175
Du khảo Hoa Kỳ Sau thảm hoạ 11 tháng 9 Phạm Việt Long Vào ngày 11 tháng 9 năm 2001, Tổng thống G.W.Bu-sơ tuyên bố: "Ngày hôm nay chúng ta đã trải qua một thảm kịch của dân tộc". CHƯƠNG I. TRÁI ĐẤT NÓNG LÊN Lúc này, Hà Nội đang chuyển mùa. Đã có những đợt gió Đông Bắc se se lạnh. Vậy mà trái đất đang nóng lên. Một sự kiện dữ dội nhất mở đầu thiên niên kỷ mới đã xẩy ra: hai toà nhà thuộc Trung tâm Thương mại Thế giới (WTC) tại thành phố Niu-Yoóc Hoa Kỳ bị hai máy bay đâm thẳng vào, nổ tung, sụp đổ. Vào chính cái đêm 11 tháng 9 năm 2001 ấy, nghe Hưng, cậu con rể, thông báo, tôi không tin được. Bởi tính cậu ta hay bông đùa, và cũng bởi cái tin cậu ta đem lại quá đột ngột. Ai mà tin được rằng một cường quốc như Hoa Kỳ mà lại bị đòn đau đến như thế.

Du khảo hoa kỳ sau thảm họa 11 tháng 9

Embed Size (px)

Citation preview

Du khảo Hoa Kỳ Sau thảm hoạ 11 tháng 9

Phạm Việt Long

Vào ngày 11 tháng 9 năm 2001, Tổng thống G.W.Bu-sơ tuyên bố: "Ngày hôm nay chúng ta đã trải qua một thảm kịch của dân tộc".

CHƯƠNG I. TRÁI ĐẤT NÓNG LÊN

Lúc này, Hà Nội đang chuyển mùa. Đã có những đợt gió Đông Bắc se se lạnh. Vậy mà trái

đất đang nóng lên. Một sự kiện dữ dội nhất mở đầu thiên niên kỷ mới đã xẩy ra: hai toà nhà

thuộc Trung tâm Thương mại Thế giới (WTC) tại thành phố Niu-Yoóc Hoa Kỳ bị hai máy bay đâm

thẳng vào, nổ tung, sụp đổ.

Vào chính cái đêm 11 tháng 9 năm 2001 ấy, nghe Hưng, cậu con rể, thông báo, tôi không

tin được. Bởi tính cậu ta hay bông đùa, và cũng bởi cái tin cậu ta đem lại quá đột ngột. Ai mà tin

được rằng một cường quốc như Hoa Kỳ mà lại bị đòn đau đến như thế.

Tới khi cậu con rể tôi nghiêm mặt nói rằng chính thằng bạn ở tận Đức gọi điện về báo tin

này rồi vội vã xách xe chạy đến khách sạn để xem truyền hình thu qua vệ tinh về thảm hoạ 11

tháng 9, tôi mới tin đó là sự thật.

Ngay sáng hôm sau, trên các mặt báo trong nước, từ trung ương đến địa phương, đã in

nổi bật tin về thảm hoạ nói trên: "Nước Mỹ bị tấn công: 9 giờ sáng giờ Niu-Yoóc, một máy bay

Boeing 767 của hãng hàng không Mỹ American airlines chở 81 hành khách và phi hành đoàn 11

người trên đường bay từ Bô-xtơn đi Lốt-an-giơ-lét (chuyến bay số 11) đã đâm vào toà nhà 110

tầng khu Bắc của Trung tâm Thương mại Thế giới ở Niu-Yoóc. Khoảng 20 phút sau vụ nổ thứ

nhất, một máy bay khác cũng của hãng này từ Oa-sinh-tơn đi Lốt-an-giơ-lét (chuyến bay số 77)

chở 58 hành khách và phi hành đoàn 6 người, đã lại đâm vào khối nhà phía Nam của chính

Trung tâm Thương mại này. Những tin tức đầu tiên cho biết có ít nhất 6 người bị chết, hơn

1.000 người khác bị thương. Sau đó ít phút có một tiếng nổ lớn làm phần lớn của toà nhà chọc

trời này bị sập. Nhiều nguồn tin cho biết hiện chưa thể xác định chính xác số người chết và bị

thương, nhưng tất cả bệnh viện ở Niu-Yoóc đã quá tải. Thảm hoạ xảy ra khi khoảng 40.000

người đang làm việc tại Trung tâm Thương mại Thế giới, nơi mỗi ngày có khoảng 150.000 người

vào mua sắm, giao dịch, kinh doanh và giải trí.

Cũng trong ngày 11 tháng 9, một máy bay thương

mại của hãng hàng không Mỹ United Airlines đã lại đâm

xuống Lầu Năm góc, làm ít nhất 7 người bị thương, khiến

24.000 nhân viên của Lầu Năm góc phải sơ tán khẩn cấp

khỏi nơi làm việc. Các nhân viên Liên hợp quốc cũng được

lệnh sơ tán khỏi trụ sở ở Niu-Yoóc. Những người chứng

kiến cho biết họ nhìn thấy các xe tải bị chất xung quanh

Nhà Trắng và khói bốc lên từ phía nam của dinh Tổng

thống. Trong lúc đó ở khu nhà Quốc hội trên đồi Ca-pi-tơn

cũng xảy ra những vụ nổ. Một vụ đánh bom bằng xe hơi đã

xảy ra trước cổng Bộ Ngoại giao Mỹ.

Tổng thống G.W.Bu-sơ tuyên bố: "Ngày hôm nay

chúng ta đã trải qua một thảm kịch của dân tộc".

CNN bình luận: "Từ thời nội chiến, đến bây giờ nước Mỹ

lại chịu cảnh chiến tranh."

Những ngày tiếp theo, báo chí của chúng ta tiếp tục đưa tin, ảnh về thảm hoạ 11 tháng 9:

Hàng vạn người chết và bị thương. Các hoạt động cứu nạn đang được xúc tiến. Quân đội Mỹ

trong tình trạng báo động cao nhất. Lãnh đạo và nhân dân nhiều quốc gia trên thế giới chia

buồn với Chính phủ và nhân dân Mỹ. Tính đến chiều 12-9, Mỹ vẫn chưa xác định được chính xác

số người chết, tuy nhiên các quan chức Mỹ ước tính số người thương vong có thể rất lớn, riêng

số người chết trong vụ tiến công Lầu Năm góc lên tới 800 người. Số người chết và bị thương tại

Trung tâm Thương mại Thế giới ước tính khoảng mười nghìn người; toàn bộ 266 hành khách và

phi hành đoàn của bốn máy bay bị bắt cóc đều thiệt mạng. Ngoài ra, khoảng 300 nhân viên cứu

hộ, trong đó có 200 lính cứu hoả, 78 cảnh sát Niu-Yoóc đã chết hoặc mất tích. Tổng thống Mỹ

coi cuộc khủng bố là "hành động chiến tranh". Cộng đồng Hồi giáo trên thế giới đang đưa ra

thông điệp chứng tỏ rằng người Hồi giáo không phải là kẻ thù gây ra các cuộc tiến công khủng

bố này, và cho rằng Mỹ nên xem xét lại chính sách đối ngoại của mình. Mỹ nỗ lực giải quyết hậu

quả thảm hoạ ngày 11-9. Giới tình báo và an ninh Mỹ đang bị hoảng loạn. Tổng thống G.W.Bu-

sơ ra lệnh bắn các máy bay dân dụng khả nghi. Mỹ đang "dọn chỗ" cho cuộc tấn công vào Áp-

ga-ni xtan. Mỹ sẽ đánh vào bất kỳ quốc gia nào chứa chấp Bin Lađen . Mỹ đã phát lệnh động

viên 50.000 quân dự bị. Người Mỹ cố gắng trở lại cuộc sống bình thường. Mỹ gia tăng sức ép

quân sự đối với Áp-ga-ni-xtan. Mỹ triển khai chiến dịch "Công lý vô tận" tấn công Áp-ga-ni-

xtan...

Tình hình diễn biến quá nhanh theo chiều hướng căng thẳng. Lúc này, Chính phủ Việt

Nam đã thể hiện thái độ qua phát biểu của người phát ngôn Bộ Ngoại giao, bà Phan Thuý

Thanh: "Chúng tôi cho rằng Hoa Kỳ phải thận trọng, xác định chính xác thủ phạm, và trong hành

động của mình phải tôn trọng Hiến chương Liên hợp quốc, tôn trọng các nguyên tắc cơ bản của

luật pháp quốc tế, tôn trọng chủ quyền quốc gia các nước, không làm phức tạp quan hệ quốc tế

và tránh những hành động gây thiệt hại đến tính mạng và tài sản của thường dân vô tội."

Cũng chính vào thời điểm này, Hoa Kỳ còn gây căng thẳng cho bầu không khí thế giới bởi

đưa ra thông qua cái gọi là "Đạo luật nhân quyền Việt Nam". Dư luận thế giới và trong nước vừa

lên án khủng bố, vừa phản đối Mỹ phát động chiến tranh, đồng thời đòi hỏi Mỹ phải huỷ bỏ cái

đạo luật phi lý về Việt Nam nói trên. Tình hình hết sức phức tạp. Mỹ đã nắm lấy thời cơ để thực

hiện chiến lược của mình, cứng rắn chia thế giới thành hai cực: một cực chống khủng bố, mà

muốn thể hiện tinh thần chống khủng bố của mình thì phải ủng hộ Mỹ, và một cực không ủng

hộ Mỹ, có nghĩa là ủng hộ khủng bố. Tuy vậy, nhân loại vốn yêu chuộng hoà bình, cho nên dù

muốn loại trừ nạn khủng bố khỏi xã hội, mọi người đều yêu cầu Hoa kỳ phải tôn trọng Hiến

chương Liên Hợp quốc và luật pháp quốc tế nếu tiến công trả đũa các cuộc khủng bố.

Mười ngày sau thảm hoạ 11-9 tại Mỹ, báo chí vẫn không ngớt đưa tin về điểm nóng Hoa

Kỳ: Đến ngày 20-9, cơ quan cứu hộ xác định 6.333 người mất tích... Hầu hết người Mỹ đã trở lại

với công việc hàng ngày. Tổng thống Mỹ đã phát biểu ý kiến trước hai viện Quốc hội Mỹ về

thảm hoạ ngày 11-9. Trong bài phát biểu này, ông Bu-sơ tuyên bố sẽ sử dụng "mọi vũ khí cần

thiết" trong chiến dịch toàn cầu chống chủ nghĩa khủng bố và kêu gọi quân đội Mỹ "sẵn sàng

chiến đấu". Cỗ máy chiến tranh của Mỹ đang tăng tốc: Lực lượng quân sự Mỹ ồ ạt đổ vào vùng

vịnh. Mỹ đang tiến hành một cuộc chiến tranh mà không suy tính những hậu quả thảm khốc của

nó. Biểu tình kêu gọi không trả đũa tàn bạo. Mỹ tăng cường áp sát Áp-ga-ni-xtan.

Cách thức tuyên truyền rầm rộ và những lời phát biểu cứng rắn của giới cầm quyền Hoa

Kỳ đã làm cho tâm lý chiến tranh bùng phát ở Mỹ. Theo kết quả thăm dò dư luận của ABC và

báo Bưu điện Oa-sinh-tơn, có 8 trong số 10 người Mỹ được hỏi cho rằng bài phát biểu của ông

Bu-sơ đã làm tăng niềm tin vào khả năng giải quyết cuộc khủng hoảng hiện nay, 9 người ủng hộ

cách giải quyết của ông Bu-sơ và 75% ủng hộ lời kêu gọi của ông phát động cuộc chiến tranh

quy mô rộng lớn chống khủng bố. Các nhà quan sát cho rằng sự cổ vũ của các nghị sĩ và các

phương tiện truyền thông Mỹ giống như "một kịch bản chính trị" nhằm khích lệ binh lính và

thanh niên Mỹ bước vào cuộc chiến. Như để đốt cháy rực lên nữa ngọn lửa hận thù, chính

quyền Mỹ báo động trước nghi ngờ về cuộc khủng bố vòng hai, đồng thời tuyên bố tấn công bất

chấp Liên hợp quốc.

Trong khí đó, ngay giữa lòng nước Mỹ, người Hồi giáo phải sống trong lo sợ bị trả thù.

Hội đồng quan hệ Mỹ - Hồi giáo ở Oa-sinh-tơn đã ghi nhận được hơn 350 vụ đe doạ bạo lực,

phân biệt đối xử, tấn công người Hồi giáo ở Mỹ kể từ khi thảm hoạ xảy ra. Vụ giết hại một

người gốc Ai Cập bán tạp phẩm ở Lốt-An-giơ-lét hôm chủ nhật là sự việc mới nhất trong tâm lý

trả thù người Arập đang xuất hiện ở Mỹ....

Con số người thiệt mạng được báo chí ta công bố theo dự đoán của báo chí Mỹ lúc đầu

có tới khoảng 10.000 đến 20.000 người! Thật là khủng khiếp! Rồi sau đó, số người bị mất tích

được công bố giảm dần... Không hiểu vì lý do gì, mà các nguồn tin phương Tây lại thiếu thận

trọng trong việc công bố số nạn nhân của thảm hoạ đến thế? Để tạo mối quan tâm? Để "giật

gân" câu khách? Hay đơn thuần chỉ là vì sự phỏng đoán lúc đầu chưa thật chính xác? Dù sao,

nói về sự chết chóc cũng cần thận trọng, không nên phóng đại. Tính mạng một con người là cả

một vấn đề lớn lao, huống chi đây lại là con số hàng vạn người!

Đọc báo, tôi giật mình: khốn khổ thay nhân dân Áp-ga-ni-xtan khi đất nước này bị Hoa Kỳ

chọn làm mục tiêu "chống khủng bố"! Một đất nước cùng khổ, đang sống dở chết dở bởi nghèo

đói và bởi chế độ hà khắc dưới quyền cai trị của Ta-li-ban, lẽ ra cần được các nước giầu cứu

giúp, đằng này lại sắp trở thành mục tiêu của bom đạn! Chẳng nhẽ thế giới không động lòng

trước một đất nước bị cô lập và nghèo khổ như Áp-ga-ni-xtan sao? Đó là một trong 4 nước

nghèo nhất thế giới. Đã thế, hạn hán lại hành hạ đất nước này suốt 3 năm ròng, làm cho diện

tích có thể trồng trọt tụt xuống còn bằng 12% diện tích đất canh tác. Người nông dân không có

ruộng đất để gieo trồng, không có việc làm và không có lương thực. Sự nghèo đói, bệnh tật đã

làm cho nhân dân nước này chỉ có tuổi thọ trung bình là 43. Chỉ vì những bệnh thông thường,

cứ 4 trẻ em thì có 1 em chết yểu trong vòng 5 năm đầu tiên của đời người! Rồi đây, khi bom

đạn Mỹ và đồng minh trút xuống Áp-ga-ni-xtan, liệu tuổi thọ trung bình của người dân còn

được bao nhiêu? liệu tỷ lệ tử vong của trẻ em sẽ tăng lên đến mức nào? Tôi giật mình còn bởi

lẽ, tại sao lại có những tờ báo tung hô sự trả thù của Mỹ "khách quan" đến thế! Chính nhờ

những thông tin ấy mà lượng báo chí phát hành tăng vọt, có tờ gấp đôi ngày thường, thậm chí

hơn thế nữa. Người ta còn chụp lại một số bài báo về cuộc chiến sắp xảy ra, thậm chí còn sục

vào In-tơ-nét kiếm thông tin về chiến tranh để "xuất bản xem liền", bán đầy đường phố! Trên

đường phố thành phố Hồ Chí Minh, vào lúc xẩm tối, tôi thấy từng tốp thanh niên nam nữ đứng

tràn trên mặt đường bán tận tay những người ham tin những bài báo, những tờ thông tin về

tình hình Mỹ - Áp-ga-ni-xtan. Tôi chỉ muốn nói to lên để mọi người nghe lời khẩn cầu của mình

là các phương tiện thông tin hãy có trách nhiệm hơn với tính mạng con người, cần thận trọng

trước thảm hoạ của nhân loại!

Mà bây giờ, một cuộc chiến tranh được phát động nhanh quá, đơn giản quá. Ngày xưa,

khi Pháp chuẩn bị xâm lược Việt Nam, chúng phải mất cả thế kỷ thăm dò, nào là truyền giáo,

nào là giao thương... Rồi khi Mỹ muốn xâm lược Việt Nam, chúng cũng phải mất mấy chục năm

"đệm", thay chân Pháp từng bước. Còn bây giờ, vèo một cái, chỉ cần dăm ba ngày cùng vài lời

tuyên bố về sự khủng bố là Mỹ nghiễm nhiên tiến hành ngay một cuộc chiến tranh tuyên bố

hẳn hoi với một quốc gia! Tốc độ của thời hiện đại quả là khủng khiếp! Việc quyết định một chủ

trương lớn như tiến công một quốc gia, Mỹ làm nhanh tới mức chưa kịp có phương án triển

khai (Lầu Năm góc đang bối rối với các phương án tấn công - Báo Nhân Dân, 25-9). Mỹ đã cướp

thời gian, tận dụng sự ngập tràn thông tin đang có lợi để thực hiện âm mưu bá chủ thế giới của

mình. Thế nhưng, Thế giới vẫn nhận biết bản chất sự việc: "Không thể ngăn chặn khủng bố nếu

vẫn còn áp bức", đó là nhận định của Thủ tướng Ma-lai-xi-a Ma-ha-thia Mô-ha-mát. Ông cho

biết Ma-lai-xi-a không muốn các nước vô tội trở thành nạn nhân của cuộc săn lùng khủng bố mà

Mỹ phát động. Ông cho rằng săn lùng khủng bố chỉ bằng vũ khí sẽ không giải quyết được vấn đề

một cách triệt để chừng nào sự tức giận của những người bị áp bức vẫn còn tồn tại. Theo ông,

đã đến lúc cộng đồng quốc tế phải chú ý giải quyết các vấn đề, điều mà khiến người ta không

còn sự lựa chọn nào khác phải tiến hành biện pháp khủng bố. Ông nói: "Chúng ta cần ngăn chặn

sự áp bức đối với nhân dân Pa-lex-tin, Irắc, Tres-xnhi-a và những nơi khác." (Báo Nhân Dân,

25/9).

CHƯƠNG II. HOA KỲ LÀ THẾ

1. Bay về vùng lửa

Như vậy là Niu-Yoóc, một thành phố hiện đại và giầu sang bậc nhất thế giới, đã trở thành

điểm nóng của toàn cầu và ngọn lửa hận thù đang từ đây toả rộng ra, làm cho trái đất nóng lên.

Chính trong không khí oi nồng toàn cầu ấy, theo kế hoạch giữa Bộ Văn hoá Thông tin và quỹ

FORD về khảo sát văn hoá tại Mỹ, chúng tôi lên đường bay về vùng lửa Niu-Yoóc.

Nhiều người hỏi chúng tôi rằng đi vào thời điểm này có ngại "dính" khủng bố không? Đã

thế, lại còn bệnh than với những gói bột mầu trắng đáng sợ nữa! Chúng tôi không lo ngại,

nhưng hơi băn khoăn: các bạn Mỹ đang bận với việc khắc phục thảm hoạ 11 tháng 9 và đang

trong bầu không khí nóng của chiến tranh, liệu có bình tâm làm việc với chúng tôi không? Và rồi

"gió cứ thổi, đoàn người cứ tiến", chúng tôi lên đường.

Mức độ suy giảm của hoạt động hàng không quốc tế sau thảm hoạ 11 tháng 9 tại Mỹ thể

hiện rõ nét dần từ sân bay Nội Bài, qua sân bay Đài Bắc, đến sân bay Niu-Yoóc, với số lượng

khách giảm đáng kể. Chuyến bay CI.012 của Hàng không Việt Nam kết hợp với Hàng không Đài

Loan ít khách tới mức có thể tìm chỗ nằm thoải mái trên các hàng ghế trống trải. Sân bay Đài

Bắc vắng vẻ. Hun hút dọc đường nhà ga chỉ có một tốp khách Việt Nam gồm 10 người cộng với

2 người Hoa. Chúng tôi ngồi rải rác trên các dãy ghế nhựa chờ làm thủ tục để vào khách sạn

nghỉ tạm, mai lại bay tiếp sang Hoa Kỳ. Chuyến bay xuyên đại dương, vượt 12 múi giờ từ Việt

Nam đến Mỹ quả là vất vả. Cũng không hiểu vì lý do gì mà mấy anh chàng an ninh Đài Loan này

làm việc lề mề thế, săm soi cả tiếng đồng hồ trên mấy tấm hộ chiếu, làm cho chúng tôi chỉ còn

biết ngồi ngáp vặt!

Qua mỗi sân bay, càng gần tới Mỹ, chúng tôi càng thấy biện pháp an ninh được xiết chặt

hơn. Tại sân bay Nội Bài, có đôi chút thay đổi qua bóng dáng một thiếu tá công an mặc sắc

phục, đeo súng và cầm máy bộ đàm quan sát ở đoạn tiếp giáp giữa đường ống dẫn khách và

cửa máy bay. Sân bay Đài Bắc nhìn bề ngoài không có dấu hiệu gì đặc biệt. Nhưng khi từ khách

sạn trở lại nhà ga để đi Niu-Yoóc, chúng tôi mới thấy nhân viên an ninh ở đây làm việc cẩn thận

đến mức nào. Đoàn chúng tôi qua cổng kiểm soát. Mọi người qua bình thường, riêng anh Toàn

được mời đứng lại, mở túi xách cho nhân viên an ninh khám. Hoá ra ở trong túi có một con dao

dùng để gọt trái cây. Lập tức, nhân viên an ninh mời anh vào lập biên bản, giữ lại dao và đưa

một tờ giấy biên nhận. Họ cho biết khi qua Niu-Yoóc, anh Toàn sẽ được nhận lại con dao.

Vào lúc 18 giờ, hành khách của chuyến bay Niu-Yoóc đã đông, sân bay báo cho mọi người

phải rời phòng chờ, đi ngược lên trên gác làm lại thủ tục an ninh. Mọi người xếp hàng đôi chờ

đến lượt kiểm tra theo kiểu thủ công. Có lẽ lúc này, các phương tiện hiện đại không được tin

tưởng bằng con người. Nhân viên an ninh kiểm tra khá kỹ, lục vào từng túi xách, thậm chí móc

cả vào túi áo chị Đào vì thấy có vật nhọn - hoá ra đó là cái bút bi. Anh Ngà có con dao cạo râu

cán nhựa cũng bị giữ lại.

Đến sân bay quốc tế Ken-nơ-đi (Niu-Yoóc) vào hồi 19 giờ 30 giờ địa phương. Khách của

chuyến bay này ngoài người Việt chúng tôi và người Hoa, hầu như không có người các châu lục

khác. Nhìn từ trên cao xuống, Niu-Yoóc hiện ra với những ánh đèn nhấp nháy sáng rực cả một

vùng rộng lớn. Nhà ga sân bay quốc tế Ken-nơ-đi rộng nhưng cũng thấp giống như nhiều nhà ga

sân bay khác trên thế giới. Trong cái mênh mông của nhà ga và trong ánh đèn mù mù, đoàn

khách vào nước Mỹ trở nên nhỏ bé lạ lùng. Mọi người xếp hàng theo đường dích dắc của

những rào chắn bằng dây. Các nhân viên Hải quan làm việc cần mẫn và vui vẻ. Một nhân viên

người Mỹ gốc Việt có nước da hồng hào và cái đầu hói gần hết tóc vừa làm thủ tục vừa hỏi

thăm chúng tôi về tình hình Việt Nam. Anh cho biết, đôi ba năm trước đây anh đã về thăm quê

hương và vui mừng thấy cuộc sống tại đó dễ chịu. Anh chúc chúng tôi chuyến viếng thăm vui vẻ.

2. Bề mặt cuộc sống ở Mỹ

Theo kế hoạch, chúng tôi sẽ được các bạn trong quỹ FORD đón tại cửa nhà ga sân bay. Có

4 người ra đón, thì đã thuộc 3 quốc tịch khác nhau: giáo sư Mác-tin Su-lơ-man người Mỹ, anh

Tim Đô-ling, anh Dan J. Mác-tin người Anh và một cô gái người Mỹ gốc Tây Ban Nha có tên là

Ma-ri-sa Lôpơ. Có lẽ đây là biểu hiện đầu tiên trên thực tế tại đất Mỹ cho mọi người thấy rằng

Hoa Kỳ thực sự là một hợp chủng quốc. Đã làm việc nhiều năm ở Việt Nam, có vợ là người Việt,

anh Tim nói thành thạo tiếng Việt. Trong không khí lành lạnh của buổi tối và trong ánh sáng yếu

ớt của những ngọn đèn chiếu từ mấy cái cột tít trên cao, chúng tôi chờ xe tới đón. Ồn ào và náo

nhiệt. Thỉnh thoảng, một chiếc xe cảnh sát lại ào tới, hú còi đinh tai. Mãi không thấy chiếc xe

buýt tới, cô Ma-ri-sa móc điện thoại gọi một lúc rồi trao đổi với anh Tim. Anh Tim thông báo, do

tăng cường an ninh, nhà chức trách không cho xe buýt vào cửa nhà ga đón khách như trước

đây, do vậy chúng tôi phải đi bộ ra vành ngoài. Chúng tôi kéo valy đi ngược con dốc lên đường

lớn. May mà vào cái thời hiện đại này, valy, túi xách đều có bánh xe, cho nên ai nấy khỏi phải lễ

mễ khuân vác, chỉ cần kéo nhẹ nhàng. Tuy vậy, gặp những đoạn đường mấp mô hoặc có bậc,

phải khuân lên đặt xuống, cũng toát mồ hôi. Loanh quanh mất hơn một tiếng đồng hồ mới gặp

xe của Ban Tổ chức. Anh Tim tỏ ra rất băn khoăn, và ngỏ lời xin lỗi về việc này. Xe chạy bon bon

trong không khí đêm không mấy tĩnh lặng. Có một đoạn, xe dừng đột ngột. Ngồi cuối xe, không

rõ điều gì xảy ra, tôi hỏi thì được biết có cảnh sát lên kiểm tra. Nhổm người lên nhìn, trong ánh

đèn xe không sáng lắm, thấy một thiếu nữ mặc cảnh phục, khá trẻ, đẹp. Cô cảnh sát hỏi anh

Tim Đô-ling câu gì đó, lướt nhìn chúng tôi và cười tươi tắn rồi bước xuống xe. Ma -ri-sa cho biết

từ sau thảm hoạ 11 tháng 9, việc kiểm tra dọc đường như vừa rồi là chuyện thường tình. Anh

Tim thông báo ngày mai sẽ đưa chúng tôi đi tham quan Niu-Yoóc, trong đó sẽ đến cả Trung tâm

Thương mại Thế giới. Cô Ma-ri-sa giới thiệu lịch làm việc, căn dặn chúng tôi phải luôn luôn đem

theo giấy tờ, vì hiện nay toàn thành phố thực hiện nghiêm ngặt chế độ kiểm tra an ninh. Ngay

cả trong khách sạn, chỉ những khách nghỉ tại đây mới được vào bên trong, do đó khi muốn lên

thang máy thì phải trình chìa khoá phòng cho nhân viên bảo vệ.

Bạn bố trí cho chúng tôi nghỉ tại khách sạn Minford Plaza, trên đại lộ 8, ngay trung tâm

Man-hát-tan sầm uất nhất của Niu-Yoóc. Đập vào mắt chúng tôi khi xuống xe là bức tượng

tưởng niệm những nạn nhân của thảm hoạ 11 tháng 9. Đó là bức tượng bằng đồng khá to với

hình ảnh một người lính cứu hoả trong tư thế quỳ, đầu cúi vẻ bất lực, nét mặt đau thương. Nơi

đây có những bó hoa, lọ hoa, những tấm ảnh, những ngọn nến của người dân tỏ lòng thương

cảm đối với những nạn nhân.

Chúng tôi được dẫn đi thăm một số khu phố chính và liên tiếp các ngày sau đó được đến

làm việc với trường Đại học Niu-Yoóc, Hội Sân khấu múa, Trung tâm văn hoá Lin-côn, Câu lạc bộ

Sân khấu thể nghiệm, Trung tâm quỹ, Quỹ Tài trợ nghệ thuật Niu-Yoóc, Thư viện công cộng Niu-

Yoóc, Bảo tàng Mỹ thuật Mêtrôpôlitan... và đi thăm thủ đô Oa-sinh-ton. Nhìn bề ngoài, cuộc

sống nói chung không có gì căng thẳng. Người dân Niu-Yoóc, Oa-sinh-tơn vẫn làm ăn, đi dạo,

xếp hàng mua vé xem nghệ thuật, đến thư viện, thăm bảo tàng... bình thường. Thậm chí, hình

ảnh Bin Lađen còn được in vào áo phông để bán thoải mái trên đường phố Oa -sinh-tơn đồng

thời với hình ảnh nhân vật kẻ thù số một của chính quyền Mỹ này nằm trong vòng ngắm được

dán khắp nơi. Ở đâu cũng thấy người ta bầy bán các hình ảnh của hai toà nhà Trung tâm

Thương mại Thế giới dưới hình thức tranh, ảnh, mô hình... như một hoài niệm đau thương

đồng thời cũng như một cơ hội kiếm tiền. Đến rất nhiều nơi, trước khi vào công sở, chúng tôi

đều bị kiểm tra túi xách. Mọi người dân Mỹ khi vào các công trình quan trọng như bảo tàng, thư

viện, toà tháp Empire... cũng đều bị kiểm tra như vậy.

Giáo sư Mác-tin Su-lơ-man là Chủ nhiệm khoa Quản trị kinh doanh trong chương trình

quản lý nghệ thuật của Đại học Binh-ham-tơn. Mặc dù đã 65 tuổi và chân đi hơi khập khễnh,

phải chống ba toong, nhưng ông rất nhiệt tình trong vai trò hướng dẫn viên du lịch. Ông cho

biết đường mà chúng tôi đang đi là phố 42, cách đây 4 - 5 năm là phố đầy tội phạm, như ma

tuý, mại dâm, nhưng từ khi có thị trưởng mới, đã được cải tạo, nhờ thế hiện nay rất lộng lẫy và

có rất nhiều bảo tàng, rạp hát. Có rạp hát mang tên hãng Hàng không Mỹ, vì do chính hãng này

tài trợ. Quỹ FORD cũng tài trợ để xây dựng một Trung tâm FORD, tức là một rạp hát rất tốt.

Chúng tôi thấy có một đoàn người đứng xếp hàng bên kia đường. Giáo sư Mác-tin Su-lơ-man

giải thích đó là những người đang mua vé vào xem nghệ thuật, mua ở đây được giảm một nửa

giá và những người nghèo thường đến xếp hàng mua vé tại đây. Có một rạp hát diễn quanh

năm ngày tháng chỉ một vở kịch Những người khốn khổ mà đã mấy năm nay vẫn có đông người

xem.

Khi đi qua một trụ sở của một đội cứu hoả, chúng tôi thấy có nhiều hoa, ảnh, những

mảnh giấy có chữ viết, nến đang cháy... ở một góc tường. Đó là hình thức tưởng niệm những

người lính cứu hoả bị tử nạn ngày 11 tháng 9 vừa qua. Một anh lính cứu hoả trẻ cho chúng tôi

biết đơn vị anh mất nhiều người, chiếm một phần mười số lính cứu hoả thiệt mạng trong khi

làm nhiệm vụ tại Trung tâm Thương mại Thế giơí.

Chúng tôi đi thăm toà nhà Empire, toà nhà cao nhất nước Mỹ và theo lời nhà chức trách

Mỹ hiện đang bị đe doạ phá huỷ. Chiếc xe chở chúng tôi tìm lối thuận tiện nhất để tới đó. Anh

Đíc, người lái xe, cho biết do tình hình an ninh, mà việc đi lại của xe cộ trở nên vô cùng khó

khăn. Anh than thở rằng đã phải chạy vòng vèo, len lỏi qua nhiều đường phố mới tới đón được

chúng tôi... Tới gần toà nhà Empire thì xe phải dừng lại - để đảm bảo an ninh, người ta không

cho các loại xe tiếp cận toà nhà. Chị Thuỷ, cán bộ Vụ Hợp tác quốc tế, cùng đi trong đoàn, ngạc

nhiên vì so với trước, lượng người vào thăm toà nhà quá ít ỏi. Chị cho biết, trước đây, tại gia n

chờ này người đông tới mức nghẹt thở và muốn lên tới tầng 86 để quan sát Niu-Yoóc, ít nhất

phải xếp hàng 3 giờ đồng hồ, còn bây giờ thì người lưa thưa, chờ lên tham quan chỉ mất chừng

chục phút. Mọi người phải qua khâu kiểm tra kỹ càng chẳng khác nào kiểm tra tại sân bay. Lên

đến tầng 80, khi chuyển cầu thang máy, chúng tôi thấy có một tốp cảnh sát dắt chó lượn lờ

quanh đoàn khách tham quan. Từ tháp cao nhìn xuống, do mù bao phủ, chúng tôi không thấy rõ

khu vực toà nhà Thương mại thế giới, chỉ thấy mấy làn khói vương vấn. Cần nói ngoài lề một

chút là từ hôm tới Niu-Yoóc, quan sát nhà cửa, cách thức làm ăn, tôi thấy rõ người Mỹ rất thực

dụng, tính mục đích rất cao. Có thể thấy rõ điều đó ở mọi nơi, mọi lúc: Nhà cửa rất cao, chọc

trời để tăng diện tích sử dụng, biến cả thành phố thành những thung lũng hẹp thiếu ánh nắng

và rất ít khoảng trống dành cho cây xanh, vườn hoa. Người ta chỉ quan tâm tạo hình khối và

công năng của ngôi nhà chứ ít quan tâm đến đường nét, cũng ít quan tâm đến sự trang trí mặt

tiền. Điều này khác hẳn với lối kiến trúc Châu Âu hay Châu Á. Tôi đã từng thấy ở Đan Mạch, khi

xây lại nhà ở mặt phố, chủ nhà buộc phải lập giàn giáo chằng chống giữ nguyên mặt tiền ngôi

nhà cổ, chỉ được phép thay đổi cấu trúc bên trong toà nhà. Hay ở Pháp, có thể nói mỗi mặt tiền

toà nhà cổ là một tác phẩm điêu khắc tuyệt mỹ. Còn ở đây, thì chủ yếu là các nhà hình hộp cao

lừng lững, có khi lắp kính đen xì, có khi mặt tiền bị che gần hết bởi các loại quảng cáo. Thậm chí,

rất nhiều ngôi nhà được lắp cầu thang sắt cạp bên ngoài tường để người trong nhà thoát hiểm

khi xảy ra sự cố, trông không có chút mỹ quan nào. Đã vậy, người Mỹ lại tính toán kỹ đến nỗi chỉ

làm cầu thang đó lơ lửng đến ngang sàn tầng một, khi cần sử dụng thì kéo xuống, trông cụt

hẫng đến bần tiện !

Khi tham quan xong toà tháp Empire, xuống đường, chúng tôi gặp hai quân nhân mặc

quân phục Mỹ đang quay phim. Họ đạo diễn cho một tốp người đứng trước ống kính đồng

thanh hô "Niu-Yoóc! Niu-Yoóc! Chúng tôi cảm ơn những người đảm bảo an ninh!" Chúng tôi

cảm thấy rằng dù biện phiện pháp an ninh được tiến hành bí mật hay công khai, nhưng hình

bóng của nó vẫn in đậm trong từng đường nét của cuộc sống Niu-Yoóc. Ngày cũng như đêm,

chúng tôi thường xuyên nghe tiếng còi hú của xe cảnh sát, xe cứu hoả hay xe cứu thương. Có

hôm, vào 3 giờ sáng, cả khu trung tâm Man-hát-tan náo động lên trong tiếng còi hú của xe cảnh

sát và tiếng ô tô chạy rầm rập. Chúng tôi mở cửa sổ ngó ra, không rõ vì sao lại huyên náo thế?

Sáng dậy, thấy không khí vẫn bình thường. Hình như các lực lượng an ninh Mỹ thích hú còi,

chạy xe rầm rập để phô trương thanh thế cho nên mới làm cho thành phố này luôn luôn náo

động như vậy. Đường phố Niu-Yoóc trước đây thường bị ùn tắc, thì nay càng dễ ùn tắc bởi lệnh

cấm đường thường xẩy ra một cách đột xuất. Đoàn chúng tôi bị chậm đến nơi làm việc nhiều

lần cũng do cấm đường. Các bạn Mỹ giải thích với chúng tôi rằng cấm đường đột xuất là biện

pháp gây trở ngại cho bọn khủng bố, ngăn chặn việc di chuyển của chúng. Có nhiều khu vực,

mọi người đều phải gửi xe ô tô ở vòng ngoài, chỉ được đi bộ vào mà thôi. Đặc biệt, các khu vực

quan trọng đều bị cấm. Không ai được đến gần khu vực Lầu Năm góc. Cũng do các biện pháp an

ninh quá ngặt nghèo mà người ta đã không cho khách lên đảo để tham quan tượng Nữ thần Tự

do như trước. Ban Tổ chức bù lại bằng cách bố trí chúng tôi đi phà vòng quanh đảo để ngắm

bức tượng nổi tiếng ấy từ xa. Gió thổi lồng lộng khiến chúng tôi ớn lạnh. Sóng nước miên man,

mây xám cuồn cuộn và những cánh chim mòng biển dập dìu trong không trung càng tôn vẻ uy

nghi cuả Nữ thần Tự do và gợi nên cảnh thanh bình... Có lẽ người Mỹ quá cẩn trọng hoặc cố

tình làm ra cẩn trọng để thu hút sự chú ý và "thông cảm" của thế giới, cho nên đã làm cho du

khách mất một chuyến viếng thăm thú vị là chui vào "bụng" Nữ thần Tự do mà xem một bảo

tàng về lịch sử nước Mỹ. Cũng có lẽ do sự tuyên truyền thái quá về nạn khủng bố trên đất Mỹ,

mà lượng người đến thăm Hoa Kỳ giảm hẳn đi. Các bạn Mỹ cho biết sau thảm hoạ 11 tháng 9,

ngành du lịch giảm khoảng 40% lượng du khách. Giáo sư Mác-tin Su-lơ-man nói rằng có rất

nhiều chương trình làm việc giữa người nước ngoài với Mỹ bị huỷ bỏ, nhưng đoàn Việt Nam vẫn

giữ kế hoạch đến Mỹ, khiến các bạn hết sức cảm động, nhiều người, trong đó có cả các nhân

viên an ninh, còn tỏ ra vô cùng kinh ngạc.

Vì chương trình làm việc tại Niu-Yoóc khá dầy đặc, chúng tôi chỉ có thời gian một ngày

thăm thủ đô Oa-sinh-tơn. Xuất phát từ 5 giờ 30 sáng, xe chúng tôi bon bon trên đường cao tốc

rộng và nhẵn với 4 đến 6 làn đường. Phải nói người Mỹ rất biết bảo vệ thiên nhiên của mình,

cho nên dọc đường xe là những cánh rừng nối dài, lá xanh, lá đỏ, lá vàng rực rỡ như bức tranh

sơn dầu khổng lồ. Biết giữ thiên nhiên cho mình nhưng Mỹ không hề quan tâm đến môi trường

chung của cả thế giới. Mỹ là nước chiếm một phần tư lượng khí thải công nghiệp trên toàn thế

giới, nhưng vào đầu năm nay, Tổng thống Busơ đã tuyên bố Mỹ rút khỏi Nghị định thư Ki -ô-tô vì

cho rằng Nghị định này không công bằng và gây thiệt hại cho các nhà sản xuất ở Mỹ. Chẳng qua,

Nghị định này quy định các nước công nghiệp phải giảm lượng khí thải do hoạt động sản xuất

công nghiệp, trong đó giảm khí thải độc hại carbon dioxide xuống mức trung bình 5,2% từ năm

1990 đến năm 2012. Thế là Mỹ tự cho phép mình tha hồ "bĩnh" chất thải độc hại vào không khí,

mặc cho hàng trăm nước khác đang ra sức giảm thiểu sự đầu độc môi trường do sản xuất công

nghiệp gây ra.

Dọc đường xe có những trạm bán xăng cùng với cửa hàng điểm tâm, giải khát. Đi được

gần nửa đường, xe ghé vào một trạm để đổi lái xe. Ở Mỹ, có quy định lái xe chở khách không

được phép chạy liên tục nhiều giờ cho nên có những trạm để lái xe chờ thay ca. Một lái xe đã

cứng tuổi, cao to, xách túi từ trong một căn phòng nhỏ của ngôi nhà trệt đi ra, lên xe, và lái xe

của chúng tôi xách túi, vào thế chỗ ở căn phòng đó. Anh ta sẽ nghỉ ngơi, chờ đến khi xe chúng

tôi quay lại, sẽ lại lái xe về Niu-Yoóc. Xe chạy tới sông Pô-tô-mác, dòng sông êm ả trải rộng

trước mắt khiến tôi nhớ tới hồi Mỹ còn tiến hành chiến tranh xâm lược Việt Nam, có anh Mô-ri-

xơn, công dân nước Mỹ, đã tự thiêu để phản đối cuộc chiến tranh đó, và nhà thơ Tố Hữu của

chúng ta đã có bài thơ về anh với dòng sông Pô-tô-mác này. Ngày nay, Mỹ tiến hành chiến tranh

ở Áp-ga-nit-xtan, lại xuất hiện những người Mỹ yêu hoà bình, phản đối chiến tranh. Trên đường

phố Oa-sinh-tơn, tôi đã nhìn thấy một đoàn người đi bộ căng biểu ngữ đòi Mỹ chấm dứt ném

bom Áp-ga-nitx-tan. Nhìn chung, cảnh sắc Oa-sinh-tơn êm ả hơn Niu-Yoóc: nhà thưa hơn, thấp

hơn, nhiều cây và những khoảng trống, cùng sông, hồ, đỡ huyên náo và ngột ngạt. Có những hồ

nước mênh mông gợn sóng, những bãi cỏ xanh rì, những vườn cây toả bóng mát và những chú

sóc xuống tận bãi cỏ nhảy nhót. Người dân vẫn bình thản đi dạo trên đồi Ca -pi-tơn, thăm khu

tưởng niệm Lin-côn, thăm các bảo tàng, thăm nhà Quốc hội. Chỉ có lực lượng an ninh là làm việc

căng thẳng. Hồi nãy, gần với khu đồi Ca-pi-tơn, tôi thấy hai xe cảnh sát chạy ép một xe dân sự

vào vệ đường, lôi ra hai người đàn ông mặc quần áo đen, còng tay và đẩy ngã dúi xuống bãi cỏ.

Không rõ hai người đó phạm tội gì, hay chỉ là kẻ bị tình nghi?

Dọc các phố, chỗ nào cũng thấy xe cảnh sát và từng tốp cảnh sát trang bị súng ống, máy

bộ đàm làm nhiệm vụ. Đặc biệt khu vực Lầu Năm góc bị phong toả bởi lực lượng quân đội, cảnh

sát, cho nên chúng tôi chỉ được quan sát từ xa, thấy một góc nhà đen xạm. Tại khu vực Nhà

Trắng, lực lượng cảnh sát được bố trí dầy hơn và mọi người chỉ được quan sát Nhà Trắng từ

ngoài rào, không được vào tận nơi như trước đây. Khu vực nhà Quốc hội khá vắng. Nhà Quốc

hội đang đóng cửa do chính quyền Mỹ tuyên bố có bệnh than thâm nhập. Tuy vậy, những người

đến thăm nhà Quốc hội vẫn vào sát toà nhà vãn cảnh và chụp ảnh. Có một tốp nghệ sĩ nào đó

còn dăng máy phóng thanh, hát hò ngay sân trước sảnh nhà Quốc hội. Thế mà qua các phương

tiện tuyên truyền, chính quyền Mỹ đang gây cảm giác cho thế giới là nhân dân Mỹ đang hoảng

loạn trong chiến dịch khủng bố bằng sinh học! Không, bệnh than không hoành hành dữ dội

nước Mỹ như người Mỹ công bố, đó chỉ là lối tuyên truyền khuyếch đại nhằm hướng dư luận

vào nước Mỹ, lo ngại cho nước Mỹ mà quên mất nhân dân Áp-ga-nít-xtan đang xương tan thịt

nát dưới bom đạn của Mỹ. Thử so sánh con số 2 người Mỹ chết vì bệnh than với trên một nghìn

người dân Áp-ga-nitx-tan chết vì bom đạn Mỹ trong cùng một thời gian, con số nào gây khủng

khiếp hơn? Lẽ nào một mạng người Mỹ lại giá trị gấp cả trăm lần mạng người Áp – ga – nix –

tan?

Chúng tôi đến thăm khu tưởng niệm lính Mỹ chết ở Việt Nam và ở Triều Tiên. Tới tận

ngày hôm nay, tôi vẫn thấy nhiều người Mỹ đến dò tìm những dòng tên trên bảng đá ghi danh

lính Mỹ tử trận tại Việt Nam, trong đó có một phụ nữ luống tuổi chăm chú áp mảnh giấy trên

một hàng chữ và chà bút chì để in lại tên một lính Mỹ nào đó. Xong việc, bà ngồi xuống, nâng

niu mảnh giấy, mắt rưng rưng lệ. Không hiểu người chết được ghi tên trên bảng đá lạnh lùng kia

có quan hệ gì với bà và tại sao bây giờ bà mới tới thăm viếng anh ta được? Chính quyền Mỹ có

biết rằng, trong lúc tiến hành chiến tranh xâm lược, gieo đau thương tang tóc cho các dân tộc

khác, thì đồng thời cũng là gieo đau thương, tang tóc cho chính nhân dân nước mình?

3. Thăm một số cơ sở văn hoá

Người Mỹ vẫn tự hào nói rằng Niu-Yoóc là trung tâm văn hoá thế giới. Tại Niu-Yoóc có rất

nhiều công trình văn hoá tiêu biểu, nhiều cơ sở văn hoá lớn, nổi tiếng thế giới, như Trung tâm

Văn hoá Lin-Côn, Bảo tàng mỹ thuật Mêtrôpôlitan, Thư viện công cộng Niu-Yoóc, dàn nhạc giao

hưởng Niu-Yoóc, trường đại học Niu-Yoóc... Đi thăm các cơ sở văn hoá này, có thể thấy một

phần chiều sâu văn hoá Mỹ và các phương thức hoạt động văn hoá mang tính năng động, có

hiệu quả của người Mỹ.

Trường đại học Niu-Yoóc

Nơi chúng tôi đến làm việc đầu tiên và nhiều lần là Trường đại học Niu-Yoóc. Cũng như

hầu hết các trường học, trụ sở ở Niu-Yoóc, Trường đại học Niu-Yoóc nằm trong một khối nhà

lớn nhiều tầng. Khách vào làm việc với trường đều được đăng ký trước và được làm thủ tục

nhanh chóng khi qua bộ phận an ninh. Căn phòng mà các bạn Mỹ tiếp chúng tôi có kiến trúc dở

cổ dở kim, không có chút gợi cảm thẩm mỹ nào. Nhưng những chủ nhân của nó thì lại tạo ấn

tượng tốt đẹp cho chúng tôi từ đầu. Cùng với các bạn ở quỹ FORD, trường cử hai nữ giáo sư

tiếp chúng tôi, đó là giáo sư Branwi và giáo sư Sandra Lang.

Giáo sư Mác-tin Su-lơ-man, chủ nhiệm khoa Quản trị kinh doanh, trình bầy về vấn đề

quản lý nghệ thuật, về các tổ chức tài trợ cho văn hoá tại Niu-Yoóc, chương trình làm việc của

đoàn tại Niu-Yoóc và cho biết tất cả các nơi mà đoàn đến tham quan, làm việc đều chờ đón

đoàn với tình bạn, với lòng mong muốn hợp tác, mở rộng quan hệ trên phạm vi toàn cầu. Giáo

sư nhấn mạnh rằng chúng tôi chỉ nên tham khảo những kinh nghiệm hoạt động về văn hoá tại

Niu-Yoóc chứ không nên áp dụng máy móc vào công việc của mình, bởi vì sáng kiến đầu tiên là

lấy được một ý tưởng chứ không phải là làm theo những kinh nghiệm .

Tôi quan tâm nhiều đến trường đại học Niu-Yoóc ở chỗ trường có những chương trình về

quản lý nghệ thuật ở cả bậc đại học và trên đại học với 3 bộ môn: Quản lý nghệ thuật biểu diễn,

Quản lý mỹ thuật, Quản lý âm nhạc. Mô hình về đào tạo cán bộ quản lý văn hoá nghệ thuật như

vậy từ bậc đại học trở lên, ở Việt Nam chưa có. Tài liệu của Quỹ FORD giới thiệu về trường đại

học Niu-Yoóc như sau:

"Từ năm 1978, chuơng trình Quản lý Mỹ thuật bắt đầu tồn tại như một thực thể riêng

biệt và là chương trình đầu tiên của Hoa Kỳ tập trung đặc biệt vào những cơ hội trong mỹ thuật,

trong cũng như ngoài phạm vi của bảo tàng mỹ thuật và phòng triển lãm. Nhận thức rõ những

ảnh hưởng văn hoá và kinh tế của mỹ thuật đối với xã hội ở tầm quốc gia và quốc tế, chương

trình này đào tạo ra các nhà quản lý có khả năng điều chỉnh để phù hợp với những đòi hỏi luôn

thay đổi trong lĩnh vực này. Các bảo tàng mỹ thuật và phòng triển lãm ngày nay giới thiệu

những ý tưởng về các trách nhiệm giáo dục và trách nhiệm xã hội. Sự tham gia của các tổ chức

mỹ thuật gắn với các hoạt động thu thập các giá trị truyền thống và tài trợ triển lãm cũng như

các chương trình sáng tạo nghệ thuật trong và ngoài cơ cấu tổ chức. Các triển lãm mỹ thuật, các

nhà bán đấu giá và các chuyên gia tư vấn độc lập cũng có ảnh huởng ngày càng nhiều đến mỹ

thuật. Khi các đơn vị và các công ty tìm đến mỹ thuật để tập trung vào các mục đích và nguyện

vọng của cộng đồng thì việc quản lý mỹ thuật trở thành một sức mạnh giáo dục trong xã hội,

giúp hình thành những giá trị văn hoá. Chương trình nhấn mạnh sự cân bằng giữa sự hiểu biết

một cách toàn diện về mỹ thuật, những ý tưởng và những lực lượng có thể làm ảnh hưởng đến

chúng, và phát triển quản lý một cách sắc bén, các kỹ năng tiếp thị và tài chính. Việc nghiên cứu

sâu hơn về các phương tiện truyền thống luôn được kết hợp với việc xem xét đến các phương

tiện và công nghệ mới có thể đưa các tổ chức mỹ thuật tiến vào thế kỷ 21. Chương trình cũng

coi trọng sự kết hợp chặt chẽ giữa lý thuyết với thực hành. Chương trình quản lý mỹ thuật

trước hết hướng sinh viên tới phần phi lợi nhuận trong lĩnh vực mỹ thuật. Đối với những ai

quan tâm đến thị phần mang tính thương mại, chương trình cũng cung cấp phần học tập trung

vào thương mại. Kể từ năm 1990, chương trình đổi mới đầu tiên đã được cơ cấu lại và tập trung

giảng dạy cho sinh viên những kiến thức cần thiết để có thể cạnh tranh trong một thị trường vì

lợi nhuận, phù hợp với những người môi giới, những giám đốc triển lãm mỹ thuật, các nhà tư

vấn, và các tổ chức bán đấu giá.

Cũng từ năm 1978, tồn tại với tư cách một chương trình riêng biệt, chương trình quản lý

nghệ thuật biểu diễn đào tạo những người đang và sẽ làm công tác quản lý của các tổ chức

nghệ thuật biểu diễn tại Hoa Kỳ và nước ngoài. Chương trình bao gồm các khoá học, những đề

án đặc biệt được xây dựng cho quản lý nghệ thuật, trong các lĩnh vực quản lý nghệ thuật, phát

triển nghệ thuật, tiếp thị nghệ thuật biểu diễn, luật và nghệ thuật, thống kê, các khoá học về thị

trường, thương mại, về kinh tế, kế toán, khoa học hành vi và tiếp thị. Nhà trường còn tổ chức

cho sinh viên đang theo học chương trình thạc sĩ tham gia những hội thảo định kỳ nhằm nâng

cao kỹ năng về quản lý nghệ thuật. Một phần bắt buộc của chương trình học tập là đi thực tập

với những nhà quản lý nghệ thuật hàng đầu. Trong những năm gần đây, với những khoản tiền

lương không đáng kể, sinh viên được đi thực tập dưới sự hướng dẫn của các giám đốc của

nhiều đơn vị nghệ thuật nổi tiếng như Carnegie Han, Liên hoan Xếch-xpia, Nhạc Viện Brôkin,

Câu lạc bộ sân khấu Man-hát-tan và Tổ chức Quốc gia trợ vốn cho Nghệ thuật. Thêm vào đó,

những giảng viên thỉnh giảng và những người có năng lực trong lĩnh vực này thường xuyên đến

nói chuyện tại các diễn đàn do trường tổ chức".

Các giáo sư của trường đại học Niu-Yoóc còn giới thiệu với chúng tôi sự phối hợp của nhà

trường với các cơ sở đào tạo khác để đào tạo những nhà quản lý nghệ thuật và nhấn mạnh

rằng, người Mỹ coi quản lý nghệ thuật cũng là một nghề, cần được đào tạo cơ bản, không

những vậy, còn phải được đào tạo ở trình độ cao. Chương trình Thạc sĩ về quản lý nghệ thuật

được xây dựng từ sự kết hợp những lĩnh vực mạnh nhất của trường Đại học Car-ni-giơ Melơn,

Đại học Mỹ thuật (CFA) và trường Chính sách và Quản lý Nhà nước. Chương trình này giúp cho

sinh viên quen với môi trường hoạt động thực tế của các tổ chức nghệ thuật. Chương trình này

được thành lập trên cơ sở niềm tin rằng tất cả các chức năng quản lý hành chính được sử dụng

để phục vụ cho lý do tồn tại của các tổ chức nghệ thuật. Chương trình này cũng nhấn mạnh đến

việc cần thiết luôn phải tập trung vào đào tạo để đáp ứng được nhiệm vụ và nhu cầu của các

nghệ sĩ. Và bởi vì các nhà quản lý phải là những người toàn diện, chương trình có tính chuyên

môn và phân tích cao, rất cần thiết cho các vị trí lãnh đạo trong cộng đồng và các tổ chức không

nhằm mục đích lợi nhuận. Chương trình đào tạo Thạc sĩ về quản lý Nghệ thuật rất linh hoạt, cho

phép sinh viên tập trung vào những lĩnh vực đặc biệt mà mình yêu thích thông qua các môn học

bắt buộc hoặc không bắt buộc, các chương trình thực tập nội trú và các chương trình hỗ trợ.

Toàn bộ chương trình giáo dục quản lý nghệ thuật đều được rút ra từ kinh nghiệm thực tế. Các

bài tập tình huống, dựa trên những vấn đề mà các tổ chức nghệ thuật tranh cãi nhiều, được sử

dụng làm cơ sở cho việc phân tích và thảo luận trong lớp học. Giữa năm thứ nhất và năm thứ

hai, các sinh viên phải hoàn thành đợt thực tập mùa hè của mình, cho phép họ ứng dụng những

kỹ năng quản lý được học trong năm thứ nhất. Trong năm thứ hai, nhiều sinh viên ngoài việc

học tập trên lớp còn tham gia chương trình hỗ trợ trong lĩnh vực mà họ đã chọn là nghề nghiệp

tương lai của mình. Các sinh viên sau khi tốt nghiệp được trang bị cách quyết định và tìm những

giải pháp đảm bảo cho họ có thể đương đầu với những thách thức và nắm bắt cơ hội để nhanh

chóng thành công và thăng tiến trong công việc. Đối với những người đã có kinh nghiệm làm

việc trước đó, chương trình thạc sĩ quản lý nghệ thuật chuẩn bị cho họ có thể đạt được một

chức vụ quản lý cao hơn trong nghệ thuật. Dù là học sinh chưa bao gìơ đi làm hay đã có kinh

nghiệm làm việc rồi, thì mọi sinh viên khi tham gia chương trình đào tạo này đều trông đợi có

được những kinh nghiệm đầy thử thách nhưng cũng rất quý báu, sẽ cho phép họ trong tương

lai tham gia vào việc hình thành cộng đồng nghệ thuật của ngày mai. Chỉ có một cơ sở, nhưng

chương trình này vẫn được cả nước biết đến và liên hệ thông qua các buổi hội thảo và nhờ vào

Uỷ ban Cố vấn những nhà quản lý nghệ thuật hàng đầu trong cả nước. Hơn nữa, các giảng viên

của chương trình này còn phục vụ cho các hội đồng và các ban của khu vực, quốc gia và quốc tế,

bao gồm Hội đồng Nghệ thuật Quốc gia, Hiệp hội những nhà quản lý nghệ thuật và văn hoá

quốc tế, Hội đồng Nghệ thuật Penxilvania. Các giảng viên thỉnh giảng từ khắp nơi trên cả nước

cũng bổ sung thường xuyên cho chương trình giảng dạy. Những liên lạc dặc biệt của trường Đại

học Mỹ thuật với các ngành nghệ thuật cung cấp cho sinh viên thạc sĩ quản lý nghệ thuật cơ hội

tham gia nhiều hơn vào hoạt động nghệ thuật trong nước và quốc tế. Chương trình này còn

phục vụ như một mạng thông tin vô giá cho sinh viên tìm kiếm những chương trình thực tập nội

trú, việc làm ổn định và cố vấn cho sinh viên.

Tôi nhận thấy việc đào tạo những nhà quản lý nghệ thuật là một điều mới mẻ đối với

nước ta. Chúng ta chưa thực sự quan tâm đào tạo ra những nhà quản lý mà mới quan tâm đạo

tạo ra những người làm nghề chuyên môn trong văn hoá nghệ thuật, hoặc những nhà chính trị.

Các khoá học bắt buộc của trường đại học Mỹ thuật có những nội dung tối cần thiết cho người

quản lý nghệ thuật mà chúng ta cần tham khảo gồm: Những nguyên tắc của quản lý nghệ thuật,

Tiếp thị nghệ thuật, Gây quỹ cho các nhà quản lý nghệ thuật, Quản lý nguồn nhân lực cho nghệ

thuật, Luật và nghệ thuật, Quản lý nghệ thuật biểu diễn hoặc quản lý Mỹ thuật, Phân tích kinh

tế ứng dụng, Các phương pháp rút ra từ thực tế về chính sách và quản lý nhà nước, Phân tích

tài chính, Hệ thống thông tin quản lý, Quản lý trong một xã hội đa văn hoá, Kỹ năng nói chuyện

chuyên nghiệp, Kỹ năng viết chuyên nghiệp, Tổng hợp hệ thống. Bên cạnh đó, còn có các khoá

học không bắt buộc nhưng lại được các sinh viên hay chọn: Nghệ thuật trong xã hội, Ngân sách

và điều hành quản lý, Khoa học quản lý, Marketing, Đa truyền thông, Thương thảo, Chính sách

và Chính trị, Các hội thảo trong thực hành chuyên nghiệp... Chỉ điểm qua đầu mục những môn

học, cũng thấy đây là một biển kiến thức và phương pháp mênh mông còn khá xa vời với việc

đào tạo cán bộ văn hoá ở nước ta.

Qua giới thiệu của các giáo sư đại học Niu-Yoóc, chúng tôi được biết đến một tổ chức khá

đặc biệt của Mỹ, đó là Hiệp hội các nhà giáo dục quản trị nghệ thuật (AAAE), một tổ chức quốc

tế hoạt động không vì lợi nhuận ở Mỹ. Nhiệm vụ của Hiệp hội là tổ chức các chương trình đào

tạo cao đẳng, đại học và sau đại học về quản trị nghệ thuật, bao gồm đào tạo quản lý mỹ thuật,

nghệ thuật biểu diễn, văn học, báo chí, và quản lý các tổ chức dịch vụ văn hóa nghệ thuật. Ra

đời năm 1975, Hiệp hội được thành lập để cung cấp một diễn đàn thông tin giữa các thành viên

và để hỗ trợ cho việc đào tạo chính thức và các tiêu chuẩn giáo đục cao cho các nhà quản lý

nghệ thuật. Hơn thế, Hiệp hội còn khuyến khích các thành viên theo đuổi, xuất bản, tiến hành

và công bố các nghiên cứu về quản lý và quản trị nghệ thuật nhằm tăng cường hiểu biết về các

vấn đề quản lý nghệ thuật trong các lĩnh vực học tập và công tác. Việc công nhận quản lý nghệ

thuật cũng là một nghề đang là một xu hướng phát triển trong thời gian gần đây. Hiệp hội tin

rằng giáo đục bậc cao vẫn là cách thức đúng đắn để đáp ứng được những đòi hỏi này cũng như

những yêu cầu hiện tại và trong tương lai của nghệ thuật. Các đơn vị nghệ thuật có thể tham gia

vào Hiệp hội với các chương trình đào tạo đại học về quản trị nghệ thuật. Các đơn vị quan tâm

đến việc tổ chức các chương trình tương tự như vậy, cá nhân vì lí do nghề nghiệp, sở thích, lý

tưởng hoặc những lý do khác nếu có mong muốn cũng có thể tham gia liên kết với Hiệp hội và

chia sẻ công việc của tổ chức này. Hiệp hội tổ chức hội nghị thường niên cho các thành viên,

sinh viên, các nhà quản lý nghệ thuật, và bất cứ ai quan tâm đến việc phát triển của lĩnh vực

này. Hội nghị năm 2001 được tổ chức ở Brisbane, Úc. Cuốn Hướng dẫn đào tạo và nghiên cứu

quản trị nghệ thuật của Hiệp hội được xuất bản nhằm kết nối sinh viên giỏi có quan tâm đến

nghề quản lý nghệ thuật và các tổ chức nghệ thuật với nhau. Hiệp hội các nhà giáo dục quản trị

nghệ thuật được điều hành bởi một ban giám đốc bao gồm các trưởng bộ môn là thành viên

đầy đủ hoặc những người do họ chỉ định, hoạt động theo điều luật đã quy định. Ban điều hành

này sẽ được bầu vào cuộc họp thường niên theo biểu quyết đa số của các thành viên đầy đủ.

Các cán bộ do Ban giám đốc cử ra.

Trung tâm quỹ

Tiếp chúng tôi tại Trung tâm quỹ là một người đàn ông xương xương, đeo kính cận, vẻ

hoạt bát. Đó là thủ thư cao cấp Bruc-Gum. Nhanh chóng vào việc, anh bật máy vi tính, truy cập

mạng và hướng dẫn chúng tôi về website của Trung tâm đang hiện trên màn hình lớn phía

trước chúng tôi. Trang web này giới thiệu chi tiết về Trung tâm, hoạt động của nó và về những

quỹ hỗ trợ nghệ thuật. Trung tâm Quỹ là một tổ chức dịch vụ quốc gia độc lập được thành lập

bởi các quỹ vào năm 1956. Theo tài liệu của Quỹ FORD thì đây là tổ chức hàng đầu ở Mỹ về tài

trợ của các tổ chức và chuyên phục vụ cho những người tìm kiếm tài trợ, những nhà tài trợ , nhà

nghiên cứu, các nhà hoạch định chính sách, giới truyền thông và công chúng. Nhiệm vụ của

Trung tâm Quỹ là hỗ trợ và đẩy mạnh hoạt động hảo tâm của các tổ chức thông qua quỹ, việc

nâng cao hiểu biết của công chúng về lĩnh vực này và giúp đỡ những người tìm kiếm tài trợ

thành công. Để làm được điều này, Trung tâm thu thập, tổ chức và truyền bá thông tin về hoạt

động tài trợ ở Mỹ; tiến hành và hỗ trợ công tác nghiên cứu về các xu hướng phát triển trong

lĩnh vực này; cung cấp giáo dục đào tạo về quá trình tìm kiếm tài trợ, và giúp công chúng có thể

tiếp cận với thông tin và dịch vụ qua trang Web của Trung tâm, thông qua các ấn phẩm, thông

qua 5 thư viện hoặc trung tâm học tập, và thông qua một mạng lưới các sưu tập hợp tác trên

toàn quốc. Một trong những nhiệm vụ của Trung tâm là cung cấp thông tin và những tham khảo

chuyên môn cho công chúng tại 5 thư viện của Trung tâm Nghệ thuật với hơn 200 tổ chức khác

trên cả nước.

Ngay bên cạnh phòng mà chúng tôi ngồi nghe thuyết trình là một thư viện của Trung

tâm. Phòng đọc của thư viện này trang bị khoảng hai chục máy vi tính có kết nối mạng. Chúng

tôi thấy máy nào cũng có người ngồi tra cứu thông tin. Giống như 4 thư viện khác của Trung

tâm, phòng đọc này mở cửa miễn phí, cho phép độc giả truy cập vào một bộ sưu tập độc đáo

các tài liệu về các hoạt động hảo tâm. Các thủ thư với khả năng chuyên môn cao luôn có mặt để

giúp người sử dụng biết cách nghiên cứu về công tác tài trợ thông qua các ấn phầm của Trung

tâm và các nguồn thông tin in và điện tử khác, bao gồm những mẫu đơn xin tài trợ, sách và

những xuất bản định kỳ về quản lý tài trợ từ thiện và phi lợi nhuận, báo cáo hàng năm của quỹ

và báo cáo về việc tài trợ của các công ty, các website và các tài liệu khác tập trung vào hoạt

động từ thiện.

Trung tâm Quỹ cung cấp các chương trình đào tạo miễn phí hoặc chỉ phải chịu chi phí cơ

bản về nghiên cứu tài trợ, giới thiệu cho các nhà tài trợ và các khoản tài trợ của họ và các chủ

đề có liên quan ở cả 5 văn phòng của Trung tâm cũng như ở các địa điểm khác, bao gồm: Cơ sở

để tìm kiếm tài trợ, một tài liệu miễn phí ra hàng tuần về quá trình nghiên cứu tài trợ dành cho

các tổ chức phi lợi nhuận; các chương trình miễn phí về tài trợ của các công ty, cách sử dụng

hữu hiệu các nguồn thông tin trên mạng, giới thiệu cách tra cứu nhanh thông tin, cách viết thư

xin tài trợ, tìm kiếm tài trợ dành cho cá nhân, danh sách các nhà tài trợ, phim về việc gây quỹ.

v.v.

Trung tâm Quỹ xuất bản Niên giám các Quỹ - một tài liệu tham khảo kinh điển dành cho

những người tìm kiếm tài trợ, hiện đã có trên CD-ROM, trên mạng và sách in, cùng với khoảng

50 niên giám, hướng dẫn và báo cáo khác.

Khả năng chuyển tải thông tin của trang web do trung tâm điều khiển làm cho tôi thật sự

khâm phục. Được cập nhật và được mở rộng hàng ngày, trang web của Trung tâm Quỹ

(http://www.fdncenter.org) nhấn mạnh và phân tích các xu huớng tài trợ gần nhất, cung cấp

danh sách các nhà tài trợ hàng đầu, thông tin về các chương trình đào tạo do Trung tâm tài trợ

và các hội thảo, cung cấp khả năng truy cập dễ dàng vào một loạt các nguồn gây quỹ trên mạng,

bao gồm: Điểm tin từ thiện - một dịch vụ thông tin hàng tuần với các bài viết liên quan đến từ

thiện; Niên giám trên mạng của trung tâm - một dữ liệu đáng tìm kiếm về 10.000 Quỹ lớn nhất

ở Mỹ; nối mạng với hàng trăm trang web của các nhà tài trợ và các trang web của các tổ chức

phi lợi nhuận khác.

Trung tâm Quỹ còn cung cấp thư viện ảo trên mạng (http://www.fdncenter.org/onlib/)

mà ai cũng có thể truy cập chỉ với một máy vi tính có nối mạng lnternet. Các ứng dụng trên thư

viện ảo này bao gồm: Trả lời ngay những câu hỏi bằng E-mail, Công cụ tìm kiếm Quỹ (một công

cụ tra cứu miễn phí với thông tin cơ bản về 50.000 nhà tài trợ Mỹ), các khoá học ngắn hạn về

viết thư xin tài trợ, giới thiệu về quá trình tìm kiếm tài trợ, Tài liệu trên mạng về khu vực phi lợi

nhuận (một dữ liệu với nhiều thư mục về 18.000 đoạn trích dẫn, có nhiều bản tóm tắt), và Kệ

sách trên mạng (một phiên bản tóm tắt của những chuyên khảo quan trọng của Trung tâm về

gây quỹ và quản lý phi lợi nhuận).

Trong khi giới thiệu về các ấn phẩm và website của Trung tâm, viên thủ thư cao cấp này

nhắc đi nhắc lại là các CD-ROM do Trung tâm xuất bản và phát hành có giá rất đắt, chỉ những

trường học hoặc các cơ quan lớn cần sử dụng cho nhiều người khai thác mới mua, còn những

người khác nên truy cập những thông tin có trong CD-ROM này qua mạng ở 1 trong 200 điểm

truy cập miễn phí được bố trí trên nhiều địa điểm thuộc nước Mỹ. Thấy cách thức tổ chức

thông tin trên CD-ROM này quá hay, tôi định mua một đĩa về cho anh em kỹ sư tin học của cơ

quan tôi tham khảo, thì thủ thư cao cấp nhắc lại rằng giá nó rất cao, và muốn mua thì cần đến

nơi bán - đó là một quầy nhỏ nằm trong thư viện ở ngay gian nhà bên cạnh. Nghĩ rằng một CD-

ROM đắt lắm cũng vài ba trăm USD là cùng, khi tham quan thư viện, tôi tạt vào quầy bán ấn

phẩm, và giật mình trước biển giá CD-ROM: 1.150 USD/1 đĩa! Giá truy cập mạng để khai thác

thông tin này cũng không phải rẻ: 150 USD một tháng! Như thế, phát hành CD-ROM và tổ chức

dịch vụ cung cấp thông tin trên mạng cũng là một nguồn thu không nhỏ của Trung tâm. Và như

thế, nội dung thông tin trên mạng được "bán" với giá rất cao, trong khi đó tiền chi cho việc truy

nhập mạng lại rất thấp. Điều đó trái ngược với thực trạng In-tơ-nét ở nước ta: các nhà cung cấp

thông tin (ICP) không những không thu được tiền mà còn phải nộp tiền thuê đường truyền, và

bao nhiêu lợi lộc thu được từ việc truy cập mạng khai thác thông tin đều đổ dồn vào ngành Bưu

điện! Có điều đáng chú ý là các khoản thu này cũng như những lợi tức thu được qua các dịch vụ

khác như bán hàng lưu niệm, bán đồ ăn uống mà Trung tâm quỹ cũng như các tổ chức văn hoá

khác thực hiện, đều được miễn thuế.

Tôi cũng rất ngạc nhiên khi biết rằng để tiến hành hàng loạt những công việc như trên,

Trung tâm quỹ chỉ có 5 người!

Quỹ Nghệ thuật Niu-Yoóc (NVFA)

Nằm ở tầng 14, số nhà 155 Đại lộ Châu Mỹ, Quỹ Nghệ thuật Niu-Yoóc có những phòng

làm việc không rộng rãi lắm. Đón tiếp chúng tôi là ông Thaođơ S. Bơ-gơ, Giám đốc điều hành

của Quỹ. Ông giới thiệu với chúng tôi rất chi tiết về quỹ, đồng thời có những lời tâm sự rất chân

tình.

Theo tài liệu của Quỹ FORD và của ông Giám đốc, Quỹ Nghệ thuật Niu-Yoóc được thành

lập năm 1971 bởi Hội đồng Nghệ thuật Bang Niu-Yoóc như một tổ chức độc lập nhằm hỗ trợ sự

phát triển của các hoạt động nghệ thuật trên toàn bang. Từ đầu, quỹ đã hoạt động như một tổ

chức phát triển sáng tạo, là chất xúc tác, cổ xuý và là lò phát triển chương trình và tài chính

trong nghệ thuật. Ngày nay, nó phục vụ cho các nghệ sĩ độc lập, khuyến khích sự tự do phát

triển và sáng tạo của họ, cũng như tạo cơ hội cho công chúng được thưởng thức và am hiểu về

nghệ thuật. Quỹ Nghệ thuật Niu-Yoóc đạt được điều này thông qua việc hỗ trợ về tài chính và

thông tin cho các nghệ sĩ và các tổ chức phục vụ trực tiếp các nghệ sĩ, thông qua việc hỗ trợ cho

các hoạt động nghệ thuật ở cộng đồng, và thông qua việc xây dựng các mối quan hệ hợp tác với

những tổ chức vì nghệ thuật khác ở bang Niu-Yoóc và trên cả nước.

Suốt quá trình hoạt động, với tư cách là một tổ chức trung gian trong lĩnh vực, Quỹ Nghệ

thuật Niu-Yoóc đã tìm ra nhiều phương cách để phát triển và cung cấp tài trợ, tái tài trợ, cho

vay, cũng như các dịch vụ hỗ trợ tài chính và thông tin khác để đáp ứng những yêu cầu đa dạng

luôn thay đổi của cộng đồng nghệ thuật đa dạng và luôn biến động. Thông qua các chương trình

thông tin giáo dục, Quỹ Nghệ thuật Niu-Yoóc luôn tìm kiếm các cách thức hữu hiệu hơn để mở

rộng sự tham gia trong tất cả các ngành nghệ thuật, cũng như mở rộng sự hiểu biết của cả khán

giả lẫn đông đảo công chúng về vai trò của các nghệ sĩ và các tổ chức nghệ thuật trong đời sống,

trong cộng đồng của họ, cũng như trong xã hội nói chung. Buổi đầu, Quỹ Nghệ thuật Niu-Yoóc

chỉ phục vụ cho bang Niu-Yoóc, nhưng dần dần đã phối hợp và mở rộng tầm hoạt động ra phạm

vi vùng, quốc gia và thậm chí cả ở tầm quốc tế.

Trong các năm 1973-1974, Quỹ Nghệ thuật Niu-Yoóc khởi xướng một dự án thí điểm kéo

dài một vài năm và sau đó được công nhận trên toàn quốc với tên gọi chương trình Nghệ sĩ

thường trú, hỗ trợ cho việc đưa chương trình này vào dạy ở các trường và các cộng đồng trong

toàn bang. Ngày nay chương trình này vẫn tiếp tục với tên gọi Nghệ sĩ trong môi trường sư

phạm, một phần của chương trình giáo đục đa dạng và toàn điện. Các chương trình giáo dục

của Quỹ Nghệ thuật Niu-Yoóc phát triển lên và bao gồm cả việc hoạt động như một lò luyện cho

một số ngành nghệ thuật quan trọng cũng như một số đơn vị nghệ thuật.

Sự tham gia vào việc phát triển một loạt phong trào nghệ thuật và các tổ chức nghệ thuật

đã trở thành một trong những chương trình của Quỹ Nghệ thuật Niu-Yoóc. Năm 1984, Quỹ

Nghệ thuật Niu-Yoóc được Hội đồng nghệ thuật bang Niu-Yoóc chọn để quản lý Chương trình

học bổng cho nghệ sĩ trên toàn quốc, và quản lý phần dịch vụ công cộng của quỹ mang tên nghệ

sĩ và khán giả. Chương trình kể từ khi được mở rộng đã tài trợ trực tiếp cho nghệ sĩ bang Niu-

Yoóc trong 16 môn nghệ thuật. Trong gần 20 năm qua, Quỹ Nghệ thuật Niu-Yoóc đã phát triển

rất nhiều chương trình tài trợ và tái tài trợ cho cá nhân các nghệ sĩ cũng như cho các đơn vị

nghệ thuật, bao gồm nhiều hoạt động. Hiện Quỹ Nghệ thuật Niu-Yoóc tài trợ cho 300 dự án của

các nghệ sĩ và 60 tổ chức mới thành lập.

Quỹ Nghệ thuật Niu-Yoóc mở rộng tầm hoạt động của mình vào những năm 1980 bằng

việc tham gia một số hội nghị và nghiên cứu quan trọng. Năm 1984, Quỹ Nghệ thuật Niu-Yoóc

phối hợp với Trung tâm Nghiên cứu Văn hoá Nghệ thuật Đại học Columbia cung cấp những dữ

liệu mang tính thống kê về đời sống, điều kiện sống và làm việc của các nghệ sĩ ở bang Niu-

Yoóc. Về sau đã xuất hiện một chương trình nghiên cứu tương tự trên toàn quốc, được lặp lại

và mở rộng trong những năm gần đây. Quỹ Nghệ thuật Niu-Yoóc đã được khẳng định trên toàn

quốc với tư cách là một nhà cung cấp dịch vụ thông tin liên lạc. Một nhân tố hết sức quan trọng

khác đối với sự phát triển của Quỹ Nghệ thuật Niu-Yoóc trong vai trò một nhà cung cấp dịch vụ

thông tin là sự ra đời năm 1984 của FYI, Tạp chí ra định kỳ hàng quý của Quỹ dành cho những

người sống và làm việc trong môi trường nghệ thuật, và sau đó một thập kỷ là của Đường dây

thông tin nóng về các nghệ sĩ mỹ thuật. Hiện Tạp chí có số lượng phát hành 20.000 bản phục vụ

cho nghệ sĩ và các đơn vị nghệ thuật ở tất cả các ngành nghệ thuật trên toàn bang Niu-Yoóc và

trên cả nước. Đường dây nóng phát triển với sự trợ giúp của một tập đoàn các nhà tài trợ trong

cả nước, dẫn đầu là Quỹ nghệ thuật Marie Walsh Sharpe. Hiện nó vẫn tiếp tục hỗ trợ trực tiếp

cho các nghệ sĩ mỹ thuật trên toàn quốc.

Trong những năm gần đây, Quỹ Nghệ thuật Niu-Yoóc đã nổi lên như một tổ chức đi đầu

trong việc đề cập đến công nghệ và vai trò của công nghệ trong cộng đồng nghệ thuật. Các nỗ

lực của Quỹ Nghệ thuật Niu-Yoóc trong lĩnh vực này bắt đầu bằng một công trình nghiên cứu về

nghệ sĩ trên toàn bang liên quan đến việc sử dụng những công nghệ để sáng tạo nghệ thuật. Kết

quả là, Quỹ Nghệ thuật Niu-Yoóc đã thiết lập được một ngành học bổng mới cho nghệ sĩ: Nghệ

thuật vi tính. Quỹ Nghệ thuật Niu-Yoóc đã xuất bản Niên giám kỹ thuật số: Các nguồn nghệ

thuật ở bang Niu-Yoóc, dưới dạng văn bản cũng như dạng dữ liệu trên mạng. Một chương trình

tài trợ mới bao gồm Tài trợ cho lập kế hoạch nghệ thuật và công nghệ, Hỗ trợ kỹ thuật cho nghệ

thuật và công nghệ cũng đang được thực hiện.

Hiện nay, Quỹ Nghệ thuật Niu-Yoóc thể hiện sức mạnh về mặt tổ chức và khả năng lãnh

đạo trong các vai trò của nhà tài trợ và nhà cung cấp dịch vụ cho các nghệ sĩ, các đơn vị nghệ

thuật và các cộng đồng nghệ thuật rộng lớn ở Niu-Yoóc. Trang Web của Quỹ miêu tả tất cả các

chương trình hiện đang tiến hành và thể hiện những nỗ lực gần đây nhất nhằm duy trì vai trò

lãnh đạo trong việc cung cấp những dịch vụ hữu hiệu và hỗ trợ cộng đồng nghệ thuật và quảng

đại quần chúng mà nó là một bộ phận.

Quỹ Nghệ thuật Niu-Yoóc đã đưa nghệ sĩ đến hầu hết các khu vực có trường học trên

toàn bang Niu-Yoóc; cung cấp những tài trợ về tài chính cho hàng trăm tổ chức mới hình thành;

cũng đã hỗ trợ khả năng tổ chức thông qua các khoản tài trợ và tín dụng. Quỹ Nghệ thuật Niu-

Yoóc còn hỗ trợ việc tăng cường hạ tầng cơ sở tổ chức và mở rộng các nguồn từ trường học

nhằm phục vụ cho toàn bộ cộng đồng.

Qua báo cáo của Trung tâm quỹ và Quỹ nghệ thuật Niu-Yoóc, chúng tôi thấy trên đất Mỹ

có những mô hình tổ chức khá đặc biệt, có cơ chế quản lý văn hoá khá linh hoạt và thực tế giúp

cho các hoạt động văn hoá nghệ thuật có thể tìm được nhiều nguồn tài trợ.

Ở Mỹ, các tổ chức nghệ thuật có thể được chia ra làm hai nhóm: nhóm phi lợi nhuận, và

nhóm các tổ chức nghệ thuật mang tính thương mại (vì lợi nhuận).

Các tổ chức mang tính thương mại cũng giống như các doanh nghiệp thương mại khác,

họ cũng cố gắng và họ tin rằng công chúng sẽ bỏ tiền ra để xem hoặc để mua sản phẩmnghệ

thuật, vì vậy mà họ sẽ tiếp thị các sản phẩm này đến công chúng dựa vào bán vé là chính.

Các tổ chức nghệ thuật phi lợi nhuận có xu huớng sản xuất ra các sản phẩm dựa trên

những giá trị nghệ thuật vốn có của họ. Các tổ chức này không hi vọng việc có thể thu lợi nhuận

hay bù đắp được các chi phí với nguồn thu từ bán vé. Vì thế họ phải tìm các cách thức khác để

có thể tự nuôi mình. Để giải quyết thực trạng này, Mỹ đã phát triển nhiều hình thức hỗ trợ cho

các tổ chức không vì lợi nhuận này, đôi khi được gọi là “hình thức hợp tác nhà nước và tư

nhân”.

Về phía đối tác nhà nước, có ba cấp độ hỗ trợ trực tiếp của chính phủ:

Liên bang (Trung tâm Quốc gia Trợ vốn cho nghệ thuật)

Các bang (ví dụ Hội đồng Nghệ thuật Bang Niu-Yoóc)

Địa phương (các Hội đồng nghệ thuật thành phố, vùng)

Còn có sự hỗ trợ gián tiếp dưới hình thức giảm thuế đối với những quà tặng dành cho các

tổ chức nghệ thuật không vì lợi nhuận đã được chính phủ thông qua, đây là một lợi ích rất quan

trọng.

Đối tác cá nhân bao gồm các quỹ, các doanh nghiệp và các cá nhân, trong đó nhiều nhất

là hỗ trợ bằng tiền của các cá nhân; tặng các thiết bị, dịch vụ và các nguồn cung cấp; và hoạt

động tình nguyện. Hầu hết những đóng góp này đều có thể khiến chủ nhân của nó được giảm

thuế.

Nhìn qua, thấy Mỹ không có Bộ Văn hoá, cứ tưởng chính quyền Mỹ không quản lý văn

hoá nghệ thuật và không đầu tư cho văn hoá nghệ thuật, nhưng nhìn sâu vào cơ chế hoạt động

mới thấy đây là biện pháp quản lý khá chặt chẽ và có sự đầu tư không nhỏ - đầu tư bằng chính

sách thuế, bằng cách tạo cơ hội cho văn hoá nghệ thuật được đầu tư thông qua tài trợ của các

tổ chức, cá nhân. Thông qua cơ quan thuế, Chính phủ nắm rất chắc từng khoản tài trợ mà các

công ty bỏ ra cho nghệ thuật. Bản thân các quỹ tài trợ cũng được cấp kinh phí cho hoạt động,

như Quỹ Nghệ thuật Niu-Yoóc hàng năm thu được 12 triệu USD, trong đó có 4 triệu là do chính

quyền tài trợ.

Khi chúng tôi hỏi về phương thức quyên góp tiền tài trợ cho nghệ thuật, ông Thao-đơ S.

Bơ-gơ, Giám đốc điều hành Quỹ, cho biết: Nếu mọi người muốn quyên tiền thì đều phải thông

qua một tổ chức từ thiện, có vậy mới được miễn trừ thuế trên các khoản mà họ tài trợ. Quỹ

Nghệ thuật Niu-Yoóc cho các nhà tài trợ dùng mã số thuế của mình để chuyển tiền tài trợ, rồi

quỹ tài trợ lại cho các đơn vị nghệ thuật. Ông cũng nói thêm, để việc quyết định tài trợ cho các

đơn vị nghệ thuật mang tính khách quan, Ban Giám đốc Quỹ không tham gia vào việc quyết

định tài trợ cho đơn vị nào; việc này được giao cho một Ban do Quỹ thuê gồm 30 người. Trên

cơ sở những thông tin về các đơn vị nghệ thuật và nguồn tài trợ, Ban sẽ quyết định tài trợ cho

đơn vị nào mà không phụ thuộc vào bất cứ sự gợi ý nào của Ban Giám đốc Quỹ.

Ông Giám đốc tâm sự: "Tôi làm việc ở Quỹ này từ năm 1973, lúc ấy chỉ có 2 thành viên,

nay có tới 40 người vào làm việc thường xuyên hoặc thời vụ. Tôi đã qua quá trình phát triển,

khó khăn, vươn lên của Quỹ, thấy được sự thay đổi của quá trình xã hội. Bây giờ có rất nhiều

chương trình đào tạo về quản lý, còn tôi thì không được đào tạo, vừa làm vừa học. Chúng tôi

không thuộc Chính phủ cho nên làm được nhiều việc mà Chính phủ không làm được như đi đầu

đấu tranh cho quyền lợi, chính sách đối với nghệ sĩ, gây quỹ cho nghệ sĩ và nghệ thuật. Để làm

việc có hiệu quả, chúng tôi luôn lắng nghe hai phía: Yêu cầu của Chính phủ cũng như của cộng

đồng nghệ thuật và các nghệ sĩ ". Sau một số câu trao đổi về hoạt động tài trợ của Quỹ, ông

Giám đốc bộc bạch: "Niu-Yoóc còn có cách tài trợ của riêng quan chức - quan chức mới được

bầu, tìm được ngành mà họ thích thì họ tài trợ, mong sẽ được bầu lại vào nhiệm kỳ sau. Tôi

không thích loại này - mang mầu sắc chính trị, không tốt vì không đưa ra được chính sách hỗ trợ

cho văn hoá. Nếu đơn vị nghệ thuật nào đó lại không được vị quan chức thích thì sẽ không bao

giờ nhận được tiền." Sau những tiếng cười tán thưởng của người nghe, ông Giám đốc nói:

"Hiện nay, đang có sự thay đổi trong chính phủ bang Niu-Yoóc. Đó là thực hiện luân chuyển

trong thành viên Hội đồng Bang: trong số 51 người được bầu vào Chính phủ Bang thì phải có 35

người được bầu mới. Tôi nghĩ rằng quy định này sẽ làm cho việc tài trợ cho nghệ thuật từ phía

chính phủ sẽ mang tính khách quan hơn."

Nói về các đơn vị nghệ thuật tại Niu-Yoóc, ông Giám đốc nhận xét: "Chúng tôi không có

một mô hình cụ thể nào cả, không còn ranh giới tách biệt giữa hoạt động phi lợi nhuận và lợi

nhuận, nhưng khu vực phi lợi nhuận sẽ tạo cánh tay để phát triển lợi nhuận. Những tổ chức, cá

nhân nói rằng họ phi lợi nhuận thì họ đã tách mình khỏi thực tế. Trong lĩnh vực văn hoá, có thể

có nghệ sĩ chuyên nghiệp, có nghệ sĩ không chuyên, nhiều khi chúng ta lại tạo ra tấm rào cách

biệt giữa hai lĩnh vực chuyên và không chuyên, lợi nhuận và phi lợi nhuận. Cuộc đấu tranh của

văn hoá nghệ thuật không nhất thiết là lợi nhuận hay không lợi nhuận mà là phục vụ hay không

phục vụ cho cộng đồng".

Ông Giám đốc Quỹ cho biết trụ sở của Quỹ nằm gần Trung tâm Thương mại Thế giới, do

vậy đã bị phong toả sau ngày 11 tháng 9 vì lý do an ninh, may mà đoàn đến vào lúc vừa được

lệnh hoạt động trở lại. Ông cho biết bản thân đã chứng kiến cái giờ phút kinh hoàng của nước

Mỹ khi toà nhà Thương mại thế giới bị nổ tung và sập đổ, chứng kiến cảnh người nhảy từ các

tầng cao xuống, cho nên đã bị tổn thương rất nhiều tận sâu trong tâm khảm, nhưng ông phải

gượng dậy để hướng về tương lai. Cùng với thiệt hại về người và của tại Trung tâm Thương mại

Thế giới, giới nghệ thuật Niu-Yoóc cũng mất đi 1 nghệ sĩ, 1 Studio, 2 tổ chức nghệ thuật trong

thảm hoạ 11 tháng 9, đồng thời có nhiều công trình nghệ thuật bị phá huỷ, bị hư hại, nhiều tổ

chức nghệ thuật bị ảnh hưởng hoạt động cần được tài trợ. Hiện nay, khói, bụi từ đống đổ nát

vẫn bao phủ nhiều studio, nhiều tác phẩm của các nghệ sĩ, muốn làm sạch chúng phải tốn rất

nhiều tiền của và công sức. Mặt khác, do tình hình an ninh và do tâm lý, nhân dân không đến

dự các hoạt động nghệ thuật ở khu vực Trung tâm Thương mại Thế giới nữa, làm cho các tổ

chức nghệ thuật, các rạp hát đóng trên khu vực này điêu đứng. Ngay như Bảo tàng Mỹ thuật

Mêtrôpôlitan có sức thu hút trên 5 triệu lượt khách tham quan mỗi năm ở xa khu vực này, cũng

bị giảm hẳn hoạt động, những ngày đầu lượng khách giảm 60%. Ông cho biết thành phố đã

quyên góp được rất nhiều tiền, đồng thời Quỹ cũng nhận được rất nhiều đơn xin tài trợ của các

nghệ sĩ, các tổ chức nghệ thuật, nhưng Quỹ vẫn chưa có khả năng đáp ứng. Ông chua chát nhận

xét rằng chính giới nghệ sĩ cũng là những nạn nhân của thảm hoạ 11 tháng 9, những nạn nhân

không trực tiếp và lại hay bị lãng quên. Ông đang vận động để thành lập Quỹ tái tạo phục vụ

nghệ sĩ, với mục đích khôi phục các công trình, tác phẩm nghệ thuật, các hoạt động nghệ thuật.

Ông nhấn mạnh rằng trách nhiệm của giới nghệ sĩ sau thảm hoạ 11 tháng 9 là tái tạo nghệ

thuật, làm cho nghệ thuật tiếp tục làm đẹp cuộc sống, làm cầu nối giữa người với người. Tôi có

nhận xét rằng, những trí thức, những người Mỹ chân chính mà tôi tiếp xúc khi nói về thảm hoạ

11 tháng 9 chỉ nhắc đến đến sự tái tạo cuộc sống chứ không ai nói đến hận thù.

Trung tâm Nghệ thuật biểu diễn Lin-côn

Khi chuẩn bị sang Mỹ, chúng tôi đã được các bạn ở quỹ FORD giới thiệu về Trung tâm

Nghệ thuật biểu diễn Lin-côn, một trong những trung tâm văn hoá lớn nhất thế giới, do đó ai

cũng háo hức mong được đến thăm tận mắt. Vậy mà hôm được bạn bố trí đi Trung tâm, lại cứ

bị "trục trặc kỹ thuật". Chờ xe mất 30 phút vẫn không thấy đến - lại tắc đường rồi. Cái sự giao

thông của anh Mỹ này cũng không mấy xuôn xẻ và cái sự chấp hành luật lệ giao thông của mấy

bác tài Mỹ cũng chẳng mấy nghiêm túc. Tôi đã chứng kiến không ít cảnh xe vượt đèn đỏ, tất

nhiên chỉ vượt khi rẽ phải chứ không dám vượt thẳng qua ngã tư, vì đông xe lắm, vượt ẩu kiểu

ấy bị tai nạn là cái chắc. Chúng tôi cũng bị khối lần nhỡ xe "nhà", đành móc USD đi tắc xi Mỹ.

Lần này thì gọi tắc xi cũng không được, chúng tôi đành đi xe điện ngầm. Đường hầm xe điện của

Niu-Yoóc khá tồi tàn, trông nhem nhuốc, thậm chí có chỗ nước chảy tong tong từ trên trần

xuống. Đi trên đường phố, có khi nghe tiếng xe điện chạy ầm ầm dưới chân và thỉnh thoảng lạ i

thấy hơi nước nóng bốc lên nghi ngút từ các miệng cống ngầm, hoá ra đó là nơi mà người ta xả

khí từ đường hầm xe điện lên. Thực ra, người Mỹ không phải không có khả năng làm cho đường

hầm xe điện trở thành những cung điện lộng lẫy, mà bởi vì với tính thực dụng, người ta chỉ đầu

tư cho nó ở mức độ tương xứng với lợi nhuận thu được mà thôi!

Chui lên khỏi mặt đất, đi bộ một hồi là đến đại lộ Cô-lôm-bơs. Một khối nhà khổng lồ

chắn trước mặt chúng tôi ngay kế vùng giao nhau của đại lộ Cô-lôm-bô với đại lộ Brôuây: Trung

tâm Lin-côn là đây! Được xây dựng từ những năm 1960, Trung tâm nghệ thuật biểu diễn Lin-

côn bao gồm 7 sân khấu biểu diễn, trong đó có Nhà hát Opera thành phố Niu-Yoóc, Nhà hát

Bang Niu-Yoóc, Phòng hòa nhạc Averi Phi-sơ, và Nhà hát Vi-viên Bơ-mau. Đây cũng là nơi 12

đoàn nghệ thuật độc lập có trụ sở, trong đó có Nhà hát Ôpêra thành phố Niu-Yoóc, Dàn nhạc

Giao hưởng Niu-Yoóc, Nhà hát Ba-lê thành phố Niu-Yoóc, Nhạc viện I-Ui-li-át và Trường Ba-lê

Mỹ. Với 7 toà nhà đồ sộ, gồm các rạp hát, chiếu phim, trong đó có những rạp có sức chứa 2.800

đến 3.700 chỗ, cùng lúc Trung tâm này có thể phục vụ 15.000 khán giả. Các bạn ở quỹ FORD cho

biết những nghệ sĩ, dàn nhạc trên thế giới đều coi đây là nơi biểu diễn lý tưởng, và được trình

diễn tại đây coi như đã được một chứng chỉ về chất lượng nghệ thuật cao. Đoàn múa rối Thăng

Long và Nghệ sĩ Đặng Thái Sơn của Việt Nam đã từng trình diễn tại đây. Nhìn kiến trúc bề ngoài

không có gì đặc biệt, nhưng nội thất từng công trình trong Trung tâm này thì tuyệt vời, vì nó vô

cùng thích hợp với công năng. Ví như Nhà hát Giao hưởng có cấu trúc tường gồ ghề, hình khối

không đẹp, trang trí đơn giản, song đã tạo cho sự chuyển tải âm thanh đến mức tuyệt hảo,

khiến cho ngồi chỗ nào cũng nghe rõ. Tôi ngồi cuối phòng khán giả 2.800 chỗ, còn người thợ

đàn thì đang chỉnh đàn Pi-a-nô ở trong cánh gà sân khấu, mà tôi vẫn nghe tiếng từng nốt nhạc

như ngay bên tai. Người phụ trách Nhà hát giải thích với chúng tôi rằng sự trang trí đơn giản

trong rạp nhằm tránh làm cho khán giả phân tán, hướng mọi sự chú ý của họ vào chương trình

biểu diễn. Hoặc như rạp hát ô pê ra với 3.700 chỗ dành cho những nghệ sĩ nổi tiếng biểu diễn,

được trang trí những vật hình nữ trang, gọi là hộp nữ trang, có 6 tầng khán giả và khán giả ngồi

ở ghế nào cũng nhìn rõ sân khấu. Quả thật, nơi đây cũng có thể được coi là nhất thế giới bởi đã

tập trung trong một khu vực một loạt rạp biểu diễn lớn và hiện đại đến thế, đồng thời quy tụ

nhiều đơn vị nghệ thuật danh tiếng trên thế giới đến thế, với sức hoạt động bền bỉ từ hàng

chục năm qua và hoạt động đều đặn hàng tuần quanh năm, phục vụ hết lớp khán giả này đến

lớp khán giả khác không những của Niu-Yoóc mà của cả thế giới đổ đến.

Đi thăm, hỏi han, xem lướt khu vực này cũng mất cả một ngày. Mà chui vào trong lòng

những toà nhà này mới thấy nó lớn đến dễ sợ, có những tầng hầm trông mênh mông ngút tầm

mắt hoặc chằng chịt những hành lang như một mê cung. Riêng việc hướng dẫn du khách đi

thăm khu vực này đã thành một nghề, được tổ chức như những tua du lịch, thu hút nhiều lao

động vào làm việc, trong đó có những nghệ sĩ đã hết khả năng biểu diễn (Việt Nam gọi là hết

tuổi nghề). Người hướng dẫn "tua" của chúng tôi là một phụ nữ đã đứng tuổi, cao ngỏng, mặt

dẹt, mũi nhọn, da mặt nhăn nheo nhưng nét mặt rất linh hoạt và lại có vẻ rất nhí nhảnh. Mỗi

khi giới thiệu xong một công trình, trong khi đưa chúng tôi đi qua công trình khác, chị bước

thoăn thoắt, đầu lắc qua lắc lại, thỉnh thoảng lại xướng lên một khúc hát thính phòng. Chị Thuỷ

quả quyết với tôi rằng đây chính là một nghệ sĩ ô-pê-ra đã chuyển nghề. Nhưng khi hỏi lại, thì

được biết chị này vốn là một nghệ sĩ Ba lê - thảo nào cao mà gầy thế, lại nhanh nhẹn nữa! Khi

chúng tôi đã tham quan xong khu vực Trung tâm nghệ thuật, chuẩn bị chia tay với người hướng

dẫn đầy chất nghệ sĩ và vui tính này, chị giới thiệu tối nay sẽ có buổi duyệt vở ô-pê-ra mới, bán

vé đồng loạt 15 USD mỗi vé, đoàn có thể mua để tới xem. Xin cảm ơn sự chu đáo của của chị,

người nghệ sĩ chuyển nghề, người hướng dẫn tham quan, và cũng xin ghi nhận lối tiếp thị nghệ

thuật rất dễ chịu kiểu Mỹ này.

Viện Giáo dục nghệ thuật Trung tâm Lin-côn

Mặc dù đến muộn, chúng tôi vẫn được đón tiếp chu đáo bởi một dàn cán bộ của Viện,

toàn là phụ nữ. Các chị em giới thiệu với chúng tôi tấm bảng đồng ghi lời người sáng lập ra

Trung tâm này rồi mới mời vào phòng làm việc.

Những ý tưởng tốt đẹp cho sự hình thành và hoạt động của Viện bắt nguốn từ thực tế.

Người ta vẫn hay lưu truyền những câu chuyện về sự thiếu hụt trong nhận thức về nghệ thuật

của học sinh, coi đó là chuyện khôi hài, cần phải khắc phục. Nữ giám đốc thông tin của Trung

tâm kể với chúng tôi rằng, 13 năm trước, có một học sinh 13 tuổi sau khi xem múa Ấn Độ đã tỏ

ra rất nuối tiếc, vì em nói rằng trên thế giới có một nền nghệ thuật độc đáo như thế này mà nay

em mới được biết đến! Bà Giám đốc chương trình giáo dục cấp cao nhắc đến ông Mát Trubát,

người sáng lập Trung tâm Lin-côn (ông mất cách đây một năm rưỡi) với thái độ kính trọng, và

kể: Lúc đầu, khi tổ chức cho học sinh xem biểu diễn một chương trình nghệ thuật, ông Mát

Trubát đã ngồi chung với khán giả và được nghe lời trao đổi giữa thầy giáo và học sinh như sau:

- Em có hiểu người ta đang diễn gì không?

- Thưa thầy không! Còn thầy?

- Thầy cũng không hiểu gì cả!

Từ lời hội thoại ấy, ông Mát Trubát nhận ra rằng nếu chỉ đưa nghệ thuật đến diễn tại

trường thì không có hiệu quả, mà phải có sự giáo dục nghệ thuật, muốn vậy, đầu tiên phải từ

các thầy giáo. Từ đấy, định hướng hoạt động của Viện là kết hợp người nghệ sĩ với người làm

công tác giáo dục để phổ cập nghệ thuật trong học sinh, từ lớp mẫu giáo đến cấp 2,3 trong bối

cảnh nước Mỹ không bắt buộc giáo dục nghệ thuật trong các trường học.

Các chương trình đưa nghệ thuật vào giáo dục cho học sinh và giáo viên được thực hiện

thông qua việc hợp tác với các cụm trường học ở Niu-Yoóc, Connéchticút và Niu Giơ-sây, đào

tạo các nhà giáo dục để họ sẽ cùng với học sinh của mình tìm hiểu về nghệ thuật thông qua

những hình thức đi thực tế có tác dụng hỗ trợ cho việc học hỏi nhiều hơn trong chương trình

giảng dạy.

Trong 25 năm qua, Viện Giáo dục nghệ thuật Trung tâm Lin-côn đã xây dựng và chuẩn

hoá cách tiếp cận với nghệ thuật và giáo dục riêng rất nổi tiếng của mình, đó là thách thức học

sinh phải học về nghệ thuật và học thông qua nghệ thuật. Cùng hợp tác với các nhà giáo, Viện

đã phát triển những nghiên cứu thực tế tập trung vào các tác phẩm nghệ thuật, bao gồm múa,

âm nhạc, sân khấu, mỹ thuật và kiến trúc. Cách thức dựa vào quá trình này thể hiện vai trò toàn

diện mà nghệ thuật có thể và nên giữ trong giáo dục. Bằng cách khuyến khích học sinh hỏi và

tìm hiểu, Viện Giáo dục nghệ thuật Trung tâm Lin-côn hỗ trợ việc học trong suốt chương trình

học, xây dựng kỹ năng tư duy phân tích phê bình và khuyến khích khả năng cảm nhận và sáng

tạo của học sinh. Kết quả là, nhiều mối liên kết được tạo ra không ngờ, nhiều quan điểm khác

nhau được cân nhắc, những điều phức tạp được tìm hiểu và cánh cửa đến với những thế giới

tưởng tượng mới mẻ được mở ra.

Hoạt động của Viện Giáo dục nghệ thuật Trung tâm Lin-côn dựa trên nguyên lý giáo dục

mỹ học. Dựa vào những bài viết của những nhà giáo dục cách tân như Giôn Đơuây, Mắc-xin

Grin và Hô-uốt, Gát-nơ, ''giáo dục mỹ học'' mở rộng giớí hạn truyền thống của giáo dục tiên tiến

tới thế giới nghệ thuật. Nguyên lý đó phát biểu rằng các tác phẩm nghệ thuật cung cấp một

nguồn vô tận cho việc tìm hiểu, suy xét, và thấu hiểu. Mỗi cá nhân, không phân biệt tuổi tác,

đều có khả năng phản hồi trước một tác phẩm nghệ thuật theo những cách phản hồi thách

thức lại những quan điểm đã định trước, khuyến khích những cái nhìn tươi mới, và khuyến

khích những hiểu biết sâu hơn. Không bị hạn chế bởi những câu trả lời "đúng" hay "sai", quá

trình phản xạ này xây dựng khả năng nhận thức theo những cách thức cơ bản và có sức mạnh.

Đồng thời, giáo dục mỹ học cũng phát triển một khả năng hiểu biết nội tại những lựa chọn nghệ

thuật đóng góp cho bất kỳ một tác phẩm nghệ thuật nào. Học sinh biết đánh giá sâu sắc nghệ

thuật, có được những phân tích thực tế trước bất kỳ một tác phẩm nghệ thuật nào, tăng cường

những kỹ năng cơ bản ví dụ như tư duy trừu tượng, kỹ năng giải quyết khó khăn và sẵn sàng áp

dụng những kỹ năng đó vào học tập và vào cuộc sống.

Cách làm việc thông qua kinh nghiệm thực tế này của Viện Giáo dục nghệ thuật Trung

tâm Lin-côn đã thực sự lôi cuốn các em vào tìm hiểu, nghiên cứu, tư duy và thảo luận. Để đảm

bảo việc học nghệ thuật có liên quan đến những mục đích đào tạo chung được nhấn mạnh

trong chương trình giảng dạy cơ bản, Viện đã kết hợp các nhà sư phạm với các nghệ sĩ đến

giảng tại các trường học. Được hỗ trợ bằng cách lập thời gian biểu thích hợp, mối hợp tác giữa

họ sẽ thiết kế nên những hoạt động trong lớp học để học sinh được học thật kỹ một tác phẩm

nghệ thuật, đồng thời thiết lập những mối liên kết trong suốt chương trình giảng dạy. Bằng

cách này, giáo viên không chỉ đóng góp những am hiểu của mình với tư cách là những nhà giáo

dục chuyên nghiệp, mà còn tham gia với tư cách học viên vào không khí học tập hào hứng.

Hiện Viện Giáo dục nghệ thuật đang hợp tác với 255 trường trong 61 cụm trường học

trong 3 bang của nước Mỹ. Nó cũng đã phát động một số phong trào mới được phát động để

biến giáo dục nghệ thuật thành một phần kinh nghiệm học tập của mỗi học sinh, bao gồm Dự

án tập trung hợp tác trường học làm việc với 8 trường ở Niu-Yoóc, cố gắng đào sâu và mở rộng

việc thực hành đưa nghệ thuật vào giáo dục từ chỗ học các tác phẩm nghệ thuật ở trong mỗi

lớp thành việc cả trường tham gia, Dự án tập trung hợp tác trường học bậc cao cố gắng đưa

giáo dục nghệ thuật vào chương trình giảng dạy ở một số trường sư phạm có lựa chọn; Hội thảo

các nhà giáo toàn quốc dành cho giáo viên và các nhà quản lý trên khắp mọi miền đất nước; Hội

thảo Thường xuyên về phát triển nghề nghiệp đáp ứng yêu cầu của các trường học hoặc cụm

trường học cụ thể.

Từ khi thành lập đến nay, Viện đã được đánh giá là một tổ chức đi đầu trong lĩnh vực

giáo dục nghệ thuật trong học sinh và là một nguồn khuyến khích những đổi mới trong lý thuyết

lẫn thực tế đưa nghệ thuật vào giáo dục. Nó là mô hình cho 21 tổ chức tương tự, trong đó có 19

tổ chức ở Mỹ, 2 tổ chức ở Úc. Những viện này nay được tổ chức thành Hiệp hội các Viện giáo

dục mỹ học, một tổ chức quốc tế phục vụ cho việc tăng cường và thúc đẩy tầm quan trọng của

giáo dục mỹ học như một thành tố quan trọng của hệ thống giáo dục.

Với những thành tựu nổi bật trong hoạt động như trên, các nhà quản lý Viện Giáo dục

nghệ thuật Trung tâm Lin-côn tự khẳng định rằng Viện là tổ chức đi đầu trong phong trào đấu

tranh cho vai trò của nghệ thuật trong giáo dục không những ở Mỹ mà còn ở thế giới.

Hỗ trợ đắc lực cho hoạt động của Viện là Trung tâm Thông tin. Với khối lượng lớn tư liệu

gồm sách, báo, tạp chí, băng, đĩa, tranh ảnh... Trung tâm Thông tin là nơi mà các nghệ sĩ làm

công tác giáo dục sử dụng suốt trong năm học. Trung tâm xuất bản một loại sách có tên gọi Cửa

sổ nghệ thuât giới thiệu các tác phẩm nghệ thuật, nghệ sĩ, quá trình sáng tác, dàn dựng, bối

cảnh xã hội, văn hoá, phản hồi đánh giá tác phẩm. Mỗi năm Trung tâm xuất bản 7 đến 9 cuốn

sách như thế. Những tác phẩm được giới thiệu trong Cửa sổ nghệ thuật thuộc các loại hình

múa, âm nhạc, sân khấu, là những tác phẩm đã được khẳng định theo thời gian, ít nhất đã được

trình diễn 350 buổi. Những nhà biên tập còn giới thiệu trong sách các tài liệu tham khảo, nhưng

không bao giờ đưa chương trình giảng dạy cũng như nội dung giảng dạy vào sách này. Khi đến

Trung tâm Thông tin, giáo viên xem sách, băng hình rồi tự quyết định đưa nội dung gì vào giáo

án, từ cảm thụ tác phẩm nghệ thuật rồi chuyển thành bài giảng cho học sinh.

Được hỏi về nguồn tài chính cho hoạt động, bà phó Giám đốc Viện Giáo dục nghệ thuật

nói một cách hóm hỉnh: "Hơn 90% dân số Hoa Kỳ tin rằng cần đem âm nhạc vào chương trình

giáo dục. Nhưng khi bàn đến ngân sách thì số người ủng hộ giảm dần. Vì vậy, chúng tôi phải tự

tạo ra tiền để thực hiện ý tưởng của mình" (mọi người đều cười - điều này có lẽ giống Việt Nam

ta đây!). Bà cho biết có nhiều nguồn tài chính khác nhau: Thu từ các trường (trường nào tiếp

nhận chương trình giáo dục vủa Viện thì trường ấy bỏ tiền để tổ chức đào tạo) - đây là nguồn

thu quan trọng vì nó chiếm hai phần ba nguồn thu, còn lại là tài trợ từ chính phủ, từ các tổ chức

và cá nhân. Mức thu đối với các trường được quy định cụ thể, ví du: 1 trường học cử 5 giáo viên

học 2 tác phẩm thì phải đóng góp 6.000 USD để trả công cho nghệ sĩ biểu diễn và người giảng

dạy. Bà giải thích thêm: "Sự phối hợp giữa chúng tôi với các trường trong việc đào tạo cũng linh

hoạt, như chúng tôi đã phối hợp với 2 trường đại học đào tạo thạc sĩ, và 2 trường đó cấp bằng

thạc sĩ, hoặc chúng tôi cấp chứng chỉ cho người đã học ở đây để họ tích luỹ trong quá trình học

cao học. Những người học xong đại học mà chưa làm giáo viên thì có thể học ở chỗ chúng tôi

để trở thành giáo viên nghệ thuật".

Nhìn chung ở Niu-Yoóc, có sự quan tâm đặc biệt đến giáo dục nghệ thuật cho học sinh,

mà biện pháp hữu hiệu là thông qua đội ngũ giáo viên được đào tạo và có phương pháp sư

phạm hiện đại khiến cho học sinh tiếp thu nghệ thuật một cách chủ động và sáng tạo. Qua giáo

viên và qua các nghệ sĩ, học sinh được dẫn dắt vào đời sống nghệ thuật bằng nhiều phương

thức, từ đơn giản đến phức tạp, như sưu tầm các bài báo viết về một tác phẩm nghệ thuật,

bình luận về những bài báo đó, nghe và tập phân tích tác phẩm... Theo lời những người quản lý

Viện và những người quản lý đơn vị nghệ thuật, thì đây cũng chính là biện pháp đầu tư vào

khán giả, tạo lớp khán giả đông đảo cho nghệ thuật từ đội ngũ học sinh.

Dàn nhạc Giao hưởng Niu-Yoóc

Cùng trong khối nhà khổng lồ cuả Trung tâm Lin-côn, nằm trên tầng bốn, là trụ sở của

Dàn nhạc giao hưởng Niu-Yoóc. Chúng tôi được mời đi vào phòng làm việc qua cửa dành cho

diễn viên. Đón tiếp chúng tôi có ông Thô-mát Ca-bi-nét, Giám đốc Giáo dục, các chị Toi-a Li-lát,

Trợ lý Giám đốc Giáo dục, Mi ki Takabe, Điều phối hoạt động, Jơremy Ghe-phen, Quản lý Nghệ

thuật, Mai-cơn Ni-sơn, Cộng tác viên giáo dục. Trong năm vị này thì đã có ba mầu da: trắng,

đen, vàng với hai quốc tịch gốc là Nhật và Mỹ. Báo cáo của các vị này giúp chúng tôi hiểu biết về

nhiều lĩnh vực hoạt động khác nhau của Dàn nhạc Giao hưởng Niu-Yoóc, ví dụ như giáo dục, lưu

diễn, tài chính, nghệ thuật. v.v

Dàn nhạc giao hưởng Niu-Yoóc thành lập năm 1842, là dàn nhạc có tuổi đời vào loại "già"

nhất thế giới. Với biên chế chính thức gồm 106 nhạc công và 15 người làm hành chính, Dàn

nhạc Giao hưởng Niu-Yoóc hoạt động rất có hiệu quả. Ngay tại Trung tâm Lin côn này, Dàn nhạc

biểu diễn mỗi năm 150 buổi trong Nhà hát có sức chứa 2800 chỗ mà bao giờ cũng bán hết 90%

số vé với giá từ 10 đến 90 USD một vé. Đó là chưa kể những buổi lưu diễn ở nhiều nước trên

thế giới hoặc diễn ở quảng trường phục vụ đông đảo công chúng và diễn tại các trường học

phục vụ học sinh, sinh viên. Nhạc trưởng của Dàn nhạc giao hưởng là một người nổi tiếng thế

giới, ông Cớt Ma-sơ. Từ năm 1991, Cớt Ma-sơ giữ chức Giám đốc âm nhạc, tạo dấu ấn riêng của

ông đối với Dàn nhạc Giao hưởng vốn trong nhiều năm đã quen với ảnh hưởng của Ma-lớt,

Tôcanini, Bơ-xơ-tên, Bulơ và Meta. Ngoài việc dẫn dắt Dàn nhạc giao hưởng đi lên đỉnh vinh

quang, có chỗ đứng vững vàng trên đất Mỹ, ông còn đưa Dàn nhạc đi biểu diễn ở khắp các châu

lục, được giới hâm mộ âm nhạc bác học toàn thế giới đánh giá cao. Chương trình biểu diễn của

đoàn hết sức phong phú, bao gồm hầu hết những tác phẩm nổi tiếng của các nhà soạn nhạc thế

giới, như Bách, Bét-tô-ven, Rachamaninốp, Trai-cốpx-ki... đồng thời có cả những bản nhạc mới

được sáng tác qua đặt hàng của chính Dàn nhạc. Bên cạnh những hoạt động biểu diễn đáng

khâm phục, điều đáng quan tâm hơn, mang tính độc đáo và tân tiến cũng rất đáng học tập của

Dàn nhạc Giao hưởng Niu-Yoóc, là những hoạt động phụ trợ. Đó là công tác thông tin truyên

truyền, công tác giáo dục, hoạt động gây quỹ. Về mặt thông tin tuyên truyền, phải công nhận

người Mỹ là bậc siêu đẳng mà tôi sẽ dành một mục riêng để giới thiệu với bạn đọc. Trong phần

này, tôi chỉ giới thiệu sơ lược rằng Dàn nhạc có cả một bộ phận chuyên lo về hoạt động thông

tin tuyên truyền có nhiệm vụ truyền bá hoạt động của Dàn nhạc ra cộng đồng. Để thực hiện

được nhiệm vụ, bộ phận tuyên truyền thực hiện hai biện pháp là họp mặt với báo chí, và phát

hành xuất bản phẩm của nhà hát. Các tài liệu phục vụ cho giới báo chí được chuẩn bị công phu,

chi tiết, từ việc giới thiệu chung về dàn nhạc, nhạc trưởng, các nghệ sĩ hàng đầu, tới việc giới

thiệu tác phẩm, các chương trình công diễn... giúp báo chí nắm chắc thông tin để tuyên truyền.

Tờ báo mà Dàn nhạc cộng tác chặt chẽ nhất là tờ Thời báo Niu-Yoóc. Bên cạnh đó, đã trở thành

nền nếp, chương trình biểu diễn của dàn nhạc mỗi tháng đều được phát trên đài phát thanh, và

mỗi năm có 2 đến 3 lần phát trên sóng truyền hình.

Chị Toi-a Li-lát, trợ lý Giám đốc giáo dục, cho biết: Dàn nhạc coi giáo dục nghệ thuật là

chương trình lớn nhất của mình. Dàn nhạc đã hợp tác giáo dục với 8 trường học của Niu-Yoóc.

Cùng với các trường, Dàn nhạc tổ chức các hội thảo, mời nghệ sĩ nói chuyện, cung cấp cho học

sinh những trường quốc lập có kiến thức về âm nhạc. Mỗi năm thường có 16-17 cuộc hội thảo

như vậy. Dàn nhạc có chương trình học bổng hỗ trợ học sinh học âm nhạc, tổ chức những buổi

hoà nhạc của sinh viên để mời học sinh các trường đối tác đến học. Dàn nhạc cũng cộng tác

chặt chẽ với các trường đối tác để bồi dưỡng nghiệp vụ âm nhạc cho giáo viên vào dịp hè bằng

những tài liệu giảng dạy riêng do Dàn nhạc biên soạn hướng vào đối tượng là giáo viên trong

các trường đối tác. Dàn nhạc Giao hưởng thực hiện một loạt chương trình giáo dục đổi mới, mở

rộng cánh cửa đón học sinh đến với nhạc giao hưởng. Trang web của Dàn nhạc Giao hưởng

cung cấp rất nhiều thông tin về các chương trình giáo dục nhằm vào các trường học, giáo viên,

gia đình và thanh thiếu niên.

Các chương trình của Dàn nhạc Giao hưởng Niu-Yoóc dành cho trường học bao gồm:

Chương trình hoà nhạc Ngày của Trường đón các học sinh và giáo viên từ lớp 3 đến lớp 12.

Cuộc gặp gỡ với âm nhạc dưới hình thức hội thảo giao lưu hoặc buổi họp sau tổng duyệt với các

thành viên của Dàn nhạc Giao hưởng dành cho học sinh lớp 4 đến lớp 12. Chương trình hợp tác

trường học 3 năm là một chương trình công phu nhằm xây dựng những kiến thức cơ bản về âm

nhạc, qua việc tạo điều kiện cho giáo viên, học sinh cùng phụ huynh giao lưu với một dàn nhạc

giao hưởng và dự các buổi biểu diễn của dàn nhạc giao hưởng đó; phát triển mối quan hệ kéo

dài nhiều năm với một số trường học được lựa chọn ở thành phố Niu-Yoóc, xây dựng một bộ

chuẩn để đánh giá tài năng nghệ thuật, từ đó định nghĩa mối quan hệ giữa một dàn nhạc giao

hưởng với các trường học trong cộng đồng dân cư khu vực đó. Đội thiếu niên Dàn nhạc giao

hưởng là tên một loạt chương trình có đăng ký dành cho học sinh 7 đến 12 tuổi. Tổng duyệt cho

phép vào xem là chương trình tổng duyệt chương trình, tiết mục mới của Dàn nhạc cho phép

các nhóm học sinh vào dự. Các Chương trình Thường trú và Hỗ trợ Kỹ thuật tại chỗ dành cho

các trường trung học, cao đẳng và các tổ chức cộng đồng nào đã có những chương trình âm

nhạc đặc sắc. Chương trình Hợp tác nhạc viện theo đó Dàn nhạc giao hưởng Niu-Yoóc phối hợp

với Nhạc viện Du-li-át, Nhạc viện Man-hát-tan, Trường Cao đẳng âm nhạc Man hat tan cũng

như với các sinh viên nhạc viện, để cung cấp cơ hội được học tập về âm nhạc cho những học

sinh này ở một số khu vực. Dàn nhạc Giao hưởng còn thực hiện một loạt chương trình cho giáo

viên, bao gồm các Hội thảo âm nhạc 3 ngày dành cho các giáo viên âm nhạc quan tâm đến việc

dạy khái niệm âm nhạc cho học trò bằng việc sử dụng các chương trình biểu diễn của Dàn nhạc

Giao hưởng Niu-Yoóc. Thêm vào đó, Dàn nhạc Giao hưởng còn tổ chức các hoạt động: Cuộc thi

nghệ sĩ Trẻ, Hoà nhạc của giới trẻ, dành cho trẻ em từ 6 đến 12 tuổi và từ 12 đến 17 tuổi, Kể

chuyện về âm nhạc, dành cho các em từ 3 đến 6 tuổi nhằm giới thiệu với các em các nhạc cụ và

các nhạc sĩ, và Đội thiếu niên dàn nhạc giao hưởng dành cho những học sinh đã “tốt nghiệp”

tức là đã học qua các chương trình giáo dục âm nhạc mà Dàn nhạc tổ chức. Dàn nhạc Giao

hưởng còn có một trang web giao lưu đặc biệt cho trẻ em, tên là Vùng dành cho trẻ em của Dàn

nhạc giao hưởng Niu-Yoóc. Trang web này đến nay đã được rất nhiều thanh thiếu niên từ 50

bang và 55 nước truy cập.

Như để kết luận, chị Toi-a nói: "Bộ phận giáo dục cũng góp phần quan trọng tạo nên khán

giả, bởi vì sự giáo dục nghệ thuật đã giúp học sinh có hiểu biết về nghệ thuật để rồi trở thành

khán giả".

Coi trọng việc gây quỹ, Dàn nhạc có bộ phận chuyên trách việc này. Chị Barbana, phụ

trách bộ phận phát triển – quyên tiền, cho biết bộ phận của chị phải thường xuyên tiếp xúc với

công chúng để kêu gọi sự đóng góp của cá nhân thông qua hình thức mua vé hoặc ủng hộ tiền,

tổ chức cho họ trở thành thành viên của Dàn nhạc. Chị cho biết thu hút khán giả là công việc đòi

hỏi kiên trì và năng động, chứ không chỉ đơn thuần là bán vé hay xin tài trợ. Một trong những

biện pháp có hiệu quả nhưng đòi hỏi nhiều công sức là tổ chức các cuộc tiếp xúc thân mật giữa

khán giả và nghệ sĩ, tổ chức các buổi trình diễn đồng thời với giới thiệu, phân tích tác phẩm, tổ

chức câu lạc bộ khán giả... Các công ty, doanh nghiệp cũng chi tiền cho Dàn nhạc bằng nhiều

cách như tài trợ cho các chương trình đối tác với các trường học, tài trợ cho các hoạt động vì

mục đích chung, tài trợ cho một số buổi biểu diễn khác nhau. Bộ phận của chị cũng có trách

nhiệm tiếp cận các quỹ, tiếp cận và kêu gọi sự tài trợ của Chính phủ. Chị nhấn mạnh rằng ở Mỹ

không có truyền thống Chính phủ tài trợ cho các hoạt động nghệ thuật; việc này được tiến hành

bởi các cấp chính quyền địa phương, các tổ chức xã hội là chính, đổi lại, Chính phủ Mỹ đã tạo ra

hệ thống thuế rất khuyến khích các cá nhân, doanh nghiệp hỗ trợ cho nghệ thuật.

Trong phần trao đổi ý kiến, chúng tôi hỏi về việc sử dụng lao động trong Dàn nhạc, ông

Thômas Carbines trả lời một cách cởi mở: "Khi có chương trình lớn thì chúng tôi thuê thêm một

số nhạc công giỏi. Nhạc công của chúng tôi cũng được tạo điều kiện để đi trình diễn ngoài Dàn

nhạc, như trình diễn cá nhân hoặc trình diễn cùng những nhóm khác nhằm có thêm thu nhập."

Chị Maicơn Naisơn, cộng tác viên giáo dục của Dàn nhạc, hỏi chúng tôi: "Tôi nghe nói Việt Nam

đang nhấn mạnh xây dựng nền văn hoá đậm đà bản sắc dân tộc. Có phải rằng làm như thế là

bởi Việt Nam sợ sự xâm nhập và ảnh hưởng của các nền văn hoá khác không?" Thế đủ biết

những người hoạt động văn hoá Mỹ cũng quan tâm đến văn hoá Việt Nam, nhưng thông tin

đến họ lại phiến diện, khiến họ có thể hiểu sai bản chất xã hội ta. Chúng tôi đáp lại rằng nói một

cách toàn diện, thì Việt nam chủ trương xây dựng một nền văn hoá tiên tiến, đậm đà bản sắc

dân tộc, kết hợp hài hoà giữa quá khứ và hiện tại, dân tộc và thế giới, không bài ngoại mà tiếp

thu có chọn lọc tinh hoa văn hoá thế giới.

Hội sân khấu múa (DTW)

Nằm ỏ tầng 5 số nhà 220 West phố 19th, Hội Sân khấu múa đang làm việc trong khung

cảnh chật chội, bởi vì đây chỉ là nơi làm việc tạm - trụ sở chính của Hội nằm ở khu đất đối diện,

đang được xây dựng với vốn đầu tư 12 triệu USD. Theo tài liệu do quỹ FORD cung cấp, thì Hội

Sân khấu là một tổ chức phi chính phủ, cũng là một trong những tổ chức nghệ thuật biểu diễn

ưu việt nhất nước Mỹ. Hội có trách nhiệm xác định và nuôi dưỡng các nghệ sĩ có tài mới xuất

hiện hoặc đang công tác trong các tổ chức nghệ thuật khác nhau, khuyến khích đông đảo công

chúng đến với các nghệ sĩ này cũng như các tác phẩm của họ. Hội tổ chức một nơi giao lưu cộng

đồng vì óc tưởng tượng và yêu cầu cần thiết phải ứng dụng óc tưởng tượng đó vào thế giới

ngày nay.

Theo lịch, thì Hội bố trí những người lãnh đạo đón tiếp chúng tôi, gồm Đavid R. Oai, Giám

đốc điều hành, Ca-thơ-ry Ét-Uốt, đồng Giám đốc Nghệ thuật, và Cay Bakơ, Giám đốc Dịch vụ

Nghệ thuật, nhưng khi chúng tôi đến thì chưa thấy ông giám đốc điều hành đâu. Trước khi vào

phòng khách, chị Ca-thơ-ry Ét-Uốt dẫn chúng tôi đi thăm các phòng làm việc. Đã vào nhiều

phòng làm việc ở Niu-Yoóc, tôi thấy người Mỹ ít quan tâm đến sự ngăn nắp và tính thẩm mỹ,

như những căn phòng này có những vật dụng gác cẩu thả trên các giá sát trần nhà mà trên đó,

các đường ống dẫn nước hay dẫn khí, đường điện... chạy lộn xộn trông đến rối mắt. Tất nhiên

đây là nơi làm việc tạm, nhưng kể cả những nơi làm việc ổn định, tính mỹ thuật cũng không có

gì đáng khen. Đổi lại, người Mỹ quan tâm đặc biệt đến tính tiện lợi của vật dụng. Phòng khách

nào cũng có bàn uống nước mà trên đó có một cái bình nước căm điện gồm nhiều ngăn đựng

nhiều thứ nước, chủ yếu là ba thứ: cà phê, chè, và nước sôi, một ít bánh trái điểm tâm, dưới

bàn là thùng rác. Phục vụ làm việc, các phòng đều trang bị máy vi tính đến từng cá nhân, và ở

phòng làm việc chung có các phương tiện nghe nhìn hiện đại. Giống như khi thăm các cơ quan

khác, tôi được giới thiệu trước hết là bộ phận gây quỹ, bộ phận ma két tinh. Tôi hiểu rằng đây là

những bộ phận hết sức quan trọng, góp phần chủ yếu tạo ra nguồn tài chính và hiệu quả hoạt

động của các đơn vị văn hoá nghệ thuật ở Mỹ. Khi ra hành lang, chị Ca-thơ-ry Ét-Uốt chỉ sang

ngôi nhà 11 tầng đang xây dựng, cho biết đó là trụ sở chính của Hội. Bên đó, các công nhân xây

dựng đang lắp ghép các khối bê tông vào khung nhà. Khác với phương pháp xây dựng bên ta,

anh Mỹ này giầu cho nên sử dụng rất nhiều sắt thép cho xây dựng: không đổ bê tông các cột trụ

hay thanh dầm mà ghép các thanh sắt khổng lồ vào nhau thành khung, rồi lắp các khối bê tông

nhẹ đúc sẵn làm sàn, vách, cho nên tiến độ xây dựng rất nhanh mà công trường lại không ngổn

ngang cát sỏi... Người phụ nữ Mỹ này rất tự hào với công trình đang xây dựng đó của Hội mình,

và nhắc đến ông Giám đốc điều hành với niềm kính trọng: "Công trình kia do ông Đavít R. Oai

chủ trì, lát nữa các bạn sẽ được ông ấy giới thiệu kỹ về nó. Các bạn sẽ thấy ông Đavít là một

người nhìn xa trông rộng". Cơ chế tổ chức ở Mỹ có chỗ khác biệt, đó là một ban lãnh đạo gồm

có nhiều giám đốc, trong đó giám đốc điều hành là người chịu trách nhiệm chung, các giám đốc

khác phụ trách từng lãnh vực, chứ không phải chỉ có một giám đốc và một số phó giám đốc như

ta. Qua cách nói của người phụ nữ này, tôi có thể hiểu rằng ông Đavít là người rất có uy tín,

được trọng nể.

Chị Ca-thơ-ry Ét-Uốt giới thiệu với chúng tôi quá trình hình thành và hoạt động của Hội

Sân khấu múa: Thành lập năm 1965, Hội Sân khấu múa như là một tập hợp của những nhà biên

đạo múa có nhiệt tâm cống hiến cho sự tài trợ và hỗ trợ cho công việc của đồng nghiệp và các

nghệ sĩ mới vào nghề. Nằm ở khu vực Chelsi, trong hơn 30 năm qua, Hội đã mở rộng tầm nhìn

ban đầu của mình để trở thành một tổ chức đa diện cống hiến cho việc phát triển các chương

trình và các nguồn lực có thể giúp cho các nghệ sĩ độc lập phát triển một cách chuyên nghiệp,

đồng thời tăng sự tham gia của quần chúng vào nghệ thuật. Với tư cách là một trong những

trung tâm nghệ thuật biểu diến có ảnh hưởng nhất ở Mỹ, Hội Sân khấu múa đã hỗ trợ cho 3 thế

hệ các nghệ sĩ có tài nhất của nước Mỹ. Gần 1.000 nghệ sĩ đã tìm thấy ngôi nhà nghệ thuật của

mình tại Nhà hát Bét-si Sơ-trong-bơ của Hội. Các chương trình của Hội đã phát triển thành

những mạng lưới được thiết lập một cách hữu hiệu có khả năng tăng cường đời sống của các

nghệ sĩ và của cộng đồng nơi họ phục vụ. Hơn 200 buổi hoà nhạc và trưng bày triển lãm bởi

khoảng 70 nghệ sĩ múa, sân khấu, âm nhạc và video được Hội tài trợ hàng năm, khiến Hội trở

thành một trong những nhà sản xuất năng động nhất nước Mỹ. Các nghệ sĩ nhận được tiền tài

trợ cho các tác phẩm mới của họ từ chương trình đặt hàng của Hội mang tên Ánh sáng đầu tiên.

Mức đầu tư cho việc đặt hàng tạo ra tác phẩm mới này là từ 3.000 đến 10.000 USD cho 1 nghệ

sĩ, mà thông thường là 3.000 USD. Tham gia các hoạt động do Hội tổ chức, các nghệ sĩ có cơ hội

để thể hiện và mài dũa tài năng nghệ thuật của mình trong một môi trường vừa mang tính hỗ

trợ vừa mang tính phê bình sắc sảo. Ca-thơ-ry Ét-Uốt kể ra hàng chục tên của các nghệ sĩ nổi

tiếng cùng với con số hàng trăm nghệ sĩ tài danh khác mà khởi nghiệp của họ là tại Hội, đã góp

phần quan trọng tạo nên bức tranh văn hoá Mỹ. Chị nói một cách tự hào: "Hàng năm chúng tôi

đón tiếp rất nhiều đoàn nghệ thuật, không chỉ có múa mà cả sân khấu, âm nhạc, múa rối, tổ

chức biểu diễn cho đa dạng nghệ sĩ từ những người lần đầu lên sàn diễn đến những nghệ sĩ

thành danh. Từ sân khấu của chúng tôi, rất nhiều nghệ sĩ đã nổi tiếng trên thế giới. Chúng tôi là

nhà vô địch trong việc lăng xê nghệ sĩ mới".

Trong vô số hoạt động hữu ích của mình, Hội Sân khấu múa coi việc phục vụ cho cộng

đồng nghệ sĩ biểu diễn là một hoạt động trọng tâm. Cùng với các chương trình tà i trợ, hàng

năm Hội cung cấp gần 40 dịch vụ kỹ thuật, quản lý và tiếp thị cho hơn 500 nghệ sĩ và các đoàn

nghệ thuật nhỏ thông qua chương trình Dịch vụ nghệ sĩ. Chương trình này đón nhận tất cả các

nghệ sĩ độc lập, các đoàn và các đơn vị nghệ thuật có quan tâm, giải phóng nghệ sĩ khỏi gánh

nặng quản lý luôn xuất hiện trong khi tổ chức các chương trình biểu diễn, tạo cho nghệ sĩ khả

năng tìm được nguồn tài trợ và thiết lập sự hỗ trợ giữa các nghệ sĩ với nhau trong một bối cảnh

xã hội bị phân quyền và luôn bị tách biệt.

Những hoạt động quan trọng khác của Hội có Giải thưởng múa và biểu diễn Niu-Yoóc

hàng năm, chương trình Óc tưởng tượng của công chúng - trong đó bao gồm một dự án nghệ sĩ

thường trú và một số chương trình văn hoá cộng đồng đang được thực hiện, được thiết kế làm

tăng khả năng đến với nghệ thuật của công chúng và làm cho cộng đồng địa phương của Hội trở

thành một đối tác toàn diện hơn trong công việc chung của Hội. Chương trình Óc tưởng tượng

của công chúng đưa nghệ sĩ đến gần với công chúng, mỗi năm cấp tiền cho 6 nghệ sĩ để họ đến

với các cộng đồng.

Quỹ valy là một dự án được tài trợ bởi hãng Rockơfellơ do Hội điều hành, giúp cho các

nghệ sĩ và các dự án có sự giao thoa giữa các nền văn hoá, từ đó loại bỏ những rào cản kinh tế

và địa lý cản trở các nghệ sĩ có thể tiếp cận với những nền văn hoá khác. Một loạt hoạt động

trao đổi văn hoá có sự tham gia của các nghệ sĩ múa Việt Nam đã được phát động trong một vài

năm gần đây trong phạm vi của dự án.

Chị Ca-thơ-ry Ét-Uốt khẳng định: "Trong bối cảnh Chính phủ và các quỹ rất ít tài trợ cho

nghệ sĩ, thì những hoạt động trên đây của Hội Sân khấu múa rất quan trọng đối với sự phát

triển của nghệ thuật và hình thành bộ mặt văn hoá của nước Mỹ"

Mãi 10 giờ 30 phút, ông Đavít R. Oai, Giám đốc điều hành Hội Sân khấu múa, mới tất tả đi

tới. Đội mũ lưỡi trai, đeo kính đen, người chắc, tay xách một gói thức ăn nguội, trông ông có

dáng vẻ của một nhà thể thao nhiều hơn. Xin lỗi vì lý do xe điện ngầm trục trặc cho nên đến

muộn, ông đưa ra một nhận xét: "Bây giờ ngay cả xe điện ngầm cũng lâm vào tình trạng tồi tệ.

Giao thông ở đây có thể kém cỏi hơn ở Đông Nam Á". Liền đó, ông mở bịch đồ ăn, lấy chai

nước, cắm que hút một hơi, rồi bắt đầu nói về hoạt động của Hội. Ông nói: "Chúng tôi quan tâm

đến hai loại: một là xây dựng một cộng đồng nghệ thuật, hai là tài trợ cho nghệ sĩ để họ có thể

đứng vững trong cộng đồng nghệ thuật. Tới nay, chúng tôi có 900 nghệ sĩ là hội viên. Chúng tôi

cũng tìm cách làm cho các nghệ sĩ đã thành danh quay lại giúp đỡ các nghệ sĩ trẻ."

Không biết là căn cứ vào các tài liệu nào, mà ông giám đốc nói chắc chắn như sau: "Tôi

biết là Việt Nam đang muốn đổi mới hoạt dộng văn hoá bằng cách xã hội hoá. Chúng tôi gọi là

tư nhân hoá. Cách xây dựng cộng đồng nghệ thuật, cộng đồng văn hoá ở Việt Nam và Mỹ cơ

bản là giống nhau. Bởi vì, khi xây dựng một cộng đồng nghệ thuật (văn hoá) cần ba yếu tố: Nghệ

sĩ - công chúng, Tổ chức trung gian, Cơ chế hỗ trợ. Cả ba yếu tố trên đây đều cần được nuôi

dưỡng."

Cách nghĩ về xã hội hoá hoạt động văn hoá như trên của ông Đavít không phù hợp với

cách nghĩ của chúng tôi, bởi vì ở Việt Nam, xã hội hoá không đồng nghĩa với tư nhân hoá.

Hết sức nhiệt tình và quyết đoán, ông Đavít khẳng định: "Khi hỗ trợ cộng đồng nghệ

thuật phát triển, chúng tôi không phân biệt giữa nghệ thuật truyền thống với nghệ thuật đương

đại (thể nghiệm), chỉ phân biệt loại hình văn hoá quen thuộc với loại hình văn hoá chưa quen

thuộc. Hiện nay, công chúng không chỉ những người lớn tuổi mà cả lớp trẻ có rất ít thông tin về

sự hỗ trợ cho nghệ thuật. Dù cách tiếp cận thế nào, cũng thấy rằng tương lai của bản chất văn

hoá phụ thuộc rất nhiều vào lớp nghệ sĩ trẻ mà chúng ta chưa biết đến họ. Chúng tôi tập trung

hỗ trợ nghệ sĩ bất kể họ có ở tổ chức nghệ thuật nào không, hỗ trợ cho cả những nghệ sĩ độc

lập, cũng không phân biệt nghệ sĩ có được đào tạo hay không. Muốn tăng cường văn hoá,

không phải chỉ đầu tư cho các đơn vị văn hoá. Nền văn hoá của Mỹ được mạnh lên không phải

do các đơn vị nghệ thuật, mà là do các nghệ sĩ - các đơn vị chỉ đóng vai trò trung gian, tổ chức

hoạt động chứ không đóng vai trò sáng tạo nghệ thuật. Gần đây chúng tôi đã thay đổi quan

điểm đầu tư, tức là không chỉ tài trợ tập trung cho dự án, mà tài trợ cho cả quá trình lao động

của nghệ sĩ. Việc quan trọng nhất trong quá trình phát triển là khuyến khích cá nhân. Chúng tôi

không muốn các đơn vị nghệ thuật tạo ra mô hình chuẩn cho nền văn hoá mà là các nghệ sĩ

sáng tạo ra. Chúng tôi đã cử rất nhiều nghệ sĩ đến Đông Nam Á, ở đó có một số nghệ sĩ phát

triển từ thế giới truyền thống lên và trở thành nghệ sĩ của thế giới hiện đại. "

Có lẽ thấy vị giám đốc của mình hăng hái quá, đã nói cả vào những nội dung vừa được

mình trình bầy hồi nãy, chị Ca-thơ-ry Ét-Uốt nhắc: "Thưa ông, các bạn Việt Nam rất quan tâm

đến trụ sở mới của Hội mà chúng ta đang xây dựng!" Như được gãi đúng chỗ ngứa, ông Đavít

càng thêm sôi nổi: "Để có trụ sở kia, chúng tôi đã mua đất cách đây 5 năm." Dừng lời, nháy mắt

và cười hóm hỉnh, ông Đavít tiếp: "Tay chủ đất ấy cũng chẳng tốt đâu, bán đất cho nghệ sĩ mà

không có sự ưu đãi nào. Nhưng không sao, chỉ 5 năm nữa thôi, thị trường mỹ thuật của thành

phố sẽ chuyển về khu vực này, lúc ấy giá đất sẽ tăng lên gấp nhiều lần. Mà lúc trước chúng tôi

chỉ phải trả tiền cho việc mua đất, còn khoảng không thì được miễn phí. Bây giờ, không dùng

hết khoảng không, chúng tôi bán cho người ta đầu tư tiếp cũng thu được 3,3 triệu USD." Ông

Đavít giảng giải: "Các ngài có biết không, chúng tôi phải mở cả một chiến dịch quyên tiền để xây

dựng trụ sở đấy. Tới nay, đã quyên được 11 triệu rưỡi USD rồi, phần lớn do các cá nhân đóng

góp. Chúng tôi chi 10% tiền quyên được cho chiến dịch này. Cộng với 3 triệu 3 USD bán khoảng

không, là thừa tiền xây dựng rồi. Người ta xây dựng thêm 7 tầng trên 4 tầng của chúng tôi để

làm chung cư cho thuê. Chúng tôi cũng sẽ được hưởng một phần lợi nhuận trong việc cho thuê

chung cư đó."

Cách thức mà chính quyền Niu-Yoóc thực hiện với Hội Sân khấu múa là một cơ chế rất

thoáng, tạo cơ hội cho các đơn vị văn hoá có thêm nguồn thu mà tự lực hoạt động.

Sau khi chúc mọi người có chuyến làm việc tại Mỹ đầy hiệu quả, ông giám đốc Đavít tất tả

xách túi đồ ăn nguội đi vì "có việc gấp".

Chị Cay Bakơ, Giám đốc Dịch vụ Nghệ thuật, giới thiệu với chúng tôi về các loại dịch vụ

phục vụ các nghệ sĩ trên 4 nhóm công việc chính là: Quảng cáo, Kinh tế - tài chính, Sân khấu -

nhà hát để trình diễn, và Thông tin. Hiện nay, có 900 nghệ sĩ tham gia đóng hội phí để đựoc

hưởng sự phục vụ này. Những nghệ sĩ đóng hội phí ở mức 30 USD một năm sẽ được hưởng ưu

đãi về bảo hiểm y tế, chi phí thuê rạp biểu diễn. Những nghệ sĩ đóng hội phí ở mức 85 USD một

năm (một nửa số hội viên) sẽ được hưởng ưu đãi trên tất cả 4 nhóm dịch vụ trên đây. Chị Cay

Bakơ nói cụ thể hơn: "Hoạt động nghệ thuật và tổ chức biểu diễn có nhiều gánh nặng đè lên vai

nghệ sĩ, cần có người chia sẻ. Chúng tôi làm giảm bớt gánh nặng đó bằng cách giúp nghệ sĩ

quảng cáo, thuê rạp ở mức chi thấp nhất, giao lưu với những khán giả ưa thích họ, gửi tài liệu

tuyên truyền về nghệ sĩ đó cùng với những tác phẩm, chương trình biểu diễn của họ cho các cơ

quan báo chí." Chị giảng giải cho chúng tôi biết về những nguyên tắc trong bảo hiểm ở Mỹ và

nói: "Nếu cá nhân mua bảo hiểm y tế, sẽ rất đắt. Chúng tôi tập hợp các nghệ sĩ để mua bảo

hiểm theo Hội thì sẽ rẻ hơn rất nhiều. Khi thuê rạp biểu diễn, các nghệ sĩ là Hội viên cũng được

hưởng những lợi ích tài chính đáng kể. Gần đây, do thương trường phát triển, tiền thuê các rạp

hát tại Malhatan tăng lên rất cao, làm cho các nghệ sĩ gặp rất nhiều khó khăn. Nhưng nhờ sự

giúp đỡ của Hội, các nghệ sĩ được thuê rạp với giá giảm thiểu: thông thường thuê 50 USD một

giờ, nhưng qua Hội chỉ thuê 10 USD một giờ. Năm ngoái, Hội đã tài trợ cho mỗi nghệ sĩ từ 300

đến 750 đôla để bù đắp vào khoản tiền thuê rạp hát." Chị Cay Bakơ còn cho biết Hội thường tổ

chức những hội thảo cho nghệ sĩ (2-3 lần mỗi năm), tổ chức cho nghệ sĩ gặp gỡ những nhà sản

xuất, những người có khả năng tổ chức cho nghệ sĩ biểu diễn. Chị Cay Bakơ khẳng định: "Hội

chúng tôi đấu tranh vì quyền lợi nghệ sĩ, tư vấn cho nghệ sĩ, và làm cầu nối giữa các nghệ sĩ với

các nhà tài trợ. Tài trợ thông qua các tổ chức của Hội thì sẽ đỡ phức tạp hơn cho nghệ sĩ và nhà

tài trợ."

Chị Ca-thơ-ry Ét-Uốt bổ sung: "Đã 25 năm nay chúng tôi có 1 chương trình quốc tế gọi là

Quỹ valy. Mục đích cũng là quyên tiền cho nghệ sĩ tham gia các hoạt động giao lưu quốc tế. Quỹ

valy đã tích luỹ được 4 triệu USD. Năm 2.000, chúng tôi chi 200.000 USD cho các nghệ sĩ, tổ

chức để họ thực hiện dự án của họ. Đã đồng tài trợ cho các dự án của các nghệ sĩ ở khoảng 50

quốc gia. Một vài năm gần đây, chúng tôi tập trung cho Châu Á, Đông Âu. Hiện nay, chúng tôi đã

phối hợp với hơn 20 đơn vị nghệ thuật ở Đông Âu, thảo luận với họ cách sử dụng tiền quyên

được từ nước Mỹ. Trong việc thúc đẩy quan hệ quốc tế về nghệ thuật, chúng tôi thực hiện

nhiều việc như: tài trợ cho sự liên kết của 1 nghệ sĩ Mỹ với 1 nghệ sĩ nước ngoài, tổ chức họp

mặt theo mạng lưới (các nghệ sĩ trong khu vực), mời các nhà quản lý nghệ thuật tới để đào tạo

nghiệp vụ quản lý (trao đổi kinh nghiệm với nhau), mời nghệ sĩ nước khác đến biểu diễn và

thuyết trình trong hội thảo. Hàng năm, chúng tôi tổ chức biểu diễn cho 70 nghệ sĩ thì có từ 7

đến 10 người là nghệ sĩ từ các nước khác đến. Đối với hoạt động giao lưu của nghệ sĩ, chúng tôi

chỉ tài trợ từ 1.500 đến 3.000 USD cho 1 nghệ sĩ chứ không nhiều. Còn nếu giúp họ ra nước

ngoài thì chúng tôi chỉ cấp vé máy bay đi lại; nước tiếp đón phải lo cho họ ăn ở. Năm 2.000, Quỹ

valy đã tài trợ cho 19 nghệ sĩ đi các nước Việt Nam, Lào, Thái Lan. Tháng 8 năm 2.001, Hội đã

gặp các nghệ sĩ này để nghe ý kiến của họ, xem họ đánh giá thế nào, có muốn tiếp tục thực hiện

dự án không? Như vậy là chúng tôi đã thực hiện một chuyến nghiên cứu nghệ thuật các nước

Đông Nam Á dưới con mắt nghệ sĩ chứ không phải là nhà nghiên cứu. Các nghệ sĩ này rất phấn

khởi, mong muốn tiếp tục dự án. Sang năm chúng tôi sẽ sang Việt Nam xem xét việc xây dựng

lại dự án ở Việt Nam".

Một số phòng tranh

Tại Mỹ, việc bán các tác phẩm mỹ thuật có giá trị hầu hết phải thông qua các phòng tranh

do những nhà chuyên kinh doanh nghệ thuật tổ chức, chứ các tác giả thường không đứng ra

bán tác phẩm của mình. Chính vì thế mà ở Mỹ, các phòng tranh mọc ra như nấm. Người ta chia

ra nhiều loại phòng tranh: loại trưng bày tác phẩm của những hoạ sĩ đã nổi tiếng, loại của các

hoạ sĩ mới, loại đã được giới thiệu và đang cần được tiếp tục giới thiệu để trở nên nổi tiếng.

Người hướng dẫn cho chúng tôi đi tham quan các phòng tranh ở Niu-Yoóc là nữ giáo sư Sandra

Lang, chủ nhiệm khoa quản lý mỹ thuật trường đại học Niu-Yoóc. Chị cho biết nét đặc thù trong

hoạt động của các phòng tranh là Giám đốc có trách nhiệm quan hệ chặt chẽ với các nghệ sĩ để

lựa chọn hoặc đặt hàng các tác phẩm trưng bày. Người Mỹ thường coi trọng danh tiếng, vì thế

người ta luôn luôn nói đến những cái nhất của mình hoặc của những đối tác của mình: có uy tín

nhất, hiện đại nhất, lớn nhất, độc đáo nhất, có địa bàn hoạt động rộng nhất, có nhiều quan hệ

với thế giới nhất, vân vân và vân vân. Chính vì vậy mà những người giầu có ở Mỹ hoặc ở các

nước khác đến Mỹ muốn mua tranh thường tìm đến các phòng tranh nổi tiếng. Cũng chính vì

vậy, các hoạ sĩ đều muốn trưng bày và gửi bán tranh của mình tại những phòng tranh lớn với

những nhà sưu tập nổi tiếng. Và thế là hình thành cặp đôi cộng sinh: nhà sưu tập tranh và nghệ

sĩ. Để đảm nhận tốt nhiệm vụ, Giám đốc phòng tranh phải có đôi mắt tốt để thẩm định tác

phẩm, đồng thời phải có đôi tai tốt để nghe yêu cầu của thị trường, tạo uy tín cho phòng tranh

của mình. Quan hệ giữa chủ phòng tranh và nghệ sĩ rất thoải mái và sòng phẳng: việc treo tranh

được hai bên thoả thuận mà không có gì ràng buộc, thường treo từ 4 đến 6 tuần, khi bán được

thì hưởng theo tỷ lệ 50/50 giá trị bức tranh. Nếu không bán được, nghệ sĩ đem tranh về và

không phải thanh toán công treo tranh, cũng như không được nhận tiền "nhuận treo." Tuy có

chung mô hình như vậy, nhưng phương thức hoạt động của mỗi phòng tranh lại có những nét

riêng. Theo lời giới thiệu của nữ giáo sư Sandra Lang, thì ở khu vực này có tới 200 phòng tranh.

Chúng tôi chỉ đi thăm 4 phòng tranh.

Phòng tranh thứ nhất có tên gọi DIE chỉ triển lãm tranh của những nghệ sĩ đã ổn định

nghề nghiệp, nổi tiếng. Theo lời giới thiệu, thì hoạt động của phòng tranh này không nhằm lợi

nhuận, nhưng giá vé vào cửa là 6 USD một người. Tầng một của phòng tranh được chia làm hai

phòng, đều có trưng bày mỹ thuật. Người phụ trách tầng này cho biết người ta vừa mới cho tu

sửa căn nhà này theo kiểu hiện đại và phù hợp với nơi trưng bày mỹ thuật. Lúc này, phòng

tranh đang có một cuộc trưng bày khá lạ lùng: toàn bộ trần của hai phòng thuộc tầng một được

chăng các dải lụa mầu vàng, đỏ chạy ngang dọc như mắc võng và có những dải rủ lòng thòng

xuống phòng. Một đôi nơi có thả thõng xuống từ trần nhà một chiếc micrô mà dưới sàn đối

diện là một bệ gỗ. Đang ngơ ngác không hiểu đây là loại mỹ thuật gì, thì chúng tôi được giới

thiệu là nơi này thể hiện sự kết hợp giữa mỹ thuật và công nghệ. Người hướng dẫn đứng vào

một bệ gỗ, ghé miệng nói mấy tiếng vào chiếc micrô, lập tức từ các "vòm lụa" trên trần nhà dội

lại một âm thanh âm âm. Những âm thanh mơ hồ ấy kết hợp với mầu sắc mạnh và đường nét

rối rắm của các dải lụa tạo ra một ảo giác về một cõi thần bí. Tuy vậy, chúng tôi cũng khó có thể

có cảm xúc với loại hình mỹ thuật này. Người hướng dẫn đưa chúng tôi lên tuốt sân thượng để

"giới thiệu một tác phẩm mỹ thuật độc đáo". Đứng trên tầng thượng cao chót vót, gió lồng

lộng, chúng tôi lại một lần nữa ngơ ngác không hiểu tác phẩm mỹ thuật độc đáo kia đâu. Người

hướng dẫn đưa chúng tôi về phía giữa sân thượng, chỉ vào một "căn phòng" bằng kính và nói

rất tự hào: "Đây là tác phẩm kết hợp thành công giữa nghệ thuật và công nghệ. Những tấm kính

dùng để ghép căn phòng này có độ khúc xạ ánh sáng khác nhau, cho nên khi vào trong phòng

nhìn ra, sẽ có những cảm giác siêu thực!". Trong khi chúng tôi thận trọng len theo hành lang

nhỏ được tạo thành bởi những tấm kính, thì nữ hướng dẫn viên nói tiếp: "Lúc đầu, chúng tôi

đặt hàng cho tác giả trưng bày tác phẩm này ở đây ba tháng, nhưng vì giá trị của nó được khẳng

định mạnh mẽ quá, chúng tôi đã mua đứt tác phẩm này." Tôi đứng giữa phòng kính nhìn quanh,

không thấy có gì đặc biệt. Nhưng khi nhìn kỹ về hướng Tây, thấy tấm kính in hình những đám

mây chiều cuồn cuộn và xuyên qua tấm kính ấy là những ngôi nhà đồ sộ của Niu-Yoóc, thì một

cảm giác kỳ ảo xuất hiện: cái khối nhà đồ sộ kia như đang nổi bồng bềnh trên mây và tôi như

đang phiêu du trong cõi bồng lai! Lúc này thì tôi tin vào lời giới thiệu của nữ hướng dẫn viên.

Chắc chắn là vào những giờ khác nhau, với cường độ ánh sáng và độ chếch khác nhau của mặt

trời, người đứng trong phòng kính nhìn ra sẽ nhận được những hình ảnh khác nhau, tạo ra

những cảm giác khác nhau. Xin ghi nhận tính độc đáo của sự tìm tòi kết hợp nghệ thuật và công

nghệ. Chúng tôi được hướng dẫn đi theo cầu thang chứ không đi thang máy để xuống dần từng

tầng mà xem các phòng tranh khác nhau. Tôi gặp mấy thanh thiếu niên cắp cặp và bút vẽ đi

ngược lên. Có lẽ đấy là học sinh mỹ thuật tới để thực tập. Phòng trưng bày tiếp theo, không giới

thiệu cũng thấy ngay tính độc đáo của nó: không có bức tranh nào, mà chỉ có 5 máy chiếu

phóng hình ảnh xuống sàn nhà và tường. Thế là tạo ra một bức tranh không gian ba chiều sống

động, trên đó là cảnh mùa thu vàng với những chú ong bay rộn rã. Thấy chúng tôi trầm trồ khen

ngợi, cô hướng dẫn viên hào hứng: "Nghệ sĩ tạo ra bức tranh có một không hai trên thế giới này

là một nữ hoạ sĩ kiêm kỹ sư. Chị ấy đã phải mất nhiều năm nghiên cứu và sáng tạo mới đi đến

kết quả này. Nhưng các ngài cần lưu ý, ngay cả bức tường cùng hai cái cửa sổ kia, và cả ánh

sáng tự nhiên nữa, mới làm nên một bức tranh hoàn chỉnh như thế này. Nữ hoạ sĩ đã phải thay

đổi nhiều lần vị trí đặt 5 máy chiếu mới tìm được sự hài hoà đến tuyệt đốí giữa hình ảnh trong

phim và bối cảnh thực như các ngài thấy đó. Khi ánh sáng thay đổi theo các giờ khác nhau thì

bức tranh này cũng có những sắc thái khác nhau". Đến đây, tôi chợt nhớ tới tài liệu của quỹ

FORD có nói đến mối tình của nước Mỹ với công nghệ. Trong thế kỷ 20, phim ảnh, truyền hình,

radio, máy quay đĩa và và máy vi tính đã tạo nên một nền văn hoá đại chúng chiếm tỉ lệ rất lớn.

Và bây giời, công nghệ đã tác động mạnh mẽ cả vào nghề vẽ vốn là một nghề không liên quan

nhiều lắm đến công nghệ. Mối tình với công nghệ của Mỹ sẽ còn thắm thiết hơn nữa khi nó

được biểu hiện trên lĩnh vực công nghệ thông tin mà Mỹ đang làm bá chủ.

Phòng tranh thứ hai có giám đốc tên là Max, một người có tính khôi hài. Ông cho biết

phải là người đam mê nghệ thuật mới làm được chủ phòng tranh. Ông Max làm nghề này 30

năm nay, luôn luôn có sự cộng tác chặt chẽ với các hoạ sĩ. Các hoạ sĩ đã treo tranh ở đây thì

không treo ở nơi khác nữa, nhưng nếu nơi khác muốn treo thì phải thông qua ông. Đó cũng là

một biện pháp quản lý, không làm bão hoà thị trường tranh. Ông Max xác nhận đây là một

phòng tranh thương mại, luôn phải nghĩ đến lợi nhuận. Tranh ở đây thường có khổ lớn và thể

hiện bằng sơn dầu, có giá rất cao. Ví dụ bức tranh treo ở đưới tầng hầm mà chúng tôi hỏi là một

bức sơn dầu rộng khoảng 2 mét X 2 mét rưỡi, vẽ phong cảnh, giá 130.000 USD. Mỗi năm phòng

tranh này bán được khoảng 1.000 đến 2.000 bức tranh.

Chủ nhân phòng tranh thứ ba là một phụ nữ nhỏ nhắn, mới vào nghề 3 năm nay. Chị là

một thạc sĩ về quản lý nghệ thuật, đã tốt nghiệp đại học mỹ thuật năm 1997 ở Đại học Niu-Yoóc

và đã từng có một triển lãm nhỏ trưng bày những tác phẩm của mình. Phòng tranh tập trung

vào những tác phẩm của những nghệ sĩ mới xuất hiện, chọn lọc những bức tranh đương đại,

hiện đại, đòi hỏi người xem phải suy nghĩ nhiều. Chị cho biết tiêu chuẩn của phòng tranh là

chọn những hoạ sĩ mà chị thấy thích và những hoạ sĩ yêu nghề, còn chị thì thích nhất là trường

phái tối thiểu, tức là loại tranh rất đơn giản, giống như những bức tranh cổ động của Việt Nam,

ít đường nét và nhiều màu, cũng giống như những phim hoạt hình của Mỹ. Những hoạ sĩ đã có

tranh trưng bày tại đây thường giới thiệu những hoạ sĩ khác cho phòng tranh, nhờ đó, số lượng

tác giả và tác phẩm cộng tác với phòng tranh ngày một tăng. Phòng tranh này độc quyền triển

lãm tranh của những hoạ sĩ mới vào nghề. Tuy vậy, những hoạ sĩ này cũng có quyền đưa tranh

đi trưng bày ở các phòng tranh khác trong và ngoài nước Mỹ. Được hỏi về tổng số vốn đầu tư

vào phòng tranh, chị nói không thể tính được, vì đầu tư nhiều lần, từ bất động sản, các thiết bị

treo tranh tại phòng này, đến các biện pháp quảng cáo giúp các hoạ sĩ thiết lập thị trường. Giá

thuê nhà ở khu vực này là 50 USD một phít vuông một tháng, như vậy riêng tiền thuê nhà chị

phải chi 120.000 USD một năm. Chị nói thật là dù muốn, cũng không có khả năng mua hết các

tranh treo ở đây, do vậy chị chỉ giúp các hoạ sĩ thiết lập thị trường mà thôi. Giá tranh ở đây thấp

hơn so với các phòng tranh khác, thường là 1.500 đến 2.000 USD một bức, loại rẻ thậm chí chỉ

vài trăm USD, bức đắt cũng chỉ lên 5.000 USD, bức đắt nhất đã bán là 25.000 USD. Sở dĩ tranh ở

đây giá rẻ vì tác giả của chúng còn trẻ, chưa nổi danh, mặt khác những tranh này lại khác lạ,

người xem chưa thể hiểu ngay để mà thích được. Chị chủ phòng tranh hướng mắt về phía giáo

sư Mác-tin Su-lơ-man và nói: "Ngay vị giáo sư này cũng nói rằng những bức tranh ở đây có rất

nhiều thách thức đối với người xem, cho nên ông ấy cũng chưa có thể nói rằng chúng đẹp hay

không đẹp, ông ấy thích hay không thích." Giáo sư Mác-tin Su-lơ-man nói xen vào: "Dù có vì lợi

nhuận hay không, thì ngoài tiền bạc ra, cũng phải có sự đam mê nghệ thuật nữa."

Phòng tranh thứ tư đã hoạt động 40 năm. Hoạ sĩ tham gia triển lãm tại phòng tranh này

đều là những người nổi tiếng. Chúng tôi thấy phòng tranh này đang trưng bày tranh của A-lếch

Kát, mà theo lời giám đốc phòng tranh giới thiệu thuộc "giữa trường phái trừu tượng và trường

phái sau trừu tượng". Đó là những bức tranh màu dầu khổ lớn, có bức choán gần hết bức tường

chính diện vẽ hình mấy nhóm người đứng trò chuyện trong vườn cây. Bên cạnh đó là một số

bức tranh sơn dầu, mầu dầu cỡ nhỏ treo sát nhau. Giám đốc phòng tranh cho biết tranh của tác

giả này giá bán khá cao, bức nhỏ có giá 12.000 USD, bức lớn giá mấy trăm nghìn USD. Phòng

tranh còn có những tác phẩm giá trị của những hoạ sĩ bậc thầy đã qua đời, như Picátxô. Thấy

tranh quá lớn, tôi hỏi ai có thể mua, thì được ông giám đốc trả lời: "Chúng tôi nhằm vào khách

hàng là những công ty, hoặc những nhà sưu tập có phòng trưng bày rộng." Phòng tranh này mở

cửa miễn phí cho mọi người vào xem, kể cả những người chỉ vào xem mà không có ý định mua

tranh. Giám đốc tự gới thiệu đây là một trong những triển lãm thành công nhất tại khu vực này,

mà nguyên nhân thành công là người chủ luôn luôn chú trọng đến nghệ sĩ. Chúng tôi được biết

ông là một nhà chuyên môn cao, được chủ công ty thuê để phụ trách phòng tranh này. Ông có

thái độ niềm nở và chu đáo. Thấy mọi người quan tâm đến cuốn sách giới thiệu phòng tranh,

ông nói rằng đó là ấn phẩm thương mại, nhưng cũng có thể dùng để biếu tặng, và xăng xái lấy

ngay ra mấy cuốn tặng chúng tôi. Ông nói với chúng tôi rằng uy tín của phòng tranh sẽ làm cho

tranh bán được giá cao. Ông kể với chúng tôi rằng chủ nhân của phòng tranh này lúc đầu là sinh

viên ở Bôx-tơn, chỉ có 10.000 USD để khởi dựng cơ nghiệp, không đủ tiền thuê nhân công, phải

huy động cả vợ con ra treo tranh, lúc đó bán tranh với giá thấp, chỉ mấy nghìn USD một bức, vì

phòng tranh chưa có danh tiếng, nếu như để đến bây giờ thì phải bán vài trăm nghìn USD một

bức.

Qua 4 phòng tranh, tôi đều thấy sự chuẩn bị chu đáo về tuyên truyền. Phòng tranh nào

cũng có áp phích quảng cáo, có ca-tơ-lô, thậm chí có những cuốn sách in rất đẹp giới thiệu các

tác phẩm được bầy bán. Một đặc tính chung đáng quan tâm là mối quan hệ mật thiết giữa các

giám đốc phòng tranh với nghệ sĩ, đó là mối quan hệ cộng sinh, nâng đỡ nhau trong hoạt động

sáng tạo và thu lợi nhuận, mà trong đó, để bán được tranh với giá cao, bên cạnh giá trị nghệ

thuật, còn có yếu tố cũng mang tính quyết định là uy tín của phòng tranh. Có lẽ ở nước ta, khó

có hoạ sĩ nào chấp nhận tỷ lệ ăn chia 50/50 giữa người sáng tạo ra tác phẩm và người bán tác

phẩm như thế này.

Bảo tàng Mỹ thuật Mêtrôpôlitan

Với địa chỉ: số 1.000 Đại lộ 5 phố 82, Bảo tàng Mỹ thuật Mêtrôpôlitan nằm ở một khu vực

có nhiều cây cối xanh tươi vào loại nhất của Niu-Yoóc. Phần trưng bày về kiến trúc của bảo tàng

này còn được đặt ngoài sân, tiếp giáp với một công viên, tạo một cầu nối giữa hiện vật trưng

bày và cỏ cây hoa lá ngoài trời, làm cho bảo tàng gắn kết chặt chẽ với thiên nhiên, tạo nên một

cảm giác dễ chịu cho người xem sau khi đã khá mệt mỏi vì "lùng sục" qua các phòng trưng bày

ngồn ngộn những hiện vật.

Hướng dẫn chúng tôi tham quan là Mary Bét-thơ O-re-ly, một phụ nữ khoảng 50 tuổi,

dáng người đậm nhưng khá nhanh nhẹn và rất tận tâm. Đáng nể, chị không phải là nhân viên ăn

lương của bảo tàng, mà là một tình nguyện viên hướng dẫn tham quan. Chị cho biết mỗi ngày ở

đây có 4 tua tham quan có hướng dẫn, nhưng khách có thể tự đi xem những nơi mình thích mà

không theo tua cũng được. Vào bảo tàng, tôi gặp rất nhiều học sinh. Các em đi thành từng tốp,

có giáo viên hướng dẫn. Dọc các hành lang, người ta đặt nhiều ghế băng, thậm chí cả sàn gỗ

lớn, để khách nghỉ chân. Người hướng dẫn cho biết chúng tôi sẽ đi thăm bảo tàng chỉ trong

vòng 45 phút, cho nên chỉ có thể thăm những nơi đáng quan tâm nhất.

Chúng tôi được giới thiệu khái quát về bảo tàng Mỹ thuật Mêtrôpôlitan như sau:

Với hơn 5 triệu lượt khách hàng năm, Bảo tàng Mỹ thuật Mêtrôpôlitan (thường gọi là

"The Mét") là nơi thu hút khách du lịch nhiều nhất ở Niu-Yoóc.

Được thành lập năm 1870, bộ sưu tập của Bảo tàng hiện gồm hơn 2 triệu tác phẩm nghệ

thuật các loại từ thời cổ đại cho đến hiện đại. Bảo tàng phân loại và trưng bày các hiện vật theo

nội dung như sau:

Bộ sưu tập Nghệ thuật trang trí Mỹ gồm có đồ đạc, đồ bạc, thiếc, thuỷ tinh, gốm và hàng

dệt may từ cuối thế kỷ 17 đến đầu thế kỷ 20, cũng như nền kiến trúc trong nước được thể hiện

trong những căn phòng được bố trí theo từng thời kỳ, cùng với các bức chân dung, tranh phong

cảnh, tranh về lịch sử, tĩnh vật, nghệ thuật dân gian và điêu khắc từ thời thuộc địa đến đầu thế

kỷ 20.

Bộ sưu tập Nghệ thuật Cận Đông cổ đại gồm các tác phẩm chạm khắc và điêu khắc bằng

đá, ngà voi và các hiện vật làm bằng các kim loại quý từ rất nhiều nơi và rất nhiều thời kỳ khác

nhau - từ xứ Anatôli đến thung lũng In-đớt, từ thời kỳ đồ đá mới (8.000 năm trước Giáo hội Anh

quốc) đến thời kỳ chinh phục của người Ảrập (thế kỷ thứ 7 Giáo hội Anh quốc).

Bộ sưu tập Vũ khí và các loại xe bọc thép bao gồm các loại thiết giáp, chiến xa, cộng với

vũ khí và trang phục võ thuật với vẻ đẹp trang trí và điêu khắc đến từ Châu Âu, Châu Á, Trung

Đông và Châu Mỹ.

Bộ sưu tập Nghệ thuật Châu Phi, Châu Đại Dương và Châu Mỹ bao gồm các vật làm lễ và

các tác phẩm tưởng niệm, tư trang, dụng cụ sử dụng hàng ngày đến từ ba lục địa và hàng loạt

các đảo nhỏ ở Thái Bình Dương, từ 2.500 năm trước Giáo hội Anh quốc đến hiện tại.

Bộ sưu tập Nghệ thuật Châu Á bao gồm các bức tranh, thư pháp, in ấn điêu khắc, gốm,

đồng, ngọc, sơn mài, dệt và màn the từ cổ chí kim của Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Nam Á

và Đông Nam Á.

Bộ sưu tập Các nhà tu, ghi lại nghệ thuật và kiến trúc Châu âu thời Trung cổ, bao gồm

điêu khắc, các chữ viết cổ có thuyết minh, thuỷ tinh nhuộm, tác phẩm từ kim loại, men, ngà, các

bức hoạ và các thảm.

Viện Trang phục trưng bày quần áo thời trang của 7 thế kỷ và 5 châu lục, trang phục

vùng, và các đồ dùng dành cho nam giới, phụ nữ, trẻ em từ xưa đến nay.

Bộ sưu tập Các tác phẩm vẽ và in bao gồm nghệ thuật đồ hoạ thời Phục hưng và sau đó,

trong đó có các tác phẩm in theo mọi kỹ thuật, từ những bức phác hoạ cho đến những tác

phẩm hoàn thiện, sách có minh hoạ và những tác phẩm trên giấy khác.

Bộ sưu tập Nghệ thuật Ai Cập bao gồm tượng, chạm khắc, bia khắc, các đồ vật trong lễ

tang, đồ trang sức, đồ dùng hàng ngày và kiến trúc thời Ai Cập tiền sử qua các Vương quốc Tiền,

Trung và Hậu đến thời kỳ La Mã (thế kỷ thứ 4 Giáo hội Anh quốc).

Bộ sưu tập Hội hoạ Châu Á bao gồm các khung tranh, panô, tranh bộ ba, bích hoạ do các

bậc thầy người Ý, người F-lan-đơ, Hà Lan, Pháp, Tây Ban Nha... sáng tạo từ thế kỷ 12 đến thế kỷ

19.

Bộ sưu tập Nghệ thuật điêu khắc và trang trí châu Á bao gồm những tác phẩm điêu khắc,

đồ đạc, gốm, thuỷ tinh, kim loại, các dụng cụ khoa học, hàng dệt và các phòng bố trí theo từng

thời kỳ của các nước Tây Âu từ thời Phục hưng đến đầu thế kỷ 20.

Bộ sưu tập Nghệ thuật Hy Lạp và La Mã trưng bày các tác phẩm nghệ thuật Hy Lạp, La

Mã, E-tru-ria, Síp cho đến thế kỷ thứ 4 Giáo hội Anh quốc, bao gồm đá cẩm thạch, điêu khắc

bằng đồng và bằng sành, lọ hoa, các bức bích hoạ, đồ trang sức, ngọc chạm, thuỷ tinh và các vật

dụng.

Bộ sưu tập Nghệ thuật Hồi giáo bao gồm các mẫu chữ viết tay, các bức tiểu hoạ, thảm,

các vật trang trí phức tạp các kiểu, và các yếu tố kiến trúc có từ khi Hồi giáo được thành lập từ

thế kỷ 7 Giáo hội Anh quốc trở đi, từ Marốc đến Ấn Độ.

Bộ sưu tập Rôbớt Lê-man là một bộ sưu tập cá nhân các bức tranh. bức vẽ và nghệ thuật

trang trí được hiến tặng cho Bảo tàng, trong đó có rất nhiều tác phẩm có từ thời Phục Hưng -

Italia và phương Bắc cho đến thế kỷ 20.

Các thư viện tra cứu có các xuất bản phẩm in lần thứ nhất rất hiếm, các chuyên luận và sổ

tay của các nghệ sĩ, át lát có minh hoạ, vở dán bài rời, các bìa sách đẹp đẽ và các tác phẩm đầu

tiên về lịch sử nghệ thuật

Bộ sưu tập Nghệ thuật trung cổ trưng bày các tác phẩm Châu Âu, đế quốc La Mã phương

Đông, triều đại Phờ-ranh được Cha-lơ-meng tìm thấy, kiểu Roman thịnh hành vào thời kỳ giữa

cổ điển và Gô-tíc có từ thế kỷ 4 đến thế kỷ 16, bao gồm điêu khắc, thảm thêu, áo quan, những

đồ vật đựng đồ tế lễ...

Bộ sưu tập Nghệ thuật hiện đại bao gồm các bức hoạ của Mỹ và Châu Âu, các tác phẩm

trên giấy, điêu khắc, thiết kế và kiến trúc, đại diện cho những trào lưu nghệ thuật chính từ năm

1.900.

Những bộ sưu tập quan trọng khác gồm có: Bộ trưng bày các nhạc cụ có tầm quan trọng

về mặt lịch sử, kỹ thuật và xã hội, có gá trị cả về âm thanh và hình ảnh, có từ đàn ắccorđêông

đến đến đàn tam thập lục. Bộ ảnh trưng bày những bức ảnh có từ khi kỹ thuật chụp ảnh mới

xuất hiện, các tác phẩm tiên phong của Mỹ và Châu Âu, và các bộ sưu tập đương đại đến từ

khấp nơi trên thế giới; Trung tâm hàng dệt Atonio Ratti có các thảm thêu, nhung, tác phẩm

thêu, ren, vải thêu mẫu, may chần, len và vải in từ tất cả các thời kỳ và các nền văn minh có từ

3.000 năm trước Giáo hội Anh quốc.

Bên cạnh đó, Bảo tàng còn có một trang web giới thiệu khoảng 3.500 hiện vật trong đó

có 50 hiện vật đẹp nhất từ mỗi bộ phận chính của bảo tàng cũng như từ bộ phận Tranh Châu

Âu. Với đặc tính tương tác cao, trang web của Bảo tàng giúp độc giả có thể tra cứu về hiện vật

của bảo tàng theo tác giả, thời kỳ, phong cách hoặc những từ quan trọng.

Điểm qua như trên cũng đủ thấy sự phong phú, đa dạng của bảo tàng này. Đó thực sự là

một bảo tàng mang tầm cỡ thế giới.

Nơi mà chúng tôi được giới thiệu kỹ nhất là khu vực bảo tàng mỹ thuật Hy Lạp thế kỷ thứ

VI trước Công nguyên. Tại đây có rất nhiều tượng đá lớn nguyên bản, nguyên dạng, tuy có bị

sứt mẻ ít nhiều. Hướng dẫn viên tình nguyện Me-ri Bét O-ri-li dừng lại khá lâu trước một bức

tượng nam giới khoả thân trong tư thế đứng và giảng giải rất kỹ về giá trị mỹ thuật cũng như giá

trị lịch sử của nó. Gần nhóm chúng tôi, cũng đứng trước một bức tượng đá khá lớn là một tốp

học sinh và một người đàn ông cao lớn, có lẽ là giáo viên. Tôi thấy người đàn ông nói gì đó với

học sinh khiến các em cười vui vẻ, sau đó một em đến sát bức tượng và cũng giảng giải về giá trị

bức tượng. Có lẽ đây là hình thức học tập tại bảo tàng, một cách học trực quan khá phổ biến tại

Mỹ. Thăm khu vực trưng bày các tác phẩm mỹ thuật của Mỹ, tôi chú ý đến một bức tranh lớn

bằng kính các mầu. Tác phẩm này của một hoạ sĩ Mỹ làm theo đơn đặt hàng của một ông chủ

vào năm 1920, thể hiện phong cảnh mùa thu khá gợi cảm. Người Mỹ rất tự hào về tác phẩm

này bởi giá trị nghệ thuật của nó và tính độc đáo trong việc ứng dụng công nghệ vào sáng tạo

nghệ thuật của tác giả. Nghệ sĩ người Mỹ này đã học tập cách thức dùng chất liệu thuỷ tinh của

nhà thờ để làm tranh, nhưng có sáng tạo trong cách xử lý, ví dụ đã tạo cảm giác về sự thô ráp

của một thân cây bằng cách nung chảy thuỷ tinh và khi thuỷ tinh chưa đông đặc lại đã dùng hơi

nóng sấy khô, làm cho bề mặt thuỷ tinh gợn lên. Một lần nữa tôi được thấy biểu hiện rõ nét

một đặc tính của người Mỹ - họ rất giỏi trong việc ứng dụng các công nghệ hiện đại vào đời

sống. Người Mỹ cũng ưa sự mạnh mẽ, cho nên cách thức xây dựng nhà cửa, trang trí, các tác

phẩm nghệ thuật đều được làm theo hướng hoành tráng, tạo mảng, khối.

Tại gian trưng bày sưu tập Nghệ thuật Ai Cập có một ngôi đền cổ Ai Cập bằng đá có độ

tuổi 2.060 năm "được tặng cho nước Mỹ như sự biết ơn vì nếu không có người Mỹ khai quật thì

có thể nó đã bị mất rồi. Ngôi đền này đại diện cho kiến trúc của các ngôi đển cổ Ai Cập" - hướng

dẫn viên tự hào giới thiệu như vậy.

Sau 45 phút thăm các phòng trưng bày, chúng tôi về phòng trao đổi công việc. Những

người phụ trách bảo tàng thông báo với chúng tôi về hoạt động của bảo tàng. Người Mỹ có sự

phân công rạch ròi, cho nên từ hôm đến đây đến giờ, làm việc ở đâu tôi cũng được nghe nhiều

người trong một cơ quan thông báo công việc, mỗi người nói về công việc của mình, không

giống ở bên ta thường thường thường thủ trưởng đơn vị bao sân tất cả, những người khác chỉ

"bổ sung". Tại Bảo tàng này, tôi được nghe tới 5 người thông báo về các nội dung khác nhau:

hoạt động chung của Bảo tàng, công tác lưu trữ, công tác vận chuyển hiện vật sưu tập về Bảo

tàng, công tác phát triển, công tác thông tin. Đáng chú ý là Bảo tàng có lối làm ăn năng động,

tạo được nhiều nguồn lực để tồn tại và phát triển.

Ông Pitơ M. Ke-my, Giám đốc Bảo tàng nghệ thuật trang trí Mỹ thuộc bảo tàng Mỹ thuật

Mêtrôpôlitan , giới thiệu như sau: "Từ năm 1924, những người xây dựng bảo tàng đã có ý

tưởng xây dựng một bảo tàng mỹ thuật Mỹ để lưu giữ những giá trị thuần Mỹ. Từ đó, chúng tôi

đã sưu tầm được những bộ sưu tập cổ rất có giá trị gồm 15.000 hiện vật (hội hoạ, điêu khắc,

trang trí, những yếu tố kiến trúc bằng bạc, kim loại...) từ thế kỷ thứ 17 (1600-1690). Hiện nay

chúng tôi có 10 người phụ trách các nội dung khác nhau: gốm, sứ, dệt, kim loại, thuỷ tinh, hội

hoạ, điêu khắc… Cùng với phần trưng bày, chúng tôi còn xuất bản sách, lưu trữ các tài liệu trên

mạng máy vi tính. Hoạt động của chúng tôi mang tính dân chủ. Chúng tôi cũng giới thiệu các

nhà sưu tập đến mua cổ vật tại các cuộc bán đấu giá, rồi đến lúc nào đó, chúng tôi lại vận động

các nhà sưu tập ấy hiến cho bảo tàng. Đổi lại, những người hiến tặng sẽ được ghi tên danh dự

vào hiện vật và được miễn giảm thuế. Hệ thống thuế ở Mỹ rất tích cực hỗ trợ cho các bảo

tàng." Ông cho biết ở Mỹ, có hai cách đào tạo về quản lý bảo tàng: đào tạo tập trung trong các

trường chuyên về bảo tàng, và không tập trung qua hình thức mở lớp cấp chứng chỉ. Về ngân

sách, bảo tàng của ông được cấp 130.000 USD cho các hoạt động, chưa kể lương, đồng thời còn

có 2 nguồn tài trợ chính là tài trợ cho xuất bản 1 triệu USD một năm, tài trợ để mua các bộ sưu

tập 250.000 USD một năm. Ngoài ra, khi có việc xây dựng thì phải dự trù, để được cấp. Bảo tàng

cũng quyên góp được nhiều từ các cá nhân. Có của ăn của để, bảo tàng đã thiết lập được quỹ

trợ vốn, tạo ra lãi để bổ sung cho việc chi tiêu. Khi tôi hỏi lại ông Giám đốc về tính thuần Mỹ

được biểu hiện trong Bảo tàng thế nào, ông trả lời: "Đó là bức chân dung Tổng thống Lin-côn,

Oa-sinh-tơn, những hiện vật có liên quan đến các vị Tổng thống này, hoặc phòng các Tổng

thống uống trà tại Philadenphia. Và không gian, không khí trong bảo tàng cũng gợi ra cuộc sống

Mỹ trong lịch sử.." Sau đó, như nhớ lại tính hợp chủng quốc của Hoa Kỳ, ông giám đốc nói tiếp:

"Tuy nhiên, ngày nay chúng tôi không nhấn mạnh vào ý tưởng thuần Mỹ nữa. Ngay trong các

trường học, ngày nay cũng không còn các bài giảng về thuần Mỹ."

Stela Pôn, nhà giáo dục về bảo tàng, giới thiệu: "Tôi đại diện cho bộ phận giáo dục của

Bảo tàng này. Có 60 nhân viên, đây là bộ phận lớn nhất trong Bảo tàng Mỹ thuật Mêtrôpôlitan.

Năm 2.000, chúng tôi đã đón tiếp 5,5 triệu lượt khách tham quan. Chúng tôi phải cung cấp

thông tin cho khách bằng nhiều hình thức, như thông qua các ấn phẩm, đồ lưu niệm, các cuộc

hội thảo... Chúng tôi đã tổ chức 20.000 buổi nói chuyện trong bảo tàng và tại các phòng học,

đón nhận vài trăm nghìn sinh viên đến tham quan, học tập hàng năm. Những người đến với

mục đích học tập, nghiên cứu rõ ràng, nghiêm túc, hoặc các đoàn khách quốc tế được chúng tôi

phục vụ miễn phí. Việc xuất bản phục vụ cho giáo dục bảo tàng rất lớn, bằng cả ấn phẩm in trên

giấy và ấn phẩm điện tử." Sơ-te-la Pôn giới thiệu với chúng tôi một hình thức huy động nhân

lực phục vụ Bảo tàng mang tính xã hội cao, rất Mỹ: "Nhiều bảo tàng ở Mỹ có các chương trình

khai thác tình nguyện viên. Đó là những người đã về hưu hoặc rỗi việc nhưng có sức khoẻ và có

khả năng, tình nguyện vào làm việc trong các bảo tàng mà không đòi hỏi đãi ngộ. Bảo tàng này

có khoảng 1.000 tình nguyện viên, trong đó có 800 người tình nguyện làm các công việc giấy tờ,

trả lời điện thoại, 200 người tham gia giảng dạy. Thời gian đầu, chúng tôi phải mất rất nhiều

công sức để huấn luyện và giám sát họ, giúp họ làm quen với các công việc của bảo tàng. Riêng

đội ngũ những người tình nguyện giảng dạy đóng vai trò rất quan trọng trong hoạt động giáo

dục của chúng tôi. Hỗ trợ cho hoạt động giáo dục là 20 thư viện trong bảo tàng, với rất nhiều

sách của Mỹ và thế giới về bảo tàng."

Qua phẩn trao đổi, chúng tôi rất quan tâm đến việc tạo ngân sách cho hoạt động của bảo

tàng này. Các bạn Mỹ đã giải thích rất rõ ràng như sau: Bảo tàng có nhiều hình thức tạo ngân

sách, trong đó có ba nguồn thu quan trọng là thu từ phí hội viên, thu từ các khoản tài trợ, và

thu từ bán vé. Tôi hết sức sửng sốt khi thấy các khoản thu được ở đây quá lớn: mỗi năm riêng

các khoản tài trợ, quà tặng là 48 triệu USD, tiền phí hội viên cũng lên tới 18 triệu USD. Khi tổ

chức từng cuộc triển lãm, Bảo tàng còn kêu gọi các công ty tài trợ và luôn luôn nhận được sự

ủng hộ nhiệt tình. Năm 2.000, Bảo tàng đã thu được 6,5 triệu USD cho các cuộc triển lãm. Đáp

lại, Bảo tàng in tên các công ty tài trợ trong các ấn phẩm, các phương tiện quảng cáo giới thiệu

các cuộc triển lãm đó.

Chúng tôi vô cùng ngạc nhiên ở phương thức tổ chức hoạt động của Bảo tàng. Tôi đã đi

nhiều bảo tàng trên thế giới, nhưng đến nước Mỹ này mới được nghe giới thiệu về các hội viên

của một bảo tàng với số lượng lên tới 110.000 người, đã đóng góp cho Bảo tàng nguồn kinh phí

lớn như đã nói ở trên. Người ta chia mức phí hội viên thành nhiều loại, loại đóng thấp nhất là

50 USD một năm được phép truy cập trang web của Bảo tàng, loại đóng 80 USD một năm được

hưởng nhiều quyền lợi hơn, như được vào tham quan bảo tàng bất cứ lúc nào, được mời xem

trước hoặc dự khai mạc những cuộc trưng bày quan trọng, được nhận những ấn phẩm mới giới

thiệu về các bộ sưu tập, được giảm giá khi mua hàng lưu niệm... Trong số hội viên, nhóm liên

hợp từ các bang khác là đông nhất, gồm 42.000 người, đóng Hội phí 45 USD một năm. Bên cạnh

đó, có những công ty cũng tham dự với tư cách hội viên tập thể, không chỉ ông chủ công ty mà

toàn thể thành viên của công ty đều được hưởng quyền lợi của một hội viên.

Về mặt tổ chức, Bảo tàng có hai bộ phận cũng rất quan trọng. Đó là bộ phân Phát triển,

gây quỹ với 50 người, và bộ phận Quản lý hội viên với 50 người. Những bộ phận này hoạt động

có chương trình, kế hoạch và phương pháp sát hợp, tạo hiệu quả cao. Họ thường xuyên tiếp

cận với công chúng để mời chào làm hội viên, để huy động tài trợ, thông qua nhiều hình thức,

như gửi thư, trao đổi qua thư điện tử, điện thoại, gặp gỡ trực tiếp... Trong hoạt động của mình,

bộ phận phát triển, gây quỹ tập trung nhiều nhất vào các cá nhân, rồi đến các quỹ. Coi tất cả

những người quan tâm đến Bảo tàng là thành viên của mình, họ rất hiểu tâm trạng, sở thích

những người này và có những cách thức ứng xử phù hợp. Có những ông chủ giầu có cần uy

danh, Bảo tàng mời vào Hội đồng chủ tịch của Bảo tàng. Riêng những thành viên danh dự của

Hội đồng này mỗi năm đã tài trợ cho Bảo tàng 40 triệu USD. Đối với những người quan tâm đến

các chuyên đề, Bảo tàng tổ chức những chương trình dành riêng cho nhu cầu của từng nhóm, ví

dụ nhóm ưa thích nghệ thuật cổ La Mã, nhóm ưa thích nghệ thuật Hồi giáo… Phwong châm của

Bảo tàng là: Hãy tạo cho những người đến Bảo tàng có cảm giác là thành viên của Bảo tàng,

phải quan tâm đến người ta để người ta quan tâm đến mình, để người ta đóng góp cho Bảo

tàng như đóng góp cho gia đình họ. Được hỏi về vai trò của chính quyền trong hoạt động của

Bảo tàng, ông Pi-tơ cho biết: Thành phố Niu-Yoóc hỗ trợ cho các chi phí về nước, cơ sở hạ tầng.

Tuy vậy, mức hỗ trợ đã bị giảm đáng kể, trước kia chiếm 20% chi phí về nước và hạ tầng cơ sở

của Bảo tàng, nay chỉ còn 14%. Ông nói thêm: "Gần đây ở Mỹ có tình trạng sáp nhập các công

ty, do đó số đầu công ty tài trợ cho Bảo tàng cũng bị giảm đáng kể. Đó là những thử thách mới

khiến chúng tôi phải nỗ lực hơn trước."

Như hầu hết các cơ sở văn hoá ở Mỹ, Bảo tàng có bộ phận kinh doanh tạo ra lợi nhuận.

Được thành lập ngay từ ngày Bảo tàng ra đời, hệ thống kinh doanh hoạt động rất hiệu quả,

hàng năm tạo ra thu nhập 70 triệu USD cho Bảo tàng. Đây thực sự là một doanh nghiệp hoạt

động chuyên nghiệp, tạo ra lợi nhuận cao, nhưng được miễn thuế. Phương thức kinh doanh

cũng như các mặt hàng ở đây rất độc đáo, không phải chỉ tập trung kinh doanh trong khuôn

viên Bảo tàng, mà còn mở rộng ra ngoài xã hội, nhưng tập trung vào những gì liên quan đến

Bảo tàng và phục vụ khách tham quan. Giống như nhiều Bảo tàng khác, bán đồ lưu niệm cho

khách tham quan là một cách tạo nguồn thu cho Mêtrôpôlitan. Có điều đặc biệt là việc bán đồ

lưu niệm được định hướng rõ - hàng phải mang nội dung của bảo tàng, mục đích bán hàng lưu

niệm là để giáo dục, tạo liên tưởng đến bảo tàng; 90% số hàng lưu niệm bán ra là do Bảo tàng

sản xuất. Tư tưởng này được thực hiện triệt để, và tôi để ý rằng ngay cả trong các bao bì đựng

tặng phẩm tặng đoàn chúng tôi, cũng đều in những hình ảnh hoặc lời giới thiệu về bảo tàng

này. Người phụ trách kinh doanh cho chúng tôi biết, ngoài cửa hàng bán hàng lưu niệm tại chỗ,

Bảo tàng Mỹ thuật Mêtrôpôlitan còn có 19 cửa hàng rải ra khắp nước Mỹ. Không những vậy,

Mêtrôpôlitan còn liên doanh với các nhà kinh doanh trên thế giới bán đồ lưu niệm của bảo tàng

này. Tôi nhẩm tính, với khối lượng trên 5 triệu lượt người vào tham quan mỗi năm, chỉ cần mỗi

người mua hoặc được tặng một đồ lưu niệm, thì đã tiêu thụ hết trên 5 triệu văn hoá phẩm,

cộng với lượng hàng hoá được bán ngoài bảo tàng, số lượng chắc lớn lắm. Cũng cần nói thêm

rằng, số lượng người đến tham quan bảo tàng được tính chính xác đến hàng đơn vị chứ không

áng chừng như ở ta, vì Bảo tàng này có máy đếm tự động, và các dữ liệu đều được lưu vào hệ

thống máy vi tính. Muốn đáp ứng được yêu cầu cung cấp hàng lưu niệm, chắc chắn Bảo tàng

này phải tổ chức một bộ phân sản xuất đủ mạnh. Chúng tôi còn được giới thiệu là cửa hàng

sách của Bảo tàng là cửa hàng sách bằng tiếng Anh lớn nhất thế giới. Một nguồn thu quan trọng

khác là phục vụ ăn uống cho khách tham quan (Tôi chợt liên hệ đến nước ta, việc kinh doanh ăn

uống trong bảo tàng thường bị dư luận phê phán, coi là làm "uế tạp" các giá trị văn hoá). Như

rất nhiều nước xứ lạnh khác, mọi công việc ở Mỹ đều bắt đầu rất muộn, thường là từ 9 giờ hoặc

9 rưỡi sáng, cho nên người ta thường làm việc thông tầm và cũng vì vậy, việc ăn trưa thường

diễn ra ngay tại công sở. Bảo tàng này cũng mở cửa muộn, nội dung tham quan lại phong phú,

cho nên ăn trưa tại bảo tàng là nhu cầu thiết yếu đối với hầu hết khách tham quan. Cũng vì thế,

bảo tàng có một cửa hàng ăn ngay trong lòng toà nhà lớn nhất, với đủ loại món ăn, và lượng

người đến ăn đông tới mức chúng tôi phải phân công người "xí" chỗ ngồi trước rồi mới xếp

hàng mua đồ ăn sau. Nếu ăn một cách bình dân, cũng phải mất khoảng chục USD, còn ăn có

món cá hồi thì chi đến 18 USD cho một suất. Nếu so sánh với mức thu nhập của một lái xe bình

thường là 1.200 USD một tháng (trừ các khoản phải nộp rồi thì còn khoảng sáu, bẩy trăm USD),

thì đây là giá "cắt cổ". Thế nhưng, người ăn cứ nườm nượp, đến nỗi mấy thùng rác to đùng

đựng đồ phế thải do khách ăn uống ném vào luôn luôn phải thay vì nó đầy lên một cách nhanh

chóng.

Một điều phổ quát trong hoạt động của tất cả các cơ sở văn hoá mà tôi được biết ở nước

Mỹ này, là công tác thông tin được coi trọng và được tiến hành một cách tuyệt hảo. Bảo tàng

Mêtrôpôlitan này cũng vậy, có thể nói là công tác thông tin đã đem lại thành công lớn cho bảo

tàng. Bộ phận này đã đảm nhận trách nhiệm sưu tập 2 triệu hiện vật về cho Bảo tàng, ngoài ra

còn mượn hiện vật trên thế giới khi có triển lãm lớn. Cung cấp thông tin cho báo chí, bộ phận

thông tin phải biên tập nội dung cần tuyên truyền và liên hệ với 6.000 người đưa thông tin lên

mạng. Hàng năm, bộ phận thông tin in ca-tơ-lô, gửi đến khoảng 4 triệu khách hàng. Sau thảm

hoạ 11/9, khách đến bảo tàng giảm 60%, thì việc cung cấp thông tin về hoạt động của bảo tàng

là một việc làm bức thiết. Bộ phận thông tin đã làm hết sức mình: thông báo trên các phương

tiện thông tin đại chúng, gửi thư điện tử, thông báo trên trang web... để mọi người trên thế giới

hiểu rằng bảo tàng vẫn mở cửa bình thường, đường đến Niu-Yoóc vẫn thông suốt và an toàn,

và nhờ vậy, số khách đến bảo tàng tăng dần, cho đến nay chỉ còn giảm 25% so với cùng thời kỳ

năm trước.

Điều mà các nhà lãnh đạo Bảo tàng Mỹ thuật Mêtrôpôlitan muốn nhấn mạnh với chúng

tôi là, nhìn tổng thể, hoạt động của Bảo tàng là không vì lợi nhuận, nhưng mỗi thành viên của

Bảo tàng đều phải nghĩ ra và thực hiện bao nhiêu cách phụ trợ để kiếm ra tiền, có thế mới tồn

tại và phát triển được.

Thăm bảo tàng Mỹ thuật Mêtrôpôlitan, tôi suy nghĩ nhiều. Những điều đáng ghi nhận là

phương thức hoạt động linh hoạt, hiện đại, tập trung cho mục đích chính, tạo hiệu quả xã hội

cao. Tuy vậy, chính từ bảo tàng này, tôi cũng nhận ra tư tưởng bá chủ thế giới của Hoa Kỳ.

Người Mỹ đã thu thập về cho đất nước mình nhiều hiện vật quý giá của các nước trên thế giới,

tạo nên một Bảo tàng lớn, với hơn 2 triệu hiện vật, thu hút cả trăm triệu lượt khách tham quan.

Về công sức mà nói, người Mỹ quả đáng tự hào vì đã chuyên chở được một khối lượng hiện vật

lớn về nước mình, trong đó có những hiện vật khổng lồ như ngôi đền cổ của Ai Cập bằng đá lớn

khủng khiếp mà tôi đã nói ở trên, trong đó có những hiện vật do họ bỏ tiền ra mua, nhưng cũng

có những hiện vật do họ chiếm đoạt của các nước bị xâm lược. Về mặt văn hoá, lẽ nào cứu một

di tích của dân tộc khác khỏi bị quên lãng bằng cách đem nó về đất nước mình lại là biện pháp

đáng tự hào? Bảo tàng có tới 36.000 hiện vật cổ của Ai Cập, Hy lạp, trong khi đó chỉ có 15.000

hiện vật của nước Mỹ. Và cái cách tỉnh khô khi giới thiệu những hiện vật chiếm đoạt được từ

khắp nơi trên thế giới như đó là lẽ tất yếu, như là của chính mình mới đáng sợ làm sao. Trong

khi đó, người Mỹ lại xuất khẩu ra thế giới những sản phẩm văn hoá đồi truỵ, bạo lực, làm biến

dạng nền văn hoá của nhiều dân tộc khác. Phải chăng, đây chính là tội ác của việc xâm lược,

cưỡng bức, đồng hoá và cướp đoạt văn hoá mà loài người cần lên án, chứ không riêng gì lên án

hành động cướp bóc vật chất, tiến hành chiến tranh!

Khu Roclefeller

Chị San-đơ-ra Lang dẫn chúng tôi đi tham quan khuRoclefeller. Mặc dù khá to béo, chị

vẫn rất nhanh nhẹn, lôi chúng tôi đi khắp các công trình mà chị thấy đáng quan tâm. Đây là một

khu nhà chọc trời với những hình khối vuông vức cao ngất ngưởng trải dài từ khu phố 49 đến

khu phố 5, được xây dựng từ những năm 30 của thế kỷ XX. Ngước nhìn theo chiều cao của các

ngôi nhà, chúng tôi đều phải bỏ mũ ra hoặc lấy tay chặn mũ trên đầu vì sợ bị rơi. Khu này gồm 5

khu vực hoà hợp với nhau: văn phòng, giải trí, buôn bán, kiến trúc, nghệ thuật. Có các khối nhà

do người Italia, người Pháp, người Anh trang trí với những bức phù điêu lớn ở bề mặt. Có một

nhà thờ cổ lớn bằng đá nhưng bị nuốt chửng bởi những ngôi nhà hiện đại ngồn ngộn quanh nó.

Đối diện với nhà thờ, phía bên kia đường có một bức tượng lớn mầu đen thể hiện hình tượng

một nhân vật thần thoại bị thần Dớt trừng phạt phải nâng quả địa cầu. Trên một mặt tiền ngôi

nhà lớn có bức phù điêu khổng lồ thể hiện những hoạt động của những ngành kinh tế chính của

nước Anh thời kỳ đang còn đô hộ nhiều nước trên thế giới. Công ty đầu tiên thuê khu này là

công ty thu thanh, thu hình RCA, nay công ty này sở hữu cả hãng truyền hình NBC. Nhìn chung,

các tác phẩm nghệ thuật ở đây đều được các ông chủ công ty đặt hàng, làm bằng các chất liệu

mới như kính, kim loại kết hợp với các chất liệu mầu, đều to lớn, và người nghệ sĩ chú ý thể

hiện mảng khối chứ không quan tâm đến đường nét. Chị San-đơ-ra Lang rất tự hào giới thiệu

con đường giữa hai toà nhà lớn do người Anh và người Pháp xây dựng, mà người dân ở đây

quen gọi là con kênh có ý liên tưởng tới dòng sông ngăn cách giữa nước Anh và nước Pháp. Con

đường này được trang trí bằng những bồn phun nước, trồng hoa rất đẹp, xuôi dốc xuống

khoảng đất rộng. Ngay ở khu kiến trúc, kinh tế đồ sộ nhất nước Mỹ này cũng thể hiện tính hợp

chủng quốc, đa văn hoá của Mỹ - tại khu vực này, người Mỹ chẳng có gì gọi là văn hoá của riêng

mình, nhưng lại có tất cả bởi vì người Mỹ đã quy tụ được khả năng của nhiều nước đến sáng

tạo trên đất nước mình. Bản sắc văn hoá Mỹ chính là đa văn hoá.

Câu lạc bộ sân khấu thể nghiệm La Mama

Nếu tôi không nhầm, thì không nơi nào trên thế giới có một chiếc thang máy độc đáo

như thang máy của Câu lạc bộ sân khấu thể nghiệm La Mama: cửa vào ở phía trước, còn cửa ra

lại ở bên cạnh. Nhưng độc đáo hơn lại là ở tính chất của câu lạc bộ này, tính chất thể nghiệm,

đột phá về hình thức biểu hiện nghệ thuật. Vào chủ nhật tới, Câu lạc bộ sẽ tổ chức kỷ niệm ngày

thành lập, cho nên nơi chúng tôi đến đang ngổn ngang các vật dụng mà người ta đem đến để

chuẩn bị cho chương trình hát múa mừng Câu lạc bộ tròn 40 tuổi. Theo lời giới thiệu, thì đây là

một trong 3 sân khấu của Câu lạc bộ. Rất tuyềnh toàng, sân khấu này có sàn biểu diễn bằng gỗ,

còn phần dành cho khán giả thì không có ghế cố định. Khi chúng tôi đến, bà Ê-lân Sơ-ti-uốt -

Giám đốc Câu lạc bộ Sân khấu thể nghiệm La Mama - đang chỉ huy việc dàn dựng sân khấu. Đó

là một phụ nữ da đen trạc 70 tuổi, da khô và nhăn nheo nhưng dáng người nhanh nhẹn, khoẻ

khoắn. Bà tết mái tóc bạc trắng của mình thành nhiều đuôi sam nhỏ tí teo, đeo trên tay 4 chiếc

nhẫn vàng to tướng. Với hình thức hơi lập dị, với giọng nói khàn khàn nhưng đầy nhiệt huyết,

bà thể hiện mình là một nghệ sĩ độc đáo và yêu tha thiết nghệ thuật. Kéo những chiếc ghế cũ kỹ

mời chúng tôi ngồi, bà nhanh chóng bắt vào chuyện. Bà quan niệm rằng nghệ thuật cần phải

dựa vào yếu tố âm nhạc, múa, hát và có cả lời thoại, nhưng lời thoại không quan trọng lắm, mà

ý tưởng mới thật sự quan trọng. Bà nói:

- Tôi tin vào các giá trị thế giới và muốn trở thành một bộ phận của thế giới. Tôi cố gắng

làm cho các vở diễn giúp khán giả nhìn mà cảm nhận được, cảm nhận một cách thoải mái.

Không có gì trừng phạt tệ hại hơn là xem sân khấu mà không hiểu người ta nói gì trên sân khấu!

Ra đời 40 năm nay, Câu lạc bộ Sân khấu thể nghiệm La Mama quản lý 3 sân khấu (được

coi là độc đáo nhất Niu-Yoóc), thường xuyên tổ chức biểu diễn những vở mang tính thể nghiệm,

cách tân. Đã thành nền nếp, từ tháng 9 năm này đến tháng 6 năm sau, Câu lạc bộ đều cho trình

diễn các vở mới, theo lịch cứ 3 tuần một vở, và mỗi vở được diễn 3 tuần.

Bà Ê-len Sơ-ti-uốt tự nhận Câu lạc bộ của bà có đoàn nghệ thuật mang tính quốc tế thực

sự duy nhất ở nước Mỹ này. Bà giải thích: "Mọi người ở khắp nơi trên thế giới đều đến đây biểu

diễn. Chúng tôi có 1 diễn viên múa người Việt Nam, nhiều diễn viên từ Trung Quốc, Nhật, Phi -

lip-pin đến. Không những thế, chúng tôi còn có La Mama ở Trung Quốc, Mông Cổ, Thổ Nhĩ Kỳ,

Nhật. Tại Sécbi, chúng tôi vừa xây dựng xong dự án Sự lãng mạn của âm nhạc dành cho trẻ em

9 đến 13 tuổi".

Bà kể lại chuyện sang thăm Việt Nam và nói một cách cởi mở: "Tôi rất thú vị ở Việt Nam

là vừa có nghệ thuật dân gian nhà quê, như nhà hát Rối, lại có kịch quốc gia diễn những vở như

Xếch-xpia. Tôi đã kết hợp cả loại ấy lại làm một vở kịch kiểu Hy Lạp".

Bà đưa ra nhận xét không mấy chính xác: "Tôi thấy các con rối nước của các bạn không có

vai trò nào trên sân khấu, chỉ chạy qua chạy lại lăng xăng. Và hai nhà hát Rối và Kịch tuy đều là

của Việt Nam nhưng lại chưa bao giờ có quan hệ với nhau. Vì thế, trong chuyến thăm Việt Nam

cách đây hai năm, tôi đã liên kết hai nhà hát lại để dựng một vở kịch kiểu Hy Lạp. Tôi đã khiến

cho những con rối có vai trò. Lần đầu tiên đoàn Rối nước quốc gia của các bạn làm những con

rối to trước đây họ chưa từng làm. Thế rồi, trong cảnh thần Dớt giấu con, các con rối nước đã

đóng những vai như những diễn viên thật. Chúng tôi đã kết hợp hai nhà hát và đã thành công. "

Như còn rung động với chuyến đi Việt Nam đầy ấn tượng, bà Ê-lân Sơ-ti-uốt bồi hồi nhớ

lại: "Các bạn Việt Nam sống rất cởi mở và thân thiện. Lúc tôi sang, nhà hát Rối trung ương đang

sửa trụ sở, nay có lẽ đã xong. Đến Hà Nội, chúng tôi đã cố gắng dựng nhiều điệu múa dân gian,

có sử dụng nhạc mới nhưng do các nhạc sĩ Việt Nam sáng tác. Các con rối nước trở thành người

dẫn truyện. Cách suy nghĩ của chúng tôi là chúng ta cùng một thế giới, cần giao tiếp, chung sống

với nhau. Cần kết hợp nền văn hoá của các bạn với chúng tôi để thành văn hoá mới".

Khi nghe nói đến hoạt động của Câu lạc bộ toả rộng ra nhiều quốc gia trên thế giới, tôi

hỏi rằng vì sao mà Câu lạc bộ Sân khấu thể nghiệm có ảnh hưởng rộng đến vậy, bà Ê-lân Sơ-ti-

uốt trả lời: "Chúng tôi không cố gắng toả ảnh hưởng đến ai. Chúng tôi chỉ thuyết phục các quỹ

văn hoá để họ tài trợ cho các hoạt động của chúng tôi, làm cho nó được có mặt ở các nước.

Chúng tôi đã được quỹ văn hoá ở châu Á tài trợ cho chuyến đến thăm và dựng vở thể nghiệm ở

Việt Nam. Các quỹ văn hoá không cung cấp tiền cho cá nhân, mà cho các tổ chức xã hội. Ngoài

ra, chúng tôi còn được sự tài trợ của quỹ Vì sự hiểu biết chung, cũng như nhiều tổ chức từ thiện

khác".

So với các nhà hát ở Mỹ, thì "rạp" của Câu lạc bộ sân khấu thể nghiệm hơi nhếch nhác.

Sân khấu rất sơ sài với sàn gỗ và những phông màn cũ. Tầng gác và bao lơn dành cho khán giả

cũng chỉ được dựng bằng gỗ thường, trông có vẻ không vững chãi. Mặc dù bà Giám đốc giải

thích rằng do đang chuẩn bị cho buổi biểu diễn kỷ niệm ngày thành lập, nhưng tôi vẫn khó hình

dung lúc thường nó đàng hoàng như thế nào. Bù lại, là nhiệt tình đến cháy bỏng của chủ nhân

Câu lạc bộ - tôi có cảm giác rằng bà Ê-lân Sơ-ti-uốt sẵn sàng đánh đổi tất cả để cho những thể

nghiệm nghệ thuật của mình có thể được công nhận. Chị Thuỷ hỏi về khán giả và nguồn thu cho

các hoạt động biểu diễn tại đây, bà Giám đốc trả lời: "Tuỳ theo vở. Có vở 150 người, có vở 350

người vào xem, nhưng không bao giờ quá số đó." Biết rằng đoàn EADOLA của Việt Nam do một

nữ đạo diễn Pháp gốc Việt dẫn dắt đã đến biểu diễn ở đây, tôi hỏi thì được biết số khán giả đến

xem là 75 người. Thấy bà Ê-lân Sơ-ti-uốt dừng lại, chị Thuỷ lại hỏi về thu nhập của Câu lạc bộ. Bà

cười hồn hậu: "Tiền bán vé không bao giờ đủ chi phí. Các buổi biểu diễn luôn luôn lỗ. Lương trả

cho nhân viên bao giờ cũng thấp so với tiêu chí của Niu-Yoóc, có khi làm không lương, làm bằng

tấm lòng. Vì thế, nghệ sĩ làm việc ở đây phải thắt lưng buộc bụng, có khi chạy sô bên ngoài". Bà

bộc bạch: "Ở Mỹ, không bao giờ chúng tôi được mời đến diễn ở nơi khác, ngoài sân khấu của

chúng tôi. Chúng tôi không thể tồn tại được ở nước Mỹ, thế nhưng lại hay được mời đi các

nước khác. Chúng tôi đã có kế hoạch sang năm đi Hàn Quốc, Áo, Italy." Như cảm nhận được sự

ngạc nhiên của chúng tôi trước hiện tượng một câu lạc bộ sân khấu của Mỹ không thể tồn tại

được trên đất Mỹ, bà Ê-lân Sơ-ti-uốt giải thích: " Ở Mỹ, khán giả thích ngôn từ, còn chúng tôi

muốn chuyển tải nội dung mà không cần ngôn từ nên không hợp. Người Mỹ thích nghe, còn

chúng tôi lại thích nhìn để mà cảm nhận nghệ thuật". Bà nói tiếp: "Tôi còn là giáo sư thỉnh giảng

ở Hàn Quốc. Đến tháng 1 năm 2.002, chúng tôi sẽ đến Cămpuchia để làm dự án như dự án Việt

Nam"

Bà Ê-lân Sơ-ti-uốt đưa ra kết luận khiến tôi không khỏi băn khoăn: "Với cách dàn dựng

của chúng tôi, thì ngay cả các vở bi kịch của Sếch-Xpia cũng không cần lời thoại mà khán giả vẫn

cảm nhận được nội dung". Thực tế cho thấy, trong kịch của Sếch-Xpia, các lời thoại có tính biểu

hiện rất cao, nếu tước bỏ nó đi thì làm sao giúp khán giả thưởng thức được tác phẩm một cách

trọn vẹn? Thôi, dù sao đây là sự thể nghiệm. Nói như giáo sư Mác-tin Su-lơ-man thì ở La Mama,

cái gì cũng có thể xẩy ra, người có thể cưỡi lợn chứ không cưỡi ngựa và lợn có thể bay. Khi

chúng tôi chào tạm biệt, bà Ê-lân Sơ-ti-uốt giữ riêng nhóm phụ nữ lại và thì thào điều gì đó vẻ

rất riêng tư và thú vị. Trong khi chờ chị em ra, chúng tôi tranh thủ xem những áp phích về

những vở kịch do Câu lạc bộ đưa lên sân khấu, thấy khá lạ lẫm, trong đó có một bức in hình một

phụ nữ khoả thân cưỡi con lợn trắng to đùng, cả người và lợn đều có vẻ tươi cười hớn hở.

Chẳng lẽ người ta có thể bệ nguyên hai "nhân vật" như vậy lên sân khấu?

Công viên B-rai-an

Vào một buổi sáng trời nắng nhưng khá lạnh, chúng tôi đi thăm công viên B-rai-an. Tài

liệu của quỹ FORD giới thiệu về công viên B-rai-an như sau:

"Nằm sau thư viện Công cộng Niu-Yoóc ở khu Man-hát-tan, giữa phố 40, 42 và các đại lộ

5 và 6, B-rai-an Park là một công viên công cộng của thành phố Niu-Yoóc và là một thắng cảnh

của thành phố, được công nhận bởi Ban Bảo tồn thắng cảnh năm 1974. Kể từ năm 1842, khi nơi

này khởi đầu là một khu hồ chứa, đến nay công viên đã trải qua 3 lần thay đổi lớn và được sử

dụng với mức độ cao.

Cho đến những năm 70, các điều kiện trong công viên đã xuống cấp đến mức nó là tụ

điểm của ma tuý và tội ác. Tuy nhiên, sau đó nó đã được xây dựng lại và khu vực này đã tái sinh

nhờ anh em Rốc-kơ-phe-lơ đã thiết lập ở đây Công ty Trùng tu B-rai-an Park (BPRC). Sau đó, Đa-

ni-e A Beđơman, một nhà tư vấn về hệ thống 26 tuổi, khi đó đang làm chủ tịch Ban Kế hoạch

cộng đồng địa phương, được anh em nhà Rốc-kơ-phe-lơ và Thư viện Công cộng Niu-Yoóc chọn

làm người điều hành cho Công ty. Ông cùng với Anđrêy Hai-ken, Chủ tịch Thư viện, đồng thành

lập Công ty Trùng tu B-rai-an Park vào ngày 3 tháng 1 năm 1980. Biederman đã lập nên một kế

hoạch quản lý và tài chính riêng cho công viên. Khu này, theo lý thuyết của nhà dô thị học Uy-li-

am H Oai-tơ, nhằm vào những hoạt động trùng tu vì lợi ích của công viên. Công viên B-rai-an

mới mở cửa năm 1992 sau khi xây dựng những giá đỡ dài 84 dặm làm thành khu lưu trữ ngầm 2

tầng cho thư viện Niu-Yoóc ở lòng đất khu vực kề bên. Nó được mở cửa trở lại với ngân sách

gấp 6 lần ngân sách theo quản lý của thành phố trước đó.

Công viên này rất được ưa thích, điều này khẳng định cho những nhận định của Wai

trong báo cáo Dự án cuộc sống đường phố, theo đó ông cho rằng những gì mà người dân ở

thành phố tìm kiếm nơi công cộng là những người khác, là sự an ủi và quan tâm, chứ không

phải là một nơi để tách biệt, để trốn chạy khỏi thực tế. Ngày nay, công viên này thường được so

sánh với các công viên vĩ đại ở Lon don và Pari, và vào năm 1996 nó đã giành được Phần

thưởng xuất sắc của viện Đất đô thị dành cho các Dự án công cộng.

Công ty Trùng tu Brai Park là một công ty đo tư nhân quản lý hoạt động không vì lợi

nhuận, do Đa-ni-e A Beđơman và An-đri Hai-sơ thành lập, với sự hỗ trợ từ Quỹ Anh em nhà

Rốc-kơ-phe-1ơ, từ các cá nhân và từ một cụm hợp tác phát triển kinh doanh của những người

chủ tài sản láng giềng. Thoả thuận 15 năm ký năm 1988 giao quyền quản lý và phát triển công

viên cho Công ty Trùng tu Brai-an Park là sự thử nghiệm lớn nhất ở Mỹ trong việc áp dụng quản

lý tư nhân và tài chính tư nhân vào một công viên công cộng, và đã đạt được thành công theo

đánh giá của dân chúng, của báo chí và của các cơ quan lân cận. Hiện ông Đa -ni-e A Beđơman

vẫn tiếp tục điều bành công viên.

Công ty Trùng tu B-rai-an Park chia sẻ việc quản lý với Công ty Đối tác phố 34, và hai bên

cùng chia sẻ những nguyên lý quản lý chung. Nhiệm vụ của nó là: xoá bỏ tội phạm, rác bẩn,

những hình vẽ bậy trên tường và những điều kiện không hay ho trong giới hạn của công viên;

cho những người buôn bán và những người thuê đất điều kiện tốt nhất để tổ chức những hoạt

động kinh doanh mới trong khu vực và giúp đỡ những người đang buôn bán có thể phục vụ

khách hàng tốt nhất; hỗ trợ cho những công dân gặp khó khăn hoặc nghèo đói vì lợi ích của bản

thân những người này cũng như vì lợi ích cộng đồng; phát triển phố xá và công viên với chất

lượng không chê vào đâu được; và thiết lập một kênh thu nhập đa dạng và ổn định để chi cho

các hoạt động bảo dưỡng thường xuyên để duy trì những phát triển vượt trội này".

Trong khi chờ người của Ban Quản lý công viên tới làm việc, chúng tôi dạo quanh công

viên. Phần lớn nhất của công viên này là một bãi cỏ phẳng phiu và xanh rì. Xung quanh là những

hàng cây, lối đi và tường thấp ngăn cách công viên với hè phố. Trong cái giá lạnh của buổi sáng,

vẫn có khá nhiều người đến công viên. Họ ngồi trên các chiếc ghế sắt mầu xanh mà Ban Quản lý

công viên đặt rải rác khắp nơi, kể cả trên cỏ. Có những nhóm người ngồi nói chuyện. Có những

người ngồi đọc báo. Có những người ngồi ăn. Có những người ngồi sưởi nắng. Và có ba người

nằm ngủ giữa bãi cỏ. Mọi người ai việc nấy, không lưu tâm đến nhau, kể cả 3 người nằm ngủ

thế kia, trông chẳng mấy mỹ quan, vậy mà không thấy ai dựng dậy.

Mất khoảng 20 phút chờ đợi, chúng tôi mới thấy một người đàn ông đeo kính trắng,

hồng hào và nhanh nhẹn bước đến chào hỏi. Ông xin lỗi vì tưởng rằng chúng tôi sẽ vào văn

phòng làm việc chứ không phải là tại hiện trường như thế này. Người đàn ông này là Ơthan

Lơche, Giám đốc Quan hệ công cộng của Công ty Đối tác phố 34. Ông mời chúng tôi ngồi trên

những chiếc ghế sắt mầu xanh của công viên, quây tròn dưới ánh nắng vàng tươi nhưng lạnh

giá của Niu-Yoóc. Ông giới thiệu:

- Với tư cách một công ty tư nhân, để điều hành công viên này, chúng tôi không chỉ có

một nguồn tài chính. Lương của tôi do nguồn từ việc người ta thuê những căn phòng ở các toà

nhà xung quanh đây. Công ty chúng tôi điều hành 3 công viên, một là đây, còn hai cái ở chỗ

khác. Những năm 1980, khi chúng tôi bắt đầu dự án cải tạo công viên này, thì đây là nơi rất

thiếu an ninh, bẩn thỉu. Xu hướng chung của nước Mỹ là khi muốn sửa chữa một công viên,

người ta thuê người đến thiết kế. Nhưng theo chúng tôi, đó không phải là cách quản lý tốt.

Chúng tôi phải dành ra rất nhiều tháng để theo dõi xem xem ở đây, các sinh hoạt diễn ra như

thế nào, người dân có thói quen gì khi vào công viên...

Sau đó, ông chỉ cho chúng tôi nhìn khung cảnh quang quẻ quanh công viên và nói:

- Trước kia, quanh đây là những lùm cây rậm rạp, những búi dây điện chằng chịt. Còn

công viên thì bị ngăn cách với đường phố bởi những bức tường cao và kín. Mặt khác, ánh sáng

ở đây lại rất thiếu. Khung cảnh ấy, các ngài biết không, chính là điều kiện cho bọn tội phạm hoạt

động và khiến người dân sợ hãi. Cho nên, điều đầu tiên mà chúng tôi phải làm là phá tường,

chặt cây, dọn dẹp lại các đường dây điện, lắp thêm đèn, biến nơi này thành khu vực thông

thoáng và sáng sủa. Chỉ riêng điều đó đã kéo thêm khá nhiều người đến với công viên.

Có vẻ rất tự tin, ông Ơthan Lơche nói tiếp:

- Nhưng như vậy vẫn chưa đủ. Chúng tôi phải nghiên cứu thói quen khi vào công viên của

công chúng nữa. Có hai điều mà chúng tôi quan tâm là: Thứ nhất người ta không thích những

ghế băng lắp cố định, mà chỉ thích những ghế di động, để họ có thể xách đi xách lại đặt vào chỗ

mà họ thích ngồi, để chọn được hướng ngồi thích hợp, như quay mặt vào nhau khi nói chuyện,

hoặc hướng về phía mặt trời để sưởi nắng. Thứ hai, người ta không thích đi thẳng theo chiều

dọc hay ngang của công viên, mà thích kết hợp đi theo nhiều chiều, vì thế nếu chỉ mở một vài

cổng thẳng nhau thì người ta không thích, phải mở cả những cổng bên hông để người ta đi chéo

qua công viên.

Ông giới thiệu chi tiết 10 nguyên tắc được thực hiện khi tiến hành sửa chữa công viên

này gồm:

Thiết kế: Có vai trò quan trọng, nhưng không phải là cái duy nhất, vì sẽ phải có sự thay

đổi. Tôi sẽ chỉ cho các bạn thấy những chỗ phải sửa so với thiết kế đầu tiên của nó, như trước

kia công viên này được quây lại, không có đường đi chéo, chúng tôi đã phải mở thêm đường đi

chéo.

Vệ sinh: Chú ý đến rác bẩn vứt ở đây.

Vấn đề an ninh: Có hai nhân viên an ninh của chúng tôi làm việc tại đây nhưng không

mang súng. Chỗ này bây giờ không còn tội ác nữa nên họ không cần sử dụng súng. Mọi người

đều biết ở đây có nhân viên an ninh và mọi người rất an tâm.

Chỗ này chúng tôi đưa vào những kiến trúc bằng đá, còn ở phía trước kia thì đặt những

bồn hoa nhỏ.

Dịch vụ: Một đặc điểm nữa mà chúng tôi thấy là người Niu-Yoóc khi đến những nơi công

cộng thường rất thích ăn uống, cho nên chúng tôi đưa dịch vụ ăn uống vào, và đã thu hút được

rất nhiều người. Vào những ngày cuối tuần, hay buổi tối, người ta hay đưa nhau đến ăn tối tại

đây.

Phần quan trọng nhất là chúng tôi đặt vào đây những chiếc ghế. Trừ 3 công viên mà

chúng tôi điều hành, thì không có công viên nào có ghế rời như ở đây. Tôi có ba lý do để đặt loại

ghế rời như thế này chứ không đặt ghế băng cố định: Tuỳ vào từng ngày, thời tiết thay đổi mà

người ta có thể di chuyển ghế ra ánh nắng hay vào bóng râm. Có thể ngồi thế nào để đỡ bị chói

nắng. Thường những người da đen hoặc da mầu hay quay mặt về phía ánh nắng, còn người da

trắng thì ngược lại. Đặc điểm nữa là khi vào đây nói chuyện, ít khi người ta không muốn quay

mặt vào nhau. Ghế băng làm người ta phải ngồi cạnh nhau, quay chéo vào nhau mà nói chuyện

rất bất tiện. Như hai chị phụ nữ kia, họ đang ngồi đối diện nhau mà nói chuyện vẻ thích thú.

Đây cũng là nơi lý tưởng cho những cặp tình nhân tâm sự, cho nên họ cần quay lại nhau, thậm

chí còn cần ôm nhau nữa. Khi người ta cần di chuyển ghế, thì ghế của chúng tôi rất nhẹ, ai cũng

có thể nhấc lên được. Chúng tôi có 2.300 ghế ở công viên này. Tôi đã tư vấn cho rất nhiều đối

tác làm ghế như thế này nhưng họ nói chỉ có ở Niu-Yoóc mới làm được, vì không sợ bị mất cắp.

Các bạn Việt Nam thử xem có thể đặt ghế di động tại các công viên không. Nếu có làm thì chụp

ảnh gửi cho tôi, khi thuyết trình, tôi sẽ sử dụng những ảnh của các bạn.

Tổ chức những buổi diễn trong công viên này : (Đang nói dở thì ông giám đốc chỉ tay vào

một người đàn ông đang đi phía sườn công viên: "Các bạn nhìn xem, ông kia không đi theo

chiều dọc hay ngang mà đi theo chiều chéo của công viên").

Nói tới điều này tôi cũng hơi ngượng. Đó là vấn đề về toa lét. Nếu không có, người ta sẽ

bậy ngay ra đường. Chúng tôi có một khu toa lét nằm ở đầu đằng kia. Vào năm 1965 không có

cái toa lét nào ở khu vực này cả.

Về ánh sáng: Ngày xưa, công viên này đóng cửa vào buổi tối. Chúng tôi thấy cần phải có

hệ thống đèn thật tốt. Chúng tôi đã tiến hành chiếu sáng cho công viên này theo nhiều cách

khác nhau: Đèn trên cột. Đèn trụ đồng, rất đắt, có 13 cái như vậy, có quý bà rất giàu có đã hiến

cho chúng tôi. Đèn chiếu từ trên cột xuống trông như những giọt nước mắt. (Đang nói, ông

giám đốc lại chỉ cho chúng tôi xem: "Có thể thấy anh vừa ngồi xuống đó trước khi ngồi đã chọn

rất kỹ, sau khi đã nhấc ghế điều chỉnh hướng ngồi thì anh ta gọi điện thoại. Thường với thời tiết

như thế này, ít người đến công viên để ngắm cảnh."). Đèn chiếu vào các tia nước. Đèn pha kiểu

của sân vận động. Với ánh sáng tốt như các bạn thấy, khi thời tiết ấm áp, chúng tôi mở cửa tới

11 giờ đêm, chứ không đóng cửa vào buổi tối như trước.

Không chỉ đầu tư trong khuôn viên mà ngay cả đường ở ngoài chúng tôi cũng chăm nom.

Công viên chúng tôi cũng có rất nhiều người vô gia cư đến. Như trên bãi cỏ có ba người

đang ngủ. Lý do khiến nhiều người Niu-Yoóc không đến công viên là vì họ sợ những người vô gia

cư này. Nhưng tại công viên này thì người ta lại không sợ vì an ninh đảm bảo.

Như tôi đã nói ở trên, ngay trên thảm cỏ của công viên, giữa trưa, có 3 người ngủ mê

mệt - hai người đàn ông luống tuổi, một phụ nữ. Mặc dù trời khá lạnh, lại không có gì đắp, vậy

mà cả ba ngủ ngon lành, có lẽ vì họ mệt quá. Cũng cần nói thêm rằng ở nước Mỹ, những người

vô gia cư, nằm đầu đường xó chợ như ba người kia, hầu kết là người da mầu. Tôi cũng quan sát

kỹ và thấy rằng người da mầu có thể làm cảnh sát, làm nhân viên bán hàng, nhưng cũng chỉ

người da mầu mới làm các công việc nặng nhọc, vất vả như khuân vác, bán hàng rong, đánh

giầy, chứ tôi không nhìn thấy người da trắng nào làm việc ấy cả.

Phần nói về các khoản thu của công viên làm tôi hết sức kinh ngạc - có nhiều phương

thức thu quá và có nhiều tiền thu được quá. Ông giám đốc nói:

- Hàng năm, công ty phải chi cho công việc ở công viên này 4 triệu USD. Tiền thu do cho

thuê các ki ốt quanh công viên được 1 triệu, cho thuê địa điểm biểu diễn được 1 triệu, thu từ sự

đóng góp của các chủ nhà quanh công viên được 1 triệu USD mỗi năm. Ngoài ra chúng tôi còn

bán những cái ghế như chúng ta đang ngồi để mọi người làm lưu niệm. Trước đây giá mỗi chiếc

ghế chỉ 29 USD, nay lên đến 120 USD, mà mọi người vẫn mua, chứng tỏ người dân yêu mến

công viên chúng tôi như thế nào. Trước đây, khi công viên này thuộc nhà nước thì họ tốn rất

nhiều tiền để mà điều hành. Còn khi chúng tôi điều hành thì nhà nước không tốn tiền nữa. Tôi

có thể sửa chữa bất kỳ công viên nào trên thế giới để cho nó tốt như công viên này. Tôi biết ở

Anh có công viên Pli xơ cớt cũng đang xuống cấp nặng nề, tôi rất muốn đến đó để sửa lại (tôi

hỏi nhỏ anh Tim rằng điều này có chính xác không, anh Tim kín đáo lắc đầu). Việc trùng tu lại

công viên này làm cho giá trị của khu vực này tăng, chính vì thế mà giá thuê nhà quanh công

viên cũng tăng. Tôi sẽ làm việc với các chủ nhà quanh đây để yêu cầu tăng tiền đóng góp cho

chúng tôi, chứ chỉ 1 triệu USD như hiện nay thì quá ít. Các bạn biết không, nhờ sự cải tạo công

viên này, biến nó thành địa điểm văn hoá thu hút đông đảo mọi người, mà giá nhà cho thuê ở

đây đã tăng 15 đến 20%. Thế thì người ta phải trả thêm tiền cho chúng tôi chứ!

Tôi ghi khá tỷ mỉ buổi làm việc với ông giám đốc công viên vì việc này khá độc đáo và để

thấy người Mỹ tính toán chi li như thế nào khi tiến hành một công việc, đồng thời cũng thấy

tính mục đích của người Mỹ cao như thế nào. Trong khi giới thiệu với chúng tôi về hoạt động

của công viên, đã ba lần ông giám đóc ngừng lại để chỉ cho chúng tôi xem cách thức người dân

vào công viên sử dụng ghế của công viên, nhằm chứng minh cho chúng tôi thấy những luận

điểm mà ông nêu ra về lí do đặt các ghế ngồi di động tại đây và hiệu quả cao của nó. Chỉ riêng

chuyện các cái ghế, ông đã thuyết trình gần một tiếng đồng hồ. Tuy vậy, ngay sau khi dừng lại

nói về việc người ta dùng ghế, ông đã trở lại vấn đề mình đang thuyết trình chứ không bị phân

tán sang chuyện khác.

Vào một ngày chủ nhật, tôi quay lại quan sát hoạt dộng của công viên B-rai-an. Đúng là

hết sức náo nhiệt. Rất lạ là người ta không cấm mọi người đi lên cỏ, không biết là vì cỏ ở đây

"dai", không bị nát dưới các gót chân hay vì người ta luôn luôn chăm sóc, thay thế những cụm

cỏ bị hư hỏng? Có cả hàng nghìn người đến công viên này. Họ kéo nhau đi dạo trên con đường

chạy vòng công viên, dưới bóng loà xoà của những tán cây. Họ ngồi tập trung trên bãi cỏ mượt

như nhung chờ xem biểu diễn nghệ thuật. Có rất nhiều cửa hàng lưu động căng lều bán các

hàng lưu niệm, sách báo hoặc bán đồ ăn uống. Tiếng nhạc rộn rã làm cho không khí thêm náo

nhiệt. Vậy mà ở trên bãi cỏ, vẫn có một phụ nữ đầu quấn kín chiếc khăn in hình lá cờ Mỹ nằm

ngủ say sưa mà tôi đã chụp được ảnh làm tư liệu cho cuốn sách này.

Người vô gia cư nằm ngủ thoải mái trên bãi cỏ công viên

Thư viện công cộng Niu-Yoóc

Thư viện công cộng Niu-Yoóc nằm ở phố 42, liền kề với công viên B-rai-an. Đây là một

thư viện tư nhưng phục vụ rộng rãi, miễn phí tất cả mọi người. Một phụ nữ mặc bộ vét, trông

có vẻ rắn rỏi, đón chúng tôi ở cổng. Tất nhiên, dù là khách nào thì khi qua cổng cũng phải tuân

theo thủ tục khám xét. Người bảo vệ yêu cầu mọi người mở túi xách ra, xem qua rồi mời mọi

người vào. Có thể nói đây là công trình có nội thất đẹp nhất Niu-Yoóc mà chúng tôi thấy. Tài

liệu của Quỹ FORD giới thiệu về Thư viện công cộng Niu-Yoóc như sau:

"Một trăm năm trước đây, Niu-Yoóc, thành phố vĩ đại nhất nước Mỹ, không có một thư

viện công cộng thực sự nào. Ngày nay, nhờ những ý tưởng đầy hoài bão và hàng triệu hàng

triệu lượt người sử dụng, thư Viện công cộng Niu-Yoóc đã được công nhận là một trong những

thư viện công cộng lớn nhất thế giới. Khi toà nhà thư viện chính được xây dựng năm 1911, nó

đứng vào vị trí là có kết cấu đá cẩm thạch vĩ đại nhất mà người ta từng thử sức tại Mỹ . Nay nó

được biết đến với tên gọi thư viện Nhân văn và khoa học xã hội. Ngày nay, Thư viện công cộng

Niu-Yoóc là một trong những nền tảng quan trọng của truyền thống Mỹ về những cơ hội bình

đẳng. Nó mở rộng cửa và miễn phí, giúp người ta có thể tiếp cận với những tinh hoa đã được

đúc kết của nhân loại, mà không phân biệt thu nhập, tôn giáo, chủng tộc hoặc bất kỳ một điều

kiện nào khác. Nó là trường đại học của tất cả mọi người; là nơi các học giả và các tác giả được

lưu trú, là nguồn thông tin cần thiết của công chức, các nhà khoa học và các doanh nhân; là kỷ

niệm của quốc gia. Nó đảm bảo quyền tự do về thông tin và độc lập về suy nghĩ. Nó cho phép

mỗi cá nhân có thể theo đuổi sự học theo đúng sở thích, khả năng, sự chuẩn bị và mong muốn

của mỗi người. Nó giúp đảm bảo sự tự do trao đổi ý tưởng, và quyền có ý kiến trái ngược.

Nhiệm vụ của Thư viện công cộng Niu-Yoóc là sử dụng những nguồn lực sẵn có theo một

chương trình cân bằng từ việc thu thập, phân loại và lưu giữ sách và các tài liệu khác, giúp cho

người đọc có thể truy cập nhanh chóng tại thư viện cũng như ở mọi nơi nhờ có hệ thống thư

viện nối mạng và thư viện hợp tác. Trách nhiệm của Thư viện công cộng Niu-Yoóc là phải phục

vụ như một nơi lưu trữ kiến thức ngay tại chính giữa một trong những trung tâm thông tin lớn

nhất thế giới, và phải hoạt động như một phần nội tại của kết cấu thông tin, của việc học trên

cả nước và trên toàn thế giới. Thư viện công cộng Niu-Yoóc, Quỹ Astor, Quỹ Lenox và Quỹ

Taiden tạo nên 4 trung tâm nghiên cứu ở Man-hát-tan, và 85 thư viện chi nhánh ở B-rôn-xơ,

Man-hát-tan và Staten Ai-xơ-lan. Nó là thư viện duy nhất có những trung tâm nghiên cứu được

cả thế giới khâm phục, đồng thời lại có cả một hệ thống rộng khắp các thư viện chi nhánh ở các

vùng lân cận, mà tất cả các thư viện này đều miễn phí cho mọi người. Nó có nhiều tài liệu hơn

bất cứ một thư viện công cộng nào khác trong nước, đồng thời cũng là thư viện dành cho

nghiên cứu lớn nhất trên thế giới với một hệ thống thông tin và một hệ thống chi nhánh lớn

nhất thế giới.

Công nghệ ví tính giúp truy cập từ mọi nơi trên thế giới bất cứ phân loại tài liệu nào của

thư viện. Các bộ sưu tập của thư viện cũng phản ánh bản chất dân chủ và toàn diện của thư

viện. Với số lượng hàng chục triệu, thư viện này có những tài liệu từ những công trình bất hủ

nhất của văn hoá nhân loại, ví dụ như những phiên bản chữ viết tay của Gutenbớc Bible và bản

thảo gốc Tuyên ngôn Độc lập Mỹ của Jeferson, cho đến những tài liệu về cuộc sống hàng ngày

của những người mà nếu không được lưu trữ sẽ trở nên vô danh".

Toà nhà Thư viện rất lớn, dùng chất liệu gỗ, đá là chính, tường các căn phòng được ốp gỗ

có trạm trổ rất đẹp. Công nghệ thông tin và tự động hoá được áp dụng khá tốt - thư viện có hệ

thống dữ liệu lớn chạy trên mạng máy tính giúp mọi người tra cứu thông tin được nhanh chóng,

có hệ thống ống chuyển phiếu yêu cầu và hệ thống băng truyền chuyển sách. Tuy vậy, có nhiều

người mượn sách nên bạn đọc phải chờ từ 20 đến 40 phút mới lấy được cuốn sách mà mình

yêu cầu. Thư viện được tu bổ lộng lẫy như thế này hoàn toàn bằng tiền tài trợ của các nhà hảo

tâm. Trên tường, có nhiều bức tranh sơn dầu khổ lớn, hoàn toàn về đề tài sách, nhà in, nhà

xuất bản. Ngay trong trang trí, người Mỹ cũng rất thực tế, hướng những giá trị thẩm mỹ vào nội

dung công việc của họ. Ví dụ có một phòng đọc được tài trợ bởi một ông trùm xuất bản, thì

quanh tường treo toàn tranh về các nhà xuất bản có liên quan đến ông ta. Lại có một triển lãm

ngay trong thư viện, nội dung tập trung vào các tài liệu, văn bản quan trọng trong suốt lịch sử

phát triển của nước Mỹ. Bà Pau Léc-lơ, Chủ tịch Thư viện, nói rằng đây là thư viện rất độc đáo,

riêng chỉ có ở Mỹ. Bà dẫn chúng tôi vào phòng đọc chính, một phòng rất lớn, có trang bị nhiều

máy vi tính, được đặt tên là phòng đọc Hoa Hồng. Có rất nhiều bạn đọc từ nước ngoài đến truy

cập In-tơ-nét tại phòng này - mọi người im lặng ngồi trước màn hình, tai đeo cáp nghe. Đến

phòng Châu Á, tôi thấy có khá nhiều sách về Trung Quốc, Triều Tiên, Nhật bản, nhưng về Việt

Nam thì chỉ có bốn năm cuốn, mà lại không thuộc loại sách tiêu biểu. Người phụ trách cho

chúng tôi biết họ có sách của Việt Nam về đồ cổ, về giáo hội Phật giáo, còn sách văn học chỉ có

bốn năm cuốn. Chúng ta còn quá yếu trong tuyên truyền đối ngoại. Tôi tặng ông phụ trách

phòng cuốn "Bê trọc" của tôi do Nhà Xuất bản Thanh niên ấn hành năm 1999 và Nhà Xuất bản

Văn học tái bản năm 2001. Nhìn thái độ trân trọng của ông khi lật giở những trang sách mà tôi

đã ghi về cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của nhân dân ta suốt 7 năm ròng cho tới ngày

toàn thắng, lòng tôi chợt bồi hồi khôn xiết. Đã đành rằng ngày ấy, dù có phải luồn rừng đội bom

B52 của Mỹ, tôi vẫn luôn luôn tin vào ngày đại thắng của dân tộc, nhưng có ngờ đâu đến hôm

nay lại được đặt chân lên đất Mỹ để tặng người bạn Mỹ cuốn sách viết về thời chống giặc Mỹ

xâm lược ấy! Mong rằng qua cuốn sách này, những người bạn Mỹ sẽ cảm nhận được lòng yêu

hoà bình tha thiết của người Việt Nam, ngay cả khi buộc phải cầm súng để bảo vệ độc lập, tự

do.

Trước khi chia tay chúng tôi, bà Chủ tịch Thư viện thể hiện lòng mong muốn trao đổi và

hợp tác với Việt Nam, đồng thời nhấn mạnh điều cần chúng tôi ghi nhận là sự hợp tác giữa tài

trợ của cá nhân với tài trợ của Chính phủ cho một cơ quan dành cho công cộng như thư viện

này thể hiện tính dân chủ rất cao.

4. Người Mỹ: Siêu đẳng về kiếm tiền

Vào một ngày chủ nhật, chúng tôi đi thăm phố phường, vào các cửa hàng. Ai ra nước

ngoài cũng có cái thú đi ngắm nghía các cửa hàng, mua sắm quà cáp. Người nước ngoài cũng

vậy, khi đến Việt Nam, thế nào các bạn cũng dành thời gian đi "sốp pinh". Có dịp dự một hội

nghị ở Phi-lip-pin, tôi cũng thấy những đại biểu của các nước có nền kinh tế phát triển như

Singapo, Brunây luôn luôn tỏ ra thú vị khi rủ nhau đi "sốp pinh", nhưng hầu như chẳng mua gì.

Có lẽ, bây giờ đi siêu thị không còn đơn thuần mang ý nghĩa kinh tế nữa, mà đã mang ý nghĩa

văn hoá. Bởi vì người ta đi xem là chính, như là đi xem triển lãm về một nền kinh tế vậy. Chúng

tôi cũng cảm thấy hạnh phúc trước thành quả của sự đổi mới trên đất nước ta, nó in bóng cả

vào hành động của những người Việt Nam chúng ta khi đi nước ngoài. Thời bao cấp, đi nước

nào cũng xăng xái mua sắm hàng tiêu dùng, khệ nệ khuân vác đến bệ rạc, còn bây giờ thì tay

đút túi quần, đi để nhìn ngó cho vui mắt là chính, có mua sắm cũng chỉ quanh quẩn mấy thứ

hàng lưu niệm hoặc đồ dùng cao cấp. Một điểm đáng chú ý là nước Mỹ cũng nhập khẩu khá

nhiều, trong đó nhiều nhất là hàng hoá của Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, từ đồ điện tử,

quang học tới hàng đệt may. Hàng của Trung Quốc có giá thấp hẳn so với giá các mặt hàng cùng

loại của Mỹ, và chất lượng tốt hơn hàng nhập vào Việt Nam. Có lẽ Trung Quốc là nước "thống

soái" về chiếm lĩnh thị trường hàng nhập khẩu ở Mỹ. Đi đâu, vào cửa hàng nào cũng thấy hàng

Trung Quốc, nào là quần áo, dày dép, túi xách, đồng hồ, nào là xoong nồi, dao thớt... Người

Trung Quốc đã tạo nên cả một khu phố buôn bán nổi tiếng ở Niu-Yoóc có tên là Chinathao mà

tại đó hầu hết là hàng quán, hàng hoá của Trung Quốc, do người Trung Quốc quản lý. Hàng

năm, Mỹ nhập khẩu khoảng 1,5 tỷ đôi giày dép các loại, trong số đó hàng Trung Quốc chiếm từ

60 đến 70%. Riêng hàng may mặc, Mỹ nhập khẩu khoảng 50% cho nhu cầu trong nước, thì

Trung Quốc chiếm 80% số hàng đó. Ông bố cậu Vinh, một Việt kiều sang đây từ năm 1983 mà

chúng tôi tới thăm nhà, cho chúng tôi biết nhờ có hàng hoá Trung Quốc mà hàng hoá nói chung

bên Mỹ giảm giá hẳn đi, rất có lợi cho người tiêu dùng. Nhiều hãng sản xuất của Mỹ như RCA,

APEX (sản xuất hàng điện tử) cũng thực hiện phương thức đầu tư sản xuất hàng hoá tại Trung

Quốc, nơi có chi phí sản xuất thấp, rồi nhập về bán tại thị trường trong nước với giá rất dễ chịu.

Có điều, người Mỹ khá rành mạch, hàng nước nào ghi nhãn nước ấy, không lập lờ đánh lận con

đen như một số nhà kinh doanh ở ta. Riêng hàng của Việt Nam thì chúng tôi thấy hầu như

chẳng có gì, ngoài việc nghe nói có cá tra, có tôm chua. Mà việc nhập hàng vào nước Mỹ không

dược tự do, nếu mặt hàng nào có sức cạnh tranh lớn, có khả năng gây khó khăn cho các doanh

nghiệp Mỹ, mặt hàng ấy lập tức bị các giới hữu trách Mỹ ngăn chặn. Tiêu biểu là loại cá tra, cá

ba sa của nước ta. Trong một bữa ăn, khi dùng đến món cá tra, Vinh nói rằng vừa rồi Hiệp định

Thương mại Việt Mỹ bị chậm thông qua cũng bởi các cuộc tranh luận trong Quốc hội Mỹ về việc

nhập cá của Việt Nam vào Mỹ. Do chất lượng tốt, giá thành hạ, cá tra, ba sa của Việt Nam có

khả năng cạnh tranh khá lớn đối với loại cá nheo mà người Mỹ nuôi thả. Sau đó, do những lợi

ích khác, Mỹ đã thông qua Hiệp định Thương mại với Việt Nam. Thế nhưng, vào ngày 4 tháng 10

năm 2001, Hạ viện Mỹ lại thông qua dự luật HR 2964 không cho phép bất cứ loài cá nào không

thuộc họ cá nheo Mỹ Ictaluridae (họ cá được nuôi phổ biến tại Mỹ) được mang tên thương mại

là cá "catfish". Tiếp theo đó, ngày 25 tháng 10 năm 2001, Thượng viện Mỹ lại thông qua dự luật

HR 2330 về phân bố ngân sách cho khu vực nông nghiệp năm 2.002, trong đó có điều khoản

sửa đổi số SA 2.000 với nội dung "Không cho phép Cục Quản lý thực phẩm và dược phẩm sử

dụng bất kỳ khoản ngân sách nào vào việc cho phép nhập khẩu cá hoặc sản phẩm cá có tên

"catfish", trừ các sản phẩm cá thuộc họ Ictaluridae". Hai việc làm nói trên hoàn toàn sai trái,

nhằm mục đích tạo thế độc quyền cho ngành sản xuất cá nheo của Mỹ, hoàn toàn đi ngược tinh

thần Hiệp định Thương mại Việt Mỹ. Nói một cách nôm na, thì Mỹ đã loại cá ba s a, cá tra của

Việt Nam ra ngoài vòng pháp luật. Đã vậy, giới chủ các trại cá Mỹ còn bỏ ra nhiều tiền và công

sức phối hợp với giới truyền thông mở các đợt công kích vào cá ba sa, cá tra Việt Nam, trong đó

có một luận điệu cực kỳ nguy hiểm là loại cá này sống trong môi trường bị nhiễm chất độc mầu

da cam của Mỹ thời kỳ chiến tranh! Mà thực tế, cá của Việt Nam được nuôi thả trong môi

trường hoàn toàn trong lành, đã được các tổ chức về vệ sinh thực phẩm quốc tế công nhận.

(Nhân đây, tôi muốn lưu ý rằng cách thức tuyên truyền của Mỹ bao giờ cũng sặc mùi thực dụng

và đậm mầu chính trị, mà cách tuyên truyền về môi trường Việt Nam là một ví dụ: khi cần chối

tội đã gieo rắc chất độc mầu da cam trên đất nước Việt Nam, thì họ chối phắt, nhưng khi cần cô

lập sản phẩm nông – ngư nghiệp của Việt Nam thì họ nói rằng chúng được sản sinh trên vùng

đất nhiễm chất độc mầu da cam). Bên cạnh lý do kinh tế, việc bài trừ cá da trơn Việt Nam còn

mang sắc thái kỳ thị. Người ta biết rằng, hàng năm thị trường Mỹ nhập khẩu khoảng 20 tỷ USD

hàng hải sản, chiếm 60 đến 70% thị phần trong nước, trong khi đó lượng cá da trơn Việt Nam

nhập vào Mỹ chỉ chiếm 2% sản lượng cá nheo tiêu thụ tại Mỹ, đó chỉ là cái vẩy trên mình con cá

lớn, không có khả năng đánh bại ngành nuôi cá Mỹ. Vậy thì lý do cạnh tranh kinh tế đơn thuần

không mang ý nghĩa quyết định trong việc bài trừ cá Việt Nam này.

Một ấn tượng mạnh mẽ đối với tôi, là các hình thức quảng cáo ở Niu-Yoóc. Các loại màn

hình điện tử, các tấm pa-nô bằng chất liệu nhẹ và đẹp được gắn khắp nơi, mà loại phổ biến là

màn hình tinh led cỡ lớn có chiếu hình ảnh động. Tại trung tâm Man-hát-tan, tôi đã thấy có

những dẫy phố dài hầu như bị phủ hết mặt tiền bằng các loại quảng cáo, có loại quảng cáo điện

tử với màn hình cỡ lớn, có khi chiếm toàn bộ bề mặt của cả một ngôi nhà cao tầng, lại có cả

những khoảng tường được mở tung ra để lộ một căn phòng nhỏ có bầy bàn ghế, tủ... cũng là

một cách quảng cáo trực quan bằng hàng thật rất gây ấn tượng.

Tác giả cùng đoàn cán bộ văn hóa Việt Nam tại trung tâm Niu Yooc

Nếu ai đó nghĩ rằng người Mỹ quảng cáo bừa bãi và lố lăng, thì người đó lầm to. Thực ra,

người Mỹ quảng cáo rất có văn hoá, tập trung vào việc giới thiệu mặt hàng chứ không phơi bầy

những hình ảnh nhố nhăng như một số nhà quảng cáo của chúng ta hay làm. Sau thảm hoạ 11

tháng 9, các nhà quảng cáo Mỹ đã thể hiện ý thức chính trị của mình khi thay đổi nội dung

quảng cáo. Họ hướng vào những hình ảnh quảng cáo không gợi nhớ những kỷ niệm đau thương

về toà tháp đôi Trung tâm Thương mại Thế giới (WTC), thể hiện được tinh thần yêu nước,

nhưng gây ấn tượng mạnh mẽ, kích thích người tiêu dùng. Các nhà quảng cáo đã rút biểu tượng

WTC trên các sản phẩm và thay đổi chiến thuật quảng cáo cho phù hợp với tình hình mới. Hãng

Gien-ne-rô Mô-trơ (GM) thu hồi hình ảnh quảng cáo trong đó có cảnh một chiếc xe hơi hiệu

Cadillac của hãng né những vụ tấn công bằng tên lửa. Hãng FORD huỷ bỏ ảnh quảng cáo nhãn

hiệu xe hơi Linhcoln đang chạy trên đường phố Niu-Yoóc và toà tháp đôi WTC vẫn còn nguyên

vẹn. Hãng xà phòng Le-vơ Pha-be-gơ loại bỏ quảng cáo sản phẩm xà phòng mới Persil có ảnh

một đứa bé muốn trở thành phi công. Thay vào đó, các công ty đưa ra những chiến dịch quảng

cáo cổ động lòng yêu nước và hướng đến tương lai. Xu hướng chọn các hình thức quảng cáo

phản ánh cuộc chiến tranh hiện nay như tiêu diệt Bin Lađen, hoặc hình ảnh binh lính Mỹ trong

chiến tranh thế giới lần thứ hai ngồi trên chiếc xe zeep cũng được nhiều người làm theo. Các

nhà quảng cáo Mỹ cũng đã tính tới các hình thức quảng cáo thoát ly thực tế, không liên quan

đến chiến tranh, khủng bố nhưng lại gợi lòng tự hào về nước Mỹ và hàng hoá Mỹ. Mở truyền

hình vào lúc quảng cáo, tôi hay bắt gặp câu "Tôi là người Mỹ" với những hình ảnh mô tả sinh

động mặt hàng mà người ta muốn quảng cáo. Tôi đã rất thích cái máy hút bụi của Mỹ bởi vì trên

quảng cáo truyền hình, người ta đã giới thiệu về nó một cách tuyệt vời: nó hút tùn tụt cả một lô

xích xông con ốc sắt to đùng, lại nhỏ gọn, nhẹ nhàng. Một lần nữa tôi thấy rõ tính trọng mục

đích, thực tế của người Mỹ, họ quảng cáo là để giới thiệu hàng, để bán hàng chứ không để khoe

mẽ nhố nhăng. Cũng trên truyền hình, tôi chưa hề bắt gặp một cách quảng cáo phi văn hoá và

thiếu tự tôn dân tộc nào kiểu như sơn trên mông một đàn con nít hoặc hô mãi câu "Uống bia

kiểu Úc! Phong cách Úc!" như truyền hình của chúng ta đã làm. Ngay trong quảng cáo, người

Mỹ cũng tuân theo những nguyên tắc nhất định, trong đó có nguyên tắc tập trung thông tin vào

mặt hàng cần quảng cáo. Trong một buổi thuyết trình về chiến lược thông tin với chúng tôi,

giáo sư Mác-tin Su-lơ-man đã phê phán kịch liệt lối quảng cáo cứ phơi mặt các ông giám đốc ra,

chiếm phần lớn trang quảng cáo. Giáo sư mỉa mai: "Người ta cần xem mặt hàng mà người ta

mua, chứ có phải xem mặt giám đốc đâu, hay là giám đốc muốn bán cái mặt của mình?". Chẳng

hiểu vị giáo sư Mỹ kia có biết rằng quảng cáo ở Việt Nam có tình trạng đúng như giáo sư nói,

hay đây chỉ là cách nói dựa trên thực tế chung? Dù sao, chúng tôi cũng có cảm giác hơi xấu hổ

khi thấy lời mỉa mai của giáo sư phù hợp với cảnh trạng quảng cáo nước mình quá, trong đó có

tình trạng mặt các ông giám đốc hay được trưng ở vị trí quan trọng nhất của trang quảng cáo!

Qua quan sát và tiếp xúc với những cửa hàng và người bán hàng, tôi thấy người Mỹ có lối

móc túi khách hàng thật diệu nghệ. Bao giờ người ta cũng bầy đầy hàng hoá ở tủ kính phía mặt

đường. Với những hàng đã lạc hậu, họ ghi giá rất rẻ nhưng không ghi tính năng, tác dụng. Với

những hàng mới, họ ghi tính năng, tác dụng mà không ghi giá (ví như ghi giá một chiếc máy vi

tính xách tay Sony giá 700 USD nhưng không ghi cấu hình, bên cạnh đó là chiếc máy vi tính xách

tay Sony khác được ghi cấu hình cao mà không ghi giá). Đó là cách hút người mua vào cửa hàng

để rồi chào mời theo kiểu chèo kéo đầy sức thuyết phục khách hàng. Những người bán hàng

chủ động mang hàng ra, hướng dẫn, giới thiệu, vận hành thử và mời mua. Bạn hãy cảnh giác, vì

dù là cửa hàng có niêm yết giá, họ cũng nói thách một tấc đến trời. Thường giá họ phát ra cao

gấp đôi hoặc gấp ba, thậm chí gấp bốn lần giá họ bán. Cửa hàng nào cũng vậy, khi bạn xem

hàng rồi quay lưng ra, lập tức người bán hàng kéo bạn lại, hạ tụt giá xuống ít nhất là một phần

ba, để bạn có cảm giác là giá rẻ bất ngờ. Một chiếc máy quay video Sony cỡ băng 8 ly được yết

giá 890 USD, nhưng đã được hạ xuống còn 400 USD và bán với giá 280 USD! Tôi còn thấy ở Mỹ

một kiểu bán hàng không nơi nào trên thế giới có. Đó là cách giả bán hàng này để bán được

hàng nọ. Một người trong đoàn tôi hỏi mua chiếc máy quay video của Nhật Bản và được đồng ý

bán với giá 350 USD. Người bán hàng yêu cầu anh nộp tiền. Sau đó, người bán hàng bảo chờ để

gọi điện thoại nhắn mang máy đến. Nhưng rồi không thấy ai đem máy đến cả, mà chiếc máy

định mua lại chỉ là hàng mẫu, đã cũ, xước ống kính. Thế là kẹt tiền trong két của cửa hàng rồi!

Trong lúc đó, người bán hàng đem ra chiếc máy khác, vận hành thử và giới thiệu mọi tính năng

ưu việt của nó so với cái máy kia, yêu cầu nộp thêm 200 USD. Cò cưa mãi, cực chẳng đã, đành

móc túi trả thêm 150 USD. Sau này mới biết đã bị mua đắt 150 USD so với giá bình thường . Tuy

vậy, cách phục vụ khách hàng của người Mỹ lại rất chu đáo. Một anh bạn tôi mua chiếc đầu

DVD, về khách sạn thử thấy không chạy, hôm sau đem đến siêu thị khiếu nại. Lúc sắp đi, mọi

người bàn nhau là cứ đi hú hoạ, chắc gì cửa hàng đổi cho, mà sẽ chỉ đến chỗ bảo hành nào đó

giống như bên ta mất thôi. Nhưng chúng tôi đã lầm. Sau khi nghe chúng tôi trình bầy, người bán

hàng dễ dãi buông ra mỗi hai từ "Thì đổi" và bảo chúng tôi mở hộp máy ra. Anh ta xem qua rồi

bê cả hộp máy quẳng đến "bịch" xuống đất khiến chúng tôi giật mình, và bảo chúng tôi chọn lấy

chiếc máy khác. Tôi hiểu rằng người Mỹ sẵn sàng cho bạn thứ họ không mất, đó là thái độ phục

vụ, để bạn mua hàng của họ nhiều nhất, với giá cao nhất. Người Mỹ cũng thật tài tình khi biến

mọi thứ thành hàng hoá. Ngay tại trước toà Nhà Trắng, tôi đã thấy hình của nguyên tổng thống

Bin Clin-tơn và tổng thống Busơ giống như thật bày trên đường, bên cạnh là hàng chữ: "Chụp

ảnh với Tổng thống, máy của bạn: 4 USD, máy của chúng tôi: 6 USD". Đừng tưởng bạn có thể

láu cá đứng từ ngoài chụp vào, bởi vì người Mỹ đã tính toán hết cả rồi, họ đeo trên đầu hai

"tổng thống" của mình hai cái biển nhỏ, che khuất một phần mặt, khiến cho bạn không thể

chụp "gỡ" được đâu.

Hình Tổng thống Mỹ để cho khách chụp ảnh chung

Người Mỹ còn biết tận dụng tâm lý muốn giải trí nhẹ nhàng của con người để đặt ra các

trò chơi mất tiền. Các máy chơi trò chơi điện tử tự động được đặt khắp nơi. Nhưng có một loại

trò chơi độc đáo mà tôi cũng chưa thấy nơi nào trên thế giới có, đó là trò chơi ép tiền xu thành

huy hiệu. Thiết bị của trò chơi này khá đơn giản, chỉ là một máy ép có ba khe bỏ tiền vào. Phải

thả vào đó 2 đồng xu loại 20 cen và 1 đồng xu loại 5 xen. Bạn có thể lựa chọn 3 loại huy hiệu mà

bạn thích, trong đó loại được ưa thích nhất là huy hiệu hình Nữ thần Tự do. Sau khi thả tiền xu

và lựa chọn hình, bạn chỉ cần quay nhẹ cần điều khiển, đồng xu 5 xen sẽ được ép thành hình

chiếc huy hiệu bầu dục với hình nổi bán thân của Nữ thần Tự do! Một cách phá tiền công khai,

đem lại lãi lớn (người có máy thu được 40 xen một lần chơi) mà lại có sức thu hút lớn. Có lẽ đó

cũng là một trò chơi nhỏ thôi nhưng mang tính "Mỹ" rất rõ rệt – ở những nước khác, chắc khó

có ai được phép kinh doanh loại trò chơi phá tiền như vậy. Một điều đáng lưu ý khi mua hàng ở

Mỹ cũng như ở các nước phát triển, là người mua luôn luôn nhớ rằng giá bán hàng được thoả

thuận không bằng giá tiền bạn phải trả, bởi vì bao giờ cũng phải cộng thêm tiền thuế, có mặt

hàng là 4%, có mặt hàng là 8%, thậm chí trên 10% tuỳ theo quy định của Chính phủ. Người Mỹ

rất nghiêm túc trong việc nộp thuế. Không bao giờ họ chấp nhận bán hàng không hoá đơn để

trốn thuế. Họ giải thích: "Đây là thuế nộp cho Chính phủ, cho ông Busơ, không phải cho chúng

tôi, xin các ông hãy vui lòng nộp giúp!".

Bên cạnh những nhà kinh doanh giầu sang, có cửa hàng đàng hoàng như tôi vừa kể, tại

Mỹ có rất nhiều người nghèo không có cửa hàng phải bán hàng rong. Nếu khá, họ có những xe

đẩy. Còn nghèo quá, họ chỉ có các bao, túi đựng hàng. Phần lớn họ là những người da mầu. Một

buổi xẩm tối, trên đường phố Niu-Yoóc chúng tôi gặp một tốp bán hàng rong bán các túi xách,

mũ. Chúng tôi đang nói đùa: "Hoá ra ở Mỹ không có Nghị định 36" thì nghe tiếng còi cảnh sát.

Nhìn quanh, tôi thấy một nhóm bán hàng rong chạy tán loạn. Một thanh niên da đen xương xẩu

kéo một bọc hàng to đùng gồm quần áo, túi xách chạy hào hển vào một ngõ, bị chặn, chạy bật

trở ra, rơi vãi cả mấy cái túi xách xuống đất, quanh qua quanh lại một lúc rồi ngã dúi xuống hè

đường. Lập tức một cảnh sát mặc sắc phục đen xì to cao như hộ pháp xông đến xốc đứng dậy,

bẻ giật cánh khuỷu, còng tay lại và đẩy ngã dúi vào chân tường. Viên cảnh sát rút máy bộ đàm

gọi gì đó, còn anh da đen thì nằm còng queo trên hè đường, mặt mày nhăn nhúm như quả táo

Tầu khô, trông đến thảm hại. Tôi chợt nói thầm trong bụng: "Các bà hàng rong Việt Nam ơi, nếu

có bị dẹp bán hàng thì đừng trách mấy anh cảnh sát nhé, các anh ấy hiền lắm, chỉ tạm thu hàng

là cùng, chứ chẳng bao giờ còng tay các bà như kiểu người Mỹ đâu!". Nhân chuyện này, tôi chợt

nhớ rằng, chính quyền Mỹ luôn luôn hô hào tự do, dân chủ, nhân quyền, nhưng thực ra, họ chỉ

áp đặt thứ tự do, dân chủ, nhân quyền vô nguyên tắc cho các dân tộc khác, chứ trong nước họ,

họ giữ kỷ cương đâu ra đấy, lôi thôi là bị còng tay liền. Họ chỉ cho phép tự do, dân chủ, nhân

quyền khi không ảnh hưởng đến lợi ích quốc gia mà thôi, còn khi có biểu hiện thiếu an ninh, họ

sẵn sàng "súp" hết - chẳng thế mà nhân danh chống khủng bố, họ đã cho phép cơ quan an ninh

nghe trộm điện thoại, kiểm soát thư điện tử, thậm chí bắt người ngước ngoài trong vòng 7 ngày

mà không cần bằng chứng phạm tội... đó sao? Trên thực tế, chính quyền Busơ đã ra lệnh bắt

hàng trăm người trong một thời gian dài mà không hề cho biết người bắt giữ họ là ai, vì sao họ

bị bắt giữ, họ ở đâu và họ bị buộc tội gì. Khi bà Kate Martin, một luật sư phụ trách vấn đề quyền

công dân, hỏi về lệnh bắt những người này, thì Bộ Tư pháp Hoa Kỳ trả lời rằng trong lệnh bắt có

tên một số người nước ngoài cần phải giữ bí mật nên không thể cung cấp cho bà bản sao được.

Trở lại chuyện kiếm tiền của người Mỹ, tôi có nhận xét rằng họ có biệt tài trong việc tận

dụng các cơ hội để tạo ra lợi nhuận. Ngay cả sự kiện khủng khiếp nhất đối với nước Mỹ là thảm

hoạ 11 tháng 9 cũng trở thành cơ hội kiếm tiền của cả một hệ thống xã hội Mỹ.

Đến Niu-Yoóc, với niềm thương cảm sâu sắc, chúng tôi muốn lại thật gần khu vực đổ nát

của hai toà tháp Trung tâm Thương mại để tỏ lòng thương xót những người đã khuất. Nhưng

chúng tôi không thể nào tiếp cận được khu vực đó. Quân đội, cảnh sát đã dùng các hàng rào

sắt, thậm chí những ống bê tông, để ngăn đường. Mọi người chỉ có thể đứng bám vào các hàng

rào dựng tạm đó để nhìn vào khu Trung tâm Thương mại Thế giới.

Bị hàng rào chắn, du khách đứng nhìn vào tòa tháp đôi đổ nát

Tôi đã chứng kiến rất nhiều người thuộc nhiều quốc tịch đứng dọc mấy con đường bao

quanh khu Thương mại thế giới, có người quay phim, có người chụp ảnh, và nhiều người chỉ

nhìn ngó. Khu vực này khói vẫn bốc lên nghi ngút. Chúng tôi nhìn thấy một khối nhà sập trơ ra

những thanh thép đen sì, cong queo.

Hai tòa tháp đổ nát còn nghi ngút khói

Nhưng, trong khu vực này không chỉ có những người đến để tưởng niệm, để quan sát,

mà có cả không ít người đến ''làm ăn''.

Trên phố 14, con phố gần nhất với nơi mà những người có trách nhiệm đang mải miết

thu dọn, là những người bán bưu ảnh về hai toà tháp đã sập. Các bưu ảnh được phân làm hai

loại: Trước, là những ảnh khi vẫn còn hai toà nhà. Còn sau, là những bức có cảnh máy bay đang

lao vào hai toà tháp. Trước kia, chỉ với 1 USD người ta sẽ mua được 10 tấm ảnh chụp hai toà

tháp. Giờ thì phải mua 1 USD một tấm. Giá những bức "sau" thảm hoạ đắt hơn nhiều. Chẳng

hạn một bức ảnh có cảnh chiếc Bô-ing của United Airlines đâm vào toà tháp thứ hai được bán

với giá 3 USD mà vẫn có rất nhiều người mua. Quanh khu vực này cũng như ở nhiều quầy hàng

rong hoặc cửa hàng khác bầy bán đầy những chiếc áo phông có in những hình ảnh liên quan

đến thảm hoạ 11 tháng 9, mà nhiều nhất là cảnh hai toà tháp quấn cờ, rồi những khẩu hiệu như

"Hãy đoàn kết nhau lại", "Chúng ta tự hào là người Mỹ", "Tôi đã sống những giây phút kinh

hoàng", "Hãy trả đũa thích đáng", thậm chí còn in cả hình Bin Lađen . Một lá cờ Mỹ không có

cán bình thường được bán với giá 2 USD, đến những khu phố ở Man-hát-tan nó tăng lên 7 USD.

Hình Bin La Đen trở thành món hàng kinh doanh

Tôi dừng lại để nói chuyện cờ Mỹ một chút. Lúc mới sang Niu-Yoóc, tôi có nhận xét rằng

người Mỹ rất thích treo cờ. Họ treo cờ trên các cột cờ ở công sở, trên các nóc nhà, trên xe ô tô,

xe bán hàng rong, thậm chí trên thùng rác, và chiếu cả hình cờ trên những màn hình quảng cáo

nữa. Tìm hiểu kỹ, tôi mới biết rằng ý thích treo cờ ấy mới bùng phát vào sau thời điểm 11 tháng

9. Hình như sau thảm hoạ, ý thức về Tổ quốc bỗng trào lên mãnh liệt trong lòng người Mỹ và

người ta biểu lộ ý thức ấy bằng cách treo thật nhiều cờ Mỹ. Chỉ riêng siêu thị Wal Mart trong

ngày 11 tháng 9 đã bán 116.000 lá cờ Mỹ để người dân tưởng niệm những nạn nhân 11/9. Và

thế là những nhà kinh doanh cờ "vào mánh". Số lượng cờ được tiêu thụ tăng vọt và giá cờ cũng

tăng theo - lên gấp 3 gấp 4 lần bình thường. May cờ trong nước không đủ, không kịp, người Mỹ

với tay sang tận Trung Quốc để đặt may gia công. Thế là các công ty chuyên may cờ ở Trung

Quốc đã "trúng một quả đậm" khi nhận được hàng loạt đơn đặt hàng khổng lồ từ Mỹ. Mấy ngày

sau thảm hoạ 11 tháng 9, công nhân của các công ty may cờ lớn ở Trung Quốc như Mei -Hi-Hua

(Thượng Hải), Jin-Teng (Triết Giang) ráo riết làm việc suốt ngày đêm để kịp giao hàng. Ông U

Guô-min cho biết trong vòng một tuần lễ kể từ ngày xảy ra thảm hoạ tại Niu-Yoóc và Oa-sinh-

tơn D.C, công ty của ông đã nhận được đơn đặt hàng may hơn 500.000 lá cờ từ các khách hàng

Mỹ. Cũng như vậy, công ty Jin-Teng nhận được đơn đặt hàng may 600.000 lá cờ Mỹ. Những lá

cờ Mỹ có kích thước trung bình được các công ty này bán cho các nhà phân phối Mỹ với giá 1

USD một lá, để rồi về đến nước Mỹ, nó được bán ba, bốn, thậm chí sáu, bẩy USD. Những cây

thông bằng nhựa quấn quanh dải băng có duy nhất từ "Tự hào" cũng bán rất chạy với giá 2 USD

một cây. Những cửa hàng bán mặt nạ chống khí độc luôn thiếu hàng. Những người bán hàng

rong khoe: "Tuy mệt nhưng chúng tôi đã thu được món lợi không tồi".

Tại thành phố đau thương này, chúng tôi còn được nghe kể về những hành động kiếm

chác vô lương tâm nữa. Kẻ thì hôi của. Kẻ lại lừa đảo. Chỉ khoảng một tiếng đồng hồ sau khi toà

nhà thứ hai của Trung tâm Thương mại Thế giới sụp đổ, những kẻ hôi của đã tràn vào khu vực

bị nạn. Họ vượt qua hàng rào cảnh sát với những lý do rất khác nhau. Kẻ này làm như hết sức

đau đớn chạy đến tìm người thân. Kẻ kia huơ cao chiếc máy quay video đòi làm phóng sự

truyền hình. Lại có kẻ nói rằng muốn tìm tài liệu cho tờ báo địa phương, nhưng vội quá nên đã

để quên thẻ nhà báo trong ô tô. Một trong những kẻ hôi của đó kể rằng y đã kiếm được một

chiếc nhẫn kim cương, bốn đôi giày và một mớ tài liệu trong một chiếc cặp da rách nát. Suốt

một tuần liền, cảnh sát không biết đến tình trạng hôi của. Khi báo chí công bố rằng dưới đống

đổ nát còn cả một kho vàng bạc trị giá trên 231 triệu USD, thì số lượng những kẻ hôi của tăng

lên khủng khiếp, cản trở nghiêm trọng công việc cứu hộ. Lúc này, thị trưởng Niu-Yoóc mới giật

mình, vội vã lên tiếng cảnh báo những kẻ làm ăn phi pháp này có thể bị bắt và phải ra trước

vành móng ngựa. Từ đó, số người hôi của mới giảm đi. Vậy mà vẫn có những kẻ tham lam nhẫn

tâm tiếp tục trò hôi của. Có một phụ nữ 48 tuổi đã bị bắt khi bà ta chạy đến đội cứu nạn, khóc

lóc thảm thiết nói rằng chồng bà vừa gọi điện thoại di động báo đang nằm trong một đống gạch

vụn, và khi đội cứu nạn tập trung vào nơi bà ta chỉ, bà ta liền quay ra tìm kiếm đồ đạc của

những người bị nạn.

Mấy ngày sau thảm hoạ 11 tháng 9, tại Niu-Yoóc xuất hiện hàng loạt những "công ty tìm

kiếm người mất tích" sẵn sàng truy tìm tung tích những nạn nhân cho thân nhân của họ. Không

ít người cả tin hoặc do quá đau đớn đã giao tiền cho những công ty "ma" ấy, để rồi từ đó không

bao giờ còn nhìn thấy chúng nữa. Tiếp theo, xuất hiện những "tổ chức từ thiện" đi khắp đất

nước quyên tiền ủng hộ những người bị nạn. Hàng trăm website từ thiện được mở ra. Không ít

người thả tiền vào cái thùng không đáy của bọn lừa đảo mà không biết.

Thế nhưng, trên đây chỉ là những người kiếm ăn vặt. Kiếm chác nhiều nhất qua thảm hoạ

11 tháng 9 lại chính là những tổ hợp sản xuất lớn của chính nước Mỹ. Theo lời bình luận của

một chuyên gia quân sự, đó chính là các tổ hợp công nghiệp sản xuất vũ khí. Điều này được thể

hiện rõ qua việc doanh số và chỉ giá cổ phiếu của những tổ hợp sản xuất vũ khí của Mỹ tăng

mạnh sau thảm hoạ 11 tháng 9. Ví dụ như Công ty Ray-thê-on Sít-xơ-tâm (nhà cung cấp lớn các

loại vũ khí, khí tài kỹ thuật cao cho quân đội Mỹ, trong đó có tên lửa Tô-ma-hốc và Stin-gơ nổi

tiếng): trước thảm hoạ 11 tháng 9, trong 3 quý đầu năm 2001, doanh số giảm liên tục, quý 3

này (trước khi xảy ra thảm hoạ 11/9) doanh số đạt 4 tỷ USD, giảm 200 triệu USD so với cùng kỳ

năm trước, nay giá cổ phiếu tăng vọt, lợi nhuận cũng tăng, có thể đạt trên 1 tỷ USD trong năm

tài chính sắp tới. Cổ phiếu của những tập đoàn sản xuất vũ khí truyền thống (như phản lực

chiến đấu và tầu chiến), vũ khí điện tử, các ngành bảo mật thông tin... tăng chóng mặt. Cổ phiếu

của L-3 chuyên cung cấp mạng lưới bảo vệ các phương tiện thông tin liên lạc và các sản phẩm

chuyên biệt cho ngành công nghiệp quân sự và vũ trụ không gian tăng 38%. Cổ phiếu của Hệ

thống hỗ trợ kỹ thuật tăng 34%, Tập đoàn tư vấn máy tính CACI Inc tăng hơn 20%, Raytheon,

nhà sản xuất hệ thống chiến đấu và tên lửa Patriot tăng 25%. Hai ngành công nghiệp quốc

phòng khổng lồ của Mỹ Lóc-hít Mác-tin Cóp-pơ và Nót-róp Grăm-mun Cop-pơ sản xuất bom B-2

tăng 12%. Hiện giá cổ phiếu của công ty Nót-róp Grăm-mun (sản xuất máy bay ném bom chiến

lược tàng hình B-2) đã tăng tới mức cao nhất trong vòng 3 năm qua, đạt 107,60 USD, tăng 10

xen. Giá cổ phiếu của công ty Ge-nơ-rô Đai-nơ-míc đạt mức kỷ lục là 94,99 USD, tăng 2,39 USD.

Công ty này cung cấp cho quân đội Mỹ từ viên đạn súng tiểu liên, tới những quả bom "thông

minh" hoặc tàu sân bay của hải quân. Giá cổ phiếu của công ty Ray-thê-on (sản xuất tên lửa Tô-

ma-hốc) đạt 36,30 USD, tăng 1,33 USD. Ông Jêm Saothơlan, chuyên viên về các hợp đồng quốc

phòng, cho biết chi phí quân sự của đợt ra quân này có nhiều điểm giống với cuộc ra quân dưới

thời cựu tổng thống Ri gân trong thập kỷ 80. Theo ông Pau H. Ni-bơ, phân tích gia thuộc hãng

JSA Re-sớt chuyên nghiên cứu tinh hình cho các công ty đầu tư Mỹ, đự đoán, chi phí cho quốc

phòng trong năm tài chính 2001 sẽ tăng từ 50 đến 350 tỷ USD và sẽ là 400 tỷ USD trong năm

2002. Mỗi tên lửa Tô-ma-hốc giá từ 600.000 đến 2.200.000 USD và mỗi tên lửa bắn vào áp-ga-

ni-xtan giá trung bình 1,2 triệu USD; từ khi Mỹ tấn công áp-ga-ni-xtan đến ngày 7 tháng 10, gần

100 tên lửa Tô-ma-hốc được phóng đi từ các tầu chiến. Người ta ước tính mỗi tháng Mỹ chi 1,2

tỷ USD cho chiến dịch quân sự ở Áp-ga-ni-xtan, và dự đoán cứ với cường độ như vậy thì cả

chiến dịch có thể lên tới 15 đến 20 tỷ USD, trong đó 70% chi phí chui vào tài khoản các nhà sản

xuất vũ khí. Các công ty công nghiệp quân sự đã vớ được hàng loạt hợp đồng béo bở cung cấp

vũ khí, khí tài quân sự cho quân đội Mỹ. Nổi bật là hợp đồng trị giá 200 tỷ USD mà Lầu Năm góc

ký với tổ hợp hàng không Lóc-hít Mác-tin nhằm chế tạo máy bay tàng hình siêu thanh thế hệ

mới X25. Cuối tháng 10 vừa qua, một lô thiết bị ca-mê-ra tìm nhiệt có giá trị gần 100 triệu USD

đã được bàn giao cho quân đội Mỹ để gắn vào các máy bay do thám hòng phát hiện quân Ta -li-

ban trong mùa đông lạnh giá. Quân Mỹ còn sử dụng nhiều bom khoan, bom xuyên có giá từ

200.000 đến 1 triệu USD một quả. Điều đó có nghĩa là những tay lái súng cỡ thế giới này sẽ

kiếm được những món lợi khổng lồ trên thảm hoạ của loài người!

Người ta vẫn hay nói rằng hạnh phúc trong đời là cái chăn hẹp, đắp kín đầu thì hở chân,

và ngược lại. Nền kinh tế thế giới ngày nay cũng vậy, khi người này thu lợi lớn thì tất người kia

phải chịu thiệt thòi. Sau thảm hoạ 11 tháng 9, trong khi các giới kinh doanh, đặc biệt là kinh

doanh vũ khí, vớ bở, thì thảm hoạ lại giáng xuống đầu một số công ty và vô khối người lao động

trên đất Mỹ. Sau thảm hoạ 11 tháng 9 tới cuối tháng 10, các hãng hàng không Mỹ bị giảm 650 tỷ

USD doanh thu. Cố gắng hoạt động trở lại, các hãng hàng không cũng chỉ đạt một nửa công

suất. Tâm lý hoảng loạn lan rộng khiến lượng hành khách đi bằng máy bay ở nước Mỹ giảm

70%. Các hãng hàng không A-me-ri-cân, Vôn-ti-nen-tô, Den-ta... cắt giảm 20% số chuyến bay.

Các công ty tài chính như bảo hiểm đang có nguy cơ mắc nợ vì phải trang trải các chi phí khôi

phục WTC. Thiệt hại về vật chất và tiền bồi thường của các công ty bảo hiểm và tái bảo hiểm

phải chi trả sau sự kiện 11 tháng 9 có thể lên tới 22 tỷ USD. Cổ phiếu của ngành hàng không và

du lịch giảm mạnh nhất, từ 40 đến 50%. Cổ phiếu của hãng phim giải trí Oan Đít-sơ-nây, sở hữu

hãng tin ABC, sụt giảm mạnh, mỗi cổ phiếu giảm từ 4,33 USD đến 19,5 USD. Sau 11 tháng 9,

hãng U.A và A.A đã giảm 20.000 nhân công, hãng B.A giảm 5.200 nhân công, hãng U. Atlantic

giảm 12.000 nhân công. Hãng sản xuất máy bay khổng lồ Boing cho biết sẽ cắt giảm gần 30.000

nhân công trong vòng 12 tháng tới. Vào cuối tháng 9, giới chủ các hãng hàng không Mỹ đã một

lần nữa khẳng định rằng sẽ có 100.000 nhân viên ngành hàng không nước này bị sa thải do ảnh

hưởng của vụ khủng bố ngày 11 tháng 9. Theo các nhà phân tích công nghiệp Mỹ, có ít nhất 6

ngành khác có liên quan đến ngành hàng không bị ảnh hưởng do vụ khủng bố và đã bắt đầu

chiến dịch sa thải hàng loạt, bất chấp quyền lợi của người lao động. Khoảng 600.000 nhân viên

có nguy cơ bị sa thải hàng loạt trong vài tháng tới. Nhưng không như trước đây, các "chiến

dịch" sa thải hàng loạt nhân viên lần này của giới chủ các ngành công nghiệp Mỹ không vấp phải

trở ngại nào, bởi vì đã có lý do "chính đáng" là ảnh hưởng của thảm hoạ 11 tháng 9. Ngay cả phi

công, tiếp viên hàng không cũng không có quyền khiếu kiện nếu như các hãng hàng không

chứng minh được vụ tấn công ngày 11-9 là hành động chiến tranh. Điều này có nghĩa là không

có tổ chức nào đứng ra bảo vệ giới lao động... Trong khi đó, các tổ chức công đoàn tại nhiều

hãng hàng không khác cho biết sẽ không chống đối kế hoạch sa thải đặc biệt hiện nay. Thế là,

mượn gió bẻ măng, lợi dụng tình trạng sa sút của một số ngành sản xuất, kinh doanh do ảnh

hưởng thực sự của thảm hoạ 11 tháng 9, nhiều công ty, tập đoàn Mỹ đã sa thải hàng loạt công

nhân, điều mà trước đó họ đã muốn làm nhưng chưa kiếm được cớ để thực hiện. Cuối cùng,

mọi thiệt thòi đều đổ dồn vào đầu những người lao động nghèo khổ của một đất nước giầu

mạnh là Mỹ.

5. Người Mỹ: Siêu đẳng về thông tin

Trong phần viết trên đây, tôi đã nhắc đến nhiều hoạt động của các cơ quan văn hoá, giáo

dục Mỹ mà ở đó, thông tin đựơc coi trọng và được thực hiện một cách tài tình, đầy hiệu quả.

Trong phần này, tôi mô tả một số biện pháp cụ thể mà các cơ quan ở Mỹ thực hiện trong chiến

lược thông tin của mình, qua đó phác hoạ bức tranh khái quát về hình ảnh bộ máy tuyên truyền

ở Mỹ.

Hơn bất cứ nước nào trên thế giới, Mỹ là một cường quốc về thông tin, và người Mỹ đã

tận dụng triệt để sức mạnh về thông tin của mình để tiến hành các chiến dịch truyền thông

phục vụ đất nước mình, và để tiến hành chiến tranh tâm lý chống lại những lực lượng đối địch.

Đối với những người Mỹ này, thông tin là công cụ bán hàng, và diễn đàn thông tin là một thị

trường sôi động. Đối với những người Mỹ khác, thông tin là công cụ để phát triển sự nghiệp, và

diễn đàn thông tin là một sân chơi cho mọi đối tượng muốn tham gia phát triển sự nghiệp ấy.

Đối với giới cầm quyền hiếu chiến, thì thông tin chính là một thứ vũ khí sắc bén, và diễn đàn

thông tin là một mặt trận quyết liệt.

Trong phần trên, tôi đã nói nhiều về quảng cáo. Trong phần này, tôi lại nói đến một

chuyện cũng về quảng cáo, nhưng mang tính thông tin xã hội nhiều hơn. Đó là việc có một hình

thức quảng cáo mà tôi cứ tưởng rằng ở một nước hiện đại như Mỹ, thì không thể tồn tại, vậy

mà vẫn cứ có mặt trong cuộc sống nước Mỹ. Đó là quảng cáo vặt, bằng cách dán các tờ rơi trên

tường, trên cột điện... Tôi đã đi dạo trên nhiều phố phường của Niu-Yoóc, Oa-sinh-tơn, và đã

bắt gặp những tờ rơi ở khắp các ngả đường, góc phố, trên những cột đèn hiệu giao thông và cột

điện. Trên những mảnh giấy được sao chụp hàng loạt là những thông tin về các lớp dạy học, về

cho thuê hoặc tìm thuê nhà cửa, về tìm chó mèo lạc, về bán lẻ hàng hoá, nhưng gây ấn tượng

nhất là thông tin về nạn nhân của thảm hoạ 11 tháng 9. Tôi được những người sở tại cho biết

rằng, chưa bao giờ những tờ rơi lại tràn ngập Niu-Yoóc, nhất là khu vực hạ Man-hát-tan, như

những ngày qua, đã biến nơi này thành một thành phố của những tờ rơi. Hàng ngàn người đã

sao chụp hình ảnh và thông tin của những người thân bị mất tích dán khắp mọi nơi có thể trên

những khu phố dài xung quanh vùng trống trước đây là những toà nhà cao tầng... Những thông

tin trên tờ rơi thường ngắn gọn nhưng cụ thể về một vài đặc điểm nhân dạng, như vết chàm

trên mặt, vết sẹo trên tay, chiều cao, thể trạng, nơi làm việc, cộng thêm hình ảnh mới nhất của

người mất tích. Điều này cho thấy, người Mỹ hết sức coi trọng tính mục đích, để đạt mục đích,

họ có thể sử dụng bất cứ phương tiện nào, phương pháp nào. Để đẩy thông tin ra xã hội, người

Mỹ đã sử dụng cả những phương thức thô sơ cổ lỗ nhất như vừa nói, đến những phương thức

tân tiến nhất, và phương thức nào cũng đem lại những hiệu quả thiết thực. Trong khi đó, ở

nước ta, nhiều khi chưa đạt đến được những phương thức hiện đại, người ta đã muốn loại bỏ

những phương thức thông thường, ví dụ như đã có dạo có người nêu vấn đề loại bỏ phim đèn

chiếu hoặc xem xét lại sự tồn tại của các đội thông tin lưu động, vì cho rằng chúng không còn

chỗ đứng trong thời đại của ti vi, video... nữa. Đã từng tiếp xúc với nhiều đơn vị nghệ thuật của

nước ta, tôi có cảm nhận rằng các nhà quản lý nghệ thuật của ta chưa hiểu biết lắm về vai trò

của thông tin, và kỹ năng làm thông tin của họ hầu như ở con số không. Trong khi đó, thông tin

đối với các đơn vị nghệ thuật ở Mỹ là một bộ phận máu thịt trong cơ cấu tổ chức cũng như

trong hoạt động của họ. Họ thực hiện tới mức hoàn hảo cả hai loại thông tin - thông tin về kỹ

thuật để thực hiện các chuyến công diễn, và thông tin tuyên truyền để quảng bá cho mình.

Tại trường đại học Binh-ham-tơn, tôi đã được dự một buổi thảo luận bàn tròn về thông

tin và tiếp thị rất thú vị. Giáo sư Mác-tin Su-lơ-man mở đầu:

- Các đoàn nghệ thuật muốn đến biểu diễn ở Trung tâm nghệ thuật An-đe-sơn đều phải

cung cấp thông tin cho ông Stivơ Mắclin, giám đốc Kỹ thuật của Trung tâm này. Họ cần thông tin

của các đoàn nghệ thuật đó để chuẩn bị cho công tác biểu diễn và để tuyên truyền trên báo chí.

Tuyên truyền trên báo chí là rất hữu hiệu. Phải cung cấp thông tin để họ hiểu ta là ai, như thế

nào. Ví dụ như đoàn rối Thăng Long của Việt Nam sang Mỹ. Người Mỹ chưa biết gì về đoàn này.

Nhưng qua báo chí, khán giả Mỹ đã có hiểu biết sơ bộ về nội dung vở diễn của đoàn, đó là

những trò rối nói về các cảnh sinh hoạt ở thôn quê, tính phức tạp và độc đáo của nó trong việc

điều khiển các con rối, tác giả là dân gian, Nhà hát thuộc thành phố Hà Nội, có rạp biểu diễn

riêng tại thủ đô Hà Nội, dư luận về những buổi diễn trước đó từ nhiều nước trên thế giới như

Pháp, Italia... đều khen ngợi hết lời. Những thông tin ấy đi kèm với ảnh những chú rối ngộ

nghĩnh đã thu hút khán giả đến rạp. Các bạn cần nhớ rằng thông tin không phải chỉ để cho

người ta biết, mà còn cần giúp người ta hiểu về nghệ thuật mà các bạn sẽ đem tới cống hiến

cho họ. Một đặc tính quan trọng của người Mỹ mà các bạn cần nhớ là họ rất muốn biết thông

tin qua báo chí. Do vậy, phải cung cấp càng nhiều thông tin cho báo chí càng tốt. Cùng với bài

viết, ảnh, các bạn còn cần phải giới thiệu bằng băng, đĩa hình, cả CD-ROM và cả In-tơ-nét nữa.

Một điều mà tôi muốn các bạn đừng quên, tiếp thị không phải là cho đơn vị nghệ thuật hay cho

giám đốc, mà là cho bản thân thứ nghệ thuật bạn muốn đem đến công chúng, tạo ra niềm hứng

khởi cho khán giả. Những bức ảnh dùng cho thông tin cần trong tình trạng động, nghĩa là các

diễn viên phải đang trong hành động nghệ thuật biểu diễn, chứ không phải đang yên lặng trong

những bức chân dung.

Giáo sư Su-lơ-man giới thiệu với chúng tôi diễn giả chính hôm nay như sau:

- Ông Sơ-ti-vơ D. Mắc-lin là Giám đốc Kỹ thuật của Trung tâm Nghệ thuật An-đe-sơn ở

trường đại học Binh-ham-tơn, trường đại học quốc lập bang Niu-Yoóc. Chức vụ hiện thời của

ông Stive là Giám đốc Kỹ thuật, chịu trách nhiệm quyết định và điều phối các yêu cầu kỹ thuật

của 3 nhà hát nằm trong khu Trung tâm An-đe-sơn. Sự điều phối này bao gồm cả công tác tư

vấn cho các nghệ sĩ và đại diện của các nghệ sĩ để đảm bảo hỗ trợ đúng về mặt kỹ thuật và phải

am hiểu về các yêu cầu trong biểu diễn. Điều này bao gồm việc phải quyết định về âm thanh,

ánh sáng, sân khấu, lắp ráp và đảm bảo an toàn cho mỗi buổi diễn. Ông Stive là thành viên của

Hiệp hội Bình quyền cho Diễn viên (AEA), Hội Kỹ sư âm thanh (AES) và Viện Công nghệ Sân khấu

Hoa Kỳ (USITT).

Không rào đón, tiếp lời giáo sư Mác-tin Su-lơ-man, ông Sơ-ti-vơ D. Mắc-lin đi thẳng vào

nội dung:

- Với tư cách là những người đón đoàn đến biểu diễn, chúng tôi cần được cấp đầy đủ

thông tin. Chúng tôi chính là đối tác của các buổi biểu diễn đó. Chúng tôi cần biết những yêu

cầu của đoàn về các phương tiện phục vụ biểu diễn, như âm thanh, ánh sáng, phông màn, sân

khấu, đạo cụ... Trước khi đoàn Thăng Long của các bạn đến đây, chúng tôi đã đón một đoàn

kịch của Hy Lạp diễn trên sân khấu nước. Chúng tôi đã phải trao đổi rất kỹ về lượng nước tối đa,

tối thiểu cho sân khấu, trọng lượng sân khấu. Nhờ bàn bạc cặn kẽ, từ dự kiến mức nước của sân

khấu phải cao 20 cm, chúng tôi đã thoả thuận rút xuống còn 5 cm mà vẫn đảm bảo cho yêu cầu

của nghệ thuật. Cũng từ việc rút đi 15 cm chiều cao mực nước ấy, trọng lượng sân khấu đã

giảm đi, đồng thời rất nhiều chỉ tiêu khác phục vụ biểu diễn đã được điều chỉnh theo, giúp đoàn

nghệ thuật ấy giảm nhiều chi phí. Nhờ kinh nghiệm về sân khấu nước ấy mà khi đoàn Thăng

Long chuẩn bị sang biểu diễn, chúng tôi đã hướng dẫn và nhanh chóng thu thập đầy đủ thông

tin giúp cho việc tổ chức biểu diễn được thực hiện không tồi.

Giở ra một bản sơ đồ có những đường nét và hình khối được tô đậm, ông Sơ-ti-vơ D.

Mắc-lin giải thích:

- Đây là sơ đồ về bố trí ánh sáng phục vụ sân khấu. Các bạn đừng quên cung cấp cho

chúng tôi thông tin đầy đủ đối với các yêu cầu cụ thể về ánh sáng, phông màn, kích thước sân

khấu, ví dụ như về ánh sáng: cần bao nhiêu đèn, công suất ra sao, bố trí ở những vị trí nào...

Ngược lại, nơi tổ chức biểu diễn cũng phải cung cấp thông tin về sân khấu, phương tiện kỹ

thuật... của mình cho đơn vị nghệ thuật.

Ông Gie-rô Li-tô-ne, một người Anh, cũng làm cho Quỹ FORD, đóng góp:

- Nếu các bạn định gửi ảnh giới thiệu nghệ thuật đến nước nào, thì những ảnh ấy phải

phù hợp với bối cảnh nền văn hoá nước đó. Chúng tôi đã gặp thảm hoạ khi tổ chức biểu diễn

cho một đoàn nghệ thuật Hàn Quốc tại Luân Đôn. Do không nghe lời chúng tôi, các bạn Hàn

Quốc đã gửi ảnh chân dung các diễn viên sang Luân Đôn và nói rằng loại ảnh đó có tác dụng

quảng cáo rất tốt ở Hàn Quốc. Trên thực tế, thì những ảnh ấy không có ý nghĩa gì đối với người

dân Luân Đôn, họ có biết các gương mặt trong những tấm ảnh ấy là ai đâu! Giá như đó là ảnh

người yêu của họ thì họ còn xúc động, chứ đây là ảnh những người xa lạ, họ ngắm làm gì! Các

bức chân dung ấy không gợi cho họ một cảm hứng nghệ thuật nào. Cuối cùng, các buổi biểu

diễn đều có quá ít người xem. Thế là chúng tôi gặp thảm hoạ!

Mọi người cười ồ lên vì cách nói hóm hỉnh của ông bạn người Anh này. Con người cao to

lừng lững, da đỏ au, mặt nhẵn bóng, râu quai nón xén gọn và dáng vẻ điềm đạm ấy rất ít nói,

nhưng thông tin ông đưa ra lại rất hấp dẫn.

Ông Sơ-ti-vơ D. Mắc-lin nói tiếp:

- Chúng tôi cũng đã đón đoàn từ Liên bang Nga đến Luân Đôn vào những năm 1992 -

1993. Lúc đầu, họ tìm những nhà tổ chức nhỏ, không có tham vọng bán nhiều vé - họ chấp nhận

mỗi buỗi diễn có khoảng 300 khán giả. Dần dần, vừa diễn vừa quảng cáo, họ đến với những nhà

tổ chức lớn hơn. Kiên trì trong nhiều năm để tạo dựng thị trường, tới nay đoàn nghệ thuật của

Liên bang Nga đã có đông khán giả, mỗi buổi bán được 2.000 vé.

Dẫn chuyện Anh quốc, Hàn quốc và Liên bang Nga rồi, Ông Sơ-ti-vơ D. Mắc-lin quay qua

khẳng định:

- Nhà tổ chức của Mỹ là nhà tổ chức có hiệu quả nhất thế giới. Các nhà hát ở Mỹ có hệ

thống kỹ thuật rất tốt, có đội ngũ nhân viên rất tốt, khi có đủ thông tin, họ sẽ giúp bạn biểu diễn

rất tốt. Vì thế, những đoàn nghệ thuật Anh quốc chúng tôi rất thích đến lưu diễn ở Hoa Kỳ.

Buổi thuyết trình về thông tin tại trường đại học Niu-Yoóc cũng gây cho tôi ấn tượng khó

quên. Diễn giả là giáo sư Đan Mác-tin. Ông trình bầy về vấn đề ứng dụng công nghệ vào hoạt

động nghệ thuật với nội dung khá phong phú, trong đó có vấn đề văn hoá trên mạng rất mới

mẻ và sâu sắc. Cao khoảng gần hai mét, nặng chừng hơn một tạ, giáo sư có giọng nói sang sảng

và có cách trình bầy rành mạch, gọn gàng. Nắm rất chắc vấn đề mình cần trình bầy, giáo sư hay

nói ở thể khẳng định:

- Nước Mỹ đã từng tranh luận về việc ứng dụng In-tơ-nét vào đời sống. Tiêu chí của Mỹ là

nếu có 10 triệu người sử dụng thứ hàng hoá hoặc đồ dùng nào, thì thứ ấy được coi là được

chấp nhận trên thị trường. Với khả năng tiếp cận 10 triệu lượt người chỉ trong 6 tháng, In-tơ-

nét được coi là công cụ đáng sử dụng mãi mãi. Tuy nhiên, In-tơ-nét chỉ là công cụ, không phải là

đấng cứu thế. In-tơ-nét bổ sung cho các nỗ lực tiếp thị hiện có chứ không thay thế chúng. In-tơ-

nét phải được hoà nhập vào kế hoạch tiếp thị hiện có của bạn. In-tơ-nét lôi kéo mọi người vào

websites của bạn.

Giáo sư cho rằng người Mỹ đã nắm được một công cụ lợi hại nhất để tiến hành toàn cầu

hoá, đó là In-tơ-nét. Người Mỹ suy nghĩ, điều tra, dự đoán để phát triển In-tơ-nét và đã đưa ra

những con số như sau: Mức độ truy cập In-tơ-nét cứ 100 ngày lại tăng gấp đôi. Đến năm sẽ

2003 sẽ có trên 500 triệu người sử dụng In-tơ-nét trên khắp thế giới. Máy vi tính sẽ mang tính

nhân bản nhiều hơn. Các mạng sẽ có ở mọi nơi và mọi thứ đều được kết nối. Trang web sẽ trở

nên "thông minh" - nó sẽ biết nhiều hơn về bạn, về nội dung cuả nó. Các hình thức giải trí sẽ

mang tính công nghệ số nhiều hơn. Tốc độ máy vi tính có thể tiếp tục tăng 18 tháng một lần.

Nền kinh tế In-tơ-nét sẽ trở thành bộ phận lớn nhất của hạ tầng kinh tế toàn cầu. Dẫn ra một

loạt thông số dự đoán về công nghệ thông tin, máy vi tính, công nghệ không dây, giáo sư Đan

Mác-tin quy về một tất yếu là hoạt động nghệ thuật phải tận dụng được thế mạnh của In-tơ-

nét. Giáo sư giải thích:

- Sử dụng In-tơ-nét vào tiếp thị nghệ thuật, chúng ta sẽ đạt được hiệu quả theo nguyên

tắc AIDA[1] - đó là: Thu hút sự tập trung, Tạo sự thích thú, Tạo ra mong muốn,Kích thích hành

động. Sở dĩ như vậy vì In-tơ-nét hỗ trợ trong việc tạo ra sự thay đổi trong khách hàng (khán

giả), làm cho quá trình mua hàng của khách hàng có tiến trình sau: Từ không biết đến biết, từ

biết đến hiểu, từ hiểu đến tin tưởng, từ tin tưởng đến quyết định hành động. Có nghĩa là, In-tơ-

nét hỗ trợ trong việc đạt được các mục tiêu tiếp thị của đơn vị nghệ thuật: Phát triển khán

thính giả, Duy trì khán thính giả, Mở rộng khán thính giả, Làm phong phú khán thính giả. Nếu

gọi văn hoá nghệ thuật là một ngành công nghiệp thì nó phụ thuộc rất nhiều vào sự trung thành

của khán thính giả. In-tơ-nét sẽ tạo ra khán thính giả trung thành cho nghệ thuật. Chúng tôi

dùng In-tơ-nét để tiếp cận sinh viên đại học và những người có lương cao, mở rộng quan hệ ra

thế giới, tạo ra mạng lưới phân phối lớn trên thế giới về nghệ thuật. Hiện nay, trang web là

công cụ tiếp thị đầu tiên của các đơn vị nghệ thuật. Những nhà quản lý nghệ thuật phải tạo

được một mạng lưới, bằng sự kết nối giữa người với người, bằng các hình thức kết nối đa dạng:

Tổ chức với khán thính giả, Tổ chức với các cộng tác viên, Tổ chức với tổ chức, Tổ chức với các

nguồn tài trợ. Khi cung cấp thông tin lên mạng, các nhà quản lý nghệ thuật cần trả lời được cho

bạn đọc các câu hỏi: Ai? Khi nào? Ở đâu? Tại sao? và Như thế nào? Thông tin về nghệ thuật đến

với khán thính giả không chỉ là lời nói, mà phải có cả hình ảnh, âm thanh và video, các dữ liệu

tương tác, các công cụ giao tiếp.

Giáo sư thuyết trình một loạt vấn đề hữu ích khác đối với việc tổ chức thông tin cho tiếp

thị nghệ thuật như cách thức phục vụ khán thính giả, cách thức nâng cao sự hứng thú cho công

chúng, cách thức tiếp cận với các thị trường mong muốn, cho phép người nhận có thể phản hồi

nhận xét... Giáo sư trình bầy về bốn "luật" tiếp thị trên In-tơ-nét như sau:

1. Luật kéo và đẩy: Kéo khán khán giả đến với trang web của bạn bằng nội dung quyến rũ.

Sau đó đẩy các thông tin có chất lượng đến với họ một cách thường xuyên thông qua thư điện

tử (tôi chợt liên hệ: các cơ quan tuyên truyền phản động đã áp dụng triệt để biện pháp này,

chính tôi luôn luôn nhận được các thư điện tử "không mời mà đến" với nội dung xấu, phải mất

công xoá đi).

2. Luật ngõ cụt: Cần tạo ra nhiều lớp thông tin để "nhử" người đọc. Người ta vào lớp đầu,

thấy cụt đường, lại vào lớp tiếp theo. Lớp thông tin đầu rất quan trọng, vì nhiều người đọc chỉ

lướt qua các trang web, thấy hấp dẫn mới vào các lớp thông tin sau. Phải tạo được lý do cho

người đọc đến với website của mình bằng hai cách:

- Tạo công cụ tìm kiếm và tạo cơ chế Linh (kết nối) để khi tìm kiếm được thông tin rồi thì

người đọc nhảy được vào trang web có liên quan một cách tự động.

- Nhưng quan trọng là phải tạo ra nội dung phù hợp với đối tượng.

3. Luật cho và bán: Cần quan tâm đến việc người đọc cần nhận được gì để đáp ứng đúng nhu

cầu của họ. Hãy cho đi một thứ gì đó trên mạng. Nắm lấy sự quan tâm của họ để rồi bán cho họ

một cái khác.

4. Luật tin cậy: Cần xây dựng sự tin cậy. Hiện nay ở Mỹ có một điều nguy hiểm là người ta

không biết rõ một website nào đó do ai tạo ra? Đó có thể là sản phẩm của một công ty nghiêm

chỉnh, nhưng cũng có thể là của một thằng nhãi ranh tin tặc 14 tuổi. Để tạo sự tin cậy của khách

hàng đối với website của mình, chống sự giả mạo đó, bạn cần đưa lên trang web của mình

thông tin liên hệ đầy đủ (địa chỉ, số điện thoại,,,), hình ảnh về địa điểm và các chương trình,

hình ảnh đội ngũ nhân viên.

Giáo sư hướng dẫn cách tiếp thị nghệ thuật bằng các thông điệp thư điện tử đa dạng kiểu

vi rút, có khả năng tự lan truyền hoặc kích thích lan truyền trên mạng, ví dụ một thư có ghi

thêm dòng chữ: "Mời bạn hãy đọc thư này, bài báo này, và hãy chuyển nó cho các bạn của

bạn". Nhờ vậy mà thông điệp của bạn có thể được lan toả đến với số lượng người đọc không

thể lường được.

Gáo sư chuyển qua đề tài về xúc tiến thương mại điện tử như sau:

- Thương mại điện tử đem lại nhiều lợi ích, như thuận tiện cho khách hàng, tiếp cận được

nhiều khách hàng hơn, tạo ra kênh phân phối mới, tiếp thị tốt hơn, chi phí thấp hơn. Ngày nay

"đi chợ" trên mạng, người ta thấy lạc quan hơn, dễ mua hơn. Ngành kinh doanh nghệ thuật

cũng có phương thứ mới, đó là bán vé trên mạng. Người ta ước tính vào năm 2002, bán vé trên

mạng sẽ đạt thị phần 10 tỷ USD. Chi phí cho việc bán vé trên mạng thấp hơn hẳn chi phí bán vé

qua đại lý, ví dụ bán vé máy bay qua đại lý mất 8 USD chi phí, còn qua mạng chỉ mất 1 USD chi

phí. Việc giao dịch ngân hàng cũng vậy, qua nhân viên theo phương thức cũ mất 1,07 USD, còn

qua máy chỉ mất 0,01 USD. Việc quảng cáo trên mạng cũng làm giảm thiểu chi phí, cụ thể là:

quảng cáo trực tiếp chi hết 500 USD/1.000 người, qua báo chi hết 17,5 USD/1.000 người, trên

mạng chi hết 1,75 USD/1.000 người. Xúc tiến thương mại điện tử, ta có cơ hội tăng thêm khách

hàng mà không phải chi thêm hoặc chỉ phải chi thêm rất ít tiền. Ngành nghệ thuật cần tham gia

thương mại điện tử. Để tận dụng các lợi thế của thương mại điện tử, các nhà quản lý nghệ

thuật cần đưa lên mạng các đoạn mẫu của tác phẩm, tạo ra những cuộc lưu diễn ảo, phỏng vấn

các nghệ sĩ, thông tin về cách đặt vé, cung cấp các thẻ dành cho khán giả mua vé thường xuyên,

theo dõi việc mua vé, thưởng cho các khán giả trung thành và khuyến khích họ để bán được

nhiều vé hơn. Bán hàng qua mạng còn giúp người bán thu thập được thông tin về khách hàng,

ví dụ như thói quen mua hàng, mặt hàng ưa chuộng... để từ đó nắm chắc hơn khách hàng, đáp

ứng tốt hơn yêu cầu của khách hàng và sẽ bán được nhiều hàng hơn.

Về việc tổ chức thông tin trên mạng, giáo sư Đan Mác-tin nói đến những điều mà người

làm thông tin cần quan tâm, là tốc độ của đường truyền, mức độ thành thạo của người dùng,

phần mềm mà họ dùng và kỳ vọng của khách. Ông cho biết Công ty IBM, một công ty máy tính

nổi tiếng của Mỹ, đã phải thiết kế lại trang web để tập trung vào yêu cầu của người truy cập,

xoá bỏ các lỗi thiết kế, nhờ thế mà ngay trong tuần lễ đầu tiên đã làm cho việc sử dụng nút trợ

giúp (Help) giảm 84% và doanh thu bán hàng tăng 400%.

Về Mười "quy tắc" văn hoá mạng, giáo sư trình bầy như sau:

1. Quản lý hình ảnh của bạn (của tổ chức mình)

Đòi hỏi ta phải kiên định với cách ta đã làm trên mạng, không nên thay đổi, để khi người

ta truy cập mạng là nhận ra ngay trang web của ta. Giống như đi bất cứ đâu, cứ nhìn nhà hàng

nào có chữ M mầu vàng trên nền đỏ là ta biết đó là nhà hàng ăn nhanh Mắc-đô-nan.

2. Hướng dẫn đơn giản

Hãy chỉ cho người truy cập biết họ đang ở đâu. Hãy cung cấp các chỉ dẫn về đường dẫn

cho khách hàng. Hãy đánh dấu rõ ràng các mục kết nối "Home" (quay về trang chủ). Hãy sắp

xếp những đường nối quan trọng theo một cách thức thống nhất. Ví dụ các nút công cụ dù ở

trang nào cũng cần nằm ở một vị trí. Sắp xếp thông tin theo ưu tiên, loại nào đáp ứng yêu cầu

nhiều nhất cho bạn đọc thì được ưu tiên ở những vị trí thuận lợi nhất trên trang web. Tôi đã

đến một nhà hát ở Rumani, Giám đốc rất tự hào về trang web của mình, trên trang chủ có hình

ảnh của ông ta, tôi hỏi: "Có đúng là ông muốn khách nhập mạng là để nhìn ông không?" Ông ta

trả lời: "Đúng!". Tôi bảo: "Ông hãy quên điều đó đi! Khách cần thông tin chứ không cần ông!

Đưa ảnh ông lên mạng sẽ gây lãng phí thời gian truy cập!".

Khi thiết kế trang web, cần sáng tạo, nhưng đừng quá thông minh để biến sự sáng tạo ấy

thành sự đánh đố khách hàng, làm cho khách hàng rối trí trước sự khó hiểu của trang web.

3. Đừng lãng phí thời gian

Thông tin cần ngắn gọn, do đó phải thực hiện khẩu hiệu "Cắt! Cắt! và Cắt!". Hãy bỏ

những thông tin thừa hoặc không liên quan. Bản thân tôi đã vào một trang web, thấy có dòng

“Hãy kích vào đây để đi vào trang web của chúng tôi” - đó là thừa. Cần dùng ngôn ngữ ngắn

gọn, đi vào đề. Hãy chỉ dẫn chứ đừng chỉ bảo. Chỉ sử dụng hình ảnh hoặc minh hoạ khi chúng

làm tăng thêm giá trị cho trang web của bạn.

4. Giữ cho sản phẩm của bạn luôn mới

Người sử dụng đòi hỏi thông tin phải được cập nhật thường xuyên. Phải phân công nhân

lực để bảo trì và cập nhật trang web. Vừa qua tôi vào trang web của một dàn nhạc giao hưởng,

thấy quảng cáo một chương trình của tháng 9/2001, như vậy là muộn quá. Phải ghi ngày nhập

thông tin vào trang web (ví dụ: Cập nhật ngày 11 tháng 9 năm 2001).

5. Hãy cho đi

Người truy cập mong đợi nhận được một cái gì đó từ các trang web, như thông tin về tổ

chức của bạn, những dữ kiện thú vị, những trò giải trí, được kết nối với các nguồn thông tin

khác và những thứ "linh tinh" miễn phí. Vậy thì bạn hãy cho họ những thứ mà họ thích.

6. Nội dung, nội dung, nội dung

Cung cấp thật nhiều thông tin theo một định dạng có thể phát tin tốt. Không chỉ phát tin,

mà phải nắm bắt thông tin (về hội viên, về việc đăng ký truy cập vào những thông tin/dịch vụ

đặc biệt, đảm bảo có sự "trao đổi giá trị").

7. Hãy tương tác

Với những người ở trong nền văn hoá Web, người ta không chỉ đọc mà họ muốn kích vào

mục này, mục kia, do vậy cần đưa vào những dấu hiệu về đường nối, hướng dẫn mẫu, điều tra,

thiết bị tìm kiếm nội bộ và các cuộc thi. Có nhiều kết nối theo các dạng "hãy liên hệ với chúng

tôi", "nhận xét", và "hãy gửi email". Sắp xếp sao cho người truy cập có thể tiếp cận gần hơn với

thông tin mà họ mong muốn chứ đừng làm cho họ bị lạc đề.

8. Tuân theo quy tắc "7 + /-2"

Có những trang web có thông tin tốt, nhưng lại được thể hiện bằng bài viết dài dặc, làm

cho người ta cứ phải trượt trên màn hình suốt. Cần chia nhỏ thông tin thành nhiều phần để tuỳ

người ta muốn vào chi tiết đến đâu sẽ đi đến đấy. Cần sắp xếp thông tin từ chung chung đến chi

tiết, từ trừu tượng đến cụ thể. Như thế, quy tắc " 7+/-2" có nghĩa là 1 trang không đưa quá 7

hộp, có như vậy thì thông tin sẽ được cập nhật hơn, giảm nguy cơ "bùng nổ dữ liệu", tạo cho

người truy cập khả năng điều khiển, tạo trang web dễ sử dụng hơn.

9. Quảng bá trang web của bạn

Phải tạo ra các kết nối qua lại giữa trang web của bạn với nhiều trang web khác. Hãy

đăng ký địa chỉ trang web của bạn với chức năng tìm kiếm. Hãy quảng bá địa chỉ của bạn ở mọi

nơi. Hãy nói nhiều về nó.

10. Các quy tắc rồi sẽ thay đổi

Nếu như hôm nay bạn nói "hoạt động biểu diễn, kinh doanh vẫn như bình thường" thì có

lẽ ngày mai bạn sẽ không thể tiếp tục hoạt động của mình được nữa. Hãy vận động càng nhiều

càng tốt một cách thông minh, bởi vì mọi thứ đều có thể thay đổi.

Tiếp đó, giáo sư Đan Mác-tin trình bầy một loạt vấn đề liên quan đến việc xây dựng và

phát triển trang web, trong đó tập trung vào quá trình lập kế hoạch.

Cuối buổi, giáo sư Mác-tin Su-lơ-man nói nửa đùa nửa thật:

- Muốn tìm thông tin về một nước nào đó thì hãy vào trang web của CIA - đó là trang

phong phú nhất. Bây giờ CIA đang có nhu cầu tuyển mộ lính mới, nhất là những người biết tiếng

Arập (mọi người đều cười). Tôi có nói chuyện với một thương gia người Trung Quốc, ông này tỏ

ý băn khoăn về nạn chảy máu chất xám – những người có trình độ của Trung Quốc đều bị thu

hút về Mỹ. Một trong những lý do của việc này là vì ở Trung Quốc họ không truy cập được In-

tơ-nét – không tiến bộ được.

Không biết rằng thông tin do giáo sư Mác-tin Su-lơ-man thu nhận được từ nguồn nào,

chứ theo thông tin tôi có, thì Trung Quốc phát triển khá mạnh In-tơ-nét, có dạo đã bùng nổ các

quán cà phê In-tơ-nét, chứ làm gì có chuyện một trí thức không thể truy cập In-tơ-nét để đến

nỗi phải chạy sang Mỹ?

Cũng không hiểu từ nguồn thông tin nào, mà giáo sư Mác-tin Su-lơ-man nói: "Việt Nam

cũng thấy khi dùng In-tơ-nét sẽ có nhiều nguy cơ. Tôi không nói đến việc có nguy hiểm hay

không khi dùng In-tơ-nét, mà nói đến việc hiểu nhau. Hãy nghĩ đến mặt trái nếu không dùng In-

tơ-nét, và người Việt Nam phải quyết định cho mình chứ không phải người khác quyết định."

Tôi rất quý giáo sư Mác-tin Su-lơ-man bởi tính chân thực và nhiệt tình của ông, nhưng cũng

thấy băn khoăn về việc những thông tin về Việt Nam đến với ông thường không toàn diện,

khiến ông có thể hiểu sai một đất nước mà ông đã hai lần đặt chân đến. Tôi phải giải thích với

giáo sư rằng Việt Nam có cảnh báo về những nguy cơ khi không quản lý tốt In-tơ-nét, nhưng về

cơ bản, thì Việt Nam khẳng định In-tơ-nét là công cụ hữu hiệu cho sự nghiệp công nghiệp hoá,

hiện đại hoá, cần phát triển, và thực tế Nhà nước Việt Nam đã có nhiều biện pháp phát triển In-

tơ-nét. Nhân đó, tôi thông báo với các bạn Mỹ rằng vào buổi sáng ngày 12 tháng 10, trước khi

lên máy bay bay sang Hoa Kỳ mấy tiếng đồng hồ, tôi đã dự buổi hội thảo qua cầu truyền hình

Việt - Mỹ về thương mại điện tử. Trong buổi hội thảo này, từ Oa-sinh-tơn, ông Giám đốc Ngân

hàng Thế giới đánh giá cao Chính phủ Việt Nam đã có nhận thức đúng đắn về thương mại điện

tử và đã có biện pháp xúc tiến nó, Chính phủ Việt Nam vừa thấy lợi ích của nó, vừa thấy những

nguy cơ mà nó có thể đem lại; nhìn chung, so với 51 nước mà ông giám đốc Ngân hàng Thế giới

đã tiếp xúc, thì Chính phủ Việt Nam tích cực hơn trong kế hoạch xúc tiến thương mại điện tử.

Như thế chứng tỏ Việt Nam không bài xích In-tơ-nét, mà ngược lại, đang chủ động nắm bắt, làm

chủ nó, đưa nó vào cuộc sống. Các bạn Mỹ đều tỏ ra ngạc nhiên về thông tin này. Rõ ràng là

giáo sư Su-lơ-man rất đúng khi nói rằng mọi người cần hiểu nhau.

Nhìn chung, xuyên qua những vấn đề có tính lý thuyết và kỹ thuật trong các buổi thảo

luận về thông tin, về In-tơ-nét, điều mà chúng tôi thấm thía là cần nhanh chóng sử dụng công

nghệ thông tin, In-tơ-nét phục vụ hoạt động văn hoá, nghệ thuật, trong đó nhấn mạnh vai trò

của thông tin trong việc tuyên truyền, đưa văn hoá, nghệ thuật đến với công chúng. Nói cho

khách quan, thì đó là điều còn khá xa lạ đối với những người quản lý các đơn vị nghệ thuật ở

nước ta, tất nhiên, họ không bài xích nó, nhưng họ chưa có đủ hiểu biết và khả năng làm chủ

nó.

Còn người Mỹ, kể cả những người quản lý nghệ thuật, họ có nhận thức sâu sắc về vai trò

của thông tin và có khả năng tuyệt vời trong việc ứng dụng các công nghệ để chuyển tải thông

tin. Trong tất cả các buổi làm việc từ hôm sang Mỹ đến nay, không lần nào tôi không nghe

người Mỹ nhấn mạnh rằng cần phải tổ chức thông tin thật tốt để quảng bá mình, để tiếp cận

với công chúng, để quảng cáo, bán hàng... Chính vì thế mà, cộng với sức mạnh kinh tế, người

Mỹ đang sử dụng khá hiệu quả thông tin và truyền thông để tiến hành chiến lược toàn cầu hoá.

Cũng chính vì thế, người Mỹ đã thật sự thành công khi muốn biến điều gì đó của nước mình

thành vấn đề của toàn cầu. Một đất nước như thế, tất sẽ sinh ra một ông vua về công nghệ

thông tin, và trên thực tế, ông vua công nghệ thông tin đã được sinh ra trên đất Mỹ, đó là Bin-

ghết.

Tôi muốn đi sâu hơn xuống một tầng của thông tin, đó là tầng chiến tranh tâm lý, mà

trong đó, Mỹ cũng là loại siêu hạng. Thảm hoạ 11 tháng 9 là một ví dụ. Nhờ lực lượng thông tin

hùng hậu và cách thức đưa thông tin tập trung, có chủ đích rõ ràng, người Mỹ đã nhanh chóng

lan toả nỗi đau do khủng bố trên đất nước mình thành nỗi đau chung của nhân loại, sau đó biến

nỗi đau đó thành sự hận thù và các hành động trả đũa dưới danh nghĩa chống khủng bố, để rồi

họ dễ dàng tiến công Áp-ga-nit-xtan mà không cần sự thông qua của Hội đồng Bảo an Liên hợp

quốc. Tổng thống Busơ nói rằng Bin Lađen là kẻ khủng bố số một, là kẻ bị tình nghi số một chủ

mưu tổ chức cuộc khủng bố hôm 11 tháng 9, thì toàn bộ hệ thống tuyên truyền của họ tập

trung cho thông tin ấy, không cần bằng chứng, không cần phân tích dài dòng, kết quả là cả thế

giới đều gọi Bin Lađen là kẻ khủng bố số một, là kẻ chịu trách nhiệm chính gây ra thảm hoạ 11

tháng 9. Ngay trong cách thức tuyên truyền của họ về nguy cơ bệnh than "do khủng bố" cũng

có sức lan toả như một làn sóng điện vô tận, khiến cả thế giới run giật lên từng hồi.

Tôi muốn giới thiệu chi tiết hơn về hoạt động của bộ máy tuyên truyền Mỹ xung quanh

thảm hoạ 11 tháng 9 để thấy họ hoạt động vì ai, họ có khách quan hay không, và báo chí Mỹ có

tự do hay không?

Trong cuộc chiến vùng Vịnh, Mỹ đã chiến thắng trước hết trên mặt trận truyền thông. Sự

độc quyền về thông tin khiến Mỹ đã vẽ nên hình ảnh "chính nghĩa" của cuộc chiến mà ng ười Mỹ

tiến hành để xâm lược Irắc. Tổng thống Sát-đam Hu-sen muốn đưa hình ảnh người dân thường

bị chết vì bom Mỹ cho thế giới thấy thì phải "nhờ" CNN. Sự thông tin và giải thích thông tin về

chiến tranh vùng Vịnh thế là hoàn toàn nằm trong tầm kiểm soát của người Mỹ.

Trong cuộc "trả đũa" những kẻ khủng bố lần này, Mỹ cũng muốn tạo ra một mặt trận

thông tin mà Mỹ là người làm chủ.

Tìm hiểu thực tế trên đất Mỹ, đối chiếu với các thông tin có liên quan trên báo chí Pháp,

Mỹ và Việt Nam, tôi nhận thức rõ rệt một sự thật là giới truyền thông Mỹ rất có ý thức chính trị,

đồng thời giới cầm quyền Mỹ cũng quản lý rất chặt chẽ, hướng luồng thông tin vào những chiều

có lợi cho nước Mỹ và ngăn chặn những luồng thông tin bất lợi đối với họ. Ngay sau thảm hoạ

11 tháng 9, các đài truyền hình Mỹ tự động đồng loạt đình ngay các chương trình chiếu phim có

liên quan đến nội dung khủng bố, bom nổ, người chết hàng loạt... Ví dụ kênh FOX thay thế phim

"Ngày độc lập" bằng phim hài nhẹ nhàng "Bà Đo-phrơ", ABC thay thế "Người gây dựng hoà

bình" bằng phim tình cảm "Con tàu hy vọng". Theo giới chức Mỹ ước tính, đã có ít nhất 5.500

người thiệt mạng trong vụ tấn công vào nước Mỹ, nhưng chẳng ai trông thấy một thi thể nào

trên các phương tiện truyền thông ở Mỹ lẫn ở nước ngoài. Hàng nghìn quan tài đã được đưa

đến khu đảo Man-hát-tan, nhưng không một đài truyền hình Mỹ nào đưa lên màn ảnh cảnh vận

chuyển thê lương đó. Hình ảnh về người Mỹ chịu thảm cảnh được chiếu trên truyền hình chỉ

xuất hiện một lần duy nhất, đó là trường hợp đài NBC chiếu cảnh mấy nạn nhân nhảy từ toà

tháp xuống. Tổng giám đốc MSNBC khẳng định: "Chúng tôi đã quyết định không trình chiếu quá

nhiều hình ảnh đau thương". Sau ngày 11 tháng 9, những người bám sát các kênh truyền hình

Mỹ đều đồng tình với nhận xét của Xa-viê đơ Gia-co-mơ-ni, đặc phái viên của đài LCI ở Niu-

Yoóc: "Tôi xem CNN mỗi đêm. Quả thật tôi không thấy một hình ảnh máu me nào. Cánh phóng

viên nước ngoài đều nhìn nhận các đồng nghiệp Mỹ đã tránh quay những cảnh tang thương vì

lòng ái quốc, họ không muốn tạo thêm tâm lý lo sợ trong công chúng". Phơrăngxoa Giêrê, Giám

đốc Viện ngoại giao và quốc phòng Pháp, phân tích: "Đối với người Mỹ, đưa hình người chết là

phạm điều cấm. Sự cấm đoán về mặt văn hoá đó đã xuất hiện trong thời chiến tranh ở Việt

Nam. Đó là thời của những phóng sự truyền hình đầu tiên và những phóng sự này đã ghi hình

lính tử vong. Ảnh hưởng của chúng đối với dư luận Mỹ tệ hại đến mức Ban Quan hệ công chúng

của quân đội Mỹ đã yêu cầu phải ngừng cách thực hiện phóng sự như vậy. Trong thời kỳ chiến

tranh vùng Vịnh, những hình ảnh hiếm hoi về các thi thể lính Mỹ chỉ được ghi hình từ phía xa."

Tất nhiên, sự cấm đoán chiếu hình ảnh thi thể và máu me đó trên màn hình chỉ áp dụng trong

trường hợp những nạn nhân là người Mỹ. Chứ còn cảnh xương tan thịt nát, máu me đầm đìa

trong các thảm hoạ chiến tranh mà người Ru-an-đa hay người Pa-lex-tin là nạn nhân thì vẫn

được trình chiếu trước những cái nhìn vô cảm của người Mỹ. Lần này, canh phòng chặt chẽ hơn

mặt trận thông tin, chính quyền Mỹ kiểm duyệt theo kiểu hàng rào an ninh đối với giới truyền

thông khiến cánh phóng viên nước ngoài bực tức. Đài I Têlêviziôn kể lại: "Người ta lập hàng rào

an ninh dày đặc. Cánh phóng viên đến làm việc đều bị kè sát. Đài truyền hình nước ngoài càng

không được đặt chân vào khu đào bới (Những phóng viên được phép vào quay ở khu vực cứu

nạn chỉ có 10 phút để ghi hình mỗi ngày). Những hình ảnh dành cho chúng tôi chỉ là những hình

ảnh do các camêra tự động của CNN ghi lại. Ở bệnh viện, phi trường... cánh phóng viên cũng

gặp phải cái lắc đầu từ chối của lực lượng an ninh". Tai-ry Tuy-lơ, Tổng biên tập phụ trách mảng

chính trị nước ngoài đài Phơ-răng-xơ 2 của Pháp, cho biết: "Người ta đang kiểm tra thông tin, vì

theo như ông Busơ vẫn nói đi nói lại, nước Mỹ đang trong tình trạng chiến tranh." Lập hàng rào

an ninh chưa đủ, Chính phủ Mỹ còn đòi các báo phải tự kiểm duyệt. Các đài truyền hình phải cắt

giảm thời lượng đưa tin. Các nhà báo Mỹ không còn được tự do hành nghề. Tờ Thời báo Niu-

Yoóc nói lên tình cảnh hiện nay của các báo và đặt câu hỏi: Báo chí và dư luận được quyền

thông tin đến đâu trong cuộc chiến? Thiếu tin tức, khó tiếp cận thông tin, hiện họ đang bị mắc

kẹt không lối thoát. Muốn làm tròn nhiệm vụ đưa tin về một chủ đề rất phức tạp, đồng thời lại

không được chỉ trích chính phủ trong thời điểm khủng hoảng quốc gia này, họ đành phải tỏ ra

ôn hoà, thận trọng, phải hợp tác với Nhà Trắng nhân danh "bảo vệ tổ quốc". Bài báo viết: "Nhà

Trắng yêu cầu các đài truyên hình và các báo phải giảm tối đa việc đưa tin và hình ảnh "tuyên

truyền", nhất là "những thông điệp cài mật mã'' của Bin Lađen . Có nghĩa là báo chí không được

vô tình bị kẻ thù thao túng. Các hãng truyền hình lớn tỏ ra rất thận trọng khi xử lý thông tin.

Không ai muốn bị tố cáo là không hợp tác với cuộc chiến chống khủng bố". Trong chiến tranh

vùng Vịnh, Phó Tổng thống Đíc Che-ny hiện nay, hồi đó là Bộ trưởng quốc phòng và ngoại

trưởng Co-lin Pô-oeo là Tổng tham mưu trưởng đã phân phát thông tin và các chỉ thị cho các

nhà báo với tinh thần kỷ luật thép. Năm 1996, tướng Pô-oeo (nay là Bộ trưởng ngoại giao Mỹ)

đã nói với nhà báo Barie Dunsmore rằng nếu Mỹ đang thua trận mà giới truyền thông hở ra

điều đó với kẻ thù "thì tôi sẽ bỏ tù tất cả các người và nhân dân Mỹ sẽ xé xác các người." Một

trong những lý do khiến Lầu Năm góc cố gắng thiết lập quan hệ mới với U-dơ-bê Ki-xtan là vì

trong một xã hội khép kín như thế, giới truyền thông rất khó xâm nhập để khai thác thông tin.

Một sĩ quan không quân Mỹ nói: "Chúng ta có thể bố trí máy bay ở đó mà CNN không thể mò

tới quay phịm được". Và bây giờ, Chính quyền Mỹ đã đặt báo chí vào một cách lựa chọn duy

nhất là ủng hộ Chính quyền phát động chiến tranh dưới danh nghĩa "chống khủng bố"!

Qua thảm hoạ 11 tháng 9, các phóng viên nước ngoài càng có thái độ bực tức khi làm

việc tại Niu-Yoóc và Oa-sinh-tơn vì bình thường Mỹ vẫn hay rêu rao về nền báo chí tự do tuyệt

đối của mình, mà trên thực tế thì họ đã trói chân trói tay cánh nhà báo nước ngoài. Thực ra,

bản thân nhiều phóng viên nước ngoài cũng không nỡ giương máy ảnh hoặc ống kính ca mê ra

để ghi hình những thi thể. Họ không dám làm vì cảm thấy quá bất nhẫn. Nói như Heve Brusini,

Giám đốc thông tin của đài Phrăng-xơ 3: "Cảnh hai chiếc máy bay đâm vào toà nhà đã chưa đủ

khủng khiếp hay sao?". Cánh phóng viên nước ngoài tỏ ra bực tức còn vì cái gọi là "tính đạo

đức'' của đồng nghiệp Mỹ có thể thay đổi khi nạn nhân mang quốc tịch khác. Đô-mi-nic Uâ-tơn,

Giám đốc nghiên cứu ở Trung tâm Nghiên cứu khoa học quốc gia Pháp, cho biết: "Thường thì

người Mỹ ít bị xúc động hơn khi các thi thể là người nước ngoài. Lần này những kẻ thường rao

giảng cho người khác về tự do báo chí hẳn đã có phản ứng ngăn người khác trình chiếu hình

ảnh người mình chết. Nhưng câu chuyện này cũng sẽ dạy một bài học nhớ đời cho giới truyền

thông phương Tây vốn không ngại ngần khi quay những cảnh thảm sát xảy ra tại Ru-an-đa..."

Do Chính phủ Mỹ áp dụng các biện pháp nghiêm ngặt với giới truyền thông với lý do

"nhằm hạn chế tối đa thông tin về kế hoạch tấn công có khả năng lọt vào tay quân khủng bố",

mọi thông tin về cuộc chiến, dù là bình thường, cũng phải được kiểm duyệt trước khi đưa ra

công khai. Mạng In-tơ-nét của bộ Quốc phòng Mỹ đã ngừng đưa các vị trí neo đậu của tàu chiến

hoặc các địa điểm tập kết quân. Báo giới, kể cả những tập đoàn truyền thông lớn, cũng không

được cử đặc phái viên bám vào các căn cứ quân sự để đưa tin. Khu vực đổ nát ở Trung tâm

Thương mại Thế giới, vào dịp chúng tôi tới thăm, đã bị ngăn cách bởi các hàng rào và lính canh.

Những người được vào sâu trong khu vực này cũng phải thực hiện một quy định - tất cả các

thiết bị ghi hình như máy ảnh, máy quay, vi-đê-ô đều bị cấm sử dụng, theo lệnh của Thị trưởng

thành phố Niu-Yoóc Ru-đóp-phơ Gui-li-a-ni. Thực ra, không đợi đến dịp “chống khủng bố”, nhân

danh giữ bí mật vì lợi ích quốc gia để bịt thông tin, mà từ nhiều năm trước đó, chính quyền Mỹ

đã có những đạo luật hạn chế công dân tiếp cận các nguồn thông tin. Đạo luật về quyền tự do

tiếp cận thông tin được Quốc hội Mỹ thông qua vào năm 1966 và được củng cố lại vào năm

1974 sau vụ Oa-tơ-ghết đã quy định chín trường hợp mà người dân không được tiếp cận thông

tin như sau:

1. Những thông tin mật về an ninh quốc gia.

2. Những quy định về giám sát hoạt động của các nhân viên thuộc các cơ quan liên bang.

3. Những thông tin về vũ khí hạt nhân, nguồn tin tình báo và phương thức tình báo trừ

khi có một đạo luật được Quốc hội thông qua cho phép công bố.

4. Bí quyết kinh doanh hoặc những thông tin về thương mại và tài chính.

5. Tài liệu của các cơ quan phụ trách vấn đề trong nước, chẳng hạn như tài liệu thảo luận

về việc có nên bổ sung tên của một số loài động vật vào đạo luật bảo vệ những loài thú đang có

nguy cơ bị tuyệt chủng không.

6. Thông tin liên quan đến vấn đề riêng tư của cá nhân.

7. Hồ sơ điều tra về thực thi pháp luật.

8. Hồ sơ về các tổ chức tài chính.

9. Tài liệu về các giếng dầu, kể cả bản đồ địa lý của các giếng dầu đó.

Những cố gắng của giới cầm quyền Mỹ ngăn chặn hoặc điều chỉnh thông tin theo hướng

có lợi cho Mỹ sẽ phát huy tối đa hiệu quả nếu như trong cuộc chiến này, Mỹ không vấp phải

một trở lực từ bên ngoài. Đó là Bin Lađen đã sử dụng hai "vũ khí tuyên truyền" lợi hại là đại sứ

kiêm người phát ngôn Ta-li-ban tại Pa-ki-xtan A-đu Sa-lam Dép và đài truyền hình An Gia-gi-a. A-

đu Sa-lam Dép luôn luôn có thông tin từ phía Ta-li-ban và tiếp cận được với dư luận cũng như

thông tin địa phương, cho nên đã tạo ra được một thế trận tuyên truyền ngày càng có lợi cho

Ta li ban. Còn đài An Gia-gi-a tuy không phải là công cụ riêng của Bin Lađen, nhưng lại là nơi

truyền đi những tin tức, hình ảnh về thực trạng Áp-ga-ni-xtan gây bất lợi cho Mỹ. Trong khi CNN

phải đứng ngoài biên giới Áp-ga-ni-xtan thì An Gia-gi-a là cơ quan truyền thông ngoại quốc duy

nhất được Ta-li-ban cho phép hoạt động trong vùng lãnh thổ mà họ kiểm soát, cho nên các

hãng thông tin Mỹ như CNN, FOX News, NBC phải mua lại chương trình độc quyền của An Gia-

gi-a, kể cả những chương trình ghi hình và ghi âm kẻ thù số một của Mỹ là Bin Lađen. Đài An

Gia-gi-a luôn luôn theo sát, đưa tin nóng hổi về tình hình áp-ga-ni-xtan và Mỹ phải luôn luôn

phải chạy theo phủ nhận những tin tức ấy. Ngoại trưởng Mỹ Co-lin Pô-oeo lên án đài này là "vô

trách nhiệm, độc ác" vì đã cho phát băng hình có cảnh Bin Lađen khen ngợi hành động tấn công

nước Mỹ ngày 11 tháng 9. Chính quyền Mỹ xếp đài này vào "sổ đen". Trên cuộc chiến truyền

thông này, Bin Lađen tỏ ra sắc sảo không kém người Mỹ. Ông ta biết "tung" hình ảnh của mình

cùng những lời nói mang tính mê hoặc như lời thánh truyền chứ không hung hăng, hiếu chiến,

trong một bối cảnh những vách núi đá trầm lặng gợi lại hình ảnh nhà tiên tri Ma-hô-mơ, người

sáng lập Hồi giáo, có sức lay động lòng người vào ngay sau cái đêm Mỹ hùng hổ tung không lực

vào đánh Áp-ga-ni-xtan hòng bắt sống ông ta. Tất cả các đài truyền hình, các hãng thông tấn đổ

xô vào mua đoạn băng này để phát đi khắp thế giới. Thế là tạo ra cái cầu truyền hình để Bin

Lađen đấu khẩu với Busơ! Ngày 22 tháng 10, cũng chính đài An Gia-gi-a đã phát đi hình ảnh về

vụ chiếc máy bay trực thăng chở thám báo Mỹ đổ bộ xuống Áp-ga-ni-xtan bị Ta-li-ban bắn rơi

tại vùng núi Ba-ba Sa-hít gần thành phố Kan-đa-ha của Áp-ga-ni-xtan chứ không phải bị tai nạn

rơi trên lãnh thổ Pa-ki-xtan như Lầu Năm góc tuyên bố, đồng thời tố cáo Mỹ sử dụng vũ khí hoá

học và sinh học ở Áp-ga-ni-xtan. Có lẽ vì thấy nguy cấp quá, chính quyền Mỹ phải thực hiện gấp

nhiều việc để khống chế thông tin. Bộ Quốc phòng Mỹ chi hàng triệu USD để ngăn chặn giới

truyền thông phương Tây tiếp cận với những bức ảnh vệ tinh có độ chính xác cao chụp hình ảnh

nói lên những hậu quả do bom Mỹ gây ra ở Áp-ga-ni-xtan, và đã quyết định cắt đường truyền

ảnh khi có tin nhiều thường dân bị thương vong trong vụ ném bom trại huấn luyện gần Đa -run-

ta, Tây Bắc thành phố Ja-ta-la-bát.

Chính quyền Mỹ cũng đã giao cho bà Co-đô-li-gia Rai-cơ, cố vấn an ninh quốc gia Mỹ, lên

tiếng "nhắc nhở" các đài truyền hình cần kiềm chế và tốt hơn hết là không nên phát lại các cuốn

băng phát hình Bin Lađen phát biểu. Trò bịp là ngón nghề của giới chính trị Mỹ, trong trường

hợp này được biểu hiện bằng việc bà Cố vấn an ninh khôn khéo lái chuyện thông tin sang vấn

đề an ninh khi bà ta cảnh báo rằng đây chính là thủ đoạn tuyên truyền của Bin Lađen, và hơn

thế nữa, Bin Lađen có thể lợi dụng hình thức phát hình để tạo ra mật mã truyền đạt các chỉ thị

cho thuộc hạ. Cố gắng xoay chuyển tình thế, Mỹ tìm cách lợi dụng đài này. Bộ trưởng Quốc

phòng Mỹ Đô-nan Răm-sơ-ten đã dành cho đài này một cuộc trả lời phỏng vấn trên truyền hình

với hy vọng phía bên kia chiến tuyến có thể nghe được tiếng nói cũng như những cử chỉ nghiêm

khắc của mình. Nhiều nguồn tin cho biết Mỹ đang tìm mọi cách, kể cả tung tiền ra mua đài

truyền hình này. Nhưng những cố gắng ấy không mấy giúp người Mỹ đạt được ước nguyện.

Những hình ảnh mà Mỹ muốn nhồi nhét vào đầu người Hồi giáo để chinh phục họ từ tâm hồn

và trí tuệ đã không đến được con mắt người Hồi giáo như Mỹ mong muốn. Còn những hình ảnh

về cuộc chiến mà Mỹ muốn tô vẽ cho mình thì đã bị nhiễu loạn bởi những hình ảnh đối nghịch

do đài An Gia-gi-a tung lên sóng. An Gia-gi-a đã góp phần tạo nên một dư luận chống Mỹ, nhất

là chống hành động giết hại dân thường của Mỹ trong thế giới Arập cũng như trên toàn thế giới.

Quyết tâm xoay chuyển tình thế, Mỹ tiếp tục tăng cường các biện pháp tuyên truyền và chiến

tranh tâm lý. Cái món hổ lốn Cây gậy và củ cà rốt tưởng như đã lỗi thời từ hàng thập kỷ qua,

bây giờ chính quyền Busơ lại đem ra sử dụng, chỉ có điều là nó hiện đại hơn xưa. Đó là việc từ

ngày 7 tháng 10, Mỹ đã kết hợp trút tên lửa vào các mục tiêu trên đất Áp-ga-ni-xtan và thả hàng

viện trợ cho người dân nước này. Đói khát, có những cháu nhỏ ngây thơ đã đi tìm nhặt thứ

hàng "nhân đạo" đó. Than ôi, không rõ là vì cớ gì mà người Mỹ lại làm những quả bom bi giống

những gói đồ ăn "cứu trợ" đến thế, đều tròn tròn, nho nhỏ, có vỏ bọc mầu vàng, và lại thả hai

thứ này cùng một khu vực, làm cho nhiều cháu nhỏ bốc phải bom bi, gây nổ và thiệt mạng. Lại

có trường hợp, không biết có phải do trời cố tình vạch mặt giả dối của Mỹ không, mà khiến cho

một thùng hàng "cứu trợ" do máy bay Mỹ thả xuống rơi trúng nhà của một người dân Áp-ga-ni-

xtan làm thiệt mạng một phụ nữ và một cháu nhỏ, khiến cho người dân nước này càng căm thù

Mỹ và đã tẩy chay món hàng ''cứu trợ" khó nhằn ấy.

Đối lại cây gậy và củ cà rốt của Mỹ, vị Hoàng tử Arập Sau-đi Ai-oa-lít Bin Ta-tan có món

đồng đô la và cái lưỡi khi tuyên bố tặng nhân dân Niu-Yoóc 10 triệu USD kèm lời bình: "Những

vụ khủng bố ở Mỹ là kết quả tất yếu cho những gì Mỹ đã gây nên ở khu vực Trung Đông. Tôi tin

rằng chính phủ Mỹ sẽ xem lại các chính sách của mình ở khu vực này cũng như có những lập

trường công bằng hơn đối với những người Pa le xtin." Tất nhiên, người Mỹ không thể tiêu hoá

nổi cái "món ăn" hổ lốn ấy, cái "món ăn" mà họ chính là người "sáng tạo" ra "thực đơn", bởi họ

có thói quen áp đặt cho người khác những thứ mà họ không thích. Cũng chính vì thế mà thị

trưởng Ru-đôn-pho Gui-li-a-ni từ chối phắt tấm séc đó. Về mặt tuyên truyền, các quan chức Mỹ

tăng cường số buổi diễn thuyết tại I-sơ-la-ma-bát và chính quyền Mỹ quyết định lập Đài phát

thanh Áp-ga-ni-xtan. Với 405 phiếu thuận, 2 phiếu chống, Hạ viện Mỹ đã nhất trí viện trợ 27

triệu USD cho kế hoạch thành lập "Đài phát thanh Áp-ga-ni-xtan tự do". Mỗi ngày đài này phát

các bản tin trong 12 giờ bằng các thứ tiếng địa phương của người Áp-ga-nix- tan. Đây được coi

là cuộc chiến tranh tâm lý nhằm giành chiến thắng trên hai mặt trận quân sự và tuyên truyền.

Đây cũng là biện pháp cổ lỗ mà Mỹ vẫn áp dụng xưa nay hòng nhồi nhét tư tưởng Mỹ vào đầu

óc nhân loại, trong đó lập ra hoặc tài trợ cho hàng chục đài phát thanh chĩa vào Việt Nam, CuBa

cũng như nhiều quốc gia khác hàng ngày phát đi nhiều buổi phát thanh tuyên truyền chính trị,

kêu gọi lật đổ. Nhưng, những ngón đòn ấy không phát huy nổi sức mạnh trước ý thức chính trị

cao của nhân dân Việt Nam cũng như nhân dân CuBa. Còn trong cuộc chiến này, chưa rõ kết

quả ra sao, nhưng Tổng thống Nga V. Putin đã cảnh báo rằng Mỹ có thể chiến thắng bằng sức

mạnh quân sự trên chiến trường, nhưng Mỹ lại đang thua trong cuộc chiến tranh thông tin do

các lực lượng khủng bố hoạt động ngày càng mạnh mẽ và tinh vi.

Vừa tìm cách bưng tai bịt mắt nhân dân thế giới, chính quyền Mỹ vừa tập trung vào việc

truyền bá trong nhân dân Mỹ những tư tưởng hận thù, hiếu chiến và kiêu ngạo. Phương pháp

tuyên truyền của họ vẫn là tập trung, với những thông tin ngắn gọn, mang tính áp đặt. Mở

truyền hình Mỹ, tôi thường bắt gặp hình ảnh và những lời tuyên bố hiếu chiến của Tổng thống

Mỹ, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ, hoặc hình ảnh binh lính Mỹ đang đổ bộ vào Áp-ga-ni-xtan.

Truyền hình cũng phát đi lời giải thích của Tổng thống Busơ rằng người ta khủng bố nước Mỹ vì

người ta căm thù tự do trên đất nước này. Những tin tức, hình ảnh ấy rất ngắn, nhưng được

phát đi phát lại nhiều lần trong một ngày, in hằn vào não người xem nhận thức rằng chính

quyền Mỹ đang tiến hành một cuộc chiến tranh chính nghĩa. Ngay cả với điện ảnh, chính quyền

Mỹ cũng tìm cách kéo vào guồng máy chiến tranh tâm lý. Các nhân viên của chính quyền Busơ

đã gặp các nhà lãnh đạo ngành điện ảnh và truyền hình, kêu gọi họ tham gia cuộc chiến. Những

nỗ lực của việc hợp tác giữa điện ảnh với Chính phủ sẽ là việc giúp Chính phủ truyền bá hình

ảnh của nước Mỹ ra nước ngoài. Ngược lại, những ai đưa ra những thông tin bất lợi cho Mỹ,

người đó sẽ bị ngăn cản ngay, cho dù người đó là ai. Chính cựu Tổng thống Mỹ Bin Clin-tơn đã

là nạn nhân của sự đối xử thô bạo ấy. Sự việc mới xảy ra sau thảm hoạ 11 tháng 9, khi vị cựu

Tổng thống này đến phát biểu tại trường đại học Gioóc-giơ, trong đó vạch trần nguyên nhân

gây căn bệnh "ghét Mỹ" lan tràn trong lòng người, thậm chí ở ngay cả các nước đồng minh

Châu Âu, là khoảng cách giàu nghèo, sự ngạo mạn nước lớn của Mỹ. Trong khi dư luận đang rất

xôn xao sau bài phát biểu này, thì dòng báo chí chính thống của Mỹ lại im lặng một cách cố ý.

Hai tờ Niu-Yoóc Times và Oa-sih-tơn Post phản ứng với vị cựu Tổng thống của mình bằng cách

không đăng thông tin về bài phát biểu này. Đài CNN cũng chỉ tóm lược bài phát biểu một cách

sơ sài, trích dẫn những đoạn ít gây tranh cãi nhất, bỏ qua những đoạn mà vị cựu Tổng thống

Hoa Kỳ chỉ trích chính quyền Mỹ. Thậm chí, báo chí Mỹ còn moi móc chuyện cá nhân của Bin

Clin-tơn với Len Uynh-sơ-ky và chỉ trích vị cựu Tổng thống này do vướng bận vào các chuyện bê

bối tình ái đã không cương quyết trừng phạt những kẻ khủng bố dưới thời ông ta cầm quyền,

để đến nỗi bây giờ nước Mỹ chịu thảm hoạ ghê gớm như thế này. Báo chí Mỹ đã không đặt

ngược lại vấn đề rằng giả sử Bin Clinton ra lệnh tàn sát dân chúng một vài nước nhân danh

chống khủng bố, thì chắc gì số người Mỹ chết trong thảm hoạ 11 tháng 9 đã dừng ở con số

5.000. Chính bởi lối tuyên truyền lệch lạc như trên của Mỹ, mà nhân dân Mỹ khó có cái nhìn

khách quan về chính đất nước mình. Nhà văn Mỹ Ru-xen Banh, hiện đang làm việc tại Hội nhà

văn tiểu bang Niu-Yoóc, thuộc trường đại học Niu-Yoóc, đã bộc bạch: "Tôi đã nghĩ rất nhiều về

sự kiện ngày 11 tháng 9, cố loại bỏ trong đầu những phép tu từ kiểu sô vanh mà một số nhà

chính trị và các "học dởm" của chúng ta rêu rao trên các phương tiện thông tin đại chúng. Vở

nhạc kịch tạp nham và sống sượng của báo giới đôi lúc làm tôi bị rối trí." Bà Su-giần Gióc-giơ,

người Mỹ hoạt động trong phong trào ATTAC, đã nói với báo Li Nô-vơ óp-sơ-va-tơ: "Người Mỹ

không làm sao hiểu được tại sao người ta ghét họ. Họ không có một ý niệm về những gì mà các

chính quyền của họ gây ra. Họ sống trong vỏ kén. Báo chí Mỹ che khuất sự thật và nắn dư luận

theo cách mình."

Nhân đây, tôi cũng nói thêm về sự giáo dục của Mỹ đối với thế hệ trẻ. Họ rất quan tâm

đến việc giáo dục nhận thức tư tưởng, mà giáo dục qua hệ thống tuyên truyền như trên là một

cách, và giáo dục theo một cách khác là trong hệ thống giáo dục. Ngay sau thảm hoạ 11 tháng 9,

Mỹ đã cho tiến hành biên soạn lại giáo trình phổ thông, trong đó bổ sung những nội dung, như

lòng yêu nước của người Mỹ sau sự kiện 11-9, hình ảnh quốc kỳ Mỹ, các bài phát biểu, tuyên bố

trấn an dân chúng của Tổng thống Busơ, tuyên bố mở chiến dịch chống Áp-ga-ni-xtan của Thủ

tướng Anh Tô-ny Bơ-le, chân dung "trùm khủng bố" Ô-sa-ma Bin Lađen trong vòng ngắm, diễn

văn ca ngợi lòng yêu nước của người Mỹ... Người ta đã làm việc khẩn trương để năm học tới

sách có bổ sung nội dung về ngày 11 tháng 9 sẽ tới tay học sinh. Kết quả của việc giáo dục này

chưa biết sẽ ra sao, nhưng trước mắt, chính các biện pháp tuyên truyền cực đoan về chống

khủng bố đã hằn sâu vào tâm trí trẻ nhỏ Mỹ nỗi ám ảnh bạo lực. Chẳng thế mà, bây giờ "chống

khủng bố" đã trở thành trò chơi của bọn trẻ Mỹ, mà biểu hiện mới đây là một cậu bé 12 tuổi

người Mỹ đã bắn trọng thương em trai của mình trong khi hai anh em chơi trò "chống khủng

bố" giống như một trò chơi điện tử dành cho thiếu nhi có tên"Chiến dịch bí mật".

Làm việc với các cơ quan, tổ chức ở Mỹ và theo dõi thông tin do Mỹ phát đi, tôi thấy

người Mỹ có biệt tài trong việc chuyển chủ đề thông tin một cách linh hoạt để tập trung vào

những mục đích cụ thể, tạo ra hiệu quả cao. Khi chuẩn bị đến nước Mỹ, chúng tôi đọc tin tức

thấy dầy đặc thông tin về về chiến dịch chống khủng bố do Mỹ phát động và cầm đầu. Thật giỏi

thay cho bộ máy tuyên truyền của Mỹ đã làm cho cả thế giới tin rằng Mỹ chính là người đi tiên

phong trong cuộc chiến chống khủng bố và hầu như mọi người đều tuân phục Mỹ trong cuộc

chiến này, trong khi trên thực tế, chưa hề có sự phê duyệt của Liên Hợp quốc về vai trò của Mỹ

là người cầm cờ chống khủng bố! Cách tuyên truyền áp đặt về vai trò tiên phong chống khủng

bố của Mỹ nhằm khiến cho mọi người quên mất tham vọng bá chủ toàn cầu của Mỹ, và cuộc

chiến mà Mỹ phát động hiện nay cũng chỉ là một hành động cụ thể nhằm thực hiện tư tưởng bá

chủ đó. Mỹ tiến đánh Áp-ga-ni-xtan, thì mục đích "trả đũa bọn trùm khủng bố" chỉ là cái cớ, còn

thực chất, là để kiếm chỗ đứng mà Mỹ thèm khát hàng chục năm qua ở một vùng đất "thánh",

không những có một trữ lượng dầu mỏ khổng lồ, mà còn có một vị trí chiến lược quan trọng ở

Trung Á, nơi dậm chân để thọc sườn một loạt nước lớn trong khu vực như Nga, Trung Quốc, Ấn

Độ... Cách tiến hành chiến tranh tâm lý của Mỹ trong suốt giai đoạn chuẩn bị tiến công Áp-ga-ni-

xtan đã tạo ra cơn sốt "chống khủng bố toàn cầu" trên khắp thế giới, và thế là Mỹ tiến quân ào

ạt, trút bom đạn xuống đầu dân thường Áp-ga-ni-xtan...

Khi thế giới hơi chững lại vì chưa thấy kẻ khủng bố nào chết mà chỉ thấy dân thưòng đổ

máu, Mỹ lập tức chuyển qua chiêu bài bệnh than. Theo thường lệ, chiều nào Oa -sinh-tơn cũng

tổ chức họp báo phân tích tình hình quân sự trong ngày. Đến khi cần tạo ra dư luận mạnh mẽ

hơn, thì chỉ cần một trường hợp bệnh than được phát hiện, trong ngày đã có đến 7 cuộc họp

báo công bố sự kiện này. Còn Giám đốc An ninh nội địa Nhà Trằng Tôm Rai thì tuyên bố ông ta

sẽ báo cáo ngắn gọn về tình hình bệnh than trước giới báo chí ít nhất 3 lần một tuần. Đâu phải

ngẫu nhiên mà trên các phương tiện thông tin đại chúng, Mỹ cứ la hoảng lên trước căn bệnh cổ

lỗ, không lấy gì làm ghê gớm lắm ấy? Thực ra, kiểu "khủng bố" này không có gì mới, bởi vì từ

năm 1999, thống kê các vụ hình sự về bệnh than đã cho thấy Mỹ chiếm 81 trong tổng số 83 vụ

trên thế giới. Thế mà ngày nay, trên các trang nhất, nhiều báo Mỹ vẫn đăng những tin sốt dẻo

về bệnh than. Thậm chí trên truyền hình, tôi còn thấy người ta chiếu rõ hình ảnh từng nốt đen

trên cơ thể bệnh nhân bệnh than! Và quan trọng hơn, báo chí Mỹ đã gắn ngay cho "bọn khủng

bố" là thủ phạm gửi các bức thư có chứa vi khuẩn bệnh than! Báo chí Mỹ đưa tin rằng đến nay

có gần 20 người ở 5 tiểu bang tại Mỹ nhiễm bệnh than, có 4 người tử vong và hiện Bộ Tư pháp

Mỹ đang điều tra theo hướng đây là một vụ khủng bố sinh học. Thông tin cứ chạy lướt trên bề

mặt của cái gọi là sự lan truyền bệnh than, bỏ qua chiều sâu rất cần phân tích: có thật sự những

người mắc bệnh than đều là vì bị "bọn khủng bố" làm cho lây nhiễm, hay mắc bệnh chỉ vì những

lý do thông thường? Thậm chí, người ta cũng đã không để ý có bệnh nhân chết vì bệnh than mà

chẳng liên quan chút nào tới các bì thư có chất bột trắng và rằng hai nhân viên bưu chính ở Oa -

sinh-tơn được coi là hai ca tử vong đầu tiên do bệnh than, thực ra vẫn chưa được xác định rõ

nguyên nhân. Thế mà bộ máy tuyên truyền của Mỹ cứ nói đại là nhiễm bệnh than nghi do bọn

khủng bố dùng vũ khí sinh học để rồi bỗng nhiên trở thành nhiễm bệnh than do bọn khủng bố dùng vũ

khí sinh học, chết nghi do bệnh than để rồi dần dần chuyển thành thông tin chết do bệnh than. Có mấy ai

để ý rằng trong số người chết về bệnh than ấy, có cả những cụ già mà tuổi thọ đã vượt cái mức

"xưa nay hiếm"? Đó là chưa kể khả năng, nếu quả đúng có "khủng bố sinh học", thì việc ấy lại

do chính tay một người Mỹ nào đó thực hiện, giống như rất nhiều hành động giết người man rợ

khác đã xảy ra trên đất Mỹ mà thủ phạm không ngoài ai khác là người Mỹ, trong đó có cả

những học sinh nhỏ tuổi! Chúng ta cần quan tâm đến một báo cáo của Cục Điều tra Liên bang

Mỹ (FBI) cho biết, vi khuẩn bệnh than được dùng làm vũ khí khủng bố ở Mỹ giống vi khuẩn bệnh

than được chế tạo bí mật trong các phòng thí nghiệm của Mỹ theo chương trình nghiên cứu

sinh học của Mỹ năm 1951 - 1969 và FBI đang tập trung điều tra các chuyên gia làm việc và

nghiên cứu tại các phòng thí nghiệm đó. Biết đâu, lại chẳng phải là chuyện "xôi giống xôi, thủ

giống thủ" của Việt Nam - Mỹ nhận lại được cái mà chính mình đã đánh rơi mà cứ còn phân vân

không nó là của ai. Đọc báo, xem truyền hình, người ta cứ tưởng là đang có làn sóng sợ hãi

bệnh than lan truyền trong dân chúng Mỹ. Nhưng đi trên đất Mỹ, tôi thấy người Mỹ đâu có

hoảng sợ đến thế. Vào chính cái ngày mà Quốc hội Mỹ cho tạm thời đóng cửa nhằm "tẩy rửa" vi

khuẩn mang bệnh than, tôi đã đến tận cửa toà nhà lộng lẫy ấy. Có gì đâu, người dân Mỹ vẫn đi

dạo trên đồi Ca-pi-tơn, vẫn chụp ảnh ngoài thảm cỏ hay trong toà nhà có bức tượng Lin-côn!

Thậm chí, ngay sát tiền sảnh nhà Quốc hội, một nhóm nhạc trẻ Mỹ còn dăng máy phóng thanh,

hát hò vui vẻ. Trong cuốn sách này, tôi đưa vào tấm ảnh tôi chụp ngay tại toà nhà Quốc Hội, vào

đúng ngày mà Quốc hội Mỹ cho tạm thời đóng cửa để “tẩy rửa vi khuẩn bệnh than”, để bạn đọc

dễ hình dung sự tuyên truyền bóp méo sự thật của Mỹ trắng trợn đến mức nào!

Tác giả trước toà nhà Quốc Hội Mỹ

Thực ra, bệnh than đã có từ lâu, có khả năng lây truyền từ động vật sang người, và con số

người Mỹ bị nhiễm bệnh, bị tử vong chỉ là hạt cát giữa biển nếu so với bệnh lao, viêm gan B,

chưa kể là đại dịch AIDS đang lan truyền trên thế giới. Thậm chí, ở nhiều nước, bệnh sốt rét còn

tác yêu tác quái cướp đi tính mạng hàng trăm người trong một thời gian ngắn, chứ đâu chỉ làm

lây nhiễm vài chục người như bệnh than ở Mỹ! Bệnh than có ảnh hưởng gì lắm đến nước Mỹ

đâu! Vậy mà với chiêu tuyên truyền tập trung mang tính áp đặt, Mỹ đã lôi léo được dư luận thế

giới chăm chú vào đó. Mục đích của lối tuyên truyền lừa bịp này cũng chẳng có gì mới, đó là hút

dư luận về căn bệnh than, lo cho người dân Mỹ bị nhiễm bệnh và lo cho bản thân mình vì không

biết ngày nào đó sẽ nhận được một bì thư có chất bột trắng chứa khuẩn bệnh than, mà quên

mất ở phía trời Trung Á, bom đạn Mỹ đang tác yêu tác quái, khả năng tiêu diệt sinh mạng con

người còn mạnh hơn gấp bao lần bệnh than. Mặt khác, ngón nghề tuyên truyền của Mỹ được

vận dụng vào chiến dịch reo rắc nỗi lo sợ về bệnh than, theo lời bình luận của tờ Át- Tha-ra, cơ

quan ngôn luận của đảng Bát-thơ cầm quyền ở Irắc, là "nhằm biến sự thất bại của Mỹ trong các

vụ tiến công vào nước Mỹ ngày 11 tháng 9 thành thắng lợi trong cuộc đấu tranh chống "khủng

bố sinh học" mà thôi". Để rồi, khi thả bom vào một làng, hay một bệnh viện ở Áp-ga-ni-xtan,

làm chết cả trăm người, chính quyền Mỹ chỉ cần nói ráo hoảnh một câu "nhầm" là ổn! Chẳng

thế mà, sang tuần thứ hai của cuộc chiến tranh, qua các phương tiện thông tin đại chúng, Mỹ

đã thừa nhận "thả nhầm" một quả bom "thông minh" được điều khiển bằng hệ thống định vị

toàn cầu và la de vào một khu dân cư cách sân bay Ca-bun khoảng 1 km. Ta-li-ban cho biết

khoảng 25 đến 30 người đã bị chết trong vụ ném bom "nhầm" này. Thế nhưng, Mỹ cũng chẳng

có một lời tạ tội nào với những oan hồn của vụ "nhầm'' chết người đó. Tiếp xúc với người Mỹ,

tôi cảm thấy có những người trong số họ mắc chứng vô cảm với đồng loại. Gặp những cảnh bạo

lực, tai nạn, ăn mày ăn xin, ngủ hè ngủ ghế... người Việt chúng ta hay mủi lòng, nhưng trên đất

Mỹ này, tôi thấy nhiều người cứ dửng dưng. Nhà văn Mỹ Ru-sen Banh gọi hiện tượng vô cảm

của người Mỹ là "lòng trắc ẩn từ lâu bị lỗi thời ở xứ này". Cũng bởi mắc chứng vô cảm như thế,

chính quyền Mỹ luôn luôn ráo hoảnh trước những cái chết oan khuất của dân thường do họ

đem lại và họ đã nói một cách lạnh lùng trên các phương tiện truyền thông về cái sự "nhầm"

chết người kia! Cũng với thói lạnh lùng vô cảm, trong tuyên truyền, người Mỹ có lối "chối phắt"

trước những lời tố cáo tội lỗi của mình, ví dụ như khi bị tố cáo là thả bom trúng một bệnh viện

ở thành phố Hê-rát phía Tây Áp-ga-ni-xtan, làm hơn 100 người chết, chứng tỏ máy bay Mỹ "cố

tình nhằm vào dân thường", Bộ Quốc phòng Mỹ nói không có bằng chứng cho thấy máy bay Mỹ

liên quan cuộc tiến công này!

Người ta còn nhớ cũng chính Mỹ trong những ngày chuẩn bị chiến tranh "trả đũa" nhằm

vào Áp-ga-ni-xtan, đã từng tuyên truyền rùm beng cho các loại vệ tinh dẫn đường, các loại vũ

khí "thông minh" có thể phân biệt dân thường với lính, phân biệt nhà dân với trại huấn luyện

khủng bố... Thế mà bây giờ, bom đạn lại bị dẫn "nhầm", cứ nhè vào đầu dân thường mà nổ!

Điều này càng cho thấy đưa thông tin áp đặt, dù đúng sự thật hay không, chỉ cần có lợi cho Mỹ,

là một đặc tính của lối tuyên truyền Mỹ.

Một đặc điểm nữa trong tuyên truyền ở Mỹ mà những ai muốn dựa vào các nguồn tin

của Mỹ hãy cảnh giác, đó là lối đưa tin "vịt", hoàn toàn sai sự thật. Tôi xin dẫn ra đây một số tin

về thảm hoạ 11 tháng 9 và sự kiểm chứng những tin ấy:

Thứ 3-11/9.

Tin: Một chiếc xe hơi có đặt bom đã phát nổ bên ngoài toà nhà Bộ Ngoại giao. Hàng trăm

công nhân viên chức đang làm việc tại Oa-sinh-tơn đã chạy túa ra từ những toà nhà lân cận.

Thực tế: Đây là một thông tin bịa đặt, giống như những thông báo kế tiếp về những vụ nổ

tại Điện Capitol và Văn phòng Tổng thống cũ tại Nhà Trắng.

Tin: Có thêm một chiếc máy bay khác bị không tặc khống chế, thoát khỏi tầm kiểm soát

của ra đa, hướng về phía thủ đô Oa-sinh-tơn . Nhiều nguồn tin cho biết chiếc máy bay này cũng

đang nhắm đến mục tiêu là Nhà Trắng hoặc Lầu Năm góc bị bốc cháy từ sau cú tấn công thứ

nhất.

Thực tế: Không có chiếc máy bay nào.

Thứ tư, 12 tháng 9.

Tin: 800 người chết ở Lầu Năm góc. Giới quân sự, trước đó vẫn cho rằng số tử vong thấp

hơn nhiều, sẽ bị sốc.

Thực tế: Chỉ có 190 người chết.

Tin: Nhiều nguồn tin đồn về việc khan hiếm nhiên liệu khiến hàng ngàn người xếp hàng

tại các trạm xăng trên toàn quốc và một số trường hợp nhiên liệu tăng giá.

Thực tế: Chưa thấy có một báo cáo chính thức nào về tình trạng khan hiếm nhiên liệu.

Trước đó, vào năm 1991, trong cuộc chiến tranh vùng Vịnh, Mỹ cũng đã tung tin "vịt" để

tạo dư luận có lợi cho mình. Điển hình là vụ hãng thông tấn Hil và Knao-thao ngày 10 tháng 10

năm 1991 dẫn lời con gái Đại sứ Cô-oét tại Mỹ tung tin "vịt" về binh lính Irắc đã giết hại trẻ em

sơ sinh trong các bệnh viện Cô oét, hãm hiếp phụ nữ vô tội vạ... Mãi sau khi chiến dịch "trừng

phạt" kết thúc, sự việc vu cáo bỉ ổi kia mới lộ ra ánh sáng, nhưng kết quả của nó tuyệt đối hữu

hiệu: 700 hãng truyền hình đã phát đoạn vi đê ô trên đây với 67 triệu lượt người theo dõi, gây

một làn sóng ủng hộ chiến tranh rộng rãi và Tổng thống Busơ (cha) thời đó lập tức được

Thượng viện thông qua "sắc lệnh chiến tranh".

Thế còn, liệu Bin Lađen có thật là kẻ chủ mưu trong vụ tấn công nước Mỹ hôm 11 tháng 9

không? Cả Mỹ và Anh đều tuyên bố hùng hồn rằng đã có bằng chứng kết tội Bin Lađen, sẽ đưa

ra bằng chứng, nhưng cho tới nay, đã có bằng chứng nào được công bố đâu! Khi dư luận thế

giới đòi bằng chứng, chính quyền Mỹ nói ráo hoảnh "vì lý do an ninh" nên họ không thể công bố

bằng chứng. Thậm chí, khi nghe Ngoại trưởng Co-lin Pô-oeo trả lời phỏng vấn của đài truyền

hình NBC: "Trong những ngày sắp tới, chúng ta có thể trưng ra một tờ giấy, một văn bản nói rõ

bằng chứng Bin Lađen đứng sau cuộc tấn công ngày 11 tháng 9" thì Tổng thống Busơ đã nổi

giận đùng đùng và tuyên bố trắng trợn: "Không cần tờ giấy đó. Chúng ta đã buộc tội Bin Lađen

." Trong khi đó, tờ Mirror của Anh số ra ngày 8 tháng 11 đã tiết lộ một thông tin trái ngược với

những tuyên bố của Mỹ, Anh, làm cả thế giới sửng sốt: không phải Bin Lađen mà chính là một tổ

chức có tên gọi "Đội quân vì công lý" đã thực hiện vụ khủng bố hôm 11 tháng 9 và nay đang reo

rắc thảm hoạ bệnh than cho nước Mỹ. Tờ Mirroir cho biết, cảnh sát Anh và Cục điều ra Liên

bang Mỹ (FBI) đã được lệnh báo động khi tờ báo này thu được một trang thư điện tử của tổ

chức "Đội quân vì công lý" xuất hiện trên In-tơ-nét. Với đầu đề "Tuyên bố đầu tiên của Đội quân

vì công lý" được viết bằng tiếng Arập, trang thư này cho biết Mohamed Atta, kẻ cầm đầu nhóm

khủng bố đã bắt cóc và cho máy bay đâm vào hai toà nhà Trung tâm Thương mại Thế giới ở

Niu-Yoóc, chính là chỉ huy phân đội bí mật số 15 của nhóm. Tuyên bố cũng cho biết "Đội quân vì

công lý" không phải là một bộ phận của tổ chức An Que-đa và không nhận bất cứ một mệnh

lệnh trực tiếp nào của Bin Lađen. Tổ chức này có biện pháp, chiến thuật và những mục tiêu

riêng biệt. "Đội quân vì công lý" cũng tiết lộ là chính nhóm của họ hiện đang tiến hành "các cuộc

tấn công trực tiếp gây đau khổ cho Mỹ bằng bệnh than". Lại nữa, tờ Time của Mỹ số ra ngày 3

tháng 12 năm 2001 đăng bài của phóng viên Jêm. G-ráp-phơ ở Men-đơ-rít, Tây Ban Nha, cho

biết quan toà Ba-ta-sa Ga-sơn, thuộc nhóm điều tra khủng bố ở Tây Ban Nha tiết lộ rằng qua

điều tra và thẩm cung sơ khởi một số phần từ Hồi giáo bị bắt ở Tây Ban Nha, đã thu được

những bằng chứng về một nhóm tên khủng bố nằm vùng ở Madrid đã "trực tiếp liên quan đến

việc chuẩn bị hoàn thành các kế hoạch tấn công" vào nước Mỹ ngày 11 tháng 9 năm 2001. Nếu

vụ này cuối cùng đưa đến kết luận rõ ràng nhóm A-bu Đa-đát đã trực tiếp lập kế hoạch cho

nhóm của Át-ta thực hiện vụ khủng bố ngày 11 tháng 9 ở Mỹ thì cuộc chiến do Anh - Mỹ tấn

công vào Áp-ga-ni-xtan hoàn toàn vô căn cứ - Bin Lađen không tổ chức vụ khủng bố như Mỹ và

Anh đã buộc tội. Và như vậy, rõ ràng là Anh - Mỹ cố tình vu cáo Bin Lađen để có cớ đưa quân

vào vùng Trung Á, từ đó thực hiện ý đồ chiến lược của mình. Không rõ thực hư thế nào, nhưng

cho dù Bin Lađen có là kẻ chủ mưu trong sự kiện 11 tháng 9 hay không, thì lối tuyên truyền áp

đặt của Mỹ đã đạt hiệu quả tuyệt đối, Quốc hội Mỹ đã thông qua kế hoạch chiến tranh của Tổng

thống Busơ, quân đội Mỹ đã tấn công Áp-ga-ni-xtan, hàng nghìn người dân vô tội đã chết hoặc

bị thương, hàng triệu người khác đã phải chịu thảm cảnh nhà tan cửa nát, loạn lạc đói khát, và

khoảng 100.000 trẻ em Áp-ga-ni-xtan đang trong nguy cơ không qua khỏi mùa đông này vì giá

lạnh, bệnh tật và đói!

Biết được thực tế nói trên, tôi càng giật mình khi nghĩ đến tinh hình nhiều báo chí trên

thế giới khai thác một chiều tin từ các hãng truyền thông Mỹ để tuyên truyền trên đất nước

mình, trong điều kiện không có khẳ năng kiểm chứng! Liệu có bao nhiêu tin "vịt" kiểu như trên

đã lan truyền trên làn sóng dư luận thế giới? Trong khi lên án "những kẻ khủng bố" sử dụng các

phương pháp sinh học để giết người hàng loạt, thì Mỹ tung hô cho các loại vũ khí "hiện đại" có

khả năng giết người vừa tinh vi hiện đại, lại vừa dã man kiểu trung cổ, nào là chôn sống, nào là

hút chân không gây ngạt đối phương, nào là hơi ngạt, nào là bom khoan, bom công phá, bom

chùm, nào là bom thông minh được định vị và điều khiển từ vệ tinh, nào là máy bay B -52 ném

bom rải thảm, vân vân và vân vân, toàn là loại giết người hàng loạt, thế mà cứ được điểm danh

và tung hô như đó là những quà tặng ngọt ngào cho con người! Vậy mà báo chí nhiều nước

cũng đưa lại những thông tin ấy, thậm chí say sưa miêu tả hình dáng, tính năng, tác dụng của

chúng, chả khác nào quảng cáo cho các loại vũ khí tồi tệ phi nhân bản của Mỹ vậy. Thông tin về

số người chết trong thảm hoạ 11 tháng 9 mà báo chí các nước đăng tải hoàn toàn phụ thuộc

vào Mỹ, họ bảo là chết bao nhiêu thì báo chí nói chết bấy nhiêu. Lúc đầu là 10.000 đến 20.000,

rồi xuống 5.000 - 6.000, và ngày 21 tháng 11, lại dẫn theo các quan chức thành phố Niu-Yoóc, số

người chết trong thảm hoạ 11 tháng 9 rút xuống còn 3.800 người. Thế là, mọi lời bình luận rằng

ngày 11 tháng 9 là ngày đẫm máu nhất trong lịch sử nước Mỹ trở thành lời nói vớ vẩn, bởi vì với

con số 3.800 người chết, thảm hoạ ngày 11 tháng 9 đã lui xuống hàng thứ hai!

Thế rồi, khi món bệnh than sắp trở nên nhạt nhẽo trước mâm cỗ dư luận, thì chính

quyền Mỹ chuyển ngay qua món "phá cầu", và ghê hơn là cái món "vũ khí hạt nhân". Tổng

thống Mỹ "tỏ ra e ngại" trên phương tiện truyền thông rằng "khủng bố" có thể sử dụng vũ khí

hạt nhân! Người Mỹ kêu ầm lên rằng Bin Lađen có thể sử dụng vũ khí hạt nhân để chống lại bất

cứ quốc gia nào mà hắn thấy cần thiết! Và tất yếu, người Mỹ muốn dẫn dắt cả thế giới đi đến

kết luận rằng muốn tránh khỏi thảm hoạ hạt nhân, chỉ có mỗi một con đường là ủng hộ Mỹ

"chống khủng bố"! Hơn thế nữa, các hãng tin Mỹ hàng ngày ra rả truyền đi tuyên bố của chính

quyền Mỹ là sẽ tấn công bất cứ nước nào sản xuất, tàng trữ vũ khí giết người hàng loạt, lờ tịt đi

một thực tế rằng kẻ đó chính là Mỹ, kẻ đã dùng hai quả bom nguyên tử giết người hàng loạt để

dội xuống đầu nhân dân Nhật Bản vào năm 1945, tạo nên thảm hoạ hạt nhân đầu tiên cho loà i

người, và hiện nay vẫn đang tàng trữ không biết cơ man nào tên lửa, bom đạn hạt nhân, vũ khí

sinh học, vũ khí hoá học có khả năng giết người hàng loạt. Cấp tập tung các ngón đòn chiến

tranh tâm lý, Mỹ loan tin về khả năng khủng bố bằng bệnh đậu mùa, bằng cách đánh bom

đường ống dẫn khí ở Mỹ! Không thấy Bin Lađen tuyên bố một lời cụ thể nào về các biện pháp

khủng bố, chỉ thấy Mỹ kêu ầm lên là đã phát hiện những âm mưu, những kế hoạch khủng bố

của Bin Lađen. Chỉ cần "nhận được tin về nước Mỹ sắp bị khủng bố ", Tổng thống Busơ đã đồng

ý ngay với quyết định của Bộ Tư pháp báo động trên toàn quốc. Và bao giờ, chính quyền Mỹ

cũng khai thác triệt để vai trò của báo chí. Tại một cuộc họp báo vội vàng ở Oa -sinh-tơn, Bộ

trưởng Tư Pháp Mỹ Giôn A-si-róp khẳng định là các cơ quan chức năng Mỹ đã nhận được tin nói

rằng nước Mỹ sắp bị tấn công. Đến khi mọi người cần thông tin cụ thể hơn, thì ông ta nói rằng

rất tiếc tin đó không xác định được cụ thể những mục tiêu tấn công và hình thức tấn công của

bọn khủng bố! Thực tế, vụ báo động này chỉ là một đòn tâm lý, vụ "khủng bố" đã không xảy ra

vào ngày 11 tháng 10 như ông Bộ trưởng Tư pháp công bố. Trong khi dư luận vẫn còn râm ran

bàn luận và một số nghị sĩ chỉ trích ông Bộ trưởng Tư pháp là tung tin tầm bậy làm dân chúng

hoảng loạn, thì vào ngày 29 tháng 10, chính Tổng thống Mỹ lại phát lệnh tổng báo động chống

khủng bố trên toàn nước Mỹ và lập tức ông Bộ trưởng Tư pháp ủng hộ lời tuyên bố nói trên.

Thật là tiền hô hậu ủng. Và tất nhiên là, các lời tuyên bố nói trên đều được các phương tiện

truyền thông của Mỹ chuyển tải tối đa tới công chúng. Liệu mọi người có chững lại mà suy xét,

để nhìn thấy một vết dầu loang cực kỳ nguy hiểm mà Mỹ đã tạo ra không? Đó là loang về dư

luận để cuối cùng loang về phạm vi tiến công của Mỹ! Theo vết dầu loang ấy, Mỹ muốn tấn công

ai, thì Mỹ chỉ cần tung lên dư luận rằng nước đó tàng trữ vi trùng bệnh than, vi trùng bệnh đậu

mùa, sản xuất vũ khí giết người hàng loạt, chứa chấp khủng bố... là đủ lý do để không kích hoặc

đổ quân vào đất nước có chủ quyền nào đó. Ngày 3 tháng 12, Chính phủ Mỹ tuyên bố nước này

trong tình trạng báo động cao nhất sau khi dự đoán có nhiều khả năng có nhiều cuộc tiến công

mới vào cuối tháng lễ Hồi giáo Ra ma đan. Đây là lần thứ ba kể từ 11 tháng 9, Mỹ tuyên bố tình

trạng báo động cao nhất. Chủ tịch cơ quan an ninh quốc gia T. Rít-giơ nói: "Nước Mỹ vẫn đang

trong tình trạng chiến tranh". Phải chăng đây lại là ngón đòn tâm lý để dọn đường cho Mỹ mở

rộng chiến tranh. Tờ Oa-sinh-tơn Times số ra 4 tháng 12 cho biết Lầu Năm góc đang xúc tiến

thảo luận khả năng tiến hành các hành động quân sự chống Irắc, có thể theo mô hình cuộc

chiến ở Áp-ga nix-tan, tức là bao gồm việc ném bom ồ ạt, cung cấp vũ khí và hậu thuẫn cho lực

lượng đối lập trong nước, cổ động dân chúng lật đổ chế độ. Điệp khúc chiến tranh từ miệng

Tổng thống Mỹ được dàn đồng ca chiến tranh tâm lý của Mỹ xướng đi xướng lại để chuẩn bị

cho những hành động bá quyền lan rộng ra nhiều vùng đất. Trả lời phỏng vấn trong chương

trình "20/20" phát trên ABC News ngày 5 tháng 12, Tổng thống Mỹ Busơ tuyên bố: "Quân đội

Mỹ có thể sẽ tiến hành các cuộc tấn công ở bên ngoài Áp-ga-ni-xtan như là một phần trong cuộc

chiến mở rộng chống chủ nghĩa khủng bố của chính quyền Mỹ". Mỹ chính thức gửi Hội đồng

Bảo an Liên Hợp quốc một văn bản tự xác định "Mỹ được quyền tiến công vào các quốc gia khác

ngoài Áp-ga-ni-xtan", "Mỹ có quyền sử dụng vũ lực ở bất cứ nơi nào". Trên thực tế, Mỹ và Anh

đang lập kế hoạch mở rộng "cuộc chiến chống khủng bố" sang Xu-đăng, Y-ê-men... và mục tiêu

tiến công tiếp theo có thể là Sô-ma-li-a và Phi-lip-pin. Mỹ cũng đòi tấn công Irắc. Cảnh giác

trước tham vọng và sự ngông cuồng của Mỹ, các nước ở Đông Nam Á có nhiều dân theo đạo

Hồi như Ma-lai-xi-a, Phi-lip-pin, Inđônêxia đã sớm cảnh báo rằng họ không chấp nhận sự có mặt

của quân đội nước ngoài trên đất nước họ với chiêu bài "chống khủng bố". Ngạo mạn là một

thói quen xấu của chính quyền Mỹ, cho nên, ngoại trưởng Mỹ Co-lin Pô-oeo trắng trợn nói vơí

giới báo chí tại Oa-sinh-tơn ngày 28 tháng 11 như sau: "Tôi sẽ bảo họ lắng nghe kỹ những gì

Tổng thống nói. Tổng thống nói chính quyền Irắc nên cho phép những thanh tra vũ khí Liên hợp

quốc trở lại để hoàn thành nhiệm vụ vô cùng quan trọng. Và một khi Tổng thống đã yêu cầu và

nếu họ không làm, chuyện gì sẽ xảy ra ư. Tổng thống nói "Ông ta sẽ được thấy". Tôi nghĩ đó là

một phát biểu tốt và tôi nghĩ không cần phải có giải thích gì thêm." Đó không phải chỉ là lời Mỹ

nói với Irắc, mà là lời đe doạ bất cứ ai trên trái đất này không nghe lời Mỹ. Chính phó Tổng

thống Mỹ Dick Cheny đã trắng tợn tuyên bố: Sau khi kết thúc chiến tranh ở Áp-ga-ni-xtan, Mỹ

sẽ công kích vào 45 nước có tổ chức An Que-đa của Bin Lađen!

Đã đến lúc chúng ta cần nhớ lại lời của Ju li út Phu xích, một nhà văn, lãnh tụ Cộng sản

Tiệp Khắc trong thời kỳ chống chủ nghĩa Phát xít: Loài người, hãy cảnh giác!để tỉnh táo trước các

luận điệu tuyên truyền nguy hiểm của Mỹ!

Tuy vậy, oái oăm thay, cuộc đời có câu"gậy ông lại đập lưng ông", dù tài giỏi bao nhiêu

trong việc sử dụng vũ khí thông tin tiến hành chiến tranh tâm lý, Mỹ vẫn không tránh khỏi tác

hại trái chiều do chính thứ vũ khí lợi hại ấy của mình đem lại. Sự tuyên truyền rầm rĩ về các mối

nguy cơ khủng bố nước Mỹ nhằm đánh lạc hướng dư luận khỏi sự tập trung vào việc dân

thường Áp-ga-ni-xtan bị chết chóc, đói khát dưới bom đạn và sự tiến công của Mỹ thì đồng thời

cũng làm cho chính nhân dân Mỹ phải sống trong cảnh nơm nớp lo sợ bị khủng bố và làm cho

thế giới ghê sợ nước Mỹ. Trong nước, dù là mối đe doạ khủng bố bằng sinh học không ghê gớm

như chính quyền Mỹ tuyên truyền, nhưng qua thảm hoạ 11 tháng 9 và qua các biện pháp đề

phòng thái quá, qua các cuộc báo động căng thẳng của chính quyền, vẫn có rất nhiều người Mỹ

lâm vào tình trạng hoảng loạn. Hầu như ở tất cả các bệnh viện Mỹ, số người xin khám bệnh tinh

thần, thần kinh đã tăng lên đến mức kỷ lục chưa từng thấy. Những người này có chung tình

trạng bệnh lý là mất ngủ, tinh thần không tập trung, lo lắng, hay quên, mệt mỏi. Riêng về bệnh

than, thì chỉ một nơi nào đó bị tình nghi có chất bột trắng là cả khu vực phải sơ tán. Những ai có

mặt tại hiện trường lúc đó đều phải khám nghiệm. Và trong xã hội Mỹ bùng nổ nạn tung tin giả.

Theo số liệu của FBI, trong 3 tuần đầu tháng 10, nhà chức trách đã xử lý hơn 3.300 báo động,

trong đó có 2.500 báo động liên quan đến bệnh than. Tuy nhiên, tình trạng báo động giả liên

tiếp xuất hiện, đến nỗi một số Thượng nghị sĩ phải đề xuất văn bản pháp lý trừng phạt nặng

những kẻ tung tin giả về bệnh than và về khủng bố, với mức cao nhất có thể là 5 năm tù (thế thì

chính quyền Mỹ sẽ phải ngồi tù trước tiên, vì họ là kẻ tung tin giả siêu hạng). Ngoài nước, do lo

sợ bị đòn oan trên đất Mỹ, số du khách đến Mỹ giảm mạnh, làm cho ngành Du lịch, hàng không,

giải trí Mỹ lao đao. Lượng người tại các trung tâm vui chơi giải trí trống vắng hẳn. Lượng khách

du lịch sau 11 tháng 9 giảm tới 40% và ước tính ngành Du lịch Mỹ bị thiệt hại khoảng 43 tỷ USD.

Riêng khu vực nghỉ mát tại Florida bị thiệt hại mỗi ngày 20 triệu USD. Nhiều khách sạn ở Niu-

Yoóc, tỷ lệ thuê phòng chỉ đạt mức từ 45 tới 50% so với mức sử dụng trung bình từ 90 tới 95%

trước đây. Và hết sức trớ trêu, Tổng Thống Mỹ phải đóng vai quảng cáo viên cho ngành Du Lịch

- từ 21 tháng 11 đến 28 tháng 11, khán giả truyền hình Mỹ thấy Tổng thống Busơ trong một

chương trình quảng cáo 30 giây của ngành Du lịch với lời kêu gọi dân chúng hãy gạt bỏ những

sợ hãi, làm việc bình thường, đi lại bằng máy bay và thăm thú đất nước... nhằm chèo kéo khách

du lịch thế giới cho ngành Du lịch và ngành Hàng không nước Mỹ! Thật là "lưỡi không xương

nhiều đường lắt léo".

6. Phác hoạ chân dung mấy người bạn

Ma-ri-sa Lốppơ - Mác-tin Su-lơ-man - Tim Đô-ling

Trong chuyến thăm và làm việc tại Mỹ này, tôi rất cảm ơn quỹ FORD đã tạo điều kiện

thuận lợi cho chúng tôi tìm hiểu sâu tình hình, với những buổi làm việc căng thẳng về thời gian

nhưng đầy ắp thông tin, với hàng chồng tài liệu có giá trị, và đặc biệt là với những người bạn

tận tâm, chu đáo. Tôi không thể kể hết ra đây tất cả những người bạn ở Mỹ mà tôi đã tiếp xúc,

chỉ xin phác hoạ chân dung của 3 người bạn thuộc 3 quốc tịch khác nhau, với những nét tính

cách khác nhau nhưng đều để lại trong tôi những ấn tượng tốt đẹp khó quên.

Mác-tin Su-lơ-man

Đó là một người Mỹ chính gốc, giáo sư Mác-tin Su-lơ-man. Ngay từ buổi đầu gặp gỡ, tôi

đã chú ý đến ông. Trạc 70 tuổi, dáng người vừa phải, mái tóc và hàm râu quai nón loăn quăn

nhuốm mầu phong sương, chân đi tập tễnh, phải chống ba toong, ông vẫn không có dáng vẻ lụ

khụ của một ông già. Ngược lại, sự chu đáo và tháo vát của ông khi thu xếp hành lý g iúp chúng

tôi lúc chuẩn bị lên ô tô khiến tôi có cảm giác ông còn rất trẻ trung. Trong suốt chuyến làm việc,

ngay cả vào buổi tối hoặc những lúc làm việc thông tầm, hoặc đi dạo thăm thành phố, chúng tôi

đều được ông cùng đi và hướng dẫn chu đáo. Tài liệu của quỹ FORD giới thiệu về giáo sư Mác-

tin Su-lơ-man như sau:

"Mác-tin Su-lơ-man là giáo sư của trường Quản lý tại trường đại học Binh-ham-tơn,

trường đại học Bang Niu-Yoóc. Từ năm 1985, ông là chủ nhiệm khoa Quản trị kinh doanh trong

chương trình quản lý nghệ thuật. Trước khi giữ vị trí này, ông đã là điều phối viên của chương

trình quản lý nhà hát tại trường đại học Ithaca, Niu-Yoóc trong 7 năm. Trước khi làm công tác

giáo dục, giáo sư Mác-tin Su-lơ-man là diễn viên, đạo diễn kịch và quản lý trong nhà hát tại Mỹ

và Châu Á.

Đến nay, ông vẫn dạy Thương mại quốc tế và kế hoạch chiến lược. Ông là tổng hợp của

niềm say mê nghệ thuật và quản lý bởi sự phục vụ của ông với tư cách tư vấn và giảng viên cho

nhiều tổ chức nghệ thuật - các dàn nhạc giao hưởng, bảo tàng, đoàn múa, các đài phát thanh

không nhằm mục tiêu lợi nhuận, nhà hát kịch, hội thủ công mỹ nghệ và các chính phủ.

Ông là giảng viên thỉnh giảng về kế hoạch chiến lược và tiếp thị nghệ thuật tại Thượng

Hải và Nantong, Trung Quốc và Đài Loan. Công việc tư vấn của ông bao gồm tư vấn cho các công

ty, các tổ chức chính phủ tại phía Nam bang Niu-Yoóc và tại Hồng Kông.

Giáo sư Mác-tin Su-lơ-man đã giành được giải thưởng Phun-bơ-roai Léc-tơ-xíp về giảng

dạy tại Hồng Kông năm 1991-1992, ở đó ông dạy kế hoạch chiến lược và chính sách thương mại

tại Trường đại học Hồng Kông Bapơtít, dạy quản lý nghệ thuật cho cán bộ trung cấp và những

khoá học đặc biệt cho các cán bộ quản lý nghệ thuật cao cấp tại Trường đại học Hồng Kông.

Ông cũng làm chủ tịch hội đồng nghiên cứu những người làm việc trong lĩnh vực nghệ thuật với

những chiến lược mới về hỗ trợ nghệ thuật.

Trước đó, Giáo sư Mác-tin Su-lơ-man là trưởng ban thư ký của bộ phận thủ quỹ cho hiệp

hội Vay có thế chấp Liên bang tại Lốt-an-giơ-lét và phục vụ tại Việt Nam, Thái Lan bởi sự giới thiệu

của tổ chức Phát triển quốc tế Hoa Kỳ. Ông đã từng đi và sống khắp Thái Bình Dương trong 7 năm.

Giáo sư Mác-tin Su-lơ-man được công nhận bằng tiến sĩ từ Trường đại học bang Floriđa

và bằng MBA tại Trường đại học Caliphoócnia, Lốt-an-giơ-lét."

Với vốn sống phong phú và học vấn uyên thâm như được giới thiệu trên đây, giáo sư

Mác-tin Su-lơ-man vẫn khiêm nhường và bình dị. Ông cùng ngồi nghe thuyết trình, cùng đứng

xem giới thiệu về tranh với chúng tôi với vẻ chăm chú của người đang học hỏi. Ông thường

nhắc chúng tôi rằng không nên áp dụng máy móc kinh nghiệm của nước khác vào nước mình.

Ông kể:

- 26 năm trước tôi là sinh viên trường nghệ thuật ở Luân Đôn. Tôi hỏi thầy: Sao người Mỹ

lại khó khăn trong việc chế tác vở Sếch-xpia? Thầy nói: Người Mỹ cần dừng ngay việc bắt chiếc

người Anh, người Mỹ phải có cách riêng. Các bạn cũng cần có cách riêng.

Trong các buổi mà chúng tôi nghe thuyết trình hoặc trong các buổi tham quan của chúng

tôi, giáo sư thường giải thích thêm những ý mà chúng tôi chưa rõ lắm. Chẳng hạn, ông giải thích

thêm về việc kêu gọi tài trợ như sau:

- Một số công ty tài trợ không với ý nghĩa từ thiện mà để cùng có lợi. Đó là cuộc chơi mà

cả hai bên đều thắng. Tôi đã từng xin tài trợ của hãng xe hơi Ca-di-lắc. Tôi nói rằng tôi sẽ dựng

một vở kịch dành cho khán giả thuộc giới thượng lưu, thường đi những loại xe sang trọng, hứa

sẽ ghi trên quảng cáo tên của Hãng. Đại diện của Hãng đã đồng ý. Như vậy, các bạn có thể thấy

kinh nghiệm cần rút ra là: Phải xác định rõ đối tượng mà mình kêu gọi tài trợ, xác định khán giả

và xác định rõ vở diễn phù hợp với khán giả nào, khán giả ấy phù hợp với Hãng sản xuất nào,

cũng là nhà tài trợ của chúng ta. Tìm kiếm tài trợ phải có kỹ năng.

Ông hay nhắc chúng tôi một câu: "Dù thế nào, thì cũng phải có lòng say mê nghệ thuật!"

Đối với ông, lòng say mê nghệ thuật còn quý hơn tiền bạc, và chính nó sẽ giúp những người làm

công tác nghệ thuật đi tới thành công.

Đã từng ở Việt Nam và Hồng Kông, ông luôn giữ gìn ngọn lửa ấm áp của tình bạn mà ông

có được từ hai nơi này. Ông kể:

- Tại Hồng Kông, tôi đã gặp ông Vĩnh Cát, hồi đó là Giám đốc Sở Văn hoá Hà Nội. Tôi hỏi

thông tin về đoàn rối Thăng Long, sau đó ông Cát đã có đủ thông tin cho tôi. Đoàn Thăng Long

đã diễn ở Hồng Kông rất thành công. Sau đó, tôi đã được sang Việt Nam. Trước ngày rời Hà Nội,

tôi cùng ông Vĩnh Cát ngồi bên bờ hồ Hoàn Kiếm uống bia, nói chuyện. Ông Vĩnh Cát nói rằng

người Việt Nam muốn sử dụng nghệ thuật để tiếp xúc với thế giới phương Tây. Tôi cũng nói với

ông Cát rằng tôi luôn nghĩ dùng nghệ thuật vào mục đích hoà bình là tốt nhất.

Giầu tình cảm và giản dị, nhiều khi để thể hiện tình thân, ông vỗ vỗ bàn tay dầy dặn vào

vai tôi, miệng cười hồn hậu.

Hôm đoàn chuẩn bị rời Hoa Kỳ, Bạn tổ chức bữa cơm tiễn chúng tôi trong một nhà hàng

Trung Quốc tại khu Chi-na-thao. Trước khi đến nhà hàng, giáo sư Mác-tin Su-lơ-man nói với

chúng tôi bằng giọng rất cởi mở: "Hôm nay là ngày sinh vợ tôi. Khi chúng ta đến nhà hàng, mọi

người hãy đồng thanh hát bài Chúc mừng sinh nhật nhé!" Chúng tôi được biết vợ giáo sư Mác-tin

Su-lơ-man là một phụ nữ Trung Hoa sinh sống ở Hồng Kông. Có lẽ bữa cơm chia tay được đặt

tại nhà hàng Trung Quốc cũng nhằm thể hiện tình cảm của mọi người trước ngày sinh của bà

chăng? Qua cách nói vừa chân thực vừa tha thiết của giáo sư Mác-tin Su-lơ-man về vợ mình, tôi

nghĩ rằng hai người sống hạnh phúc. Trước khi vào bữa cơm, tôi thay mặt đoàn tặng hoa và

tặng chút quà Việt Nam mừng sinh nhật Mác-tin Su-lơ-man phu nhân. Cả hai ông bà đều đứng

dậy tỏ thái độ vừa ngạc nhiên vừa cảm động.

Vào cuối buổi, thấy anh bồi bàn vào dọn bát đĩa, bê ra khá gọn gàng, giáo sư Mác -tin Su-

lơ-man khen và nói:

- Thời trẻ tôi đã từng làm thêm việc bồi bàn trong các kỳ nghỉ hè để có tiền học, và làm

rất giỏi, một tay bê 5 tách cà phê. Có lần tôi đã lập kỷ lục là trên một cái khay, tôi bê 32 bát súp

gà mà không bị đổ, với cách thức đẩy chồng bát nghiêng về đằng trước một chút và chạy như

cơn lốc. Tôi đã làm việc cật lực suốt bẩy ngày trong tuần, phục vụ cả ba bữa ăn để có tiền "boa"

dùng vào việc học hành. Khi đó, học phí một kỳ chỉ có 5 USD thôi, nhưng kiếm được 5 đô là lại

không dễ chút nào. Tôi nói như thế để thấy rằng muốn có kỹ năng thì chúng ta phải luyện tập

rất là nhiều.

Trở lại với hiện tại, Giáo sư Mác-tin Su-lơ-man nói:

- Đối với nhiều người trong chúng tôi, đây là thời điểm khởi đầu cho sự hiểu biết lẫn

nhau. Người Mỹ nghe nhiều về người Việt Nam rồi nhưng không phải ai cũng hiểu về người Việt

Nam. Người Mỹ rất ngạc nhiên là người Việt Nam đã đến vào thời điểm này. Ngay cả những

nhân viên an ninh khi được giới thiệu đoàn các bạn là đoàn Việt Nam, họ cũng mở to mắt ngạc

nhiên. Bởi vì sau thảm kịch 11 tháng 9, riêng trường tôi đã có hàng chục đoàn nước ngoài huỷ

bỏ kế hoạch đến thăm và làm việc. Các bạn đến lúc này làm cho chúng tôi thấy ấm lòng bởi tình

hữu nghị và hợp tác. Các bạn là người dễ gần, dễ mến. Tôi thấy mọi người trong đoàn rất là

thân thiện. Tôi thích tất cả mọi người. Tuần vừa rồi chúng ta làm việc rất là vui.

Ông nhiệt tình hướng dẫn chúng tôi cách xin tài trợ:

- Dự án về chương trình giảng dạy nếu được thành công thì sẽ mở đường cho việc nhận

tài trợ của các quỹ khác, như Rốc-cơ-phe-lơ... Các bạn cần ghi chép đầy đủ, về thực hiện đầy đủ

mục đích của dự án. Những nhà tài trợ khác sẽ nhìn vào việc thực hiện dự án này để xác định có

thể tài trợ cho các bạn không - thành công này sẽ kêu gọi thành công khác.

Ông tâm sự:

- Sự kiện 11 tháng 9 ảnh hưởng đến tôi rất mạnh, gây cho tôi sự đau buồn khôn xiết. Tôi

nghĩ rằng tôi không cần giải thích, các bạn cũng hiểu tâm trạng của tôi. Tôi hy vọng là không ba o

giờ mình phải chứng kiến thảm kịch như thế nữa. Tôi đã rất buồn và rất giận. Khi trấn tĩnh lại,

tôi thấy được cách mình phải tự đứng dậy, tự mình phải cứng rắn hơn. Sau sự kiện này, thậm

chí còn phải biết học cách tha thứ nữa, nếu không thì nợ máu lại trả bằng máu. Nếu giận quá sẽ

mất khôn. Cần phải biết tha thứ.

Ma-ri-sa Lốp-pơ

Là điều phối viên địa phương, Ma-ri-sa Lốp-pơ phục vụ hết sức chu đáo đoàn chúng tôi.

Gốc Tây Ban Nha, dáng người thon thả và nhanh nhẹn, Ma-ri-sa Lốp-pơ bao giờ cũng đáp ứng

kịp thời những mong muốn của chúng tôi ngay cả khi mọi người chưa nói ra. Khi chúng tôi vừa

sang đến Mỹ, đang còn băn khoăn chưa biết làm cách nào gửi gói quà mà người bạn nhờ

chuyển cho người nhà, thì Ma-ri-sa đã nhanh nhẹn nhận đem ra bưu điện chuyển giúp. Trong

tất cả các buổi làm việc, trong khi chúng tôi ngồi thì cô đi lại nhẹ nhàng quanh phòng làm những

việc sự vụ như phân phát tài liệu, chuyển quà... Cô đến bên từng người thì thào hỏi xem muốn

uống gì, chè hay cà phê, và rồi thoăn thoắt di chuyển, đem tới chúng tôi mỗi người một ly nước

theo yêu cầu. Khá nhạy cảm, thoáng thấy người nào đó trong chúng tôi lẳng lặng ra khỏi phòng,

là cô biết ngay người ấy cần gì và lách mình theo... Tại nhiều công sở ở Niu-Yoóc, không hiểu tại

sao họ cứ khoá cửa nhà vệ sinh! Giá không có cô với sự tinh tế, chạy đi mượn chìa khoá mở cửa

và hướng dẫn, chắc cũng có khối người trong chúng tôi lúng túng, khó xử.

Ma-ri-sa có hoàn cảnh không thuận lắm - cha mẹ ly hôn, ở với bà từ nhỏ. Khi còn là học

sinh, cô phải làm thêm bằng cách bán sách. Có anh bạn đùa rằng ở Việt Nam có câu "Cô hàng

bán sách lim dim ngủ", Ma-ri-sa có như vậy không? Cô chỉ cười. Không, giữa nhịp sống sôi động

ở Mỹ, đôi mắt mầu hạt dẻ trong sáng và lanh lợi núp dưới hàng mi cong kia làm sao mà lim dim

ngủ được? Đôi mắt giống đốm lửa lung linh vô tư như chứng tỏ một con người dù sống trên đất

Mỹ vẫn không bị thói thực dụng vụ lợi kiểu Mỹ làm hoen ố, đang thắp nên niềm vui cho những

người bạn mới quen. Vừa bán sách bù vào chi tiêu, cô vừa chăm chỉ học, và đã thi đỗ vào

trường đại học Ca li phoóc ni a, một trường nổi tiếng của Mỹ. Ngay cả khi học đại học, với mức

đóng góp cao - 5.000 USD một học kỳ, Ma-ri-sa vẫn phải vừa phát hành sách vừa học, không

hiểu bao nhiêu cuốn sách đã từ tay cô đến với độc giả?

Khi chúng tôi hỏi về thảm hoạ 11 tháng 9, Ma ri sa trầm hẳn xuống. Cô bảo rằng người

yêu của cô có một anh bạn thân bị chết trong đống đổ nát đó, để lại người vợ và một đứa con

nhỏ. Cô nói:

- Sau 11 tháng 9, tôi nhìn nhận lại cuộc đời mình mới thấy những cái mà tôi có đây nó giá

trị như thế nào. Sau sự kiện này, người Niu-Yoóc xích lại gần nhau, tỏ sự yêu thương, quan tâm

đến nhau mà trước kia không bao giờ có cả. Sự kiện bi thảm đó cũng giúp chúng tôi nhớ lại

những giá trị thật là quý giá mà chúng tôi cần phải chia xẻ với nhau.

Khoảng 28 tuổi, người thon chắc, nhanh nhẹn và nhẹ nhàng như con mèo, Ma -ri-sa

không nề hà việc gì, bám sát phục vụ đoàn chúng tôi trong suốt thời gian làm việc hết sức khẩn

trương, làm việc từ 9 giờ sáng tới 7 - 8 giờ tối, trong lúc ăn cũng thảo luận. Làm việc thông tầm,

không nghỉ trưa, đi bộ nhiều, ăn uống vạ vật, thất thường, đó là đặc điểm của những chuyến đi

công tác nước ngoài mà tôi từng tham gia, nó đòi hỏi sức khoẻ và sự cố gắng cao của những ai

muốn đạt kết quả tốt trong những chuyến du khảo nước ngoài ngắn ngày. Vậy mà Ma-ri-sa,

một người Mỹ, cũng cùng gánh chịu với chúng tôi nỗi vất vả ấy. Thậm chí, có lúc cô còn vất vả

hơn chúng tôi. Hôm làm việc tại Thư viện cộng cộng Niu-Yoóc xong, chúng tôi phải tiếp tục làm

việc tại trường Đại học Niu-Yoóc cho nên chỉ có một chút thời gian ăn trưa. Thoắt một cái,

chúng tôi đã thấy cô trong quầy bánh. Hoá ra cô đã đặt sẵn xuất ăn cho chúng tôi, mỗi người

một túi xách bằng giấy, trong đựng bánh mỳ kẹp thịt và chai nước khoáng. Cô dẫn chúng tôi ra

vườn hoa để vừa nghỉ tạm vừa ăn trưa. Dưới ánh nắng vàng nhưng vẫn lành lạnh, có rất nhiều

người ngồi, đứng trong vườn hoa này. Người thì ăn, người thì đọc sách, người thì ngồi trò

chuyện, lại có cả hai cô cậu ôm nhau thắm thiết trên một chiếc ghế băng... không ai để ý đến ai.

Chúng tôi ngồi trên hàng ghế đá, vừa ăn vừa xem một nhóm thiếu niên diễn mấy trò vui. Nhưng

Ma-ri-sa thì không được ung dung như chúng tôi. Ăn chưa hết chiếc bánh, nhìn đồng hồ, cô đã

vội đứng dậy. Cô cần về trước trường Đại học Niu-Yoóc để bố trí phòng làm việc cho chúng tôi.

Theo cô nói thì giáo sư Đan Mác-tin sắp thuyết trình trong buổi làm việc với chúng tôi là một

người rất nguyên tắc, cô phải về liên hệ trước cho đúng nguyên tắc.

Trước ngày chia tay, chúng tôi tặng Ma-ri-sa một món quà nhỏ là chiếc khăn trải bàn

trắng có thêu cảnh đồng quê Việt Nam. Cô hỏi: "Ma-ri-sa giở ra xem được không?". Thấy chúng

tôi vui vẻ gật đầu, cô mở ngay ra xem và chỉ vào những hình thêu, nói ríu rít: "Đẹp quá! Đây là

con trâu phải không? Con đò và sông nước nữa, sao đẹp thế!" Cứ thế, cô xem từng hình thêu,

vừa cười líu ríu vừa tỏ sự cảm động chân thật. Cô hẹn:

- Vào dịp mà các anh chị đến được, Ma-ri-sa sẽ mời các anh chị ăn cơm tại nhà, và Ma-ri-

sa sẽ trải chiếc khăn này trên bàn tiệc!

Cô quấn quýt, bịn rịn với chúng tôi như người em gái trước khi phải chia tay những người

ruột thịt. Cô tặng mỗi người một món quà nhỏ. Với tôi, quà của Ma-ri-sa là một chiếc mũ lưỡi

trai có thêu dòng chữ "Niu-Yoóc"! Chúng tôi đều mong gặp Ma-ri-sa tại Việt Nam vì cô đã có kế

hoạch sang làm việc tại đây vào cuối năm nay.

Tim Đô-ling

Tim Đô-ling có thân hình cao dong dỏng, mềm mại, bước đi nhẹ nhàng, thể hiện một

phong cách kín đáo và tế nhị. Là người Anh, có vợ người Việt, lại làm cho quỹ FORD của Mỹ, Tim

Đô-ling nói tiếng Việt rất sõi và có vốn hiểu biết khá rộng về văn hoá của cả ba nước. Anh là

người chủ chốt hướng dẫn đoàn chúng tôi trong chuyến khảo sát văn hoá trên đất Hoa Kỳ này.

Ngay khi gặp nhau ở sân bay Ken nơ đi lúc các bạn trong quỹ FORD ra đón chúng tôi, Tim

Đô-ling đã đóng vai trò quan trọng trong việc giúp chúng tôi nối nhịp cầu hữu nghị với các bạn

Mỹ, bởi anh biết tiếng Việt. Mọi thứ cần biết về nước Mỹ, về quỹ FORD hay về những người bạn

mới, chúng tôi đều có thể hỏi trực tiếp anh mà khỏi qua người phiên dịch. Những lúc trước đám

đông ồn ào mà chúng tôi cần trao đổi với anh, anh hay ghé sát mái tóc mềm mại mầu tro và

gương mặt thanh tú sát chúng tôi để nghe cho rõ và để nói thì thầm đủ cho chúng tôi nghe,

không ảnh hưởng đến người khác. Anh lặng lẽ làm những công việc của mình, mà qua những

ngày cùng đi trên đất Mỹ với anh, tôi hiểu đó là việc tổ chức cho chúng tôi tiếp xúc với những tổ

chức văn hoá hay những người hoạt động văn hoá ở Mỹ, dịch tài liệu cho chúng tôi... Chính nhờ

sự chu đáo, khoa học của anh, cũng như cách đặt vấn đề sát hợp của anh, mà các buổi làm việc

của chúng tôi đều được thực hiện chính xác theo lịch với chất lượng cao. Đến đâu, chúng tôi

cũng được những người có trách nhiệm chính trong tổ chức đón tiếp, thuyết trình cặn kẽ, cung

cấp đầy đủ tài liệu. Hôm mới sang Mỹ, trên ô tô, Tim Đô-ling nói rằng lịch làm việc có thay đổi

chút ít, Ban Tổ chức sẽ có văn bản sau. Vậy mà sáng hôm sau, tôi đã thấy người ta đưa đến cho

mỗi người trong đoàn một tập giấy 8 trang đánh máy vi tính tiếng Việt ghi lịch làm việc từng

ngày. Trong điều kiện xa Việt Nam, văn bản tiếng Việt được làm nhanh và được gửi đến chu đáo

như thế, chỉ có anh Tim mới làm được mà thôi. Xem văn phong của các bản dịch tài liệu sang

tiếng Việt mà Ban Tổ chức cấp, tôi hiểu ngay đó là do người nước ngoài "dịch ngược", đó là lối

hành văn rất chuẩn xác nhưng hơi cứng. Tôi đã đi nước ngoài nhiều lần, nhưng chưa lần nào

được cung cấp tài liệu đầy đủ và chu đáo như thế. Bên cạnh những tài kiệu giới thiệu về bối

cảnh nước Mỹ, văn hoá Mỹ cũng như những tổ chức mà chúng tôi sẽ đến làm việc, còn có danh

mục những số điện thoại, địa chỉ để liên lạc, các số máy khẩn cấp ở Niu-Yoóc, Oa-sinh-tơn, của

bản thân anh Tim và từng thành viên trong Ban tổ chức, của khách sạn mà chúng tôi ở. Nhờ sự

chu đáo, tận tâm của anh Tim và các bạn trong Ban Tổ chức, tôi đã thu nhận được khối lượng

thông tin kha khá phục vụ cho công tác quản lý của mình, cũng như để bổ sung cho nội dung

cuốn sách này. Những công việc mà anh Tim làm với trách nhiệm cao ấy thường ở hậu trường,

âm thầm nhưng mang tính quyết định tới thành bại của chuyến đi. Còn trước cử toạ, rất ít khi

anh phát ngôn. Tôi đã thấy nhiều lần người phiên dịch dịch chưa đủ ý, anh kín đáo nhắc khẽ để

cô dịch bổ sung. Có khi, hình như băn khoăn trước một từ, một câu dịch chưa chính xác mà

mình cũng chưa dịch được, anh Tim lặng lẽ giở Từ điển ra tra cứu, sau đó khẽ khàng đưa cho cô

phiện dịch tham khảo. Trong các buổi làm việc, anh Tim bận rộn với việc ghi chép, ghi hình,

chụp ảnh hoạt động của đoàn, có lẽ đó là trách nhiệm của anh, trách nhiệm xây dựng một bộ tư

liệu đầy đủ về chuyến khảo sát Hoa Kỳ do quỹ FORD tài trợ. Quan sát hoạt động của Tim Đô-

ling, tôi nghĩ đến một câu nói mà người Việt chúng ta hay đem ra đùa: "Phớt Ăng lê!", nếu hiểu

câu này có nghĩa là người Anh phớt lờ mọi chuyện thì không đúng, nhưng nếu hiểu đó là cách

làm việc âm thầm và tỉnh táo, thì hoàn toàn phù hợp với "phong cách Anh" của Tim Đô-ling.

Thấy người châu Âu hay châu Mỹ rất ít đi lại bằng máy bay thời gian này, mà anh Tim thì

phải đi lại như mắc cửi quanh cái trục Việt Nam - Anh - Mỹ, tôi hỏi anh có ngại không? Tim Đô-

ling cười mỉm với đôi môi mỏng cương nghị và trả lời nhẹ nhàng: "Công việc mà!"

Sau chuyến đi với chúng tôi, Tim Đô-ling sẽ bay về Anh thăm mẹ, rồi trở lại Việt Nam với

công việc của quỹ FORD và chăm nom người vợ trẻ của anh - anh chị sắp có cháu bé! Chúc đứa

con đầu lòng mang giòng máu hai dân tộc của anh chị được mạnh khoẻ và lớn lên trở thành

công dân tốt của nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam!

7. Nhìn lại nước Mỹ

Mãi 19 giờ 30 mới lên xe ra sân bay để về Việt Nam, nhưng chúng tôi phải rời phòng từ

12 giờ. Khách sạn Milfofd Plaza này làm ăn rất "chắc", khi chúng tôi đến nhận phòng đã bắt

chúng tôi nộp toàn bộ tiền thuê phòng, đồng thời còn đặt cược một số tiền, phòng khi chúng

tôi thuê giặt giũ hoặc gọi điện thoại, bây giờ, lại yêu cầu chúng tôi ra trước giờ dọn phòng. Phải

thương lượng mãi, cuối cùng người quản lý khách sạn mới đồng ý cho chúng tôi giữ lại một

phòng để chứa tạm hành lý của cả đoàn. Gớm quá, sau thảm hoạ, khách vắng ngơ vắng ngắt

chứ tấp nập nỗi gì mà cứng nhắc nguyên tắc như vậy?

Các bạn ở quỹ Ford đến đúng giờ và chúng tôi lên xe. Tạm biệt Niu-Yoóc trong cái huyên

náo vốn có.

Khoảng 8 giờ 30 tối, chúng tôi vào nhà ga sân bay quốc tế Ken nơ đi để làm thủ tục. Các

biện pháp an ninh được thực hiện rất gắt gao. Người ta kiểm tra bằng tay, bằng máy, thậm chí

móc vào túi áo, túi quần để lấy ra những đồ nhỏ nhặt. Chiếc máy vi tính xách tay của tôi cũng bị

mở ra; anh nhân viên an ninh bê nó lại chỗ máy soi cho soi một lần nữa. Đây là biện pháp cần

thiết để đảm bảo an ninh khi mà nước Mỹ đang trong tình trạng báo động. Liệu Mỹ có thể tạo

ra được một cuộc sống bình an trên nước mình hay không, khi mà chính quyền Mỹ vẫn cứ thực

hiện mãi chính sách ngoại giao "lấy thịt đè người" của mình, đồng thời dung dưỡng bọn khủng

bố ngay trên đất mình để chúng chống phá nước khác? Đưa tin về cuộc chiến chống khủng bố

hiện nay của Mỹ, báo Lốt-an-giơ-lét Times ngày 21 tháng 10 thừa nhận rằng trong lòng nước

Mỹ cũng có một tổ chức khủng bố của một số tướng tá, công chức chính quyền Sài Gòn di tản

sang Mỹ công khai hoạt động chống phá Việt Nam. Nhóm khủng bố này mang tên"Việt Nam tự

do" đặt trụ sở tại khu buôn bán "Tiểu sài Gòn" ở trung tâm quận Cam, bang Caliphoócnia. Cầm

đầu nhóm này là Nguyễn Hữu Chánh, 52 tuổi. Y thú nhận hai vụ âm mưu đặt bom Đại sứ quán

Việt Nam ở Băng cốc và Ma-ni-la mùa hè năm nay là do người của y thực hiện. Nguyễn Hữu

Chánh cũng thú nhận tay chân y từng lén lút hoạt động tại biên giới Thái Lan – Cămpuchia và

biên giới Lào - Việt, từng thâm nhập về Việt Nam để hoạt động phá hoại. Năm 1998, Chánh đã

bị quân đội Thái Lan bắt và trục xuất về Mỹ. Báo Lốt-an-giơ-lét dẫn lời bà Phan Thúy Thanh,

người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam, cho biết Việt Nam đã yêu cầu Mỹ chấm dứt việc nuôi

dưỡng, dung thứ và ủng hộ nhóm "Việt Nam tự do". Mỹ phải trừng trị những kẻ đã phạm tội

khủng bố tại Việt Nam. Về vấn đề này, Mỹ chưa trả lời chính thức, nhưng một người phát ngôn

bộ Ngoại giao Mỹ nói: "Chính phủ Mỹ quan tâm tới khả năng có người vi phạm luật pháp của

chúng tôi và chúng tôi đã cảnh cáo họ". Không hiểu cái ông Mỹ đầy sức mạnh này "cảnh cáo"

theo kiểu nào mà bọn khủng bố người Mỹ gốc Việt ấy vẫn cứ nhởn nhơ ngoài vòng pháp luật,

vẫn đi thu tiền của bà con Việt kiều để phục vụ những mục đích đen tối của chúng! Đó là còn

chưa kể những bọn khủng bố khác chưa bị vạch mặt chỉ tên, và bọn khủng bố chống Cu ba vẫn

đang sống đàng hoàng trên đất Mỹ. Vậy thì Mỹ có thực sự muốn chống khủng bố toàn cầu

không, hay là chỉ muốn chống những ai chống lại chính quyền Mỹ? Thật chí lý khi ông S-tê-phan

M. Wua, giáo sư khoa chính trị quốc tế trường đại học Ha-vớt, nói: "Sẽ là hết sức đạo đức giả

nếu chúng ta mong muốn thế giới hợp tác chống một nhóm khủng bố chúng ta mà chính chúng

ta lại không muốn hợp tác chống các nhóm khủng bố ở các nước khác".

Ngồi chờ mất 3 tiếng đồng hồ để lên máy bay, tôi quan sát và lại suy nghĩ. Nhà ga vắng,

phần lớn là người Hoa, trong đó có rất nhiều phụ nữ, trẻ con. Hành khách ngồi rải rác các ghế,

có người ngủ gà ngủ gật. Chỉ có những nhân viên hàng không là đi lại lăng xăng, làm việc có vẻ

cần mẫn thái quá. Không hiểu rồi đây, trong "chiến dịch" sa thải hàng loạt của ngành Hàng

không Mỹ, ai trong số họ, cô gái tươi tắn đang kiểm tra vé đây, hay anh nhân viên to béo như

hộ pháp kia, hoặc chị nhân viên quét dọn da đen ấy... sẽ là nạn nhân? Cuộc điều tra tổn thất do

thảm hoạ 11 tháng 9 vẫn tiếp tục với những số liệu bi quan. Riêng việc thu dọn đống đổ nát tại

Trung tâm Thương mại Thế giới ở Niu-Yoóc trước kia dự định là 6 tháng, nay ít nhất phải một

năm mới xong, với tổng số thiệt hại tới 105 tỷ USD. Đang bị rơi vào đợt suy thoái thứ 10 kể từ

sau chiến tranh thế giới thứ hai, lại bị đòn chí tử vào một trung tâm kinh tế mang tầm cỡ quốc

tế, rồi lại hung hãn tiến hành cuộc chiến tranh hao tổn ở nước ngoài, Mỹ khó mà vực được nền

kinh tế của mình dậy trong thời gian ngắn. Cuối cùng, tai hoạ tiếp tục giáng xuống đầu những

người lao động Mỹ, đó là bị sa thải, thất nghiệp. Cho nên, gồng mình lên làm việc như những

nhân viên hàng không trên sân bay quốc tế Ken nơ đi mà tôi đang trông thấy kia, có lẽ là một

biện pháp tự bảo vệ của những người lao động Mỹ để khỏi bị sa thải chăng? Đối với những

người lao động Mỹ, đòn khủng bố mà chính quyền bảo rằng do Bin Lađen doạ tiến hành còn

chung chung, xa vời, chứ đòn khủng bố tinh thần do lo sợ bị giới chủ Hoa Kỳ sa thải mới thật là

sát sườn, cụ thể, và người ta phải tìm mọi cách chống lại nó.

Đi trong nước Mỹ, trước cảnh sống hào nhoáng và giầu có của những thành phố nhà cửa

cao ngất nghểu, hàng hoá ngồn ngộn, tôi cứ có một cảm giác là người dân ở đây luôn luôn phải

gồng mình lên mà tồn tại. Gồng mình lên để cạnh tranh, buôn bán. Gồng mình lên để hoàn

thành công việc, để khỏi bị sa thải. Gồng mình lên để tìm việc. Ngay như Ma -ri-sa Lốp pơ, cô gái

được đào tạo cơ bản và làm việt hết sức tận tâm mà tôi đã phác hoạ chân dung, cũng đã có việc

làm ổn định đâu! Cuộc sống ở Mỹ là cuộc sống của sự cạnh tranh quyết liệt. Sự cạnh tranh ấy

đã tạo nên một lối sống năng động nhưng cũng lạnh lùng và căng thẳng đến nghiệt ngã!

Cho tới tận bây giờ, nhìn lại nước Mỹ để viết những dòng chữ này, cảm giác về một cuộc

sống công nghiệp với tốc độ vũ trụ vẫn còn quay cuồng trong đầu óc tôi. Phải công nhận rằng,

với sự lao động cật lực và trí tuệ của mình, người Mỹ đã đóng góp rất nhiều cho sự phát triển

của xã hội loài người. Những phát minh, những ứng dụng về công nghệ, về kỹ thuật là cống hiến

đáng kể của người Mỹ mà nhân loại cần ghi nhận. Riêng trên lĩnh vực văn hoá, người Mỹ cũng

đã tạo nên những giá trị không thể chối cãi, đã xây dựng nên những phương thức đầy năng

động và hiệu quả mà chúng ta cần coi trọng và học tập.

Xét về quản lý văn hoá, người Mỹ đã tạo ra cách thức riêng của mình phù hợp với một

đất nước có đặc tính là hợp chủng quốc với nhiều cộng đồng chủng tộc khác nhau, trẻ trung và

năng động. Đó là cơ chế mở cửa và chấp nhận, mở cửa cho rất nhiều luồng văn hoá từ ngoài du

nhập vào, chấp nhận sự hội nhập gần như nguyên xi những biểu hiện của văn hoá ấy, mở cửa

cho mọi hoạt động trong nước có cơ hội phát triển và mở cửa cho văn hoá mình tung cánh bay

đến khắp các phương trời. Đi trên khắp đất Mỹ, người ta đều được thấy, hoặc được nghe giới

thiệu về những giá trị văn hoá của rất nhiều dân tộc khác nhau tồn tại và sánh vai trong đời

sống tinh thần nước Mỹ. Đó có thể là những công trình kiến trúc, hay các tác phẩm mỹ thuật,

thậm chí ngôn ngữ, phong cách sống của người Pháp, người Tây Ban Nha, người Italia, Anh, Hà

Lan, Thuỵ Điển, Bồ Đào Nha, Châu Phi... Bản thân toà tháp đôi tại Trung tâm Thương mại Thế

giới, biểu trưng cho sức mạnh kinh tế của Mỹ, là do kiến trúc sư người Nhật thiết kế. Ngay như

biểu trưng văn hoá lớn nhất của nước Mỹ là Nữ thần Tự do, cũng đâu phải do người Mỹ sáng

tạo nên; nó chính là quà tặng của nhân dân Pháp, và người Mỹ đã bê nguyên xi biểu trưng đó

đặt vào ngôi cao nhất của văn hoá nước mình, biến thành niềm tự hào của quốc gia mình. Khó

có một dân tộc nào trên thế giới lại có thể chấp nhận văn hoá của nước khác một cách mạnh

bạo như vậy. Tôi tin rằng, sự chấp nhận ấy sẽ còn được mở ra vô cùng vô tận, miễn là nó phục

vụ lợi ích của nước Mỹ. Trong cách tiếp nhận văn hoá, khác với chúng ta là hay nhào trộn, biến

đổi để chuyển hoá thành văn hoá mang đặc tính dân tộc mình, người Mỹ tiếp nhận bằng cách

kết hợp các nền văn hoá du nhập với nền văn hoá hiện tại và cứ thế xây dựng tiếp những giá trị

văn hoá mới. Giải thích về quy luật này, chúng ta có thể thấy nguyên nhân là ở chỗ nước Mỹ

được hình thành do làn sóng nhập cư, với rất nhiều chủng tộc khác nhau, cùng tụ hội trên một

mảnh đất không có một truyền thống văn hoá lâu đời, trong khi đó nền văn hoá của người da

đỏ, nền văn hoá mang tính truyền thống bản địa, đã bị lụi tàn. Nguyên nhân thứ hai không kém

phần quan trọng, là chế độ phân quyền trong quản lý hành chí của Mỹ, khiến cho các địa

phương có tính độc lập tương đối với liên bang, tạo điều kiện cho văn hoá phát triển thưo

nhiều phương thức khác nhau. Hiến pháp Mỹ không có điều khoản về văn hoá mà để cho từng

bang, từng vùng ghi những điều đó trong luật lệ của mình. Hiến pháp cũng không giao trách

nhiệm cho Tổng thống hay Quốc hội về nhiệm vụ quản lý văn hoá, do đó hầu như chính quyền

Liên bang không can thiệp vào chính sách văn hoá. Nước Mỹ có xu hướng thiết lập các chính

sách tài chính cho văn hoá chứ không tập trung vào chính sách văn hoá. Luật thuế áp đụng từ

đầu thế kỉ 20 cho phép các cá nhân có thể hỗ trợ cho nghệ thuật, và bản thân họ cũng được lợi

từ những khoản giảm trừ thuế thu nhập của họ. Đến những năm 1960, với sự thành lập của tổ

chức Quốc gia trợ vốn cho nghệ thuật (National Endowment for the Arts, NEA), thì một cơ chế

liên bang quy định sự hỗ trợ dài hạn cho nghệ thuật được thiết lập. Cho đến năm 1979, Tổ chức

Quốc gia Trợ vốn cho Nghệ thuật vẫn được hưởng tài trợ của liên bang với con số tăng khá đều

đặn thường xuyên. Tuy vậy, ở tầm liên bang, không phải không có sự đấu tranh xung quanh việc

đầu tư cho văn hoá. Tháng 7 năm 1997, Hạ viện đã bỏ phiếu bãi bỏ Tổ chức Quốc gia Trợ vốn

cho Nghệ thuật, nhưng Thượng viện, bỏ phiếu tháng 11 năm 1997 về vấn đề có nên xoá bỏ tài

trợ của liên bang hay nên chuyển ngân sách cho từng bang tự phân bổ, đã đổi ngược được

quyết định của Hạ viện. Sự giằng co khi đó đã khiến cả hai viện vẫn chưa thông qua ngân sách

năm 1998 cho Tổ chức Quốc gia Trợ vốn cho Nghệ thuật (NEA). Lúc này, Tổng thống Mỹ đã tỏ

thái độ, ông ta nêu ra ý định phủ quyết toàn bộ kế hoạch ngân sách nếu ngân sách cho NEA

không được đảm bảo. Và tất yếu, ý kiến của Tổng thống phải được tôn trọng. Bởi vì, bất cứ

quốc gia nào cũng cần có sự ổn định chính trị - xã hội, mà văn hoá bao giờ cũng đóng vai trò tích

cực trong việc tạo nên sự ổn định đó, cho nên dù muốn dù không, bằng cách này hay cách khác,

Chính phủ cũng phải đầu tư cho văn hoá. Dù sao, thì tài trợ của nhà nước cho nghệ thuật chỉ

tăng chủ yếu ở cấp độ địa phương, thông qua chính quyền địa phương hoặc các cơ quan nghệ

thuật. Các cá nhân là nguồn đóng góp chính cho nghệ thuật, chứ không phải các công ty như

người ta vẫn lầm tưởng. Hiện nay, quà tặng từ các cá nhân chiếm 77% tổng số đóng góp dành

cho nghệ thuật. Các quỹ cũng luôn là một nhân tố quan trọng trong hỗ trợ cho văn hoá. Sự

nghiệp văn hoá nghệ thuật ở Mỹ nhờ vậy mà được phát triển mạnh mẽ, tất nhiên vẫn theo xu

thế cạnh tranh, để rồi có những nhà hát, những tổ chức văn hoá không đủ sức bươn chải sẽ

buộc phải tan rã. Sự phát triển văn hoá còn được chắp cánh bởi người Mỹ cực giỏi trong việc

tuyên truyền, phổ biến, nhân rộng điển hình. Họ không tạo ra những khuôn mẫu mang tính

hành chính về tổ chức cho lĩnh vực nghệ thuật, thế nhưng những tổ chức hoạt động có hiệu quả

bao giờ cũng nhanh chóng toả ảnh hưởng ra toàn quốc, thậm chí toàn thế giới, để rồi sẽ xuất

hiện hàng loạt các tổ chức khác hoạt động theo mô hình, kinh nghiệm của những tổ chức thành

đạt ấy. Ví dụ như hoạt động hiệu quả qua suốt 25 năm của Viện Giáo dục nghệ thuật Trung tâm

Lin-côn đã giúp Viện mở rộng hợp tác với 250 trường trong 61 cụm trường học thuộc 3 bang

của nước Mỹ, đồng thời trở thành mô hình cho 21 tổ chức tương tự, trong đó có 19 tổ chức ở

Mỹ, 2 tổ chức ở nước ngoài.

Những điều kiện lịch sử, văn hoá, cơ chế quản lý nói trên đã khiến cho nước Mỹ có một

nền văn hoá đa dạng, phong phú đến mức kinh ngạc, đặc biệt ở cấp độ địa phương và vùng.

Cũng chính nhờ vậy, nhân dân Mỹ, kể cả người lao động, đã được hưởng thụ văn hoá với mức

độ khá cao, tất nhiên là vẫn theo quy luật phân biệt giầu nghèo.

Tôi nói tiếp về sự mở cửa của văn hoá Mỹ, đó là mở cửa cho các sản phẩm văn hoá toả

rộng khắp các châu lục. Phát thanh, truyền hình, phim ảnh, công nghệ thông tin - mạng In-tơ-

nét mà người Mỹ luôn luôn làm chủ đã giúp họ truyền bá văn hoá của mình đến tận từng ngôi

nhà của hầu khắp những miền đất xa xôi trên toàn cầu. Sự xuất khẩu ồ ạt đó không những giúp

người Mỹ truyền bá tư tưởng của mình cho nhân loại, mà còn giúp nước Mỹ thu về những món

lợi khổng lồ. Văn hoá là một mặt hàng chính trong cơ cấu hàng xuất khẩu của Mỹ. Có thời kỳ

như vào năm 1995, các sản phẩm của hãng phim Mỹ Hollywood là nguồn thu chính từ xuất

khẩu của Mỹ. Điều này giải thích tại sao Mỹ hăng hái đi tiên phong trong việc thực thi quyền tác

giả và có lúc còn đẩy vấn đề quyền tác giả lên thành chuyện nhân quyền! Cũng vì quyền lợi của

người Mỹ mà thôi, chứ thực chất không phải vì những tác giả của một đất nước nào đó ngoài

Mỹ! Riêng về kiểu xuất khẩu văn hoá chính trị, được thực hiện bằng biện pháp tuyên truyền và

chiến tranh tâm lý, thì Mỹ là loại siêu hạng như thế nào, tôi đã nói kỹ ở trên. Tôi chỉ muốn nói

một cách khái quát rằng, đó là thứ văn hoá áp đặt và nô dịch, gây tác hại lớn cho các dân tộc

trên thế giới. Thứ tự do, dân chủ, nhân quyền vô nguyên tắc mà chính quyền Mỹ không ngớt

truyền bá vào nước ta cũng như nhiều nước khác trên thế giới thực chất là sự kêu gọi người

trong nước vi phạm pháp luật, chống phá nhà nước, hậu thuẫn cho sự chống phá của chính

quyền Mỹ đối với những thể chế mà Mỹ không ưa. Trong khi đó, Mỹ lại hạn chế đến bóp nghẹt

tự do, dân chủ và nhân quyền của nhân dân lao động Mỹ hoặc những người dám đấu tranh

chống lại chính quyền Mỹ. Chúng ta đã thấy Mỹ cư xử nghiệt ngã, thậm chí tàn bạo như thế nào

với những kẻ mà Mỹ gọi là khủng bố, thậm chí chỉ mới nghi là khủng bố. Báo Mỹ đưa tin rằng

FBI, các nhà điều tra Mỹ đang xem xét việc sử dụng những kỹ thuật thẩm vấn nghiệt ngã hơn,

kể cả tra tấn các nghi can khủng bố. Chỉ sau hơn một tháng kể từ ngày xảy ra thảm hoạ, chính

quyền Mỹ đã cho thẩm vấn 800 người, mà đa phần là vô tội, và cho bắt hơn 150 người, cũng

chưa chắc tất cả trong số họ đã là tội phạm. Cách "chống khủng bố" của Mỹ quả là không nhất

quán! Có lẽ, không nhất quán là một đặc trưng của nền văn hoá chính trị ở Mỹ chăng? Lối ứng

xử lá mặt lá trái ấy thể hiện ở mọi nơi, mọi lúc. Lúc này, Mỹ tẩy chay Hội nghị Liên hợp quốc

thảo luận việc thực thi Hiệp ước cấm thử vũ khí hạt nhân toàn diện của Liên hợp quốc. Lúc

khác, Mỹ lại phá hoắng, làm cho Hội nghị quốc tế bàn về vấn đề vũ khí sinh học toàn cầu không

đi đến được thống nhất và không ra được nghị quyết sau suốt 2 tuần hội họp. Mỹ luôn luôn

hậm hẹ trước việc nước này nước khác có vũ khí hạt nhân hay nghi có vũ khí sinh học. Trong khi

đó, chính quyền Mỹ lờ tịt đi một thực tế là chính họ đứng đầu thế giới về đầu tư cho chiến

tranh, Mỹ là nước có nhiều vũ khí hạt nhân, vũ khí giết người hàng loạt nhất thế giới. Ngày 13

tháng 11 năm 2001, Busơ đã ký lệnh cho phép chính phủ đưa những kẻ bị buộc tội khủng bố ra

xét xử tại một toà án đặc biệt thay vì xử tại toà án dân sự thông thường. Theo các nhà cầm

quyền Mỹ, điều đó đảm bảo cho họ giữ bí mật thông tin. Đây là lần đầu tiên kể từ thế chiến thứ

hai Mỹ cho phép tổ chức toà án quân sự đặc biệt. Trong lịch sử nước Mỹ trước đây chỉ có hai

lần tội phạm bị xét xử trước toà án quân sự là thời kỳ nội chiến xử những kẻ âm mưu ám sát

tổng thống Linh-côn, và các tội phạm phá hoại nước Mỹ trong thế chiến thứ 2 bị xử dưới thời

tổng thống Ru-dơ-ven. Vậy mà đối với bọn gây bạo loạn tại Tây Nguyên đã quấy rối an ninh

quốc gia, nhà nước Việt Nam đưa ra xét xử công khai trước toà án dân sự, Mỹ lại lu loa là Việt

Nam vi phạm nhân quyền. Mỹ còn nhăm nhe ban hành đạo luật về nhân quyền ở Việt Nam

hòng tạo cơ chế pháp lý cho sự can thiệp của Mỹ vào một nước có chủ quyền, nhưng trước sự

phản đối kịch liệt của nhân dân ta có sự ủng hộ mạnh mẽ của nhân dân thế giới, âm mưu thâm

độc đó đã bị chặn lại. Nếu đánh giá về văn hoá ở một con người hay quốc gia trên cơ sở ứng xử

của con người hay quốc gia ấy, thì với thái độ ngạo mạn, hiếu chiến, coi bạo lực là phương sách

hàng đầu, chính quyền Mỹ là kẻ vô văn hoá nhất thế giới!

Nhìn tổng quát văn hoá Mỹ, tôi thấy nước Mỹ có đặc trưng là đa văn hoá, nhưng tựu

trung lại có hai dòng chủ lưu - dòng văn hoá nô dịch của chính thể Mỹ và dòng văn hoá dân chủ

của những người Mỹ chân chính. Dòng văn hoá dân chủ không thuộc loại hình văn hoá dân gian

như của các dân tộc trong thời phong kiến mà thuộc loại hình văn hoá bác học, cũng đóng vai

trò chính thống trong xã hội. Hai dòng văn hoá ấy cùng tuôn chảy, với hai mục đích khác nhau,

nhưng không phải không có lúc ảnh hưởng lẫn nhau. Cũng có lúc, dòng văn hoá nô dịch phải vay

mượn những yếu tố tiến bộ của dòng văn hoá dân chủ nhằm mỵ dân, tạo nên hình ảnh đẹp đẽ

cho chính quyền. Cũng có lúc dòng văn hoá dân chủ bị nhiễm những nét tiêu cực của dòng văn

hoá nô dịch. Một khi dòng văn hoá dân chủ chiếm được vị thế chủ đạo, chắc chắn nước Mỹ sẽ

có những thay đổi lớn và hình ảnh nước Mỹ sẽ trở nên đáng yêu trước con mắt nhân loại.

CHƯƠNG III

HOÀ BÌNH KHÔNG CỦA RIÊNG AI

Trong khi ở Mỹ đang là ban đêm thì ở Việt Nam lại đang là ban ngày. Thế là trên đường

về nước, chúng tôi di chuyển từ bán cầu tối sang bán cầu sáng. Nhìn qua cửa máy bay, thấy trời

chuyển dần từ đen kịt qua xam xám và sáng dần. Mênh mông mây là mây. Ngay trước tầm mắt,

mây cuồn cuộn lô nhô phơi mầu trắng đục. Xa xa, cả một giải ánh sáng vàng xuyên mây, vẽ nên

bức tranh kỳ ảo. Không biết ngày xưa, khi lên tiên, cụ Từ Thức có gặp cảnh đẹp dường này

không và Cụ ngao du cùng các tiên nữ ở những chốn nào để đến nỗi quên cả thời gian, giật

mình trở lại cõi trần thì những người thân quen đã về nơi thiên cổ từ hàng đời rồi?

Chuyến bay dài dặc, hết nhìn trời, tôi lại nhìn người. Mặc dù gọi là vắng khách, song máy

bay vẫn gần đầy chỗ. Ngoại trừ đoàn Việt Nam 10 người ra, cùng dăm ba cô cậu người Mỹ, Ca -

na-đa, còn lại toàn là người Hoa - phần lớn là đàn bà trẻ con, có cả những đứa bé tí tì ti đang

ẵm ngửa. Những phụ nữ người Hoa đi lại nhộn nhạo, nói cười lao xao, quát tháo, dỗ dành lũ

nhóc... Các cô tiếp viên hàng không đẩy xe bán hàng miễn thuế đến mời chào khách ở từng

hàng ghế, chủ yếu là thuốc lá và rượu. Thật như chuyến tầu chợ, ồn ào và huyên náo. Có lẽ việc

di chuyển bằng máy bay là chuyện cơm bữa với người Hoa Đài Bắc, bởi họ có mối quan hệ

khăng khít với thành phố Niu-Yoóc. Như phần trên đã giới thiệu, ở Niu-Yoóc có cả một khu phố

người Hoa, cho nên người Hoa Đài Bắc thường xuyên qua lại Niu-Yoóc để buôn bán, thăm thân.

Đó là một hoạt động không thể thiếu trong cuộc sống thường ngày, cho nên dù có bị nỗi lo sợ

không tặc ám ảnh hay không, người ta vẫn phải lên máy bay. Không phải như mấy chú "Tây ba

lô" hoặc mấy ông bà tư bản kếch xù ham vui đi du lịch, thấy đường hàng không không an toàn,

bèn rụt vòi nằm nhà....

Máy bay tăng độ cao, chui vào một tầng mây, lắc rất mạnh. Mấy đứa trẻ khóc ré lên. Mù

mịt. Chưa đầy một phút sau, máy bay đã chui qua mây, không rõ là tầng mây thứ mấy rồi. Chỉ

biết là ngoài kia, sắc trời rực rỡ làm sao. Rồi lại chui vào mây mù mịt. Rồi bay trên mây. Dưới là

mây trắng - cả một lớp mênh mông. Chếch lên một chút là mặt trời ửng hồng với những tia rẻ

quạt muôn hồng ngàn tía. Và trên nữa là bầu trời xanh thăm thẳm. Các cụ hay nói có chín tầng

mây. Thực hư thế nào, đi trên máy bay chưa thể rõ được, bởi vì vũ trụ bao la làm sao.

Máy bay bắt đầu giảm độ cao. Từ lúc này, tôi thử đếm xem máy bay sẽ xuyên qua mấy

tầng mây? Nhìn lên, thấy một tầng mây xám. Nhìn xuống, thấy một tầng mây sáng vàng. Máy

bay chui vào tầng mây này. Chòng chành đôi chút, rồi máy bay lại bay êm. Chui vào một tầng

mây mỏng hơn, máy bay lắc nhẹ. Tôi lại nhìn thấy một tầng mây xốp trắng pha xám trong ánh

nắng rực rõ. Thế là xuyên qua ba tầng mây rồi. Tầng mây này mỏng mảnh, đục mờ như sương

như khói. Máy bay chỉ lắc nhẹ. Vậy mà lũ trẻ con đang ngủ cũng giật mình thức giấc, oà khóc.

Gần đến Đài Bắc, nắng rực rỡ. Máy bay hạ thấp độ cao, sà sát lớp mây bồng bềnh và chui

tụt vào khối hơi nước khổng lồ đó. Trong khi mắt theo hút cảnh bồng lai thì tai lại ù lên vì áp lực

không khí tăng. Đã nhìn thấy mặt đất, rừng cây, đồng ruộng, ao hồ, thấy những gì thật gần gũi

và thân thiết của con người.

Thế đấy, vũ trụ thì bao la, không gian thì phóng khoáng và đẹp tuyệt vời, con người thì

đầy lòng ham sống và yêu thiên nhiên, vậy mà vì đâu, vũ trụ trở thành mặt trận cho "cuộc chiến

tranh giữa các vì sao", không gian trở thành nơi các quả mìn phát nổ xé tan xác các máy bay chở

đầy người để rồi con người trở thành nạn nhân của những vụ khủng bố? Mà khủng khiếp hơn,

những chiếc máy bay dân sự như thế này, nếu có biểu hiện đáng ngờ, thì theo lệnh của Tổng

thống Mỹ Busơ, sẽ bị lực lượng phòng không Mỹ bắn hạ không thương tiếc! Giả sử như chiếc

máy bay mà tôi đang dùng để ngao du giữa mây trời đây bỗng nhiên nổ oàng ra bởi một trái

mìn khủng bố, hoặc một trái tên lửa phòng không Mỹ, tan xác giữa thinh không đẹp ghê hồn và

quạnh vắng đến lạnh người, thì những cháu bé đang bú mẹ kia, những bà già đang dựa vào

lưng ghế lim dim mắt kia, những phụ nữ đang ríu ran trò chuyện kia sẽ gửi xác nơi đâu và sẽ để

lại những hậu quả đau đớn như thế nào cho người thân của họ nơi trần thế! Những người dân

hiền lành có tội gì mà cứ phải chịu thảm hoạ hoặc bị đe doạ chịu thảm hoạ? Mọi chuyện đều do

con người mà thôi, con người với những tham vọng vô bờ về quyền lực và lòng tham vô đáy về

lợi ích...

Tiếp tục cuộc hành trình xuyên lục địa, từ sân bay Đài Bắc, chúng tôi lên chuyến bay

CI.0925 của hãng Hàng không Việt Nam, hướng về Hà Nội. Đến nửa số ghế không có người ngồi.

Vắng khách thế này thì lỗ chết mất Hàng không nước ta ơi!

Máy bay vẫn bay trong không gian bao la và tuyệt mỹ, nhưng chúng tôi có thêm niềm vui,

bởi gặp hai sự tình cờ thú vị:

Thứ nhất, đọc báo Nhân dân, chúng tôi hay tin Điện ảnh Việt Nam lại đăng quang trên

trường quốc tế. Bộ phim tài liệu Chốn quê của Hãng phim Tài liệu khoa học trung ương (đạo diễn

Sĩ Chung) giành giải nhất trong Liên hoan phim Châu Á - Thái Bình Dương. Thế là lần thứ tư liên

tiếp điện ảnh tài liệu Việt Nam giành giải cao nhất tại một liên hoan phim quốc tế có uy tín. Bạn

bè năm châu bốn bể đánh giá cao phim Việt Nam ở giá trị nhân đạo của nó. Cũng là tất yếu thôi,

sống nhân ái, yêu chuộng hoà bình và đấu tranh không mệt mỏi cho hoà bình, chính là truyền

thống của nhân dân Việt Nam chúng ta và những giá trị ấy đã thấm sâu vào các hoạt động cũng

như các tác phẩm văn học nghệ thuật của chúng ta.

Thứ hai, gặp tốp diễn viên của Liên đoàn Xiếc Việt Nam vừa biểu diễn ở Đài Loan, hôm

nay về nước để chuẩn bị tham gia liên hoan xiếc quốc tế tại Cộng hoà Pháp. Các em gồm 15

người, có 4 nữ, còn rất trẻ. Trong nhóm có Nguyễn Ngọc Trúc, một nam nghệ sĩ trẻ có tài và

giàu tâm huyết. Qua chuyện trò với Trúc, tôi được biết, Xiếc Việt Nam với 29 người đã đến diễn

ở Đài Loan từ trước tết ta, anh em thay nhau sang và về. Tốp của Trúc đã lưu diễn ở Đài Loan 4

tháng 20 ngày rồi. Địa điểm diễn là một khu du lịch cách Đài Bắc gần 300 Km. Bây giờ, các hình

thức biểu diễn khá phong phú, không chỉ có việc diễn ở rạp, bán vé, mà có thể đi kèm với các

tua du lịch. Anh bạn Đài Loan này đã đưa đoàn xiếc của ta vào diễn phục vụ khách du lịch nội

địa theo tua.

Trong tiếng ồn ào của động cơ máy bay, Trúc tâm sự:

- Bạn mời ta sang diễn, cũng không hẳn vì nghệ thuật xiếc của ta cao siêu, mà vì nó có

tính vừa mới lạ vừa gần gũi, dễ chiếm cảm tình người xem. Bạn thích mình diễn lâu ngày, ký

những hợp đồng kéo dài 6 tháng, thậm chí 1 năm. Thế là bọn em cứ phải lênh đênh xứ người

dài ngày. Thời gian qua, ngày nào bọn em cũng diễn hai buổi. Bạn trả mỗi diễn viên 15 USD một

xuất diễn, 25 USD 2 xuất diễn, 35 USD 3 xuất diễn, nếu không diễn cũng được bạn chi cho 10

USD một ngày. Bạn còn lo cho ăn, ở.

Trúc cho biết, sinh hoạt của những người xa quê buồn và đơn điệu lắm, cứ quanh quẩn

ăn, ngủ, diễn. Ai cũng nhớ nhà, nhất là với những người đã có gia đình riêng. Tuy vậy, đi diễn ở

nước ngoài có hai cái lợi, đó là góp phần vào giao lưu, hữu nghị, hiểu biết và đoàn kết giữa các

nước, và có thêm thị trường, thêm khán giả và thêm thu nhập. Lấp vào nỗi trống vắng người

thân, các diễn viên nhà ta dùng thời gian rỗi vào việc tập luyện giữ gìn và nâng cao kỹ năng nghề

nghiệp. Mấy cô cậu trẻ còn gửi thư điện tử, thậm chí còn được "tán gẫu" trên mạng qua dịch vụ

''chát" nữa. Mà giá dịch vụ In-tơ-nét ở Đài loan thì lại rẻ chứ không đắt như bên ta, cũng giúp

các nghệ sĩ xa quê bớt đi cảm giác cô quạnh nơi quê người.

Nghĩ cũng vui, năm nay nghệ thuật của chúng ta được mùa trên đất khách. Gần trăm lượt

đoàn nghệ thuật của chúng ta, từ rối nước, xiếc, ca múa nhạc, đến tuồng, chèo, cải lưong, và cả

giao hưởng, đã toả ra hàng chục quốc gia, đem tiếng nói nghệ thuật đến làm vui những tâm

hồn của nhiều dân tộc, làm cho bạn hiểu mình, quý mình, nối liền nhịp cầu hữu nghị giữa Việt

Nam với bè bạn khắp năm châu.

Giá như con người với con người luôn luôn quan hệ với nhau qua nhịp cầu văn hoá nghệ

thuật chứ không qua nhịp cầu chiến tranh, thì trái đất của chúng ta bình yên biết bao nhiêu!

Thế nhưng, lại có những kẻ không muốn đem nghệ thuật, mà chỉ muốn đem bom đạn

đến với các dân tộc khác. Kẻ tiêu biểu trong số đó, thật đáng tiếc, lại là nhà cầm quyền của một

đất nước mà chúng tôi vừa đến thăm và có rất nhiều cảm tình - nước Mỹ. Có lẽ trong lịch sử

nhân loại, không có một nước nào non trẻ mà lại hiếu chiến như nước Mỹ, với "thành tích" chỉ

trong vòng 212 năm kể từ cuộc tổng tuyển cử năm 1789 đưa Gióc-giơ Oa-sinh-tơn lên làm vị

tổng thống đầu tiên cho đến nay, đã 27 lần đem quân đi đánh nhau ở nước ngoài, với không ít

cuộc là chiến tranh xâm lược bị cả loài người lên án. Trong khi đó, suốt trăm năm ròng, chiến

tranh vắng bóng trên đất Mỹ, và hình như người Mỹ tưởng rằng hoà bình là của riêng họ. Cho

tới cái hôm 11 tháng 9 kinh hoàng kia, chính quyền Mỹ mới học được một bài học đơn giản mà

sâu sắc là nếu cứ đem chiến tranh đổ lên đầu nhân loại, thì rồi cũng có ngày chiến tranh đổ ập

xuống đất nước mình. Thế là nước Mỹ hoảng loạn! Chỉ trong vòng hơn 2 tháng mà nước Mỹ trải

qua 3 cuộc báo động và Tổng thống Busơ luôn luôn gào thét rằng nước Mỹ đang bị đe doạ,

nước Mỹ đang trong tình trạng chiến tranh. Lúc này đây, người dân Mỹ mới thấy rằng nước Mỹ

không phải là bất khả xâm phạm, và họ khao khát một cuộc sống bình yên, mà trước kia, họ

tưởng như đó là món quà tất yếu của thượng đế dành riêng cho họ. Không! chiến tranh không

phải là sự trừng phạt dành riêng cho dân tộc nào, và hoà bình cũng không phải của riêng ai.

Muốn có cuộc sống yên ổn, thì phải sống hoà hợp, tương thân tương ái.

Có lẽ khi mà hoà bình đã tuột khỏi tầm tay người Mỹ, chiến tranh đang nhe nanh vuốt

ngay trên đất Mỹ, thì niềm khao khát hoà bình ở người Mỹ mới có dịp bừng tỉnh và lan toả vào

mọi ngõ ngách đời thường. Nói như Ma-ri-sa, tới khi phải trải qua thảm hoạ, người Mỹ mới cảm

thấy quý những gì mà họ đang có. Và nói như giáo sư Mác-tin Su-lơ-man, thì cần phải biết tha

thứ. Nói về sự sám hối của nước Mỹ, nhà văn Mỹ Ru-sen Banh nhận xét: "Lòng trắc ẩn từ lâu bị

lỗi thời ở xứ này thì hôm nay nó lại được khơi dậy bởi hàng trăm trong số hàng nghìn người mất

gia đình, bạn bè, người yêu, đồng nghiệp...". Có lẽ, đó là hướng ứng xử phổ biến mà những

người Mỹ chân chính nhận thức được sau thảm hoạ 11 tháng 9, cho nên giờ đây, nó được biểu

hiện thành nhiều hành động cụ thể. Đông đảo người Mỹ đã tham gia những cuộc biểu tình

chống cuộc chiến tranh do chính quyền Mỹ tiến hành ở Áp-ga-ni-xtan, trong đó cuộc biểu tình

tại thành phố Niu-Yoóc diễn ra vào cuối tháng 10 có tới 5.000 người tham gia.

Những nhà khoa học, nhà văn, nhà thơ, và ngay cả nghị viên Mỹ, thậm chí nguyên Tổng

thống Mỹ, đã lên án chính phủ Mỹ cùng với thói kiêu ngạo, hiếu chiến Mỹ. Yana Jin, nhà thơ nữ

người Mỹ, viết: "Khi nói đến mối nguy hiểm của một thảm hoạ mới có sức huỷ diệt hơn nữa, ta

không còn đầu óc nghĩ đến nguồn gốc của thảm hoạ mà chủ yếu nghĩ đến thời gian trả thù...

Mặc cảm "siêu nhân" mà nước Mỹ luôn vênh vang như bị ma ám, sớm hay muộn cũng đặt nước

Mỹ dưới lưõi gươm Democles... Tổng thống Busơ , người mà theo ý kiến hết sức phổ biến lúc

này, "bỗng có được tính bất khả xâm phạm trước những lời giễu cợt", đã diễn đạt tình thế

lưỡng nan ấy một cách thô thiển và rõ ràng, "hoặc là đi với nước Mỹ, hoặc là không"... Theo quy

luật nghiệt ngã chung thì thường là kẻ giàu và mạnh chiến thắng kẻ nghèo và yếu. Thật đáng

buồn là giờ đây, chúng ta bước vào thời đại tầm thường nhất trong các thời đại, khi sự thống

nhất được hiểu là lòng căm thù hợp nhất lại bởi nó mạnh hơn nhiều đối cực của nó là lòng

khoan dung và tình yêu thương".

Đáp lại lời tuyên bố của Tổng thống Busơ cho rằng cuộc tấn công vào Trung tâm Thương

mại Thế giới và Lầu Năm góc là dấu hiệu hèn nhát của bọn khủng bố, bà Su-zân Zôn-ta, nữ dân

biểu Mỹ, tuyên bố: "Ném bom xuống những vị trí cách xa nước Mỹ hàng nghìn dặm còn hèn

nhát hơn nhiều."

Các quán ăn ở Niu-Yoóc có thói quen để vào trong chiếc bánh tráng miệng một mẩu giấy

con có ghi những câu ngạn ngữ, nói về cách thức ứng xử ở đời, kèm theo những con số để mọi

người có thể gặp may mắn nếu số mà họ có trùng với những vé số trúng thưởng. Sau thảm hoạ

11 tháng 9, khi mở những chiếc bánh may mắn ấy ra, người ta gặp nhiều nhất là câu: "Sự tha

thứ là điều đẹp đẽ nhất!" Các bạn Mỹ thân thiết ơi, những điều mà các bạn chiêm nghiệm hôm

nay, thì cha ông chúng tôi đã thực hiện từ cả nghìn năm qua rồi. Chính sự tha thứ mà các bạn

cho là điều đẹp đẽ nhất ấy, cha ông chúng tôi đã hơn một lần dành cho những kẻ xâm lược đất

nước chúng tôi sau khi chúng bị thất bại ê chề. Đánh tan quân phương Bắc rồi, cha ông chúng

tôi còn cấp lương ăn áo mặc cho binh lính của họ trở về quê hương bản quán. Vừa thoát khỏi

cuộc chiến tranh xâm lược của Mỹ và đồng minh, Việt Nam đã gác lại hận thù, mở rộng vòng tay

đón mọi dân tộc làm bè bạn. Ngay cả khi những người con trai yêu dấu của biết bao gia đ ình

Việt Nam hy sinh trong chiến tranh ngay trên đất nước mình mà bây giờ còn biệt vô âm tín,

người Việt Nam vẫn lặn lội lên rừng xuống bể giúp các gia đình Mỹ tìm xương cốt con cái họ,

những kẻ đã trót dại nghe lời chính quyền Mỹ cưỡi máy bay sang dội bom đạn xuống một đất

nước chẳng có hận thù gì với họ, để rồi bị phơi thây trên đất lạ. Với Hoa Kỳ, kẻ xâm lược ghê

tởm nhất đã làm ô nhục lịch sử loài người bởi vụ thảm sát Mỹ Lai cùng với hàng loạt hành động

giết hại dân thường không ghê tay, với Hàn Quốc, quốc gia có đội quân đánh thuê tàn bạo phi

nhân tính mang tên Rồng Xanh, Bạch Mã, những danh từ trở nên dồng nghĩa với bắn giết, cướp

bóc và hãm hiếp... Việt Nam đã xếp lại quá khứ, lập quan hệ ngoại giao, mở rộng làm ăn, hợp

tác để cùng phát triển.

Ngay trong thời kỳ nóng bỏng này, Việt Nam vẫn liên tiếp có các hoạt động nhằm thực

hiện khẩu hiệu "Việt Nam muốn làm bạn với các nước trên thế giới". Các đồng chí lãnh đạo

Đảng, Nhà nước ta, từ Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh, đến Chủ tịch nước Trần Đức Lương, Thủ

tướng Chính phủ Phan Văn Khải đều cất công bay tới các phương trời đưa bàn tay thân thiết ra

nối liền nhịp cầu hữu nghị, hợp tác và phát triển. Cũng vì chính sách đối ngoại mang truyền

thống nhân bản và xây dựng ấy, Việt Nam luôn luôn được hoan nghênh trên trường quốc tế.

Không những chúng ta tham gia các hoạt dộng văn hoá, thể thao ở nước ngoài, như Sea Games

21 tại Ma-lai-xi-a, Liên hoan Xiếc ở Pháp, Liên hoan Thanh niên, sinh viến thế giới tại An-giê-ri,

Tuần Văn hoá Việt Nam tại Ác-hen-ti-na, Chi-lê, Đại hội Văn hoá thể thao Pháp ngữ tại Ca-na-đa,

Tuần Việt Nam tại Bỉ... mà còn mời bè bạn đến chung vui với nhân dân ta qua Liên hoan phim

quốc tế, Những ngày văn hoá Nga tại Việt Nam, Liên hoan nhạc Zazz Châu Âu, Những ngày phim

Châu Âu và quốc tế, Hội thảo Á - Âu về di sản văn hoá, phối hợp hoà nhạc nhân kỷ niệm 100

năm ngày mất của nhạc sĩ thiên tài Vơ-đi, Chương trình hoà nhạc Toyota, Triển lãm mỹ thuật

của Phi-líps Mô-ris, Triển lãm Hoà bình của 220 hoạ sĩ Nhật Bản... Chuẩn bị tổ chức Fét-xti-van

Huế năm 2001, chúng ta đã nhận được sự hưởng ứng của đông đảo bạn bè quốc tế. Cảm động

thay, trong bối cảnh thế giới đang lo ngại về nạn khủng bố và sôi lên trước hành động mở rộng

chiến tranh của Mỹ, bạn bè từ khắp các châu lục vẫn đến cùng chia vui với nhân dân ta.

Khi chuẩn bị viết những dòng kết này, sung sướng làm sao, tôi gặp được một sự việc thật

là có hậu. Đó là vào hôm qua, người bạn Mỹ thân thiết, luôn luôn giúp đỡ đoàn Việt Nam chúng

tôi trong thời gian thăm nước Mỹ, đã từ Niu-Yoóc sang và chúng tôi đã gặp nhau trong bầu

không khí thanh bình của Hà Nội. Người bạn Mỹ đó là Ma-ri-sa Lốp pơ, Tim Đô-ling, anh bạn

người Anh tinh tế, cũng đã từ Luân Đôn về đây. Trên sân thượng toà nhà Sao Bắc, chúng tôi

cùng Ma-ri-sa và Tim Đô-ling thưởng thức những món ăn mang đậm hương vị đồng quê Việt

Nam, nhắc lại những kỷ niệm mới đó đã thành sâu lắng mà chúng tôi từng có với nhau trên đất

Mỹ, rồi chụp ảnh kỷ niệm trong cái gió mùa đông bắc hun hút và trước cảnh sắc đằm thắm của

lá của hoa dưới phố phường Hà Nội. Ma-ri-sa luôn luôn trầm trồ khen đất nước Việt Nam tươi

đẹp, con người Việt Nam thân thiện. Vẫn kín đáo và tế nhị, Tim Đô-ling nhỏ nhẹ kể về người vợ

Việt Nam và đứa con tương lai của anh chị - mà theo chuẩn đoán của bác sĩ sẽ là một cháu gái -

hai tháng nữa cháu sẽ chào đời!

Thế đấy, cuộc sống luôn luôn sinh

sôi nảy nở.

Dù chiến tranh tàn khốc bao nhiêu,

con người vẫn vượt lên để bảo tồn và

phát triển sự sống trên trái đất.

Trái đất tròn, trái đất luôn luôn có

đường cho những sứ giả của hữu nghị và

hợp tác gặp nhau.

Mong cho trái đất mãi mãi bình

yên.

Niu-Yoóc - Oa-sinh-tơn - Hà Nội

Tháng 10 - 12 năm 2001

Tác giả tại thủ đo Ooa sinh tơn DC Hoa Kỳ Phạm Việt Long

PHỤ LỤC

Phần một: Nước Mỹ và văn hoá Mỹ

I. BỐI CẢNH NƯỚC MỸ

1. Bối cảnh địa lý – Chính trị

Nước Mỹ là một đất nước rộng lớn và phức tạp xét trên mọi khía cạnh. Các hoạ sĩ cố

gắng nắm bắt được bức tranh toàn cảnh về nước Mỹ trong những năm đầu khi đất nước mới

thành lập hẳn đã nhận thấy bức tranh đó đã càng ngày càng tăng lên về kích cỡ, như thể không

có một khung tranh nào đủ rộng cho một bức tranh với kích cỡ và chi tiết lớn đến như vậy.

Đất nước rộng 9.628.382 ki lô mét vuông trải rộng 6 múi giờ. Mười bang có diện tích rộng

hơn Vương quốc Anh, và cả Vương quốc Anh cũng chỉ vào vừa vùng Đông Bắc, nơi nằm giữa

biên giới Niu-Yoóc/Pen-sy-va-nia và biên giới Mên-ne/Ca-na-đa. Dân số tính đến ngày 1 tháng 4

năm 2.000 có 285.230.516 người, trong đó ước chừng 90% sống ở các đô thị hay các khu vực

ngoại thành, hoặc ở những khu vực có nền kinh tế xã hội theo hướng đô thị. Những khu đô thị

và kiểu đô thị này chỉ chiếm chưa đến 2% lãnh thổ toàn quốc.

Là một quốc gia được thành lập bởi những người nhập cư, dân số Mỹ bao gồm những

thành phần từ hầu hết mọi nơi trên thế giới. Điều tra dân số năm 1992 đã phân tích dân số theo

nhóm chủng tộc bao gồm:

Những người gốc Âu (bao gồm cả những người Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha)

Người Mỹ gốc Phi

Ngưi Mỹ gốc Châu Á Thái Bình Dương

Người Mỹ bản địa tộc Aleutl, tộc Inuit.

Hai ngôn ngữ chính thống là tiếng Anh và tiếng Tây Ban Nha, mặc dù nhiều cộng đồng

nhập cư vẫn duy trì và thường xuyên sử dụng ngôn ngữ của họ.

Thành phố Niu-Yoóc (dân số 8 triệu), Lốt-an-giơ-lét (dân số 3,5 triệu), và Chi-ca-gô (dân

số 3 triệu) là những thành phố có quy mô dân số lớn. Năm thành phố khác có số dân trên 1

triệu là: Đa-lát, Đi-troi, Hau-xtơn, Philađenphia và San Đi-e-gô. 21 thành phố khác có dân số từ

400.000 đến 1 triệu là. át-lan-ta*, Au-xtin*, Ba-ti-mo, Bô-xtơn*, Cờ-le-vờ, Cô-lum*, Đen-vơ*, E-

pát-sô, Phót Uốt, In-điên-pô-lít*, Thành phố Kan-sa, Mem- phít, Nát-xơ-vi-lơ*, Niu O-liên, Thành

phố óc-la-hô-ma*, Phôn- ních*, San An-tô-ni-ô, San Phơ-ran-xi-xcô, San Giâu, Sít-tơne, và Oa-

sinh-tơn D.C.1

Nước Mỹ bao gồm nhiều vùng địa lý và văn hóa khác nhau. Đi từ bờ biển đông sang phía

tây, sẽ qua các vùng sau (những thành phố hoặc đặc điểm chính được chỉ ra nhằm giúp cho

người đọc có thể hình dung về hướng đi):

Đồng bằng ven biển (trải từ Niu-Yoóc đến bờ biển bang Tếch-zát của Vịnh Mêxicô)

Dãy núi áp-pa-lắc-chiền (bao gồm Pie-đmong, trải từ át-lan-ta, qua Gióoc-gi-a đến biên

giới Mên-ne/Canada)

Cao nguyên áp-pa-lắc-chiền (trải từ A-la-ba-ma đến phía bắc của bang Niu-Yoóc )

Vùng đất thấp ở Trung tâm và phía Bắc (bao gồm a-li-ca-gô, Min-ne-pô-lít, Mem-phít,

Kan-sa City và Si. Lui-ít)

Đồng bằng rộng lớn (G-rít Pờ-lên) (trải từ biên giới Tếch-zát/ Mêxicô đến biên giới Môn-

ta-na/Ca-na-đa)

Dãy núi đá Roóc-ky

Lòng chảo và bãi phía tây (trải từ Niu Mêxicô đến biên giới Oa-sinh-tơn/Ca-na-đa, bao

gồm vùng sa mạc Tây nam)

Dãy núi phía tây (bao gồm những đãy núi ven biển Thái Bình Dương ở Caliphoócnia, O -ri-

gông và bang Oa-sinh-tơn).

Phủ lên trên những vùng địa lý này là những vùng văn hoá:

Niu Ing-lân

Miền Nam, bao gồm vùng đất cao phía Nam của dãy núi và cao nguyên áp-pa-lắc-chiền

và vùng đất thấp (còn gọi là Vực) phía Nam của Đồng bằng ven biển .

Trung du, bao gồm các bang giữa Đại Tây Dương và phần lớn vùng đa ngôn ngữ của nước

Mỹ.

Vùng giữa phía Tây, chia thành hai phần trên và dưới

Phía Tây, bao gồm Lốt-an-giơ-lét và những phần còn lại của đất nước.

Chính quyền Mỹ chia ra 3 cấp: liên bang, bang, và địa phương. Nước Mỹ có Hiến pháp là

luật pháp quốc gia. Hiến pháp liệt kê những quyền lực cụ thể của chính quyền liên bang, còn lại

những quyền lực không được liệt kê ra thuộc về chính quyền các bang. Một nhân tố thường

xuyên không đổi trong lịch sử nước Mỹ là tình trạng căng thẳng giữa trách nhiệm của liên bang

với quyền của các bang. Cả 50 bang đều có thống đốc và cơ quan lập pháp bao gồm thượng và

hạ viện riêng của mỗi bang. Đa số có hiến pháp riêng của mình. Chính quyền bang theo truyền

thống bị chi hối bởi những giá trị nông thôn không mấy phù hợp với yêu cầu của các khu đô thị

lớn. Ví dụ, ở Massachussét, chính quyền thành phố Bô-xtơn khong thể thông qua các luật lệ

thuế khoá mới nếu không được cơ quan luật pháp bang thông qua. Hiến pháp cũng có một

chương trình quy định về quyền công dân. Hiến pháp cũng đảm bảo quyền tự do ngôn luận và

từ đó là quyền không bị kiểm duyệt, vốn được coi là nhân tố quan trọng trong bất kỳ một bối

cảnh văn hoá nào.

Quốc hội bao gồm hai viện. Hạ viện gồm 435 thành viên đại diện cho mỗi bang theo tỉ lệ.

Thượng viện có 100 thành viên, mỗi bang 2 người. Cả hai viện đều có thể lập pháp, trừ những

điều luật liên quan đến thu nhập thì chỉ Hạ viện mới có quyền xem xét. Tổng thống có thể phủ

quyết bất cứ pháp luật nào, nhưng sự phủ quyết đó sẽ mất tác dụng nếu cả hai viện đều có 2/3

số phiếu không tán thành.

Nước Mỹ luôn được miêu tả là có nền kinh tế lớn nhất và mạnh nhất thế giới. Năm 1994,

tổng sản phẩm quốc nội đạt 5.677,5 tỉ USD, thu nhập bình quân đạt 19.082 USD. Nền kinh tế đa

dạng hoá ở mức cao, sản phẩm xuất khẩu chủ yếu là nông sản, khoáng sản phi nhiên liệu và các

sản phẩm công nghiệp bao gồm máy bay, Ô tô, máy móc, hoá chất, và các sản phẩm diện tử,

viễn thông.

Một sản phẩm xuất khẩu chính khác của Mỹ là văn hoá. Năm 1995, Hô-ly-út là nguồn thu

chính từ xuất khẩu của Mỹ.

2. Bối cảnh văn hoá lịch sử

Nước Mỹ có nền văn hoá được hình thành từ làn sóng những người nhập cư. Trong thời

kì thực dân, nó đã phát triển bằng việc hợp nhất tổng thể các nền văn hoá Anh, Hà Lan, Thuỵ

Điển, Đức tương tác văn hoá Châu Phi và Châu Mỹ bản xứ. Dòng người nhập cư từ Châu Âu

nhanh chóng thiết lập sự thống trị của mình đối với văn hoá và di sản Châu Mỹ gốc. Sự mở rộng

quốc gia về phía tây sau này đã tiếp tục hình thức đồng hoá hay là phá huỷ. Không bao lâu sau

khi thuộc địa Jêm-thao và Pờ-lai-mao được thành lập vào thế kỷ 17, văn hoá Mỹ lại tiếp tục chịu

ảnh hưởng của làn sóng nhập cư "bị ép buộc", đó là những nô lệ từ Châu Phi. Sự sớm kết hợp

giữa các nền văn hoá Bắc âu, Châu Phi và Châu Mỹ bản xứ đã tạo nên một nền tảng văn hoá cho

những người nhập cư sau này từ Châu âu, Châu á và xa hơn thế tiếp tục xây dựng.

Vào thế kỷ 16, Tây Ban Nha thiết lập hệ thống thuộc địa ở Phờ-lo-ri-đa và Mê-xi-cô.

Greater Mexicô phát triển lên, bao gồm những khu vực mà sau này trở thành Tếch-zát,

Caliphoócnia, Niu Mê-xi-cô và A-ri-zôn-na. Đến thế kỉ 19, nước Mỹ đã đấu tranh để giành lại

vùng lãnh thổ này từ Tây Ban Nha và Mê-xi-cô, nhưng ảnh hưởng của nền văn hoá Tây Ban Nha

và Bồ Đào Nha cho đến nay vẫn còn là một nhân tố quan trọng trong nền văn hoá Mỹ.

Kết quả là Mỹ có một nền văn hoá đa dạng đến mức kinh ngạc, đặc biệt ở cấp độ địa

phương và vùng. Trong phạm vi một tài liệu khái quát không thể có khả năng đi sâu vào sự đa

dạng này. Thay vào đớ, dưới đây là một số nhân tố quyết định hình thành nên nền văn hoá

nghệ thuật của nước Mỹ:

Sự kế thừa từ những dòng người nhập cư một thái độ "có thể làm được";

Những nền lịch sử và văn hoá khác nhau giữa các vùng lãnh thổ, cũng như niềm tự hào

của người Mỹ về bản sắc địa phương và vùng lãnh thổ của họ;

Sự kế thừa từ các tộc người nhập cư khác nhau và cách thức những tộc người này duy trì

di sản truyền thống của mình, chia sẻ di sản đó với những tộc người khác và khai thác di sản đó

cho phù hợp với thực tế,

Sự tín nhiệm của những người đi tiên phong đối với chính bản thân họ và cộng đồng của

bọ, thái độ nghi ngờ trước những can thiệp của chính phủ vốn vẫn được thể hiện rất rõ trong

chính sách về tài trợ cho văn hóa;

Hành động của chính phủ là phương pháp cuối cùng bất đắc dĩ. Điều này đã dẫn tới vai

trò quan trọng của các thể chế trung gian, ví dụ như các tổ chức bán độc lập phi chính phủ (tổ

chức hành chính hoạt động độc lập với sự hỗ trợ của nhà nước) và phi lợi nhuận .v.v. để đối

phó với những thay đổi và quản lý những thay đổi. Một kết quả khác nữa là những tổ chức

trung gian có thể xây dựng những ban quản lý dựa trên khả năng chịu trách nhiệm chính và thái

độ luôn luôn tận tâm. Có lẽ nước Mỹ có nhiều người "trọng yếu và tài giỏi" bởi họ có khả năng

điều hành chứ không phải vì thân thế địa vị của họ;

Đa số người Mỹ sống ở các thành phố, nhưng những giá trị gốc của quốc gia lại nảy sinh

từ nông thôn trong quá khứ;

Di chứng của thời kì Đại khủng hoảng với một hệ thống chính quyền đồ sộ, và kí ức về sự

nghèo khổ cùng cực mà rất nhiều người Mỹ đã trải qua;

Sự thúc đẩy của Thế chiến II biến một quốc gia tương đối tỉnh lẻ trở thành dẫn đầu thế

giới, sự đại thịnh vượng và tốc độ đô thị hoá nhanh chóng;

Những giá trị và những kì vọng của thế hệ "bùng nổ sinh sản", thế hệ đông nhất của Mỹ

kể từ năm 1955;

Mối tình của nước Mỹ với công nghệ.

Trong thế kỷ 20, phim ảnh, truyền hình, radio, máy quay đĩa và và máy vi tính đã tạo nên

một nền văn hoá đại chúng chiếm tỉ lệ rất lớn. Thời kì đầu văn hoá đại chúng được đánh giá là

hứa hẹn sẽ mang đến một nền văn hoá dân chủ hướng tới con người, chứ không chỉ là một tinh

hoa của đô thị. Khi thực tế cho thấy văn hoá đại chúng trở nên nhàm chán và thiếu óc tưởng

tượng, thì sự hưng thịnh sau chiến tranh lại hậu thuẫn cho nghệ thuật "cao cấp" và đã tạo ra

quan niệm phân chia văn hoá thành văn hoá "cao cấp" (khó hiểu, riêng tư và hiện đại) với văn

hoá "thấp kém" (dễ hiểu, đại chúng). Trên thực tế, mối quan hệ giữa hai định nghĩa này có lẽ là

một mối quan hệ thống trị nhiều hơn là quan hệ phân cấp, mà sự phát triển nhạc Jazz là một

minh hoạ rất cụ thể;

Mối quan hệ không mấy yên ổn giữa tinh hoa mang tính chất toàn thế giới với những giá

trị địa phương cùng của nước Mỹ.

Khi được hỏi về văn hoá, đa số người Mỹ đều nghĩ đến thứ âm nhạc thương mại, phim

ảnh hoặc truyền hình. Trong một môi trường như vậy, có thể coi "văn hoá sống" được nhà

nước bao cấp là một cái gì đó không bình thường, đặc biệt là đối với những người vốn xem

thường sự can thiệp của chính quyền ở mức cao vào cuộc sống Mỹ. Cùng một lúc cũng có sự

tham gia vào những hoạt động văn hóa ở mức độ cao, đặc biệt những hoạt động có liên quan

đến bản sắc văn hoá dân tộc hoặc địa phương.

Không có gì ngạc nhiên là hỗ trợ của liên bang cho nghệ thuật trước kia được cung cấp

một cách gián tiếp. Luật thuế áp đụng từ đầu thế kỉ 20 cho phép các cá nhân có thể hỗ trợ cho

nghệ thuật, và bản hân họ cũng được lợi từ những khoản giảm trừ giúp giảm thu nhập thuế của

họ. Cho mãi đến tận những năm 1960, với sự thành lập của tổ chức Quốc gia trợ vốn cho nghệ

thuật (National Endowment for the Arts, NEA), thì một cơ chế liên bang quy định sự hỗ trợ dài

hạn cho nghệ thuật mới được thiết lập. Sự nhất trí của chính quyền liên bang về Tổ chức Quốc

gia Trợ vốn cho Nghệ thuật trùng với thời kỳ phát triển nhanh chóng sau chiến tranh của thế

giới nghệ thuật Mỹ.

Các nguồn tài chính chủ yếu cho văn hoá đã và vẫn là từ đóng góp của cá nhân và tiền

bán vé.

3. Bối cảnh chính sách văn hoá

3.1. Khu vực nhà nước

Nước Mỹ có xu hướng thiết lập các chính sách tài chính cho văn hoá chứ không tập trung

vào chính sách văn hoá. Người Mỹ coi trọng cách họ quyên tiền và phân bổ những đồng tiền đó

cho một hoạt động văn hoá như thế nào.

Cho đến tận năm 1979, Tổ chức Quốc gia Trợ vốn cho Nghệ thuật vẫn được hưởng tài trợ

của liên bang với con số tăng khá đều đặn thường xuyên. Tuy nhiên, trong suốt những năm

1980, xu hướng này đã bị đảo lộn và tài trợ của liên bang về cơ bản không tăng. Chính sách tài

khoá thắt chặt xảy ra cùng lúc với chính sách xã hội bảo thủ cả ở tầm liên bang cũng như ở mỗi

bang.

Số lượng những người ủng hộ vai trò của chính phủ đối với nghệ thuật ngày càng thu hẹp

đần, cộng đồng nghệ thuật đã không thể tìm kiếm được những đồng minh mới trong Quốc hội.

Chính sách hỗ trợ cho nghệ thuật hướng đến chất lượng hay cái tinh tuý của sản phẩm đã

không còn dược các nhà lập pháp trẻ tuổi ưa hích nữa, không có thêm những chính khách đứng

lên coi trọng nghệ thuật trong tầm nhìn hiện đại cho tương lai của nước Mỹ.

Văn hoá không còn được đặt ở vị trí trung tâm chính trị, ngân sách dành cho tổ chức

Quốc gia Trợ vốn cho Nghệ thuật cũng vì thế mà bị cắt giảm mạnh. Ngân sách năm 1994 là

167,5 triệu 1 USD thì đến năm 1995 đã bị Quốc hội giảm xuống còn một nửa. Năm 1997 chỉ còn

99,6 triệu USD. Tháng 7 năm 1997, Hạ viện đã bỏ phiếu bãi bỏ Tổ chức Quốc gia Trợ vốn cho

Nghệ thuật, nhưng Thượng viện, bỏ phiếu tháng 11 năm 1997 về vấn đề có nên xoá bỏ tài trợ

của liên bang hay nên chuyển ngân sách cho từng bang tự phân bổ, đã đổi ngược được quyết

định của Hạ viện. Cả hai viện vẫn chưa thông qua ngân sách năm 1998 cho Tổ chức Quốc gia

Trợ vốn cho Nghệ thuật (NEA).

Tuy nhiên, người ta cũng hiểu rằng Tổng thống khi đó đã có ý định phủ quyết toàn bộ kế

hoạch ngân sách nếu ngân sách cho NEA không được đảm bảo. Việc xoá bỏ hỗ trợ về tài chính,

dù cho hiện đang được ủng hộ, sẽ gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến các lĩnh vực hỗ trợ khác

cho nghệ thuật, bởi vì NEA cung cấp tài chính trên cơ sở trợ cấp "matching grant" (trong một số

nước có chương trình đặc biệt để khuyến khích việc xin tài trợ ngoài việc bao cấp, theo chương

trình đó chính phủ đề nghị nếu một đoàn nghệ thuật nào đó xin được một số tiền tài trợ thì

chính phủ cũng sẽ cho thêm đúng số tiền tài trợ đó).

Cũng giống như nhiều xã hội phương Tây khác, xu hướng phân cấp phân quyền gần đây

đã trở nên bắt buộc trong chính quyền quốc gia và địa phương ở Mỹ. Chính quyền các bang

càng ngày càng được uỷ nhiệm nhiều hơn trong việc chịu trách nhiệm quản lý những chương

trình và chính sách vốn trước đây thuộc trách nhiệm của liên bang, và, theo kết quả cuộc bầu

cử năm 1996 sẽ vẫn tiếp tục với trách nhiệm mới này. Tuy vậy, mức độ tài trợ tương ứng như

đối với các cơ quan liên bang trước đây sẽ không còn nữa.

Trong những năm 1980, mặt dù các hội đồng nghệ thuật bang không đi theo NEA, và trên

thực tế trong khoảng thời gian này tài chính cho các hội đồng đó có tăng lên, nhưng đến đầu

những năm 1990, họ lại phải chứng kiến tài chính của mình bị giảm đi. Trong một vài năm gần

đây, một số bang đã dần phục hồi, nhưng một số bang khác vẫn không thể. Tại bang Niu-Yoóc ,

trước đây đã từng dẫn đầu rất lâu về mức độ tài trợ của bang cho nghệ thuật, sau khi thay

thống đốc bang và thay đổi nhân sự trong cơ quan lập pháp, tài trợ cho nghệ thuật đã giảm hẳn

50% trong 3 năm.

Vì chính quyền các bang phải cân đối giữa nghĩa vụ thực hiện các chính sách mới với khả

năng tài chính để thực hiện những chính sách mới đó, nên các hội đồng nghệ thuật bang rất

khó có khả năng được tăng tiền tài trợ. Tương tự như vậy, việc đảm bảo mức độ tài trợ hiện

thời cũng có vẻ như không thể thực hiện được.

Tài trợ của nhà nước cho nghệ thuật chỉ tăng chủ yếu ở cấp độ địa phương, thông qua

chính quyền địa phương hoặc các cơ quan nghệ thuật:

Một cơ quan nghệ thuật địa phương (Local Arts Agency, viết tắt LAA) được định nghĩa là

một tổ chức cộng đồng hoặc một cơ quan của chính quyền địa phương nhằm hỗ trợ các tổ chức

văn hoá, cung cấp các dịch vụ cho nghệ sĩ và các tổ chức nghệ thuật, đem các chương trình

nghệ thuật đến với công chúng. Các cơ quan nghệ thuật địa phương xúc tiến thúc đẩy cho nghệ

thuật ở cấp độ địa phương, cố gắng biến nghệ thuật thành một bộ phận của cơ cấu thường

nhật trong đời sống cộng đồng.

Hiện nay, tài trợ ở cấp độ địa phương trên toàn nước Mỹ đạt 650 triệu USD, nhưng con

số này có vẻ không đáng tin cậy. Các cơ quan nghệ thuật địa phương thường chịu trách nhiệm

đối với rạp nghệ thuật biểu diễn và các chương trình xây dựng trung tâm văn hóa mới, và một

phần lớn số tiền mà các cơ quan này "mới" quyên góp được đã được sử dụng vào

việc xây dựng.

Một sức ép nữa đối với các cơ quan nghệ thuật địa phương là họ phải tổ chức được các

chương trình có sử dụng nghệ thuật để nói về những vấn đề xã hội lớn hơn. Đây là yêu cầu của

công tác từ thiện ở địa phương hoặc do có sự hoán đổi giữa ưu tiên tài trợ của liên bang cũng

như của mỗi bang đã chuyển từ nghệ thuật sang các chương trình xã hội. Yêu cầu đặt ra đối với

nghệ thuật là phải đảm đương một chức năng thiết thực, đặc biệt là trong lĩnh vực phát triển

cộng đồng, nay đã trở nên quan trọng đến mức năm 1995 Hiệp hội Quốc gia các Cơ quan Nghệ

thuật Địa phương (National Assembly of Local Arts Agencies, NALAA) đã thành lập Viện Phát

triển Cộng đồng và Nghệ thuật (Institute for Community Development ang the Arts). Thông qua

cơ quan thông tin này, Hiệp hội hy vọng có thể tăng cường khả năng hợp tác của các thành viên

cũng như khả năng quyên tiền của họ từ những nguồn tài trợ của nhà nước dành cho các lĩnh

vực phi nghệ thuật.

3.2. Khu vực tư nhân

Theo ý kiến của chính phủ, sự cắt giảm tài trợ có thể được bào chữa nếu lĩnh vực tư nhân

sẵn sàng bù vào khoản thiếu hụt, cũng từ đó cho phép tư nhân có thể lựa chọn hỗ trợ cho ai và

hỗ trợ như thế nào. Các nhà lập pháp cho rằng nghệ thuật có thể tìm kiếm tài trợ thay thế từ

các cá nhân, các quỹ và các công ty. Thực tế là ít có khả năng có thể mở rộng hơn nữa mức độ

tài trợ hiện thời của khu vực tư nhân.

Các cá nhân là nguồn đóng góp chính cho nghệ thuật, chứ không phải các công ty như

người ta vẫn hay tưởng tượng. Hiện nay, quà tặng từ các cá nhân chiếm 77% tổng số đóng góp

dành cho nghệ thuật. Tuy nhiên, cuốn Cho và tình nguyện gần đây đã đưa ra những con số đáng

lo ngại về loại hình hỗ trợ này. Năm 1987 trung bình mỗi hộ gia đình đóng góp cho nghệ thuật

260 USD. Năm 1993, con số này là 139 USD - giảm 47%. Đồng thời, những hộ gia đình này lại

tăng hỗ trợ nói chung của họ lên 53%.

Các quỹ cũng luôn là một nhân tố quan trọng trong hỗ trợ cho văn hoá. Quỹ Ford nói

riêng, với 1 cách quan niệm rộng đối với lĩnh vực tài trợ cho văn hoá trong những năm 1950

đầu 1960 và những hỗ trợ tài chính ở mức cao, đã trở thành chất xúc tác cho một cách thức hỗ

trợ mang tính chiến lược hơn từ phía các quỹ. Tiền của các quỹ được ưu tiên cấp cho các địa

phương vì những lí do địa phương, thường là cấp cho các tổ chức có uy tín, và tập trung vào các

chiến dịch xin tiền để chi vào việc xây dựng, trang bị... Tuy nhiên, việc tài trợ như vậy không

giống với tài trợ cho nghệ thuật của liên bang và của các bang, mà đây mới chính là cái mà

người ta yêu cầu các quỹ thay thế.

Những thay đổi gần đây trong hoạt động của các tổ chức kinh doanh cũng đã làm cho

việc tài trợ cho nghệ thuật không tăng lên nữa. Trong lịch sử, các công ty vẫn thường tài trợ cho

nghệ thuật từ ngân sách dành cho quan hệ với cộng đồng của họ. Trong những năm gần đây, đã

có một sự hoán vị trong các lĩnh vực tài trợ với các kết quả hữu hình, tạo ra một sự ưu ái đối với

các tổ chức có uy tín. Trong khi đó, ngân sách dành cho quan hệ với cộng đồng đang ngày càng

được hướng nhiều hơn vào các dịch vụ cho con người và cộng đồng. Đồng thời, sức cạnh tranh

ngày càng cao và sự thu hẹp quy mô cũng đang làm hạn chế tiềm năng tài trợ từ các công ty.

Một nghiên cứu của Trung tâm Quỹ (Foundation Center) cho thấy cứ 5 công ty được hỏi thì có 2

công ty cho rằng tài trợ của họ cho nghệ thuật sẽ giảm đi trong tương lai.

II. CƠ CẤU TÀI TRỢ CHO NGHỆ THUẬT CỦA CHÍNH QUYỀN

1. Cấp độ liên bang

1.1. Tổ chức Quốc gia Trợ vốn cho Nghệ thuật

(National Endowment for the Arts (NEA). http://www.arts.endow.gov

Tổ chức Quốc gia Trợ vốn cho Nghệ là một cơ quan độc lập của chính quyền Mỹ do Quốc

hội lập nên năm 1965 để hỗ trợ cho nghệ thuật và cung cấp giáo dục trong ngành nghệ thuật

cũng như đưa công chúng đến với nghệ thuật. Nhiệm vụ của Tổ chức Quốc gia Trợ vốn cho

Nghệ thuật có 2 mặt:

Bồi dưỡng tài năng, sự đa dạng và tầm quan trọng sống còn của nghệ thuật đối với nước

Mỹ.

Mở rộng khả năng cho công chúng đến với nghệ thuật.

Nhiệm vụ trên được hoàn thành thông qua các hoạt động tài trợ, bồi dưỡng lãnh đạo,

các hiệp ước hợp tác với các tổ chức của bang và của vùng, nghiên cứu, giáo dục về nghệ thuật,

các chương trình đưa nghệ thuật vào đời sống và các hoạt động ủng hộ khác. Năm 1995, Quốc

hội đã quyết định cắt bỏ hầu hết các hoạt động tài trợ của Tổ chức Quốc gia Trợ vốn cho Nghệ

thuật cho cá nhân các nghệ sĩ.

Tổ chức Quốc gia Trợ vốn cho Nghệ thuật có một thư viện rất lớn có thể tiếp cận qua số 1

202 682 5429, cũng như có bộ phận chính sách và nghiên cứu có thể tiếp cận qua số 1 202 682

5424.

Tổ Chức Quốc gia Trợ vốn cho Nghệ thuật được cơ cấu lại vào năm 1995 để phù hợp với

việc cắt giảm tài trợ của liên bang. Trước đây vốn tập trung vào các loại hình nghệ thuật, nay tổ

chức Quốc gia Trợ vốn cho Nghệ thuật đã chuyển sang một cơ cấu tài trợ dựa nhiều hơn vào

chức năng. Giờ đây, tài trợ được phân bổ cho bốn nhóm: sáng tạo và thể hiện, di sản và bảo

tồn, giáo dục và "access" (nghĩa là nâng cao sự tiếp cận với nghệ thuật của các thành phần khác

nhau ) trong xã hội, tim cách để nghệ thuật có thể đến với nhiều người chứ không chỉ một số ít

người, bảo đảm quyền được hưởng thụ nghệ thuật, đưa nghệ thuật đến với đông đảo khán giả

hơn), lập kế hoạch và tạo sự ổn định.

Tổ chức Quốc gia Trợ vốn cho Nghệ thuật tiếp tục duy trì việc kết họp tài trợ với các cơ

quan nghệ thuật của bang và của địa phương, nhưng những hoạt động này đang trong quá

trình xem xét lại.

Đứng đầu Tổ chức Quốc gia Trợ vốn cho Nghê thuật là Chủ tịch do Tổng thống Chỉ định

nhiệm kỳ 4 năm sau khi tham khảo Thượng viện. Hội đồng Nghệ thuật Quốc gia (National

Council for the arts, NCA) bao gồm 26 công nhân do Tổng thống chỉ định và Thượng viện thông

qua, sẽ tham vấn cho chủ tịch về các chính sách, chương trình tài trợ và quy trình công việc. Các

thành viên của Hội đồng Nghệ thuật Quốc gia hoạt động trong các lĩnh vực nghệ thuật khác

nhau và thường công tác với nhiệm kì 6 năm.

Các khoản tài trợ được cân nhắc bởi một hội đồng bao gồm những chuyên gia về một

lĩnh vực nghệ thuật nào đó, xem xét các nhóm tập trung vào các chức năng cụ thể.

Tổ chức Quốc gia Trợ vốn cho Nghệ thuật đang gặp phải những thay đổi mạnh mẽ không

ngừng, bao gồm cả sự không chắc chắn về tài trợ theo Hiến pháp sau năm 1998. Thông tin mới

nhất có thể được tìm thấy trên website, trong đó bao gồm danh sách nhân viên, hoặc bằng

cách liên hệ trực tiếp với các bộ phận.

1.2. Uỷ ban của Tổng thống về Nghệ thuật và Nhân văn

(President's Committee of the Arts ang Humanities)

Uỷ ban của Tổng thống về Nghệ thuật và Nhân văn được thành lập theo Thủ tục hành

pháp năm 1983 nhằm thúc đẩy và khuyến khích hỗ trợ của khu vực tư nhân cho nghệ thuật và

nhân văn. Uỷ ban của Tổng thống vê Nghệ thuật và nhân văn tìm kiếm khả năng tăng cường

cảm nhận của công chúng trước những giá trị nghệ thuật và nhân văn và xúc tiến các chương

trình tiếp cận với người Mỹ tại các cộng đồng khác nhau, đồng thời, thiết lập một chuẩn mực

đánh giá tài năng. Uỷ ban của Tổng thống về Nghệ thuật và Nhân văn còn hoạt động như một

diễn đàn trao đổi ý kiến thông qua các hội thảo và các ấn phẩm. Nó thăm dò các cách thức kết

hợp giữa các chính sách của nhà nước với sự tài trợ của tư nhân để hỗ trợ cho đời sống văn

hoá, xem xét khả năng tài trợ trong tương lai cho cả Tổ chức Quốc gia Trợ vốn cho Nghệ thuật

lẫn Tổ chức Quốc gia Trợ vốn cho Nhân văn và cố gắng giải quyết những vấn đề cấp bách có liên

quan đến nghệ thuật và nhân văn

Uỷ ban của Tổng thống về Nghệ thuật và Nhân văn bao gồm các công dân ở vị trí lãnh

đạo, do Tổng thống chỉ định từ khu vực tư nhân, là những người quan tâm và tận tâm với nhân

văn và với văn hoá bao gồm Vụ giáo dục, các tổ chức Quốc gia trợ vốn cho Nghệ thuật và Nhân

văn, Viện Sờ-mít-sô-niền, Thư viện Quốc hội (Library of Congress), Bảo tàng Mỹ thuật quốc gia

và Trung tâm Nghệ thuật Biểu diễn Giôn F Ken-nơ-đi.

2. Cấp độ bang

2.1. Hiệp hội Quốc gia các cơ quan Nghệ thuật Bang (NASAA)

http://www.nasaa-arts.org

Hiệp hội Quốc gia các Cơ quan Nghệ thuật Bang là một tổ chức dịch vụ quốc gia cho các

hội đồng nghệ thuật bang. Hiệp hội thay mặt cho các thành viên thường xuyên triệu tập các

cuộc họp và tiến hành nghiên cứu. Hiệp hội là điểm truy cập thông tin về bất cứ một hội đồng

nghệ thuật bang nào, hay thông tin về tài trợ cho nghệ thuật ở cấp độ bang nói chung Hiệp hội

Quốc gia các cơ quan Nghệ thuật Bang còn thường xuyên cung cấp những báo cáo và ấn phẩm

trong lĩnh vực tài trợ cho nghệ thuật và có thể cung cấp một danh sách đầy đủ các hội đồng

nghệ thuật bang cũng như những nhân vật chủ chốt.

2.2. Hội đồng Nghệ thuật Bang A-la-ba-ma.

http://www.arts.state.al.us

2.3. Hội đồng Nghệ thuật Bang A-lát-xca.

http://www.aksca.org

2.4. Ban Nghệ thuật Bang A-ri-zôn-a.

http://arts.asu.edulartscomm/

2.5. Hội đồng Nghệ thuật Bang A-ka-sát.

http://www.arkansasarts.com

2.6. Hội đồng Nghệ thuật Bang Caliphoócnia

http://www.cac.ca.gov

2.7. Hội đồng Nghệ thuật Bang Côlôradô

http://www.colorts.state.co.us

2.8. Ban Nghệ thuật Bang Con-nếch-ti-cút

http://www.ctarts.org

2.9. Bộ phận Nghệ thuật Bang Đe-la-wây

http://www.artsdel.org

2.10. Bộ phận các vấn đề văn hoá F-lo-ri-đa, Hội đồng Nghệ thuật Bang F-lo-ri-da

http://www.dos.state.fl.us/dca/

2.11. Hội đồng Nghệ thuật Bang Giốc-gi-a

http://www.ganet.org/georgia-arts/

2.12. Quỹ Văn hoá Nghệ thuật Bang Ha-oai

http://www.hawaii.gov.sfca

2.13. Ban Nghệ thuật Bang I-đa-ho

http://www2.state.id.us/arts

2.14. Hội đồng Nghệ thuật Bang I-li-nois

http:l/www.state.il.uslagency/iac

2.15. Ban Nghệ thuật Bang In-di-a-na

http://wwvv.in.gov.iac

2.16. Hội đồng Nghệ thuật Bang Iô-oa

http://www.culturalaffairs.org/iac

2.17. Ban Ngbệ thuật Bang Kan-sát

http://arts.state.ks.us/

2.18. Hội đồng Nghệ thuật Bang Ken-tắc-ky

http://www.kyarts.org

2,19. Bộ phận Nghệ thuật Bang Lui-si-a-na

http://www.crt.state.la.us/crt/ocd/doapage/doapage.htm

2.20. Ban Nghệ thuật Bang Mên-nơ

http://www.mainearts.com

2.21. Hội đồng Nghệ thuật Bang ma-ry-len

http://www.msac.org

2.22. Hội đồng Văn boá Bang Ma-sa-chu-sét

http://www.massculturalcouncil.org

2.23. Hội đồng Các ấn đề nghệ thuật và văn hoá Bang Mi-chi-gân

http://www.commerce.state.mi.us/arts

2.24. Ban Nghệ thuật Bang Min-ne-sô-ta

http://www.arts.state.mn.us

2.25. Hội đồng Nghệ thuật Bang Mít-su-ri

http://www.missouriartscouncil.org

2.26. Hội đồng Nghệ thuật Bang Môn-ta-na

http://www.arts.state.mt.us

2.27. Hội đồng Nghệ thuật Bang Nép-lát-xca

http://www.nebraskaartscounci/.org

2.28. Hội đồng Nghệ thuật bang Nê-va-đa

http://www.dlma.clan.lib.nv.us/docs/arts/

2.29. Hội đồng Nghệ thuật Bang Niu- Ham-sơ

http://www.state.nh.uslnhartsl

2.30. Hội đồng Nghệ thuật Bang Niu Giơ-sây

http://www.njartscounci.org

2.31. Hội đồng Nghệ thuật Bang Niu Mê-xi-cô

http://www.nmarts.org

2.32. Hội đồng Nghệ thuật Bang Niu-Yoóc

http://www.nysca.org

2.33. Hội đồng Nghệ thuật Bang Bắc Ca-rô-li-na

http://www.ncarts.org

2.34. Hội đồng Nghệ thuật Bang Bắc Đắc-cô-ta

http://www.state.nd.uslarts

2.35. Hội đồng Nghệ thuật Bang Ô-hai-ô

http://www.oac.state.oh.us

2.36. Hội đồng Nghệ thuật Bang Ô-la-hô-ma

http://www state.ok.us/arts

2.37. Ban Nghệ thuật Bang O-re-gông

http://art.econ.state.or.usl

2.38. Hội đồng Nghệ thuật Bang Pen-sy-va-nhia

http://www.artsnew.orglpca

2.39. Hội đồng Nghệ thuật Bang Rốt-đơ-Ai-lân

http://www.arts.state.mn.us

2.40. Ban Nghệ thuật Bang Nam Carolina

http://www.state.sc.uslarts

2.41. Hội đồng Nghệ thuật Bang Nam Đa-kô-ta

http://www.state.sd.usldecalsdarts

2.42. Ban Nghệ thuật Bang Ten-nét-si

http:llwww.arts.state.tn.us

2.43. Ban Nghệ thuật Bang Tếch-zát

http://www.arts.state.tx.us

2.44. Hội đồng Nghệ thuật Bang U-tát

http:l/www.dced.state.ut.us/arts

2.45. Hội đồng Nghệ thuật Bang Vơ-mông

http:llwww.state.vi.us/vermont-arts/

2.46. Ban Nghệ thuật Bang Vi-gin-nhi-a

http://www.artswire.org/%7evacomm/

2.47. Ban Nghệ thuật và Nhân văn Oa-sinh-tơn DC

http://www.dcarts.dc.gov/

2.48. Ban Nghệ thuật Bang Oa-sinh-tơn

http://www.arts.wa.gov/

2.49. Vụ Giáo dục và Nghệ thuật Bang Tây Vi-gin-nhi-a-Bộ phận Văn hoá và Lịch sử

http://www.wvculture.ong

2.50. Ban Nghệ thuật Bang Uýt-con-sin

http://www.arts.state.wi.us

2.51. Hội đồng Nghệ thuật Bang Uy-ô-ming

http://www.spacr.state.wy.us/cr/arts

3. Cấp độ địa phương

3.1. Hiệp hội Quốc gia các Cơ quan Nghệ thuật Địa phương (NALAA)

Hiệp hội Quốc gia các Cơ quan Nghệ thuật Địa phương là một tổ chức dịch vụ quốc gia

cho các cơ quan nghệ thuật địa phương. Nó cung cấp các hiệp ước và các dịch vụ thông tin,

đồng thời thúc đẩy nghệ thuật ở cấp độ chính quyền liên bang, bang, và địa phương. Hiệp hội

Quốc gia các cơ quan Nghệ thuật địa phương có một chương trình phát hành các ấn phẩm quy

mô lớn, và định kỳ phát động các chiến dịch đặc biệt ở những lĩnh vực mà nó có thể đóng vai

trò xúc tác cho phát triển hợp tác và kết hợp tài trợ.

3.2. Hội đồng Thương mại Nghệ thuật (BCA)

Được thành lập năm 1967 bởi Đavít Rốc-cơ-phe-lơ, Hội đồng thương mại Nghệ thuật là

một tổ chức quốc gia không vì lợi nhuận nhằm gắn kết nghệ thuật và thương mại với nhau. Nó

cung cấp cho các doanh nghiệp lớn nhỏ các dịch vụ và các nguồn lực cần thiết để phát triển và

thúc đẩy sự hợp tác với nghệ thuật, đem lại lợi ích cho thương mại, nghệ thuật và cộng đồng.

BCA cung cấp một loạt các chương trình và dịch vụ để giúp đỡ các doanh nghiệp phát

triển sự hợp tác của họ với nghệ thuật nhằm đạt được các mục tiêu kinh doanh, làm cho nghệ

thuật phong phú hơn và làm cho cuốc sống tốt đẹp hơn. BCA cũng cung cấp các dịch vụ tư vấn

chuyên nghiệp cho các doanh nghiệp, giúp họ:

(1) Xác định những cơ hội hợp tác với nghệ thuật ở địa phương, trong nước và trên thế

giới ;

(2) Phát triển các hoạt động hợp tác cụ thể với nghệ thuật để đẩy mạnh các mục đích

kinh doanh;

(3) Đánh giá và tăng cường sự tham gia vào nghệ thuật của các doanh nghiệp

này;

(4) Tìm cách hợp tác với nghệ thuật trong quảng cáo, marketing, quan hệ công chúng,

quan hệ với nhân viên, và các chiến lược trong quan hệ với cộng đồng;

(5) Đề cập đến những vấn đề trong công việc như sự đa dạng hoá, xây dựng nhóm làm

việc thông qua việc hợp tác với nghệ thuật; xác định những doanh nghiệp không phải là đối thủ

cạnh tranh của mình để cùng nhau xây dựng mối quan hệ hợp tác với nghệ thuật;

(6) Tạo ra các hoạt động với nghệ thuật nhằm thu hút và giữ đội ngũ nhân viên, thu hút

những công việc kinh doanh mới và chiếm giữ vị trí lãnh đạo trong cộng đồng.

(7) Phát triển chiến lược thiết lập một bộ sưu tập nghệ thuật và tìm cách sử dụng nó như

một tài sản để kinh doanh; và

(8) Thiết lập và đánh giá các chương trình nghệ thuật lấy một phần kinh phí trích từ

lương và thưởng của nhân viên cũng như các chương nghệ thuật tình nguyện của nhân viên.

Hội đồng thương mại nghệ thuật tổ chức một chương trình thường xuyên các bài giảng

và hội thảo về tài trợ của các doanh nghiệp cho nghệ thuật, bao gồm Bài Giảng Đavít Rốc -cơ-

phe-lơ hàng năm. Những người điều hành từ các công ty thành viên của Hội đồng Thương mại

Nghệ thuật và các nhân viên của Hội đồng luôn sẵn sàng nói chuyện tại các buổi hội thảo hay

hội nghị về mối liên kết thương mại-nghệ thuật.

BCA tập hợp thông tin, tiến hành nghiên cứu và xuất bản các báo cáo về những xu hướng

mới nhất trong mối liên minh giữa thương mại với nghệ thuật nhằm giúp các doanh nghiệp

phát triển và củng cố mối quan hệ hợp tác với nghệ thuật và thông tin cho công chúng về

những kết quả mà các doanh nghiệp có thể đạt được thông qua việc đầu tư vào nghệ thuật.

Những báo cáo mới xuất bản gồm có: Điều tra năm 1999 về các công ty thành viên của BCA, Tại

sao các doanh nghiệp lại đầu tư vào nghệ thuật, và một báo cáo của BCA: Điều tra toàn quốc

năm 1998 về hỗ trợ của Thuơng mại dành cho Nghệ thuật.

BCA còn điều phối các hoạt động của Mạng lưới Quốc tế các hiệp hội Thương mại Nghệ

thuật, một mạng lưới các tổ chức cùng hình thành những mối liên minh giữa thương mại với

nghệ thuật, chia sẻ thông tin và chuyên môn để tăng cường sự phát triển của những mối liên

minh thương mại-nghệ thuật toàn cầu. Mạng lưới này bao gồm các thành viên áo, Bỉ, Canađa,

Đan Mạch, Pháp, Đức, Hy Lạp, Ai-Len, ít-xra-en, Italia, Nhật, Hàn Quốc, Hà Lan, Nam Phi, Tây

Ban Nha, Thuỵ Điển, Vương quốc Anh và Hoa Kỳ.

Hàng năm BCA tổ chức lễ trao giải thưởng Các doanh nghiệp với nghệ thuật, do BCA và

tạp.chí Forbes tài trợ, tổ chức đều đặn 30 năm nay để tôn vinh các doanh nghiệp và các doanh

nhân về sự lãnh đạo, sự tận tâm và tầm nhìn của họ trong việc phát triển các mối liên minh với

nghệ thuật.

BCA cũng sản xuất rất nhiều xuất bản phẩm để khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư

vào nghệ thuật. Bao gồm thư ngỏ hàng quý Thông tin BCA, ấn phẩm Hãy thay đổi cách thức làm

ăn của bạn, trong đó nói lên những giá trị của nghệ thuật đối với thương mại và cộng đồng;

Nghệ thuật Lãnh đạo: Xây dựng các mối liên minh Thương mại – nghệ thuật, một cuốn sách nhỏ

đọc khi rỗi rãi nói về kinh nghiệm cá nhân và nghề nghiệp trong việc hợp tác với nghệ thuật của

29 vị giám đốc; Đầu tư ít thu lãi nhiều: Các sáng viên cho việc hợp tác thành công giữa thương

mại với nghệ thuật, một cuốn sách hướng dẫn bỏ túi về tài trợ dành cho các công ty; Một Báo

cáo của BCA: Điều tra năm I999 về các công ty thành viên của BCA, trong đó khái quát cách tài

trợ cho nghệ thuật của các công ty thành viên của BCA; và Bài tập tình huống BCA, sưu tập hơn

20 bài tập tình huống về những mối quan hệ hợp tác thành công giữa các doanh nghiệp lớn nhỏ

với nghệ thuật.

III. TÀI TRỢ CỦA CÁC CÔNG TY VÀ CÁC QUỸ

1. Các quỹ tư nhân

Nhân tố địa phương là nhân tố mấu chốt trong khi làm việc với các quỹ của Mỹ. Ví dụ, tổ

chức Liên hoan Sân khấu Quốc tế Chi-ca-gô có thể tìm cách xin tiền của các quỹ ở Chi-ca-gô,

không phải vì nó mang tính chất quốc tế mà do nó ở Chi-ca-gô. Thậm chí khi một tổ chức địa

phương nói rằng họ không tài trợ các hoạt động quốc tế, thì thực ra họ vẫn có thể có những tài

trợ như vậy ở mức độ địa phương.

Luật thuế của Mỹ khiến cho các quỹ rất khó có thể tài trợ cho các tổ chức đặt ngoài nước

Mỹ. Nếu việc tài trợ là mục tiêu của các quỹ, thì cần phải tìm một đối tác Mỹ. Tuy nhiên, một số

quỹ lớn đang ngày càng quan tâm tìm hiểu nhiều hơn đến những chính sách văn hoá và chính

sách tài trợ thực hiện bên ngoài lãnh thổ Mỹ.

Một tổ hợp các quỹ đã thành lập một tổ chức nghiên cứu và ủng hộ liên kết, tên là Trung

tâm Nghệ thuật và văn hoá.

Những quỹ được liệt kê trong tài liệu này là những quỹ quốc gia lớn quan tâm đến hoạt

động quốc tế, thường coi đó là một phương tiện để hiểu biết hơn về sự đa dạng của nền văn

hóa Mỹ, để thúc đẩy đổi mới và hợp tác, hoặc để tăng cường sự phát triển của nghệ thuật ở

Mỹ. Các quỹ có tài trợ cho lĩnh vực tằng cường sự phát triển cho nghệ thuật ở Mỹ được đánh

dấu (*).

1.1. Quỹ Ford*

Lĩnh vực quan tâm: Tác phẩm mới trong nghệ thuật biểu diễn và thúc đẩy sự đa dạng về

văn hoá.

1.2. Quỹ German Marshall Mỹ

Lĩnh vực quan tâm: Tăng cường mối quan hệ giữa Tây Âu và Mỹ thông qua nghiên cứu

học thuật, chính sách hên quan đến các dự án, các hội nghị song phương, các chương trình

khảo sát tham quan. Không thực sự quan tâm đến nghệ thuật, nhưng đôi khi có quan tâm đến

văn hóa xét trên khía cạnh xã hội và xây dựng chính sách rộng nhất.

1.3. Tổ chức những nhà tài trợ cho nghệ thuật

Tổ chức này là một cơ quan mà thành viên là nhiều quỹ, công tố và cá nhân tài trợ cho

nghệ thuật.

In thư ngỏ, tổ chức hội nghị thường niên và điều phối thông tin trong lĩnh vực tài trợ của

khu vực tư nhân cho nghệ thuật.

1.4. Quỹ trợ vốn Heinz.

1.5.Quỹ Tưởng nhớ John Solomon Guggenheim

Lĩnh vực quan tâm: Tài trợ cho các cá nhân thông qua học bổng (Guggenheim - khoảng

26.500 USD - để thúc đẩy sự phát triển của các nhà nghiên cứu và các nghệ sĩ).

1.6. Viện Nghệ thuật Ke nan

1.7. Quỹ John D và Catherine T MacAuthur

Lĩnh vực quan tâm: trong khi đa số các chương trình nghệ thuật có quy mô quốc tế, thì

những chương trình văn hoá thường tập trung trong nước, đặc biệt ở Chi -ca-gô và Hạt Pam-bít-

chơ. Hiện quỹ đang thăm dò sự tài trợ quốc tế trong lĩnh vực truyền thông. Quỹ có Chương

trình Học bổng Mắc-au-thơ. Phần thưởng Tài năng dành cho những cá nhân có tài năng và triển

vọng đặc biệt, những người thể hiện sự độc đáo, cống hiến cho sự nghiệp sáng tạo và có khả

năng tự định hướng.

1.8. Quỹ Tài trợ từ thiện Pew

Lĩnh vực quan tâm: Đa số tài trợ cho các chương trình quốc gia và nhằm vào các nội dung

bức xúc cũng như lĩnh vực sáng tạo, phát triển và phổ biến tác phẩm mới. Một số các nhà tài

trợ nhỏ cho các dự án quốc tế có liên quan đến các nghệ sĩ và các đơn vị nghệ thuật ở Phi -

Lađen -phia.

1.9. Quỹ Pollock-Krasner

Lĩnh vực quan tâm: Hỗ trợ các nghệ sĩ mỹ thuật hành nghề độc lập. Phần thưởng cho

các nghệ sĩ Anh, châu Âu, Liên Xô cũ, Trung Mỹ và châu Á.

1.10. Quỹ Roclefeller

Lĩnh vực quan tâm: Tài trợ các nghệ sĩ sáng tạo ở Mỹ có tác phẩm có thể giúp mở rộng

hiểu biết về các nền văn hoá thế giới thứ ba, đặc biệt là châu Phi, châu Mỹ La tinh, châu á, và

của các dân tộc thiểu số ở Mỹ. Cũng điều hành Trung tâm Nghiên cứu và Hội nghị Be-la-giô ở

Be-la-giô, Italia.

1.11. Quỹ Lila Wallace-Tạp chí Raedes's Digest

Lĩnh vực quan tâm: Thúc đẩy vai trò quan trọng của nghệ thuật trên toàn quốc bằng cách

khuyến khích mối tương tác giữa các nghệ sĩ với các cộng đồng thông qua các hoạt động hướng

tới cộng đồng, hợp tác và liên kết trong những nỗ lực hỗ trợ cho nghệ thuật. Là một trong

những quỹ nghệ thuật lớn nhất nước Mỹ.

1.12. Quỹ Xerox

Lĩnh vực quan tâm: Tài trợ các tổ chức văn hoá tham gia tích cực trong tranh luận về các

vấn đề quốc gia và quốc tế lớn.

2. Các công ty

Tài trợ của các công ty cho nghệ thuật thường xuyên thay đổi ở Mỹ. Xu hướng sáp nhập

và toàn cầu hoá đã tạo nên một chuyển đổi từ tài trợ tập trung tại địa phương Chuyển sang

chính sách điều khiển bởi các trụ sở chính nằm cách địa phương đó hàng ngàn dặm, cũng như

bởi yêu cầu phát triển quốc tế.

Khi tiếp cận với bất cứ công ty nào ở Mỹ, điều quan trọng là phải nghiên cứu kỹ lưỡng các

mục tiêu, mục đích, giá trị và những mối quan tâm của các công ty đó. Các công ty thường là tài

trợ nhiều hơn cho các dự án quốc tế, nhưng nhiều khi vì lý do không cụ thể. Dưới đây là những

công ty tiêu biểu trong hoạt động tài trợ cho nghệ thuật:

Chương trình Nhân ái của Công ty Amêricân ếch-xpờ-rét

Quỹ Công ty AT&T

Quỹ Công ty COCA-COLA

Quỹ Công ty Ô tô Ford

Quỹ Mêtrôpôlitan Life

Công ty Philip Môrít

IV. NHỮNG TRANH LUẬN VỀ CHÍNH SÁCH VĂN HOÁ

1. Thu nhập do bán vé và lập chương trình văn hoá

Một chủ đề trong chính sách văn hoá Mỹ là sự sắp xếp lại hệ thống tài trợ nhiều nguồn

của nước này trong khi cố gắng xác định những động thái ngắn hạn để tồn tại trước những thay

đổi trong tài trợ này, nhiều nhà tài trợ và tổ chức dịch vụ còn quan tâm đến khả năng tồn tại và

phát triển lâu dài của các tổ chức văn hoá khi có những thay đổi lớn.

Các tổ chức nghệ thuật có các chương trình đổi mới tiên phong và các cách thức

marketing để duy trì được các loại khán thính giả khác nhau và mở rộng cơ sở địa lý nhân khẩu

của nghệ thuật. Thu nhập từ bán vé, chiếm khoảng hơn 50% tổng thu của các đơn vị nghệ

thuật, thường được đưa vào ngân sách hoạt động. Sức ép này đối với việc bán vé thường dẫn

đến việc các đơn vị nghệ thuật lựa chọn dàn dựng các chương trình "an toàn" chứ không hỗ trợ

cho những đổi mới và sáng tạo nghệ thuật. Nghịch lý là ở chỗ, người ta lại ứng dụng những đổi

mới trong quảng cáo marketing cho những chương trình "an toàn".

Với chi phí hoạt động tăng lên và mức khán giả giảm sút do những thay đổi trong nhân

khẩu học, và sự cạnh tranh của các loại hình giải trí thương mại, giá vé cũng phải tăng lên. Các

đơn vị vấp phải một nghịch lý là vừa phải tăng giá vé bán ra vừa phải tổ chức các hoạt động

hướng ngoại đến với những "khán thính giả" không có điều kiện tài chính, nhằm đảm bảo rằng

tài trợ của các quỹ và của chính phủ được chi cho các chi phí cố định. Mối căng thẳng này đến

một lúc nào đó sẽ chiếm ưu thế.

2. Những thay đổi về nhân khẩu học

Thu nhập từ bán vé cũng bị ảnh hưởng bởi những thay đổi trong nhân khẩu học. Theo

ước tính ở Mỹ cứ 4 người Mỹ thì 1 người gốc Phi, 1 gốc Tây Ban Nha, 1 gốc Mỹ và 1 gốc á. Sự

thay đổi này gợi ý cho những cố gắng trong phát triển khán thính giả của những đơn vị nghệ

thuật chủ đạo. Nó cũng gợi ý cho sự phát triển nghệ thuật ở một mức độ rộng hơn. Những đơn

vị nghệ thuật phục vụ cho những cộng đồng có nhu cầu văn hoá đặc biệt đang thúc ép các nhà

tài trợ mở rộng hiểu biết của mình về các loại hình nghệ thuật, chức năng và vai trò của nghệ sĩ

và các đơn vị nghệ thuật, và mối quan hệ giữa khán giả với nghệ sĩ. Hầu hết thành viên của đơn

vị nghệ thuật phục vụ cho những cộng đồng có nhu cầu văn hoá đặc biệt đều tin rằng tài trợ của

khu vực nhà nước và chính phủ dành cho họ đang thiếu trầm trọng. Khía cạnh này của sự thay

đổi nhân chủng học sẽ vẫn tiếp tục thách thức việc định nghĩa văn hoá Mỹ và hỗ trợ cho nền

văn hoá đó như thế nào.

Dân số đang ngày càng đa dạng hoá và già đi. Thế hệ "bùng nổ sinh đẻ" đại diện cho sự

thay đổi nhân khẩu học lớn nhất ở Mỹ thời kỳ hậu chiến. Nó là nguyên nhân của sự tăng trưởng

và mở rộng của nghệ thuật từ những năm 1960 và thắp sáng ham muốn nghệ thuật "sống" của

cả nước.

Ngoại trừ các viện bảo tàng nghệ thuật, nhạc jazz và ba-lê, những thế hệ tiếp sau nói

chung không còn quan tâm nhiều đến nghệ thuật như trước nữa.

3. Luật thuế

Khuynh hướng bảo thủ tài khoá thắt chặt ở Mỹ trong những năm gần đây không chỉ diễn

ra ở hình thức tài trợ trực tiếp, mà còn ảnh hưởng đến cơ chế tài trợ gián tiếp mà các tổ chức

phi lợi nhuận, bao gồm cả nghệ thuật, đang được hưởng. Luật thuế của chính phủ, của bang và

của địa phương đang được xem xét lại và được thắt chặt, từ đó làm giảm những khoản khấu

trừ thuế. Những người góp tiền cho các đơn vị nghệ thuật có thể được khấu trừ thuế, họ còn

được hưởng miễn thuế tài sản và những quyền lợi miễn thuế thu nhập khi đóng thuế cho địa

phương và cho bang. Chính quyền các cấp đang đặt nghi vấn và đang phải xem xét lại tất cả

những vấn đề này.

Đồng thời, các cơ quan nghệ thuật bang và địa phương đang thử nghiệm và thực hiện cơ

chế tài trợ nhà nước đổi mới. Một số được đánh dấu riêng là thu nhập chịu thuế. Hiệp hội các

Cơ quan Nghệ thuật Địa phương xác định mức thuế đối với các thu nhập từ giải trí mang tính

thương mại và thể thao, khách sạn, cờ bạc và xổ số, các tổ chức trợ vốn cho việc bảo tồn văn

hoá bang và những "tax write-offs" (những khoản tiêu dùng khác mà có thể được trừ vào thu

nhập trước khi tính thuế phải đóng). Nhiều trong số những cách thức này tỏ ra rất có tiềm

năng, nhưng vẫn còn quá sớm để có thể đánh giá khả năng tồn tại và phát triển lâu dài của

chúng.

4. Tình nguyện giảm dần

Mức độ tham gia tình nguyện đang giảm dần và điều này cảnh báo cho tất cả các cố gắng

gây quỹ. Tại sao? Những nghiên cứu chuyên về nghệ thuật hiện có không đưa ra được những

kết luận cụ thể, nhưng những nghiên cứu về khu vực phi lợi nhuận nói chung chỉ ra rằng người

Mỹ với công việc quá tải và những trách nhiệm với gia đình có rất ít thời gian dành cho hoạt

động tình nguyện. Khi tham gia hoạt động tình nguyện, họ muốn có những xác nhận ngay lập

tức là họ đã tạo nên một sự thay đổi nào đó. Khác với các tổ chức dịch vụ phi lợi nhuận vì con

người, không nhiều các đơn vị nghệ thuật có thể đảm bảo được sự thoả mãn như vậy cho

người tình nguyện.

5. Giảm tài trợ của các quỹ

Từ năm 1990, tài trợ cho nghệ thuật của các quỹ cho nghệ thuật đã giảm từ 14% xuống

12,7%. Trong thời gian này, tài trợ cho các dịch vụ vì con người lại tăng lên do chính phủ cắt

giảm tài trợ của mình trong lĩnh vực này và do hậu quả của nền kinh tế đình trệ. Để đi theo xu

hướng này, nhiều đơn vị nghệ thuật đã chuyển sang các chương trình hướng ngoại, cung cấp

các dịch vụ vì con người và vì sự phát triển cộng đồng. Sự thay đổi này đã diễn ra mà không

được chuẩn bị đào tạo trước, và không có đủ thời gian để xác định và đưa ra những cách thức

hoặc kết quả dài hạn.

6. Số phận của cá nhân các nghệ sĩ

Như đã nói, tài trợ của Tổ chức Quốc gia Trợ vốn cho Nghệ thuật năm 1995 đã không

dành cho cá nhân các nghệ sĩ. Trung tâm Nghệ thuật và Văn hoá (Center for Arts and Culture)

đã nhận thấy chỉ 1/5 các quỹ có tài trợ cho cá nhân các nghệ sĩ. Cùng với sự thay đổi trong cơ

chế tài trợ tập trung nhiều hơn vào các lợi ích xã hội, các nghệ sĩ càng gặp khó khăn hơn trong

việc tìm kiếm tài trợ cho các dự án của họ. Một kết quả khác của việc nhấn mạnh các chương

trình văn hoá "hướng ngoại" là đã xoá nhoà ảnh hưởng của những đào tạo chuyên biệt và kĩ

năng của các nghệ sĩ vì năng khiếu sáng tạo bẩm sinh và việc đào tạo và phát triển người nghệ sĩ

được coi như ngang nhau. Trong các cuộc họp với các đối tác ở những khu vực khác, người ta

thường nghi ngờ sự cần thiết phải có các nghệ sĩ tham dự. Người ta cần nghiên cứu nhiều hơn

và đưa ra những tài liệu về cách giải quyết các vấn đề về nghệ sĩ nếu những điều này được coi

là quan trọng trong hợp tác tài trợ, mà những tài trợ này lại sẽ dẫn đến những tài trợ mới cho

tác phẩm của họ.

7. Quản lý nghệ thuật, phát triển đơn vị nghệ thuật và nghề nghiệp

Trong thời đại của những thay đổi lớn, việc lãnh đạo là một thách thức được đặt ra. ở

nước Mỹ, nhu cầu lãnh đạo đang được chú ý ở cấp độ quốc gia, bang lẫn địa phương, cũng như

ở các cơ quan Việc đào tạo và chuẩn bị cho các nhà quản lý nghệ thuật đang được xem xét và

cân nhắc lại. Những năm 1970-1980, mô hình được áp dung cho các nhà quản lý nghệ thuật

được rút ra từ quản trị kinh doanh. Những năm 1990, những kỹ năng được coi là cần thiết để có

thể lãnh đạo các ngành nghệ thuật qua nhiều năm thay đổi đã giống với các kỹ năng quản lý các

tổ chức xã hội, nghệ sĩ và các tổ chức trung gian nhiều hơn. Làm thế nào để đào tạo các nhà

quản lý trở thành lãnh đạo vẫn còn một thách thức cần giải quyết.

Đã thế, lương của các nhà quản lý nghệ thuật không cao bằng lương của các nhà quản lý

trong các khu vực phi lợi nhuận khác. ở Mỹ người ta có thể dễ dàng thay đổi nhiều nghề nghiệp

giữa các ngành khác nhau, và sự không bình đẳng về lương có nghĩa là những nhà quản lý nghệ

thuật tài giỏi thường rời bỏ nghệ thuật đến với những lĩnh vực quản lý nhà nước và quản trị

kinh doanh.

Đồng lương eo hẹp của các nhà quản lý nghệ thuật chuyên nghiệp và khó khăn ngày

càng tăng trong việc gây quỹ dẫn đến những khó khăn trong vấn đề nhân sự, tình

trạng cạn kiệt quản lý thường xuyên và do đó, dẫn tới tỉ lệ chuyển công tác rất cao.

(Tài liệu của quỹ FORD)

PHẦN HAI: MỘT SỐ THÔNG TIN

LIÊN QUAN ĐẾN THẢM HOẠ 11 THÁNG 9 Ở MỸ

I. TRUNG TÂM THƯƠNG MẠI THẾ GIỚI VÀ LẦU NĂM GÓC

1. Trung tâm Thương mại Thế giới

Hai tòa nhà tháp - Trung tâm

Thương mại Thế giới ở Niu-Yoóc được coi

là biểu tượng nền kinh tế hùng mạnh của

nước Mỹ. Hai tòa nhà tháp được khởi công

xây dựng từ năm 1967 theo sáng kiến của

chính quyền thành phố Niu-Yoóc và tiểu

bang Niu Giéc-xi, đến ngày 4-4-1973 khánh

thành.

Trung tâm Thương mại Thế giới do kiến trúc sư trưởng Mi-nô-ru Y-a-ma-xa-ki thiết kế

nằm trên diện tích 406.000 m2. Cả hai tòa tháp đều cao 110 tầng. Tòa tháp thứ nhất cao 417 m.

Tòa tháp thứ hai 415 m, chỉ thua tòa tháp ở Tô-rôn-tô (Ca-na-đa, cao 540 m), Tháp đôi (Ma-lai-

xi-a, 550 m), tháp Thượng Hải (Trung Quốc, 468 m). Hai tòa nhà tháp phía bắc và phía nam

được xây dựng bằng thép đặc biệt chịu nén và bê- tông. Mỗi tòa tháp nặng 290.000 tấn, móng

có chiều sâu hơn 20 mét. Mỗi tòa nhà có bệ cao 192 m, vách tường dày từ 20 đến 90 cm. Các

chi tiết bằng thép được chế tạo sẵn đưa từ các thành phố Xin-tan, Lốt An- giơ-lét và Xanh Lu-i

tới. Tám chiếc cần cẩu cực lớn chế tạo tại ô-xtrây-li-a được dành riêng cho Trung tâm Thương

mại Thế giới.

Tính ra mỗi tòa nhà tháp đã dùng hết 323.000 m3 bê-tông và có 43.600 cửa sổ. Tổng chi

phí xây dựng hai tòa nhà hết 700 triệu USD.

WTC là biểu tượng cho thế giới tài chính hùng mạnh khu Man-hát-tan, nằm trên một bán

đảo rộng trông ra sông Hắt-xơn chảy qua thành phố Niu-Yoóc , thuộc khu phố trung tâm của

các nhà trùm tài phiệt Niu-Yoóc. Cách đó vài trăm mét là phố Uôn, nơi thị trường chứng khoán

hoạt động nhộn nhịp nhất thế giới, luôn có mặt các nhà tài chính lớn nhất ở Mỹ. Cũng tại đây,

hơn 500 công ty lớn và cơ quan thương mại quốc tế thuộc 26 nước hoạt động cùng với sự có

mặt của hàng trăm văn phòng thuế quan thành phố Niu-Yoóc và bang Niu Giéc-xi được bố trí

đều trong 110 tầng nhà của hai tòa tháp. Toàn bộ hoạt động ở Trung tâm được điều hành và

chương trình hóa bằng máy tính điện tử. Có tổng cộng 293 thang máy lớn đặt trong các tòa

nhà, buồng thang máy có thể chứa 55 người, 71 cầu thang cuốn chạy suốt ngày đêm phục vụ 50

nghìn lượt người đến làm việc hàng ngày. Hệ thống thang máy hiện đại đến mức cần một phút

là người ta có thể lên xuống 110 tầng.

Từ hàng chục năm nay, Trung tâm Thương mại Thế giới trở thành một du lịch hấp dẫn

của người Mỹ và khách quốc tế. Mỗi năm nơi đây đón hơn 200.000 khách du lịch. ở tầng 107

trong tòa tháp có nhiều hiệu ăn sang trọng gọi là "cửa số 1 ngắm nhìn thế giới" dành cho những

nhà tư bản lớn. ở phần chìm dưới mặt đất của Trung tâm có Trung tâm Thương mại Man- hát-

tan với nhiều bến xe điện ngầm, nhà ga đường sắt, bến đỗ xe hơi. Buổi sáng, các đầu mối giao

thông này đón hàng chục nghìn nhân viên, viên chức đến làm việc, khách thăm và mua sắm.

Theo thiết kế, hàng cột với các bó thép của WTC ken dày, xít nhau chung quanh cột bê-tông

hình chữ nhật chịu lực. Các cột chịu lực chính hình trụ lõi thép đều được giằng vào nhau tạo

nên một kết cấu vững chắc. Do tháp đôi được thiết kế vĩnh cửu, chịu được động đất mạnh, cho

nên nếu chỉ tác động cơ học theo chiều ngang thì khó làm cho tháp sụp đổ. Trong điều kiện gió

nhẹ bình thường, đỉnh tháp luôn dao động với biên độ vài mét so với trung tâm là nhờ có kết

cấu thép.

Các khung chịu lực bình thường bên trong hai tòa tháp đôi đã phải chịu trọng tải khá lớn

của gần 300 thang máy

Sau khi hai máy bay lần lượt lao vào tháp đôi, máy bay đã làm lệch trọng tâm một số cột

chịu lực, làm yếu đáng kể kết cấu chung. Nhưng điều tồi tệ hơn là đã có quá nhiều nhiên liệu

dùng cho máy bay khi va chạm mạnh đã nổ tung và gây cháy. Lửa cháy do xăng máy bay tạo ra

nhiệt độ lớn đến 1.500 độ C khiến cho các lõi thép bị nung nóng trong thời gian dài. Nhiệt độ

theo các lõi thép lan tỏa nhanh khắp toàn bộ tòa nhà. Một số chỗ nối bị nóng chảy, còn các

phần lõi thép đều bị mềm ra làm suy yếu nghiêm trọng các cột chịu lực. Trong khi đó, các cột

này vẫn phải chịu một lực nén rất lớn của toàn bộ khối nhà110 tầng theo chiều thẳng đứng. Lửa

càng cháy lâu càng làm cho các cột thép chịu lực kém. Đến một độ nhất định, toà nhà cứ thế

sụp đổ dần dần từ trên xuống theo phương thẳng đứng .

Sự sụp đổ của tháp đôi gây chấn động mạnh đến nền móng của toà nhà Oan- Li-bơ-ty Pờ-

la-za cao 226,47m cũng được xây dựng bằng thép năm 1973 và một toà cao ốc nữa liền kề, làm

cho hai toà nhà này sụp đổ theo.

2. Lầu Năm góc

Lầu Năm góc, tổng hành dinh của Bộ Quốc phòng Mỹ và là đầu não chi huy và kiềm soát

quân sự quốc gia, thật sự là một "thành phố", nơi làm việc của 26.000 nhân viên quân sự, dân

sự thuộc Bộ Quốc phòng Mỹ và 3.000 nhân viên phục vụ khác. Tòa nhà lớn này còn là biểu

trưng cho thiết chế và sức mạnh quân sự Mỹ.

Lầu Năm góc được hình thành từ ý tưởng và đề nghị của thiếu tướng Bre-hon B.Xom-mơ-

ven, phụ trách bộ phận xây dựng của văn phòng Tổng cục Hậu cần từ giữa tháng 7-1941. Ban

đầu là giải pháp tạm thời giải quyết nơi làm việc cho Cục Chiến tranh.

Sự phát triển nhanh chóng của Cục Chiến tranh mở ra tầm nhìn mới về lối kiến trúc đơn

là nơi làm việc cho tất cả các bộ phân, đối lập lối kiến trúc đa cá thể thịnh hành thời bấy giờ.

Quốc hội Mỹ, mặc dù lo ngại về chi phí cho công trình nhưng do sự cấp thiết can thiệp quân sự

vào khu vực Châu Âu và Viễn Đông, ngày 14-8-1941 đã thông qua ngân sách khoảng 83 triệu

USD để xây dựng trụ sở mới cho Cục Chiến tranh.

Lầu Năm góc được khởi công xây dựng ngày 11 -9-1941.

Vị trí đầu tiên được chọn để xây dựng Lầu Năm góc là trang trại A-linh-tơn, nằm lọt giữa

năm đường cao tốc hợp với một tòa nhà kiến trúc hình khối năm cạnh. Sau đó do lo ngại sự

xuất hiện của tòa nhà ảnh hưởng quang cảnh của Oa- sinh-tơn, Tổng thống Mỹ thời bấy giờ,

ông Ru-dơ-ven quyết định dời vị trí xây dựng cách đó 314 dặm (1.200 m) bên bờ sông Pô-tô-

mác. Vị trí được chọn gồm khu vực sân bay Hu-vơ, một số nhà máy và khu dân cư nghèo.

Thiết kế cuối cùng theo lối kiến trúc tân cổ, gồm một sân ngoài trời bao bọc bởi năm

hành lang tạo hình khối năm cạnh. Tòa nhà được xây dựng bằng bê-tông cốt thép với khối

lượng 380.000 tấn cát lấy từ sông Pô-tô-mác và 41.492 trụ bê-tông, mang bóng dáng kiến trúc

tòa nhà Quốc hội Mỹ, tiết kiệm được thép để đóng mới một chiếc tàu chiến. Lúc cao điểm của

quá trình xây dựng, tới 1.000 kiến trúc sư và 14.000 công nhân làm việc. Thời gian làm việc chia

làm ba ca trong 24 giờ. Chỉ 16 tháng sau ngày khởi công vào 15-1-1943 Lầu Năm góc đã hoàn

thành.

Lầu Năm góc được xây dựng trên diện tích 34 ha trong đó có 5 ha sân trung tâm, gấp

năm lần diện tích tòa nhà Quốc hội, có tổng diện tích sử dụng hơn 600 nghìn m2, có 7.754 cửa

sổ, tổng chiều dài các hành lang hơn 28 nghìn mét. Mặc dù rộng mênh mông như vậy nhưng chỉ

cần 7 phút đi từ góc này sang góc kia của tòa nhà.

Cơ quan bảo vệ Bộ Quốc phòng (DPS) hoạt động 24/24 giờ, chịu trách nhiệm hướng dẫn

và giải quyết các tình huống khẩn cấp như cung cấp dịch vụ y tế, cứu hỏa, tai nạn giao thông,

chống tội phạm... trong tòa nhà. Các phương tiện, dịch vụ và các thông tin về cứu hỏa được lắp

đặt ở các vị trí dễ nhận biết dọc các hành lang. Nhân viên cứu hỏa luôn ở trạng thái sẵn sàng.

Thông tin về sơ tán khẩn cấp và bản đồ các hướng sơ tán đều có trong tất cả phòng làm việc tại

toà nhà.

Kể từ năm 1943 đến nay Lầu Năm góc đã qua ba lần sửa sang lớn và xây dựng thêm. Lầu

Năm góc cũng là một điểm thu hút khách du lịch Mỹ cũng như nước ngoài. Chương trình du lịch

Lầu Năm góc được bắt đầu từ ngày 17-5-1976, hằng năm thu hút khoảng100.000 du khách.

Năm 1996, Lầu Năm góc đón vị khách thứ hai triệu.

(Báo Nhân Dân).

II. NHỮNG CUỘC CHIẾN MỸ ĐÃ THAM GIA

Kể từ cuộc tổng tuyển cử năm 1789 đưa Gioóc-giơ Oa-sinh-tơn lên làm vị tổng thống đầu

tiên cho đến nay, Mỹ đã nhiều lần đem quân đi đánh ở nước ngoài, trong đó có 27 lần có quy

mô lớn..

Từ năm 1789 tới chiến tranh thế giới lần thứ hai 1945, Mỹ đã tiến hành 7 cuộc chiến

tranh lớn sau đây:

1- Cuộc chiến Mỹ - Anh (năm 1812): Khi bùng nổ cuộc chiến do Na-pô-lê-ông khởi xướng, một

tàu buôn Mỹ bị hải quân Anh đánh đắm, Mỹ đã gửi tàu chiến đến trả đũa. Sau đó, tàu Mỹ cũng

đã đụng trận với tàu chiến của Na-pô-lê-ôn.

2- Chiến tranh Mỹ – Mêxicô (1846 - 1848): Xung đột do tranh chấp biên giới. Các trận đánh nhau

dữ dội diễn ra tại vùng biên giới Mỹ - Mêxicô. Phần thắng nghiêng về phía Mỹ.

3- Chiến tranh Mỹ - Tây Ban Nha (1989): Một vụ nổ bí mật xảy ra trên tàu chiến Mỹ đang neo đậu

tại cảng Havana. Cho Tây Ban Nha là kẻ chủ mưu, Mỹ đã đưa quân đến đánh.

4- Ni-ca-ra-goa (1912 - 1933): Vì muốn đòi nợ, Mỹ tiến quân chiếm đóng Ni-ca-ra-goa. Đến năm

1933, vì bị thế giới và nhân dân Ni-ca-ra-goa phản đối kịch liệt nên Mỹ đã rút quân.

5- Ha-i-ti (1915): Mỹ đưa quân đến Hai-i-ti để "dạy cho Hai i ti một bài học về dân chủ", sau

đó ở lại suốt 19 năm.

6- Thế chiến I (1914 - 1918): Từ 6 - 4 -1917, Mỹ thật sự tham gia chiến đấu với Đức. Có khoảng

114.000 lính Mỹ thiệt mạng.

7- Thế chiến II (1939 - 1945): Mỹ tham chiến từ 8-12-1941 sau khi Nhật đánh Trân Châu cảng.

300.000 lính Mỹ chết.

Từ năm 1945 quân Mỹ đã tham chiến ở nhiều vùng trên thế giới, gồm ở Địa Trung Hải,

Cận Đông, châu Phi, Á, Mỹ La tinh. Dưới đây là 20 chiến dịch lớn nhất của quân đội Mỹ sau

chiến tranh thế giới thứ hai:

1- Triều Tiên (1950-1953): Dưới danh nghĩa Liên hợp quốc, Mỹ đưa quân đến giúp Nam Triều

Tiên. 33.000 lính Mỹ chết.

2- Kênh đào Xuy-ê ở Ai Cập (1956): Suốt cuộc khủng hoảng, Mỹ đưa Hạm đội 6 với 2.500 quân,

liên minh với Pháp, Anh và Ixraen, cho đến khi bị tẩy chay về nước.

3- Lêbanon (1958): 3.200 lính thuỷ đánh bộ Mỹ đến chiếm Lêbanon với chiêu bài bảo vệ

người Mỹ ở đây.

4- Cu Ba (4-1961): Quân Mỹ âm mưu tiến vào vùng He-ron của Cu Ba nhằm lật đổ chủ tịch

Phi đen Cat-xtơ-rô nhưng đã thất bại.

5- Việt Nam (1965-1973): Chiến tranh Việt Nam. Đây là cuộc chiến tranh Mỹ sử dụng nhiều

binh lính nhất từ sau Thế chiến thứ hai. Sau khi thất bại, phải rút quân về nước, Mỹ mất khoảng

55.000 binh sĩ.

6- Cộng hoà Đô-mi-ni-ca (1965): 30.000 lính Mỹ đã chết tại Xan-to Đô-mi-gô.

7- Lào (1946-1973): Chiến dịch quân sự Mỹ chống lại Mặt trận Pa thét Lào ở Lào.

8- Iran (1980): Mỹ dùng trực thăng thả biệt kích xuống sứ quán Mỹ ở Tê- hê-ran để giải

thoạt 52 con tin người Mỹ bị cầm giữ.

9- Lêbanon (1983): Tổng hành dinh lính Mỹ ở Beirut bị đánh bom, 239 lính Mỹ thiệt mạng. Từ

Si-ri, Mỹ đổ quân qua để uy hiếp quân khủng bố.

10- Grê-na-đa (1983): Sau khi phe cánh tả ám sát thủ tướng Grê-na-đa, Mỹ đưa 1.900 quân

đến. Phe cánh tả rút vào rừng. Mỹ dàn quân ở vùng biển Ca-ri-bê.

11- Li-bi (4-1986): Dưới chiêu bài chống khủng bố, sau cuộc cấm vận kinh tế, Mỹ tiến hành

những hoạt động quân sự chống Li-bi, đánh bom Tri-pô-li và Ben-ga-di.

12- Pa-na-ma (12-1989): Vì cho là tướng Antonio Noriega buôn lậu ma tuý vào Mỹ, Mỹ đã đưa

quân vào Pa na ma bắt Noriega đem về Mỹ xử.

13- Vùng Vịnh Pép-xích (1991): Từ tháng 8 năm 1990, Mỹ mở chiến dịch quân sự "Bão táp sa

mạc" tiến đánh Irắc, đến đầu năm 1991 coi như chiến thắng.

14- Sô-ma-lia (1992 - 1994): Mỹ tiến quân vào Somalia năm 1992. Đến năm 1994, khi đài CNN

quay và chiếu cảnh một lính Mỹ bị giết chết, bị trói rồi léo lê trên đường phố, vì dân chúng biểu

tình phản đối nên Mỹ phải rút quân khỏi Sô-ma-lia.

15- Irắc: Ngày17-1-1993: Mỹ tấn công tên lửa vào bộ chỉ huy tình báo Irắc ở Bát-đa để đáp trả

cái gọi là kế hoạch ám sát Tổng thống Bu-sơ (cha) của Irắc.

16- Ha-i-ti (1994): Dưới danh nghĩa Liên hợp quốc, Mỹ đổ quân vào Hai-i-ti giúp Tổng thống

Giên A-ri-stai nắm quyền.

17- Bô-xnia (1995): Để giúp hai phe Hồi giáo và Croat, máy bay Mỹ ném bom phe người Xéc-

bia ở Bô-xnia.

18- Irắc (3-9-1996): Mỹ tấn công tên lửa có cánh vào Irắc sau khi quân Irắc tấn công người

Quốc ở bắc I rắc.

19- Áp-ga-ni-xtan và Xu-đăng (1998): Với danh nghĩa chống khủng bố (lúc đó Bin Lađen đang ở

tại áp-ga-ni-xtan), Mỹ bắn hoả tiễn vào áp-ga-ni-xtan và Xu-đăng khiến nhiều người chết và bị

thương.

20- Nam tư (1999): Quân Mỹ với NATO công khai giúp phe người gốc An-ba-ni ở Kô-sô-vô.

Sau đó họ ném bom và bắn hoả tiễn tàn phá Nam Tư.

(Tuổi trẻ 21-9. Theo Izvestia và Công an tp HCM, theo China Post)

III. NHỮNG VỤ TẤN CÔNG LỚN VÀO MỸ

1. Tháng 4 năm 1983: Đánh bom vào toà Đại sứ quán Mỹ ở thủ đô Bây-rút (Li Băng) làm 63

người thiệt mạng, trong đó có 17 quân nhân Mỹ.

2. Tháng 10 năm 1983: Bộ chỉ huy quân sự Mỹ tại Li Băng bị đánh bom làm 241 quân Mỹ và 58

người khác bị thiệt mạng.

3. Tháng 4 năm 1985: Đánh bom vào một căn cứ quân sự Mỹ tại Rê-an Ma-đrít (Tây Ban Nha)

làm 18 người chết và 82 người bị thương.

4. Tháng 6 năm 1985: Một máy bay của hãng hàng không TWA bị bắt cóc ở Bây rút và khủng

bố bắn chết 6 người Mỹ trong một quán cà phê ở Xan Xan-va-đo (En Xan-va-đo).

5. Tháng 8 năm 1985: Đánh bom vào căn cứ quân sự Mỹ tại Phrăng phuốc (Đức) làm 2 người

thiệt mạng và 20 người bị thương.

6. Tháng 11 năm 1985: Không tặc tấn công những hành khách là người Mỹ trên máy bay của

hãng Hàng không Ai Cập (Egyptair) làm 60 người chết.

7. Tháng 12 năm 1985: Văn phòng hàng không của Mỹ và Ixraen bị tấn công cùng lúc ở Rôma

(I ta ly a) và Viên (áo) làm chết 20 người.

8. Tháng 4 năm 1986: Một nhà hàng ở Béc-lin (Đức) bị tấn công làm 1 lĩnh Mỹ chết, 44 lính

Mỹ bị thương.

9. Tháng 12 năm 1988: Chiếc máy bay hành khách cỡ lớn Bô-ing 747 của Mỹ bị đánh bom trên

bầu trời Lốc-cơ-bi (Xcốt-len) làm 259 người thiệt mạng.

10. Tháng 2 năm 1993: Toà nhà Trung tâm Thương mại Thế giới (WTC) cao 110 tầng ở Niu-

Yoóc lần đầu tiên bị đánh bom làm 6 người chết và hơn 1.000 người bị thương.

11. Tháng 4 năm 1995: Toà nhà Liên bang ở Ô-cla-hô-a (Mỹ) bị một xe tải thuốc nổ đánh vào

khiến 168 người thiệt mạng, hàng trăm người khác bị trọng thương.

12. Tháng 7 năm 1996: Đánh bom căn cứ quân sự Mỹ ở Khô-rơ-ba (Arập Xê-út) làm 19 lính

Mỹ chết và 400 người bị thương.

13. Tháng 7 năm 1996: Một buổi hoà nhạc ngoài trời tại Thế vận hội Ôlympíc át-lan-ta (Mỹ)

làm 2 người chết và 110 người bị thương.

14, Tháng 6 năm 1998: Toà Đại sứ Mỹ tại Bây rút (Lêbanon) bị tấn công bằng hoả tiễn.

15. Tháng 8 năm 1998: 2 toà Đại sứ quán Mỹ ở Kê-nia và Tan-da-nia đồng loạt bị đánh bom

làm hơn 260 người chết và hơn 5.000 người bị thương.

16. Tháng 2 năm 2000: Một vụ nổ xảy ra phía sau toà nhà 40 tầng của ngân hàng Ba-clay ngay

góc phố Uôn, Niu-Yoóc.

17. Tháng 10 năm 2000: Tầu tuần dương USS Col của Hải quân Mỹ đang đậu trong cảng A-đen

tại Y-ê-men bị đánh bom làm 17 lính Mỹ thiệt mạng, tàu hỏng nặng.

Theo Hương Giang và V.P.L

IV. DƯ LUẬN XUNG QUANH SỰ KIỆN 11 THÁNG 9

1. Hai bài viết của nhà văn nữ Ấn Độ Arundhati Roy

Nhà văn nữ Ấn Độ A-run-ha-ti Roi, tác giả cuốn "Chúa trời của những điều vụn vặt" - gần

đây lại trở nên nổi tiếng hơn nữa với hai bài bình luận về cuộc chiến của Mỹ tại Áp-ga-ni-xtan.

Hai bài bình luận này đang trở nên nổi tiếng khắp thế giới và được in trên trang nhất của nhiều

tờ báo lớn các nước phương Tây, được truyền tay rộng rãi ở Anh và Mỹ, gây tranh cãi gay gắt

ngay trong lòng các nước này.

Sinh năm 1961 ở Ben-gát, năm 1997, A-run-ha-ti Roi là người phụ nữ Ấn độ đầu tiên đoạt

giải văn học Anh Búc-cơ Mc Con-neol với tác phẩm Thượng đế của những điều vụn vặt. Ở tuổi ngoại

30, chị còn được tạp chí People bầu là một trong 50 người đẹp nhất thế giới năm 1998.

Văn nghệ Trẻ đã đặt đầu đề và đăng hai bài viết nói trên trên hai số báo. Chúng tôi xin

đăng lại cả hai bài viết trong cuốn sách này để bạn đọc tham khảo.

BÀI THỨ NHẤT: NHỮNG CÂU HỎI DÀNH CHO NƯỚC MỸ

Cần bao nhiêu người Irắc chết để thế giới tốt đẹp hơn ? bao nhiêu mạng người Áp-ga-ni-

xtan trả cho một mạng người Mỹ? Bao nhiêu mạng phụ nữ và trẻ em cho một mạng đàn ông ?

Bao nhiêu người Mu-gia-hi-đen chết để bù cho một mạng nhà đầu tư ngân hàng?

Thế là chúng ta đang có đây. Sự phân biệt lập lờ giữa văn minh và man rợ, giữa "tàn sát

những người vô tội", như bạn muốn, sự va chạm của các nền văn minh" và "sự đền bù thiệt

hại". Và đây là tính nguỵ biện và đỏng đảnh của Công lý không biên giới.

Sau vụ tấn công cảm tử vào Lầu Năm góc và Trung tâm Thương mại Thế giới, một phát

thanh viên Mỹ nói "Thiện và ác chưa bao giờ lộ rõ mình như thế. Những người chúng ta không

biết, tàn sát những người chúng ta biết với sự hân hoan đáng khinh bỉ", anh khuỵu xuống và

khóc.

Và đây là sự đỏng đảnh: nước Mỹ đang gây chiến với những người họ không biết (bởi vì

họ không xuất hiện nhiều trên TV). Trước khi thực sự biết rõ danh tính hay hiểu bản chất của kẻ

thù, chính phủ Mỹ đã vội vàng lập một "Liên minh quốc tế chống khủng bố", huy động sức

mạnh của hải quân, không quân, báo chí và buộc chặt cam kết với chiến tranh.

Vấn đề là khi nước Mỹ đã bắt đầu trận chiến, họ có thể phải quay về tay không. Nếu

không tìm thấy kẻ thù, thì họ sẽ phải tự tạo ra. Một khi chiến tranh bắt đầu, nó sẽ tự đưa ra

động lực, chính nghĩa và logic của riêng nó. Chúng ta sẽ quên mất lý do ban đầu của chiến

tranh.

Nước Mỹ đang đánh lại ai ? vào ngày 20 tháng 9, khi FBI nói họ bắt đầu có nghi ngờ về

danh tính một số tên không tặc thì Tổng thống Busơ nói: "Chúng tôi biết rõ những kẻ này là ai

và chính phủ nào ủng hộ chúng". Cứ như thể Tổng thống Mỹ biết những điều mà FBI và công

chúng Mỹ không biết vậy.

Tại sao có ngày 11-9?

Trong bài diễn văn trước Quốc hội ngày 20 tháng 9, Tổng thống Busơ nói. " Người Mỹ hỏi

tôi tại sao chúng căm thù chúng ta? Chúng căm thù nền tự do, tự do tín ngưỡng, tự do báo chí,

tự do bầu cử, tự do đồng ý và không đồng ý với nhau". Về chiến lược quân sự và kinh tế, sẽ là

rất quan trọng cho chính phủ Mỹ để thuyết phục công chúng Mỹ rằng chính tư tưởng tự do,

dân chủ và lối sống Mỹ đang bị tấn công. Trong nỗi đau đớn và giận dữ, quan điểm này dễ được

chấp nhận.

Nhưng nếu đúng như thế, thì tại sao hai biểu tượng quyền lực kinh tế và quân sự Mỹ lại

bị tấn công. Tại sao không phải là tượng nữ thần Tự Do? Có lẽ nên đặt giả thuyết rằng chiếc rễ

cái của vụ tấn công không phải là nền tự do và dân chủ Mỹ, mà là những thành tích của chính

phủ Mỹ trong việc hỗ trợ những điều hoàn toàn ngược lại - khủng bố quân sự và kinh tế, nổi

loạn, độc tài quân sự, tôn giáo mù quáng và diệt chủng bên ngoài nước Mỹ.

Thật đau khổ cho người dân Mỹ bình thường khi họ ngước nhìn thế giới với đôi mắt đầy

lệ và bắt gặp điều họ cho là sự băng giá đến không thể hiểu nổi của lòng người. Thực ra đó là sự

tất yếu đã có điềm báo trước. Điều gì đến sẽ phải đến. Người Mỹ nên hiểu rằng không phải họ,

mà là chính sách của chính phủ họ, bị thù ghét đến thế. Họ không nên nghi ngờ rằng các nhạc sĩ

tài ba, các nhà văn, diễn viên, vận động viên và điện ảnh của họ được cả thế giới đón chào. Tất

cả chúng ta đều xúc động trước sự dũng cảm của những người lính cứu hoả, cứu hộ và những

người tiếp tục đi làm sau vụ tấn công.

Nỗi đau của người Mỹ thật lớn lao. Và sẽ là nực cười nếu cố đo đếm nó. Nhưng thật tiếc

là thay vì biến nỗi đau này thành cơ hội để cố hiểu tại sao lại có ngày 11 tháng 9, thì Mỹ lại dùng

nó thành cớ để chiếm đoạt sự thương xót của toàn thế giới và tự trả thù. Vì thế nếu chúng ta

đặt các câu hỏi hóc búa và nói những điều khó nghe với họ, chúng ta sẽ bị ghét, bị bỏ lơ và sau

cùng là sự câm lặng.

Ai đã tạo ra Bin Lađen?

Ai đó nói rằng Bin Lađen không tồn tại. Nước Mỹ hẳn đã bịa ra ông ta. Dù sao thì chính

nước Mỹ đã tạo ra Bin Lađen. Ông ta là một trong những người Jihad rời đến Áp-ga-ni-xtan năm

1979 khi CIA bắt đầu hoạt động. Ô-xa-ma Bin Lađen được CIA tạo ra và bị FBI săn đuổi. Chỉ

trong hai tuần, ông ta từ một kẻ bị tình nghi, thành tình nghi số một, rồi dù thiếu chứng cứ, vẫn

bị tuyên bố săn lùng dù chết hay sống.

Nhiều người Mỹ vẫn lờ mờ không biết Áp-ga-ni-xtan ở đâu trên bản đồ thế giới. Nhưng

chính phủ Mỹ và Áp-ga-ni-xtan là chỗ bạn bè cũ. Năm 1979, sau khi Liên xô tiến quân vào Áp-ga-

ni-xtan, CIA và tình báo Pa-kít-xtan tiến hành chiến dịch lật đổ lớn nhất trong lịch sử CIA. Nhằm

tạo một cuộc thánh chiến trong các nước Hồi giáo thuộc Liên Xô cũ chống lại chế độ cộng sản,

CIA tài trợ và tuyển dụng hơn 1 triệu người Hồi giáo Mu-gia-hi-đen từ 40 nước Hồi giáo thành

lính chiến. Thật nực cười là nước Mỹ không hề nhận ra họ đang cung cấp tài chính cho cuộc

chiến tranh chống lại chính họ trong tương lai.

Năm 1989, quân Liên Xô rút khỏi cuộc chiến đẫm máu. Nội chiến vẫn tiếp tục, lan tới tận

Trét-xnhia, Kô-sô-vô và Cát-xmia. CIA vẫn tiếp tục đổ tiền và vũ khí vào, nhưng không đủ. Lính

Mujahideenn ra lệnh cho nông dân trồng thuốc phiện như một loại ‘‘thuế cách mạng". Tình báo

Pa-kít-xtan lập hàng trăm phòng chế biến Hêrôin khắp Áp-ga-ni-xtan. Sau 2 năm CIA đến, biên

giới Pa-kít-xtan, Áp-ga-ni-xtan biến thành nơi sản xuất ma tuý lớn nhất thế giới và là nơi cung

cấp lớn nhất cho những đường phố Mỹ. Lợi nhuận hàng năm là 100 và 200 tỉ đô la, được đưa

trở lại nuôi dưỡng quân đội.

Năm 1995, quân cực đoan Ta-li-ban lên nắm quyền. Chính quyền này được nhiều đảng

phái của Pa-kít-xtan ủng hộ. Nạn nhân đầu tiên là dân chúng, đặc biệt là phụ nữ. Đóng cửa các

trường nữ sinh, sa thải phụ nữ khỏi các vị trí trong chính phủ, thực hiện luật Sharia cho phép

ném đá đến chết những phụ nữ "thiếu đạo đức" và chôn sống phụ nữ goá ngoại tình.

Điều gì mỉa mai hơn khi Mỹ và Nga lại bắt tay nhau tàn phá lại Áp-ga-ni-xtan ? Liệu có thể

tàn phá được đống đổ nát ? Ném thêm bom vào Áp-ga-ni-xtan chỉ làm rung động những ngôi

mộ cũ và làm phiền những xác chết.

Vậy Bin Lađen là ai ? hay để tôi sửa lại, Bin Lađen là gì ? Ông ta là bí mật của gia đình Mỹ,

bóng ma của tổng thống Mỹ, người em sinh đôi man rợ của những điều dự định là đẹp đẽ và

văn minh. Ông ta được tạo ra từ chiếc xương sườn của một thế giới thải ra từ chính sách ngoại

giao Mỹ: nền ngoại giao tàu chiến, kho vũ khí hạt nhân, sự coi thường sinh mạng không phải là

người Mỹ, sự can thiệp quân sự tàn bạo, sự ủng hộ những chế độ độc tài diệt chủng, lịch trình

kinh tế nhai nuốt không thương tiếc nền kinh tế của các nước nghèo như những đám mây châu

chấu, những công ty xuyên quốc gia cướp bóc không khí chúng ta thở, đất chúng ta đứng, nước

chúng ta uống và những ý tưởng chúng ta nghĩ.

Bây giờ gia đình này đã chia rẽ. Tên lửa Stin-gơ đang chào đón máy bay Mỹ là của CIA

cung cấp, hê-rô-in người Mỹ dùng là từ Áp-ga-ni-xtan, chính quyền Mỹ gần đây còn cho Áp-ga-

ni-xtan một khoản 43 triệu đô la giúp "chống ma tuý". Bây giờ hai bên còn mượn từ ngữ của

nhau nữa. Cả hai đều tả nhau là "đầu của con rắn". Cả hai đều viện đến Chúa,Thiện và ác. Cả hai

đều trang bị vũ khí nguy hiểm. Một có kho vũ khí hạt nhân tối thượng, một có sức mạnh hủy

diệt của sự tuyệt vọng. Như quả cầu lửa và mũi tên băng. Điều duy nhất chắc chắn là không có

bất cứ một sự nhún nhường nào từ hai phía.

Mạng sống của người dân - Thứ duy nhất được đem ra đặt cược

Năm 1996, một đài truyền hình quốc gia Mỹ hỏi ngoại trưởng Me-đơ-lin Ôn-brai có cảm

giác gì về việc 5 triệu trẻ em Irắc chết vì lệnh cấm vận của Mỹ. Bà trả lời: "Đó là một lựa chọn

khó khăn" nhưng tất cả đã được đưa lên bàn cân. "Chúng tôi nghĩ cái giá phải trả là xứng đáng".

Bà Ôn-brai chẳng bao giờ mất việc vì nói như thế. Bà tiếp tục đi du ngoạn khắp thế giới, tuyên

truyền quan điểm và khát vọng của Chính phủ Mỹ. Và lệnh cấm vận Irắc vẫn có hiệu lực. Trẻ em

tiếp tục chết.

Như chúng ta xem mải mê trên TV, những sức mạnh lớn nhất trên thế giới hợp lực chống

lại một trong những đất nước nghèo nhất, lạc hậu nhất, bị chiến tranh tàn phá nhất. Áp-ga-ni-

xtan, nơi chứa chấp Ô-xa-ma Bin Lađen, kẻ bị coi chịu trách nhiệm trong vụ khủng bố 11 tháng

9.

Thứ duy nhất ở Áp-ga-ni-xtan có thể coi là giá trị đặt cược là mạng sống người dân (có

nửa triệu trẻ mồ côi tàn tật). Nền kinh tế Áp-ga-ni-xtan cực kỳ bi bét. Một khó khăn cho quân

tấn công là hầu như chẳng có chỗ nào có thể đánh dấu trên bản đồ - không thành phố lớn,

đường cao tốc, không nhà máy- nông trại thành mồ chôn tập thể, hơn 10 triệu trái mìn chôn

dưới đất thôn quê. Quân Mỹ phải phá mìn và xây đường mới đưa được quân vào.

Hơn 1 triệu người đã rời bỏ nhà cửa đến biên giới Pa-kít-xtan. Đài BBC nói một trong

những bi kịch nhân đạo lớn nhất thời nay đã bắt đầu. Hãy nhìn công lý của thời nay. Những

người dân thường chết đói, trong lúc chờ bị giết. Giết dân thường Áp-ga-ni-xtan, Mỹ chỉ giúp

quân Ta-li-ban có thêm động lực.

Ở Mỹ, người ta nói đến chuyện ném bom để biến Áp-ga-ni-xtan trở về thời đồ đá. Ai đó

còn hoan hỉ đưa tin rằng Áp-ga-ni-xtan đã đang ở thời đó rồi, nước Mỹ chỉ giúp thêm một chút

mà thôi.

Xoá sổ khủng bố bằng bạo lực và áp bức?

Chiến dịch Công lý không biên giới khoác vẻ ngoài là bảo vệ lối sống Mỹ. Nó có thể phá

sản hoàn toàn và đẻ thêm lòng căm thù và khủng bố trên khắp thế giới. Đối với người Mỹ bình

thường, điều này có nghĩa là sống trong một thế giới lo lắng phát sợ. Con tôi có a n toàn ở

trường không? Có hơi cay trong đường tàu điện ngầm? Một quả bom trong rạp phim? Người

yêu của tôi có trở về tối nay? CNN liên tục cảnh báo về nguy cơ chiến tranh sinh học - đậu mùa,

bệnh than… bị hạ gục ít một có khi còn tệ hơn bị huỷ diệt cùng lúc vì bom nguyên tử.

Thật nực cười khi chính phủ Mỹ đùa chơi rằng có thể xoá sổ khủng bố bằng bạo lực và áp

bức. Khủng bố là triệu chứng, không phải căn bệnh. Khủng bố không có đất nước. Nó xuyên

quốc gia, toàn cầu hoá như Coca Cola hay Nike vậy. Khi có vấn đề, khủng bố có thể rút cổ phần

và dời nhà máy từ nước này sang nước khác. Khủng bố là hiện tượng không bao giờ mất. Nếu

nó bị chặn lại, bước đầu cũng để nhắc nhở nước Mỹ ít nhất cũng nên nhận ra rằng họ chia xẻ

hành tinh với những nước khác, những con người khác, dù không xuất hiện trên TV, nhưng

cũng có tình yêu và đau khổ, có những câu chuyện và bài hát, nỗi buồn và quyền sống riêng của

họ. Thế mà khi Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Đô-nan Răm-sơ-phoeo được hỏi như thế nào là chiến

thắng trong cuộc chiến mới này, ông nói đó là khi người Mỹ được tiếp tục lối sống của họ.

Vụ tấn công ngày 11 tháng 9 là thông điệp kỳ quái từ một thế giới đi sai đường khủng

khiếp. Nó có thể được Bin Lađen viết (ai mà biết được) và lính của ông ta thực hiện, nhưng cũng

có thể được những bóng ma của các cuộc chiến tranh cũ ký cùng.

Hàng triệu người chết ở Triều tiên, Việt Nam và Cămpuchia. 17.500 người bị giết khi

Ixraen, được sự ủng hộ của Mỹ, tấn công Liban năm 1982. Hai triệu người Irắc bị giết trong

chiến dịch Bão táp sa mạc, hàng nghìn người Pa-lét-xtin chết vì chống lại sự chiếm đóng của

Ixraen ở dải Gaza, và hàng triệu người nữa, ở Nam Tư, Xô-ma-li, Hai-i-ti, Chilê, Ni-ca-ra-goa, En

Xan-va-đo, cộng hoà Đô-mi-ni-ca, Pa-na-ma, dưới bàn tay của những kẻ khủng bố, độc tài và

diệt chủng được Mỹ ủng hộ, đào tạo và cung cấp vũ khí. Danh sách này còn lâu mới là cuối

cùng. Đối với một đất nước tham gia vào quá nhiều chiến tranh như thế, nước Mỹ quả là may

mắn. Cuộc tấn công ngày 11 tháng 9 chỉ là lần thứ hai trên đất Mỹ trong 1 thế kỷ qua. Trận đầu

là Trân châu cảng, với sự trả đũa kéo dài và kết thúc bằng Hi-rô-si-ma và Na-ga-sa-ki. Lần này cả

thế giới lại nín thở chờ đợi những thảm hoạ tiếp diễn.

Trần Lệ Thuỳ lược dịch

BÀI THỨ HAI:

GÂY CHIẾN TRANH CÓ PHẢI LÀ CÁCH TỐT NHẤT

Không gì bào chữa được cho một hành động khủng bố

Khi bóng đêm thẫm xuống Áp-ga-ni-xtan chủ nhật ngày 7 tháng 10, chính phủ Mỹ được

hậu thuẫn của Liên minh quốc tế chống khủng bố (một tổ chức mới, chịu trách nhiệm đại diện

thay Liên hợp quốc) mở màn cuộc tấn công trên không vào Áp-ga-ni-xtan. Các kênh truyền hình

nhấp nháy những hình ảnh vi tính hóa của tên lửa, bom, tômahốc và tên lửa phá boongke. Khắp

thế giới, những con người bé nhỏ xem lồi cả mắt và ngừng kêu la đòi trò chơi điện tử mới. Liên

hợp quốc, bây giờ giảm xuống thành hai chữ viết tắt bất lực, thậm chí còn chẳng được đề nghị

đứng tên cho cuộc chiến này.

(Như nguyên Ngoại trưởng Mỹ Ma-đơ-lin Ôn-brai một lần đã nói "Chúng ta sẽ hành động

đa phương khi có thể, và đơn phương khi cần thiết"). "Chứng cớ" để buộc tội những kẻ khủng

bố được chia xẻ giữa những người bạn trong liên minh. Sau khi bàn bạc, họ tuyên bố rằng đưa

chứng cớ này ra một tòa án hay không không quan trọng. Thế là luật pháp được xây dựng bao

thế kỷ nay bị ném vào sọt rác.

Không có gì giải thích được cho một hành động khủng bố, dù nó do những nhóm tín

ngưỡng, quân đội, kháng chiến nhân dân hay thậm chí được khoác áo trả thù bởi một chính

phủ được thừa nhận. Hành động ném bom Áp-ga-ni-xtan không phải trả thù cho Niu-Yoóc và

Oa-sinh-tơn. Đó là một hành động khủng bố khác.

Mỗi người vô tội bị giết sẽ là con số thêm vào, chứ không phải giảm đi, con số nạn nhân

kinh khủng của Niu-Yoóc và Oa-sinh-tơn.

Cả hai bên, Mỹ và Áp-ga-ni-xtan, dân thường đều là con tin của hành động của chính phủ

họ. Cả hai bên đều chia xẻ một mối ràng buộc - họ phải sống trong một hiện tượng khủng bố

mù quáng, không dự đoán trước được. Mỗi chùm bom ném xuống Áp-ga-ni-xtan được trả lời

bằng nỗi hoảng sợ ngày càng tăng ở Mỹ về bệnh than, không tặc và hành động khủng bố.

Không có đường thoát dễ dàng khỏi bãi lầy khủng bố hiện nay. Đây là lúc để nhân loại

xích lại gần nhau, đào bới lại những sự thông thái xưa và nay. Điều xảy ra vào ngày 11 tháng 9

thay đổi thế giới vĩnh viễn. Những từ "tự do", "phát triển", "thịnh vượng", "công nghệ", "chiến

tranh" mang nghĩa mới.

Khi tuyên bố tấn công, Tổng thống Gioóc-giơ Busơ nói "Chúng ta là một nước yêu hòa

bình". Vị đại sứ yêu thích của nước Mỹ Tôn-ny Ble, (đồng thời kiêm chức Thủ tướng Anh) họa

theo "Chúng ta là những người yêu hòa bình".

Phát biểu ở đại bản doanh FBI vài ngày sau, Tổng thống Busơ nói "Đây là lời kêu gọi của

Hợp chủng quốc Hoa Kỳ. Đất nước tự do nhất thế giới. Một đất nước xây dựng trên những giá

trị cơ bản là loại bỏ căm thù, bạo lực, giết người và tội ác. Chúng ta sẽ không bao giờ mệt mỏi

làm những điều đó".

Đây là danh sách các nước mà Mỹ đã tham chiến và ném bom từ thế chiến hai: Trung

Quốc (1945 - 46, 1950 - 53), Triều Tiên (1950 - 53), Goan-tê-ma-la (1954, 1967 - 69), In-đô-nê-

sia (1958), Cu Ba (1959 - 60), Công-gô (1964), Pêru (1965), Lào (1964 - 73), Việt Nam (1961 - 73),

Cămpuchia (1969 - 70), Grê-na-da (1983), Libi (1986), En- Xan-va-đo (1980s), Nicaragoa (1980s),

Panama (1989), Irắc (1991 - 99), Bô-xnia (1995), Xu-đăng (1998), Nam Tư (1999). Và bây giờ,

Áp-ga-ni-xtan.

Tất nhiên là nước Mỹ "không mệt mỏi".

Nghiền một đống đổ nát thành bụi

Liên minh quốc tế chống khủng bố là phe của những nước giàu nhất thế giới. Họ sản xuất

và bán phần lớn vũ khí, nắm giữ phần lớn nhất các kho vũ khí hủy diệt - hóa học, sinh học và hạt

nhân. Họ tham chiến phần lớn các cuộc chiến tranh, chịu trách nhiệm về phần lớn các tội ác

diệt chủng, phân biệt chủng tộc và vi phạm nhân quyền trong lịch sử hiện đại. Họ ủng hộ, trang

bị vũ khí và tài chính cho vô số kẻ độc tài và bạo chúa. Với tất cả những tội ác kinh khủng đó của

họ, quân Ta-li-ban chỉ khác họ ở chỗ không nằm cùng trong liên minh thôi.

Quân Ta-li-ban được kết thành trên hoang tàn đổ nát, heroin và mìn trong cơn xoáy

chiến tranh lạnh. Những lãnh đạo cao tuổi nhất mới hơn 40. Nhiều người trong s ố họ bị tàn tật,

mất một mắt, một tay hay chân. Họ lớn lên trong một xã hội bị chiến tranh làm kinh hoàng và

hủy diệt.

Thanh niên trai tráng nhiều người là trẻ mồ côi dùng súng thay đồ chơi, không bao giờ

biết mùi an toàn và ấm áp của gia đình, không bao giờ biết về sự chăm sóc của một người phụ

nữ. Bây giờ họ là người lớn và kẻ thống trị, quân Ta-li-ban đánh đập, ném đá và hành hạ phụ

nữ. Họ dường như không biết có thể mang đến cho phụ nữ những điều gì khác nữa.

Những năm tháng chiến tranh đã lột bỏ sự dịu dàng và lòng trắc ẩn con người của họ.

Bây giờ họ quay tính cách quỹ dữ lại chính dân chúng của mình.

Với tất cả lòng kính trọng Tổng thống Busơ , nhân loại không phải chọn lựa giữa quân Ta -

li-ban và chính phủ Mỹ. Tất cả những gì đẹp đẽ của văn minh nhân loại - hội họa, âm nhạc và

văn học của chúng ta - đều nằm cách xa hai cực tư tưởng chính thống này. Vấn đề không phải là

Thiện và Ác, Hồi giáo hay Thiên chúa giáo mà là làm thế nào để bảo tồn sự đa dạng, ngăn sự

tiến tới bá chủ, cả về kinh tế, quân sự, ngôn ngữ, tín ngưỡng và văn hóa.

Một triệu rưởi người Áp-ga-ni-xtan mất mạng trong 20 năm qua. Áp-ga-ni-xtan đã biến

thành đống đổ nát, và bây giờ được nghiền thêm thành bụi. Vào ngày thứ hai của cuộc tấn công

không quân, phi công Mỹ quay về căn cứ mà không ném hết lượng bom đã định vì "Áp-ga-ni-

xtan không phải là nơi có nhiều mục tiêu". Trong một cuộc họp báo ở Lầu Năm góc, Bộ trưởng

quốc phòng Mỹ Đô-nan Răm-sơ-phoeo, trả lời khi được hỏi có phải quân Mỹ đã hết mục tiêu

tấn công hay không "Thứ nhất là chúng tôi sẽ tấn công lại các mục tiêu. Thứ hai là chúng tôi

không hết mục tiêu, Áp-ga-ni-xtan là..." cả phòng họp báo cười ồ.

Trên mặt đất, quân Liên minh Phương Bắc, kẻ thù cũ của Ta-li-ban, và bạn mới của liên

minh chống khủng bố - đang tiến dần về Ka-bun. (Thành tích của Liên minh Phương Bắc cũng

chẳng khác gì Ta-li-ban. Nhưng bây giờ vì bất tiện nên những chi tiết nhỏ nhặt ấy đã bị bưng

bít). Vị lãnh đạo ôn hòa, phải chăng của liên minh, A-nét Xát Ma-xút, đã bị ám sát đầu tháng 9.

Phần còn lại của liên minh là một nhóm tạp nham những chiến binh độc ác và thầy tu, một vài

người đã từng nắm quyền ở Áp-ga-ni-xtan.

Trước khi Mỹ tấn công, quân Liên minh Phương Bắc kiểm soát khoảng 5% lãnh thổ Áp-ga-

ni-xtan. Bây giờ, lực lượng này đang làm lung lay vị trí của Ta-li-ban. Lính Ta-li-ban cảm thấy sắp

bị thua, bắt đầu bỏ chạy sang Liên minh. Thế là hai lực lượng bận rộn thay đổi chỗ và thay quân

phục. Nhưng với một quân đội bất cần đạo lý như thế thì chẳng có gì là quan trọng.

Các thế lực hùng mạnh trên thế giới bắt đầu bàn về việc đặt ra một "chính phủ đại diện".

Hay đúng hơn là lập lại ngôi cho vị cựu vương Áp-ga-ni-xtan 89 tuổi Xa-híp Xát, người sống lưu

vong ở Italia từ năm 1973. Trò chơi tiếp diễn ủng hộ Sát-đam Hút-Xen, sau đó phế truất ông ta,

hỗ trợ tài chính cho lính Mojahedin, sau đó ném bom họ như thợ rèn quai búa, đặt Gia-hi Xát

lên ngôi xem có thành kẻ tốt hay không (Có thể đặt ra một chính phủ đại diện không? liệu người

ta có thể gọi món dân chủ - như thêm pho mát và hạt tiêu?).

Các bản báo cáo bắt đầu rò rỉ thông tin về số lượng dân thường bị chết, về các thành phố

bỏ hoang vì người Áp-ga-ni-xtan bỏ chạy đến các biên giới đã đóng cửa. Những con đường

huyết mạnh bị phá hủy. Những người từng làm việc ở Áp-ga-ni-xtan nói rằng đầu tháng 11 này,

những nhóm cứu trợ thực phẩm sẽ không thể tiếp cận được hàng triệu người Áp-ga-ni-xtan,

Liên hợp quốc nói là 7,5 triệu người sẽ bị chết đói trong mùa đông. Họ nói những ngày trước

mùa đông, chỉ có thể hoặc là chiến tranh, hoặc cố gắng đưa thức ăn cho người đói. Không thể

có cả hai cùng lúc.

Bom và bơ

Làm một cử chỉ ủng hộ nhân đạo, chính phủ Mỹ thả từ trên không 37.000 gói thức ăn cấp

cứu xuống Áp-ga-ni-xtan. Họ dự kiến thả 500.000 gói. Nó chỉ là một bữa ăn cho một nửa triệu

người trên bảy triệu người đang cần thức ăn khủng khiếp.

Các nhân viên cứu trợ chỉ trích rằng đây là một hành động độc ác, nguy hiểm, mang tính

tuyên truyền vì ném thức ăn từ trên không xuống còn tệ hơn cả sự vô ích.

Đầu tiên vì thức ăn chẳng bao giờ đến tay những người thực sự cần. Nguy hiểm hơn,

những người chạy đến nhặt có nguy cơ bị mìn nổ tung. Một sự bố thí đầy bi kịch.

Theo đúng quy định về ăn chay của người Hồi giáo, mỗi gói thức ăn màu vàng, có trang

trí cờ Mỹ, chứa cơm, bơ lạc, salát đậu, mứt dâu, nho, bánh mì, một bộ đồ ăn nhựa và hướng

dẫn sử dụng.

Thật là một sự lạc lõng văn hóa, một sai lầm cơ bản khi không hiểu ba năm chịu hạn hán

liên tục và những tháng năm dài bị đói gay gắt có nghĩa như thế nào. Chính phủ Mỹ còn định sử

dụng cảnh khổ cực hèn hạ này để tâng hình ảnh của mình lên nữa.

Thử quay ngược cảnh này lại. Hãy tưởng tượng chính phủ Ta-li-ban ném bom thành phố

Niu-Yoóc, luôn mồm nói rằng mục tiêu thực sự là chính phủ Mỹ và chính sách của họ. Thế là

giữa các cuộc ném bom, quân Ta-li-ban ném xuống một vài nghìn gói chứa thịt đà điểu Mỹ và

thịt nướng cuốn trong cờ Áp-ga-ni-xtan. Những người Niu-Yoóc có lương tâm có bao giờ tha

thứ cho chính phủ Áp-ga-ni-xtan? Thậm chí nếu như họ đói, họ cần thức ăn đó, họ ăn nó, thì có

bao giờ họ quên được sự sỉ nhục, sự hạ cố đó? Ru-đi Gui-li-a-ni, Thị trưởng Niu-Yoóc, đã trả lại

món quà 10 triệu đô la của một hoàng tử Ảrập vì nó kèm theo vài lời khuyên thân thiện về

chính sách của Mỹ với Trung Đông. Chẳng lẽ lòng tự hào là thứ xa xỉ chỉ những người giàu mới

có?

Chiến tranh và dầu lửa

Có một nhánh nữa trong truyền thống kinh doanh của gia đình này - Dầu lửa. Nên nhớ

rằng tổng thống Busơ con và phó tổng thống Đích Chen-ny đều giàu to nhờ ngành dầu lửa Mỹ,

Tổng thống Busơ gần đây khoe rằng “Khi tôi hành động, tôi không bắn một tên lửa giá 2

triệu đô la vào một cái trại rỗng giá 10 đô hay đâm vào đít một con lạc đà. Nó phải rất đúng

chỗ”. Nhưng ông Busơ nên biết rằng chẳng có mục tiêu nào ở Áp-ga-ni-xtan đủ giá trị tiền bạc

của các quả tên lửa của ông ta.

Có thể, để cân bằng tài chính, Tổng thống Busơ nên sản xuất tên lửa rẻ hơn cho các mục

tiêu rẻ hơn và sinh mạng rẻ hơn ở các nước ngoài. Nhưng như thế lại không có lợi cho các nhà

sản xuất vũ khí của liên minh chống khủng bố. Chẳng có lợi chút nào cho tập đoàn Cali - tập

đoàn cổ phần tư nhân lớn nhất thế giới với tài sản 13 tỉ đô la.

Caly đầu tư trong lĩnh vực quốc phòng và kiếm tiền từ những vụ đụng độ quân sự và tiêu

hao vũ khí.

Caly được quản lý bởi những bàn tay không chê vào đâu được. Cựu Bộ trưởng Bộ quốc

phòng Mỹ Phờ-ranh Ka-lu-s là chủ tịch và giám đốc điều hành. Ông còn là bạn cùng phòng thời

sinh viên của Đô-nan Răm-sơ-phoeo. Những đối tác khác của Caly là cựu Bộ trưởng ngoại giao

Jêm A Bây-cơ III, tỉ phú Gioóc-giơ So-rớt và Phờ-rét Ma-lếch (trưởng ban vận động bầu cử của

Busơ bố). Một tờ báo Mỹ còn nói Busơ bố từng tìm kiếm đầu tư cho tập đoàn Caly ở thị trường

Châu Á.

Ông ta đã được trả những khoản tiền không đếm được để giới thiệu những bạn hàng

tiềm năng của chính phủ. A ha, câu nói chán nhất lại là câu đúng nhất - tất cả cùng một gia đình.

Tuốc-mê-ni-xtan, có biên giới phía Tây Bắc Áp-ga-ni-xtan, có trữ lượng dầu lửa thứ ba

trên thế giới. Ước khoảng 6 tỉ thùng, đủ dùng cho nhu cầu năng lượng của Mỹ 30 năm hoặc vài

thế kỷ cho một nước đang phát triển. Mỹ luôn xem nguồn dầu lửa là vấn đề an ninh và bảo vệ

bằng mọi giá. Ít ai nghi ngờ rằng sự có mặt quân sự của Mỹ ở Vùng Vịnh liên quan nhiều đến

vấn đề nhân quyền mà hoàn toàn vì mối quan tâm dầu lửa chiến lược.

Dầu và gas từ vùng vịnh Cát-sơ-pia hiện đang chảy theo hướng bắc về phía thị trường

Châu Âu. Xét về góc độ địa lý và chính trị, Iran và Nga là hai trở ngại cho mối lợi của Mỹ. Năm

1998, Đích Chen-ny, lúc đó là giám đốc điều hành tập đoàn chính trong ngành dầu lửa Ha -li-bút-

tơn, nói “tôi không thể đoán trước được có lúc một khu vực lại bất ngờ nổi lên quan trọng về

mặt chiến lược như vùng Cát-sơ-pi. Dường như các cơ hội xuất hiện chỉ sau một đêm". Đúng

vậy.

Đã vài năm nay, tập đoàn dầu lửa Mỹ khổng lồ Iu-nô-cô đã đàm phán với quân Ta-li-ban

cho phép xây dựng một đường ống dẫn dầu chạy qua Áp-ga-ni-xtan, Pa-ki-xtan tới biển Ảrập.

Từ đó, Iu-nô-cô hy vọng chiếm được những thị trường đang nổi ở Nam và Đông Nam Á. Tháng

12 năm 1997, một nhóm giáo sĩ Hồi giáo đã đến Mỹ và gặp những quan chức chính phủ Mỹ và

Iu-nô-cô ở Hau-xtơn. Hồi đó, những vụ xử tử công khai và phân biệt đối xử với phụ nữ Áp-ga-ni-

xtan không được coi là tội ác chống loài người như bây giờ.

Và bây giờ, cơ hội lớn của ngành dầu lửa Mỹ đã đến.

Ở Mỹ, ngành buôn bán vũ khí, dầu lửa, mạng lưới truyền thông lớn và chính sách đối

ngoại do cùng những tập đoàn kinh doanh kiểm soát. Thế nên sẽ là ngu ngốc nếu chờ đợi

những điều liên quan đến súng và dầu lửa này được đưa trên những phương tiện thông tin đại

chúng.

Tên lửa thông minh không đủ thông minh

Thế còn phần còn lại của chúng ta, những kẻ vụng về nhận những điều mà chúng ta biết

là tuyên truyền vô lý. Những khách hàng hàng ngày của những lời nói dối và bôi nhọ trong bơ

lạc và mứt dâu được ném từ trên không xuống đầu chúng ta như những thức ăn trong gói màu

vàng. Chúng ta có nên ngoảnh đi và ăn vì chúng ta đói, hay chúng ta nhìn trừng trừng vào vở

kịch tàn nhẫn Áp-ga-ni-xtan cho đến khi cùng nôn oẹ và đồng thanh nói chúng ta đã có đủ?

Thay vì dẹp đi, sự trả thù này chỉ tạo thêm khủng bố. Lòng căm thù và sự trừng phạt

không bao giờ trở về lồng một khi đã được thả ra. Mỗi một “kẻ khủng bố” hay “kẻ ủng hộ

khủng bố” bị giết, thì hàng trăm người vô tội bị giết theo. Và mỗi trăm người vô tội bị giết, có

thể có vài kẻ khủng bố tương lai được tạo ra. Điều này không có nghĩa rằng những kẻ khủng bố

tổ chức vụ tấn công 11 tháng 9 không bị săn lùng và tính sổ.

Nhưng chiến tranh có phải là cách tốt nhất để tìm chúng? Đốt đống cỏ khô có thể giúp

tìm được không? Hay chỉ làm tăng thêm thịnh nộ và biến thế giới thành địa ngục?

Cuối cùng thì có thể điều tra được bao nhiêu người, đóng băng bao nhiêu tài khoản ngân

hàng, nghe trộm bao nhiêu cuộc trò chuyện, mở được bao nhiêu thư và e-mail, ghi âm được

bao nhiêu điện thoại? Thậm chí ngay trước 11 tháng 9, lượng thông tin CIA có được đã vượt

quá khả năng phân tích của con người. (Đôi khi, quá nhiều dữ liệu lại gây trở ngại cho tình báo -

ví dụ như các vệ tinh do thám Mỹ hoàn toàn bỏ qua hoạt động chuẩn bị thử vũ khí hạt nhân của

Ấn Độ năm 1998).

Sự giám sát rình mò tuyệt đối sẽ biến thành cơn ác mộng của quyền con người hay đạo

đức. Và tự do, điều quý giá đó, sẽ thành nạn nhân đầu tiên.

Thế là năm đầu tiên của thiên niên kỷ sắp kết thúc. Tôi băn khoăn không biết có phải

chúng ta đã đánh mất quyền được mơ ước? Chúng ta còn có thể ngắm sắc màu óng ánh của

một chú thằn lằn mới sinh dưới ánh mặt trời hay thì thầm trả lời một con mác mốt vừa thầm thì

vào tai ta mà không phải nghĩ đến Trung tâm Thương mại và Áp-ga-ni-xtan?

Hãy áp tai xuống đất, ta có thể nghe thấy tiếng đập ngày càng lớn của sự tức giận. Xin

làm ơn, làm ơn ngừng chiến tranh. Đã quá đủ người chết. Tên lửa thông minh không đủ thông

minh. Chúng đang làm nổ tung nhà kho của sự thịnh nộ bị kìm kém lại.

Trần Lệ Thuỳ (dịch)

2. Bình luận của Bưu điện Băng Cốc: (Bangkok Post)

MỸ SẼ PHẢI TRẢ GIÁ CHO THÓI ĐẠO ĐỨC GIẢ

Học giả Im-ti-a Mu-bin đã phê phán gay gắt thói đạo đức giả của Oa-sinh-tơn trên tờ Bưu

điện Băng Cốc (Bangkok Post):

"Trong khi tâm trạng háo hức lao vào cuộc chiến đang bao trùm nước Mỹ thì cộng đồng

quốc tế thực sự lại có cái nhìn thận trọng. Tuy rất đau buồn và cảm thông với những nạn nhân

vô tội tại Mỹ, cộng đồng quốc tế ngày càng lo ngại cuộc chiến của chính quyền Busơ có thể gây

nên chết chóc trên quy mô thế giới. Người Mỹ hầu như không biết tự xem xét lại mình để có

thể hiểu những chính sách và sai lầm của chính phủ nước mình đã góp phần gây ra thảm hoạ

như thế nào.

Các chế độ Hồi giáo như Irắc của Xa-đam Hút-xen, Iran của cựu quốc vương Sa-ha và chế

độ Ta-li-ban hiện nay thực tế là do CIA lập ra và ủng hộ trong thời kỳ chiến tranh lạnh, chứ

không phải ai khác. Nay chiến tranh lạnh chấm dứt, kẻ thù của chủ nghĩa tư bản không còn, thì

những người "bạn cũ" đó trở thành kẻ thù của nhau. Tại Trung đông, Oa -sinh-tơn ra sức ủng hộ

Ixraen xây dựng các khu định cư, ám sát người Pa-le-xtin và các nhà lãnh đạo của họ, vậy mà

Mỹ lại bỏ phiếu phủ quyết tại Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc phản đối cử các đội giữ gìn hoà

bình sang Trung Đông. Tại sao thế? Thất vọng, căm giận chính sách ủng hộ Ixraen từ lâu nay của

Oa-sinh-tơn là nguyên nhân chính dẫn đến sự kiện bi thảm ngày 11 tháng 9. Người Mỹ phải

hiểu rằng người của họ chết chỉ để bảo vệ lợi ích của người Ixraen chiếm đóng trái phép lãnh

thổ Pa-le-xtin, chứ đâu phải bảo vệ dân chủ.

... Trong khi người Mỹ đang đòi trả thù, liệu họ có hiểu được tại sao Pa -le-xtin đã tìm mọi

cách trả thù mỗi khi người của họ bị giết bởi những tên lửa do Mỹ chế tạo phóng từ những máy

bay lên thẳng cũng do Mỹ chế tạo? và người Mỹ sẽ phản ứng như thế nào khi bom đạn Mỹ ào

ạt trút xuống Áp-ga-ni-xtan, giết hại dã man nhiều người dân vô tội? Liệu họ có đóng cửa ca hát,

nhảy múa? Liệu họ có yên lòng khi biết rằng cuồng vọng trả thù của họ đã được thoả mãn? Hay

họ sẽ lại ngày đêm cầu nguyện, mặc niệm và thắp nến tưởng nhớ những người đã bị chết oan?

Chẳng lẽ một mạng sống Áp-ga-ni-xtan không đáng bằng một mạng sống Mỹ chăng? Trả thù có

chấm dứt được khủng bố hay càng tệ hại hơn khiến cho người Mỹ lúc nào cũng nơm nớp lo

sợ?...

Những người Hồi giáo xuống đường biểu tình muốn người Mỹ hiểu "tại sao nước Mỹ bị

mọi người căm thù đến thế?" người Mỹ cũng phải thận trọng cân nhắc sự khác nhau giữa "trả

thù" và "công lý". Nếu người Mỹ muốn có công lý, thì người Pa-le-xtin, người Ả rập, người Hồi

giáo cũng muốn có công lý. Không hiểu điều này, họ sẽ phải trả giá cho thói đạo đức giả”.

Đỗ Chuyên (Người Lao động, 25-9)

3. MỸ LÀ KẺ KHỦNG BỐ NGUY HIỂM NHẤT

Sau thảm hoạ ngày 11 tháng 9 năm 2001, chính quyền Mỹ điên đầu, hung hăng tuyên bố

sẽ diệt trừ tận gốc nạn khủng bố toàn cầu. Guồng máy chiến tranh của Mỹ quay hết tốc lực,

chuẩn bị cho cái gọi là “trả đũa”, “chống khủng bố”. Cả thế giới đang sôi lên trong bầu không khí

nóng của chiến tranh!

Nhưng, chúng ta cần bình tĩnh để nhìn nhận sự việc một cách khoa học và nhân bản.

Trước hết, cần hiểu thế nào là “khủng bố”, thế nào là “khủng bố quốc tế”. Theo từ điển Tiếng

Việt, thì khủng bố là “dùng bạo lực làm cho khiếp sợ để hòng khuất phục”. Theo chúng tôi,

khủng bố còn là hành động bạo lực đánh vào thường dân, gây chết chóc đau thương, phá hoại

kinh tế, làm đảo lộn cuộc sống bình thường của xã hội. Theo cả hai nghĩa nói trên, thì đế quốc

Mỹ chính là kẻ khủng bố tàn bạo và nguy hiểm nhất thế giới. Thật vậy, suốt mấy thập kỷ qua,

chính quyền Mỹ đã dùng bạo lực trên phạm vi toàn cầu, nhằm thực hiện giấc mộng bá chủ thế

giới. Mỹ đã tiến hành chiến tranh xâm lược Việt Nam, giết hại hàng triệu người dân vô tội. Mỹ

đã dùng bạo lực trấn áp, giết hại hàng triệu người dân Irắc rồi lại thực hiện cấm vận, làm cho

người dân nước này lâm vào cảnh cùng quẫn, trẻ em suy dinh dưỡng, chết dần chết mòn. Mỹ

làm hậu thuẫn cho Israen tiến hành hàng loạt hành động bạo lực chống lại nhân dân Pa-le-xtin,

trong đó có cả hành động khủng bố trực tiếp, giết hại không ít quan chức cao cấp của Nhà nước

Pa-le-xtin. Mỹ cũng đã từng chủ mưu nhiều vụ đảo chính, giết hại nhiều nguyên thủ của nhiều

quốc gia. Gần đây, Mỹ lại làm hậu thuẫn cho một số người Việt phản động đặt bom khủng bố ở

một số Sứ quán Việt Nam tại nước ngoài, thậm chí phái cả tay chân về hòng tiến hành khủng bố

ngay trên đất nước Việt Nam; nhưng trước tinh thần cảnh giác cao độ của nhân dân ta, mưu đồ

bẩn thỉu đó đã bị bóp chết từ trong trứng nước. Không thể nào kể hết ra đây những hành động

khủng bố mang tính toàn cầu của Mỹ.

Đến hôm nay, nhân danh chống khủng bố, chính quyền Mỹ đang ráo riết chuẩn bị một

chiến dịch khủng bố lớn hơn, nguy hiểm hơn, không chỉ (và khó có thể) nhằm vào những kẻ

khủng bố đích thực, mà chính là nhằm vào sinh mạng của hàng triệu triệu người dân vô tội của

nhiều quốc gia trên thế giới, trong đó tập trung là Áp-ga-ni-xtan. Guồng máy chiến tranh tâm lý,

các phương tiện thông tin đại chúng của Mỹ đang vận hết tốc lực trong chiến dịch tuyên truyền

kích động, hòng lôi kéo nhân dân toàn thế giới cùng hành động với Mỹ trong mưu đồ phi nhân

tính này. Bộ máy tuyên truyền của Mỹ đang đánh tráo khái niệm, đối lập khủng bố với chiến

tranh xâm lược, nhằm làm cho mọi người hiểu nhầm rằng muốn chống khủng bố có hiệu quả

thì tất phải tiến hành chiến tranh xâm lược và nếu chống chiến tranh xâm lược do Mỹ tiến hành

tức là ủng hộ khủng bố! Thực ra, khủng bố chỉ là một hành động thuộc phạm trù chiến tranh.

Hễ có chiến tranh xâm lược thì có khủng bố. Không thể viện lý do chống khủng bố để tiến hành

khủng bố một cách trắng trợn, với quy mô lớn hơn. Mặt khác, luận điệu của Mỹ cho rằng đang

có khủng bố quốc tế cũng cần được xem xét lại. Mỹ đã khôn khéo quốc tế hoá thảm hoạ của

mình, đang dùng mọi biện pháp để biến thảm hoạ của mình thành hận thù chung của nhân loại,

để lôi kéo loài người tham gia chiến tranh xâm lược do Mỹ khởi xướng và điều khiển. Thế giới

phản đối các hành động khủng bố, nhưng không vì thế mà tin theo luận điệu thổi phồng của

Mỹ. Từ năm 1983 đến nay, có 15 vụ khủng bố lớn, thì đều nhằm vào nước Mỹ. Toàn cầu có tới

hàng trăm quốc gia, nhưng hành động khủng bố chỉ tập trung ở một số quốc gia, trong đó có

Mỹ và một số quốc gia đế quốc, vốn hay đi xâm lược, gây thù chuốc oán với nhân loại tiến bộ.

Dư luận đặt câu hỏi: tại sao Mỹ lại có nhiều kẻ thù đến thế? Và dư luận cũng đã tìm ra câu trả

lời: tại vì Mỹ luôn luôn dùng bạo lực trấn áp các quốc gia khác. Thảm hoạ mà Mỹ vừa phải gánh

chịu chính là hậu quả của chính sách ngoại giao hiếu chiến của chính quyền Mỹ. Mặt khác, chính

một số hoạt động khủng bố lại do Mỹ chủ mưu, hậu thuẫn. Cũng vì thế, Mỹ không thể là người

đại diện cho nhân loại dương cao ngọn cờ chống khủng bố!

Trước tình hình căng thẳng hiện nay, chúng ta không nên bị cuốn hút vào guồng máy

chiến tranh của Mỹ, hoặc bị động nhìn guồng máy ấy quay cuồng. Cần phải thấy rõ rằng, Mỹ

chuẩn bị chiến tranh, thực chất là nhằm lấy lại danh dự, lấy lại hình ảnh một nước Mỹ bất khả

xâm phạm, tiếp tục theo đuổi tham vọng bá chủ thế giới, mà chống khủng bố chỉ là cái cớ.

Chúng ta còn nhớ, vào ngày 5 tháng 8 năm 1964, cố tình gây ra sự kiện Vịnh Bắc bộ, Mỹ đã cho

máy bay ào ạt tấn công nước ta, để thực hiện cái mà chúng gọi là “trả đũa”, nhưng thực chất là

đã mượn cớ để tiến hành chiến tranh xâm lược nước ta. Kịch bản cổ lỗ ấy, Mỹ đã diễn ở nhiều

nơi. Nay, lợi dụng thảm hoạ ngay trên đất Mỹ, Mỹ đang tái diễn kịch bản ấy. Chúng ta chưa thể

lường trước những thảm hoạ sẽ gieo rắc xuống đầu nhân loại có mức độ lớn đến đâu, nhưng có

thể thấy rõ tính chất nguy hiểm của hành động hiếu chiến hiện nay của Mỹ. Bởi vì hận thù sẽ

kích động hận thù, chiến tranh sẽ làm lan rộng chiến tranh! Một khi Mỹ đánh vào “lực lượng

khủng bố” mà theo Mỹ, lực lượng này ẩn áu ở 60 quốc gia trên thế giới, thì chắc chắn chiến

tranh sẽ không chỉ diễn ra trên một hai quốc gia; chúng có thể diễn ra ngay trên đất Mỹ, cũng

như trên nhiều quốc gia khác.

Trước tình hình căng thẳng hiện nay, chúng ta phải đấu tranh chống chiến tranh xâm

lược! Mỹ không có quyền nhân danh bất kỳ một điều gì để tiến hành chiến tranh – khủng bố các

quốc gia khác, chà đạp lên cuộc sống của nhân dân các quốc gia khác.

Nhân dân Việt Nam chia sẻ sâu sắc những đau thương, mất mát mà hàng chục nghìn

người dân Mỹ vừa phải trải qua, mong nuốn nhân dân Mỹ mau chóng khắc phục hậu quả thảm

hoạ vừa qua và tin tưởng rằng nhân dân Mỹ sẽ sớm nhận rõ hướng đi để cùng nhân dân toàn

thế giới bảo vệ hoà bình, giữ cho trái đất bình yên, giữ cho cuộc sống của toàn nhân loại được

ổn định và phát triển trong hữu nghị và hợp tác.

Phạm Việt Long (Văn hoá số 716 - 30/9/2001)

Lời kết khi tái bản: Chế độ Ta-Li-Ban đã sụp đổ hoàn toàn. Đó là một tất yếu, bởi vì chế độ

này đi ngược lại quy luật phát triển của xã hội loài người. Nếu không phải là Mỹ, thì sẽ có một

lực lượng nào đó, có thể là lực lượng ngay trong lòng Áp-ga-ni-xtan, loại trừ chế độ Ta-li-ban

khỏi trái đất. Thế nhưng, mục đích “chống khủng bố toàn cầu” của Mỹ vẫn không đạt được. Tôi

đoan chắc Mỹ sẽ không bao giờ tuyên bố rằng Bin Lađen đã chết hoặc bị bắt và mạng lưới

khủng bố toàn cầu đã bị tiêu diệt, bởi vì sự tồn tại của Bin Lađen và mạng lưới khủng bố này là

cái cớ để Mỹ có thể tiến công vào bất cứ quốc gia nào mà Mỹ muốn, chỉ với lý do đơn giản là

nơi đó chứa chấp Bin Lađen, chứa chấp “bọn khủng bố toàn cầu”.

Hà Nội, tháng 6 năm 2002