38
SangKienKinhNghiem.org Tổng Hợp Hơn 1000 Sáng Kiến Kinh Nghiệm Chuẩn LỜI VĂN NGHỆ THUẬT TRONG VỢ NHẶT - KIM LÂN VÀ VỢ CHỒNG A PHỦ - TÔ HOÀI I. LÍ DO CHỌN ĐỀ TÀI: Đọc – Hiểu văn bản văn học là khâu rất quan trọng trong quá trình Dạy - Học Văn ở trường Trung học phổ thông. Đặc biệt, về phía giáo viên Ngữ văn tôi luôn trăn trở làm sao giúp học sinh của mình tiếp cận văn bản một cách hiệu quả nhất. Qua thực tế chấm bài kiểm tra, bài thi môn của học sinh, tôi nhận thấy: bài làm của các em về văn bản tự sự (trong phần nghị luận văn học) thường chỉ kể lan man, dài dòng, không đi vào trọng tâm nên không đạt điểm cao. Bởi vì các em thường không nắm được cốt truyện, chủ đề tư tưởng nghệ thuật, tình huống truyện, hình tượng nghệ thuật, lời văn nghệ thuật… của các văn bản tự sự học trong chương trình. Vì thế tôi chọn đề tài : LỜI VĂN NGHỆ THUẬT TRONG VỢ NHẶT - KIM LÂN VÀ VỢ CHỒNG A PHỦ - TÔ HOÀI”. Khi thực hiện đề tài này, tôi hiểu đã có bao công trình nghiên cứu, bao bài viết hay về văn bản tự sự. Do đó thật khó để cá nhân tôi có thể tìm được những ý 1

Lời văn trong tác phẩm văn học nghệ thuật là một hiện … · Web viewTitle Lời văn trong tác phẩm văn học nghệ thuật là một hiện tượng nghệ

Embed Size (px)

Citation preview

SangKienKinhNghiem.org

Tổng Hợp Hơn 1000 Sáng Kiến Kinh Nghiệm Chuẩn

LỜI VĂN NGHỆ THUẬT TRONG VỢ NHẶT - KIM LÂN VÀ VỢ

CHỒNG A PHỦ - TÔ HOÀI

I. LÍ DO CHỌN ĐỀ TÀI:

Đọc – Hiểu văn bản văn học là khâu rất quan trọng trong quá trình Dạy -

Học Văn ở trường Trung học phổ thông. Đặc biệt, về phía giáo viên Ngữ văn

tôi luôn trăn trở làm sao giúp học sinh của mình tiếp cận văn bản một cách hiệu

quả nhất. Qua thực tế chấm bài kiểm tra, bài thi môn của học sinh, tôi nhận

thấy: bài làm của các em về văn bản tự sự (trong phần nghị luận văn học)

thường chỉ kể lan man, dài dòng, không đi vào trọng tâm nên không đạt điểm

cao. Bởi vì các em thường không nắm được cốt truyện, chủ đề tư tưởng nghệ

thuật, tình huống truyện, hình tượng nghệ thuật, lời văn nghệ thuật… của các

văn bản tự sự học trong chương trình. Vì thế tôi chọn đề tài :

“LỜI VĂN NGHỆ THUẬT TRONG VỢ NHẶT - KIM LÂN VÀ VỢ

CHỒNG A PHỦ - TÔ HOÀI”.

Khi thực hiện đề tài này, tôi hiểu đã có bao công trình nghiên cứu, bao bài

viết hay về văn bản tự sự. Do đó thật khó để cá nhân tôi có thể tìm được những

ý tưởng sâu sắc, độc đáo. Nhận thức rõ thực tế đó nên trong phạm vi đề tài, tôi

chỉ đi sâu tìm hiểu các văn bản tự sự với mục đích:

- Đánh giá sự đóng góp riêng về lời văn nghệ thuật của nhà văn Kim Lân và

Tô Hoài trong nền văn học Việt Nam hiện đại.

- Dấu ấn phong cách riêng của nhà văn Kim Lân và Tô Hoài.

1. THỰC TRẠNG TRƯỚC KHI THỰC HIỆN CÁC GIẢI PHÁP CỦA ĐỀ

TÀI.

1.1.Thuận lợi:

- Xuất phát từ yêu cầu đổi mới phương pháp Dạy – Học của Ngành và của

toàn xã hội.1

- Yêu cầu của mục tiêu bài học trong chuẩn kiến thức, kỹ năng của mỗi bài

dạy cụ thể của Bộ Giáo Dục và Đào tạo.

- Gợi ý hướng dẫn giảng dạy của từng bài trong sách giáo viên.

- Kinh nghiệm giảng dạy của bản thân giáo viên.

- Học sinh phát huy được tính chủ động và sáng tạo trong việc tìm hiểu,

khám phá tác phẩm văn học.

1.2. Khó khăn:

- Phương pháp này khó đạt hiệu quả cao nếu học sinh không tích cực chủ

động chuẩn bị bài trước khi đến lớp.

- Xu thế xã hội, tâm lí học sinh chú trọng các môn học về khoa học tự nhiên

hơn là các môn học về khoa học xã hội.

- Văn bản tự sự đòi hỏi học sinh phải hiểu đặc trưng văn bản tự sự: tư tưởng

nghệ thuật của nhà văn, phong cách nhà văn, lí luận văn học, cuộc đời và sự

nghiệp của nhà văn …

- Đọc – hiểu văn bản tự sự đòi hỏi học sinh phải trải qua nhiều công đoạn :

tóm tắt cốt truyện, cảm nhận cái hay, độc đáo của nhan đề tác phẩm, tình huống

truyện, lời văn nghệ thuật, phân tích nhân vật, giá trị nội dung, giá trị nghệ

thuật….cần thái độ chăm chỉ, chịu khó, tốn nhiều thời gian …

2. GIỚI HẠN NGHIÊN CỨU

Chương trình Ngữ văn 12 cơ bản, học kì 2, phần văn bản tự sự (kể cả đọc thêm)

chiếm 15 tiết, 7 tuần. Chính vì thế trong đề tài này, tôi chỉ đề cập đến nội dung

các văn bản tự sự : Vợ nhặt - Kim Lân; Vợ chồng A phủ - Tô Hoài.

Việc Đọc – Hiểu văn bản tự sự là một khâu quan trọng trong giờ học Ngữ

văn. Chính vì thế người giáo viên dạy Văn luôn tìm cách giúp học sinh của

mình tiếp cận văn bản tự sự sao cho hiệu quả nhất. Giáo viên phải hướng dẫn

học sinh: định hướng giọng đọc, tóm tắt văn bản, nhan đề tác phẩm, tình huống

truyện, hình tượng nghệ thuật, lời văn nghệ thuật … Tuy nhiên, việc tìm hiểu

lời văn nghệ thuật trong tác phẩm văn xuôi tự sự ở trường THPT còn sơ lược.

Vì vậy, tôi chọn đề tài này với mong muốn có thể vận dụng vào công việc giảng

dạy, nâng cao chất lượng học tập, kết quả kiểm tra, bài thi ở học sinh. 2

II.TỔ CHỨC THỰC HIỆN ĐỀ TÀI

1. Cơ sở lý luận:

Để học sinh hiểu sâu, có cơ sở lí luận chặt chẽ và vận dụng được vào bài kiểm

tra, bài thi, khi dạy văn bản tự sự, người giáo viên phải:

- Giúp học sinh nắm các khái niệm thể loại:

Truyện ngắn: là thể loại tự sự mang những đặc điểm như truyện nhưng có quy

mô nhỏ. Truyện ngắn được xem như một “lát cắt”, một “mảnh nhỏ” của cuộc

sống, cuộc đời nhân vật.

Thể loại truyện ngắn hiện đại là kiểu tư duy nghệ thuật mới, một cách nhìn

cuộc đời, cách nắm bắt đời sống rất riêng, mang tính chất thể loại với đặc điểm

loại hình riêng biệt. Truyện ngắn hiện đại phát triển theo nhiều hướng khác

nhau, tùy cách sử dụng các yếu tố cốt truyện, nhân vật, trần thuật và kết cấu

truyện của nhà văn… Tác giả Phùng Hoài Ngọc với bài giảng đại cương “Thi

pháp học hiện đại” (Trường Đại Học An Giang, 2006) có đề cập vấn đề thi

pháp hiện đại chung chung, chưa xem xét đến các truyện ngắn trong chương

trình 12 THPT. Thái Phan Vàng Anh với bài viết “Ngôn ngữ trần thuật trong

truyện ngắn Việt Nam đương đại” đăng trên Tạp chí Sông Hương số 237, 11-

2008 chỉ bàn đến các vấn đề có tầm khái quát, nhưng chưa chỉ ra một hướng

tiếp cận cụ thể nào trước một văn bản tự sự được học trong chương trình phổ

thông.

Mặt khác, truyện ngắn lấy phương thức trần thuật (là một phương diện cơ bản

của nghệ thuật tự sự - một phương thức biểu đạt thông dụng mà văn học lựa

chọn) để hiểu biết và phản ánh đời sống. Nghệ thuật trần thuật giúp cho người

nghiên cứu đi sâu khám phá những đặc sắc trong nghệ thuật kể chuyện của mỗi

nhà văn, trên cơ sở đó, người đọc tiếp nhận và giải mã cấu trúc bên trong tác

phẩm, đồng thời có thể đánh giá những sáng tạo, những đóng góp của nhà văn

đối với sự phát triển truyện ngắn nói riêng và quá trình hiện đại hoá văn xuôi

Việt Nam nói chung.

Với văn học hiện đại, khi ý thức tạo dựng nhiều góc nhìn thì điểm nhìn trần

thuật thực sự trở thành một phạm trù quan trọng của thi pháp học hiện đại. Tìm 3

hiểu điểm nhìn là tìm hiểu một kiểu quan hệ, một phương thức tiếp cận của nhà

văn với hiện thực…

2. Nội dung, biện pháp thực hiện các giải pháp của đề tài

Người giáo viên sẽ giúp học sinh hiểu được một số vấn đề liên quan đến

lời văn nghệ thuật trong các văn bản tự sự cụ thể:

Lời văn trong tác phẩm văn học nghệ thuật là một hiện tượng nghệ thuật.

Văn học, một loại hình độc lập, phát triển song song với các loại hình nghệ

thuật khác nhưng lấy ngôn ngữ là phương tiện diễn đạt. Ngôn ngữ là yếu tố đầu

tiên của văn học. Và ngôn ngữ văn học lại có những đặc trưng riêng: tính chính

xác, trong sáng; tính hàm xúc; tính mơ hồ, đa nghĩa; tính tạo hình, biểu cảm.

Lời văn nghệ thuật của tác phẩm nghệ thuật bao giờ cũng có chức năng xây

dựng hình tượng nên luôn luôn mang tính thẩm mĩ cao. Lời văn nghệ thuật

được xây dựng từ tất cả những khả năng và phương diện ngôn ngữ toàn dân

trên mọi bình diện từ ngữ âm, từ vựng, ngữ pháp, các phương thức tu từ … đến

các hình thức ngôn từ vốn có trong kho tàng ngôn ngữ dân tộc: từ cổ, từ địa

phương, tiếng lóng và các vốn từ đã trở thành di sản nghệ thuật dân tộc.

Truyện ngắn, một thể loại tự sự trong văn học bao giờ cũng phản ánh cuộc

sống qua con người, hành vi, sự kiện được kể lại bởi một người kể chuyện nào

đó, qua đó ta hiểu được sự nhận thức đánh giá của nhà văn đối với cuộc sống.

Do đó tác phẩm bao giờ cũng có hình tượng người trần thuật với vai trò kể lại,

tả lại những diễn biến, sự việc và khắc hoạ nhân vật trong câu chuyện. Lời kể

luôn xuất phát từ những điểm nhìn nhất định, gắn với vấn đề vai kể, giọng kể…

Trong văn xuôi tự sự điểm nhìn có khi được di chuyển, vai kể, giọng kể cũng

không thuần nhất. Xét về chức năng xây dựng hình tượng, có thể phân loại lời

người kể thành lời kể/ lời trần thuật, lời miêu tả, lời trữ tình( lời bình luận trực

tiếp).

Mỗi văn bản tự sự ( Vợ nhặt – Kim Lân; Vợ chồng A Phủ – Tô Hoài) sẽ được

xem xét, phân tích lời văn nghệ thuật, cụ thể là ở các mặt sau:

- Kết cấu văn bản

- Nghệ thuật trần thuật4

- Điểm nhìn nghệ thuật

- Ngôn ngữ nghệ thuật

2.1. Lời văn nghệ thuật trong truyện ngắn Vợ nhặt – Kim Lân:

2.1.1. Kết cấu văn bản:

* Trong văn học, khái niệm kết cấu bao hàm không chỉ sự liên kết bên

ngoài (mối liên hệ kết nối giữa các phần, các chương đoạn) mà cả sự liên

kết bên trong (cấu trúc nội dung cụ thể) của tác phẩm. Đó là "phương tiện

cơ bản và tất yếu của khái quát nghệ thuật", có "chức năng đa dạng bộc lộ tốt chủ đề tư tưởng của tác phẩm; triển khai trình bày hấp dẫn cốt truyện,

tổ chức điểm nhìn trần thuật của tác giả tạo nên tính toàn vẹn của tác phẩm

như là một hiện tượng thẩm mĩ" (Từ điển thuật Ngữ văn học, nhà xuất bản

Giáo dục, 1992). Như vậy, kết cấu là một yếu tố của hình thức tham gia thể hiện chủ đề nội dung và tư tưởng tác phẩm, đóng vai trò quan trọng trong

việc biến tác phẩm thành một chỉnh thể nghệ thuật.

Nhữ Bá Sĩ rất quan tâm tới kết cấu ngay từ những năm cuối thế kỉ XVIII đầu

thế kỉ XIX. Ông từng nhận xét: “Loại văn chương tột bậc của thiên hạ đúng là

không ở trong cái giới hạn đóng, mở, kết cấu, nhưng mà không đóng, mở, kết

cấu thì cũng không thành văn chương”. Sách Lí luận văn học (tập 2 : Tác phẩm

và thể loại văn học) cho rằng : “Kết cấu, cấu trúc vô luận là tổ chức vật thể,

quan hệ hay quy tắc, phương pháp, mô hình đều là yếu tố tạo thành văn bản, là

thực tế không thể bỏ qua trong quá trình sáng tác và đọc hiểu văn bản.”

Truyện Vợ nhặt – Kim Lân cũng có một kết cấu rất riêng.

Truyện Vợ nhặt diễn ra trong không gian nghệ thuật nhỏ bé là ngôi chợ, xóm

nhỏ ngụ cư và căn nhà của gia đình Tràng. Đây là không gian một làng quê

nhưng không có ruộng đồng cò bay thẳng cánh mà chỉ là xóm ngự cư trong

những ngày cận kề bên cái đói, cái chết. Sự chết chóc hiện lên với con đường

khẳng khiu cùng những bóng người dật dờ đi lại, kèm theo âm thanh của tiếng

quạ kêu từng đàn thê thiết. Nhưng không gian ấy phát triển ấm áp dần theo tâm

lí nhân vật với ý nghĩa biểu tượng.Và truyện dẫn đến không gian ngôi nhà, tổ

ấm. Căn nhà lúc đầu được miêu tả rúm ró, lổn nhổn cỏ dại nhưng đến sáng hôm 5

sau quang quẻ hơn, tạo thành bước ngoặt tâm lí ở Tràng: “Bỗng nhiên hắn thấy

hắn thương yêu gắn bó với cái nhà của hắn lạ lùng”. Ngoài ra, không gian bối

cảnh xã hội trong truyện là xã hội nghèo đói, loạn lạc Việt Nam những năm

trước Cách mạng tháng Tám, cụ thể là năm 1945.

Thời gian nghệ thuật cũng ngắn ngủi. Chỉ là buổi chiều Tràng đưa người vợ

về, buổi tối trong căn nhà và buổi sáng hôm sau. Ở đây, Kim Lân đã sử dụng

yếu tố hồi tưởng: nhân vật nhớ lại đã “nhặt vợ” như thế nào. Đó là thời gian quá

khứ gần, vừa mới xảy ra, cách thời gian hiện tại trong gang tấc nên sự việc vẫn

còn mới nguyên. Mạch truyện cũng dẫn đến tương lai được mở ra với câu nói

của bà cụ Tứ: “ ... Có ra thì rồi con cái chúng mày về sau... Này ngoảnh đi

ngoảnh lại chả mấy mà có ngay đàn gà cho mà xem”.

Trên trục không gian và thời gian ấy, truyện Vợ nhặt có kết cấu bốn phần:

Phần 1: Tràng xuất hiện trong bóng chiều, đi làm về qua xóm nhỏ. Khi cái đói

chưa tràn về, Tràng thường được bọn trẻ đón mừng, nhưng dạo này chúng ngồi

ủ rủ còn Tràng thì mệt mỏi lê bước. Nhưng một buổi chiều Tràng về với một

người đàn bà nữa. Xóm ngụ cư bỗng xôn xao, người ta bàn tán, người đàn bà

ngượng nghịu còn Tràng thì không giấu niềm vui, niềm sung sướng.

Phần 2: Tràng nhớ lại hai lần gặp gỡ, vài câu bông đùa, bốn bát bánh đúc mà

mình có vợ.

Phần 3: Bà cụ Tứ xuất hiện. Tâm trạng và tình thương của bà đối với vợ

chồng mới.

Phần 4: Sáng hôm sau, bữa cơm ngày đói trong tiếng trống thúc thuế. Vợ

Tràng nói đến đòan người đi cướp kho thóc của Nhật và Tràng nghĩ về chuyện

đó.

Đầu truyện là ánh sáng lúc chạng vạng mặt người. Tràng một mình đi về.

Cuối truyện là ánh nắng buổi sáng mùa hè sáng lóa xói vào hai con mắt Tràng,

lửng lơ như từ giấc mơ đi ra, chắp hai tay sau lưng lững thững bước ra sân, lòng

lâng lâng nghĩ về hạnh phúc gia đình.

6

Đầu truyện là nạn đói, kết thúc truyện là đoàn người đi cướp kho thóc của

Nhật, phía trước có lá cờ đỏ bay phấp phới. Truyện có một kết cấu chặt chẽ,

phù hợp với qui luật phát triển của lịch sử xã hội Việt Nam lúc bấy giờ.

2.1.2. Nghệ thuật trần thuật:

Ngòi bút kể chuyện của Kim Lân đã dựng lại được không khí bao trùm bởi

cái đói, cái chết năm Ất Dậu qua khung cảnh xóm ngụ cư đầy tử khí. Và không

khí truyện lại sáng lên một buổi chiều Tràng về với một người đàn bà. Đây là

sự sáng tạo trong bút pháp hiện thực xã hội chủ nghĩa của Kim Lân. Nhưng

thành công ở truyện là nghệ thuật dẫn truyện: khéo léo, linh họat. Truyện được

dẫn dắt theo bước chân của Tràng và người đàn bà về đến nhà.

Không khí truyện tươi sáng qua đoạn kể cuộc đối thọai giữa đôi vợ chồng mới

bỗng chùng xuống với khuôn mặt “bần thần” của người vợ và nỗi lo sợ vu vơ

của Tràng khi về đến nhà. Và nỗi lo sợ ấy dồn vào câu nghĩ: “Sao hôm nay bà

lão về muộn thế không biết!”. Sự xuất hiện của bà cụ Tứ trong truyện thật tự

nhiên và hợp lí.

Nhà văn Kim Lân lại quay về hồi tưởng để thuật lại hai lần gặp gỡ của Tràng

với người “vợ nhặt”. Cách kể đó góp phần tăng sự hấp dẫn, thuyết phục đến

người đọc.

Bà cụ Tứ chỉ xuất hiện gần cuối truyện. Việc đặt nhân vật vào đúng lúc này có

ý nghĩa trong kết cấu câu chuyện và tăng giá trị cho tác phẩm. Tác giả đã thuật

một cách đằm thắm tâm trạng của người mẹ nghèo khổ nhưng rất mực thương

con, thương dâu. Tâm trạng bà cụ Tứ được diễn tả từ ngạc nhiên, buồn vui lẫn

lộn, xen lẫn lo lắng, đến xót thương. Nếu giọng văn nhanh, gấp rút theo bước

chân sầm sập của cô gái, cái liều lĩnh của Tràng ở đoạn đầu thì ở đoạn này thật

chậm rãi, kéo dài theo tâm trạng của bà cụ Tứ. Ngôi nhà của gia đình Tràng giờ

đã có ánh sáng của đèn dầu do bàn tay anh tự thắp.

Những dòng văn tả cảnh sân vườn sáng hôm sau, với giọng điệu chân thành,

giản dị. ấm áp vô cùng. Tác giả cho Tràng thức dậy muộn trong trạng thái bồng

bềnh giữa thực và mơ. Đôi mắt Tràng đã nhận ra sự thay đổi khác thường trên

sân vườn. Với những chi tiết thực, sống động, Kim Lân đã miêu tả: áo quần 7

rách được phơi hong, ang khô cong đã đầy nước, đống rác đã hốt sạch và hai

người đàn bà đang giẫy cỏ, quét sân. Ánh nắng sớm mùa hè, khiến Tràng nheo

mắt nhưng lại giúp Tràng nhận rõ hơn không gian hạnh phúc của mình. Câu

chuyện dừng lại trong sự suy tư của Tràng với những lời độc thoại nội tâm của

nhân vật đã giúp nhà văn bộc lộ chiều sâu quan niệm của Kim Lân về hạnh

phúc của những người lao động nghèo.

2.1.3. Điểm nhìn nghệ thuật:

Trong tác phẩm văn xuôi tự sự, nội dung trần thuật phải được thể hiện từ điểm

nhìn, bằng quan điểm trần thuật nào đó. Vì vậy khi dạy Đọc – Hiểu văn bản tự

sự người giáo viên phải giúp học sinh xác định điểm nhìn trần thuật nghĩa là chỉ

rõ vị trí người trần thuật nhìn ra và miêu tả sự vật, tường thuật câu chuyện trong

tác phẩm.

Truyện Vợ nhặt được khơi gợi từ nạn đói năm 1945 và chủ yếu là từ những

con người trong nạn đói. Kim Lân từng nói :“Nội dung truyện dài này (truyện

Xóm ngụ cư – tiền thân truyện vợ nhặt) nói về thân phận của những con người

bị khinh rẻ, với cuộc sống nghèo đói, bệnh tật kéo dài cho đến ngày khởi nghĩa.

Ý nghĩa truyện: trong sự túng đói quay quắt, trong bất cứ hoàn cảnh khốn khổ

nào, người nông dân ngụ cư vẫn khao khát vươn lên trên cái chết, cái thảm

đạm, để mà vui, mà hi vọng. Có những người sắp chết đói, vẫn cứ kể chuyện về

làng mình, về đất đai, bản quản của mình. Thân xác họ đã lả đi, mà vẫn cứ lởn

vởn, cứ đau đáu nghĩ tới ngày trở về làng…”

Từ cảm hứng ấy và tấm lòng nhân hậu sâu sắc Kim Lân đã tái hiện được cốt

truyện, xây dựng được các nhân vật điển hình với những tâm trạng phong phú,

phức tạp. Đọc truyện của ông ta nhận thấy dường như không có sự cách biệt

giữa Kim Lân và người nông dân, nên ông mới có thể miêu tả người nông dân

trong những năm nghèo đói mới chân thật đến như vậy. Ngay cả khi xây dựng

những tình tiết có vẻ buồn cười thì bên trong đó lại là những nỗi buồn và niềm

thương cảm sâu sắc. Những trang viết về những con người “dưới đáy” ấy đã

khiến ta xót thương và buồn cho họ vì họ không thể sống trong điều kiện tốt

hơn trong cái xã hội thực dân nửa phong kiến lúc bấy giờ. Ở đây, tác giả không 8

hề muốn nhấn mạnh những nét thấp kém của con người bộc lộ qua nhân hình và

nhân cách. Ngược lại, nhà văn đã đặt các nhân vật vào một khoảng sống mờ tối,

lay lắt của cái đói, cái chết để tìm ra một cơ hội để biểu hiện niềm khao khát

được sống, được thương yêu và hy vọng mãnh liệt của họ. Kết thúc truyện có

câu chuyện về phá kho thóc Nhật và hình ảnh lá cờ đỏ phấp phới trong óc

Tràng đã mang lại niềm tin, niềm hi vọng cho người đọc. Nhà văn muốn thông

qua nhận thức của nhân vật Tràng để chỉ rõ : con đường duy nhất thoát nghèo

đói là đấu tranh cách mạng. Qua truyện, Kim Lân đã gửi gắm tiếng nói chung

của những người nông dân “rũ bùn đứng dậy sáng loà”, chiến đấu vì đất nước,

để thoát khỏi số phận tối tăm trước mắt. Hình dáng người nông dân nổi bật

trước lá cờ đỏ sao vàng, lá cờ lý tưởng cách mạng, lá cờ của niềm tin chiến

thắng. Đây chính là quan điểm tiến bộ của nhà văn Kim Lân giác ngộ, đi theo

cách mạng. Kết thúc truyện “Vợ nhặt”cũng là nét chung chứng minh đặc điểm

thi pháp văn học cách mạng.

2.1.4. Ngôn ngữ nghệ thuật:

M. Gorki khẳng định: “Ngôn ngữ yếu tố thứ nhất của văn học”. Ngôn

ngữ của nhân vật văn học thành công thường được cá thể hóa cao độ, nghĩa là

mang đậm dấu ấn của một cá nhân. Nhà văn có tài là người biết sống với nhiều

nhân vật, nắm bắt được nhiều kiểu ngôn ngữ. Trong bài viết “Sử dụng ngôn

ngữ nghệ thuật đặc sắc của truyện Kim Lân” tác giả Bảo Nguyên đã cho

rằng “Kim Lân lựa chọn những từ ngữ còn mang hơi thở của cuộc sống hằng

ngày, để diễn đạt chúng với cuộc sống miền quê với những con người giản dị

mà đáng yêu”.

Trong truyện Vợ nhặt, Kim Lân đã sử dụng ngôn ngữ nông thôn mộc cách tự

nhiên. Trong nghệ thuật tả cảnh, tả người, miêu tả tâm lí nhân vật hay xây dựng

đối thọai, nhà văn tỏ ra có vốn từ ngữ dân quê. Con đường qua xóm chợ được

tác giả miêu tả với hai từ “khẳng khiu”, hết sức tượng hình, và sự tối tăm, của

xóm chợ được miêu tả “Hai bên dãy phố, úp súp tối om”, thật độc đáo, rất đắt.

Khi miêu tả nơi ở nghèo khó, tạm bợ của mẹ con Tràng, Kim Lân chỉ cần miêu

tả “cái nhà vắng teo”, “đứng rúm ró” trên vườn cỏ “lổn nhổn”. Còn miêu tả 9

về ngọai hình khác thường của Tràng, tác giả lại dùng : “gà gà”, “nhấp

nhỉnh”,...Hoặc trong truyện tác giả còn dùng “dật dờ đi lại”, “gào lên từng hồi

thê thiết”, “khoặm mặt lại”, “tầm phơ tầm phào”, “ngồi vêu ra ở đấy”, “con

mắt trũng hoáy”... tất cả được sử dụng rất chính xác.

Ngoài ra, những tâm trạng kín đáo nhất cũng phải hiện lên qua những cử chỉ

hành động một cách tinh tế: tiếng gắt vô duyên vô cớ, một tiếng khẽ ho bình

thường, những bước chân bước vội ra sân, thái độ điềm nhiên và miếng cám

vào trong miệng… Với vốn liếng ngôn ngữ giàu có và đặc sắc, mang đậm tính

chất nông thôn, cái lối viết văn tưởng như dễ dàng mà không thể phỏng theo,

giản dị mà hào hoa.

Truyện Vợ nhặt càng đặc sắc hơn là ngôn ngữ đối thoại của các nhân vật.

Chúng ta đọc đoạn văn sau:

Một lần hắn đang gò lưng kéo cái xe bò thóc vào dốc tỉnh, hắn hò một câu

chơi cho đỡ nhọc. Hắn hò rằng:

Muốn ăn cơm trắng mấy giò này!

Lại đây mà đẩy xe bò với anh, nì!

Chủ tâm hắn cũng chẳng có ý chòng ghẹo cô nào, nhưng mấy cô gái lại cứ

đẩy vai cô ả này ra với hắn, cười như nắc nẻ:

- Kìa anh ấy gọi! Có muốn ăn cơm trắngmấy giò thì ra đẩy xe bò với anh ấy!

Thị cong cớn:

- Có khối cơm trắng mấy giò đấy! Này, nhà tôi ơi, nói thật hay nói khoác đấy?

Tràng ngoái cổ lại vuốt mồ hôi trên mặt cười:

- Thật đấy, có đẩy thì ra mau lên!

Thị vùng đứng dậy, lon ton chạy lại đẩy xe cho Tràng.

- Đã thật thì đẩy chứ sợ gì, đằng ấy nhỉ. – Thị liếc mắt cười tít.

Qua đoạn văn trên, nhà văn Kim Lân giúp ta hiểu sự gần gũi, mộc mạc, sự chân

tình, dí dỏm của những người lao động nghèo, trẻ trung. Cuộc đối thoại diễn ra

tự nhiên, thoải mái : nhiều câu nói trống không( không có chủ ngữ, không có từ

xưng hô) hoặc dùng từ xưng hô kiểu thân mật của khẩu ngữ( đằng ấy, nhà tôi),

nhiều câu đùa nghịch thân mật, dùng cả hình thức hò trong dân gian. Lúc đầu 10

quan hệ giữa họ là xa lạ, không quen biết, nhưng sau đó thân mật hơn và có

phần suồng sã. Họ cười đùa, nói chuyện làm ăn, về công việc và miếng cơm

manh áo. Nhân vật Tràng được tác giả giới thiệu là một chàng trai hiền lành,

chân chất; thị và các bạn gái thì lanh lợi, vui vẻ. Riêng thị thì tốt bụng, rất bạo

dạn. Như vậy, qua ngôn ngữ đối thoại, tác giả đã làm nổi bật tính cách, giọng

điệu riêng của từng người. Nhấn mạnh sự quê mùa, cục mịch, thô kệch của

Tràng; sự chao chát, chỏng lỏn của người “vợ nhặt” - kẻ đang gặp cảnh đói

kém, lang thang, Kim Lân đã cho họ gặp gỡ và về cùng một nhà với những câu

như: “ Chả hôm ấy thì hôm nay vậy. Này hẵng ngồi xuống ăn miếng giầu đã”,

“Có ăn thì ăn thật, chả ăn giầu”,“Rích bố cu, hở”, “Hà, ngon! Về chị ấy thấy

hụt tiền thì bỏ bố”, “Làm đếch gì có vợ. Này nói đùa chứ có về với tớ thì ra

khuân hàng lên xe rồi cùng về”. Đó là ngôn ngữ giao tiếp đời thường, của tình

duyên của những người lao động nghèo trong xã hội cũ.

Khi Tràng đưa người phụ nữ về nhà, tác giả cho hai nhân vật nói những câu

cộc lốc, những câu tỉnh lược, những câu đặc biệt như: “Gì hả”, “Không”, Còn

chán”, “Khiếp”, “Nhà có ai không?”, “ Có một mình tôi mấy u”, “Đằng này

à”, “Ừ”, “Sắp đến chưa?”, “Sắp”... Những lời nói đó đã bộc lộ sự mới mẻ, sự

xa lạ, sự ngượng ngùng của đôi vợ chồng mới. Thậm chí, nhà văn còn lột tả sự

thiếu hụt lời ăn tiếng nói ở anh chàng Tràng: “Hắn định nói với thị vài câu rõ

tình tứ mà chẳng biết nói thế nào. Hắn cứ lúng ta lúng túng ...” hay cách trả lời

lúng túng, không rõ nghĩa của Tràng “Có một mình tôi mấy u”. Khi đọc truyện

Vợ nhặt, người đọc không thể quên những đoạn đối thọai đặc sắc:

“ Câu chuyện xem chừng đã thân thân. Hắn đi sát gần bên thị hơn, ngẫm

nghĩ một lúc, chợt hắn giơ cái chai con vẫn cầm lăm lăm một bên tay khoe:

- Dầu tối thắp đây này.

- Sang nhỉ.

- Khá thôi. Hai hào đấy, đắt quá, có mà thôi chả cần.

- Hoang nó vừa vừa chứ.

Hắn chặc lưỡi:

11

- Vợ mới vợ miếc cũng phải cho nó sáng sủa một tí chứ, chả nhẽ tối đã

rúc vào ngay, hì hì...

- Khỉ gió”.

2. 2. Lời văn nghệ thuật trong truyện Vợ chồng A Phủ - Tô Hoài

2.2.1. Kết cấu văn bản:

Truyện Vợ chồng A Phủ là truyện ngắn trong tập truyện Tây Bắc. Truyện có

hai phần, viết về hai giai đoạn của cuộc đời Mị và A Phủ: Giai đoạn ở Hồng

Ngài, trong nhà thống lí Pa Tra; Giai đoạn ở Phiềng Sa, hai vợ chồng gặp gỡ

cách mạng rồi trở thành du kích.

Đoạn trích trong sách giáo khoa Vợ chồng A Phủ thuộc giai đoạn đầu: ở

Hồng Ngài. Truyện kể không theo trật tự thời gian. Mở đầu là hình ảnh “Ai ở

xa về, có việc vào nhà thống lí Pá Tra thường trông thấy có một cô gái ngồi

quay sợi gai bên tảng đá trước cửa, cạnh tàu ngựa. Lúc nào, cũng vậy, dù quay

sợi, thái cỏ ngựa, dệt vải, chẻ củi hay đi cõng nước dưới khe suối lên, cô ấy

cũng cúi mặt, mặt buồn rười rượi…Nhưng rồi hỏi ra mới rõ cô ấy không phải

con gái nhà Pa Tra: cô ấy là vợ A Sử, con trai thống lí Pá Tra”. Nhà văn đã có

cách giới thiệu nhân vật Mị đặc sắc, đầy ấn tượng, gợi ra số phận đau khổ éo le

của Mị. Từ đó, mạch truyện đưa chúng ta quay về quá khứ, về kỉ niệm gia đình,

tình yêu êm đềm của Mị; rồi tác giả kể đến chuỗi ngày sống cảnh ngục tù và

tâm trạng vô cảm của Mị khi bị bắt làm dâu gạt nợ ở nhà thống lí Pa Tra. Kế

tiếp là sức sống của Mị trong đêm tình mùa xuân và đêm đông trên núi cao. Kết

thúc truyện là Mị “người đàn bà chê chồng” này đã chạy theo A Phủ.

Không gian nghệ thuật trong truyện là không gian thiên nhiên rộng lớn của

vùng đất Tây Bắc đẹp và nên thơ. Và không gian ấy cũng chứa đựng tâm trạng

của nhân vật Mị. Bên cạnh đó còn có không gian hẹp là nhà thống lí Pá Tra,

cùng gian buồng của Mị. Ngôi nhà ấy đã hủy hoại biết bao đời con người lao

động lương thiện, dập tắt bao sự sống, khát vọng tự do, tình yêu, tuổi trẻ. Căn

buồng Mị ở, thực chất là một địa ngục giam hãm tuổi xuân, sức sống, tình yêu,

hạnh phúc của người con gái tài hoa, xinh đẹp và nết na vùng cao ấy. “Ở buồng

12

Mị nằm kín mít, có một chiếc cửa sổ, một lỗ vuông bằng bàn tay. Lúc nào trông

ta cũng chỉ thấy trăng trắng, không biết là sương hay lá nắng”.

Thời gian nghệ thuật trong truyện rất đa dạng: có thời gian hiện tại, quá khứ,

tương lai. Thời gian quá khứ được gợi chủ yếu qua hồi ức của Mị. Đó là khi Mị

ở nhà với bố, được sống tự do bên cạnh những người yêu thương nên được

miêu tả đều đều, chậm rãi. Thời gian hiện tại là thời gian Mị bị giam hãm của

kiếp đoạ đày nô lệ ở nhà thống lí Pá Tra nên nó được kéo căng làm cho tưởng

chừng như vô hạn. Thời gian tương lai trong truyện diễn ra nhanh, gấp rút phù

hợp với chuỗi diễn biến từ việc Mị cắt dây trói cứu A Phủ, chạy theo A Phủ và

cùng tìm đến hạnh phúc, đến sự sống, đến tương lai ngày mai.

2.2.2. Nghệ thuật trần thuật:

Truyện Vợ chồng A Phủ - Tô Hoài coù cách giới thiệu nhân vật đầy bất ngờ,

tự nhiên mà ấn tượng. Cách trần thuật ngắn gọn, việc dẫn dắt tình tiết khéo làm

cho mạch truyện phát triển và vận động liên tục, biến đổi hấp dẫn mà không

trùng lặp. Chó sủa xa xa. Chừng đã khuya. Lúc này là lúc trai đang đến bên

vách làm hiệu, rủ người yêu dở vách ra rừng chơi. Mị nín khóc. Mị lại bồi hồi.

Cả đêm ấy Mị phải trói đứng như thế. Lúc thì khắp người bị dây trói thít lại

đau nhức. Lúc lại nồng nàn tha thiết nhớ. Hơi rượu tỏa. Tiếng sáo, tiếng chó

sủa xa xa. Mị lúc tỉnh lúc mê. Cho đến khi trời tang tảng rồi không biết sáng tự

bao giờ”.

Ngôn ngữ trần thuật của Tô Hoài rất sinh động, có sự chọn lọc và sáng tạo.

Lối văn giàu tính tạo hình, có chỗ như quay cận cảnh, viễn cảnh của điện ảnh.

Nhà văn đã vận dụng cách nói của người miền núi hồn nhiên, đầy hình ảnh.

“Đến Tết năm ấy. Tết thì vui chơi, trai gái đánh phao, đánh quay rồi đêm đêm

rủ nhau đi chơi. Những nhà có con gái thì bố mẹ không thể ngủ được vì tiếng

chó sủa. Suốt đêm, con trai đến nhà người mình yêu, đứng thổi sáo xung quanh

vách. Trai đến đứng nhẵn cả chân vách đầu buồng Mị.”

Giọng trần thuật hòa nhập tự nhiên với tư tưởng của truyện và nội dung từng

đoạn. Các đoạn văn “Rượu đã tan lúc nào… quả Pao rơi rồi”, “ Nhìn thấy tình

cảnh như thế, Mị chợt nhớ lại đêm năm trước…Người kia việc gì phải chết thế. 13

A Phủ …” giọng trần thuật của tác giả nhập vào dòng tâm tư của nhân vật Mị,

diễn tả được những ý nghĩ, tâm trạng và cả những trạng thái mơ hồ, vô thức của

Mị.

Nhịp kể chậm rãi, giọng kể trầm lắng cảm thông, sẻ chia, yêu mến hai nhân

vật Mị và A Phủ.

“Trong bóng tối, Mị đứng im lặng, như không biết mình đang bị trói. Hơi

rượu còn nồng nàn, Mị vẫn nghe tiếng sáo đưa Mị ... Mị thổn thức nghĩ mình

không bằng con ngựa”.

“Cứ mỗi đợt bọn chức việc hút thuốc phiện xong, A Phủ lại phải ra quỳ giữa

nhà, lại bị người nhà xô đến đánh. Mặt A Phủ sưng lên, môi và đuôi mắt giập

chảy máu…”

Giọng trần thuật nhiều chỗ hòa vào dòng ý nghĩ và tiếng nói bên trong của

nhân vật, vừa bộc lộ đời sống nội tâm nhân vật, vừa tạo được sự đồng cảm. “

Trời ơi, nó bắt trói....Mị phảng phất nghĩ như vậy”.

Truyện của Tô Hoài sự kết hợp nhiều lời trần thuật: khi trần thuật khách quan,

khi là trực tiếp, lại có khi là nửa trực tiếp. Đọc Vợ chồng A Phủ, người đọc

thấm thía ý nghĩa của tiếng sáo gọi bạn tình vào đêm mùa xuân. Từ khi Mị trở

về chào bố để chết và hiểu rằng mình chưa thể chết, nên Mị đành chấp nhận

kiếp nô lệ, cứ “lùi lũi như con rùa trong xó cửa”. Tuổi xuân của người phụ nữ

xinh đẹp, tài hoa ấy bị giam hãm trong không gian chật hẹp, tăm tối, trong căn

buồng chỉ có một lỗ cửa sổ vuông bằng bàn tay, nhìn ra ngoài kia cứ thấy một

màu mờ mờ trắng trắng không biết là sương hay là nắng. Mị xem mình sống mà

như đã chết. Ở lâu trong cái khổ Mị cũng quen cái khổ rồi. Thậm chí, đến khi

người bố, già chết đi, cô cũng chẳng nghĩ đến chuyện rời khỏi nhà thống lí nữa.

Nhưng chính tiếng sáo gọi bạn tình trong đêm mùa xuân ấy đã đánh thức ở Mị:

ý niệm về thời gian, hoài niệm về tuổi trẻ cùng khát vọng hạnh phúc, tình yêu

trong con người tưởng đã chai sạn, vô cảm bởi lao động cùng cực, đau khổ, bất

hạnh. Ngòi bút Tô Hoài như hồi hộp dõi theo nỗi lòng Mị để diễn tả quá trình

trỗi dậy của một sức sống tiềm tàng theo các bước ngày càng cao, càng nồng

nàn. Cũng từ đây, điểm nhìn trần thuật, giọng điệu trần thuật của nhà văn bắt 14

đầu chuyển đổi. Giọng điệu trần thuật không hoàn toàn khách quan nữa mà lúc

này có sự kết hợp với điểm nhìn trần thuật từ nhân vật, xuất hiện lời trần thuật

nửa trực tiếp:“Rượu đã tan lúc nào. Người về, người đi chơi đã vãn cả. Mị

không biết, Mị vẫn ngồi trơ một mình giữa nhà. Mãi sau Mị mới đứng dậy,

nhưng Mị không bước ra đường chơi, mà từ từ bước vào buồng. Chẳng năm

nào A Sử cho Mị đi chơi Tết. Mị cũng chẳng buồn đi. Bấy giờ Mị đã ngồi xuống

giường, trông ra cái lỗ cửa sổ vuông mờ mờ trăng trắng. Đã từ nãy, Mị thấy

phơi phới trở lại, trong lòng đột nhiên vui sướng như những đêm Tết ngày

trước. Mị trẻ lắm. Mị vẫn còn trẻ. Mị muốn đi chơi…”. Trong đoạn văn này,

nhà văn từ chỗ trần thuật khách quan (từ chỗ đứng người kể chuyện) sang nhập

thân vào nhân vật; cụ thể ở ba câu cuối có sự dịch chuyển, kết hợp tự nhiên các

điểm nhìn, giọng điệu. Tô Hoài đã viết liên tiếp ba câu văn ngắn cùng một chủ

ngữ là Mị. Lời văn thay đổi bất ngờ theo nhịp hối hả, dồn dập đã bộc lộ khát

vọng sống đang trào dâng trong lòng Mị. Ở đây ta không thể phân định rạch ròi:

đâu là lời nhân vật, đâu là lời tác giả. Bởi nhà văn không đứng bên ngoài mà tả,

mà kể nữa, mà đã nhập thân vào Mị, thổn thức cùng Mị ở thời khắc ấy.

2.2.3. Điểm nhìn nghệ thuật:

Nhà văn Tô Hoài đã từng tâm sự “Đất nước và con người miền Tây đã để

thương để nhớ cho tôi nhiều quá, tôi không thể bao giờ quên… Hình ảnh Tây

Bắc đau thương và dũng cảm lúc nào cũng thành nét, thành người, thành việc

trong tâm trí tôi…”. Vì thế xuyên suốt tác phẩm Vợ chồng A Phủ lại là cảm

hứng hồi sinh, cảm hứng ngợi ca và cảm hứng nhân đạo. Từ cảm hứng bao

trùm đó, nhà văn đã xây dựng những hình tượng nhân vật mang số phận cộng

đồng. Mặt khác, qua truyện ngắn, nhà văn đứng về khát vọng sống, khát vọng

yêu của những con người miền núi; đồng thời ông tin vào sức sống bất diệt của

con người, đồng cảm với nguyện vọng tha thiết muốn vươn lên làm người tự

do, hạnh phúc.

Chính cảm hứng sáng tác này đã giúp Tô Hoài thành công trong việc kết hợp

nhiều điểm nhìn (bên ngoài, bên trong, xa, gần). Từ đó Tô Hoài giúp bạn đọc

15

dần dần khám phá thế giới nội tâm sâu thẳm và ngọn lửa sống âm ỉ sau vẻ ngoài

vô cảm của Mị.

Tác giả đã dõi theo từng bước biến diễn, phát triển của đời sống tâm hồn

nhân vật, được đặt trong một hoàn cảnh khá “điển hình” là mùa xuân về trên

vùng núi cao. Thời khắc để ngọn lửa sống trong lòng Mị bùng cháy mạnh mẻ

đấy là “đêm tình mùa xuân”. Chúng ta lắng theo tiếng sáo, tiếng khèn và tiếng

reo hò của đám trai gái và trẻ con tụ tập ở sân chơi đầu làng vẳng lại:“tai Mị

văng vẳng tiếng sáo gọi bạn đầu làng”. Cái nồng nàn của một đêm xuân lại

được tăng thêm bởi bữa cơm rượu ngày tết, trong tiếng chiêng đánh ầm ỹ và

đám người nhảy đồng, người hát… “Mị cũng uống rượu. Mị lén lấy hũ rượu,

cứ uống ực từng bát. Rồi say…”. Mị đã sống lại với những kỉ niệm đẹp của

ngày trước, những ngày hạnh phúc của tuổi trẻ, với những bữa rượu bên bếp lửa

ấm cúng, với những tiếng sáo dặt dìu của bao nhiêu trai làng ngày đêm theo

Mị…

Tâm hồn Mị đã hồi sinh. Mị trở lại với những niềm vui sống, trong chốc lát:

“Mị thấy phơi phới trở lại, trong lòng đột nhiên vui sướng như những đêm tết

ngày trước, Mị trẻ lắm. Mị vẫn còn trẻ. Mị muốn đi chơi”. Lòng ham sống ở Mị

đã trỗi dậy. Sức sống ở Mị bấy lâu nay bị đè nén bỗng trào lên, không thể dập

tắt được nữa. Phản ứng đầu tiên đến trong tâm trí Mị là một ý nghĩ “Nếu có

nắm lá ngón trong tay lúc này, Mị sẽ ăn cho chết ngay, chứ không buồn nhớ lại

nữa…”,“tiếng sáo gọi bạn yêu vẫn lửng lơ bay ngoài đường”), đã xâm nhập

thế giới tâm hồn Mị, trở thành một hiện hữu của đời sống bên trong “trong đầu

Mị đang rập rờn tiếng sáo”. Và sự chuyển biến tâm hồn đã thành bước phát

triển quyết định, chuyển thành hành động. Mà đầu tiên là một hành động có

nhiều ý nghĩa: “Mị đến góc nhà, lấy ống mỡ, xắn một miếng bỏ thêm vào đĩa

đèn cho sáng”. Mị tự mình hành động như một con người tự do, theo tiếng gọi

của lòng mình: quấn lại tóc, rút cái váy hoa…, sửa soạn đi chơi Tết. Giữa lúc

lòng ham sống trỗi dậy mãnh liệt nhất, thì cũng là lúc nó bị dập xuống phũ

phàng nhất. A Sử bước vào, thản nhiên, lầm lì trói đứng Mị vào cột nhà. “Tóc

Mị xõa xuống, A Sử quấn tóc lên cột… Trói xong vợ, A Sử thắt nốt cái thắt lưng 16

xanh ra ngoài áo, rồi A Sử tắt đèn, đi ra, khép cửa lại”. Nhà văn Tô Hoài đã

lên án sự tàn ác, dã man đến thản nhiên của một kẻ không còn tình người – A

Sử.

Suốt cái đêm bị trói đứng vào cột ấy, Mị đã sống trong sự giằng xé mãnh liệt

giữa niềm khao khát tình yêu, hạnh phúc cháy bỏng và thực tại tàn bạo, lạnh

lùng. Lúc mới bị trói, Mị vẫn sống trong tâm trạng say mê với tiếng sáo, với

những đám chơi Tết ngoài kia. “Tiếng sáo đưa Mị đi theo những cuộc chơi,

những đám chơi”. Mị như quên mình là đang bị trói, quên những đau đớn thể

xác, đến nỗi trong giây phút niềm khát khao cuộc sống mãnh liệt. Mị đã vùng

bước đi!”. Hai biểu tượng của ước mơ và thực tại hiện ra trong hai âm thanh

trái ngược – tiếng sáo gọi bạn tình tha thiết và tiếng chân ngựa đạp vào vách

khô khan: Mị không nghe tiếng sáo nữa. Chỉ còn nghe tiếng chân ngựa đạp vào

vách. Ngựa vẫn đứng yên, gãi chân, nhai cỏ. Mị thổn thức nghĩ mình không

bằng con ngựa”. Thực tại phũ phàng đã lấn át, bóp nghẹt những ước mơ, khát

vọng tươi sáng ở Mị. Tô Hoài đã đặt nhân vật của mình vào một hoàn cảnh thật

căng thẳng, làm bộc lộ những động lực tiềm ẩn sâu xa trong đời sống tâm hồn

nhân vật, với một diễn biến, phát triển được dẫn dắt hợp qui luật. Tác giả đã

miêu tả tâm lý khá sâu sắc và tinh tế, có thể nói rằng tác giả đã đạt đến “biện

chứng pháp của tâm hồn nhân vật”. Ngòi bút của nhà văn cũng thấm nhuần

tinh thần nhân đạo, thể hiện trong niềm tin, sự trân trọng đối với khát vọng

sống, khát vọng hạnh phúc ở những con người bị đọa đày đau khổ. Đấy cũng là

sự tiếp nối tự nhiên tinh thần nhân đạo trong truyền thống văn học dân tộc, và

được phát triển lên một mức cao hơn. Nếu như những nhà văn trước 1945 đã

không thể tìm ra con đường thoát cho những nạn nhân đau khổ trong tác phẩm

của họ, còn cô Mị – cũng như nhiều nhân vật khác trong các tác phẩm văn học

hiện đại – thì đã tìm thấy con đường giải phóng thật sự, tìm thấy sự thực hiện

những ước vọng chân chính của mình trong quá trình đến với cách mạng, dưới

ánh sáng của Đảng. Quá trình giác ngộ và trưởng thành ấy sẽ diễn ra ở phần sau

của tác phẩm nhưng động lực thúc đẩy thì đã được phát động lên từ trong hành

động đấu tranh tự phát ở ngay trong đoạn đầu. Như vậy, chính tấm lòng nhân 17

ái, sự đồng cảm sâu sắc ở những số phận bất hạnh như Mị, A Phủ đã khiến cho

Tô Hoài có cách phản ánh, miêu tả, lí giải cuộc đời, số phận và con đường thoát

khỏi thân phận nô lệ đi đến giành cuộc sống tự do, hạnh phúc cho mình.

2.2.4. Ngôn ngữ nghệ thuật:

Ngôn ngữ trong tác phẩm của Tô Hoài là ngôn ngữ xuất phát từ đời sống

quần chúng. Tô Hoài quan niệm đó là kho của cải vô giá và ông đã biết cách

chọn lựa, nâng cao và nghệ thuật hóa trong các sáng tác của mình để tăng thêm

giá trị của nó. Ở từng vùng đất, từng đối tượng, từng loại nhân vật, ông đều có

cách sử dụng ngôn ngữ thích ứng với đặc điểm của nó. Mặt khác, ông còn sử

dụng thành công những từ ngữ giàu sức tạo hình, từ chỉ màu sắc, từ địa phương;

những câu văn hàm súc, cô đọng... Điều đó tạo cho tác phẩm của ông vừa có vẻ

đẹp giản dị, vừa không kém phần kì thú. Ông khẳng định: “Mỗi chữ phải là một

hạt ngọc buông xuống những trang bản thảo, hạt ngọc mới nhất của mình tìm

được, do phong cách văn chương của mình mà có”…“Câu nói là bộ mặt của ý.

Ý không bao giờ lặp lại, cũng như cuộc sống không bao giờ trở lại giống nhau

như đúc thì lời văn cũng phải thế”(Sổ tay viết văn). 

Ở truyện ngắn Vợ chồng A Phủ, hay nhất có lẽ là những trang Tô Hoài diễn tả

sự trỗi dậy từng bước của sức sống tiềm tàng trong lòng Mị, quá trình hồi sinh

của tâm hồn cô trong đêm mùa xuân nghe tiếng sáo gọi bạn tình. Mị sống trong

tâm trạng thiết tha bổi hổi rồi ngày càng rạo rực của nhân vật khi bỗng nghe

tiếng sáo. Đó là lúc mùa xuân về trên vùng núi cao. Người Hmông ở Hồng Ngài

ăn Tết khi ngô lúa đã gặt xong, mùa xuân có niềm vui thu họach mùa màng. Cái

Tết năm ấy đến “giữa lúc gió thổi vào cỏ gianh vàng ửng, gió và rét rất dữ

dội”, nhưng vẫn không ngăn được những sắc màu của mùa xuân. “những chiếc

váy hoa đã đem phơi trên mỏm đá, xòa như con bướm sặc sỡ. Hoa thuốc phiện

vừa nở trắng lại đổi ra màu đỏ hau, đỏ thậm, rồi sang màu tím man mát”. Và

còn những âm thanh rộn rã báo hiệu mùa xuân: “đám trẻ đợi Tết, chơi quay,

cười ầm trên sân chơi trước nhà”. Sự sống của tạo vật và con người như được

khởi động, bừng tỉnh. Cũng từ ngoại cảnh ấy, tâm hồn Mị đã có sự thay đổi:

18

“Ngoài đầu núi lấp ló đã có tiếng ai thổi sáo rủ bạn đi chơi. Mị nghe tiếng sáo

vọng lại, thiết tha bồi hồi. Mị ngồi nhẩm thầm bài hát của người đang thổi.

Mày có con trai con gái rồi

Mày đi làm nương

Ta không có con trai con gái

Ta đi tìm người yêu.”

“Anh ném pao, em em không bắt

Em không yêu, quả pao rơi rồi...”

Khi miêu tả tâm trạng ngân vật Mị trong đêm cắt dây trói cứu A Phủ, Tô

Hoài viết “ đám than đã vạc hẳn lửa”. Đó cũng là thời khắc Mị nhớ lại đời

mình. Ngọn lửa sức sống tiềm tàng như than hồng trong tro đã giúp cô vượt lên

nỗi sợ hãi, hình thành ý định giải cứu A Phủ – dẫu phải trói thay, chết trên cái

cọc ấy, làm sao Mị cũng không thấy sợ. Rồi nhà văn viết tiếp một câu diễn tả

khoảnh khắc sau phút hốt hoảng của Mị: “Mị đứng lặng trong bóng tối”.

Tiếp liền đó, ông đảo trật tự câu tả ở đoạn sau: “Rồi Mị cũng vụt chạy ra.

Trời tối lắm. Nhưng Mị vẫn băng đi”. Đây mới là thời điểm Mị thật sự cắt sợi

dây trói vô hình, tự giải thoát khỏi cảnh nô lệ. Hành động ấy đã khẳng định khát

vọng sống, khát vọng tự do mãnh liệt của nhân vật Mị. Chỉ vài câu văn ngắn

nhưng Tô Hoài đã làm rõ sự thức tỉnh và gặp gỡ của những con người đau khổ,

vượt lên bóng tối đời mình.

Một trong những mặt thành công khác của truyện Vợ chồng A Phủ là xây

dựng ngôn ngữ đối thoại. Tác giả sử dụng những từ ngữ gần với lời ăn tiếng nói

hàng ngày của người dân miền núi.Từ những chi tiết nhỏ nhất như cách xưng

hô “tao- mày”, đến cách nói tự nhiên, mộc mạc không khoa trương, không ẩn ý

cầu kì, thấm đượm tính tình chân chất. Thông thường, tác giả thường dùng

những câu văn đối thoại ngắn, ý rõ ràng, dễ hiểu mang cách đối đáp của người

vùng núi Tây Bắc; đồng thời cũng thể hiện vị thế xã hội, tâm trạng nhân vật.

Đoạn đầu truyên tác giả dựng cuộc đối thoại giữa ba người : thống lí Pá Tra,

bố của Mị, Mị. Dù lời nói của thống lí Pá Tra không hướng về Mị, nhưng nó lại

19

liên quan trực tiếp đến cuộc đời của Mị, nên Mị đã lên tiếng cũng là cách trả lời

thay cho bố.

“Thống lí Pá Tra đến bảo bố Mị:

- Cho tao đứa con gái này về làm dâu thì tao xóa hết nợ cho.

Ông lão nghĩ năm nào cũng phải trả một nương ngô cho người ta, thì tiếc

ngô, nhưng cũng thương con quá. Ông chưa biết nói thế nào thì Mị bảo bố

rằng::

-Con nay đã biết cuốc nương làm ngô, con phải làm nương ngô giả nợ

thay cho bố. Bố đừng bán con cho nhà giàu”.

Khi muốn nhấn mạnh sự vô cảm của nhận vật Mị trước sự đoạ đầy về thể

xác lẫn tinh thần, Tô Hoài đã tạo dựng đoạn đối thoại giữa Mị và A Phủ nhưng

thực chất chỉ xuất hiện một chiều - một mình A Sử nói. Ta theo dõi cuộc đối

thoại sau:

A Sử hỏi:

- Mày muốn đi chơi à?

Mị không nói. A Sử cũng không hỏi thêm nữa.”

Một đoạn đối thoại khác lại diễn đạt sự đối lập giữa A Sử, con thống lí Pá

Tra với A Phủ. A Sử cậy con quan hiếp đáp, phá đám cuộc vui của trai làng. A

Phủ khỏe mạnh, ngang tàng, một mình đã đánh trả lại A Phủ.

“ Bọn kia đứng dồn cả lại, xôn xao:

- Lũ phá đám ta đêm qua đây rồi.

- A Phủ đâu? A Phủ đánh chết nó đi!”

Ta xét thêm một đoạn đối thoại nữa:

“Mị đuổi kịp A Phủ, đã lăn, chạy, chạy xuống tới lưng dốc, Mị nói trong hơi

gió thốc lạnh buốt:

- A Phủ cho tôi đi.

A Phủ chưa kịp nói, Mị lại nói:

- Ở đây thì chết mất.

A Phủ chợt hiểu.

Người đàn bà chê chồng đó vừa cứu sống mình.20

A Phủ nói : “ Đi với tôi”.

Ở đây, nhà văn đã sử dụng câu có sự tỉnh lược cao về các thành phần, phù

hợp tâm trạng lo lắng, hồi hộp của cả hai nhân vật Mị và A Phủ, khi đứng trước

ngưỡng cửa sự sống và cái chết.

Như vậy, nhân vật Mị được xây dựng là nhân vật tâm trạng, còn A Phủ là

của hành động, cho nên nhà văn kiệm các câu đối thoại. Truyện ngắn của Tô

Hoài chủ yếu là sử dụng dạng độc thoại nội tâm để phù hợp tâm trạng nhân vật,

phục vụ cho chủ đề tư tưởng tác phẩm.

* KẾT LUẬN CHUNG

Trong nhà trường phổ thông, môn Văn là môn học luôn thể hiện, khẳng

định được vị trí, vai trò tích cực của nó. Đó là môn học vừa hình thành nhân

cách vừa hình thành tâm hồn cho con người. Trong thời đại hiện nay, dù khoa

học kĩ thuật phát triển rất nhanh, nhưng môn Văn sẽ mãi là môn học lưu giữ

cho tâm hồn con người những gì nhân văn, nhân bản nhất. Sau khi viết đề tài

này, bản thân người dạy và người học sẽ có cái nhìn mới mẻ, tích cực hơn về

phương pháp Đọc – Hiểu văn bản tự sự. Từ đó, tôi tin rằng kết quả học Văn của

học sinh sẽ cao hơn; các em sẽ yêu thích, ham mê môn Văn hơn nữa.

III- HIỆU QUẢ CỦA ĐỀ TÀI

- Trước hết, học sinh đã biết cách Đọc - Hiểu văn bản tự sự theo thể loại,

vận dụng tương đối tốt vào viết bài nghị luận văn học về một phân tích một

đoạn văn, một truyện ngắn.

- Tỉ lệ điểm bài kiểm tra trên trung bình cao hơn trước khá rõ.

- Học sinh hứng thú chuẩn bị bài, hăng say phát biểu xây dựng bài

KẾT QUẢ

KHI CHƯA THỰC HIỆN SÁNG KIẾN KINH NGHIỆM

LỚPTỉ lệ

học sinh

giỏi

Tỉ lệ

học sinh

khá

Tỉ lệ

học sinh

trung

bình

Tỉ lệ

học sinh

yếu

Tỉ lệ

học sinh

kém

21

12A7

(SS 42)9,5 %

(4/42)

16,7 %

(7/42)

31 %

(13/42)

19 %

(8/42)

23,8 %

(10/44)

12 A 9

(SS 41)

12,2 %

(5/41)

32 %

(13/41)

41 %

(17/41)

14,6 %

(6/41)

12,2 %

(5/41)

KHI THỰC HIỆN SÁNG KIẾN KINH NGHIỆM

LỚPTỉ lệ học

sinh giỏi

Tỉ lệ

học sinh

khá

Tỉ lệ

học sinh

trung bình

Tỉ lệ học

sinh yếuhọc sinh

12A7

(SS 42)

14,2%

(6/42)

23,8%

(10/42)

50 %

(21/42)

11,9 %

(5/42)

12 A 9

(SS 41)17 %

(7/41)

34,1 %

(14/41)

37 %

(15/41)

4,9 %

(2/41)

IV- ĐỀ XUẤT, KHUYẾN NGHỊ KHẢ NĂNG ÁP DỤNG

1. Đối với phụ huynh, nhà trường, học sinh:

a. Đối với phụ huynh:

- Quan tâm hơn đến việc học hành của con em mình, đầu tư nhiều về thời

gian cho con cái học tập, không nên để cho các em phụ giúp nhiều công việc

gia đình.

- Phụ huynh nên tạo điều kiện thuận lợi cho con trong việc học và trau dồi

kiến thức Văn (thời gian, mua sách, tìm tài liệu hỗ trợ…).

22

- Phụ huynh nên phối hợp chặt chẽ, thường xuyên với giáo viên bộ môn Văn

để tìm hiểu, nắm bắt kịp thời tình hình học tập của con em mình.

b. Đối với nhà trường, giáo viên, học sinh:

- Ban giám hiệu nên bố trí phòng học, quản lí học sinh, hỗ trợ về vật chất và

tinh thần cho giáo viên Văn trong việc sọan giảng.

- Giáo viên dạy Ngữ văn sẽ tổ chức những buổi sinh họat chuyên đề, ngọai

khóa để truyền tải hết các vấn đề về lời văn nghệ thuật của văn bản tự sự.

- Học sinh chủ động, tích cực phối hợp nhịp nhàng với giáo viên giảng dạy

ở lớp.

2. Đối với Sở giáo dục

- Tổ chức hội thảo chuyên đề cho giáo viên bộ môn Văn trong từng năm để

giáo viên có dịp trao đổi kinh nghiệm, bàn luận tìm ra biện pháp tối ưu, tích cực

nâng cao chất lượng dạy học môn Văn

- Có kế hoạch tham mưu với cấp trên có chế độ đãi ngộ hợp lí đối với giáo viên

giảng dạy phụ đạo thêm cho học sinh yếu kém môn Văn

- Đầu tư trang thiết bị, dụng cụ trực quan, đặc biệt là đầu tư công nghệ thông

tin để hỗ trợ cho giáo viên giảng dạy Văn

3. Đối với địa phương

- Quản lí chặt chẽ các điểm kinh doanh internet và các điểm dịch vụ không

lành mạnh, làm ảnh hưởng đến chất lượng học tập của học sinh

- Quan tâm sát sao, hiệu quả đến chất lượng giáo dục ở địa phương, đầu tư cơ

sở vật chất kịp thời phục vụ cho việc dạy và học.

Việc đưa ra đề tài trên chỉ là kinh nghiệm có tính chất cá nhân được rút ra

trong quá trình giảng dạy của bản thân. Vì thế, đề tài này khó tránh khỏi những

khiếm khuyết và hạn chế nhiều mặt. Rất mong nhận được sự đóng góp ý kiến

chân tình từ phía thầy cô và các bạn đồng nghiệp trong tỉnh.

23

V- TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Cá tính sáng tạo của nhà văn và sự phát triển của văn học, Khravchenko,

Nxb Tác phẩm mới, 1978.

2. Lí luận và thi pháp tiểu thuyết M. Bakhtin, Phan Vĩnh Cư dịch, trường

viết văn Nguyễn Du xb, 1992.

3. Ngôn ngữ trần thuật trong truyện ngắn Việt Nam đương đại, Thái Phan

Vàng Anh, TCSH số 237- 11-2008.

4. Phân tích phong cách ngôn ngữ trong tác phẩm văn học, Đỗ Việt Hùng,

Nguyễn Thị Ngân Hoa, Nxb Đại học sư phạm Hà Nội, 2004.

5. Từ điển tu từ- phong cách - thi pháp học, Nguyễn Thái Hòa, nxb Giáo

dục.

6. Nguyễn Minh Châu và công cuộc đổi mới văn học Việt Nam sau 1975,

Nguyễn Văn Long, Trịnh Thu Tuyết, Nxb Đại học sư phạm, 2007.

7. Nhập môn ngôn ngữ học, Nhiều tác giả (Mai Ngọc Chừ chủ biên), Nxb

Giáo dục, 2007.

8. Phân tích tác phẩm Ngữ văn 12, Trần Nho Thìn, Nxb Giáo dục, 2008.

9. Giáo trình dẫn luận thi pháp học, Trần Đình Sử, Nxb Giáo dục, 2006.

10. Các kiểu kết cấu của truyện ngắn Pháp đương đại, Phạm Thị Thật, Đại

học Quốc gia HN, 2009.

NGƯỜI THỰC HIỆN

24

LÊ THỊ MỸ NGỌC

25