn đối với tài sản nhà nước.

Ấn độ đã quy hoạch 39,2 triệu ha trồng cây tragiopha để có thể sản xuất nhiên liệu thay thế 20% nhu cầu dầu diesel trong vòng 5 năm tới. Inđônêxia và Philippines đã thu hút hơn 20 triệu USD vốn đầu tư nước ngoài để trồng các loại cây cung cấp nhiên liệu sinh học. Malaysia đã xây dựng 10 nhà máy sản xuất diesel sinh học từ dầu cọ để xuất khẩu; loại nhiên liệu này có thể giúp làm giảm tới 78% lượng khí thải dioxide carbon.

18

Tại Trung Quốc, ngoài việc sử dụng các biện pháp trực tiếp quản lý thị trường bất động sản phát triển lành mạnh như thành lập 4 Trung tâm giao dịch quốc gia để thực hiện các hoạt động đấu thầu xây dựng, mua bán đất đai, mua sắm tài sản công... một trong những cách thức điều tiết hoạt động của các nhà đầu tư để tránh đầu cơ là Chính phủ quy định rằng nhà đầu tư nhận giao đất nếu muốn chuyển nhượng tiếp phải đầu tư vào đất đai ít nhất 25% tổng giá trị đầu tư của dự án. Quy định này được đề ra trong Điều lệ về quản lý bất động sản từ năm 1994. Nếu trong một năm mà nhà đầu tư không thực hiện quy định này sẽ bị phạt tiền và trong thời hạn 2 năm không đầu tư gì thì sẽ bị nhà nước thu hồi đất. Do vậy không để hiện tượng bỏ hoang hóa các khu đất đã xí phần đầu cơ trục lợi hoặc không chịu hoạt động gì trên mảnh đất đó. Như vậy Trung Quốc đã rất lưu ý đến nhận định của K. Marx trước đây rằng: “lao động là cha, đất đai là mẹ”, để cho đất đai không được “nghỉ ngơi” theo kiểu hoang hóa dài hơi như ở nhiều nơi ta vẫn thấy.

4- Chú trọng việc tiết kiệm tài sản Nhà nước trong hành vi của cán bộ, nhân viên

Về quy định nội quy tại các tòa nhà cơ quan làm việc ở các nước có nhiều quy định khác với Việt Nam. Nếu như nội dung các Nội quy ra vào và bảo vệ cơ quan ở Việt Nam đều na ná giống nhau ở điểm bảo đảm trật tự, an toàn, đúng thể thức làm việc ... thì ở Nhật Bản, người ta quy định thêm rất rõ ràng đối với nhân viên rằng: “nếu thấy bóng điện sáng vô ích thì phải tắt, thấy vòi nước chảy vô ích cũng phải khóa lại”.

Tại Hàn Quốc, Thủ tướng Chính phủ đã từng chỉ thị, nếu trong phòng làm việc tại các cơ quan công sở nhiệt độ cần điều chỉnh bằng điều hòa cho mát thì không được phép bật điều hòa dưới nhiệt độ 26 độ C, cần thì chạy quạt điện.

5- Hạn chế số lượng xe và giờ chạy xe trong việc sử dụng xe công

Hàn Quốc tuy là nước sản xuất xe hơi và xuất khẩu quy mô lớn nhưng quy định về xe công lại rất chật. Cả cấp quản lý thủ đô Seoul chỉ có vài xe công phục vụ cho Thị trưởng và Phó Thị trưởng. Còn lại đều không có tiêu chuẩn được cấp xe con đi làm. Song đội xe công ở cơ quan lại rất sẵn sàng phục vụ đưa đón công chức đi giao dịch trong ngày và dài ngày ngoại tỉnh.

Đối với xe đưa đón khách quốc tế đến làm việc từ/ra sân bay, Nhật Bản, Đài Loan và Hàn quốc đều có kế hoạch thuê dịch vụ sẵn ở sân bay để họ đưa khách đến nơi ở khách sạn hay nơi gặp gỡ làm việc, xe công cơ quan không phải làm việc này. Như vậy không tốn kém cho cơ quan và xã hội vì cơ sở dịch vụ vận chuyển có trách nhiệm bố trí xe. Trường hợp Singapore lại khác, Chính

19

phủ giao cho Bộ phận Lễ tân ngoại giao của Bộ ngoại giao phải lo đưa đón khách đến Singapore làm việc. Như vậy thông tin điều độ quản lý và mối liên hệ giữa các cơ quan chức năng Chính phủ phải rất nhịp nhàng, đồng thời tự Bộ ngoại giao phải thực sự bố trí hợp lý và tiết kiệm chi phí đưa đón khách quốc tế đến Singapore thăm hay làm việc với các cơ quan Chính phủ.

CHLB Đức là cường quốc về sản xuất ô tô nhưng việc sử dụng ô tô công lại rất khắt khe. Các xe hơi phục vụ ngay cả nguyên thủ quốc gia cũng chỉ làm việc theo giờ hành chính trừ khi phải đón đoàn ngoại giao hay đưa khách đi tham quan. Chính vì vậy có trường hợp xe hơi cá nhân đi đến nơi làm việc của Thủ tướng Đức còn ít giá trị hơn của nhân viên dưới quyền. Nhưng vào giờ hành chính mà Thủ tướng cần đi họp, thăm viếng hay diễn thuyết ở đâu đó thì xe của Nhà nước loại sang trọng phải đưa ông đi. Còn việc đi từ nhà đến nơi làm việc cho Chính phủ là việc riêng mà cơ quan không có nhiệm vụ phải bảo đảm cho Thủ tướng.

Trên khía cạnh khác Chính phủ các nước có quy định chặt chẽ những quyền lợi phát sinh từ khuyến mại đối với cá nhân công chức Nhà nước sử dụng chi phí quốc gia đều phải sung công. Ví dụ điển hình là hãng hàng không quốc gia Lufthansa (CHLB Đức) quy định ai đi 100 lần trong năm bằng vé của hãng thì cuối năm được thưởng khuyến mại 1 cặp vé ra nước ngoài. Dựa vào đó, một vị Thứ trưởng của Bộ ngoại giao Đức do cả năm đã đi công tác nên đã có vé khuyến mại đưa vợ đi nghỉ mát ở Tây Ban Nha. Điều này đã gây nên một vụ xì căng đan ầm ĩ đến nỗi ông này không những phải trả lại tiền vào ngân khố quốc gia mà còn phải từ chức vì không gương mẫu chấp hành quy định Nhà nước.

Ngoài những vấn đề nêu trên, việc quản lý và sử dụng tiết kiệm tài sản nhà nước ở các quốc gia đã được khai thông thông qua những đạo luật hay quy định khác. Mục tiêu chủ yếu và phổ biến là chi tiêu tiết kiệm, bảo vệ môi trường để phát triển bền vững. Chính vì vậy, một trong những phương châm đang được hưởng ứng rộng rãi ở nhiều nước là: “Suy nghĩ cho toàn cầu, hành động ngay tại chỗ - Think globally, Act locally”. Thực hiện phương châm này sẽ giúp cho các quốc gia vững bước trên con đường quản lý và sử dụng tiết kiệm tài sản nhà nước.

20

21

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1- Luật thực hành tiết kiệm, chống lãng phí

2- Nghị định số 14/1998/NĐ-CP ngày 6-3-1998 về quản lý tài sản Nhà nước.

3- Quyết định số 59/2007/QĐ-TTg ngày 7-5-2007 về việc ban hành quy định tiêu chuẩn, định mức và chế độ quả lý, sử dụng phương tiện đi lại trong cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập, công ty nhà nước.

4- Quyết định của Thủ tướng Chính phủ số 260/2006/QĐ-TTg ngày 14-11-2006 về việc sửa đổi, bổ sung Quyết định số 147/1999/QĐ-TTg ngày 5-7-1999 quy định tiêu chuẩn định mức sử dụng trụ sở làm việc tại các cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp.

5- GS. TSKH. Tào Hữu Phùng, Vai trò của Quốc hội trong việc giám sát sử dụng tài sản Nhà nước – thực trạng và giải pháp, 6-2006.

6- Kim Văn Chính, PGS, TS, Viện quản lý kinh tế, Học viện Chính trị quốc gia, Tài sản Nhà nước và các dạng lãng phí trong sử dụng tài sản Nhà nước, 6-2006.

7- Tạp chí Quản lý Nhà nước số 122 tháng 3-2006

8- Tạp chí Thanh tra tài chính, các số 2005 và 2006.

9- Thông tin phục vụ lãnh đạo, Viện khoa học tài chính, các số 2006.

10- Một số website trong và ngoài nước.