20
BỘ TÀI NGUYÊN VÀ MÔI TRƯỜNG VĂN PHÒNG BAN CHỈ ĐẠO 33 HỎI& ĐÁP về chất da cam/dioxin CÂU

về chất da cam/dioxin … · Đã có hàng nghìn đề tài nghiên cứu về chất da cam/dioxin được thực hiện trên thế giới, chủ yếu ở Việt Nam và

  • Upload
    others

  • View
    12

  • Download
    0

Embed Size (px)

Citation preview

Page 1: về chất da cam/dioxin … · Đã có hàng nghìn đề tài nghiên cứu về chất da cam/dioxin được thực hiện trên thế giới, chủ yếu ở Việt Nam và

BỘ TÀI NGUYÊN VÀ MÔI TRƯỜNGVĂN PHÒNG BAN CHỈ ĐẠO 33

HỎI& ĐÁP

về chất da cam/dioxin

CÂU

Page 2: về chất da cam/dioxin … · Đã có hàng nghìn đề tài nghiên cứu về chất da cam/dioxin được thực hiện trên thế giới, chủ yếu ở Việt Nam và

NHÓM BIÊN SOẠN

PGS.TS Lê Kế SơnTS. Nguyễn Xuân NếtTS. Nguyễn Văn MinhGS. TS. Nguyễn Văn NguyênTS. Trần Ngọc Tâm TS. Phạm Thế Tài TS. Nguyễn Mỹ HằngTS. Trần Minh HằngThS. Đặng Thị Ngọc Châu

VĂN PHÒNG BAN CHỈ ĐẠO 33BỘ TÀI NGUYÊN VÀ MÔI TRƯỜNG

Địa chỉ: 83 Nguyễn Chí Thanh, Hà Nội

ĐT: (84.4)37736354 / Fax: (84.4)37736356

Email: [email protected]

Website: www.office33.gov.vn

Page 3: về chất da cam/dioxin … · Đã có hàng nghìn đề tài nghiên cứu về chất da cam/dioxin được thực hiện trên thế giới, chủ yếu ở Việt Nam và

Lời nói đầuChất da cam có chứa dioxin do Mỹ sử dụng trong chiến tranh ở Việt Nam là một vấn đề cực kỳ phức tạp xét về khoa học, nhân văn, chính trị và kinh tế. Đã có hàng nghìn đề tài nghiên cứu về chất da cam/dioxin được thực hiện trên thế giới, chủ yếu ở Việt Nam và Mỹ. Về cơ bản, tác hại của chất da cam/dioxin đối với môi trường và con người đã được làm rõ. Tuy nhiên, vẫn tồn tại một số điểm chưa rõ, thậm chí có quan điểm trái ngược nhau, đặc biệt là tác hại của dioxin đối với con người. Cuốn sổ tay 50 câu hỏi và đáp về dioxin do Văn phòng Ban Chỉ đạo quốc gia khắc phục hậu quả chất độc hóa học do Mỹ sử dụng trong chiến tranh ở Việt Nam (Văn phòng Ban Chỉ đạo 33) soạn thảo với sự hỗ trợ của Dự án GEF/UNDP Dioxin sẽ giúp bạn đọc hiểu rõ những nội dung cơ bản về chất da cam/dioxin và qua đó sẽ góp phần tích cực trong phòng chống nhiễm độc dioxin và khắc phục hậu quả chất da cam/dioxin ở Việt Nam.

PGS.TS. Lê Kế SơnChánh Văn phòng Ban Chỉ đạo 33

Page 4: về chất da cam/dioxin … · Đã có hàng nghìn đề tài nghiên cứu về chất da cam/dioxin được thực hiện trên thế giới, chủ yếu ở Việt Nam và

50 CÂU HỎI & ĐÁPvề chất da cam/dioxin

4 |

MỤC LỤCLời nói đầu .....................................................................................................................................................6

Phần 1: TỔNG QUAN VỀ CHẤT DA CAM/DIOXIN ..........................................................7 Phần 2: ẢNH HƯỞNG CỦA CHẤT DA CAM/DIOXIN LÊN MÔI TRƯỜNG ......................9

Câu 11: Chất da cam/dioxin ở Việt Nam có nguồn gốc từ đâu? ............................................9Câu 12: Có những loại chất diệt cỏ nào đã được sử dụng trong chiến tranh ở Việt Nam? Số lượng là bao nhiêu? .................................................................... 10Câu 13: Các chất diệt cỏ đã được lưu trữ ở đâu? Hiện nay ở những nơi đó có còn các chất này không? ......................................................... 10Câu 14: Những khu vực nào bị phun rải nặng nhất ở miền Nam Việt Nam? ................. 10Câu 15: Hiện nay có còn dioxin ở các vùng bị phun rải các chất diệt cỏ trong chiến tranh không? ................................................................................................................ 10Câu 16: Dioxin lan toả trong môi trường như thế nào? ........................................................ 10Câu 17: Dioxin có tồn lưu trong môi trường nước không? .................................................. 11Câu 18: Dioxin có xâm nhập vào thực vật không? .................................................................. 11Câu 19: Dioxin có xâm nhập vào gia súc, gia cầm không? ................................................... 11Câu 20: Tại sao các thủy sinh tầng đáy có nguy cơ nhiễm dioxin hơn các thủy sinh tầng mặt? .......................................................................................................... 11

Phần 3: ẢNH HƯỞNG CỦA CHẤT DA CAM/DIOXIN LÊN SỨC KHOẺ CON NGƯỜI .....11Câu 21: Phơi nhiễm chất da cam/dioxin là gì?.......................................................................... 11Câu 22: Có triệu chứng đặc hiệu khi bị phơi nhiễm với dioxin không? ........................... 12Câu 23: Liều an toàn dioxin đối với người là bao nhiêu? ...................................................... 12Câu 24: Dioxin có phải là chất gây ung thư ở người không? ............................................... 12Câu 25: Ngoài tác động gây ung thư, dioxin còn gây ra những tác hại nào khác? ..... 12Câu 26: Những bệnh tật nào có liên quan đến phơi nhiễm dioxin? ................................. 12Câu 27: Mẹ bị nhiễm dioxin sẽ truyền sang con như thế nào? ........................................... 13Câu 28: Bố bị nhiễm dioxin có truyền sang con không? ....................................................... 13Câu 29: Dioxin có tác động di truyền như thế nào? ............................................................... 13Câu 30: Làm thế nào để biết tôi có nhiễm dioxin hay không? ........................................... 13

Phần 4: KHẮC PHỤC HẬU QUẢ MÔI TRƯỜNG Ô NHIỄM CHẤT DA CAM/DIOXIN .....13Câu 31: Thế nào là điểm nóng dioxin? ........................................................................................ 13Câu 32: Hiện tại có bao nhiêu “điểm nóng” dioxin ở Việt Nam? ......................................... 13Câu 33: Dioxin từ các “điểm nóng” có thể lan toả ra các khu vực lân cận không? ....... 14Câu 34: Cần làm gì để ngăn chặn quá trình lan toả dioxin? ................................................ 14Câu 35: Các “điểm nóng” dioxin đã được xử lý như thế nào? .............................................. 14

Phần 5: DỰ PHÒNG PHƠI NHIỄM DIOXIN ...................................................................14Câu 36: Con người bị phơi nhiễm dioxin bằng những con đường nào? Đường nào là chủ yếu? ..................................................................................................................... 14Câu 37: Những người sống quanh vùng nóng phải làm gì để hạn chế

Page 5: về chất da cam/dioxin … · Đã có hàng nghìn đề tài nghiên cứu về chất da cam/dioxin được thực hiện trên thế giới, chủ yếu ở Việt Nam và

| 5

50 CÂU HỎI & ĐÁPvề chất da cam/dioxin

sự phơi nhiễm dioxin? ...................................................................................................................... 15Câu 38: Những loại thực phẩm nào có nguy cơ nhiễm dioxin cao? ................................. 15Câu 39: Rửa thực phẩm bằng nước trước khi nấu thì có tránh được nguy cơ nhiễm dioxin không? ....................................................................................................... 15Câu 40: Nấu chín thức ăn có giảm nồng độ dioxin không? ................................................. 15Câu 41: Tại sao có những người thường sử dụng các thực phẩm được nuôi trồng ở khu vực nhiễm dioxin và nồng độ dioxin trong máu của họ cao nhưng nhiều người trong số này không thấy có biểu hiện bệnh tật gì? ........................................................................... 16Câu 42: Thỉnh thoảng tôi có tiếp xúc với bùn, đất ở trong khu vực bị nhiễm nặng dioxin là những điểm nóng. Tôi có nên đi xét nghiệm hay uống thuốc gì không? ................. 16Câu 43: Tôi đang sống ở vùng bị ô nhiễm dioxin. Tôi có thể nhiễm dioxin từ bụi đất trong không khí không? .............................................. 16Câu 44: Dioxin tồn lưu trong cơ thể người bao lâu và có bị chuyển hóa, đào thải không? .................................................................................................................................. 16Câu 45: Người lao động cần làm gì để dự phòng phơi nhiễm trong môi trường ô nhiễm dioxin? ............................................................................................... 16

Phần 5: MỘT SỐ CHÍNH SÁCH, QUYỀN LỢI ĐỐI VỚI NẠN NHÂN BỊ ẢNH HƯỞNG DIOXIN TRONG CHIẾN TRANH .....................................................................................17

Câu 46: Ai là người được coi là nạn nhân chất da cam/dioxin? .......................................... 17Câu 47: Ai là nạn nhân chất da cam/dioxin được hưởng chế độ chính sách của Nhà nước? ............................................................................................................... 17Câu 48: Tiêu chí xác định nạn nhân chất da cam/dioxin là gì? ........................................... 18Câu 49: Nếu tôi là nạn nhân chất độc da cam/dioxin thì tôi được hỗ trợ những gì? .. 18Câu 50: Có những văn bản pháp lý nào liên quan tới khắc phục hậu quả dioxin ở Việt Nam? ............................................................................................................ 19

TÀI LIỆU THAM KHẢO ....................................................................................................21

Page 6: về chất da cam/dioxin … · Đã có hàng nghìn đề tài nghiên cứu về chất da cam/dioxin được thực hiện trên thế giới, chủ yếu ở Việt Nam và

6 |

50 CÂU HỎI & ĐÁPvề chất da cam/dioxin

PHẦN 1: TỔNG QUAN VỀ CHẤT DA CAM/DIOXIN

Câu 1: Chất da cam là gì?Chất da cam là tên một loại chất diệt cỏ do quân đội Mỹ sử dụng trong chiến tranh ở Việt Nam. Để dễ nhận biết và phân biệt các loại chất diệt cỏ, quân đội Mỹ dùng sơn với màu sắc khác nhau sơn thành những vạch màu trên các phương tiện chứa các chất độc này. Thùng phi chứa hỗn hợp 2,4-D và 2,4,5-T được sơn vạch màu da cam, nên có tên gọi là chất da cam. Tương tự như vậy là tên gọi các chất xanh, chất trắng...Chất da cam là một chất lỏng màu nâu hay màu nâu đỏ, không tan trong nước, tan trong dầu diezen và các dung môi hữu cơ. Thành phần gồm 50% các dẫn xuất của 2,4-D và 50% các dẫn xuất của 2,4,5-T.

Câu 2: Dioxin là gì?Dioxin là một từ chung để gọi một nhóm chất bao gồm 75 chất policlodibenzo-para-dioxin và 135 chất của policlodibenzofuran. Các chất này có cấu trúc, đặc tính lý, hóa học, tính độc tương tự nhau. Con người không chủ ý tạo ra dioxin, nhưng dioxin được hình thành trong quá trình sản xuất các hợp chất hữu cơ chứa Clo, đặc biệt là 2,4,5-T. Dioxin có trong chất da cam, chất tím, chất hồng và chất xanh mạ - những chất có 2,4,5-T.Trong số các chất dioxin thì chất 2,3,7,8-tetraclorodibenzo-p-dioxin (gọi tắt là TCDD), được coi là chất độc nhất.

Công thức hóa học của TCDD

Câu 3: Có sự khác biệt giữa chất da cam và dioxin không?Chất da cam được sản xuất công nghiệp để diệt cỏ; còn dioxin là một loại tạp chất, được sinh ra trong quá trình sản xuất 2,4,5-T.Chất da cam ở nồng độ cao là một loại độc tố đối với thực vật, còn dioxin thì không ảnh hưởng tới thực vật, nhưng lại là một tác nhân siêu độc đối với động vật và con người. Về tính chất vật lý và hóa học, chất da cam và dioxin là hai loại chất hoàn toàn khác nhau.

Câu 4: Nguồn gốc của dioxin?Dioxin được sinh ra từ các nguồn sau:- Sản xuất các chất diệt cỏ 2,4,5-T, các chất bảo vệ thực vật chứa Clo- Các quá trình cháy: đốt rác thải đô thị, rác thải y tế, rác thải công nghiệp, đặc biệt là các chất thải chứa PVC.- Các quá trình luyện, chế tác kim loại, quá trình tẩy trắng bột giấy bằng các chất Clo.Ở Việt Nam, dioxin có nguồn gốc từ chiến tranh và hoạt động dân sinh. Trong đó dioxin chiến tranh là chủ yếu và là nguyên nhân chính dẫn đến nồng độ dioxin trong môi trường tại các vùng ô nhiễm rất cao.

2,3,7,8-tetrachlorodibenzo-p-dioxin(TCDD)

Page 7: về chất da cam/dioxin … · Đã có hàng nghìn đề tài nghiên cứu về chất da cam/dioxin được thực hiện trên thế giới, chủ yếu ở Việt Nam và

| 7

50 CÂU HỎI & ĐÁPvề chất da cam/dioxin

Câu 5: Những đặc tính của dioxin? - Dioxin là chất rắn, rất bền vững trong môi trường, ít bị phân hủy do các yếu tố bên

ngoài như nhiệt độ, độ ẩm và các hoá chất;- Không màu, không mùi hay kết tinh của trạng thái tinh khiết;- Có nhiệt độ nóng chảy, nhiệt độ sôi cao và áp suất hơi rất thấp;- Hầu như không tan trong nước, tan trong mỡ và các dung môi hữu cơ khác;- Có độ bền nhiệt rất cao, chỉ bị phân hủy hoàn toàn ở nhiệt độ trên 1.200oC;- Không bị axit đặc cũng như kiềm đặc phân hủy;- Có khả năng bám dính trên bề mặt các vật thể hữu cơ, đặc biệt là đất.

Câu 6: Dioxin có độc không? Dioxin là một chất siêu độc, với liều lượng rất thấp đã gây ảnh hưởng đối với sức khỏe con người. Tổ chức Y tế thế giới (WHO-1998) khuyến cáo liều phơi nhiễm an toàn cho phép từ 1-4 phần nghìn tỷ gam (pg) trên 1 kg thể trọng, trong 24 giờ. Ví dụ: một người nặng 50kg bị nhiễm từ 50-200 pg/24 giờ là mức an toàn.Ảnh hưởng của dioxin đối với con người phụ thuộc vào các yếu tố quan trọng sau: liều phơi nhiễm, thời gian phơi nhiễm, độ tuổi (trẻ em, bào thai là những đối tượng nhạy cảm nhất đối với dioxin), cơ địa của người bị phơi nhiễm, chế độ và khẩu phần ăn (chủ yếu là thực phẩm động vật).

Câu 7: Độ độc TEQ là gì?Theo quy ước của Tổ chức Y tế thế giới (WHO-2005), độ độc của TCDD được quy ước bằng 1. Độ độc của các đồng loại khác được so sánh với độ độc của TCDD. Tổng lượng độc chung cho các chất độc trong các nhóm dioxin và các chất giống dioxin là TEQ.

Câu 8: Trong số các chất diệt cỏ đã được sử dụng trong chiến tranh ở Việt Nam, chất nào nguy hiểm nhất với sức khỏe con người?Chất nguy hiểm nhất là chất da cam do có 2,4,5-T lẫn dioxin là chất siêu độc.

Câu 9: Có thể phân biệt được dioxin chiến tranh với dioxin dân sinh không?Có thể phân biệt được vì tỷ lệ hàm lượng TCCD/TEQ đối với dioxin chiến tranh rất cao, còn đối với dioxin dân sinh là rất thấp.

Câu 10: Thời gian dioxin tồn lưu trong môi trường, con người, động vật như thế nào?Dioxin tồn tại trong môi trường, con người và động vật rất lâu với thời gian rất khác nhau. Thời gian để suy giảm một nửa lượng dioxin bị nhiễm ban đầu (gọi là thời gian bán hủy, được kí hiệu là T1/2) trong một số đối tượng như sau:

- Không khí: Khoảng 12 ngày - Nước: Đến 5 tháng

- Đất: 5- 100 năm - Trầm tích: 10- 100 năm

-Trong cơ thể người: Trung bình 7-8 năm (có thể lâu hơn) - Chuột nhắt: Trung bình 12 ngày

Page 8: về chất da cam/dioxin … · Đã có hàng nghìn đề tài nghiên cứu về chất da cam/dioxin được thực hiện trên thế giới, chủ yếu ở Việt Nam và

8 |

50 CÂU HỎI & ĐÁPvề chất da cam/dioxin

Phần 2: ẢNH HƯỞNG CỦA CHẤT DA CAM/DIOXIN LÊN MÔI TRƯỜNG

Câu 11: Chất da cam/dioxin ở Việt nam có nguồn gốc từ đâu? Ở Việt Nam, ngoài việc dioxin được thải ra môi trường từ các hoạt động của con người như đốt rác trong lò đốt thủ công ở nhiệt độ thấp, sử dụng hóa chất bảo vệ thực vật trong nông nghiệp, một lượng lớn dioxin tồn lưu hiện nay là do hậu quả từ chiến tranh.Trong chiến tranh ở Việt Nam, chất da cam/dioxin được quân đội Mỹ sử dụng trong 2 chiến dịch lớn:

1. Chiến dịch “Ranch Hand”: Từ tháng 8/1962 đến tháng 9/1971, đây là giai đoạn sử dụng chất độc hoá học nhằm phục vụ cho mục đích quân sự.

2. Chiến dịch thu hồi (Pacer Ivy): Từ tháng 9/1971 đến tháng 4/1972, trong chiến dịch này, quân đội Mỹ đã thu hồi về Mỹ 25.200 thùng chất da cam nhằm phi tang các chất độc đã được sử dụng tại Việt Nam.

Có thể phân loại các khu vực bị nhiễm dioxin ở Việt Nam thành hai loại: các khu vực bị phun rải; những nơi lưu trữ để nạp lên máy bay đi phun rải và tẩy rửa sau phun rải (chủ yếu là các sân bay quân sự).

Câu 12: Có những loại chất diệt cỏ nào đã được sử dụng trong chiến tranh ở Việt Nam? Số lượng là bao nhiêu?Theo số liệu của Young (2008), các chất diệt cỏ được quân đội Mỹ sử dụng ở miền Nam Việt Nam (1961-1972) là 74.175.920 lít, bao gồm các chất sau: Da cam (43.332.640 lít), Trắng (21.798.400 lít), Xanh mạ (6.100.640 lít), Tím (2.580.240 lít), Hồng (273.520 lít), Xanh lá cây (75.920 lít).

Câu 13: Các chất diệt cỏ đã được lưu trữ ở đâu? Hiện nay ở những nơi đó có còn các chất này không?Các nơi lưu trữ chính là ở một số cảng quân sự, kho vùng chiến thuật và một số sân bay quân sự. Trong số các sân bay quân sự- những nơi trước đây lưu trữ, nạp các chất diệt cỏ lên máy bay đi phun rải, tẩy rửa máy bay sau khi phun rải hiện vẫn còn tồn lưu nồng độ dioxin cao như: Biên Hòa, Đà Nẵng, Phù Cát.

Câu 14 : Những khu vực nào bị phun rải nặng nhất ở miền Nam Việt Nam?Các khu vực bị phun rải nặng: Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Kon Tum, Bình Phước, Bình Dương, Tây Ninh, Đồng

Page 9: về chất da cam/dioxin … · Đã có hàng nghìn đề tài nghiên cứu về chất da cam/dioxin được thực hiện trên thế giới, chủ yếu ở Việt Nam và

| 9

50 CÂU HỎI & ĐÁPvề chất da cam/dioxin

Nai và một số khu vực xung quanh Tp. Hồ Chí Minh. Trong đó, những khu vực bị phun rải nặng nhất nằm trong vùng III chiến thuật, nơi có chiến khu Đ, chiến khu C, đặc khu rừng Sác, bị phun rải 53% tổng lượng các chất diệt cỏ, với 29% diện tích.

Câu 15: Hiện nay có còn dioxin ở các vùng bị phun rải các chất diệt cỏ trong chiến tranh không?Cho đến nay, các số liệu nghiên cứu khảo sát cho thấy hàm lượng dioxin trong đất, trầm tích, máu, sữa mẹ, mô mỡ và thực phẩm ở các vùng bị phun rải đã được nghiên cứu đều ở mức thấp, dưới ngưỡng nồng độ cho phép.

Câu 16: Dioxin lan tỏa trong môi trường như thế nào? Ở các khu vực bị phun rải cũng như ở những nơi là điểm nóng dioxin, qua xói mòn đất do mưa, lũ lụt là con đường chủ yếu lan tỏa dioxin. Sự lan tỏa này phụ thuộc vào độ dốc của khu vực bị ô nhiễm. Theo đường nước chảy, dioxin bị hấp thụ và có nồng độ cao trong trầm tích ở các ao, hồ ở gần những điểm kho chứa, nạp và rửa.

Câu 17: Dioxin có tồn lưu trong môi trường nước không? Vì dioxin không hòa tan trong nước nên độ tồn lưu trong môi trường nước không cao. Hiện nay, nồng độ dioxin trong môi trường nước ở các vùng bị phun rải và các “điểm nóng” đều ở mức cho phép. Tuy nhiên, dioxin là loại hợp chất rất dễ bị hấp phụ bởi mùn hữu cơ nên có nồng độ cao trong trầm tích ở các khu vực nước bị ô nhiễm.

Câu 18: Dioxin có xâm nhập vào thực vật hay không? Đại bộ phận thực vật không hút dioxin trong đất để chuyển lên cây, lá và quả vì thực tế dioxin không tan trong nước và bám rất chắc vào mùn hữu cơ trong đất. Tuy nhiên, nếu thực vật sống ở đất bị ô nhiễm dioxin thì chất này có thể bám dính trên bề mặt.

Câu 19: Dioxin có xâm nhập vào gia súc, gia cầm không? Gia súc, gia cầm sẽ bị phơi nhiễm dioxin nếu tiếp xúc trực tiếp hoặc ăn phải thức ăn nhiễm dioxin.Động vật ăn các thức ăn có nhiễm dioxin có thể không chết do hàm lượng nhỏ nhưng nếu cứ ăn liên tục và nguồn nhiễm vẫn còn thì dioxin sẽ được tích tụ ngày càng nhiều ở mô mỡ của động vật.

Câu 20: Tại sao các thủy sinh tầng đáy có nguy cơ nhiễm dioxin hơn các thủy sinh tầng mặt?Ở các ao hồ khi bị nhiễm chất da cam/dioxin, các loài động vật sống ở đáy bị ảnh hưởng nặng nề hơn so với các động vật bơi lội là do: Động vật sống ở đáy bị phơi nhiễm liên tục vì dioxin tích lũy chính ở tầng đáy và mức độ cao hơn ở tầng nước.

Page 10: về chất da cam/dioxin … · Đã có hàng nghìn đề tài nghiên cứu về chất da cam/dioxin được thực hiện trên thế giới, chủ yếu ở Việt Nam và

10 |

50 CÂU HỎI & ĐÁPvề chất da cam/dioxin

Phần 3: ẢNH HƯỞNG CỦA CHẤT DA CAM/DIOXIN LÊN SỨC KHOẺ CON NGƯỜI

Câu 21: Phơi nhiễm chất da cam/dioxin là gì?Phơi nhiễm chất da cam/dioxin là sự tiếp xúc và xâm nhập của chất độc này vào trong cơ thể. Sự phơi nhiễm có thể là trực tiếp do bị phun rải trong thời kỳ chiến tranh hoặc ở vùng có tồn lưu dioxin cao trong môi trường, thông qua con đường ăn uống là chủ yếu.

Câu 22: Có triệu chứng đặc hiệu khi bị phơi nhiễm với dioxin không?Chưa tìm thấy có triệu chứng đặc hiệu khi bị phơi nhiễm dioxin. Ảnh hưởng của dioxin lên sức khỏe là hậu quả của quá trình tích tụ dioxin lâu dài trong cơ thể gây rối loạn nhiều chức năng sống dẫn đến làm tăng nguy cơ mắc các bệnh tật.

Câu 23: Liều an toàn dioxin đối với người là bao nhiêu?Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đưa ra mức từ 1-4pg TCDD/kg thể trọng/ngày và khuyến cáo nên áp dụng 1 pg TCDD/kg thể trọng/ngày để đảm bảo thực sự an toàn.pg là đơn vị đo khối lượng, 1 pg = 10-12 g = 0,000000000001 g.

Câu 24: Dioxin có phải là chất gây ung thư ở người không?Tổ chức Nghiên cứu Ung thư quốc tế (IARC) thuộc WHO đã công bố 2,3,7,8 TCDD (dioxin) là tác nhân gây ung thư đối với người. Các nhà khoa học cũng khẳng định không có liều lượng nào an toàn hoặc ngưỡng dioxin mà dưới ngưỡng đó thì không gây ung thư. Điều này có nghĩa là nếu một người bị phơi nhiễm dioxin dù lượng nhỏ nhất thì đã mang trong mình hiểm họa ung thư.

Câu 25: Ngoài tác động gây ung thư, dioxin còn gây ra những tác hại nào khác?Không chỉ là tác nhân gây ung thư, dioxin còn gây suy giảm miễn dịch, rối loạn nội tiết, tai biến sinh sản, dị tật bẩm sinh và nhiều tác hại khác đối với con người.

Câu 26: Những bệnh tật nào có liên quan đến phơi nhiễm dioxin? Quyết định số 09/2008/QĐ-BYT của Bộ Y tế, ngày 20/02/2008, quy định danh mục 17 bệnh, tật, dị dạng, dị tật có liên quan đến phơi nhiễm dioxin, bao gồm:

1. Ung thư phần mềm (Soft tissue sarcoma)2. U lympho không Hodgkin (Non-Hodgkin’s lymphoma)3. U lympho Hodgkin (Hodgkin’s disease)4. Ung thư phế quản - phổi (Lung and Bronchus cancer)5. Ung thư khí quản (Trachea cancer)6. Ung thư thanh quản (Larynx cancer)7. Ung thư tuyến tiền liệt (Prostate cancer)8. Ung thư gan nguyên phát (Primary liver cancer)

Page 11: về chất da cam/dioxin … · Đã có hàng nghìn đề tài nghiên cứu về chất da cam/dioxin được thực hiện trên thế giới, chủ yếu ở Việt Nam và

| 11

50 CÂU HỎI & ĐÁPvề chất da cam/dioxin

9. Bệnh đa u tuỷ xương ác tính (Kahler’s disease)10. Bệnh thần kinh ngoại biên cấp tính và bán cấp tính (Acute and sub-acute

peripheral neuropathy)11. Tật gai đốt sống chẻ đôi (Spina Bifida)12. Bệnh trứng cá do clo (Chloracne)13. Bệnh đái tháo đường type 2 (Type 2 Diabetes)14. Bệnh Porphyrin xuất hiện chậm (Porphyria cutanea tarda)15. Các bất thường sinh sản (Unusual births)16. Các dị dạng, dị tật bẩm sinh (đối với con của người bị nhiễm độc hoá học/dioxin)17. Rối loạn tâm thần (Mental disorders)

Câu 27: Mẹ bị nhiễm dioxin sẽ truyền sang con như thế nào?Khi mẹ bị nhiễm dioxin, đứa con có thể nhiễm qua 2 con đường: qua nhau thai và qua sữa mẹ.

Câu 28: Bố bị nhiễm dioxin có truyền sang con không?Bản thân dioxin trong cơ thể bố không truyền sang con. Tuy nhiên, những tác động của dioxin lên cơ thể của bố được di truyền và ảnh hưởng lên thế hệ con cái của họ.

Câu 29: Dioxin có tác động di truyền như thế nào?Một số nghiên cứu của các nhà khoa học trên thế giới và Việt Nam cho thấy dioxin có tác động đến bộ máy di truyền, gây nên những đột biến nhiễm sắc thể và đột biến gen.

Câu 30: Làm thế nào để biết tôi có nhiễm dioxin hay không?Để biết mình có bị nhiễm dioxin hay không và nhiễm ở mức nào thì bạn cần phải xét nghiệm đo nồng độ dioxin trong máu hoặc mỡ. Nếu bạn là phụ nữ đang cho con bú thì có thể làm xét nghiệm dioxin trong sữa. Tuy nhiên, việc xét nghiệm nồng độ dioxin đòi hỏi thực hiện ở phòng xét nghiệm với kỹ thuật rất hiện đại và rất tốn kém. Kinh phí cho việc phân tích nồng độ dioxin trong mẫu máu, mẫu mỡ, hay mẫu sữa là khoảng 20 đến 30 triệu đồng. Như vậy, việc xét nghiệm nồng độ dioxin không dễ thực hiện.

Page 12: về chất da cam/dioxin … · Đã có hàng nghìn đề tài nghiên cứu về chất da cam/dioxin được thực hiện trên thế giới, chủ yếu ở Việt Nam và

12 |

50 CÂU HỎI & ĐÁPvề chất da cam/dioxin

Phần 4: KHẮC PHỤC HẬU QUẢ MÔI TRƯỜNG Ô NHIỄM CHẤT DA CAM/DIOXIN

Câu 31: Thế nào là điểm nóng dioxin?Điểm nóng dioxin là các khu vực hoặc vùng địa lý có mức độ ô nhiễm dioxin rất cao. Theo tiêu chuẩn Việt Nam TCVN 8183:2009 về Ngưỡng dioxin trong đất và trầm tích, những nơi có độ ô nhiễm dioxin trong đất vượt quá 1.000 ppt và trong trầm tích vượt quá 150 ppt được coi là các điểm bị ô nhiễm dioxin.

Câu 32: Hiện tại có bao nhiêu “điểm nóng” dioxin ở Việt Nam?Theo các nghiên cứu trong và ngoài nước đã xác định, hiện có 3 điểm nóng thuộc 3 sân bay: Đà Nẵng (thuộc thành phố Đà Nẵng), Biên Hòa (thuộc tỉnh Đồng Nai) và Phù Cát (thuộc tỉnh Bình Định). Những khu vực này trước đây quân đội Mỹ sử dụng làm nơi tàng trữ, nạp chất diệt cỏ lên máy bay để đi phun rải, tẩy rửa máy bay sau khi đi phun rải về và chứa các vỏ thùng.

Câu 33: Dioxin từ các “điểm nóng” có thể lan tỏa ra các khu vực lân cận không? Dioxin từ các điểm nóng có thể lan tỏa ra các khu vực lân cận. Sự lan tỏa chủ yếu theo đường nước mưa bào mòn và cuốn trôi đất nhiễm dioxin ra ao hồ và các vùng phụ cận. Ngoài ra, dioxin còn có thể lan tỏa rất ít trong không khí do bụi nhiễm dioxin từ vùng ô nhiễm.

Câu 34: Cần làm gì để ngăn chặn quá trình lan tỏa dioxin?Để ngăn chặn quá trình lan tỏa dioxin từ khu nhiễm ra môi trường, chủ yếu phải xây dựng các công trình hạn chế tối đa nước mưa chảy tràn qua khu nhiễm; nước từ khu nhiễm có chứa đất và trầm tích sẽ được lắng đọng tại các hồ chứa trước khi chảy ra ngoài. Nếu tiến hành đào xúc tại khu ô nhiễm, cần có bạt che và thường xuyên phun nước để hạn chế bụi chứa các hạt đất nhiễm bị cuốn vào không khí.

Câu 35: Các “điểm nóng” dioxin đã được xử lý như thế nào? - Tại sân bay Biên Hòa: đã chôn lấp 94.000m3 nhiễm nặng, đang tiến hành chống lan tỏa và đang nghiên cứu công nghệ xử lý triệt để.- Tại sân bay Đà Nẵng: đang xử lý 72.900 m3 đất và trầm tích nhiễm nặng dioxin bằng công nghệ giải hấp nhiệt của Mỹ, dự kiến hoàn thành vào năm 2016. - Tại sân bay Phù Cát: đã chôn lấp 7.500 m3 đất nhiễm nặng dioxin.

Page 13: về chất da cam/dioxin … · Đã có hàng nghìn đề tài nghiên cứu về chất da cam/dioxin được thực hiện trên thế giới, chủ yếu ở Việt Nam và

| 13

50 CÂU HỎI & ĐÁPvề chất da cam/dioxin

Phần 5: DỰ PHÒNG PHƠI NHIỄM DIOXIN

Câu 36: Con người bị phơi nhiễm dioxin bằng những con đường nào? Đường nào là chủ yếu? Tính trung bình, trên 95% lượng dioxin xâm nhập vào cơ thể con người từ nguồn thực phẩm, chủ yếu là các thực phẩm nguồn gốc động vật (cá, thịt, trứng, sữa và sản phẩm từ sữa); thực phẩm nguồn gốc thực vật (rau, quả, ngũ cốc) chỉ chiếm khoảng 2-3%; từ không khí (hít thở) chiếm 1,5-2,5 %; từ đất khoảng 1% còn từ nước thì không đáng kể (0,01%).

Câu 37: Những người sống quanh vùng nóng phải làm gì để hạn chế sự phơi nhiễm dioxin?- Không tiếp xúc trực tiếp với khu vực nhiễm. - Không nuôi trồng và tiêu thụ các sản phẩm tại khu ô nhiễm.- Không sử dụng nước từ khu ô nhiễm.

Câu 38: Những loại thực phẩm nào có nguy cơ nhiễm dioxin cao? Các động vật được nuôi ở khu vực ô nhiễm dioxin đều có nguy cơ nhiễm dioxin cao. Khi động vật đã bị nhiễm dioxin thì gan, não và mô mỡ là nơi tích tụ phần lớn dioxin.Đối với những thực phẩm có nguồn gốc từ thực vật, phần lớn rễ các loại cây không hấp thụ dioxin do dioxin không tan trong nước nên rau, củ, quả các loại ngũ cốc được xem là thực phẩm có nguy cơ thấp, trừ một số loại như bí ngô, cà rốt và củ sen có nguy cơ cao.

Câu 39: Rửa thực phẩm bằng nước trước khi nấu thì có tránh được nguy cơ nhiễm dioxin không? Trong thực phẩm nguồn gốc động vật, dioxin tồn tại trong thành phần của thực phẩm. Vì vậy, dioxin không thể rửa sạch và loại bỏ bằng nước.Phần lớn các loại thực vật không hấp thụ dioxin, song dioxin lại có khả năng bám dính vào bề mặt chất hữu cơ, nhất là củ và rễ cây. Nếu được trồng ở khu vực đất bị ô nhiễm thì dioxin sẽ bám vào bề mặt của rau. Nếu không được rửa sạch bụi đất thì những loại rau này vẫn bị nhiễm dioxin.

SƠ ĐỒ CÁC CON ĐƯỜNG PHƠI NHIỄM DIOXIN TỪ MÔI TRƯỜNG VÀO CƠ THỂ CON NGƯỜI

Không khí (hít thở)

Nước

Đất

Ngấm qua da

(chủ yếu)

Tích luỹ sinh học

DIOXIN(Chất da cam)

Ăn, uống

Page 14: về chất da cam/dioxin … · Đã có hàng nghìn đề tài nghiên cứu về chất da cam/dioxin được thực hiện trên thế giới, chủ yếu ở Việt Nam và

14 |

50 CÂU HỎI & ĐÁPvề chất da cam/dioxin

Câu 40: Nấu chín thức ăn có giảm nồng độ dioxin không? Dioxin chỉ bị phân hủy ở nhiệt độ rất cao (trên 8000C). Việc đun sôi và nấu chín thức ăn chỉ đạt nhiệt độ khoảng 1000C, do đó dioxin không bị phân hủy.

Câu 41: Tại sao có những người thường sử dụng các thực phẩm được nuôi trồng ở khu vực nhiễm dioxin và nồng độ dioxin trong máu của họ cao nhưng nhiều người trong số này không thấy có biểu hiện bệnh tật gì?Tính phản ứng của cơ thể mỗi người khác nhau, do vậy, có những người bị phơi nhiễm nồng độ cao nhưng chưa bị bệnh, có người bị nhiễm liều thấp lại thấy biểu hiện bệnh. Tuy nhiên, khi nồng độ dioxin trong cơ thể cao thì tăng nguy cơ mắc bệnh. Vì vậy, cần phải sớm can thiệp để loại thải dioxin khỏi cơ thể nếu bị nhiễm.

Câu 42: Thỉnh thoảng tôi có tiếp xúc với bùn, đất ở trong khu vực “điểm nóng” về nhiễm dioxin nặng. Tôi có nên đi xét nghiệm hay uống thuốc gì không?Chất dioxin được hấp thụ rất thấp nếu chỉ tiếp xúc ngoài da (chỉ khoảng 1%). Như vậy, nếu bạn chỉ tiếp xúc với bùn đất hoặc nước bị nhiễm chất dioxin trong một thời gian ngắn thì bạn ít có khả năng bị phơi nhiễm. Bạn không cần thiết phải đi xét nghiệm hay uống thuốc gì.

Câu 43: Tôi đang sống ở vùng bị ô nhiễm dioxin. Tôi có thể nhiễm dioxin từ bụi đất trong không khí không?Nguy cơ nhiễm dioxin từ không khí được xem là rất nhỏ. Nếu bạn đang sống ở vùng bị ô nhiễm dioxin nặng, để đảm bảo sức khỏe, bạn nên đeo khẩu trang khi ra ngoài để tránh hít phải bụi có dioxin.

Câu 44: Dioxin tồn lưu trong cơ thể người bao lâu và có bị chuyển hóa, đào thải không?Dioxin có tính bền vững, phân hủy và chuyển hóa trong cơ thể rất chậm. Trung bình thời gian bán hủy của dioxin trong cơ thể là 7 - 8 năm. Nơi tích lũy nhiều nhất ở các cơ quan trong cơ thể có nhiều thành phần mỡ như mô mỡ, gan, não... Cùng một liều phơi nhiễm dioxin thì những người béo thường tích tụ nhiều dioxin trong cơ thể và đào thải chậm hơn những người gầy.

Câu 45: Người lao động cần làm gì để dự phòng phơi nhiễm trong môi trường ô nhiễm dioxin?- Không ăn thực phẩm được nuôi trồng ở khu vực ô nhiễm dioxin;- Không sử dụng nước từ vùng ô nhiễm- Tuân thủ các quy định về an toàn lao động và sử dụng bảo hộ lao động cá nhân đúng quy cách;- Kiểm tra sức khoẻ định kỳ.

Page 15: về chất da cam/dioxin … · Đã có hàng nghìn đề tài nghiên cứu về chất da cam/dioxin được thực hiện trên thế giới, chủ yếu ở Việt Nam và

| 15

50 CÂU HỎI & ĐÁPvề chất da cam/dioxin

Phần 6: MỘT SỐ CHÍNH SÁCH, QUYỀN LỢI ĐỐI VỚI NẠN NHÂN BỊ ẢNH HƯỞNG BỞI DIOXIN TRONG CHIẾN TRANH

Câu 46: Ai là người được coi là nạn nhân chất da cam/dioxin? Nạn nhân chất da cam/dioxin là người bị phơi nhiễm với chất da cam/dioxin có biểu hiện bệnh lý liên quan hoặc để lại hậu quả cho các thế hệ sau.

Câu 47: Ai là nạn nhân chất da cam/dioxin được hưởng chế độ chính sách của Nhà nước?Thông tư liên tịch số 14/2004/TTLT/BLDTBXH-BYT-BTC hướng dẫn thực hiện Quyết định của Thủ tướng Chính phủ số 120/2004/QĐ-TTg về một số chế độ đối với người tham gia kháng chiến và con đẻ của họ bị hậu quả do nhiễm chất độc hóa học do Mỹ sử dụng trong chiến tranh ở Việt Nam như sau:

* Đối tượng- Người tham gia kháng chiến bị ảnh hưởng trực tiếp của chất độc hóa học:+ Cán bộ, chiến sĩ, quân nhân chuyên nghiệp, công nhân viên quốc phòng thuộc Quân đội nhân dân Việt Nam.+ Cán bộ, chiến sĩ, công nhân viên thuộc lực lượng Công an nhân dân.+ Công an, dân quân, du kích, tự vệ địa phương.+ Cán bộ thôn, ấp, xã, phường cán bộ, công nhân, viên chức trong hệ thống Đảng, chính quyền, Mặt trận, đoàn thể chính trị - xã hội cách mạng.+ Thanh niên xung phong tập trung theo Quyết định số 104/1999/QĐ-TTg ngày 14 tháng 04 năm 1999 của Thủ tướng Chính phủ.+ Dân công hỏa tuyến.Các đối tượng trên được gọi chung là người tham gia kháng chiến.- Con đẻ còn sống của người tham gia kháng chiến bị hậu quả của chất độc hóa học.

* Điều kiện- Đối với người tham gia kháng chiến, có đủ các điều kiện sau:+ Đã từng tham gia công tác, chiến đấu, phục vụ chiến đấu tại vùng bị Mỹ sử dụng chất độc hóa học trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ cứu nước giai đoạn từ tháng 08 năm 1961 đến 30 tháng 04 năm 1975. + Đang không hưởng trợ cấp bệnh binh hoặc trợ cấp mất sức lao động. + Bị mắc bệnh do nhiễm chất độc hóa học, sinh con dị dạng, dị tật hoặc vô sinh; bị mắc bệnh hiểm nghèo do nhiễm chất độc hóa học.- Đối với con đẻ còn sống của người tham gia kháng chiến (bao gồm cả con đẻ của bệnh binh, con đẻ của công nhân viên chức nghỉ mất sức lao động) bị dị dạng, dị tật nặng do nhiễm chất độc hóa học không còn khả năng lao động.- Người tham gia kháng chiến bị mắc các bệnh và con của họ bị dị dạng, dị tật do chất độc hóa học thuộc danh mục bệnh tật kèm theo Thông tư này.Nếu bạn xét thấy mình thuộc đối tượng và đủ điều kiện quy định nêu trên thì làm hồ sơ xin

Page 16: về chất da cam/dioxin … · Đã có hàng nghìn đề tài nghiên cứu về chất da cam/dioxin được thực hiện trên thế giới, chủ yếu ở Việt Nam và

16 |

50 CÂU HỎI & ĐÁPvề chất da cam/dioxin

xác nhận. Để nắm thêm thông tin và thủ tục làm hồ sơ bạn có thể yêu cầu tư vấn từ Ban chỉ đạo thực hiện pháp lệnh ưu đãi người có công (Hội đồng xác nhận người có công) cấp xã hoặc phòng Công tác lao động – thương binh – xã hội cấp huyện, quận, thị xã nơi bạn sinh sống.

Câu 48: Tiêu chí xác định nạn nhân chất da cam/dioxin là gì? Tiêu chí xác định nạn nhân chất độc da cam/dioxin là một vấn đề phức tạp. Hai tiêu chí cơ bản được xem xét là:- Tiêu chí tiếp xúc trực tiếp với chất da cam/dioxin trong chiến tranh (tiêu chí bắt buộc phải có).- Tiêu chí đối với sức khỏe: bị mắc ít nhất một trong số 17 bệnh, tật có liên quan đến phơi nhiễm dioxin theo Quyết định số 09/2008/QĐ-BYT, ngày 20/2/2008, do Bộ Y tế Việt Nam ban hành.

Câu 49: Nếu tôi là nạn nhân chất độc da cam/dioxin thì tôi được hỗ trợ những gì? Người được công nhận là nạn nhân chất độc da cam được hỗ trợ trong một số nội dung sau:- Được hưởng trợ cấp thường xuyên tại cộng đồng hoặc trong các cơ sở bảo trợ xã hội do địa phương quản lý. Mức trợ cấp được xác định, quy định trong các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành. Mức trợ cấp này thường xuyên được điều chỉnh cho phù hợp với sự thay đổi mức sống tối thiểu và sự tăng trưởng kinh tế của đất nước.- Nạn nhân chất độc hóa học là người tàn tật nặng, bị bệnh đặc biệt nặng được nuôi dưỡng tại các cơ sở bảo trợ xã hội (của các tỉnh, thành phố, Bộ Lao động – Thương Binh và Xã hội, các tổ chức từ thiện trong và ngoài nước, các cá nhân, doanh nghiệp...).- Được hưởng chế độ chăm sóc sức khỏe ban đầu, chỉnh hình, phục hồi chức năng và khám chữa bệnh (mạng lưới phục hồi chức năng dựa vào cộng đồng đã được phát triển tại 51/63 tỉnh, thành phố với 215 huyện, 2.420 xã).- Được trợ giúp trong giáo dục, đào tạo nghề, tạo việc làm (được cụ thể trong các bộ Luật Người khuyết tật, Luật Giáo dục, Luật Lao động và các văn bản hướng dẫn triển khai).- Được trợ giúp tiếp cận giao thông, các công trình công cộng, thông tin và truyền thông (được thể hiện trong Pháp lệnh về người tàn tật và các quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật trong xây dựng các công trình giao thông và công cộng).- Được trợ giúp về pháp lý khi có nhu cầu bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của nạn nhân (cả nước đã có 63 Trung tâm, 161 chi nhánh, 120 phòng chuyên môn với khoảng trên 8.500 cộng tác viên, 1.000 luật sư hoạt động trong lĩnh vực này).- Được trợ giúp trong hoạt động văn hóa, thể thao, du lịch (đây là nội dung mới đang được quan tâm đẩy mạnh trong những năm gần đây) và các hoạt động giao lưu hội nhập quốc tế.Để biết thêm thông tin về các chế độ chính sách hay muốn được hướng dẫn lập hồ sơ hưởng chế độ, bạn có thể liên hệ với những tổ chức, đơn vị sau:

1. Ban chỉ đạo thực hiện pháp lệnh ưu đãi người có công (Hội đồng xác nhận người có công) cấp xã.

2. Phòng làm công tác lao động – thương binh và xã hội cấp huyện, quận, thị xã nơi bạn sinh sống.

3. Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin nơi bạn sinh sống.4. Trang web của Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin: http://www.vava.org.vn

Page 17: về chất da cam/dioxin … · Đã có hàng nghìn đề tài nghiên cứu về chất da cam/dioxin được thực hiện trên thế giới, chủ yếu ở Việt Nam và

| 17

50 CÂU HỎI & ĐÁPvề chất da cam/dioxin

Câu 50: Có những văn bản pháp lý nào liên quan tới khắc phục hậu quả dioxin ở Việt Nam? Nhà nước Việt Nam rất quan tâm đến khắc phục hậu quả dioxin và đặc biệt chú ý đến các nạn nhân bị ảnh hưởng dioxin trong chiến tranh. Sau đây là một số văn bản pháp quy liên quan tới khắc phục hậu quả chất da cam/dioxin: - Thông báo số 69-TB/TW, ngày 05 tháng 05 năm 2002, của Ban chấp hành TW Đảng Cộng sản Việt Nam về ý kiến của Bộ Chính trị đối với chủ trương của ta đối với việc giải quyết hậu quả của việc Mỹ sử dụng chất độc hóa học trong thời kỳ chiến tranh của Việt Nam.- Thông báo số 292-TB/TW, ngày 18 tháng 12 năm 2009 của Ban chấp hành TW Đảng Cộng sản Việt Nam về kết luận của Ban Bí thư đối với việc giải quyết hậu quả chất độc da cam do Mỹ tiến hành trong chiến tranh ở Việt Nam và công tác chăm sóc, giúp đỡ nạn nhân chất độc da cam, tổ chức hoạt động của Hội nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam.- Quyết định số 74/1998/QĐ-TTg, ngày 03 tháng 04 năm 1998, của Thủ tướng Chính phủ về việc điều tra, xác định nạn nhân bị hậu quả chất độc hóa học do Mỹ sử dụng trong chiến tranh Việt Nam.- Quyết định số 105/1998/QĐ-TTg, ngày 09 tháng 06 năm 1998, của Thủ tướng Chính phủ về việc cho phép Hội chữ thập đỏ Việt Nam thành lập Quỹ bảo trợ nạn nhân chất độc da cam do chiến tranh ở Việt Nam.- Quyết định số 33/1999/QĐ-TTg, ngày 01 tháng 03 năm 1999, của Thủ tướng Chính phủ về việc thành lập Ban chỉ đạo Quốc gia khắc phục hậu quả chất độc hóa học do Mỹ sử dụng trong chiến tranh Việt Nam.- Quyết định số 26/2000/QĐ-TTg, ngày 23 tháng 02 năm 2000, của Thủ tướng Chính phủ về một số chế độ đối với hộ gia đình có từ 2 người trở lên không tự phục vụ được do hậu quả chất độc hóa học do Mỹ sử dụng trong chiến tranh Việt Nam.- Quyết định số 16/2004/QĐ-TTg, ngày 05 tháng 02 năm 2004, của Thủ tướng Chính phủ về việc trợ giúp đối với hộ gia đình có từ 2 người trở lên không tự phục vụ được do hậu quả chất độc hóa học của Mỹ sử dụng trong chiến tranh Việt Nam.- Quyết định số 120/2004/QĐ-TTg, ngày 05 tháng 07 năm 2004, của Thủ tướng Chính phủ về một số chế độ đối với người tham gia kháng chiến và con đẻ của họ bị hậu quả chất độc hóa học do Mỹ sử dụng trong chiến tranh Việt Nam.- Pháp lệnh số 26/2005/PL-UBTVQH11, ngày 29 tháng 06 năm 2005, của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc Ưu đãi người có công với Cách mạng. - Nghị định số 54/2006/ND-CP, ngày 26 tháng 05 năm 2006, của Chính phủ hướng dẫn thi hành một số điều của Pháp lệnh ưu đãi người có công với Cách mạng.- Quyết định số 09/2008/QĐ-BYT, ngày 20 tháng 02 năm 2008, của Bộ Y tế Ban hành Danh mục bệnh, tật, dị dạng, dị tật có liên quan đến phơi nhiễm với chất độc hóa học/dioxin.- Nghị định số 49/2010/NĐ-CP, ngày 14 tháng 05 năm 2010, của Chính phủ quy định về miễn giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập và cơ chế thu, sử dụng học phí đối với cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân từ năm học 2010-2011 đến năm học 2014-2015.- Nghị định số 67/2007/NĐ-CP, ngày 13 tháng 04 năm 2007, của Chính phủ về chính sách trợ giúp các đối tượng bảo trợ xã hội.

Page 18: về chất da cam/dioxin … · Đã có hàng nghìn đề tài nghiên cứu về chất da cam/dioxin được thực hiện trên thế giới, chủ yếu ở Việt Nam và

18 |

50 CÂU HỎI & ĐÁPvề chất da cam/dioxin

- Nghị định số 13/2010/NĐ-CP, ngày  27  tháng 02 năm 2010, của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 67/2007/NĐ-CP ngày 13 tháng 4 năm 2007 của Chính phủ về chính sách trợ giúp các đối tượng bảo trợ xã hội.- Quyết định số 251/2005/QĐ-TTg, ngày 12 tháng 10 năm 2005, của Thủ tướng Chính phủ về việc kiện toàn Ban chỉ đạo Quốc gia khắc phục hậu quả chất độc hóa học do Mỹ sử dụng trong chiến tranh Việt Nam.- Quyết định 651/QĐ-TTg, ngày 01 tháng 06 năm 2012, của Thủ tướng Chính phủ về Kế hoạch hành động quốc gia khắc phục cơ bản hậu quả chất độc hóa học do Mỹ sử dụng trong chiến tranh ở Việt Nam đến năm 2015 và định hướng đến năm 2020.- Pháp lệnh số 04/2012/UBTVQH13, ngày 16 tháng 7 năm 2012, sửa đổi, bổ sung một số điều của Pháp lệnh ưu đãi người có công với Cách mạng.- Nghị định số 31/2013/NĐ-CP, ngày 09 tháng 04 năm 2013, của Chính phủ quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành một số điều của Pháp lệnh ưu đãi người có công với Cách mạng.- Quyết định số 1488/QĐ-BYT, ngày 04 tháng 05 năm 2012, của Bộ Y tế về việc phê duyệt tài liệu chuyên môn Hướng dẫn chẩn đoán bệnh, tật, dị dạng, dị tật có liên quan đến phơi nhiễm với chất độc hóa học/dioxin.- Quyết định số 651/QĐ-TTg ngày 01 tháng 6 năm 2012 về Phê duyệt Kế hoạch hành động quốc gia Khắc phục cơ bản hậu quả chất độc hóa học do Mỹ sử dụng trong chiến tranh ở Việt Nam đến năm 2015 và định hướng đến năm 2020.

TÀI LIỆU THAM KHẢOAlvin L. Young (2012), Lịch sử, sử dụng, phân bố và sự tồn lưu trong môi trường của chất da cam (Bản dịch lần 1), Springer.Centre for Health: Enviroment and Justice (1999), The American People’s Dioxin Report – Technical Support Document. Environment and Justice, Fall Church, VA.Hulster A., Muller J.F., and Marchner H. (1994), Soil plant transfer of polychlorinated dibenzo-p-dioxins and dibenzofurans to vegetables of the cucumber family (Cucurbitaceae), Environmental Science and Technology, 28, 1110-1115.Muller J.F, Hulster A., Papke O.C., Ba1l M.C., and Marchner H. (1994), Transfer of PCDD/PCDF from contaminated soils into carrots, lettuce, and peas. Chemosphere, 29, 2175-2181.Văn phòng Ban chỉ đạo 33 (2008), 120 câu hỏi và đáp về chất độc da cam/dioxin do Mỹ sử dụng trong chiến tranh ở Việt Nam, Hà Nội.Văn phòng Ban chỉ đạo 33 (2011), Báo cáo tổng thể về tình hình ô nhiễm dioxin tại 3 điểm nóng sân bay Biên Hòa, Đà Nẵng và Phù Cát, Nhà xuất bản Văn hóa – Thể thao, Hà Nội.

Page 19: về chất da cam/dioxin … · Đã có hàng nghìn đề tài nghiên cứu về chất da cam/dioxin được thực hiện trên thế giới, chủ yếu ở Việt Nam và
Page 20: về chất da cam/dioxin … · Đã có hàng nghìn đề tài nghiên cứu về chất da cam/dioxin được thực hiện trên thế giới, chủ yếu ở Việt Nam và

VĂN PHÒNG BAN CHỈ ĐẠO 33BỘ TÀI NGUYÊN VÀ MÔI TRƯỜNG

Địa chỉ: 83 Nguyễn Chí Thanh, Hà NộiĐT: (84.4)37736354 / Fax: (84.4)37736356

Email: [email protected] Website: www.office33.gov.vn

Tài liệu này do GEF/UNDP tài trợ thông qua Dự án “Xử lý Dioxin tại các vùng ô nhiễm nặng ở Việt Nam”