55
ĐẠI HC HUTRƯỜNG ĐẠI HỌC SƯ PHẠM NGUYN TRUNG TRIU ĐẤU TRANH CHÍNH TRỊ KHÁNH HÒA TRONG CUỘC KHÁNG CHIẾN CHNG M(1954 - 1975) Chuyên ngành: Lịch sVit Nam Mã số: 62 22 03 13 TÓM TẮT LUẬN ÁN TIẾN SĨ SỬ HC HUẾ, NĂM 2018

ĐẤU TRANH CHÍNH TRỊ Ở KHÁNH HÒA - hueuni.edu.vnhueuni.edu.vn/sdh/attachments/article/1245/TOMTATLA.pdf · 2 đến ĐTCT và diễn biến, tính chất, đặc điểm,

  • Upload
    others

  • View
    2

  • Download
    0

Embed Size (px)

Citation preview

ĐẠI HỌC HUẾ

TRƯỜNG ĐẠI HỌC SƯ PHẠM

NGUYỄN TRUNG TRIỀU

ĐẤU TRANH CHÍNH TRỊ Ở KHÁNH HÒA

TRONG CUỘC KHÁNG CHIẾN CHỐNG MỸ

(1954 - 1975)

Chuyên ngành: Lịch sử Việt Nam

Mã số: 62 22 03 13

TÓM TẮT LUẬN ÁN TIẾN SĨ SỬ HỌC

HUẾ, NĂM 2018

Công trình được hoàn thành tại:

Khoa Lịch sử, Trường Đại học Sư phạm - Đại học Huế

Người hướng dẫn khoa học:

1. PGS. TS. Lê Cung

2. TS. Chu Đình Lộc

Phản biện 1: ..........................................................................

Phản biện 2: ..........................................................................

Phản biện 3: ...........................................................................

Luận án sẽ được bảo vệ tại Hội đồng chấm luận án cấp Đại học Huế

số 04 Lê Lợi, thành phố Huế

Vào hồi........giờ........ngày.......tháng.......năm.......

Có thể tìm hiểu luận án tại Thư viện Trường Đại học Sư phạm -

Đại học Huế

1

MỞ ĐẦU

1. Lý do chọn đề tài

Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước (1954-1975),

cùng với tấn công về quân sự, Đảng Cộng sản Việt Nam chủ trương

tấn công Mỹ và chính quyền Sài Gòn (CQSG) cả về chính trị, coi đấu

tranh chính trị (ĐTCT) là một hình thức đấu tranh cơ bản có tác dụng

như đấu tranh vũ trang. Thực hiện chủ trương đó, từ năm 1954 đến

năm 1975, ĐTCT đã diễn ra liên tục và rộng khắp ở miền Nam, trở

thành nét độc đáo của nghệ thuật chiến tranh cách mạng Việt Nam.

Tuy nhiên, cho đến nay, vấn đề ĐTCT vẫn chưa được quan tâm đầu

tư nghiên cứu đúng mức, chưa tương xứng với vị trí của nó trong thế

“hai chân, ba mũi” đã được thực tiễn khẳng định. Do đó, việc nghiên

cứu, tìm hiểu về ĐTCT giúp chúng ta có cái nhìn đầy đủ hơn về cuộc

kháng chiến chống Mỹ, cứu nước (1954-1975) với tính chất là một

cuộc chiến tranh nhân dân, toàn dân, toàn diện.

Khánh Hòa có lợi thế về vị trí địa lý và điều kiện tự nhiên. Thời

kỳ 1954-1975, Mỹ và CQSG đã xây dựng tại đây nhiều căn cứ quân sự

quy mô, hiện đại, nổi bật là khu liên hợp hải - lục - không quân Cam

Ranh. Bên cạnh đó, Khánh Hòa còn là địa bàn được Mỹ và CQSG lựa

chọn để đặt các cơ quan chỉ huy, trung tâm huấn luyện quân đội, trường

đào tạo sĩ quan. Để vận hành cũng như bảo vệ hệ thống cơ sở phục vụ

chiến tranh này, Mỹ và CQSG đã sử dụng một lực lượng quân đội, cảnh

sát hùng hậu; đồng thời, công tác an ninh được đặc biệt coi trọng.

Trong điều kiện như vậy, nhưng từ năm 1954 đến năm 1975,

nhân dân Khánh Hòa vẫn liên tục ĐTCT bằng nhiều hình thức, thu hút

hầu hết các thành phần xã hội tham gia và đạt được những kết quả nhất

định, góp phần làm thất bại các chiến lược chiến tranh thực dân mới

của Mỹ tiến hành ở địa phương cũng như ở miền Nam.

Cho đến nay, chủ đề ĐTCT ở Khánh Hòa thời kỳ 1954-1975

chỉ được đề cập vắn tắt và rải rác trong các công trình lịch sử Đảng

bộ, lịch sử các tổ chức chính trị - xã hội của địa phương. Vì vậy,

nghiên cứu ĐTCT ở Khánh Hòa trong cuộc kháng chiến chống Mỹ

(1954-1975) vừa có ý nghĩa khoa học vừa có ý nghĩa thực tiễn:

Về ý nghĩa khoa học, luận án làm rõ các nhân tố ảnh hưởng

2

đến ĐTCT và diễn biến, tính chất, đặc điểm, ý nghĩa lịch sử của

ĐTCT ở Khánh Hòa trong cuộc kháng chiến chống Mỹ (1954-1975).

Qua đó, giúp nhận thức rõ hơn về truyền thống yêu nước, cách mạng

của nhân dân Khánh Hòa; bản chất thực dân mới của các chính sách,

biện pháp do Mỹ và CQSG triển khai tại Khánh Hòa; sự nhạy bén

trong chủ trương lãnh đạo ĐTCT của Đảng; sự đa dạng, linh hoạt,

quyết liệt về hình thức của ĐTCT ở Khánh Hòa; sự hưởng ứng, phối

hợp của Khánh Hòa với địa phương khác trong ĐTCT; kết quả của

ĐTCT ở Khánh Hòa thời kỳ 1954-1975;... Không những thế, luận án

còn cung cấp những cứ liệu để nhận thức đầy đủ hơn về phương

châm “hai chân, ba mũi” trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu

nước ở Khánh Hòa nói riêng và miền Nam nói chung.

Về ý nghĩa thực tiễn, luận án cung cấp thêm nguồn tư liệu về

cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của nhân dân Khánh Hòa

phục vụ công tác nghiên cứu, giảng dạy lịch sử địa phương, góp phần

nâng cao niềm tự hào về truyền thống của quê hương và giáo dục lý

tưởng cách mạng cho thế hệ trẻ Khánh Hòa. Hơn nữa, những bài học

kinh nghiệm được rút ra trong luận án góp phần phát huy sức mạnh

của quần chúng nhân dân trong quá trình xây dựng và bảo vệ Tổ

quốc trên địa bàn Khánh Hòa hiện nay.

Xuất phát từ những lý do trên, chúng tôi chọn vấn đề “Đấu

tranh chính trị ở Khánh Hòa trong cuộc kháng chiến chống Mỹ (1954-

1975)” làm đề tài luận án Tiến sĩ chuyên ngành Lịch sử Việt Nam.

2. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu

Đối tượng nghiên cứu

Đối tượng nghiên cứu của luận án là ĐTCT ở Khánh Hòa

trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước (1954-1975).

Phạm vi nghiên cứu

Về nội dung, ĐTCT được đề cập trong luận án được hiểu theo

nghĩa để phân biệt với ĐTVT, tức là đấu tranh của quần chúng nhân

dân không sử dụng vũ khí quân dụng nhằm đòi các mục tiêu về dân

tộc, dân chủ, dân sinh.

Về không gian, luận án nghiên cứu ĐTCT trên địa bàn tỉnh

Khánh Hòa, gồm các đơn vị hành chính cấp huyện: Vạn Ninh, Ninh

3

Hòa, Nha Trang, Diên Khánh, Cam Lâm, Cam Ranh, Khánh Vĩnh và

Khánh Sơn; trong đó, tập trung nghiên cứu địa bàn Nha Trang - nơi

được coi là trung tâm của ĐTCT ở Khánh Hòa trong cuộc kháng

chiến chống Mỹ, cứu nước (1954-1975).

Về thời gian, khung thời gian của luận án là từ năm 1954 đến

năm 1975, cụ thể từ khi Hiệp định Genève được ký kết (21-7-1954)

đến ngày Khánh Hòa được giải phóng (2-4-1975).

3. Mục đích và nhiệm vụ nghiên cứu

Mục đích nghiên cứu

Tái hiện có hệ thống quá trình ĐTCT, góp phần nhận thức đầy

đủ hơn về cuộc kháng chiến chống Mỹ (1954-1975) của quân và dân

Khánh Hòa. Qua đó, bổ sung tư liệu cho công tác nghiên cứu, giảng

dạy lịch sử địa phương; cung cấp luận cứ khoa học nâng cao hiệu quả

công tác giáo dục truyền thống cách mạng và phát huy sức mạnh

nhân dân trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa trong giai đoạn hiện nay.

Nhiệm vụ nghiên cứu

Làm rõ điều kiện tự nhiên, kinh tế - xã hội của Khánh Hòa,

nhất là chính sách của Mỹ và CQSG đối với Khánh Hòa từ năm 1954

đến năm 1975 có ảnh hưởng đến ĐTCT.

Trình bày chủ trương của Trung ương Đảng, Liên Khu ủy V và

Tỉnh ủy Khánh Hòa chỉ đạo ĐTCT trong cuộc kháng chiến chống Mỹ

(1954-1975).

Tái hiện diễn biến ĐTCT ở Khánh Hòa trong cuộc kháng chiến

chống Mỹ (1954-1975) qua các phong trào tiêu biểu dựa theo mục

tiêu, đối tượng đấu tranh.

Làm rõ tính chất, đặc điểm và ý nghĩa lịch sử của ĐTCT ở

Khánh Hòa trong cuộc kháng chiến chống Mỹ (1954-1975).

4. Nguồn tư liệu và phương pháp nghiên cứu

Nguồn tư liệu

Văn kiện, công trình tổng kết của Đảng, Nhà nước, tác phẩm

của các vị lãnh đạo viết về cuộc kháng chiến chống Mỹ (1954-1975)

có đề cập đến ĐTCT; công trình, bài viết của các nhà nghiên cứu về

ĐTCT trong cuộc kháng chiến chống Mỹ (1954-1975); lịch sử Đảng

bộ, lịch sử các tổ chức chính trị - xã hội ở Khánh Hòa; một số công

4

trình nước ngoài viết về “chiến tranh Việt Nam”.

Nguồn tư liệu tại kho lưu trữ thuộc Văn phòng và Ban Tuyên

giáo Tỉnh ủy Khánh Hòa; Trung tâm Lưu trữ Lịch sử - Sở Nội vụ tỉnh

Khánh Hòa; Trung tâm Lưu trữ Quốc gia II (Thành phố Hồ Chí

Minh); Trung tâm Lưu trữ Quốc gia IV (Đà Lạt).

Ngoài ra, một nguồn tư liệu hết sức quan trọng trong nghiên

cứu lịch sử địa phương được tác giả chú ý khai thác là di tích lịch sử,

bảo tàng, đặc biệt là trao đổi, phỏng vấn các nhân chứng lịch sử.

Phương pháp nghiên cứu

Trên cơ sở phương pháp luận của chủ nghĩa Mác - Lênin,

quan điểm của Đảng Cộng sản Việt Nam và tư tưởng Hồ Chí

Minh, để thực hiện luận án, tác giả chủ yếu sử dụng phương pháp

lịch sử kết hợp với phương pháp logic. Ngoài ra, tác giả còn sử

dụng các phương pháp nghiên cứu cụ thể khác như sưu tầm và xử

lý tư liệu (thành văn, điền dã, phỏng vấn nhân chứng), phân tích,

tổng hợp, thống kê, so sánh,...

5. Đóng góp của luận án

Một là, trên cơ sở trình bày, phân tích điều kiện tự nhiên, kinh

tế - xã hội; chính sách của Mỹ, CQSG đối với Khánh Hòa; đường lối

chỉ đạo ĐTCT của Trung ương Đảng, Liên Khu ủy V và Tỉnh ủy

Khánh Hòa, luận án làm rõ sự ảnh hưởng của những nhân tố trên đối

với ĐTCT ở Khánh Hòa trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu

nước (1954-1975).

Hai là, luận án tái hiện khách quan và có hệ thống diễn biến

ĐTCT ở Khánh Hòa từ năm 1954 đến năm 1975, trong đó thể hiện rõ

mục tiêu, lực lượng, thành phần, hình thức, kết quả,... của từng phong

trào.

Ba là, luận án phân tích, chứng minh làm nổi bật tính chất, đặc

điểm của ĐTCT ở Khánh Hòa trong kháng chiến chống Mỹ, cứu

nước (1954-1975); đồng thời, làm rõ ý nghĩa, rút ra những bài học

kinh nghiệm phục vụ quá trình phát triển kinh tế - xã hội, bảo vệ an

ninh Tổ quốc trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa trong giai đoạn hiện nay.

Bốn là, trên cơ sở xử lý khối lượng lớn tài liệu từ nhiều nguồn

khác nhau, trong đó có nhiều tài liệu lần đầu tiên được công bố, luận

5

án góp phần giúp nhận thức đầy đủ hơn về ĐTCT ở Khánh Hòa nói

riêng và miền Nam nói chung; cung cấp nguồn tư liệu tham khảo

phục vụ công tác nghiên cứu, giảng dạy lịch sử địa phương cũng như

giáo dục truyền thống cách mạng của quê hương Khánh Hòa.

6. Bố cục của luận án

Ngoài phần mở đầu (5 trang), kết luận (4 trang), tài liệu tham

khảo (27 trang) và phụ lục (41 trang), luận án (150 trang) gồm 4 chương:

Chương 1. Tổng quan nghiên cứu (19 trang)

Chương 2. Đấu tranh chính trị ở Khánh Hòa từ năm 1954 đến

năm 1965 (58 trang)

Chương 3. Đấu tranh chính trị ở Khánh Hòa từ năm 1965 đến

năm 1975 (43 trang)

Chương 4. Tính chất, đặc điểm và ý nghĩa lịch sử (30 trang)

Chương 1

TỔNG QUAN NGHIÊN CỨU

1.1. Tình hình nghiên cứu liên quan đến đề tài

1.1.1. Nhóm các công trình nghiên cứu về đấu tranh chính trị ở

miền Nam trong kháng chiến chống Mỹ (1954-1975)

Nghiên cứu về ĐTCT ở miền Nam trong kháng chiến chống

Mỹ (1954-1975) có các công trình tiêu biểu như: Lê Duẩn (1976),

Dưới lá cờ vẻ vang của Đảng, vì độc lập, tự do, vì chủ nghĩa xã

hội, tiến lên giành thắng lợi mới, Nhà xuất bản (NXB) Sự thật, Hà

Nội; Ban Chỉ đạo tổng kết chiến tranh trực thuộc Bộ Chính trị

(1995), Tổng kết cuộc kháng chiến chống Mỹ - Thắng lợi và bài học,

NXB CTQG, Hà Nội; Bộ Tư lệnh Quân Khu V - Viện Lịch sử Quân

sự Việt Nam (1999), Một số kinh nghiệm chỉ đạo chiến tranh nhân

dân địa phương ở Khu V trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước

(1954-1975), NXB QĐND, Hà Nội; Võ Nguyên Giáp (2006), Tổng

tập luận văn, NXB QĐND, Hà Nội; Trần Văn Giàu (2006), Tổng

tập, NXB QĐND, Hà Nội; Lê Cung (2008), Phong trào Phật giáo

miền Nam Việt Nam năm 1963, in lần thứ 4, NXB Thuận Hóa, Huế;

Trần Bá Đệ (Chủ biên) - Lê Cung (2010) (in lần thứ hai), Lịch sử

Việt Nam tập VII, từ 1954 đến 1975, NXB Đại học Sư phạm, Hà Nội;

6

Bộ Quốc phòng - Viện Lịch sử Quân sự (2013), Lịch sử kháng chiến

chống Mỹ, cứu nước (1954-1975) (9 tập), NXB CTQG, Hà Nội; Lê

Cung (2013), 50 năm nhìn lại phong trào Phật giáo miền Nam Việt

Nam (1963-2013), NXB Đại học Huế; Lê Cung (2014), Phong trào

Phật giáo miền Nam Việt Nam (1964-1968), NXB Thuận Hóa; Lê

Cung (Chủ biên), (2015), Về phong trào đô thị miền Nam trong

kháng chiến chống Mỹ (1954-1975), NXB Tổng hợp TP HCM; Viện

Sử học (2017), Lịch sử Việt Nam, (tái bản lần thứ nhất) NXB Khoa

học Xã hội, Hà Nội...

Nghiên cứu về ĐTCT ở miền Nam trong kháng chiến chống

Mỹ (1954-1975) còn được thể hiện trong một số luận án Tiến sĩ, bài

viết đăng tạp chí, kỷ yếu hội thảo như: Trần Thị Lan (2014), Đấu

tranh chính trị ở Tây Nguyên trong kháng chiến chống Mỹ từ năm

1961 đến năm 1968, Luận án Tiến sĩ, Trường ĐHSP - Đại học Huế;

Nguyễn Thị Thanh Huyền (2016), Phong trào công nhân ở các đô thị

miền Nam Việt Nam trong kháng chiến chống Mỹ từ năm 1954 đến

năm 1965, Luận án Tiến sĩ, Trường ĐHSP - Đại học Huế; Quỳnh Cư

(1980), Tìm hiểu về “đội quân chính trị” của quần chúng trong cách

mạng miền Nam (1954-1975), Tạp chí Nghiên cứu Lịch sử, số 3; Vũ

Thị Thúy Hiền (2000), Phụ nữ miền Nam tham gia đấu tranh chính

trị chống chiến lược “Chiến tranh đặc biệt” của đế quốc Mỹ (1961-

1965), Tạp chí Lịch sử Đảng, số 7; Trần Bạch Đằng (2005), Chung

một bóng cờ, Tạp chí Lịch sử Đảng, số 12; Trịnh Thị Hồng Hạnh

(2010), Đấu tranh chính trị trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu

nước, Tạp chí Lịch sử Đảng, số 6;...

Nhìn chung, các công trình nêu trên dù được trình bày dưới

dạng tổng kết, lịch sử, luận án, tham luận hay bài báo khoa học ở

những mức độ, khía cạnh khác nhau đã làm rõ nhiều vấn đề liên quan

đến lý luận và thực tiễn của ĐTCT ở miền Nam, nhất là ở đô thị

trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước (1954-1975).

Không chỉ trong nước, ở ngoài nước cũng xuất bản các công

trình phản ánh về “chiến tranh Việt Nam” - theo cách gọi của họ, có

đề cập đến ĐTCT, tiêu biểu như: Gabrien Kolko (1991), Giải phẫu

một cuộc chiến tranh, NXB QĐND, Hà Nội; Robert S. McNamara

7

(1995), Nhìn lại quá khứ - tấn thảm kịch và những bài học về Việt

Nam, NXB CTQG, Hà Nội;... Ở các công trình này, ĐTCT chủ yếu

được đề cập như một nhân tố quan trọng để giải thích cho sự thất bại

của Mỹ trong cuộc “chiến tranh Việt Nam”. Mặc dù được viết với vị

thế, động cơ, quan điểm khác nhau, đôi khi đối lập với quan điểm,

chủ trương của Đảng Cộng sản Việt Nam, song các công trình này có

những nhìn nhận khách quan về ĐTCT của nhân dân ta trong cuộc

kháng chiến chống Mỹ (1954-1975).

1.1.2. Nhóm các công trình nghiên cứu về đấu tranh chính trị ở

Khánh Hòa trong kháng chiến chống Mỹ (1954-1975)

Nghiên cứu về ĐTCT ở Khánh Hòa trong kháng chiến chống Mỹ

(1954-1975) có các công trình như: Tuệ Giác (1964), Việt Nam Phật giáo

đấu tranh sử, NXB Hoa Nghiêm, Sài Gòn; Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh

Khánh Hòa (1992), Truyền thống cách mạng của phụ nữ Khánh Hòa

1930-1975, Cơ sở in chi nhánh NXB CTQG, Nha Trang; Ban Thường vụ

Huyện ủy Ninh Hòa (1995), Lịch sử Đảng bộ huyện Ninh Hòa thời kỳ

1954-1975, Cơ sở in chi nhánh NXB CTQG, Nha Trang; Hoành Linh Đỗ

Mậu (1991), Tâm sự tướng lưu vong (Việt Nam máu lửa quê hương tôi),

NXB Công an Nhân dân, Hà Nội; Ban Thường vụ Thành ủy Nha Trang

(1996), Lịch sử Đảng bộ Nha Trang 1925-1975, Cơ sở in chi nhánh NXB

CTQG, Nha Trang; Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Khánh Hòa (2001), Lịch

sử Đảng bộ Đảng Cộng sản Việt Nam tỉnh Khánh Hòa (1930-1975), Cơ

sở in chi nhánh NXB CTQG, Nha Trang; Hội Nông dân tỉnh Khánh Hòa

(2002), Lịch sử phong trào nông dân và Hội Nông dân tỉnh Khánh Hòa

1930-2000, Cơ sở in chi nhánh NXB CTQG, Nha Trang; Hoài Phong

(Quyển 1-2008, Quyển 2-2014), Hồi ức một thời, NXB Hội Nhà văn, Hà

Nội; Lê Cung (chủ biên) (2016), 60 năm Phật học viện Hải Đức Nha

Trang (1956-2016), NXB Tổng hợp TP HCM;...

Ngoài ra, ĐTCT ở Khánh Hòa thời kỳ 1954-1975 cũng được

đề cập qua một số bài báo, kỷ yếu hội thảo khoa học như: Chu Đình

Lộc (2009), Bàn thêm về một số cuộc đồng khởi ở cực Nam Trung

Bộ 1959-1960, Tạp chí Nghiên cứu Lịch sử, số 8; Chu Đình Lộc

(2014), Đấu tranh chính trị đòi thi hành Hiệp định Genève ở các tỉnh

cực Nam Trung Bộ 1954-1955, Tạp chí Lịch sử Đảng, số 7; Sở Giáo

8

dục Đào tạo Khánh Hòa (2015), “Lịch sử giáo dục cách mạng ở

Khánh Hòa giai đoạn 1945-1975”, Kỷ yếu hội thảo khoa học; Lê

Cung, Nguyễn Trung Triều (2016), Phật học viện Hải Đức Nha

Trang với cuộc vận động của Phật giáo miền Nam năm 1963, Tạp chí

Nghiên cứu Tôn giáo, số 07&08 (157);...

Xuất phát từ mục tiêu và phạm vi nghiên cứu, những công

trình nêu trên chủ yếu trình bày các phong trào ĐTCT do Đảng trực

tiếp lãnh đạo; điểm một số sự kiện ĐTCT nổi bật; đề cập ĐTCT của

từng lực lượng riêng rẽ hoặc chỉ tìm hiểu từng mảng vấn đề cụ thể

mà không đi sâu nghiên cứu toàn diện ĐTCT ở Khánh Hòa trong

cuộc kháng chiến chống Mỹ (1954-1975).

1.2. Những vấn đề luận án kế thừa

Nhìn một cách tổng thể, các công trình nghiên cứu có liên

quan đến đề tài đã giải quyết những nội dung cơ bản sau và những

nội dung này được tác giả kế thừa trong luận án:

Một là, phân tích làm rõ những vấn đề lý luận liên quan đến

ĐTCT như quan điểm, tổ chức, lực lượng, hình thức, vai trò, nghệ

thuật, mối quan hệ với ĐTQS,...

Hai là, đi sâu nghiên cứu diễn biến, tính chất, đặc điểm, vai trò,

bài học kinh nghiệm của ĐTCT tại các đô thị lớn ở miền Nam như

Huế, Sài Gòn, Đà Nẵng, Đà Lạt,...

Ba là, trình bày một số vấn đề liên quan đến điều kiện tự nhiên,

kinh tế - xã hội, truyền thống yêu nước và cách mạng, cùng với đó,

khái quát chính sách của Mỹ và CQSG ở Khánh Hòa.

Bốn là, điểm một số cuộc ĐTCT nổi bật của nhân dân Khánh

Hòa chống Mỹ và CQSG từ năm 1954 đến năm 1975; đồng thời,

bước đầu có những đánh giá về các cuộc đấu tranh đó.

1.3. Những vấn đề luận án cần tập trung nghiên cứu

Một là, làm rõ các nhân tố ảnh hưởng đến ĐTCT ở Khánh Hòa

trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước (1954-1975) như điều

kiện tự nhiên, kinh tế - xã hội; truyền thống yêu nước và cách mạng

của nhân dân Khánh Hòa trước năm 1954; đặc biệt là bản chất thực

dân mới của các chính sách, biện pháp về chính trị - quân sự, kinh tế

- xã hội, văn hóa - giáo dục do Mỹ và CQSG triển khai tại Khánh

9

Hòa, trên cơ sở đó, làm rõ nguyên nhân chủ yếu bùng phát các phong

trào ĐTCT ở Khánh Hòa thời kỳ 1954-1975.

Hai là, làm rõ đường lối, chủ trương chỉ đạo ĐTCT của Trung

ương Đảng, Liên Khu ủy V, nhất là của Tỉnh ủy Khánh Hòa trong

cuộc kháng chiến chống Mỹ (1954-1975). Việc phân tích, làm rõ

đường lối, chủ trương của Đảng phải bám sát âm mưu, hành động

của địch, đồng thời đối chiếu với kết quả của ĐTCT, để từ đó thấy

được sự nhạy bén trong chỉ đạo phong trào ĐTCT của Đảng.

Ba là, tái hiện diễn biến ĐTCT ở Khánh Hòa từ năm 1954 đến

năm 1975. Việc tái hiện diễn biến các phong trào ĐTCT được dựa trên

nhiều nguồn tư liệu khác nhau, nhất là tư liệu lưu trữ của cả chính

quyền cách mạng và CQSG, đảm bảo tính khách quan, toàn diện.

Bốn là, làm rõ tính chất, đặc điểm và ý nghĩa lịch sử của

ĐTCT ở Khánh Hòa trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước

(1954-1975). Các tính chất, đặc điểm, ý nghĩa lịch sử trong đó bao

hàm cả bài học kinh nghiệm được chứng minh bằng chất liệu lịch sử

từ phong trào ĐTCT của quần chúng nhân dân địa phương.

Chương 2

ĐẤU TRANH CHÍNH TRỊ Ở KHÁNH HÒA

TỪ NĂM 1954 ĐẾN NĂM 1965

2.1. Khái quát điều kiện tự nhiên, kinh tế - xã hội, truyền thống

yêu nước và cách mạng của nhân dân Khánh Hòa trước năm 1954

2.1.1. Điều kiện tự nhiên

Khánh Hòa với lợi thế về điều kiện tự nhiên, là địa bàn chiến

lược đối với cách mạng cũng như đối với VNCH. Điều kiện tự nhiên

của Khánh Hòa có tác động hai mặt đến ĐTCT. Một mặt, vị trí địa lý

thuận tiện cho việc nắm bắt thông tin, tiếp nhận ảnh hưởng, phối hợp

với các địa phương khác để đấu tranh; địa hình thuận lợi trong việc

thiết lập các căn cứ chỉ đạo phong trào, ngay cả vùng đô thị; nông

thôn đồng bằng sát nách đô thị thuận lợi trong việc hỗ trợ đấu tranh,

phát huy ảnh hưởng của ĐTCT. Nhưng ở mặt khác, vùng đô thị nhỏ

gần như được bao bọc bởi núi và biển; vùng nông thôn đồng bằng

hẹp nằm sát quốc lộ, lại bị chia cắt nên đối phương dễ kiểm soát,

10

ngăn chặn và cô lập các cuộc đấu tranh.

2.1.2. Điều kiện kinh tế - xã hội

Khánh Hòa có điều kiện về đời sống kinh tế, dân cư, tôn giáo,

công nhân, học sinh... khá đặc thù. Những điều kiện đó tác động theo

những chiều hướng khác nhau, ở những mức độ khác nhau đối với

ĐTCT trong cuộc kháng chiến chống Mỹ (1954-1975).

2.1.3. Truyền thống yêu nước và cách mạng của nhân dân Khánh

Hòa trước 1954

Trước năm 1954, Khánh Hòa là địa phương sớm có những

hoạt động đấu tranh chống sự xâm lược của thực dân Pháp như

phong trào Bình Tây cứu quốc đoàn (1885-1886), Mặt trận Nha

Trang - Khánh Hòa (từ ngày 23-10-1945 đến ngày 2-2-1946), chiến

tranh du kích những năm 1946-1952;...

Song song với hoạt động quân sự, tại Khánh Hòa trước năm

1954 cũng có những hoạt động chính trị, biểu dương lực lượng khá

nổi bật như hoạt động của Trần Quý Cáp (1908), Hà Huy Tập, Ngô

Đức Diễn (1925-1926); cuộc biểu tình ngày 17-6-1930, cuộc mít tinh

ngày 19-8-1945, các cuộc ĐTCT trong giai đoạn cuối chiến cuộc

Đông Xuân 1953-1954,...

Đây là truyền thống yêu nước, cách mạng quý báu để Đảng bộ,

nhân dân Khánh Hòa tiếp tục cuộc kháng chiến chống Mỹ (1954-

1975) đầy cam go và thử thách, trong đó ĐTCT là mũi tiến công đối

phương rất nhạy bén, hiệu quả.

2.2. Chính sách của Mỹ, chính quyền Sài Gòn ở Khánh Hòa và chủ

trương đấu tranh chính trị của Đảng từ năm 1954 đến năm 1965

2.2.1. Chính sách của Mỹ, chính quyền Sài Gòn ở Khánh Hòa từ

năm 1954 đến năm 1965

2.2.1.1. Về chính trị - quân sự

Từ năm 1954 đến năm 1965, những chính sách lớn về chính trị

của CQSG áp dụng đối với miền Nam đều được triển khai tại địa bàn

Khánh Hòa như phá hoại Hiệp định Genève, “tố Cộng”, gom dân lập

khu tập trung ở vùng miền núi, lập ACL ở vùng nông thôn đồng

bằng. Trong khi đó, về quân sự, sau khi cơ bản nắm được vùng đồng

bằng và đô thị, từ năm 1960, CQSG đẩy mạnh hoạt động quân sự

11

nhằm vào căn cứ cách mạng ở vùng miền núi.

2.2.1.2. Về kinh tế - xã hội

Về kinh tế, song song với các biện pháp để phát triển kinh tế vùng

kiểm soát như cải cách điền địa, đầu tư phát triển nông nghiệp, ngư nghiệp,

thương mại,... CQSG triển khai bao vây kinh tế đối với cách mạng.

Ở Khánh Hòa, dưới thời Ngô Đình Diệm, hoạt động kinh tế

thu nhiều lợi nhuận nhất là thầu khoán đều do những tay chân

chuyên làm kinh tài cho gia đình họ Ngô nắm độc quyền.

Về xã hội, sau Hiệp định Genève (21-7-1954), Mỹ và CQSG

bằng nhiều biện pháp đã cưỡng ép, dụ dỗ đồng bào miền Bắc, chủ

yếu là tín đồ Thiên Chúa giáo di cư vào Nam. Khánh Hòa là một

trong những tỉnh ở khu vực miền Trung tiếp nhận dân di cư từ miền

Bắc nhiều nhất.

2.2.1.3. Về văn hóa - giáo dục

Về văn hóa, giống như nhiều địa phương khác ở miền Nam, tại

Khánh Hòa, CQSG thi hành chính sách phân biệt tôn giáo khá rõ nét.

Với Thiên Chúa giáo, CQSG đầu tư xây dựng các cơ sở, nhà thờ, nhà

giảng đạo, trường học để thu hút nhân dân theo đạo. Trong khi đó,

đối với Phật giáo, CQSG thể hiện rõ sự kỳ thị.

Về giáo dục, so với các tỉnh khác ở miền Trung, giáo dục

Khánh Hòa những năm 1954-1965 khá phát triển. Tuy nhiên, các cơ

sở giáo dục bị CQSG kiểm soát chặt chẽ bằng nhiều biện pháp khác

nhau nhằm ngăn chặn học sinh tham gia đấu tranh.

2.2.2. Chủ trương của Đảng về đấu tranh chính trị từ năm 1954

đến năm 1965

2.2.2.1. Chủ trương của Trung ương Đảng

Trong giai đoạn 1954-1965, Trung ương Đảng đã bám sát các

chính sách, biện pháp của CQSG để đề ra chủ trương phù hợp, kịp

thời lãnh đạo quần chúng ĐTCT. Đó là chủ trương đòi thi hành Hiệp

định Genève, chống “tố Cộng”, giải phóng miền núi, chống phá

“quốc sách” ACL, giải phóng nông thôn đồng bằng,...

2.2.2.2. Chủ trương của Liên Khu ủy V

Chấp hành chủ trương của Trung ương Đảng, Liên Khu ủy V

từng bước đề ra chủ trương ĐTCT trên địa bàn. Đặc biệt, Liên Khu

12

ủy V đã đúc kết thành 9 khâu trong chỉ đạo phát động quần chúng

chống phá ACL.

2.2.2.3. Chủ trương của Đảng bộ tỉnh Khánh Hòa

Chủ trương chỉ đạo đòi thi hành Hiệp định Genève, chống “tố

Cộng”, giải phóng miền núi, chống phá “quốc sách” ACL, giải

phóng nông thôn đồng bằng,... của Trung ương Đảng và Liên Khu ủy

V được Tỉnh ủy Khánh Hòa cụ thể hóa trong quá trình lãnh đạo nhân

dân địa phương tham gia ĐTCT.

2.3. Nội dung đấu tranh chính trị ở Khánh Hòa từ năm 1954 đến

năm 1965

2.3.1. Đòi thi hành Hiệp định Genève

Sau Hiệp định Genève (21-7-1954), tại Khánh Hòa dấy lên

phong trào ĐTCT đòi CQSG thi hành Hiệp định, tổ chức hiệp thương

tổng tuyển cử kết hợp với đòi dân sinh, dân chủ. Phong trào được thể

hiện dưới nhiều hình thức khác nhau như mít tinh đòi thi hành Hiệp

định; biểu tình chống trả thù cán bộ kháng chiến; hoạt động của

Phong trào Bảo vệ Hòa bình Nha Trang; đấu tranh của đồng bào di

cư miền Bắc; đưa cán bộ cách mạng vào bộ máy CQSG ở cơ sở làm

nội ứng cho ĐTCT;...

2.3.2. Chống chính sách “tố Cộng”

Những năm 1955-1958, CQSG triển khai chiến dịch “tố

Cộng” hết sức khốc liệt. Tuy nhiên, tại Khánh Hòa, ĐTCT vẫn diễn

ra khá liên tục, khi công khai khi âm thầm. Tiêu biểu là đấu tranh của

các “Tổ đổi công”, “Mặt trận Tổ quốc Khánh Hòa”, công nhân đồn

điền cao su Suối Dầu, “Chi bộ ghép” trong nhà lao Nha Trang,...

2.3.3. Phối hợp với lực lượng vũ trang tiến hành đồng khởi ở vùng

rừng núi

Trong những năm 1959-1960, để chống phá chính sách tập

trung dân, đồng bào thiểu số ở miền núi Khánh Hòa đã tẩy chay các

buổi lễ “ăn thề”, hoạt động chính trị do CQSG tổ chức. Hơn thế nữa,

được sự hỗ trợ của LLVT, đồng bào đã đồng khởi phá hàng loạt khu

tập trung của CQSG, điển hình là khu Thạch Trại.

Đến cuối năm 1960, vùng miền núi Khánh Hòa được giải

phóng, đồng bào các dân tộc thiểu số sau nhiều năm bị đối phương o

13

ép được trở lại làm chủ núi rừng, xây dựng căn cứ làm chỗ đứng cho

lực lượng kháng chiến

2.3.4. Chống phá ấp chiến lược

Đối với “quốc sách” ACL, khi CQSG bắt đầu triển khai xây

dựng cũng là lúc nhân dân Khánh Hòa bắt đầu chống phá. Biện pháp

phổ biến để chống phá ACL là dây dưa không chịu triển khai; khi buộc

phải rào làng thì cắm cây nông hoặc rào nhưng không buộc dây;...

Để cổ vũ nhân dân chống phá “quốc sách” ACL, công tác

tuyên truyền được Tỉnh ủy Khánh Hòa chỉ đạo đẩy mạnh thông qua

báo chí, truyền đơn. Đặc biệt, phong trào quần chúng chống phá ACL

ở Khánh Hòa được triển khai hiệu quả khi có sự phối hợp với LLVT,

tiêu biểu là phá ACL ở xã Ninh Phước (3-1962).

2.3.5. Đòi tự do tín ngưỡng, bình đẳng tôn giáo

Trong phong trào đòi tự do tín ngưỡng, bình đẳng tôn giáo

năm 1963, Phật giáo Khánh Hòa đã hưởng ứng ngay từ đầu (7-5-

1963), đấu tranh quyết liệt cho đến khi CQSG thực hiện “Kế hoạch

nước lũ”, dùng bạo lực đàn áp và lục soát chùa, bắt các lãnh đạo

phong trào (20-8-1963). Sau đó phong trào tiếp tục diễn ra khi âm

thầm khi công khai cho đến ngày chính quyền Ngô Đình Diệm sụp

đổ (1-11-1963).

Đây là phong trào đấu tranh dài ngày nhất, quyết liệt nhất và

thu hút đông đảo quần chúng tham gia nhất trong lịch sử ĐTCT ở

Khánh Hòa thời kỳ 1954-1975. Phong trào đấu tranh của Phật giáo

Khánh Hòa đã vượt qua giới hạn địa phương, đóng góp quan trọng

vào cuộc vận động của Phật giáo miền Nam năm 1963.

2.3.6. Chống độc tài, quân phiệt, đòi tự do và dân chủ

Chống độc tài thể hiện qua việc chống dư đảng Cần lao. Đấu

tranh chống dư đảng Cần lao về cơ bản có 2 dạng: Dạng thứ nhất, đấu

tranh để loại bỏ những đảng viên Cần lao tiếp tục tham gia CQSG sau

ngày 1-11-1963; dạng thứ hai, đấu tranh đòi CQSG xử lý những đảng

viên Cần lao có nhiều tội trạng đối với nhân dân Khánh Hòa. Từ ngày

16-8-1964, đấu tranh chống độc tài, quân phiệt bùng phát mạnh mẽ

hơn khi Nguyễn Khánh cho ra đời “Hiến chương Vũng Tàu”.

ĐTCT chống độc tài, quân phiệt năm 1964 đã góp phần loại bỏ

14

một số dư đảng Cần lao khỏi chính quyền đương nhiệm; 6 tên Cần

lao cầm đầu tại Khánh Hòa trước ngày 1-11-1963 bị CQSG điều tra

và công khai tội trạng; đồng thời, cùng với cuộc đấu tranh của nhân

dân miền Nam tạo áp lực chính trị buộc Nguyễn Khánh phải rời bỏ

chức vụ Thủ tướng (25-10-1964).

Tại Khánh Hòa, tháng 1-1965, phong trào chống độc tài, đòi tự

do, dân chủ, cụ thể là chống Trần Văn Hương tiếp tục diễn ra. Đây

cũng là một trong những phong trào đấu tranh mạnh mẽ, thu hút đông

đảo quần chúng tham gia. Đỉnh cao của phong trào là cuộc tự thiêu của

Đào Thị Yến Phi ngày 26-1-1965.

2.3.7. Phối hợp với lực lượng vũ trang tiến hành đồng khởi ở vùng

nông thôn đồng bằng

Đồng khởi ở vùng nông thôn đồng bằng, trọng tâm là hai

huyện Ninh Hòa, Diên Khánh bắt đầu từ ngày 7-11-1964. Đến đầu

tháng 6-1965, sau hơn nửa năm đấu tranh bằng cả quân sự và chính

trị, quân dân Khánh Hòa đã giải phóng được 46 thôn với 37.500 dân,

biến 32 thôn với 32.400 dân trở thành vùng tranh chấp, hệ thống ATS

bị phá từng mảng, số còn lại cũng bị rệu nát không còn tác dụng.

Chương 3

ĐẤU TRANH CHÍNH TRỊ Ở KHÁNH HÒA

TỪ NĂM 1965 ĐẾN NĂM 1975

3.1. Chính sách của Mỹ, chính quyền Sài Gòn ở Khánh Hòa và chủ

trương đấu tranh chính trị của Đảng từ năm 1965 đến năm 1975

3.1.1. Chính sách của Mỹ, chính quyền Sài Gòn ở Khánh Hòa từ

năm 1965 đến năm 1975

3.1.1.1. Về chính trị - quân sự

Về chính trị, từ cuối năm 1965, CQSG tại Khánh Hòa tập trung

triển khai chính sách “bình định”. Sau “Sự kiện Tết Mậu Thân 1968”,

CQSG tăng cường cao độ các biện pháp an ninh, đồng thời đẩy mạnh

hoạt động chiêu hồi, ly gián, mị dân nhằm làm cho dân chúng nghi

ngờ lẫn nhau và gây chia rẽ đoàn kết.

Về quân sự, ngày 10-6-1965, Mỹ đưa quân vào Khánh Hòa,

tiếp đến, giữa tháng 7-1965, quân Hàn Quốc cũng có mặt ở đây. Hơn

15

một năm sau (9-1966), trên địa bàn Khánh Hòa đã có hơn 26.000 lính

Mỹ và Hàn Quốc.

Trên chiến trường Khánh Hòa, quân số quân đội Sài Gòn

không ngừng tăng lên theo thời gian. Từ khi có sự hỗ trợ của lực

lượng Mỹ và Đồng minh, quân đội Sài Gòn tăng cường đánh phá

vùng nông thôn đồng bằng đã được giải phóng cuối năm 1964, hòng

tiêu diệt và đánh bật lực lượng cách mạng ra khỏi địa bàn,

3.1.1.2. Về kinh tế - xã hội

Về kinh tế, từ khi thực hiện chiến lược “Chiến tranh cục bộ”

(1965), “Kế hoạch kiểm soát kinh tế” được CQSG tại Khánh Hòa

triển khai nghiêm ngặt hơn, lương thực, thực phẩm, nhất là những

mặt hàng thiết yếu như gạo, muối bị kiểm soát chặt chẽ.

Giai đoạn 1965-1975, ở Khánh Hòa, “Cải cách điền địa” tiếp

tục được đẩy mạnh. Từ năm 1970, Luật “Người cày có ruộng” được

triển khai, trong chừng mực nào đó đã giúp CQSG kiểm soát được

một phần đất đai vùng giáp ranh giữa đồng bằng và miền núi, ít nhiều

gây khó khăn cho cách mạng.

Về xã hội, việc thành lập hội đoàn bị CQSG kiểm soát chặt chẽ,

trong khi hoạt động tập hợp đông người như tổ chức đại hội, hội thảo,

thuyết giáo, mừng tân gia, thành hôn, tất niên,... cũng bị hạn chế.

Từ khi quân đội Mỹ và Đồng minh đến đồn trú, tại Khánh Hòa

các dịch vụ giải trí như bar, dancing,... nở rộ, kèm theo đó là các tệ

nạn xã hội: Mại dâm, chích hút, cò mồi, buôn lậu,...

3.1.1.3. Về văn hóa - giáo dục

Về văn hóa, nhiều loại phim ảnh, báo chí kích động bạo lực, đồi

trụy được phổ biến từ thành thị đến nông thôn, lối sống kiểu Mỹ được

đẩy mạnh tuyên truyền. Việc xuất bản, phổ biến các sản phẩm văn hóa

và hoạt động biểu diễn trước công chúng bị kiểm duyệt nghiêm ngặt.

Về giáo dục, dù quy mô ngày càng mở rộng nhưng dưới thời

CQSG, giáo dục miền Nam nói chung, Khánh Hòa nói riêng phải

đối mặt với nhiều vấn đề nan giải, nổi cộm là vấn đề kỷ luật học

đường sa sút.

3.1.2. Chủ trương của Đảng về đấu tranh chính trị từ năm 1965

đến năm 1975

16

3.1.2.1. Chủ trương của Trung ương Đảng

Kể từ năm 1965, trong bối cảnh Mỹ đưa quân trực tiếp tham

chiến ở miền Nam, Trung ương Đảng tiếp tục đánh giá cao vai trò

của ĐTCT, đặt nặng công tác chỉ đạo ĐTCT ở đô thị và lấy vấn đề

chống Mỹ gắn với chống chính quyền quân phiệt Nguyễn Văn Thiệu

làm đối tượng cao nhất để vận động, tập hợp quần chúng đấu tranh.

3.1.2.2. Chủ trương của Liên Khu ủy V

Giai đoạn 1965-1975, Liên Khu ủy V thể hiện rõ sự nhất quán với

Trung ương Đảng trong chủ trương chỉ đạo ĐTCT. Qua từng hội nghị,

Liên Khu ủy V đã có những chỉ đạo cụ thể về lực lượng và hình thức

ĐTCT phù hợp từng địa bàn nông thôn đồng bằng cũng như đô thị.

3.1.2.3. Chủ trương của Đảng bộ tỉnh Khánh Hòa

Chủ trương chỉ đạo ĐTCT của Trung ương Đảng và Liên Khu

ủy V được Tỉnh ủy Khánh Hòa tiếp thu và cụ thể hóa trong quá trình

chỉ đạo phong trào, nhất là phong trào đô thị Nha Trang.

3.2. Nội dung đấu tranh chính trị ở Khánh Hòa từ năm 1965 đến

năm 1975

3.2.1. Đòi thành lập chính phủ dân sự

Phong trào mở đầu bằng những cuộc hội thảo của học sinh tại

Trường Trung học Võ Tánh, Trường Nữ Trung học Nha Trang, phát

triển đến đỉnh cao trong khoảng thời gian từ tháng 3 đến tháng 6 năm

1966, sau đó tiếp diễn qua năm 1967 với các cuộc đấu tranh phản đối

Sắc luật 23/67 (18-7-1967), chống bầu cử Tổng thống và Phó Tổng

thống VNCH (3-9-1967).

Đòi thành lập chính phủ dân sự (1965-1967) là một trong những

phong trào ĐTCT tiêu biểu của nhân dân Khánh Hòa thời kỳ kháng

chiến chống Mỹ (1954-1975). Tuy không rầm rộ, quyết liệt như ở Huế

và Đà Nẵng, song so với nhiều địa phương khác ở miền Trung, Khánh

Hòa là nơi mà phong trào diễn ra sôi nổi với hình thức thể hiện đa dạng,

biện pháp phong phú làm cho hậu phương của đối phương rối loạn.

3.2.2. Phối hợp với lực lượng vũ trang tham gia Tổng tiến công

và nổi dậy Tết Mậu Thân 1968

Cho đến năm 1968, Nha Trang - Khánh Hòa là nơi tập trung

nhiều cơ quan đầu não của CQSG. Vì vậy, để tiến hành tổng tiến

17

công và nổi dậy, công tác chuẩn bị, nhất là chuẩn bị cho LLVT nhập

thị được lực lượng cách mạng triển khai khẩn trương và khá chu đáo.

Khi cuộc tiến công nổ ra, do điều kiện không thuận lợi bởi sự

phản ứng quyết liệt của CQSG nên ĐTCT cũng chỉ thực hiện ở mức

độ vừa phải. Cuộc biểu tình sáng mồng 1 Tết của trên 150 quần

chúng thôn Đại Điền Trung (Diên Khánh) kéo về thị xã Nha Trang

và cuộc biểu tình của hơn 600 quần chúng ở xã Ninh An, xã Ninh

Thọ kéo vào thị trấn Ninh Hòa là 2 cuộc đấu tranh tiêu biểu ở Khánh

Hòa trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân 1968.

3.2.3. Đòi dân chủ, dân sinh

Những năm 1969-1972, ở Khánh Hòa, ĐTCT vẫn duy trì khá

liên tục với sự tham gia của nhiều thành phần xã hội nhằm đòi dân

chủ, dân sinh, được thể hiện qua phong trào chống bắt lính, chống

đuổi nhà, các cuộc đấu tranh của Phật giáo, công nhân, thương phế

binh và hoạt động của tổ chức Sao Việt. Điều này chứng tỏ, nhân dân

Khánh Hòa, nhất là các đô thị như Nha Trang, Cam Ranh ngày càng

chán ghét CQSG do Mỹ hậu thuẫn và LLCT ngày càng được hình

thành đông đảo ngay trong sào huyệt của đối phương.

3.2.4. Đòi thi hành Hiệp định Paris

Sau Hiệp định Paris (27-1-1973), các tuyến cơ sở nội thị, nhất

là tuyến Sao Việt triển khai nhiều hoạt động đòi CQSG thi hành Hiệp

định như thành lập Ủy ban đòi thi hành Hiệp định Paris, Ủy ban đòi

cải thiện chế độ lao tù, Ủy ban phụ nữ đòi quyền sống tại địa phương;

mời một số thành viên chủ chốt của Lực lượng thứ ba và các tổ chức

tiến bộ ở Sài Gòn ra Nha Trang tuyên truyền tranh đấu.

Giới văn nghệ sĩ bằng những cách thể hiện khác nhau đã tích

cực lên tiếng tố cáo Mỹ xâm lược Việt Nam và lên án chính quyền

quân phiệt Sài Gòn. Phật giáo thể hiện sự đấu tranh quyết liệt bằng

cuộc tự thiêu của Thích Viên Đạo ngày 17-10-1973.

3.2.5. Phối hợp với lực lượng vũ trang tham gia Tổng tiến công

và nổi dậy Xuân 1975

Những ngày cuối tháng 3 đầu tháng 4-1975, tranh thủ thời cơ

thuận lợi của cuộc Tổng tiến công và nổi dậy, các tuyến cơ sở đã chủ

động triển khai nhiều hoạt động để ổn định tình hình và làm chủ thị

18

xã Nha Trang như tuyên truyền, vận động nhân dân không di tản; kêu

gọi binh lính Sài Gòn nộp vũ khí; chiếm giữ các địa điểm, cơ quan

trọng yếu; cử người đón Quân giải phóng vào tiếp quản thị xã;...

Những hoạt động của cơ sở nội thị đã góp phần làm cho cuộc Tổng

tiến công và nổi dậy ở Nha Trang - Khánh Hòa thành công trọn vẹn.

Chương 4

TÍNH CHẤT, ĐẶC ĐIỂM VÀ Ý NGHĨA LỊCH SỬ

4.1. Tính chất

4.1.1. Tính chất dân tộc

Trong ĐTCT ở Khánh Hòa thời kỳ 1954-1975, dân tộc là

tính chất nổi bật, điều này bắt nguồn từ tinh thần yêu nước của quần

chúng và tính chính nghĩa của cuộc kháng chiến do nhân dân ta tiến

hành dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam.

Tính chất dân tộc thể hiện ở việc xác định mục tiêu, đối tượng

đấu tranh và sự tham gia đông đảo của quần chúng.

4.1.2. Tính chất dân chủ, dân sinh

Ở Khánh Hòa trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước

(1954-1975), đấu tranh vì dân chủ, nhất là dân chủ trong lĩnh vực

tôn giáo, chính trị có những thời điểm trở thành phong trào hết

sức rộng lớn.

Trong khi đó, nhiều cuộc đấu tranh vì mục tiêu dân sinh như

đòi tăng lương, đòi nhà ở, đòi tự do làm ăn, buôn bán, đi làm rẫy,

đánh bắt cá,... đạt được kết quả rất cụ thể.

4.2. Đặc điểm

4.2.1. Thu hút hầu hết các thành phần xã hội tham gia

Suốt 21 năm kháng chiến chống Mỹ (1954-1975), ĐTCT ở

Khánh Hòa thu hút hầu hết các thành phần xã hội tham gia. Tuy

nhiên, trong từng phong trào đấu tranh cụ thể, có một hoặc một vài

thành phần giữ vai trò nòng cốt.

Nhìn một cách tổng thể, ở Khánh Hòa, trong kháng chiến

chống Mỹ (1954-1975), ĐTCT diễn ra rầm rộ và quyết liệt nhất là

những năm 1963-1963. Trong giai đoạn này, tín đồ Phật giáo và học

sinh là thành phần đông đảo nhất. Hơn thế nữa, giữa hai lực lượng

19

này còn có sự phối hợp để giữ thế hợp pháp cho phong trào, huy

động lực lượng tham gia và phát huy ảnh hưởng đấu tranh.

4.2.2. Hình thức, biện pháp đấu tranh phong phú, linh hoạt và

quyết liệt

Phong trào đấu tranh của nhân dân ở Khánh Hòa trong cuộc

kháng chiến chống Mỹ (1954-1975) có hình thức, biện pháp phong

phú, đa dạng như rải truyền đơn, treo khẩu hiệu, mít tinh, biểu tình,

tuần hành, đưa kiến nghị, phát hành báo chí, đốt xe Mỹ, chiếm trụ sở,

cắt máu viết thỉnh nguyện, tuyệt thực, tự thiêu,...

ĐTCT ở Khánh Hòa thời kỳ 1954-1975 gần như thực hiện tất

cả các hình thức mang tính quyết liệt nhất như ở Huế và Sài Gòn dù

số lượng, quy mô không bằng. Trong khi đó, nếu so với các tỉnh khác

như Phú Yên, Ninh Thuận, Bình Thuận và khu vực Tây Nguyên thì

ĐTCT ở Khánh Hòa vượt trội về tính quyết liệt.

4.2.3. Tích cực hưởng ứng và phối hợp với các địa phương khác

trong đấu tranh

Trong thời kỳ 1954-1975, nhân dân Khánh Hòa hưởng ứng

hầu hết các phong trào ĐTCT lớn ở những đô thị khác của miền

Nam. Không những thế, tại Khánh Hòa còn thành lập một số tổ

chức tương tự như ở Sài Gòn và Huế.

Trong quá trình ĐTCT, nhân dân Khánh Hòa không chỉ

hưởng ứng mà còn chủ động liên hệ, phối hợp với các địa phương

khác. Đổi lại, cuộc tranh đấu của nhân dân Khánh Hòa cũng nhận

được sự ủng hộ từ các địa phương khác.

4.3. Ý nghĩa lịch sử

4.3.1. Góp phần nâng cao giác ngộ chính trị đối với các tầng

lớp nhân dân

Ở Khánh Hòa trong cuộc kháng chiến chống Mỹ (1954-1975),

ĐTCT góp phần giúp quần chúng nhìn rõ bộ mặt thật của Mỹ và

CQSG cũng như hiểu rõ cuộc kháng chiến chính nghĩa của nhân dân

ta, từ đó tự nguyện tham gia đấu tranh vì mục tiêu độc lập dân tộc,

thống nhất đất nước.

Không chỉ nâng cao về nhận thức, mà thông qua thực tiễn

phong trào, ĐTCT còn từng bước rèn luyện quần chúng đấu tranh.

20

Đây là mức độ cao của sự giác ngộ chính trị.

4.3.2. Làm rối loạn hậu phương và suy giảm thế lực của chính

quyền Sài Gòn, tạo điều kiện cho phong trào cách mạng phát triển

Trong 21 năm dưới chế độ Sài Gòn, Nha Trang - hậu phương

quan trọng của đối phương, đã nhiều lần bị rối loạn bởi các phong

trào đấu tranh của nhân dân.

ĐTCT của nhân dân Khánh Hòa có nhiều thời điểm buộc

CQSG phải điều quân ở vùng miền núi và nông thôn đồng bằng đến

hỗ trợ nhằm lập lại trật tự cũng như bảo vệ các đô thị như Nha Trang,

Cam Ranh. ĐTCT ở đô thị đã góp phần đảm bảo an toàn cho vùng

miền núi và tạo điều kiện cho phong trào cách mạng vùng nông thôn

đồng bằng phát triển.

4.3.3. Góp phần làm phong phú thêm những bài học kinh nghiệm

đối với sự nghiệp giải phóng dân tộc

4.3.3.1. Mục tiêu đấu tranh phải cụ thể và phù hợp với từng giai đoạn

Ở Khánh Hòa thời kỳ kháng chiến chống Mỹ (1954-1975),

mục tiêu của ĐTCT từng giai đoạn được xác định cụ thể, phù hợp

không chỉ thể hiện trong chủ trương của Tỉnh ủy mà còn được thể

hiện rõ trong thực tiễn đấu tranh.

Việc xác định mục tiêu đấu tranh cụ thể, phù hợp là khía cạnh

quan trọng của phương thức tập hợp quần chúng, góp phần đảm bảo

thắng lợi và củng cố niềm tin cho nhân dân. Đây là kinh nghiệm có

thể vận dụng trong công tác vận động quần chúng thực hiện các mục

tiêu, nhiệm vụ chính trị - xã hội trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa hiện nay.

4.3.3.2. Chú trọng xây dựng cơ sở cách mạng, lực lượng nòng cốt

trong đấu tranh chính trị

Tại Khánh Hòa trong kháng chiến chống Mỹ (1954-1975), cơ sở

cách mạng và lực lượng nòng cốt ĐTCT là những nhân tố có vai trò

đặc biệt quan trọng đối với sự phát triển của phong trào cách mạng.

Những thành công cũng như hạn chế của công tác xây dựng cơ

sở cách mạng và lực lượng nòng cốt ĐTCT thời kỳ 1954-1975 là

kinh nghiệm tham khảo hữu ích đối với Đảng bộ, chính quyền và

nhân dân Khánh Hòa trong quá trình thực hiện hai nhiệm vụ chiến

lược xây dựng đất nước và bảo vệ Tổ quốc trên địa bàn tỉnh hiện nay.

21

4.3.3.3. Luôn luôn quán triệt quan điểm “cách mạng là sự nghiệp

của quần chúng”

Lực lượng quần chúng luôn luôn giữ vai trò quan trọng trong

các cuộc đấu tranh. Tuy nhiên, muốn hoàn thành sự nghiệp cách mạng,

quần chúng phải được giáo dục, giác ngộ và tổ chức. ĐTCT ở Khánh

Hòa trong kháng chiến chống Mỹ (1954-1975) đã chứng minh sự

thành bại của cách mạng phụ thuộc rất lớn vào việc thực hiện bài học

“cách mạng là sự nghiệp của quần chúng” cả trong nhận thức lẫn thực

tiễn. Bài học này được Tỉnh ủy Khánh Hòa khẳng định có giá trị chỉ

đạo to lớn không chỉ trong giai đoạn hiện tại mà mãi mãi về sau.

KẾT LUẬN

1. Do lợi thế về vị trí địa lý và điều kiện tự nhiên, Khánh Hòa

trở thành địa bàn chiến lược của cách mạng cũng như của CQSG.

Cùng với điều kiện tự nhiên, điều kiện kinh tế - xã hội Khánh Hòa

cũng có những nét khá đặc thù. Trong khi đó, trải qua tiến trình lịch sử,

các thế hệ người dân Khánh Hòa đã hun đúc nên truyền thống yêu

nước và cách mạng quy báu, trở thành động lực tinh thần mạnh mẽ

luôn đồng hành với nhân dân địa phương trong suốt quá trình tồn tại và

phát triển. Đây là những nhân tố có ảnh hưởng đến ĐTCT ở Khánh

Hòa trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước (1954-1975).

Từ năm 1954 đến năm 1975, bằng các chính sách, biện pháp

về chính trị - quân sự, kinh tế - xã hội, văn hóa - giáo dục, Mỹ và

CQSG từng bước xây dựng Khánh Hòa thành hậu cứ vững chắc hỗ

trợ đắc lực cho quá trình thực hiện chủ nghĩa thực dân mới ở địa

phương nói riêng, miền Nam nói chung. Những chính sách của Mỹ

và CQSG qua các giai đoạn ở mức độ khác nhau một mặt gây cho lực

lượng cách mạng khó khăn trong việc chỉ đạo và tổ chức kháng chiến,

trong đó có ĐTCT; mặt khác, đây lại là nhân tố quan trọng thúc đẩy,

hay nói đúng hơn là nguyên nhân chủ yếu bùng phát các cuộc ĐTCT

ở Khánh Hòa thời kỳ 1954-1975.

Thực hiện chỉ đạo của Trung ương Đảng và Liên Khu ủy V,

trong từng giai đoạn của cuộc kháng chiến trên cơ sở thực tiễn địa

phương, Tỉnh ủy Khánh Hòa đã chủ động đề ra chủ trương, phát

động quần chúng tham gia ĐTCT. Nhìn một cách tổng thể, chủ

22

trương chỉ đạo ĐTCT thời kỳ 1954-1975 của Tỉnh ủy Khánh Hòa

bám sát âm mưu, hành động của Mỹ và CQSG; linh hoạt trong việc

xác định mục tiêu, biện pháp, hình thức đấu tranh đáp ứng yêu cầu

của cách mạng. Tuy nhiên, cũng có thời điểm chưa thật sự hợp lý dẫn

đến tổn thất đối với phong trào cách mạng. Với thái độ trung thực và

thẳng thắn, Tỉnh ủy Khánh Hòa đã nghiêm túc rút kinh nghiệm, sửa

chữa khuyết điểm để lãnh đạo nhân dân từng bước đi đến thắng lợi.

Cần lưu ý rằng, không phải tất cả các cuộc đấu tranh, phong trào

quần chúng ở Khánh Hòa thời kỳ 1954-1975 đều do Đảng trực tiếp

lãnh đạo, mà có những lúc là phản ứng tự phát của nhân dân hoặc do

đoàn thể quần chúng yêu nước phát động và tổ chức, mặc dù tất cả

đều có chung mục tiêu là chống đế quốc Mỹ và CQSG.

2. Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước (1954-1975),

xét về thời gian và phong trào đấu tranh, nhân dân Khánh Hòa tham

gia hầu hết các phong trào ĐTCT tiêu biểu ở miền Nam, từ những

phong trào bùng phát ngay sau ngày 21-7-1954 như phong trào đòi

thi hành Hiệp định Genève (1954-1956), chống “tố Cộng” (1955-

1958),... đến những phong trào nổ ra vào giai đoạn cuối cuộc kháng

chiến như phong trào đòi thi hành Hiệp định Paris (1973-1974), tham

gia Tổng tiến công và nổi dậy Xuân 1975.

Xét về không gian, ĐTCT ở Khánh Hòa thời kỳ 1954-1975 diễn

ra trên cả ba vùng chiến lược. Ở vùng rừng núi Khánh Sơn, Khánh

Vĩnh, được LLVT hỗ trợ, ĐTCT diễn ra chủ yếu trong phong trào

đồng khởi phá khu tập trung những năm 1959-1960. Ở vùng nông thôn

đồng bằng Diên Khánh, Ninh Hòa, Vạn Ninh, Cam Lâm, dù không

thật sự mạnh mẽ nhưng ĐTCT diễn ra khá liên tục, trong đó có những

thời điểm phối hợp hiệu quả với ĐTVT như những năm 1961-1963

trong phong trào chống phá ACL, từ cuối năm 1964 đến đầu năm 1965

trong phong trào đồng khởi. Trong khi đó, ở vùng đô thị, nhất là Nha

Trang, ĐTCT diễn ra sôi nổi, quyết liệt giai đoạn 1963-1966, sau đó

tiếp tục diễn ra đều đặn vào những năm 1967-1972 với các cuộc đấu

tranh của Phật giáo, học sinh, sinh viên, công nhân, thương phế binh,

công chức và binh lính Sài Gòn; đặc biệt, từ năm 1971 đến năm 1975,

phong trào đô thị Nha Trang tuy không rầm rộ nhưng rất hiệu quả

trong việc giáo dục, tập hợp quần chúng, xây dựng LLCT với vai trò

nòng cốt của tổ chức Sao Việt và các tuyến cơ sở nội thị. Như vậy, có

23

thể nói, ĐTCT ở Khánh Hòa trong kháng chiến chống Mỹ (1954-1975)

được tiến hành liên tục và diễn ra trên ba vùng chiến lược, mặc dù quy

mô, mức độ không đồng đều giữa các vùng, tăng dần từ miền núi đến

nông thôn rồi đến đô thị. Điều này hoàn toàn phù hợp với chủ trương

chỉ đạo ĐTCT của Đảng Cộng sản Việt Nam.

Xét về quy mô, trong kháng chiến chống Mỹ (1954-1975), so

với các địa phương lân cận như Phú Yên, cực Nam Trung Bộ hay

khu vực Tây Nguyên, ĐTCT ở Khánh Hòa nổi trội hơn. Đặc biệt, có

những phong trào Khánh Hòa chỉ sau một số ít trung tâm ĐTCT ở

miền Nam như phong trào đòi tự do tín ngưỡng, bình đẳng tôn giáo

năm 1963 chỉ sau Huế và Sài Gòn, phong trào đòi thành lập chính

phủ dân sự năm 1966 chỉ sau Huế, Sài Gòn và Đà Nẵng.

Về phân kỳ, ĐTCT ở Khánh Hòa trong cuộc kháng chiến

chống Mỹ gồm hai giai đoạn: 1954-1965 và 1965-1975. Cơ sở để

phân kỳ là dựa trên sự thay đổi căn bản về chiến lược chiến tranh của

đối phương thể hiện qua việc Mỹ và các nước Đồng minh của Mỹ

trực tiếp đưa quân tham chiến ở miền Nam nói chung, Khánh Hòa

nói riêng vào thời điểm năm 1965. Thực tế cho thấy, sự thay đổi về

chiến lược chiến tranh của Mỹ có ảnh hưởng lớn đến ĐTCT ở Khánh

Hòa. Nếu như giai đoạn 1954-1965, ĐTCT diễn ra trên cả ba vùng

chiến lược thì sang giai đoạn 1965-1975, chủ yếu diễn ra ở vùng đô

thị. Nguyên nhân là do kể từ năm 1965, nhờ lực lượng mạnh, quân

đội Sài Gòn cùng với quân Mỹ và Đồng minh tăng cường đóng chốt,

tổ chức hành quân càn quét cũng như thực hiện nhiều biện pháp kìm

kẹp nhân dân vùng nông thôn đồng bằng và rừng núi, vì thế ĐTCT ở

đây gặp khó khăn hơn trước. Trong khi đó, tại vùng đô thị, nhất là

Nha Trang, Cam Ranh - những nơi tập trung nhiều quân Mỹ và Đồng

minh của Mỹ, mâu thuẫn dân tộc trở nên trực tiếp, gay gắt hơn bao

giờ hết, do vậy phong trào vẫn có điều kiện duy trì thông qua cuộc

đấu tranh của Phật giáo, học sinh, nhân sĩ, công chức, sĩ quan

CQSG,... để đòi mục tiêu dân chủ, dân sinh kết hợp với mục tiêu dân

tộc, cụ thể là chống chính quyền quân phiệt Sài Gòn, phản đối Mỹ

can thiệp vào Việt Nam và đòi Mỹ phải rút quân về nước.

3. Trong kháng chiến chống Mỹ (1954-1975), nguyên nhân chủ

yếu dẫn đến ĐTCT ở Khánh Hòa cũng như ở miền Nam chỉ là một và

ĐTCT của nhân dân Khánh Hòa là một bộ phận không thể tách rời của

24

ĐTCT ở miền Nam. Đây là yếu tố căn bản dẫn đến tính chất, đặc điểm

của ĐTCT ở Khánh Hòa và tính chất, đặc điểm của ĐTCT ở miền

Nam là vấn đề khó rạch ròi. Điều quan trọng là ĐTCT ở Khánh Hòa

thời kỳ 1954-1975 đã chứng minh, bổ sung làm rõ tính chất, đặc điểm

đó bằng chất liệu lịch sử riêng có của địa phương. Đó là các tính chất:

Dân tộc, dân chủ, dân sinh và các đặc điểm: Thu hút hầu hết các thành

phần xã hội tham gia; hình thức, biệp pháp đấu tranh phong phú, linh

hoạt, quyết liệt; tích cực hưởng ứng và phối hợp với các địa phương

khác trong đấu tranh.

Tiếp nối truyền thống yêu nước và cách mạng, từ năm 1954 đến

năm 1975, nhân dân Khánh Hòa đã tích cực tham gia ĐTCT và đạt

được những kết quả to lớn xét riêng trên địa bàn từng tỉnh, góp phần

nâng cao giác ngộ chính trị đối với các tầng lớp nhân dân; làm rối loạn

hậu phương và suy giảm thế lực của CQSG, tạo điều kiện cho phong

trào cách mạng phát triển; làm phong phú thêm những bài học kinh

nghiệm đối với sự nghiệp giải phóng dân tộc.

Trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước (1954-1975), công tác chỉ

đạo, lãnh đạo ĐTCT của Tỉnh ủy Khánh Hòa có mặt được - đây là mặt

chủ yếu, nhưng cũng có mặt chưa được, thực tiễn ĐTCT bên cạnh thành

tích còn có cả hạn chế. Thực tế đó đưa đến những bài học kinh nghiệm

như mục tiêu đấu tranh phải cụ thể và phù hợp với từng giai đoạn; chú

trọng xây dựng cơ sở cách mạng và lực lượng nòng cốt trong ĐTCT; luôn

quán triệt quan điểm “cách mạng là sự nghiệp của quần chúng”.

4. Nghiên cứu về ĐTCT ở Khánh Hòa thời kỳ 1954-1975 mang

đến cho chúng ta nhiều điều bổ ích, giúp nhận thức toàn diện, sâu sắc

hơn về cuộc đấu tranh trực diện, lâu dài và liên tục của nhân dân Khánh

Hòa với CQSG được Mỹ hậu thuẫn ngay trên sào huyệt của đối phương.

Đó là cuộc đấu tranh của những con người xung trận không mang theo

một tấc sắt trong tay nhưng có đầy đủ sức mạnh của chính nghĩa và lòng

yêu nước. Tuy nhiên, điều cần nhấn mạnh là, nghiên cứu về ĐTCT ở

Khánh Hòa trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước (1954-1975)

không chỉ để biết thêm và tự hào về truyền thống yêu nước, cách mạng

của quê hương mà quan trọng hơn là biến truyền thống trở thành sức

mạnh, góp phần xây dựng Khánh Hòa trở thành tỉnh “có một quá khứ

hào hùng, một hiện tại đáng yêu và một tương lai nhiều hứa hẹn”.

1

DANH MỤC CÔNG TRÌNH

LIÊN QUAN ĐẾN LUẬN ÁN ĐÃ CÔNG BỐ

1. Nguyễn Trung Triều (2015), “Khánh Hòa trong cuộc Tổng

tiến công và nổi dậy Xuân 1975”, Kỷ yếu Hội thảo khoa học “40

năm thống nhất đất nước và xây dựng, bảo vệ Tổ quốc”, Trường

ĐHSP, Trung tâm Giáo dục Quốc phòng - Đại học Huế.

2. Nguyễn Trung Triều (2015), “Lực lượng chính trị thị xã

Nha Trang trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân 1975”, in

trong sách Về phong trào đô thị miền Nam trong kháng chiến chống

Mỹ (1954-1975), NXB Tổng hợp TP HCM.

3. Nguyễn Trung Triều (2016) (viết chung), 60 năm Phật Học

viện Hải Đức Nha Trang (1956-2016), NXB Tổng hợp TP HCM.

4. Nguyễn Trung Triều (2016) (viết chung), “Phật Học viện

Hải Đức Nha Trang với cuộc vận động của Phật giáo miền Nam năm

1963”, Tạp chí Nghiên cứu Tôn giáo, số 07&08 (157).

5. Nguyễn Trung Triều (2016), “Thanh niên, học sinh Nha Trang đấu

tranh chống Trần Văn Hương đầu năm 1965”, Tạp chí Thanh niên, số 43.

6. Nguyễn Trung Triều (2017), “Thanh niên, sinh viên, học

sinh Nha Trang đấu tranh chống dư đảng Cần lao, chống độc tài năm

1964”, Tạp chí Thanh niên, số 1.

7. Nguyễn Trung Triều (2017), “Thanh niên, học sinh Nha Trang

đấu tranh chống Thiệu - Kỳ năm 1966”, Tạp chí Thanh niên, số 11.

8. Nguyễn Trung Triều (2017), “Cuộc Tổng tiến công và nổi

dậy Tết Mậu Thân 1968 ở Nha Trang - Nhìn từ sự chuẩn bị về lực

lượng chính trị, diễn biến và hạn chế của mũi đấu tranh chính trị”,

Tạp chí Khoa học Đại học Huế, Tập 126, số 6A (2017).

9. Nguyễn Trung Triều (2017), “Phong trào đô thị Nha Trang

năm 1966”, Tạp chí Lịch sử Quân sự, số 307 (7-2017).

10. Nguyễn Trung Triều (2017), “Phong trào thanh niên, học

sinh thị xã Nha Trang những năm 1964-1965”, Tạp chí Khoa học &

Giáo dục, Trường Đại học Sư phạm - Đại học Huế, số 03 (43)/2017.

11. Nguyễn Trung Triều (2017), (viết chung), “Phong trào Phật giáo ở

Khánh Hòa năm 1963”, Tạp chí Nghiên cứu Lịch sử, số 10 (498)/2017.

12. Nguyễn Trung Triều (2018), “Đấu tranh chính trị trong

cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân 1968 ở Nha Trang”,

Kỷ yếu Hội thảo khoa học “Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân

Mậu Thân 1968 - Bài học lịch sử”, Đại học Huế.

2

HUE UNIVERSITY

COLLEGE OF EDUCATION

-------------------------------

NGUYEN TRUNG TRIEU

THE POLITICAL STRUGGLE AT KHANH HOA

DURING THE RESISTANCE AGAINST US

(1954-1975)

THE SUMMARY OF DOCTORAL

DISSERTATION ON HISTORY

Major: History of Vietnam

Code: 62 22 03 13

HUE - 2018

3

The work was completed at

College of Education - Hue University

The scientific supervisors:

1. Ass.Prof.Dr. Le Cung

2. Dr. Chu Dinh Loc

Reviewer 1: ..................................................................................

Reviewer 2: ..................................................................................

Reviewer 3: ..................................................................................

The dissertation was defended at the Council of dissertation

assessment of Hue University Council at:…. on…./…./2018.

The dissertation can be further referred at the Library College

of Education - Hue University.

1

INTRODUCTION

1. Reasons for choosing the topic

During to carry out a war of resistance US, save the country

(1954-1975), along with the attack on the military, the Communist

Party of Vietnam advocated attacking US and Saigon Regime both

politically, considered the political struggle is a form of the basic

struggle as fighting universe the page. The implementation of

policies that, from 1954 to 1975, the political struggle was ongoing

and widespread in the south, became the artistic uniqueness of

Vietnam Revolutionary War. However, to date, issues political

struggle has not been interested in investing in research properly, is

not commensurate with its position in the “two legs, three shots” has

been practical assertion. Therefore, the research, learn about political

struggle helps us have a more complete view about the to carry out a

war of resistance US, save the country (1954-1975), with is a war of

the people, the entire population, comprehensive.

Khanh Hoa has advantages in geographical location and

natural conditions. Period 1954-1975, the United States and the

Saigon Regime was built here many military bases scale, modern,

notably customs complex - continental - Cam Ranh air force.

Besides, Khanh Hoa province is also the American and Saigon

government chooses to put the agency command center, military

training, officer training school. To operate the system as well as

protect the base for the war effort, the US and the Saigon government

was using a military force, police and powerful; at the same time, the

work of security is particularly respected.

In such conditions, but from 1954 to 1975, the people of

Khanh Hoa continued political struggle in various forms, attracted

most of the sectors of society to participate and achieve certain

results, contributed to the failure of the war strategy of US

colonialism conducted in local as well as in the South.

So far, the topic of political struggle in Khanh Hoa 1954-1975

era only briefly mentined and scattered in the party history work,

history of the social-political organization of the local. So, study the

political struggle in Khanh Hoa during to carry out a war of

resistance US (1954-1975) has just mean science has just practical

sense:

2

In terms of scientific values, the thesis clarifies the factors

affecting the political struggle and evolution, nature, characteristics, the

historical significance of the political struggle in Khanh Hoa during to

carry out a war of resistance US (1954 -1975). Thereby helping more

aware of the patriotic tradition, the people's revolution Khanh Hoa;

colonial nature of these new policies and measures taken by the US and

the Saigon government in Khanh Hoa deployment; acumen in leading

advocate of the party political struggle; diversity, flexibility, drastic form

of political struggle in Khanh Hoa; response, coordination of Khanh Hoa

with other localities in the political struggle; the outcome of the political

struggle in Khanh Hoa period 1954-1975;... Moreover, the thesis also

provides evidence to realize more fully the motto "two foot, three shots"

during to carry out a war of resistance US, save the country in Khanh

Hoa in particular and the South in general.

Regarding practical values, thesis provides additional document

on the during to carry out a war of resistance US, save country of the

people of Khanh Hoa serves research, teaching local history,

contributing to enhance pride in the tradition of their homeland and

revolutionary ideal education for the younger generation of Khanh

Hoa. Moreover, the lessons drawn in the thesis contribute to promoting

the power of the masses in the process of building and protecting the

country in the province of Khanh Hoa now.

For those reasons, we chose: The political struggle at Khanh

Hoa during to carry out a war of resistance US (1954-1975), as the

topic for our Doctoral thesis in Vietnamese History.

2. Subject and scope of the research

- The subject of this thesis that is The political struggle at

Khanh Hoa during to carry out a war of resistance US, save country

(1954-1975).

- Scope of the research:

+ Regarding content, the political struggle is mentioned in the

thesis be interpreted to distinguish the armed struggle, ie the struggle

of the masses not to use military weapons in order to claim the

population objectives ethnic, democratic and people's life.

+ In terms of space, thesis studies the political struggle in the

province of Khanh Hoa, including district-level administrative unit:

Van Ninh and Ninh Hoa, Nha Trang, Dien Khanh, Cam Lam, Cam

Ranh, Khanh Vinh and Khanh Son; in particular, focus research Nha

3

Trang province - which is considered the center of the political

struggle in Khanh Hoa during to carry out a war of resistance US,

save country (1954-1975).

+ Regarding time, the time frame of the thesis is from 1954 to

1975, in particular from the Geneva Agreement was signed (21-7-

1954) until Khanh Hoa Province was liberated (2-4-1975).

3. Aims and objectives of the research

The aim of the research:

Recreate the systematic process of political struggle and

contribute more fully aware of the carry out a war of resistance US

(1954-1975) of the army and people of Khanh Hoa. Thereby,

additional material for research, teaching local history; providing

scientific arguments raise the effectiveness of traditional education

revolution and promote the strength of the people in the province of

Khanh Hoa in the current period.

The objectives of the research:

Clarify natural conditions, economic, socio - Khanh Hoa,

especially US policy and the Saigon government at Khanh Hoa

Province from 1954 to 1975 that affect the political struggle.

Presenting the policy of the Party Central Committee, interregion

party, and of Khanh Hoa Provincial and direct the political struggle

during to carry out a war of resistance US (1954-1975).

Recreate developments in the political struggle of Khanh Hoa

in the war against the United States (1954-1975) through the typical

movement based on the target, subjects struggle.

Clarify the nature, characteristics and historical significance of

the political struggle in Khanh Hoa during to carry out a war of

resistance US (1954-1975).

4. Material sources and research method

Material sources

The document, summarizing the work of the Party and State,

the work of the leaders about the carry out a war of resistance US

(1954-1975) mentioned the political struggle; works and writings of

researchers of the political struggle in the war against the United

States (1954-1975); Party history, the history of political organization

- society in Khanh Hoa; some foreign works written about the

“Vietnam War”.

Sources in archives of the Office and the Provincial Party

4

Committee Propaganda Department of Khanh Hoa; Historical Archives

Center - Khanh Hoa Department of Home Affairs; Center National

Archives II (Ho Chi Minh City); National Archives Center IV (Dalat).

In addition, a resource of paramount importance in the study of

local history are exploited authors note that historical, museum,

especially the exchange, interviewing witnesses of history.

Research method:

On the basis of Marxist-Leninist discourse on method and Ho

Chi Minh’s thoughts, a combination between historical method and

logical method is chosen as the primary research method. Besides,

the thesis also flexibly employs other methods such as: fieldwork,

collection, comparison, contrast, analysis...

5. Contributions of the thesis

First, on the basis of the presentation, analysis of natural

conditions, the economy and society; the policy of the United States

of America and the Saigon Government at Khanh Hoa; the political

direction of the Party Central Committee of Zone V, and Khanh Hoa

provincial party Committee, the dissertation clarifies the influence of

these factors on for political struggle in Khanh Hoa in the resistance

against the United States of America , save the country (1954-1975).

Secondly, thesis reproduce movements in the political struggle

Khanh Hoa Province from 1954 to 1975, which show clearly the

target, forces, composition, form and results, ... of each movement.

Thirdly, thesis analyzed, proves to highlight the nature and

characteristics of the political struggle in Khanh Hoa in the resistance

war against the US and save country (1954-1975); simultaneously, to

clarify the meaning, draw the lessons for the process of economic

development - social, national security and the province of Khanh

Hoa in the current period.

Fourth, based processingluieuejdocc document of resources, the

thesis contributes more fully aware of the political struggle in Khanh

Hoa in particular and the South in general; providing reference resources

in service of research, teaching local history as well as the revolutionary

tradition education of Khanh Hoa homeland.

6. Brief outline of the research

Apart from Introduction (5pp), Conclusion (4pp), References

(27pp) and appendix (41pp), the body of the thesis consists of 4

chapters as follows:

5

Chapter 1: Overview of research problems

Chapter 2: The Khanh Hoa political struggle movement from

1954 to 1965

Chapter 3: The Khanh Hoa political struggle movement from

1965 to 1975

Chapter 4: The characteristics, features and historical

significance

CHAPTER 1

OVERVIEW OF RESEARCH PROBLEMS

1.1. Research situation with topic

1.1.1. Group of research on the political struggle in the South

during to carry out a war of resistance US (1954-1975)

Research on the POLITICAL STRUGGLE in the South in the

resistance against the United States of America (1954-1975) has the

typical work such as: Le Duan (1976), Under the Glorious Flag of the

Party, because the independence, freedom, because socialism, Su

That Publishing, Hanoi; The Steering Committee summed up the war

under the Ministry of Politics (1995), Summary of anti-US resistance

war - victory and lessons, National Political Publishing House,

Hanoi; V Corps Command - Military History Institute of Vietnam

(1999), Some experience directing people's war in Zone V in local

anti-US resistance war for national salvation (1954-1975), People's

Army Publishing House, Hanoi; Vo Nguyen Giap (2006), The thesis

Complete , People's Army Publishing House, Hanoi; Tran Van Giau

(2006), Complete, People's Army Publishing House, Hanoi; Le Cung

(2008), Buddhist Movement of South Vietnam in 1963, in the 4th,

Thuan Hoa Publishing House, Hue; Tran Ba De (Editor) - Le Cung

(2010) (second printing), Vietnam's History, file VII, from 1954 to

1975, Pedagogical University Publishing House, Ha Noi; Ministry of

Defense - Military History Institute (2013), History of anti-US

resistance war, save country (1954-1975) (9 episodes), National

Political Publishing House, Hanoi; Le Cung (2013), 50 years to look

back Buddhist movement in South Vietnam (1963-2013), Hue

University Publishing House; Le Cung (2014), Buddhist Movement

of South Vietnam (1964-1968), Thuan Hoa Publishing House; Le

Cung (Editor) (2015), On the southern urban movement in the anti-

US resistance war (1954-1975), General Publishing House of Ho Chi

6

Minh City; Institute of History (2017), History of Vietnam, (first

edition), Social Sciences Publishing House, Hanoi...

Study of the political struggle in the South during the war

against America (1954-1975) is also reflected in a number of PhD

thesis, article published in the journal, Proceedings of the seminar as:

Tran Thi Lan (2014) , the political struggle in the Central Highlands

in the war against the United States from 1961 to 1968, dissertation,

University of Pedagogy - Hue University; Nguyen Thi Thanh Huyen

(2016), Movement for urban workers in South Vietnam during the

resistance against the US from 1954 to 1965, Dissertation, University

of Pedagogy - Hue University; Quynh Cu (1980), Understanding

"political forces" of the revolutionary masses in the South (1954-

1975), Journal of Historical Studies, No.3; Vu Thi Thuy Hien (2000),

Southern women participate in the political struggle against the

strategy of "special war" of US imperialism (1961-1965), Journal of

Party History, No.7; Tran Bach Dang (2005), Under a common flag,

Party History Journal, No.12; Trinh Thi Hong Hanh (2010), the

political struggle in the war against the US and the country, the Party

History Journal, No.6;...

Overall, the above works despite being presented as

summaries, history, thesis, presentations or scientific papers in the

level, different aspects have been clarified many issues related to

reasoning and practices of political struggle in the south, especially in

urban areas in the war against the US, save country (1954-1975).

Not only in the country, outside of the published works also

reflected on the "Vietnam war"-according to their calling, mentioned

the political struggle, such as: Kolko Gabrien (1991), the anatomy of

a war, People's Army Publishing House, Hanoi; Robert s. McNamara

(1995), looking back to the past-the tragedy and lessons of Vietnam,

National Politics Publishing House, Hanoi; ... In this work, the

political struggle is mainly mentioned as an important factor to

explain the failure of America in the “Vietnam war”. Although

written with the position, the engine, the perspective is different,

sometimes opposing points of view, advocated by the Communist

Party of Vietnam, the works has the objective perspective of the

political struggle of the people in resistance against the United States

of America (1954-1975).

7

1.1.2. Group of research on the political struggle at Khanh Hoa

during to carry out a war of resistance US (1954-1975)

Study of the political struggle in Khanh Hoa in the resistance

against the US (1954-1975) with works like: Tue Giac (1964),

Vietnam Buddhist struggle history, Hoa Nghiem publishers House,

Saigon; Union Women Khanh Hoa province (1992), the

revolutionary tradition of women Khanh Hoa Province from 1930 to

1975, establishments Printing National Political Publishing House,

Nha Trang; Standing Committee of Ninh Hoa District (1995),

History of Ninh Hoa district Party 1954-1975 period, establishments

print National Political Publishing House, Nha Trang; Hoanh Linh

Do Mau (1991), the confide exiled generals (The hometown of

Vietnam blood and fire), the People's Public Security Publishing

House, Ha Noi; Standing Party Committee of Nha Trang (1996),

History of Nha Trang Party from 1925 to 1975, establishments print

National Political Publishing House, Nha Trang; Executive

Committee of Khanh Hoa Provincial Party (2001), History of the

Party Committee of Communist Party of Vietnam, Khanh Hoa

province (1930-1975), establishments print National Political

Publishing House, Nha Trang; Khanh Hoa Province Farmers

'Association (2002), History of the peasant movement and the Khanh

Hoa Provincial Farmers' Association from 1930 to 2000,

establishments print National Political Publishing House, Nha Trang;

Hoai Phong (Vol 1-2008, Vol 2-2014), Memoirs of a time, publishers

Writers Association, Hanoi; Le Cung (editor) (2016), 60 years

Buddha Hai Duc Nha Trang Institute (1956-2016), General

Publishing House of Ho Chi Minh City;...

In addition, the political struggle in Khanh Hoa period 1954-

1975 is also addressed through a number of articles, scientific

workshop proceedings as: Chu Dinh Loc (2009), More on Dong Khoi

movement in South Central pole 1959-1960, Journal of Historical

Studies, No.8; Chu Dinh Loc (2014), The political struggle for the

implementation of the Geneva Accords in the South Central 1954-

1955, the Party History Journal, No.7; Department of Khanh Hoa

Education and Training (2015), "History education in Khanh Hoa

revolutionary period from 1945 to 1975", Proceedings of scientific

conferences; Le Cung , Nguyen Trung Trieu (2016), Hai Duc

Buddhist Academy in Nha Trang with Buddhist movement in South

8

Vietnam in 1963, Religious Studies Review, No.07 & 08 (157);...

Derived from the goals and scope of the research, the studies

mentioned above mainly presents the movement political struggle by

Vietnam Communist Party leadership directly; Through some events

highlight the political struggle; POLITICAL STRUGGLE mention of

each force separately or just learn each piece of specific issues that

are not studied in depth comprehensive political struggle in Khanh

Hoa in the war against the US (1954-1975)

1.2. The thesis inherited problems

Looking overall, the studies related to the subject have

addressed the following basic content and this content is inherited

author of the thesis:

First, is to clarify the arguments related to the POLITICAL

FIGHT as the views, organization, force, form, role, art, relationships

with the military struggle,...

Secondly, go deep to research the happenings, the nature,

characteristics, role, lessons of experience of political struggle in the

great urban in the South such as Saigon, Da Nang, Hue, Da Lat,...

Thirdly, presents a number of problems related to natural

conditions, social-economic, patriotic and revolutionary traditions,

along with it, the essential policies of the US and the Saigon

Government in Khanh Hoa.

Fourthly, presenting a number of prominent political struggle

of the people against the US in Khanh Hoa and Saigon Government

from 1954 to 1975; at the same time, the first step is to have these

reviews about the struggle.

1.3. The thesis issues should focus research

First, to clarify the factors that influence the political struggle

in Khanh Hoa in the resistance against the US, save country (1954-

1975) as the natural conditions, the economy and society; Patriotic

tradition and the Khanh Hoa people's Revolutionary Front in 1954;

especially the new colonial nature of the policy, measures of military-

political, social-economic, cultural-education by the United States of

America and the Saigon Government deployed in Khanh Hoa, on the

basis of that, to clarify the cause of the outbreak mostly the political

struggle movement at Khanh Hoa, 1954-1975 period.

Secondly, clarify guidelines, advocates of politicaL direction of

the Central Party Committee, interregion Party V, especially in the

9

Committee of Khanh Hoa in the resistance against the US (1954-

1975). Analyzing, clarifying the way, advocates of the party must keep

abreast of the plot, the action of the enemy, at the same time reconciled

with the outcome of the political struggle, from which to see the sharp

in directing the movement of political struggle of the Party.

Thirdly, to reproduce the political struggles evolutions in

Khanh Hoa since 1954 to 1975. The current happenings of the

political movement is based on many different resources, for the

storage of the data is both the Revolutionary Government and the

Saigon Government, ensure objectivity, comprehensive.

Fourthly, clarify the characteristics, features and historical

significance of the political struggle in Khanh Hoa in the resistance

against the US, save the country (1954-1975). The characteristics,

features and historical significance which covers both the lessons of

experience are demonstrated by historical material from the

movement of the political struggle of the masses of local people.

CHAPTER 2

THE KHANH HOA POLITICAL STRUGGLE MOVEMENT

FROM 1954 TO 1965

2.1. The general of natural conditions, socio-economic, patriotic

traditions and revolutionary of the Khanh Hoa people's, before 1954

2.1.1. The general of natural conditions

Khanh Hoa with favourable natural conditions, is the strategy

for revolution as well as with respect to the Republic of Vietnam.

The natural conditions of the Khanh Hoa has two impacts to the

political struggle. On the one hand, the convenient geographical

location for the catch information, influence, in collaboration with

other provinces to fight; the terrain advantages in setting the direction

of the movement, even in urban areas; armpit plain rural municipality

in assisting struggling, promote the influence of political struggle.

But on the other hand, the small municipality of almost surrounded

by mountains and the sea; the narrow plain countryside lies the

highway police, again be divided should the enemy easy to control,

prevent and isolate the struggle.

2.1.2. The general of socio-economic

The Khanh Hoa have conditions on economic life, residential,

religious, student, workers... are quite peculiar. The conditions that

10

impact the different dimension during to carry out a war of resistance

US (1954-1975).

2.1.3. Patriotic traditions and revolutionary of the Khanh Hoa

people's, before 1954

Before 1954, Khanh Hoa is locally active soon struggling

against the invasion of the French colonists such as “Binh Tay

National Salvation Group movement” (1885-1886), the Nha Trang-

Khanh Hoa Front (from 23-10-1945 to 2-2-1946 days), the guerilla

war in 1946-1952; ...

In parallel with the military operations, in Khanh Hoa before

1954 there was also the political activities, the show of force was

quite active as prominent of Tran Quy Cap (1908), Ha Huy Tap, Ngo

Duc Dien (1925-1926); demonstrations on 17-6-1930, on 19-8-1945

event, the political struggle in the end stages of winter-spring 1953-

1954...

This is a patriotic tradition, valuable to the party of revolution,

Khanh Hoa people's continued resistance against the United States of

America (1954-1975) full of oranges go and challenge, in that

political struggle is the enemy advancing nose very sharp, effective.

2.2. The policy of the US, the Saigon Government at Khanh Hoa

and the political struggle policy of the Party, from 1954 to 1965

2.2.1. The policy of the US and Saigon Government at Khanh

Hoa, from 1954 to 1965

2.2.1.1. The military-political

From 1954 to 1965, the year the major political policy of the

Saigon Government apply to the South are deployed in Khanh Hoa as

undermining the Geneva Accords, “Anti-communist policy”,

concentrated area of middlemen in mountainous areas strategic

hamlet, set in rural Delta. Meanwhile, on the military, after basically

grasp the plain and the municipality, since 1960, the Saigon

Government pushing military operations aimed at the revolutionary

bases in the mountainous region.

2.2.1.2. The socio-economic

Economically, in parallel with measures to control the region

economic development reform address filled in as investment,

agriculture, fishery, trade, ... The Saigon Government implemented

the economic siege against the revolution.

In Khanh Hoa, in the reign of Ngo Dinh Diem, the economic

11

activities currency is the most profitable independent contractor are the

limbs experienced financial professionals for the Ngo family monopoly.

About the society, after the Geneva Accords (21-7-1954), US

and the Saigon Government by many measures have forced

seduction, fellow Northern, mainly Christian adherents migrated to

the South. Khanh Hoa is one of the provinces in the central region of

receiving immigrants from the North.

2.2.1.3. Culture-Education

About culture, like many other localities in southern, in Khanh

Hoa, the Saigon Government enforced a policy of religious

discrimination are quite crisp. With Christianity, the Saigon

Government investment in building the facilities, the Church, the

preacher, school to attract the people religious. Meanwhile, for

Buddhists, the Saigon Government the stigma.

On education, compared with other provinces in Central, Khanh

Hoa education 1954-1965 years are quite developed. However, the

institution was the Saigon Government tightly controlled by many

different measures in order to prevent students joining the fight.

2.2.2. The policy political struggle of the Party, from 1954 to 1965

2.2.2.1. The policy of the Party Central Committee

In the period 1954-1965, the Communist Party has to keep

abreast of the policy, the remedies of the Saigon Government to

devise appropriate policy, promptly led the mass political struggle. It

is the policy of demanding enforcement of the Geneva agreement,

against the “Anti-communist policy”, clearing the mountains of

insurgents, “policy strategic hamlet”, clearing the plain countryside,...

2.2.2.2. The policy of the Interregion Party V Observance of the Central Party Committee of Zone V, step by

step draw out the policy of local political struggles. In particular, the

Joint Committee of Zone V has developed nine stitches in directing

mass insurgents launching strategic hamlet.

2.2.2.3. The policy of the Khanh Hoa Province Party

The policy direction requires the implementation of the Geneve

agreement, against the “Anti-communist policy”, clearing the mountains

of insurgents, “national policy strategic hamlet”, clearing the plain

countryside,... of the Central Party Committee of Interregional Party V

and The Khanh Hoa normative Committee during the leadership of local

people join the political struggle methods.

12

2.3. The content political struggle movement at Khanh Hoa, from

1954 to 1965

2.3.1. Demanding enforcement of Geneva agreements

After the Geneva agreements (21-7-1954), in Khanh Hoa

stimulated the movement of political struggle to reclaim the Saigon

Government enforcement of the agreement, general elections

Consultative Organization combined with the population, demanding

democracy. The movement is represented in many different forms

such as the gunman demanded the implementation of the agreement;

protests against the resistance officer revenge; the activity of the

movement to protect peace Nha Trang; struggling fellow Northern

migration; put the revolutionary cadres into the Saigon administration

at the grassroots Insider to political struggle...

2.3.2. The Anti-communist policy

The 1955-1958 year, the Saigon Government implemented

operation “Anti-communist policy” very violently. However, in

Khanh Hoa, the political struggle still quite constantly, when publicly

when silently. Typical is the struggle of the “labor teams”, “Khanh

Hoa Fatherland Front”, rubber plantation worker in Suoi Dau, Party

branch transplant in Nha Trang prison...

2.3.3. In coordination with the armed forces conducted starting

general uprising in the mountainous forest

In the years 1959-1960, to break the focus of population

policies, minority community in the mountains of Khanh Hoa has

boycotted the ceremony to “eat swear”, political activity by the

Saigon Government organization. Moreover, the support of the

armed forces, the fellow was general uprising area focus of mass

destruction at the Saigon Government, typically the Thach Trai zone.

By the end of 1960, the mountainous region in Khanh Hoa was

freed, the fellow minority after years of being the enemy was forced back

o master, base construction making room stand for resistance forces.

2.3.4. The fight and broke Strategic hamlet

As for the “national policy” strategic hamlet, when the Saigon

Government started construction also is at the Khanh Hoa people

started fighting. Common measures to combat the deteriorating

strategic hamlet is bothering not be implemented; When forced to

hurdle the village then plug the tree farm or hurdle but not clinch...

To cheer the people against break “national policy” strategic

13

hamlet, the propaganda was The Committee of Khanh Hoa steer speeding

through tv, press menu. In particular, the mass movement against the

deteriorating strategic hamlet in Khanh Hoa was implemented effectively

when there is coordination with the armed forces, which broke the

Strategic hamlet in Ninh Phuoc Township (3-1962).

2.3.5. Struggle for beliefs freedom, equality of religion

In the movement for freedom of religion, equality of religions

in 1963, Buddhist Khanh Hoa have responded right from the start (7-

5-1963), fought fiercely until the Saigon Government made “Flood

water Plan”, using violence to suppress and raided the temple , the

leader of the movement (20-8-1963). Then the movement continued

when silently when publicly until the Government of Ngo Dinh Diem

collapse (1-11-1963).

This is a long struggle movement for, the most drastic and

attracted crowded masses involved in the history of political struggle

in Khanh Hoa 1954-1975 period. The movement of the struggle of

the Khanh Hoa Buddhist overcame local limits, an important

contribution to the movement of southern Buddhism in 1963.

2.3.6. Anti-totalitarianism, militarism, demanding freedom and

democracy

Anti-totalitarianism through Can Lao party. Fight against of

the Can Lao party basically has two forms: the first, the struggle to

eliminate the party members Should continue engaging the Saigon

Government following on 1-11-1963; the second form, the struggle

to reclaim the Saigon Government handled the Can Lao party has

many crimes against the people. From 16-8-1964, the struggle

against the dictatorship, the military broke out stronger when Nguyen

Khanh released “Vung Tau of Charter”.

The Anti-political struggle against dictatorship, the military in

1964 helped remove some of the Can Lao Party from the Need of

government incumbent; six Party members ringleader Can Lao-Party

at the Khanh Hoa, before 1-11-1963 being the Saigon Government

investigating and publicizing crimes; at the same time, along with the

struggle of the people of the South to create political pressure forced

the Nguyen Khanh to abandon Prime Minister (25-10-1964).

In Khanh Hoa, May 1-1965, the movement against

dictatorship, demanding freedom, democracy, namely anti Tran Van

Huong continued. This is also one of the strong movement, attracting

14

mass participation. The climax of the movement is the self-

immolation of Dao Thi Yen Phi dated 26-1-1965.

2.3.7. In coordination with the armed forces conducted starting

general uprising in the countryside and plain

The general uprising in rural plain, the focus is on two districts

of Ninh Hoa, Dien Khanh starting on 7-11-1964. To the beginning of

the month of 6-1965, after more than half year struggle by both

political and military, the population of Khanh Hoa were freed was

46 villages with a population of 37,500, turning 32 villages with a

population of 32,400 became the disputed, Hamlet neoplasia system

vulnerable each array , but his arrival was not.

CHAPTER 3

THE KHANH HOA POLITICAL STRUGGLE MOVEMENT

FROM 1965 TO 1975

3.1. The policy of the US, the Saigon Government at Khanh Hoa

and the political struggle policy of the Party, from 1965 to 1975

3.1.1. The policy of the US and Saigon Government at Khanh

Hoa, from 1965 to 1975

3.1.1.1. The military-political

On politics, in late 1965, the Saigon Government in Khanh

Hoa focused policies “pacification”. After the “Tet 1968 events”, the

Saigon Government strengthened security measures altitude, at the

same time promote active recruiting of Islamic separatist civilian

camp, in order to make the people of mutual doubts and divisive.

On the 10-6-1965, the US troops in Khanh Hoa, 7-1965, South

Korean troops mid may also present here. More than a year later (9-

1966), Khanh Hoa has more than 26,000 US troops and South Korea.

On the battlefield of Khanh Hoa, Saigon army troops

continued to increase over time. Since the support of US and allied

forces, strengthen the Saigon army raiding rural areas were liberated

plain end 1964, an attempt to destroy and dislodge the revolutionary

forces out of the province.

3.1.1.2. The socio-economic

On the economy, since the implementation of the strategy of

“local war” (1965), “economic control” plan was the Saigon

Government in Khanh Hoa to deploy more strict, food, especially

those essential items such as rice , salt being tightly controlled.

15

The period 1965-1975, in Khanh Hoa, “reform of local fill”

continue to be promoted. Since 1970, the law “Who had plowed

paddy fields” are implemented, to the extent that helped the Saigon

Government in control of part of the land border between the plain

and the mountains, more or less difficult for the revolution.

About the society, the establishment of the Association was the

Saigon Government tightly controlled, while the crowded gathering

activities such as the Organization of congresses, seminars, preacher,

housewarming, marriage, New Year's Eve,... also be restricted.

Since the U.S. military and allies to garrison, in Khanh Hoa

entertainment services such as bar, dancing,... blooming,

accompanying social ills: prostitution, drugs, smuggling, shill...

3.1.1.3. Culture-Education

About culture, many types of movies, the newspapers incite

violence, sexual is common from rural to urban, American lifestyles

are pushing propaganda. The publication and dissemination of

cultural products and works performed in public to strict censorship.

On education, despite the ever-expanding scale but under the

Saigon Government, the southern education generally, Khanh Hoa in

particular faced many problems, prominence is school discipline

problems decline.

3.1.2. The policy political struggle of the Party, from 1965 to 1975

3.1.2.1. The policy of the Party Central Committee

Starting in 1965, in the context of the US troops directly

involved in the South, the Communist Party continues to appreciate

the role of the political struggle, strong direction to the political

struggle in the municipality and take issue against the US tied to the

primary prevention the military authority Nguyen Van Thieu made

the highest object to campaign, rallying the masses to struggle.

3.1.2.2. The policy of the Interregion Party V

The period 1965-1975, Interregion Party V can be consistency

with the Central Party in advocating political struggle direction.

Through the Conference, the Committee of Interregion Party V had

the specific direction of the force and form political conformity rural

plain areas as well as urban.

3.1.2.3. The policy of the Khanh Hoa Province Party

The policy directs the political struggle of the Central Party

Committee of Interregional and V be The Committee of Khanh Hoa

16

and normative process in the direction of the movement, especially

the movement of the town of Nha Trang.

3.2. The content political struggle movement at Khanh Hoa, from

1965 to 1975

3.2.1. Demanded the establishment of civil government

The opening movement by the workshops of students in high

school Vo Tanh, Secondary School Nha Trang, grow to a peak in the

period from March to June in 1966, then continued through the year

1967 with the opposition struggle 23/67 Act (18-7-1967), against the

election of the President and Vice President of the Republic of

Vietnam (3-9-1967).

Claim founded the civil government (1965-1967) is one of the

political movement of the Khanh Hoa people's war period (1954-

1975). While not as drastic, preteen in Hue and Da Nang, but

compared to many other localities in Central Khanh Hoa, which is

where the movement took place with varied expression forms, rich

measures makes the enemy's rearguard disorder.

3.2.2. Coordination with the armed forces engaged insurgents

General Offensive and Tet 1968

Until 1968, Nha Trang-Khanh Hoa is home to many of the

Saigon Government. So, to conduct of advance and rebellions,

preparation work, is preparing to enter the Armed Forces are a

revolutionary force to deploy quickly and fairly attentive.

When successful, due to the favorable conditions by the drastic

response of the Saigon Government should fight politics also made

only in moderation. Early morning on the first day of Tet, to

demonstrate of 150 rural masses on Dai Dien Trung (Dien Khanh)

pull on the town of Nha Trang and the rally of more than 600 people

Ninh An and Ninh Tho commune, Ninh Hòa town pull in Life are 2

typical struggle in Unveiling Inclusion in the General advance and

Tet 1968 uprising.

3.2.3. Demanded welfare of the people and democratic

The 1969-1972 year, in Khanh Hoa, in political struggle still

maintain quite seamlessly with the participation of various social

components to, Demanded welfare of the people and democratic, is

expressed through movement captured soldiers, against the eviction,

the struggles of Buddhism , workers, and activities of the

Organization Sao Viet. This demonstrates, people in Khanh Hoa, the

17

municipality such as Nha Trang, Cam Ranh increasingly disgusted

the Saigon Government backed by the US and growing political force

is formed in the lair of enemy.

3.2.4. The Paris Agreements implementation requirements

After Paris Agreement (27-1-1973), the Struggle in urban areas,

especially Sao Viet have many activities to reclaim the Saigon

Government enforce such agreement established the Committee

demanded enforcement of the Paris Agreement, the Committee

demanded improved prison The women's Committee, demanding the

right to live locally; invite some key members of the third force and

progressive organizations in Saigon Nha Trang out the propaganda fight.

About the artist written by different expressions have actively

voiced accusations the U.S. invaded Vietnam and condemned the

military Government in Saigon. The Buddhist struggling fiercely

with the self-immolation of Thích Vien Dao monk on 17-10-1973.

3.2.5. Coordination with the armed forces engaged insurgents

General Offensive and spring 1975

The last day of the 3 and 4 month in 1975, enlist the

opportunity advantages of the General advance and rebellions, the

base has proactively implemented numerous activities to stabilize and

master of the town of Nha Trang as propaganda people's stadium, not

evacuating; calling the Saigon soldiers filed weapons; occupied the

location, key agencies; people welcome the army takeover in town;.

The operation of the internal market basis has contributed to the

General advance and revolt in Nha Trang-Khanh Hoa full success.

CHAPTER 4

THE CHARACTERISTICS, FEATURES AND HISTORICAL

SIGNIFICANCE

4.1. Characteristics

4.1.1. National characteristic

In the political struggle in Khanh Hoa 1954-1975 era, National

characteristic is mainly, this stems from people's patriotism and

political meaning of the resistance by the people we proceed under

the leadership of the Communist Party of Vietnam.

The national characteristics show in determining the objective,

audience participation and struggle of the masses.

18

4.1.2. Democratic characteristic and welfare of the people

In Khanh Hoa in the resistance against the Americans, save

water (1954-1975), fight for democracy, especially in the field of

religion, politics has at times become downright movement at large.

Meanwhile, much of the struggle because the welfare of the

people such as demanding wage increases, demanding housing,

reclaim the freedom to do business, work, trade, fishing, till the fields

on the mountain slopes... to achieve very specific results.

4.2. Features

4.2.1. Attract most of the social participation component

During the 21 years of resistance against the United States of

America (1954-1975), the political struggle in Khanh Hoa attract

most of the components of society involved. However, in each

particular struggle movement, have one or a few components to keep

core role.

Looked at holistically, in Khanh Hoa, in the resistance against

the United States of America (1954-1975), the political struggle

taking place Middleweight and most drastic is the 1963-1963 year.

During this period, Buddhists and students is the most components.

Moreover, between the two forces also have the coordination to keep

the legal world for the movement, to mobilize forces to participate

and exert influence struggle.

4.2.2. Form, measures to struggle the rich, flexible and drastic

The people's struggle movement in Khanh Hoa in the

resistance against the United States of America (1954-1975) form, a

rich, diverse measures such as spread the leaflets, hanging slogans,

meeting, manifest, marches, bringing petitions, press release

American cars, burned, occupied the head office, hunger-strike,

petition, to burn oneself to death, ...

The political struggle in Khanh Hoa 1954-1975 period nearly

made all the forms with the most drastic as in Hue and Saigon though

the number, not by scale. Meanwhile, if compared with the other

provinces of Phu Yen, Ninh Thuan, Binh Thuan and Highland areas,

the political struggle in Khanh Hoa to Excel on the computer

drastically.

4.2.3. The to participate actively and coordination with other

localities in the fight

In the 1954-1975 era, Khanh Hoa people's response to most of

19

the major political movements in the other municipalities of the

South. Moreover, in Khanh Hoa also founded a number of similar

organizations in Saigon and Hue.

In the process of political struggle, Khanh Hoa people's

response not only but also proactively contact, coordinate with the

other local. In return, the struggle of the people in Khanh Hoa also

received support from other localities.

4.3. Historical significance

4.3.1. Contribute to raising the level of political understanding

for the people

In Khanh Hoa in the resistance against the US (1954-1975),

the political struggle contributed to help the public see clearly the

true face of the US and the saigon government as well as the main

resistance understand the sense of the people, from which voluntarily

join the fight because the target national independence, unification.

Not only raise awareness, but through the practices of the

movement, the political struggle is also gradually work out the mass

struggle. This is the high level of political enlightenment.

3.2. To make the rear disorderly and decline of power of the

Saigon Government, create conditions for the development of

revolutionary movement During the 21 years under the regime in Saigon, Nha Trang -

the rear rearguard, has repeatedly suffered upsets by the people's

struggle movement.

The political struggle of the Khanh Hoa people have more time

forced to the saigon government troops in mountainous areas and

rural plain to support aims to restore order as well as protect the

municipality such as Nha Trang, Cam Ranh. The political struggle in

the municipality has contributed to ensuring security for the

mountain region and create conditions for revolutionary movements

in the plain countryside development.

4.3.3. Contributing to enrich the lessons learned with regard to

the struggle of national liberation

4.3.3.1. The objective of the struggle are specific and match each stage

In Vietnam war era (1954-1975), the goal of the political

struggle in each phase are determined specifically, fits not only

embodied in The Commission's undertakings but also be clearly

shown in fighting practices.

20

Determining the target particular struggle, fit is an important

aspect of the mass gathering method, contributes to ensure the

victory and reinforce the belief for people. This is the experience can

use in mass mobilization work accomplished goals, social-political

mission on of Khanh Hoa province today.

4.3.3.2. To attach special importance to building the

revolutionary base, the most important force in the political

struggle

In Khanh Hoa during the resistance against the US (1954-

1975), the revolutionary base and a mainstay of political struggle is

the special role factors are crucial to the growth of the revolutionary

movement.

The successes as well as the limitations of the revolutionary

base and a mainstay of political struggle in the period 1954-1975 is

the reference useful experience for the Party, Government and people

of Vietnam in the process of implementing two combat missions

strategy of building the country and defense of the province today.

4.3.3.3. Always holds the views "the revolution is the career of

the masses"

The masses force always plays an important role in the

struggle. However, to complete the revolutionary cause, the masses

must be educated, enlightened and organized. Political struggle in

Khanh Hoa in the resistance against the US (1954-1975) proved the

success or failure of the revolution depends largely on the

implementation lessons " the revolution is the career of the masses "

all in perception and practice. This lesson Khanh Hoa Provincial been

confirmed to direct enormous value not only in the current period

which ever after.

CONCLUSION

1. Due to the advantage of its geographical location and natural

conditions, Khanh Hoa became the geographical strategy compass of

the revolution as well as of the Saigon Government. Along with

natural conditions, socio-economic conditions in Khanh Hoa also

quite peculiar features. Meanwhile, undergo the process of history,

generations of people in Khanh Hoa has cast the traditional

patriotism should hun and revolutionary scale, become powerful

spiritual motivation always with local people during their existence

21

and development. They are the factors that affect the political

struggle in Khanh Hoa during to carry out a war of resistance US,

save the country (1954-1975).

From 1954 to 1975, with policies, measures of military-

political, social-economic, cultural-educational, US and the Saigon

Government gradually built up a solid base of Khanh Hoa power for

implementation of new-colonialism at particular, the Southern

general. The policy of the United States of America and the Saigon

Government through the stages at different level, the one hand for the

revolutionary forces causing difficulty in directing and organizing the

resistance, including the political struggle; on the other hand, this is

an important factor promoting, or rather is the principal cause of the

outbreak of political struggle in Khanh Hoa 1954-1975.

Make the direction of the Party Central Committee and

interregion party V, in each stage of the resistance on the basis of

local practices, The Khanh Hoa Provincial Party Committee has

proactively proposed undertakings, launched the masses join the

political struggle. Look at the overview, policy political struggle

direction 1954-1975 period of The Khanh Hoa Provincial Party

Committee follow plot, action of the US and Saigon Government;

flexibility in determining the goals, measures, forms of struggle to

meet the requirements of the revolution. However, there are times

when it is not really reasonable to cause damage to the revolutionary

movement. With honest and forthright attitude, The Khanh Hoa

Provincial Party Committee has To learn from one's mistakes, fix

defects to lead the people gradually go to the victory. It should be

noted that not all the struggle, mass movement in Khanh Hoa 1954-

1975 period are due to direct Party leaders, that there are times

spontaneous reactions by the people or by the unions and launching

patriotic public organization Although all have in common the goal

was against the US and Saigon Government.

2. During to carry out a war of resistance US, save the country

(1954-1975), in terms of time and movement struggle, Khanh Hoa

people participated in most of the POLITICAL movement in the

South, typical from the movement to break out soon on 21-7-1954

such as movement to fight for the implementation of the Geneva

Agreement (1954-1956), "Anti-communist policy" (1955-1958), ...

until movement broke out on the last stage of the resistance war, such

22

as movement to fight for the implementation of the Paris Agreement

(1973-1974), participate in the general offensive and uprising in

spring 1975.

In terms of space, the political struggle in Khanh Hoa 1954-

1975 period takes place on all three strategic areas. In the Khanh Son

and Khanh Vinh forest and mountain, was the armed forces support,

the political struggle taking place primarily in the general uprising

movement break the focus zone of the 1959-1960 year. In rural plain

of Dien Khanh, Ninh Hòa, Vạn Ninh, Cam Lam, though not really

powerful but political struggles taking place fairly constant, including

the time coordinate effectively with the armed struggle as the years

1961-1963 in the movement against the breaking of hamlet Strategy,

from the end of the year 1964 to early 1965 in Dong Khoi movement.

Meanwhile, in urban areas, especially in Nha Trang, the political

struggle exciting, drastic 1963-1966 phase, then continued steadily in

the years 1967-1972 with the struggles of Buddhism, the student ,

students, workers, trade wastes, soldiers, civil servants and soldiers in

Saigon; in particular, since 1971 to 1975, the movement of the town

but preteen Nha Trang but very effective in educating the masses, set,

build a political force with the role of the Organization's core Stars

and the basis of the internal market. As such, it can be said of the

political struggle in Khanh Hoa in the resistance against the United

States of America (1954-1975) is conducted continuously and take

place on three strategic areas, although the scale, level uneven

between regions, ascending from mountainous to rural to urban. This

is entirely consistent with the policy direction of the political struggle

of the Communist Party of Vietnam.

In terms of scale, in the resistance against the US (1954-1975),

the political struggle in Khanh Hoa to more outstanding than

comparison with the neighboring Phu Yen, South Central region or

Southern Highlands region, . In particular, there is the Khanh Hoa

movement after just a handful of the center of political struggle in the

South as the movement for freedom of religion, equality of religions

in 1963 just after Hue and Saigon, the movement to establish civil

government in 1966 after only Hue, Da Nang and Saigon.

About divergence, Khanh Hoa in the resistance against the US

consists of two stages: 1954-1965 and 1965-1975. Basis to

divergence is based on the change of the enemy's war strategy

23

expressed by the US and the allies of US directly combat troops in

the South generally, Khanh Hoa in particular, 1965. In fact, the

change of America's war strategies have great influence on the

political struggle in Khanh Hoa. If the 1954-1965 period, the political

struggle taking place on all three strategic areas, then to the 1965-

1975 stage, mainly taking place in urban areas. The cause is because

since 1965, thanks to the strong force, the Saigon army along with

American troops and allies strengthen latching, organized marching

sweeps as well as implementing many measures pinchers people

plain countryside and mountain forests Therefore, the political

struggle here in trouble than before. Meanwhile, in urban areas,

especially in Nha Trang, Cam Ranh, Where the US military and

America's allies is concentrated , the ethnic conflicts became directly,

panned more than ever, so the movement still has conditions

maintained through the struggle of Buddhism, students, workers,

civil servants, officers of the Saigon Government, ... to insist the

goal, the match with ethnic objectives, namely against the military

Government in Saigon, opposing the US intervention in Vietnam and

demanded the U.S. must withdraw.

3. During the resistance against the US (1954-1975), the cause

is mainly directed to the political struggle in Vietnam as well as in

the South is just a political struggle and of the Khanh Hoa people is

an integral parts of the political struggle in the South. This is the

basic factor that leads to the nature and characteristics of the political

struggle in Khanh Hoa and the nature and characteristics of the

political struggle in the South is hardly the problem to distinguish.

The important thing is the political struggle in Khanh Hoa 1954-1975

period has demonstrated, additional clarification of the nature,

characteristics which by private local history. That is the nature:

nationalism, democracy and livelihood characteristics: attracts most

of the social participation component; forms, biệp France struggling

rich, flexible, fiercely; positive response and coordinate with other

localities in the struggle.

Continuing the tradition of patriotism and revolution, from

1954 to 1975, the people of Khanh Hoa has been actively involved in

the political struggle and achieve great results, contributing to

improving the capacity to understand political the strata; pulled the

rear and decrease the power of the Saigon government, creating

24

conditions for developing the revolutionary movement; enrich the

lessons learned in the cause of national liberation.

During to carry out a war of resistance US, save the country

(1954-1975), the direction assignment and leadership political of the

Khanh Hoa Provincial Party Committee there are positives and limit

certain death, political struggle alongside the achievements also

include limited. The fact that brought to the lessons of experience as

the target of the struggle are specific and match each stage; attach

importance to build the revolutionary base and a mainstay of political

struggle; always holds the views "the revolution is the career of the

masses".

4. Research on the political struggle in Khanh Hoa 1954-1975

period gives us many useful thing, help realize comprehensive, more

insightful about the struggle, enduring and Khanh Hoa people's

continued with the Saigon Government was US climate conflict on

the enemy's capital. It is the struggle of the people around the battle

does not carry a low-iron in hand but are full of strength and

patriotism. However, the thing to emphasize is, the study of the

political struggle in Khanh Hoa in the resistance against the US, save

country (1954-1975) not only to know more and proud patriotic

tradition, revolution of the homeland that is more important than

traditional variables become jewelry strong, contributing to the

Khanh Hoa province building "a magnanimous past, a present lovely

and a promising future".

LIST OF PUBLISHED RESEARCH WORK

1. Nguyen Trung Trieu (2015), “Khanh Hoa in the 1975 Spring

General Offensive”, The summary record of Scientific conference

“40 years of unification and build, defend the fatherland”, Hue

University College of Education and Defense Education Center Hue

University.

2. Nguyen Trung Trieu (2015), “The political forces in the

town of Nha Trang in the 1975 Spring General Offensive”, in The

Southern urban movement in the struggle against the US (1954-

1975), General Publishing House of Ho Chi Minh City.

3. Nguyen Trung Trieu (2016, co-editor), “60 years Buddha

Hai Duc Nha Trang Institute (1956-2016)”, General Publishing

House of Ho Chi Minh City.

4. Nguyen Trung Trieu (2016), “Hai Duc Buddhist Academy

in Nha Trang with Buddhist movement in South Vietnam in 1963”,

Religious Studies Review, No.07 & 08

5. Nguyen Trung Trieu (2016), “The fighting of young people

and students at Nha Trang with Tran Van Huong, early in 1965”, the

Journal of Youth, No.43.

6. Nguyen Trung Trieu (2017), “The fighting of young people

and students at Nha Trang with Can Lao Party and dictatorship,

1964”, the Journal of Youth, No.1.

7. Nguyen Trung Trieu (2017), “The fighting of young people

and students at Nha Trang with Thieu-Ky, 1966”, the Journal of

Youth, No.11.

8. Nguyen Trung Trieu (2017), “1968 Tet General Offensive

and Uprising at Nha Trang-view from the preparation of the political

forces, the happenings and the limitations of political struggle”, Hue

University Journal of Science, Vol 126, No 6A (2017).

9. Nguyen Trung Trieu (2017), “The Nha Trang municipality

movement in 1966”, Journal of Military History, 307 (7-2017).

10. Nguyen Trung Trieu (2017), “The youth and students

movement in the Nha Trang town, the years 1964-1965”, Journal of

Science and Education, College of Education - Hue University,

No.3 (43).

11. Nguyen Trung Trieu (2017), “The Khanh Hoa Buddhism

movement in 1963”, Journal of Historical Studies, No.10 (498)/2017.

12. Nguyen Trung Trieu (2018), The political struggle in 1968

Tet General Offensive and Uprising at Nha Trang, The summary

record of Scientific conference "1968 Tet General Offensive and

Uprising: History lesson", Hue University.