21
2013 – 2014 INTERNATIONAL BACCALAUREATE Vietnamese A - Extended Essay Group 1 – Category 1 Chđề: Bàn vtriết lý sng thc qua tác phm kch “Hn Trương Ba Da Hàng Tht” ca nhà văn Lưu Quang Vũ. Candidate Name: Candidate Number: Supervisor: Word Count:

Extended Essay - Phuong Le · Nội Dung Chính Mở Bài: Đã là người, có ai không từng ấp ủ một ước mơ, dù chỉ là một tia khát khao nhỏ nhoi nhất

  • Upload
    others

  • View
    2

  • Download
    0

Embed Size (px)

Citation preview

2013 – 2014

INTERNATIONAL BACCALAUREATE

Vietnamese A - Extended Essay

Group 1 – Category 1

Chủ đề:

Bàn về triết lý sống thực qua tác phẩm kịch “Hồn Trương Ba Da Hàng Thịt”

của nhà văn Lưu Quang Vũ.

Candidate Name:

Candidate Number:

Supervisor:

Word Count:

T r a n g  |  2  

Lời Tựa

Với bề dày lịch sử hùng vĩ, đất nước ta đã từng trải qua bao cuộc chiến khốc liệt để lại dư âm khó phai

trong lòng con người Việt Nam. Nỗi cực nhọc dai dẳng kéo dài suốt bao thế hệ đã in dấu trong những

tác phẩm văn học kinh điển như Tắt Đèn của nhà văn “Ngô Tất Tố” hay “Đời Thừa” của Nam Cao.

Đó là những tiếng kêu xót xa vọng lên từ tâm hồn những con người mong ước cháy bỏng được thoát

khỏi bóng tối bao trùm của hiện thực.

Thế nhưng, lại hiếm có tác phẩm nào bắt nguồn từ những mong muốn nội tâm, bình dị nhưng không

kém phần sâu sắc như vở Hồn Trương Ba Da Hàng Thịt của Lưu Quang Vũ. Nhà văn George Elliot

có câu: “chỉ có một sự thất bại duy nhất trong cuộc sống: đó là việc hành động sai với những gì ta coi

là sự thật”1. Có lẽ, Lưu Quang Vũ là người thấu hiểu điều đó hơn ai hết, bởi tác phẩm kiệt xuất này

được sáng tác dựa trên chính niềm khao khát được sống là chính mình. Và đó cũng chính là lí do để

người viết chọn đề tài này: Bàn về triết lý sống thực qua vở kịch Hồn Trương Ba Da Hàng Thịt của

Lưu Quang Vũ. Để làm được điều này, người viết sẽ khai thác lối dẫn dắt kịch của Lưu Quang Vũ,

cũng như những hậu quả được đan cài đằng sau tiếng cười cay đắng của tác phẩm, qua đó tôn lên vẻ

đẹp của hai từ “sống thật” và cách nhà văn đã bày tỏ quan niệm về cuộc đấu tranh giữa cái tốt và cái

xấu, về khát vọng một cuộc sống trong sạch giữa biển cám dỗ của sự tha hóa – một bài học sống giữ

vững giá trị muôn thưở tới tận ngày hôm nay.

Số từ: 294 từ

                                                                                                                         1 Brainy quotes

T r a n g  |  3  

Lời Cảm Ơn

I would first like to express my gratitude and appreciation to my parents, who have always supported

me throughout the entire process of this Extended Essay.

I would also like to specially thank………………., my IB Vietnamese teacher and Extended Essay

supervisor for her guidance and advice during the past few months, all of which enabled me to

improve my essay.

Trước hết, em xin gửi lời cảm ơn đến cha mẹ và gia đình em, những người đã luôn đứng bên ủng hộ

em suốt quá trình thực hiện bài luận văn tốt nghiệp này.

Ngoài ra, em cũng xin gửi một lời cảm ơn đặc biệt nhất tới……………., giáo viên dạy văn tiếng Việt

và giám sát Extended Essay của em, vì sự chỉ dẫn tận tình cũng như những lời khuyên của cô trong

vài tháng vừa quá, giúp cho em có thể hoàn thiện tốt bài văn này.

T r a n g  |  4  

Mục  Lục  

Lời Tựa ................................................................................................................................................... 2

Lời Cám Ơn ............................................................................................................................................ 3

Mục Lục .................................................................................................................................................. 4

Giới Thiệu Chung Về Tác Phẩm .......................................................................................................... 5

Triết lý sống qua vở kịch ......................................................................................................................... 5

Yếu tố hình thành triết lý sống thực qua Hồn Trương Ba Da Hàng Thịt ............................................... 6

Nội Dung Chính ..................................................................................................................................... 7

Mở Bài ..................................................................................................................................................... 7

Thế nào là sống thực qua con mắt và ngòi bút của nhà văn Lưu Quang Vũ ........................................... 8

Hạnh phúc khi được sống thực qua nét đẹp tâm hồn tao nhã của Trương Ba ......................................... 9

Hậu quả đối với người thân khi Trương Ba không được sống là chính mình ....................................... 11

Sự giằng xé về mặt tâm hồn của Trương Ba khi không được sống là chính mình ................................ 14

Sự hy sinh để được sống thực qua cuộc đối thoại giữa Trương Ba và Đế Thích .................................. 16

Giá trị của tác phẩm qua lăng kính hiện đại .......................................................................................... 18

Kết Luận ............................................................................................................................................... 20

Tài Liệu Tham Khảo ........................................................................................................................... 21

T r a n g  |  5  

Giới Thiệu Chung Về Tác Phẩm

Triết lý sống qua vở kịch: Tích truyện “ Hồn Trương Ba Da Hàng Thịt” trong dân gian kể về một người trẻ tuổi, lương thiện có

tài chơi cờ vô đối tên là Trương Ba. Nhờ giỏi cờ mà Trương Ba được thần cờ Đế Thích trên thiên đình

rất yêu mến và thỉnh thoảng xuống chơi cờ cùng. Một hôm chẳng may do sự tắc trách của Nam Tào,

Trương Ba phải chết oan một cách đột ngột. Cảm thương nghịch cảnh của người đàn ông tốt bụng, Đế

Thích dùng phép để hồn Trương Ba nhập vào xác người hàng thịt mới chết. Trương Ba tuy sống nhờ

trong thân xác của người hàng thịt nhưng vẫn giữ nguyên vẹn tính cách và bản chất trong sạch của

mình nên vẫn được quan xử cho trở về với gia đình. Truyện cổ dân gian thể hiện rõ triết lý về cuộc

sống con người với quan niệm thân xác chỉ là cõi tạm, là nơi trú ngụ của linh hồn. Triết lý đề cao

tuyệt đối vai trò của linh hồn với việc vợ con, gia đình, pháp luật đều công nhận Trương Ba trong thân

xác người hàng thịt vẫn là một Trương Ba nguyên vẹn.

Ngược lại, trong vở kịch của Lưu Quang Vũ, nhân vật Trương Ba lại mang hình dáng của một người

đàn ông đứng tuổi, với cuộc sống bình dị và gia đình đầm ấm, sum vầy. Vốn là một con người tri

thức, điềm đạm và đôn hậu, Trương Ba được người thân ngưỡng mộ và hết lòng yêu mến. Vậy nhưng

sau sự hoán đổi oái oăm với người hàng thịt, Trương Ba dần thay đổi dưới sự chi phối của thân xác

kềnh càng, phàm tục. Tâm hồn thanh cao ngày nào trở nên vấy bẩn, và nhận thấy sự thay đổi đó,

người thân của Trương Ba vô cùng đau khổ và dần xa lánh ông. Để thoát khỏi kiếp sống chắp vá,

không trọn vẹn ấy, Trương Ba đã khẩn cầu Đế Thích cho ông được tìm đến cái chết. Trương Ba muốn

được trao trả lại sự thanh bình cho gia đình mình, được lưu giữ phẩm chất ngay thẳng ngày nào của

bản thân và cuối cùng đã chấp nhận cái chết để đạt được những mong muốn cao đẹp ấy.

T r a n g  |  6  

Yếu tố hình thành triết lý sống thực qua Hồn Trương Ba Da Hàng Thịt: Nói đến nền văn hóa kịch nước nhà, không thể quên nhắc tới Lưu Quang Vũ – người đã cho ra đời

những tác phẩm sâu sắc, mang đậm tính nhân văn đề cập tới những vấn đề nhức nhối của xã hội Việt

Nam vào những năm 1980. Cái tên Lưu Quang Vũ gây được chú ý của công chúng không chỉ bởi sự

đa tài trong mọi lĩnh vực văn chương, tới thơ ca và kịch, hay bởi lối hành văn rất “đời”, rất dân dã và

gần gũi mà còn bởi chính sự táo bạo của ông khi quyết định đem nỗi đau nhức nhối của cả một thế hệ

để tạo nên những kiệt tác văn học đầy triết lý, nhưng cũng không kém phần chân thật. Tác phẩm kịch

nổi tiếng nhất của nhà văn, Hồn Trương Ba Da Hàng Thịt được biên soạn vào năm 1983, vào cuối

thời kỳ bao cấp, tiến đến giai đoạn Đổi Mới. Dưới sự gò bó của những quy tắc xã hội, con người ta

sống theo khuôn phép mà không được tự do, được sống đúng với những suy nghĩ và mong muốn của

bản thân. Sự ghìm nén và ngột ngạt ấy như đã châm ngòi cho nỗi bức xúc Lưu Quang Vũ, vang lên

trong từng lời văn khuấy động lòng người của vở kịch. Dường như, ước muốn được sống thật của nhà

văn được gói gọn trong mảnh đời của nhân vật Trương Ba, chứa đựng những nỗi niềm mà là con

người, ai ai cũng có thể đồng cảm.

T r a n g  |  7  

Nội Dung Chính

Mở Bài:

Đã là người, có ai không từng ấp ủ một ước mơ, dù chỉ là một tia khát khao nhỏ nhoi nhất thời để

được sống đẹp, được sống là chính mình? Thế nhưng mấy ai may mắn có niềm hạnh phục được sống

đúng với những giá trị, suy nghĩ và cảm xúc thật, bởi giữa dòng đời chảy xiết không nguôi, đôi khi sự

giả tạo là một lẽ tất yếu, một biện pháp thôi thúc để con người ta có thể sống xuôi chèo mát mái và

tránh khỏi những thăng trầm sóng gió của cuộc đời. Đôi khi “sống thật” không chỉ đồng nghĩa với

việc không lừa dối người khác, mà còn là sự trung thực với chính bản thân mình. Người đời quan

niệm rằng con người ta được tạo nên bởi hai phần tách biệt: xác thịt và tâm hồn. Phần xác được coi là

nơi cư trú tạm thời, là vỏ bọc phàm tục và công cụ được mài dũa để ta có thể thực hiện những thao tác

đời thường. Còn ngược lại, tâm hồn tuy không hữu hình nhưng lại chính là phần cốt lõi cao quý, là cái

“tôi” của mỗi người. Phần hồn vì lẽ đó mới được coi là tất yếu, là phần quyết định danh tính của từng

sinh linh. Vậy nhưng trong tác phẩm Hồn Trương Ba Da Hàng Thịt dựa trên tích truyện dân gian, Lưu

Quang Vũ đã thách thức chính quan niệm này qua việc vẽ nên một viễn cảnh trớ trêu nơi cái hồn của

con người ta trở nên tù túng và bế tắc khi phải trú ngụ trong một thân xác khác biệt. Buộc phải sống

giả tạo với xã hội đã là một nỗi bất hạnh lớn lao, nhưng không được sống đúng với bản thân thì quả là

một sự bi đát.Vở kịch của nhà văn không chỉ mang đậm những triết lý nhân văn, mà còn ẩn chứa một

bài học về hậu quả khôn lường của bi kịch đáng thương khi con người ta không có cơ hội được sống

thật.

T r a n g  |  8  

Thế nào là sống thực qua con mắt và ngòi bút của nhà văn Lưu Quang Vũ:

Xuyên suốt lịch sử văn chương của loài người, triết lý sống thực là một đề tài đã thường xuyên được

đề cập và nhắc tới trong các tác phẩm thuộc nền văn học thế giới nói chung. Tầm quan trọng của việc

được sống đúng với bản chất riêng của mỗi người dường như luôn được đề cao, được coi trọng như

một cây cầu dẫn tới cuộc sống hạnh phúc và trọn vẹn. Trong vở kịch nổi tiếng Hamlet được viết bởi

đại thi hào Shakespeare, nhân vật Pô-lô-ni-út đã có đôi lời khuyên nhủ: “Nhưng có điều này quan

trọng hơn cả - con phải thành thực với mình, có như thế rồi thì con mới không dối trá với kẻ khác

cũng như ngày với đêm nối tiếp nhau vậy”2. Chính triết lý này đã được nhà văn Lưu Quang Vũ sử

dụng làm nền tảng cho lớp ý nghĩa sâu xa về cái giá trị của một cuộc sống trung thực.

Vậy nhưng, sự nhìn nhận về nhân sinh thể hiện trong tích truyện cổ hoàn toàn đối lập với khái niệm

“sống thực” được nêu lên qua tác phẩm bi hài kịch Hồn Trương Ba Da Hàng Thịt. Đối với nhân vật

Trương Ba, triết lý của văn học dân gian dừng lại ở sự tuyệt đối hóa vai trò trọng tâm của linh hồn

trong việc định hình bản chất so với phần thể xác. Tuy nhiên, Lưu Quang Vũ đã đi ngược lại với kết

luận này bằng cách đặt ra một vấn đề hết sức sâu sắc, đó là con người ta không thể sống mà chấp nhận

sự khập khiễng giữa xác và hồn. Nhà văn không khẳng định tính ưu thế vượt trội của phần hồn và coi

thường phần xác, mà chỉ đơn thuần biện chứng cho việc con người chỉ có thể sống một cách tự nhiên

và hòa hợp khi đạt được sự đồng đều giữa cả hai yếu tố. Lưu Quang Vũ đã mượn tích truyện cổ để

dựng lên một vở bi hài kịch mà trọng tâm là cuộc sống chật vật của Trương Ba trong thân xác của

người hàng thịt; những mâu thuẫn giữa hồn và xác. Dưới bàn tay nhào nặn tinh xảo của nhà văn, tiếng

cười của tích truyện dân gian bỗng ẩn chứa một nỗi trớ trêu cay đắng đầy bi đát để phản ánh một

nghịch lý hết sức thương tâm. Với ngôn ngữ đối thoại giản dị, ông đã dựng nên những nhân vật gần

gũi với người dân cũng như văn hóa Việt Nam, để rồi ai cũng nhận thấy tấn bi kịch lấp ló đằng sau cốt

truyện tưởng chừng hài hước này.

Dựa trên những bài học được đưa ra trong tác phẩm, sống thực có thể được khái quát là sống hài hòa,

cân bằng giữa tâm hồn và thể xác, giữa nhận thức và hành vi, giữa cái bên trong và cái bên ngoài. Đó

chính là cách sống để ta vươn tới sự thanh thản. Khi con người không được sống thực, họ sẽ phải sống

giả tạo, sống sai với bản chất và trở nên lệch lạc, đánh mất cái “tôi: của chính mình để rồi đẩy cuộc

đời rơi vào bi kịch.

                                                                                                                         2 Shakespeare: Hamlet, Bản Đày Đủ

T r a n g  |  9  

Hạnh phúc khi được sống thực qua nét đẹp tâm hồn tao nhã của Trương Ba:

Mảnh đời êm đềm của Trương Ba trong cảnh II của vở kịch chính là tấm gương phản ánh niềm hạnh

phúc của con người ta khi được sống một cách hài hòa. Gia sản chỉ vẻn vẹn một góc vườn – cuộc

sống nông dân của Trương Ba vô cùng đơn sơ và giản dị. Những niềm vui đều xoay quanh vài gốc

cây ông tự ươm tự trồng, mỗi trái mỗi quả là những đứa con mà Trương Ba nâng niu như báu vật vô

giá. Ông thích thú khoe mấy “dãy na”3 ông trồng “bữa trưa đã bắt đầu ra lá non”3, “mấy gốc mít đã

lên cao đến ngang vai”2 với niềm tự hào và niềm vui khôn tả. Ngay đầu tác phẩm, sự cần cù và tình

yêu thiên nhiên da diết của Trương Ba đã toát nên qua từng chi tiết nhỏ. Ông chăm chút cây cối “cho

vợ thằng cả, cho cái gái nó ăn”3, bởi với Trương Ba, gia đình cũng như góc vườn ấy đều là những

điều tất yếu để có được một niềm hạnh phúc trọn vẹn. Những mầm cấy xanh mơn mởn chính là biểu

trưng cho một sự trong sạch về mặt phẩm chất của nhân vật Trương Ba. Tâm hồn tao nhã và trí tuệ

sáng ngời của một con người bộc trực như ông được thể hiện qua sự tinh khiết và cái đẹp giản dị của

thiên nhiên. Sự so sánh khéo léo này của nhà văn Lưu Quang Vũ đem đến một cái nhìn thêm phần

đáng ngưỡng mộ về sự thanh cao cũng như hạnh phúc đơn sơ nhưng không kém phần trọn vẹn của

Trương Ba.

Sự chung thủy và tình cảm bền vững của Trương Ba đối với người vợ của mình cũng là minh chứng

cho tâm hồn cao đẹp của ông. Dù đã răng long tóc bạc nhưng Trương Ba vẫn còn nhớ như in cái ngày

“gặp bà trong hội hát đối bến Tằm”3, nhớ khi hai người “lấy nhau chỉ hai bàn tay trắng, cặm cụi làm

lụng3 để xây dựng cơ ngơi, đùm bọc gia đình sao cho đoàn tụ và no ấm như ngày hôm nay. Sự đôn

hậu của Trương Ba toát ra trong từng cử chỉ, từng suy nghĩ và lời nói của ông. Tuy rằng gia cảnh

khiêm tốn nhưng sự thỏa mãn và yêu đời của Trương Ba nằm gọn trong lời văn: ông thấy mình may

mắn vì được hưởng tuổi già một cách yên bình bên con cháu, bên người vợ già thân yêu và bên những

gốc cây quen thuộc.

Giữa bối cảnh gia đình đầm ấm và sum vầy, mâu thuẫn gay gắt với người con trai cả trở nên nổi bật

và phần nào khiến bản chất lương thiện và trong sáng của Trương Ba hiện lên thêm phần rõ nét. Anh

cả là con người có phần nông nổi, ma mãnh và thực dụng – chính tính nết đối lấp với sự điềm đạm

của Trương Ba này đã trở thành nền tảng cho xung đột giữa hai cha con. Anh coi thường cái nghề làm

vườn “chân lấm tay bùn”3, chỉ muốn “bán phứt cái mảnh vườn3 của Trương Ba đi để lấy vốn làm ăn

buôn bán. Trong con mắt ngạo mạn của anh, việc “chạy chợ một ngày bằng đầu tát mặt tối làm ruộng

cả năm”4 và tự kiêu tự phụ tuyên bố rằng “mình anh nuôi cả nhà”4. Lời thoại của anh cả dứt khoát và

cục mịch, nhấn mạnh vào chính tính khí ngang tàng của anh. Thế nhưng ngược lại, Trương Ba kịch

liệt phản đối lối kiếm tiền thiếu trung thực, kiên quyết không làm vấy bẩn sự lương thiện của mình.

Mắng con, Trương Ba đã thẳng thắn chỉ trích hành động “dấn thân vào vòng buôn bán, ắt phải léo lá,

                                                                                                                         3 Lưu Quang Vũ. “Kịch Bản Hồn Trương Ba Da Hàng Thịt” [Trang 9-10] 4 Lưu Quang Vũ. “Kịch Bản Hồn Trương Ba Da Hàng Thịt” [Trang 11]

T r a n g  |  10  

tráo trở”5 của anh cả. Việc làm ăn thất đức, đút lót trơ tráo đối với anh là lẽ thường tình, miễn sao

kiếm được những món lời béo bở dù đôi lúc phải hòa mình với những thành phần bất lương của xã

hội. Nhưng đối với Trương Ba, hành động lừa gạt, dối trá vô đạo đức thực hiện để thỏa mãn lợi ích cá

nhân bất chấp những đạo lý làm người thì quả là một nỗi ô uế đáng hổ thẹn. Sự tương phản lớn lao

giữa lối sống lắt léo của anh con trai và sự chân chất của người cha như góp phần tô đậm cái đẹp tâm

hồn thánh thiện hiếm có của Trương Ba. Anh cả tượng trưng cho lối sống thực dụng, lệch lạc về mặt

đạo đức còn ngược lại, Trương Ba luôn kiên quyết giữ vững lập trường sống thanh cao của mình.

Dường như hạnh phúc của ông không chỉ xuất phát từ niềm vui được sống một cách thanh đạm, êm ả,

mà còn bắt nguồn từ chính sự thỏa mãn khi được bảo vệ một cách trọn vẹn những giá trị đạo đức của

bản thân. Trên hết, Trương Ba cảm thấy yên lòng vì được sống là một người nông dân chân chính:

chất phác và trung thực.

                                                                                                                         5 Lưu Quang Vũ. “Kịch Bản Hồn Trương Ba Da Hàng Thịt” [Trang 12]

T r a n g  |  11  

Hậu quả đối với người thân khi Trương Ba không được sống là chính mình:

Trước sự tha hóa và dung tục của Trương Ba sau khi phải trú ngụ lâu ngày trong thân xác thô kệch

của người hàng thịt, thái độ của gia đình, từ vợ, bạn, con dâu và cháu gái đối với ông cũng dần biến

đổi. Về mặt người vợ của Trương Ba, tuy hết mực thương yêu chồng nhưng trước sự mâu thuẫn giữa

hồn và xác, chính bà cũng đã trở nên đau khổ và phải trải qua những sự dằn vặt về mặt tinh thần.

Trương Ba xưa kia là một người chồng mẫu mực, tinh tế và thông thái trí tuệ, nhưng sau sự sửa sai vô

trách nghiệm của Nam Tào và Bắc Đầu, ông bỗng trở nên thô phàm y như cái thân xác kềnh càng của

kẻ đồ tể nơi tâm hồn ông đang bị cầm tù. Thoạt đầu, bà động viên chồng, tự nhủ rằng mình cũng đã

“quen dần”6 với cái vóc dáng lạ lẫm của anh hàng thịt. Vậy nhưng thời gian đã dần để lộ rõ những sự

bất đồng chẳng thể hòa giải gây nên bởi cái hoàn cảnh sống oái oăm ấy của gia đình Trương Ba. Bà

đã phải thốt lên chính cái nỗi buồn da diết ấy thành lời: “Tôi biết ông vốn là người hết lòng thương

yêu vợ con…Chỉ tại bây giờ… Ông đâu còn là ông…đâu còn là ông Trương Ba làm vườn ngày xưa”7.

Lời nói của người vợ vẫn dịu dàng như ngày nào, nhưng sự nghi ngờ của bà toát nên một cách rõ nét

qua sự thẳng thắn của câu văn. Những dấu ba chấm ngắt đoạn mạch văn của lời thoại như góp phần

bộc lộ sự day dứt hoài nghi và nỗi cay đắng, bi kịch của vợ chồng Trương Ba. Bà hiều và thông cảm

cho nghịch cảnh của ông, nhưng mặt khác, bà cũng nhìn thẳng vào sự thật và công nhận rằng giờ đây

Trương Ba đã không còn là một Trương Ba trọn vẹn. Trước sự thay đổi ấy, người vợ đành cắn răng

mở lời nhường Trương Ba cho chị hàng thịt để ông có thể sống một cách thoải mái hơn, nhưng có lẽ

chính lòng vị tha và nhẫn nhục của bà khiến cho hoàn cảnh trớ trêu tưởng có thể làm người đọc mỉm

cười thì nụ cười ấy lại trở nên ầng ậc nước mắt đắng cay. Sự xót xa của hoàn cảnh nằm trong chính sự

bất lực của Trương Ba: dù đã được sống lại nhưng ông vẫn không thể đem đến được hạnh phúc cho

người thân của mình, không thể trao cho người vợ thân yêu những tình cảm và niềm hạnh phúc như

thưở ban đầu bởi linh hồn thanh cao thánh thiện của ông nay đã bị khuất đằng sau thân xác cồng kềnh

của một kẻ mổ mướn tục tĩu.

Đến cả ông Trưởng Hoạt, người bạn già thân thiết vốn thán phục tài nghệ đánh cờ cao tay của Trương

Ba cũng buồn sầu và thất vọng trước sự phàm tục hóa của ông. Có thể nói, tiếng thơm về sự tinh xảo,

nhạy bén và thông minh khi đánh cờ là một phần tất yếu của con người Trương Ba. Những nước cờ

“khoáng hoạt, dũng mãnh và thâm sâu”8 phản ánh chính sự uyên bác và trí tuệ của ông. Thế nhưng

dưới sự điều khiển và ảnh hưởng của thân xác bệ rạc, lối đánh cờ của Trương Ba cũng chẳng con vẻ

thanh tao và thoáng đạt như xưa. Trước nước đi chiếu tướng ti tiện của Trương Ba, ông Trưởng Đoạt

thắc mắc, rồi thở dài khất từ xin về: “Người đàng hoàng không ai đòi ăn nước ấy! Vâng, tôi thua.

Nhưng bác Trương ạ, tôi không hiểu nổi”7. Ông buồn vì “cách tiến thủ”7 của Trương Ba “bây giờ

vụn vặt, tủn mủn thô phũ”7 và “bần tiện”7 làm sao. Nếu suy nghĩ hay giọng nói được coi là phần cốt                                                                                                                          6 Lưu Quang Vũ. “Kịch Bản Hồn Trương Ba Da Hàng Thịt” [Trang 43] 7 Lưu Quang Vũ. “Kịch Bản Hồn Trương Ba Da Hàng Thịt” [Trang 73] 8  Lưu Quang Vũ. “Kịch Bản Hồn Trương Ba Da Hàng Thịt” [Trang 66]  

T r a n g  |  12  

của một con người thì đối với Trương Ba, lối chơi cờ chính là minh chứng cho danh tính của ông.

Bằng cách xây dựng lời thoại nơi ông Trưởng Đoạt thể hiện sự bàng hoàng trước những nước cờ hèn

mạt của Trương Ba bấy giờ, Lưu Quang Vũ như xé tan cái “tôi” của nhân vật, biến Trương Ba trở

thành một con người hoàn toàn xa lạ, lạc lõng và vô phương hướng trong cái thân xác không thuộc về

mình.

Chị con dâu của Trương Ba cũng là một con người có tình có nghĩa, sâu sắc và chín chắn. Chị sống

một cách có hiếu và thương yêu, ghi nhớ công ơn của Trương Ba như chính người cha đẻ của mình.

Vì lẽ đó, chị thương cho tình cảnh trớ trêu của bố chồng và buồn thay cho ông khi phải sống một cách

tạm bợ trong thân thế lạ lẫm của anh hàng thịt. Chị thấu hiểu rằng ông khổ, “khổ hơn xưa nhiều

lắm”9, nhưng trước cảnh gia đình “như sắp tan hoang cả ra”9, chị chỉ còn biết thốt nỗi buồn ấy ra

thành lời. “Thầy bảo con: Cái bên ngoài là không đáng kể, chỉ có cái bên trong, nhưng thầy ơi, con

sợ lắm, bởi con cảm thấy, đau đớn thấy... mỗi ngày thầy một đổi khác dần, mất mát dần, tất cả cứ như

lệch lạc, nhòa mờ dần đi, đến nối có lúc chính con cũng không nhận ra thầy nữa...”9. Câu thoại của

chị được ngắt quãng bởi những dấu phẩy như càng thêm phần xúc động và phản ánh nỗi thương xót

của chị trước sự dằn vặt của Trương Ba. Chị muốn giúp ông xoa dịu nỗi bất bạnh nhưng chính chị

cũng cảm thấy bế tắc khi bị cuốn vào vòng xoáy của nghịch lý “hồn lìa xác” ấy.

Ngược lại, sự phản ứng của cái Gái – đứa cháu cưng của Trương Ba trước sự thay đổi hình hài của

ông nội lại vô cùng dữ dội và kiên quyết. Nó một mực nhất định không chịu lại gần cái thân xác lỗ

mãng và thô thiển của người hàng thịt to béo và thét lên: “Tôi không phải là cháu ông…Ông nội tôi

chết rồi!”10. Nó căm ghét cái đôi “bàn tay giết lợn”9 gớm ghiếc cũng như “bàn chân to bè như cái

xẻng” đã “giẫm lên nát cả cây xâm quý”9 mà người ông yêu quý của nó đã cất công ươm trước khi

mất. Những tính từ miêu tả đanh thép lạnh lùng và thẳng thắn của cái Gái đối với Trương Ba như tóm

gọn nỗi ghét bỏ và căm hận của đứa trẻ trước sự thay đổi khó hiểu của người ông. Nỗi ghê sợ ấy dần

biến đổi thành một sự thù hằn sâu đậm, bởi chính Trương Ba trong thân xác của anh hàng thịt đã làm

gãy cái diều của thằng cu Tị nhà hàng xóm, để rồi trong cơn mê sảng trước khi chết, nó cứ khóc và

đòi bắt đền. Đứa cháu gái đau đớn và giận dữ thét lên những lời xua đuổi đầy nhẫn tâm như lưỡi dao

cứa vào tâm hồn của Trương Ba: “Ông xấu lắm, ác lắm! Cút đi! Lão đồ tể, cút đi!”9. Sự trong sáng và

tâm hồn ngây thơ của một đứa trẻ như cái Gái chẳng thể hiểu nổi sự thật vô lý đằng sau biến đổi đột

ngột của người ông. Chính sự hiểu lầm ấy đã gây nên những hậu quả khôn lường, phá tan đi bầu

không khí đầm ấm một thời của gia đình Trương Ba.

Lưu Quang Vũ đã chọn cách thể hiện góc tiếp nhận con người mới của Trương Ba qua sự phản ứng

của người thân từ già tới trẻ. Chính lối sắp xếp này của nhà văn thể hiện rõ sự khó chấp nhận của

nghịch cảnh sống nhờ, sống gửi mà Trương Ba đang mắc phải. Thoạt đầu, những con người đã từng

                                                                                                                         9 Lưu Quang Vũ. “Kịch Bản Hồn Trương Ba Da Hàng Thịt” [Trang 75-76] 10 Lưu Quang Vũ. “Kịch Bản Hồn Trương Ba Da Hàng Thịt” [Trang 74]

T r a n g  |  13  

trải như người vợ và người bạn già đều đủ sự hiểu biết để nhìn nhận rằng dù sống trong xác hàng thịt

nhưng phần hồn bên trong vẫn là của Trương Ba. Ngay cả người con dâu, dù ban đầu có đôi chút bối

rối nhưng cũng nhanh chóng nhận ra người bố chồng đôn hậu và hiền từ, chất phát ngày nào. Dường

như, họ dễ dàng chấp nhận sự thay đổi về thân xác của Trương Ba hơn khi biết rằng những suy nghĩ

và nội tâm bên trong vẫn thuộc về ông chứ không bị thay thế bởi con người phàm tục của anh hàng

thịt. Thế nhưng ngược lại, tâm hồn trẻ thơ của cái Gái lại không thể hiểu và chấp nhận được nghịch lý

ấy, được bộc lộ qua sự phản ứng kịch liệt và dữ dội trước hình hài người hàng thịt. Và đáng buồn

thay, sau một thời gian chung sống, ngay cả những người thân yêu gần gũi nhất cũng đều dần nhận

thấy rằng một cuộc sống chắp vá giữa hồn và xác là không thể, và cũng qua đó trở nên dần xa lánh

Trương Ba. Cả gia đình trở nên hoang hoác, lạnh lẽo, rối ren khiến chính ông cũng cảm thấy bối rối

trước sự lạnh nhạt của người thân. Bi kịch của Trương Ba thể hiện rõ nét quan điểm của nhà viết kịch

Lưu Quang Vũ không đặt phần hồn tuyệt đối lên trên phần xác. Hoàn cảnh bi đát của Trương Ba là

minh chứng cho thấy sống chỉ với một phần hồn thanh cao cũng là một lối sống khập khiễng, không

trọn vẹn. Hậu quả khôn lường hiển hiện ngay ở nỗi đau và sự bất hạnh mà ông đã gây nên cho gia

đình, bạn bè và cho chính mình.

T r a n g  |  14  

Sự giằng xé về mặt tâm hồn của Trương Ba khi không được sống là chính mình:

Khi không được sống trong thân xác của chính mình, Trương Ba không chỉ gây dựng nên một tình

huống trớ trêu dành cho người thân và gia đình, mà sự hoán đổi ấy còn là nguồn gốc của sự dằn vặt

tình thần mà ông phải trải qua. Nhà văn Lưu Quang Vũ đã lột tả một cách đầy sống động cuộc xung

đột nội tâm của Trương Ba qua màn đối thoại giữa phần hồn và phần xác của anh hàng thịt trong cảnh

VII của vở bi hài kịch. Tại thời khắc nơi cuộc hội thoại diễn ra, Trương Ba đã trở nên kiệt quệ và chán

nản với cảnh trú ngụ tạm bợ trong thể xác của người hàng thịt để rồi tự chứng kiến sự phai mờ của

những phẩm chất ngay thẳng, những giá trị cao đẹp của bản thân xưa kia, cũng như sự cô lập, xa lánh

của người quen. Vậy nhưng hồn Trương Ba vẫn chưa thực sự chấp nhận rằng phần xác thịt nơi ông

đang cư trú cũng có tiếng nói và những suy nghĩ riêng.

Khi xác hàng thịt cất tiếng, hồn Trương Ba đã thét lên: “Vô lý mày không thể biết nói! Mày không có

tiếng nói… mày chỉ là xác thịt âm u đui mù”, “là cái vỏ bên ngoài, không có ý nghĩa gì hết, không có

tư tưởng không có cảm xúc!”11. Linh hồn của Trương Ba kiên quyết không đầu hàng trước phần xác

thịt mà ông coi là vô tri vô giác, là không có khả năng làm chủ con người lương thiện của ông. Nhưng

khi sống nhờ xác của kẻ lạ, Trương Ba buộc phải bị sai khiến và tuân thủ theo những nhu cầu thiết

yếu của người hàng thịt. Đứng cạnh người vợ của hắn ta, tâm hồn của Trương Ba cũng bị vấy bẩn bởi

ham muốn xác thịt của thân thể lạ lẫm không thuộc về ông, và chính sự điều khiển bất đắc dĩ ấy đã

khiến cho Trương Ba cảm thấy sợ hãi, đặc biệt trước lời khiêu khích của xác hàng thịt: “Tất nhiên, tất

nhiên. Sao ông không kể tiếp: Khi ông ở bên nhà tôi…Khi ông đứng bên cạnh vợ tôi, tay chân run

rẩy, hơi thở nóng rực, cổ nghẹn lại.. Đêm hôm đó suýt nữa thì…”11. Hồn Trương Ba như một kẻ chết

đuối kiệt quệ đang gắng hết mình để bám víu lấy sự sống, níu lấy những phần nhỏ nhoi còn lại của sự

chất phác trong con người toàn vẹn xưa kia. Ông thét lên: “Ta không muốn nghe mày nữa!”11, “Ta

vẫn có một đời sống riêng: Nguyên vẹn, trong sạch, thẳng thắn…”11, như muốn át đi tiếng nói độc địa

của cái thân xác đê tiện kia.

Ngược lại, xác hàng thịt hiểu rõ rằng sự cứng đầu và kiên quyết của Trương Ba để được là chính mình

một cách nguyên vẹn hoàn toàn vô ích: hắn cười nhạo ông và sử dụng những lý lẽ ma mãnh, ngạo

mạn của mình để dồn hồn Trương Ba vào thế yếu, buộc ông phải tuân theo ý hắn và chấp nhận cuộc

sống hòa hợp với cái thân thế khập khiễng ấy. Tiếng nói của xác hàng thịt rít lên bên tai hồn Trương

Ba như một cơn ác mộng: “Ông cứ việc bịt tai lại! Chẳng có cách nào chối bỏ tôi được đâu! Mà đáng

lẽ ông phải cảm ơn tôi. Tôi đã cho ông sức mạnh.”12. Lời thoại trở nên cao trào, nhịp điệu tăng dần

nhằm thắt nút mọi mâu thuẫn, mọi sự bế tắc tạo nên bởi nghịch cảnh hồn lìa xác và nâng sự kịch tính

trong màn hội thoại giữa hai phần riêng biệt lên tới đỉnh điểm. Hồn Trương Ba căm ghét những lí lẽ

                                                                                                                         11 Lưu Quang Vũ. “Kịch Bản Hồn Trương Ba Da Hàng Thịt” [Trang 69-70] 12 Lưu Quang Vũ. “Kịch Bản Hồn Trương Ba Da Hàng Thịt” [Trang 71]

T r a n g  |  15  

hèn hạ, ti tiện của xác, muốn được quay lại với bản chất trong sạch của bản thân nhưng vẫn buộc phải

ngậm ngùi đắng cay để mặc hắn điều khiển, sai khiến.

Mâu thuẫn lớn lao giữa hồn và xác được nhà văn Lưu Quang Vũ nhấn mạnh hơn bao giờ hết qua cuộc

đấu khẩu của hai phần con người Trương Ba. Hồn dần trở nên yếu đuối và lép vế trước ma lực thâm

sâu của cái thân xác mà hồn căm ghét và ghê tởm. Đây là đỉnh điểm của vở kịch, bởi lần đầu tiên, nhà

văn đã khiến cho sự tương phản mạnh mẽ, sự giằng xé về mặt tâm hồn và thể xác trở nên hữu hình

qua sự tách biệt giữa hai phần đối lập của một con người. Chính cái nhìn sâu sắc vào cuộc sống nội

tâm trái ngược hẳn với vẻ điềm đạm và an nhàn của Trương Ba đầu vở kịch đã tôn lên nỗi đau khôn

xiết về mặt tinh thần khi con người ta không đạt được sự hài hòa về mặt tâm hồn và thể xác, khi

không được sống là chính mình. Tấn bi kịch ở đây như được đan thêm một lớp ý nghĩa lớn lao hơn:

nỗi bất hạnh và giày vò không chỉ dừng lại ở vẻ bề ngoài, mà còn đeo bám vào tận sâu thẳm trong

tiềm thức. Nghịch cảnh của Trương Ba quá đó cũng trở nên muôn phần bi đát và đáng thương hơn, và

hậu quả khôn lường của việc sống giả cũng thêm phần sâu đậm.

T r a n g  |  16  

Sự hy sinh để được “sống thực” qua cuộc đối thoại giữa Trương Ba và Đế

Thích:

Ở cảnh VII, khi Đế Thích xuất hiện, Trương Ba đã quả quyết đề nghị cho ông thoát khỏi thân xác

không phải của mình. Đó là kết quả của cả một quá trình trải nghiệm, chịu đựng và chứng kiến cái rắc

rối gây ra nỗi khổ cho chính mình, cho vợ mình, vợ người hàng thịt, cháu nội, con dâu và người con

trai cả. Ông quả quyết, “Ở đâu cũng được , chứ không ở đây nữa. Nếu ông không giúp, tôi sẽ… tôi

sẽ… nhảy xuống sông hay đâm một nhát dao vào cổ”13.

Trương Ba dường như không thể chịu đựng thêm một giây phút nào cái cuộc sống bức bối mà “ bên

trong một đàng, bên ngoài một nẻo”13. Ông đề nghị trả lại thân xác cho người hàng thịt và để anh

được sống lại, bởi ông hiểu rằng dù cái tâm hồn “tầm thường nhưng đúng là của anh ta, sẽ sống hòa

thuận được anh ta”13. Lời đề nghị của ông làm cho Đế Thích bất ngờ và đã đưa ra nhiều cách để hòng

giữ lại Trương Ba cao quý, một Trương Ba có thể đánh cờ với mình bằng cách thuyết phục hồn

Trương Ba nhập vào xác cu Tỵ. Lưu Quang Vũ đã cho thấy dù là con người lương thiện như Trương

Ba nhưng trước cái quyền lợi là cuộc sống của mình đã dường như đã có chút lay động,“Ông cho tôi

suy nghĩ một lát đã. Việc này bất ngờ quá”14. Hẳn khó ai có thể bước qua một cách dễ dàng cái ranh

giới mong manh giữa quyền được sống của chính mình và của người khác. Lưu Quang Vũ đã khai

thác chi tiết đắt giá này của tích cổ để đẩy đến tận cùng cái bi kịch trong con đường mong muốn được

“chết toàn thây” của Trương Ba.

Tuy nhiên, hơn ai hết, Trương Ba đã thấm thía nỗi đau của một người không được sống toàn vẹn là

mình. Những lời ông nói với Đế Thích như đang tự nói và đấu tranh với chính mình:“Vô lý lắm!

Không! Tôi không thể cướp cái thân thể non nớt của cu Tỵ”13. Quyết định ấy khẳng định rõ rằng đó là

suy nghĩ của một tâm hồn trong sáng, thánh thiện – một tâm hồn không chút tư lợi dù đang phải cân

nhắc giữa cái chết của bản thân và sự xâm chiếm thân xác của người khác. Nhà văn Lưu Quang Vũ

xây dựng lời thoại của Trương Ba trong cuộc đối thoại với Đế Thích một cách vô cùng dồn dập. Mạch

cảm xúc như dâng trào khi Trương Ba thốt lên toàn bộ nỗi khổ và sự bức xúc của bản thân. Ông liên

tiếp thốt lên “Không được!”13 như gói gọn toàn bộ sự bế tắc và bất mãn tột cùng trước số phận phải

sống nhờ thân xác kẻ khác. Ông kiên quyết không cam chịu kiếp sống khập khiễng ấy, và cùng đồng

thời không chấp nhận việc phải lợi dụng những gì thuộc về một đứa trẻ.

Nhưng để được trở về với chính mình, ông không chỉ phải đấu tranh với bản thân, mà còn phải đi

ngược với những mong muốn của ông tiên quyền năng Đế Thích – người muốn giữ Trương Ba lại

không chỉ vì chính cái cao quý của tâm hồn ông mà còn vì ý thích, quyền lợi của riêng. Ông đưa lời

khuyên nhủ: “Tôi đã nói với ông rồi, ra khỏi thân xác hồn chẳng còn gì nữa đâu. Ông sẽ không còn

                                                                                                                         13 Lưu Quang Vũ. “Kịch Bản Hồn Trương Ba Da Hàng Thịt” [Trang 77-78] 14  Lưu Quang Vũ. “Kịch Bản Hồn Trương Ba Da Hàng Thịt” [Trang 79-80]  

T r a n g  |  17  

chút gì nữa, không được tham dự vào bất cứ việc vui buồn gì! Rồi đây ngay cả sự ân hận về quyết

định này ông cũng không có được nữa”15. Lý lẽ của Đế Thích hết sức thuyết phục, như muốn cảnh

báo Trương Ba về hậu quả khôn lường của việc lựa chọn cái chết. Vậy nhưng, càng về cuối cảnh,

những lời thoại của Trương Ba lại càng trở nên cương quyết, dứt khoát để thể hiện cái khao khát

mãnh liệt được chết là mình một cách toàn vẹn, “Không còn cái vật quái gở mang tên hồn Trương Ba

da hàng thịt nữa!”15. Sự kiên cường ấy đối lập hoàn toàn với suy nghĩ ích kỷ của thần cờ, lại càng làm

nổi bật thêm sự đáng cảm phục của Trương Ba trước những cám dỗ, thể hiện rằng ông sẽ không bao

giờ thừa nhận cuộc sống chắp vá mà Đế Thích đã sắp đặt trong thân thể người khác.

Cảnh Đế Thích đồng ý để Trương Ba chết cũng là một giây phút quyết định đầy cảm động. Cái ngạc

nhiên, nghẹn ngào, tiếc thương của Đế Thích không lay động tới Trương Ba làm người đọc cảm nhận

rõ dường như với quyết định được chết toàn thây, ông đã trút đi được gánh nặng mang suốt từ đầu vở

kịch. Khi bàn về tác phẩm Hồn Trương Ba Da Hàng Thịt, nhà phê bình văn nghệ Lê Huy Bắc đã có

câu nhận xét: “Ngôn ngữ kịch luôn có xu hướng đi vào chiều sâu của triết lí. Những triết lí có tính gợi

mở, tính hạ bệ, lột mặt nạ, giải thiêng thần thánh mà mục đích cuối cùng của nó là nhằm tôn vinh con

người với những khát vọng, mơ ước rất đời thường”16. Nhìn vào những câu thoại trong vơ kịch này

của Lưu Quang Vũ, ta dễ dàng nhận thấy rằng câu phê bình ấy quả không hề sai, bởi đằng sau cách

hành văn giản dị, bám sát lối giao tiếp hàng ngày lấp ló những ước mơ đời thường: bình dị nhưng

không kém phần chân chính. Men theo lối viết tảng băng trôi, nhà văn Lưu Quang Vũ đã thành công

khi khai thác sự đấu tranh tinh thần của Trương Ba với những câu xung đột dữ dội, nảy lửa, để rồi dẫn

tới một quyết định cao cả cuối cùng: cái chết.  

Cái giá để ông được là Trương Ba toàn vẹn chính là cái chết mà ông đã chọn, một cái chết để chấm

dứt mọi bi thương nhưng lại là một cái chết hai lần. Có lẽ, nỗi đau khi phải chứng kiến cảnh gia đình

tan hoang, phải gồng mình và gò ép bản thân trong cái thân xác khập khiễng, phải đấu tranh với chính

mình để không phải làm theo sự sai khiến của kẻ khác là nỗi bất hạnh quá lớn so với lựa chọn quyền

được sống nhưng là sống không trọn vẹn. Sự giải thoát để được sống thật quả thật vô cùng bi đát,

nhưng xét trên một khía cạnh sâu xa hơn, cái lối sống tạm bợ, phàm tục và tha hóa còn đáng sợ hơn

rất nhiều so với cái chết ấy. Hạnh phúc để được sống thực phải trả bằng chính quyền được sống là

một cái giá quá đắt và trớ trêu, nhưng đối với một con người cao thượng như Trương Ba, đó là một

cái giá mà ông sẵn sàng trả.

                                                                                                                         15 Lưu Quang Vũ. “Kịch Bản Hồn Trương Ba Da Hàng Thịt” [Trang 81-82] 16  Lê, Bắc Huy  

T r a n g  |  18  

Giá trị của tác phẩm qua lăng kính hiện đại:

Vở kịch đã đề cao tuyệt đối sự hòa hợp giữa tâm hồn và thể xác, giữa bên trong và bên ngoài tượng

trưng đầy đủ cho quan niệm sống thực. Khi cái bên trong - đời sống tinh thần thật sự mạnh mẽ để tạo

thành một bản lĩnh sống, bản lĩnh văn hóa có thể chi phối, điều khiển lời nói, việc làm để mọi cám dỗ

của hoàn cảnh không đẩy mình đến chỗ “nghĩ một đằng, làm một nẻo” , khi ấy con người được sống

là chính mình, khẳng định được cái tôi của bản thân đồng thời cũng tạo cho mình một khả năng chinh

phục, thu hút người khác. Tức là, khi sống thực, con người không chỉ sống tốt mà còn được mọi người

yêu mến.

Có những con người bên trong tốt đẹp, có nhân tính, có lương tâm, có khả năng nhận thức, hiểu biết

nhưng không thắng được hoàn cảnh, bị hoàn cảnh xô đẩy dẫn đến làm những hành vi trái lương tâm,

trái với chuẩn mực đạo đức. Đó là trường hợp con người phải sống lệch lạc, mất thăng bằng. Mặt

khác, cũng có những con người bên trong kém cỏi, tầm thường song ở vào vị trí buộc phải tỏ ra mình

có đạo đức, có hiểu biết, có tình cảm cao thượng. Đó là trường hợp con người phải sống giả tạo.

Cuối tác phẩm, nhân vật Trương Ba đã thốt nỗi đau của mình thành lời: “Tôi chán cái chỗ ở không

phải của tôi này lắm rồi, chán lắm rồi! Cái thân thể kềnh càng thô lỗ này, ta bắt đầu sợ mi, ta chỉ

muốn rời xa mi tức khắc!13. Bao sự bí bách, bế tắc của Trương Ba như tuôn trào qua lời than vãn thảm

thiết, và lời thỉnh cầu duy nhất của ông là được tìm đến một sự giải thoát khỏi hoàn cảnh trớ trêu.

Chính sự phân chia giữa phần thân xác và tâm hồn là hiện thân là biểu tương cho sự xung đột giữa

những suy nghĩ thật của bản thân và tác động cũng như cám dỗ bên ngoài. Quyết định cuối cùng của

Trương Ba là một quyết định dũng cảm và đã cướp đi mạng sống của ông, nhưng cũng đồng thời là

một sự giải thoát khỏi kiếp sống tạm bợ để được vươn tới lối sống thực, sống hài hòa, sống là chính

mình. Nỗi bất hạnh khôn nguôi của nhân vật Trương Ba trong tác phẩm không chỉ có ý nghĩa trong

phạm trù của vở kịch nói riêng, mà còn có thể được tìm thấy trong những mảnh đời ở mọi thời đại.

Ngày này, đặc biệt trong thời kỳ mở rộng và phát triển, với nhịp sống hối hả và bận rộn, con người ta

dễ dàng thả mình rơi vào vòng xoáy của lối sống không thực hơn bao giờ hết. Hội nhập kinh tế cũng

đồng nghĩa với những sự cạnh tranh gay gắt hơn, và không ít người sẵn sàng đánh đổi phẩm chất

lương thiện của bản thân để chộp lấy những cơ hội kiếm miếng ăn. Tại Việt Nam nói riêng, dường

như sự đoàn kết, gắn bó giữa người với người đang dần phai mờ - từ những mối quan hệ hàng xóm,

hay gia đình cũng phần nào mất đi những giá trị truyền thống khi được đem pha tạp với lối sống hiện

đại, thoáng đạt hơn xưa. Trước sự đổi mới ấy, con người ta dễ dàng hành xử một cách thờ ơ và vô

trách nghiệm hơn, để rồi đánh mất bản thân trong cuộc chiến mang tên “lợi ích cá nhân”. Có lẽ, cũng

chính vì vậy nên lời nhắn nhủ của nhà văn Lưu Quang Vũ có giá trị đối với chúng ta, những con

người của thế kỷ 21 này hơn bao giờ hết. Giữa sự xuống dốc của phẩm chất đức hạnh và sự lên ngôi

của đồng tiền cũng như lối suy nghĩ thực dụng, con người ta lại càng cần phải dữ vững lập trường

T r a n g  |  19  

sống và bảo vệ những giá trị tịnh thần, khởi đầu bằng việc sống sao cho đúng với suy nghĩ và lương

tâm của bản thân mình. Có như vậy, xã hội của ngày mai mới có thể phát triển một cách vững bền, và

ta mới có thể ngẩng đầu tự hào mà nói rằng những thành công ta đã gặt hái được xây dựng trên nền

tảng của sự chung thực, rằng cuộc sống của ta là một cuộc sống thật, một cuộc sống trọn vẹn. Vở kịch

Hồn Trương Ba Da Hàng Thịt qua đó có thể được coi là một tiếng chuống báo thức, là lời cảnh tỉnh

cho những con người sống giả dối, sống sai với bản chất của chính mình hay một lời cảnh báo với

những ai đang trên con đường tiến tới sự sa đọa.

T r a n g  |  20  

Kết Luận:

Nhắc tới những tác phẩm của Lưu Quang Vũ, nhà phê bình Nguyễn Thị Minh Thái đã từng nói, “Kịch

bản Lưu Quang Vũ nồng đượm hơi thở của đời sống với những vấn đề thời sự được phát hiện tươi

rói”17. Quả thực như vậy, những áng văn trong vở Hồn Trương Ba Da Hàng Thịt đã lay động lòng

người bởi những lớp ý nghĩa của tác phẩm qua có khả năng thẩm thấu qua mọi thế hệ, tìm thấy được

sự cảm thông trong bao con người, bất chấp mọi hoàn cảnh hay tuổi tác. Khao khát được sống là

chính mình – đó là một mong muốn hết sức thiết thực mà bất kỳ ai, dù đang hay đã sống trong thời

đại nào đi chăng nữa cũng đã từng một lần trải nghiệm và thấu hiểu. Trong xã hội hiện đại ngày nay

nơi sự thanh bình đang dần nhường chỗ cho nhịp sống gấp gáp, nơi con người chen chúc, chà đạp lên

nhau để vươn lên, khao khát được sống một cách thanh thản và ngay thẳng dường như cháy bỏng hơn

bao giờ hết. Triết lý sống thực mà tác giả gửi gắm cũng vì lẽ đó vừa mang tính thời sự, vừa mang tính

muôn thưở, góp phần đem đến cho vở kịch một giá trị nhân văn lớn lao và biến Hồn Trương Ba Da

Hàng Thịt trở thành một kiệt tác bất hủ.

                                                                                                                         17 Nhà phê bình Nguyễn Thị Minh Thái

T r a n g  |  21  

Tài Liệu Tham Khảo

Books

Trần Đình Nam, comp. Truyện Cổ Tích Việt Nam. Ed. Nguyễn Sống Thao

Hà Nội: Nhà Xuất Bản Kim Đồng, 2013. Print.

Websites

Brainy Quotes. N.p., n.d. Web. 5 Oct. 2013<http://www.brainyquote.com/

quotes/quotes/g/georgeelio148902html>.

Lê, Bắc Huy. "“Hồn” và “xác” hay tính đa trị trong “Hồn Trương

Ba, da hàng thịt”. " Văn Nghệ Quân Đội. N.p., n.d. Web. 25 Oct. 2013.

<http://vannghequandoi.com.vn/802/news-detail/423455/phe-binh-van-nghe/

-hon-va-xac-hay-tinh-da-tri-trong-hon-truong-ba-da-hang-thit-.html>.

Lưu Quang Vũ. “Kịch Bản Hồn Trương Ba Da Hang Thịt.” Ed. Lê Huyền. N.d. PDF

file.

“Nhà phê bình Nguyễn Thị Minh Thái: Đừng tầm thương hóa cách hiểu kịch Lưu Quang

Vũ.” Thể Thao Và Văn Hóa. N.p., 17 Sept. 2013. Web. 29 Oct. 2013

< http://thethaovanhoa.vn/van-hoa-toan-canh/

nha-phe-binh-nguyen-thi-minh-thai-dung-tam-thuong-hoa-cach-hieu-kich-luu-quang-vu

-n20130917030744220.htm

“Shakespeare: Hamlet, Bản Đầy Đủ.” Thái Bá Tân. N.p., n.d. Web. 30 Oct. 2013.

<http://thaibatan.com/

index.php?option=com_content&task=view&id=1238&Itemid=53